Chương 9

Dịch giả: NGUYỄN VĂN QUANG
Chương VIII
TIẾNG GỌI CỦA PHRĂNG

    
 “ú… ù… ú”
Lần này, tôi nghe thấy. Đấy là một tín hiệu, một tiếng hú gồm hai âm, cao và trầm, mà ngày xưa tôi từng nghe… A, tôi nhớ lại rồi: đó là tiếng hú của cháng Bô-hê-miêng cao lớn khi chàng ta gọi anh bạn trẻ tuổi của chàng ở hàng rào song sắt của trường. Ấy là tiếng hú mà Phrăng đã khiến chúng tôi thề rằng hễ nghe thấy là chúng tôi sẽ đến ngay, dù là đi đâu và bất cứ lúc nào. Nhưng chàng yêu cầu gì, ở đây, hôm nay?
- Tiếng hú từ rừng thông bên trái – tôi khẽ bảo – Nhất định là một người săn trộm.
Giacxmanh lắc đầu:
- Cậu thừa hiểu là không phải.
Rồi hạ giọng hơn, hắn tiếp:
- Họ luẩn quẩn ở đây, cả hai, ngay từ sáng.
“Tớ đã bắt gặp Ganasơ lúc 11 giờ, y đang rình trong một cánh đồng sát nhà thờ nhỏ. Thấy tớ, y chuồn ngay. Họ từ xa đến, có lẽ bằng xe đạp, người lấm tấm đầy bùn cho đến giữa lưng…
- Nhưng họ tìm gì?
- Tớ chịu. Nhưng nhất định phải tống cổ họ đi, không được để họ lởn vởn quanh đây. Nếu không, những trò điên rồ cuồng dại lại bắt đầu.
Tôi cũng nghĩ thế, nhưng không nói ra.
Tôi bảo:
- Hay nhất là tìm gặp xem họ muốn gì và nói cho ta nghe ra lẽ phải…
Lặng lẽ, chậm rãi, chúng tôi cúi rạp người, tiến qua khu rừng thưa, cho đến tận cánh rừng thông bạt ngàn, từ đáy vẫn vọng đến, sau những quãng dừng đều đặn, tiếng hú kéo dài, tự nó chẳng buồn hơn các chuyện khác, nhưng cả hai chúng tôi đều cảm thấy là điềm gở.
Ở phần nầy của rừng thông, nơi nhìn đâu giữa các cách thông cách nhau đều đặn cũng thấy hun hút, thật khó chộp được một người, và cũng khó tiến lên mà không bị phát hiện. Chúng tôi không liều mạng thế. Tôi “chốt” ở một góc rừng. Giacxmanh đến chốt ở góc đối diện, làm sao có thể từ bên ngoài kiểm soát được hai cạnh của tam giác, và không để các chàng Bô-hê-miêng chạy mất mà mình không kịp kêu để họ nghe ra. Cả hai yên vị rồi, tôi bắt đầu đóng vai lính trinh sát yêu hòa bình và cất tiếng gọi:
- Phrăng!...
- … Phrăng! Đừng sợ gì hết. Tôi, Phrăngxoa đây. Tôi muốn nói với anh!...
Môt phút im lặn, tôi toan kêu nữa thì từ giữa rừng thông mà tôi không nhìn thấy thật rõ vọng đền tiếng đáp:
- Ở đâu cứ nguyên đấy. Anh ấy sắp đến gặp.
Dần dà, giữa những cây thông sừng sững cao vút hình như càng xa càng sít vào nhau, tôi phân biệt bóng chàng trai đang lại gần. Chàng ăn mặc lôi thôi và bê bết bùn. Mấy cái cạp (cạp quần để đi xe đạp) vẫn nẹp lấy hai ống quần, một cái mũ cát-két cũ có dải thắt thít lấy cái đầu tóc tai bờm xờm; rồi tôi thấy mặt chàng hốc hác…
Dễ chàng đã khóc.
Chàng lại gần tôi, và quả quyết:
- Anh muốn gì? – chàng hỏi xấc láo.
- Còn anh, Phrăng, anh làm gì ở đây? Sao anh đến quấy nhiễu những con người hạnh phúc? Anh yêu cầu những gì? Hãy nói ra!
Bị hỏi thẳng như vậy, chàng hơi đỏ mặt, chỉ ấp úng được một câu:
- Tôi đau khổ, vâng, tôi đau khổ.
Rồi, gục đầu vào cánh tay, dựa vào một thân cây, chàng bắt đầu nức nở một cách cay đắng. Chúng tôi đã đi vài bước trong rừng thông. Nơi này tĩnh mịch lạ kỳ. Ngay cả tiếng gió vi vu mà các ngọn thông cao ngoài bìa rừng giữ được cũng không có. Giữa các thân cây thông cách quãng nhau đều đặn cứ vang lên, rồi lại tắt đi tiếng nức nở nghẹn ngào của chàng trai. Tôi chờ chàng dịu đi, rồi nắm lấy vai chàng:
- Phrăng, anh đi với tôi. Tôi dẫn anh đến với họ. Họ sẽ đón mừng anh như đón một đứa bé mất tích đã tìm lại được và mọi chuyện sẽ ổn.
Nhưng chàng không muốn nghe gì hết. Vừa nghẹn ngào một cách đau khổ, chàng vừa nói bằng một giọng bướng bỉnh và giận dữ:
- Thế là Môn không đoái hoài đến tôi nữa sao? Tại sao khi tôi gọi, anh ấy không đáp lại? Vì sao anh ấy không giữ lời hứa?
- Kìa Phrăng – tọi đáp – thời thơ mộng với những trò trẻ con qua rồi. Không nên đem những cái ngớn ngẩn làm vẩn đục hạnh phúc của những người mà anh yêu quý. Của chị anh và Ôguyxtang Môn.
- Nhưng chỉ có anh ấy mới cứu được tôi, anh rõ rồi đấy. Chỉ có anh ấy mới có khả năng tìm thấy dấu vết tôi đang tìm. Mới đó mà đã ba năm, Ganasơ và tôi lang thang khắp nước Pháp ma không kết quả. Tôi chỉ còn tin vào bạn. Vậy mà anh ấy không đáp lời tôi nữa. Anh ấy đã tìm lại được hạnh phúc của mình. Vì sao, bây giờ, anh ấy không ghĩ đến tôi? Anh ấy phải lên đường. Chị Yvon sẽ để anh ấy đi… Chưa bao giờ chị ấy từ chối tôi điều gì.
Chàng phô ra trước tôi bộ mặt lấm lem bụi đất, trên đó nước mắt chảy ngoằn ngoèo như những luống cày li ti bẩn thỉu, đó là bộ mặt phờ phạc của một thằng nhãi già câng. Đôi mắt chàng đầy quầng đỏ, cằm tua tủa râu vì lâu chưa cạo hay cạo qua quýt, tóc tai quá dài chớm xuống cái cổ nhờn ghét. Hai tay thọc túi, chàng rét run cầm cập. Trong bộ quần áo tả tơi, chàng không còn là đứa trẻ ngạo nghễ như vua chúa mấy năm xưa. Hết sức chân thật – điều này thì chắc chắn – chàng còn trẻ con hơn bao giờ hết; thích làm oai ngông nghênh, nhưng ỉu xìu ngay tức khắc. thật khó chịu đựng cái tính khí trẻ con này ở một chàng trai phảng phất nét già trước tuổi… Vừa mới đó, chàng tràn đầy bao sức xuân kiêu hãnh mà trò ngông nào trên đời cũng “xong”. Giờ đây, mới đầu người ta không khỏi ái ngại cho thất bại của chàng trên đường đời. sau đó, không thể chê trách chàng về cái vai một nhân vật lãng mạn trẻ tuổi mà tôi thấy chang khư khư cố giữ. Cuối cùng, tôi không sao không nghĩ rằng chàng Phrăng đẹp trai của chúng tôi, người có một mối tình cao đẹp, đã phải bắt đầu trộm cắp để sống, y hệt bạn đồng hành Ganasơ của chàngf. Bao kiêu ngạo đã dẫn đến chỗ đó!
- Nếu tôi hứa với anh – tôi lên tiếng sau khi suy nghĩ kỹ - rằng vài hôm nữa, Môn sẽ “ra trận” vì anh, chỉ vì anh thì sao?
- Anh ấy sẽ chiến thắng, phải không nào? Anh tin thế chứ? – răng chàng va lập cập.
- Tôi cũng nghĩ thế. Anh ấy có thể làm được mọi việc.
- Tôi làm sao để biết? Ai sẽ báo cho tôi?
- Đúng vào giờ này sang năm, anh về đây: anh sẽ gặp cô gái mà anh yêu.
Nói như vậy, tôi nghĩ mình sẽ không làm phiền đôi vợ chồng mới cưới, ngược lại, sẽ dò hỏi bà dì Moanen và chính tôi sẽ khẩn trương tìm ra cô gái.
Chàn lại lộ vẻ thất vọng khi buộc phải nói:
- vâng, chúng ta sẽ cùng đi!
Anh đam đăm ngắm, dĩ nhiên với trái tim nhói đau, cánh rưng bao quanh àm anh sắp phải xa một lần nữa.
- ba ngày nữa, chúng tôi sẽ đi trên những nẻo đường nước Đức – anh nói – Chúng tôi để xe lại cách đây khá xa. Từ ba mươi tiếng đồng hồ rồi, chúng tôi đi bộ không nghỉ. Chúng tôi muốn về kịp trước lễ cưới để đưa Môn đi, cùng tìm người yêu của tôi, như anh ấy từng đi tìm lâu đài Xablonnie…
Rồi, lại nổi cơn con nít:
- Hãy gọi thằng Đơlusơ đến đây – chàng vừa bỏ đi vừa bảo – tôi mà gặp nó thì sẽ kinh khủng đấy.
Cái bóng xám của chàng mất dần trong rừng thông.
Tôi gọi Giacamanh và chúng tôi tiếp tục cuộc canh gác của mình. Nhưng gần như ngay lúc đó, ở đằng kia, chúng tôi nhìn thấy Môn đóng cửa ra vào nhà anh lại, và chúng tôi sững người trước dáng đi rất lạ của anh.