Chương 8
36

    
nh còn gì khác nói không?
Mi nói với nàng về những hoang tàn bị lau sậy lấn chiếm và bị gió dữ dằn của các đỉnh cao quật đập, về những viên gạch vỡ, phủ đầy rêu và địa y, về con tắc kè bò trên một tấm đan rạn nứt.
Mi nói với nàng ngày xưa ở đây vang lên như thế nào tiếng chuông thỉnh sớm và tiếng trống thu không. Khói hương uốn lượn như thế nào, chín trăm chín mươi chín vị sư tăng sống như thế nào ở trong một nghìn căn tăng phòng của ngôi chùa ngày viên tịch, những hội lễ tôn giáo linh đình diễn ra như thế nào.
Mi nói rằng khi khói hương tỏa ra từ vô vàn các bát hương, tín đồ trong vòng vài trăm dặm kéo đến để chính mắt chứng kiến vị sư già ngồi đi lên cõi chân phúc. Thiện nam tín nữ chen nhau trên các ngả đường qua rừng.
Mi nói những lời tụng niệm kinh pháp vang lan ra cả ngoài cổng lớn ngôi chùa. Trong chùa không còn tấm chiếu nào để không. Những người đến sau quỳ ngay xuống đất và những người đến sau nữa thì phải chờ ở ngoài. Đằng sau khối đông đảo các tín đồ không vào nổi lại còn một đám đông bao la nữa đang chen chúc nhau. Đúng là một cuộc tập hợp khác thường.
Mi nói không một tín đồ nào lại không mong được vị lão hòa thượng ban phúc. Mỗi đệ tử hy vọng nhận được chân truyền từ ông ta vì trước khi vào cõi chân phúc viên tịch, bậc đại sư sẽ giảng một hồi Phật pháp. Kinh đường, nơi ông ta đang nồi ở đây lúc này là ở về bên trái tòa Đại Hùng Bảo Điện, lầu tàng giữ kinh pháp.
Mi nói rằng trong sân, trước gian phòng này, hai cây quế đang chính giữa mùa hoa, hoa trắng, hoa đỏ tỏa hương thơm ngát, mặt đất rải đầy chiếu từ gian phòng ra tới sân. Dưới nắng thu êm dịu, các vị sư tăng tâm can yên tĩnh ngồi chờ bậc hòa thượng già giảng dạy lần cuối cùng Phật pháp.
Mi nói bậc hòa thượng ngồi dạng chân co gối ở trên một cái bệ bằng gỗ trầm hương đen, chạm trổ hoa sen, rằng người đang thực hành vô thất, một cuộc thanh tẩy và kiêng nhịn tuyệt đối từ bảy ngày bảy đêm rồi, không ăn không uống, mắt vẫn nhắm, một chiếc áo dài và víu phơ phất trên vai người. Trước bàn thờ, trong các lư đồng chạm trổ, những miếng trầm trắng đang nghi ngút cháy, mùi thơm lan ra khắp gian phòng. Hai đệ tử của người ở bên cạnh người, và khoảng một chục vị sư đã được người chính tay xuống tóc đang kính cẩn chờ ở dưới chân bệ. Tay trái người mân mê lần chuỗi tràng hạt, tay phải người cầm một cái chuông con mà người gõ nhè nhẹ vào nó bằng một thanh đũa nhỏ bằng sắt kẹp ở giữa các ngón tay. Như một dải lụa nhẹ tênh, tiếng chuông bây lên, chờn vờn giữa các lá cờ hiệu treo rủ trong phòng.
Mi bảo rằng lúc đó các vị sư nghe thấy tiếng nói dịu ngọt của vị hòa thượng già: “Đức Phật dạy chúng ta rằng muốn biết đến giác ngộ, ta không nên biết đến Đức Phật bằng dung mạo xác thân của Phật; cái mà ngừơi ta gọi là dung mạo xác thân của Phật chỉ là những hình tượng ảo của xác thân Phật, những hình tượng ta nhìn thấy không phải là dung mạo của Ngài, chúng là sự phủ định của dung mạo Ngài. Điều tôi truyền giáo lại các vị là rằng ngay cả điều Phật nói cũng vừa không thể chấp nhận vừa không thể truyền giáo, điều không thể truyền giáo và không thể chấp nhận nhưng lại không thể không chấp nhận, đó là điều ta tryền giáo cho các người, đó là đại pháp mà Phật truyền giáo cho các người, các ngươi có hỏi gì không?”.
Mi nói rằng trong đám đông tín đồ đệ tử, chẳng ai hiểu nghĩa của các lời ông giảng nhưng chẳng dám hỏi ông. Với hai đệ tử trông nom ông ở hai bên trái phải, đây là việc khó khăn nhất. Từ bảy hôm nay họ không dám rời ông một lúc, im lặng chờ sư phụ cho ra các ý định và huấn chỉ của ông. Trên bát hương, cây hương cuối cùng đã cháy hết. Cuối cùng, đệ tử thứ nhất bèn mạnh bạo lên. Ông tiến lên một bước, quỳ gối rồi hai tay chắp lại khấu đầu: “Đệ tử của sư phụ có một câu hỏi nhưng không biết có nên đặt ra không”.
Vị hòa thượng già khẽ mở mắt, hỏi câu hỏi là gì. Người đệ tử ngẩng đầu, nhìn chung quanh một lượt và hỏi: “ Trước khi tới Niết Bàn, sư phụ sẽ truyền huấn chỉ cho một người kế tục không?” Mọi người đều hiểu: sư phụ tuyệt đối phải chỉ định một vị kế tục để trông nom tu viện rộng như thế này với ngần này những đồ đồng, hương nến. Làm sao một vị đại sư phụ như người đây lại không có ai thay thế?
Đại sư phụ gật đầu, cầm bát đựng các của bố thí đeo ở trước ngực và nói:”Nhà ngươi cầm lấy cái bát này…” Hương đã cháy hết, những cuộn khói cất lên trên không thành những vòng tròn méo trước khi tan loãng. Quả chuông bằng sắt nặng sáu tấn của chùa Đại Pháp Bảo, đúc trong niên đại Trấn Nguyên nhà Đường bắt đầu vang lên, có tiếng trống đệm theo. Trong gian phòng để kinh pháp, các nhà sư vội gõ vào các con cá gỗ và các hòn đá phát ra âm thanh. Hiểu rằng đại sư phụ đã truyền thụ huấn chỉ và chỉ định người kế tục, đám đông tụng kinh và niệm Nam mô A di đà Phật.
Nhưng hai người đệ tử thứ nhất vẫn còn phân vân, họ đã không nghe thấy sau câu “Cầm cái bát này”, đại sư phụ còn nói thêm “và đi khuất thực”. Họ chỉ thấy môi sư phụ mấp máy nhưng cả hai chẳng ai thu nhận được huấn chỉ của Người. Cả hai cùng chìa tay ra để nắm lấy cái bát đựng đồ bố thí rồi chẳng ai muốn bỏ tay. Cuối cùng cái bát vỡ. Hai người ngẩn ra bàng hoàng. Họ hiểu ý sư phụ là như thế nào nhưng không dám nói. Chỉ vị cao tăng mới nhận thấy rằng ngôi chùa một ngày nào đó sẽ sụp đổ thành hoang phế. Không chịu đưng hơn nữa viễn cảnh đó, ông nhắm mắt lại, ngồi nhập thiền hư vô trên chiếc ghế hình hoa sen, hai tay bắt chéo, ông lặng lẽ tập trung chú ý vào huyệt “mệnh môn” và chấm dứt sự tồn tại của bản thân bằng ý chí của chính mình.
Mi nói chuông trống vang lên như thế nào trong phòng kinh pháp và ở bên ngoài. Bên trong, các sư tăng đồng thanh tụng kinh, tiếng tụng kinh lan ra đến tận ngoài sân. Ở đấy, đám đông các sư tăng cùng tụng lại cho tới ba gian phòng và hai bên cánh chữ môn rồi tới tận bên ngoài chùa, nơi các tín đồ chen chúc nhau với những võng kiệu, lừa ngựa của họ. Không muốn là người ngoài cuộc, các tín đồ không lọt vào được tòa nhà đã niệm váng lên Nam mô A di đà Phật, niệm to đến nỗi ở trong chùa ngừơi ta cũng nghe thấy!
Các sư tăng khiêng cái chum lớn ở trong đặt vị cao tăng đã vào cõi chân phúc, cờ Phật bằng gấm thêu bộ tống đi, hai đệ tử thứ nhất hoa phát trần mở đường và rẩy rượu để thanh tẩy cho linh hồn và xác thân, còn đám đông tín đồ thì ra sức nhào vào trong ngôi chùa để có duyên phúc chiêm ngẫm hình hài của đại sư phụ đã chết. Những người nhìn thấy kêu lên: “Ô hô, hỡi ôi!”, những người không được nhìn thấy thì kích đông đến cực điểm, họ kiễng lên đầu ngón chân chen đẩy nhau, mất mũ mất giầy, đánh đổ lư hương, bát hương, chẳng bận tâm gì đến cái nơi trang trọng này nữa.
Nắp chum đậy lại rồi, chum được đem đặt lên một đống củi trước Đại Hùng Bảo Điện rồi trước khi châm lửa, một chầu tụng kinh cho linh hồn siêu thoát bắt Đầu, không thể để thiếu một lễ thức nào, một sơ xuất nhỏ là không thể quan niệm nổi nhưng chẳng có ngôi chùa nào lại có thể chứa được hàng chục nghìn con người chen chúc, xô đẩy như thế, những gã khỏe mạnh nhất cũng không cuỡng lại được làn sóng của đám đông, những người bị đẩy bị giẫm xéo kêu lên rất thảm thương! Không ai có thể nói được lửa bắt cháy từ đâu, bao nhiêu mạng người chết cháy hay xéo nát, liệu có còn những người chết vì ngạt thở hay vì bỏng hay không, dẫu sao, lửa đã kéo dài ba ngày ba đêm trước khi đấng Hoàng thiên trên kia, mủi lòng thương, cuối cùng đã cho một trận mưa phúc đức sau đó chỉ để lại một bãi rộng tro tàn nghi ngút khói mà thôi. Sau thảm họa này, còn lại chỉ là những đổ nát, những tấm bia vỡ làm đối tượng nghiên cứu cho các thế hệ háo sự mai sau.

37
Đằng sau bức tường đổ, bố, mẹ, bà ngoại ta đã chết cả đều ngồi chờ ta ăn cơm. Bây giờ ta đã phiêu bạt khá nhiều, không về nhà đã khá lâu. Ta thèm được ngồi ăn cùng các vị nói chuyện nhà chuyện cửa như những ngày bác sĩ chuẩn đoán ta bị ung thư ta đến ở nhà thằng em út, hai anh em trong bữa ăn nói những chuyện chỉ nói được với nhau trong gia đình. Thời ấy, vào bữa ăn, đứa cháu gái ta luôn muốn xem truyền hình, nó không biết rằng các chương trình truyền hình đều là đánh phá ô nhiễm tinh thần, các ngôi sao của giới văn hóa lên giải thích cho tất cả mọi người, lần lượt từng vị bày tỏ lập trường, nhắc lắp lại lời lẽ của các văn kiện chính thống. Đấy không phải là các tiết mục trẻ con muốn xem và dĩ nhiên chẳng thích hợp mấy với sự ăn uống. Ta đã chán các tin tức của đài phát thanh, báo và truyền hình, ta chỉ ao ước được trở lại với đời sống của chính bản thân ta, được nói đến quá khứ đã bị lãng quên của gia đình, chẳng hạn như về người cụ tổ bốn đời bị điên, cụ chỉ một lòng thèm khát làm quan và vì thế đã cúng tất cả tài sản, hẳn một dãy phố, chẳng móc ra nổi thậm chí một nửa cái ghế viên chức, rồi cụ hóa điên khi hiểu ra cụ bị người ta lừa. Lúc đó cụ phóng hỏa thiêu ngôi nhà cuối cùng, ngôi nhà cụ đang ở, lúc chết cụ vừa qua, trẻ hơn ta bây giờ. Cái tuổi ba mươi mà Khổng Tử lão phu gọi là tam thập nhi này nên nói vẫn cứ là cái tuổi mong manh dễ sa phải  bệnh tâm thần phân liệt. Em trai ta và ta chưa bao giờ xem ảnh cụ cố bốn đời, có lẽ ở thời cụ chưa có nhiếp ảnh đưa vào Trung Quốc  hoặc là đưa vào rồi nhưng mới chỉ để dành cho hoàng tộc mà thôi. Nhưng em và ta đã ăn những món ăn tuyệt vời ngon cụ tổ bà nấu, món để lại ấn tượng mạnh nhất là món tôm say rượu, thịt tôm còn nảy lật bật khi người ta cho nó vào trong miệng. Trước khi ăn một con, chúng ta phải lấy hồi lâu dũng khí. Ta còn nhớ rằng cụ tổ sau một cơn trúng phong đã bại liệt, về thuê một căn nhà cũ kỹ của nông dân để tránh các cuộc ném bom của Nhật. Ông nằm miết trong gian chính trên một chõng tre dài, khuôn mặt mang vòng hào quang của bộ tóc bạc trắng được gió ùa vào qua cửa mở rộng làm cho phất phơ bay. Mỗi khi có báo động phòng không, ông rúm người lại vì kinh hoàng. Mẹ ta bảo rằng mẹ chỉ có thể nhắc đi nhắc lại không ngơi vào tai ông rằng Nhật khôn có đủ bom, chúng còn phải để dành bom cho các thành phố. Vào thời ấy, ta còn bé hơn đứa cháu gái bé của ta bây giờ, ta vừa mới tập đi. Ta nhớ rằng để đi ra sân sau, phải bước qua một ngưỡng cửa rất cao và ngoài đó lại còn phải xuống một bậc tam cấp nữa. Ta không thể một mình qua cái ngưỡng cửa, cái sân với ta luôn luôn là một nơi bí ẩn. Trước cửa ra vào là sân đập lúa, ta nhớ ta đã cùng với trẻ con nông dân lăn lộn như thế nào trong rơm đang phơi. Trong dòng nước êm ả của con sông chạy dọc theo sân đập lúa, một con chó con đã bị chết đuối. Ta không biết có phải một kẻ bẩn thỉu nào đã ném nó xuống nước hay tự nó chết đuối, nhưng các xác của nó nằm lại lâu trên bờ. Mẹ ta dứt khoát cấm ta chơi đùa ở bờ sông, ta chỉ có thể theo người lớn đến đó đào cát lấy nước. Họ đào những cái lỗ trên bãi sông, chắt nước từ trong cát.
Ta hiểu rằng ta đang được  một thế giới người chết vây quanh, rằng sau bức tường đổ này là những người thân đã chết của ta. Ta thèm quay trở lại với họ, cùng ngồi bàn ăn, nghe những điều lặt vặt nhất, ta thèm nghe tiếng nói của họ, nhìn thấy ánh mắt của họ, ngồi thật với họ ở bàn dù ta không ăn. Ta biết rằng ở dưới âm, ăn uống là một tượng trưng, một thứ nghi lễ mà người sống không được hưởng, ngồi cùng bàn nghe ké họ cũng là niềm hạnh phúc rồi. Ta bèn thận trọng đi đến gần họ, nhưng hễ ta vượt qua bức tường đổ là họ lại đứng lên, lặng lẽ biến mất vào sau một bức tường đổ khác. Ta nghe thấy xa dần tiếng chân của họ bước không ra tiếng động, thậm chí nhìn thấy cái bàn họ để lại. Trong giây lát, cái bàn phủ đầy rêu non mơn mởn, nứt ra và đổ sụp xuống trong đống đá hỗn độn, giữa các khe nứt, những ngọn cỏ dại lập tức mọc lên. Ta cũng biết họ đang bàn luận đến ta ở trong một căn nhà đổ nát khác, không tán thành hành vi của ta, lo lắng cho ta. Thật ra ta có cái gì để cho họ phải bận tâm đâu, nhưng họ vẫn cứ phải lo lắng, có lẽ người chết thường thích bận lòng cho người sống, ta nghĩ. Họ đang lén bàn với nhau nhưng thấy ta áp tai vào bức tường đá ẩm ướt phủ đầy rêu họ lại im bặt, lấy mắt thay lời, nói ta không thể sống như thế này mãi, ta cần một gia đình bình thường, một người vợ hiền trông nom cơm nước cho ta, cai quản ngôi nhà, sở dĩ ta bị một bệnh nan y thì đó chỉ là do sự ăn uống của ta không thích đáng. Họ bàn mẹo can thiệp thế nào vào đời ta, ta cần phải nói rằng họ không phải lo lắng, đến tuổi trung niên, ta có lối sống riêng của ta, lối sống ấy ta tự lựa chọn lấy, ta không thể quay trở về nẻo đường họ đặt ra cho ta. Ta không thể giống như họ, hơn nữa, đời họ vị tất đã tốt nhưng ta không thể ngăn ta nghĩ đến họ, ta muốn nhìn họ, nghe tiếng nói của họ, nói với họ về quá khứ trong trong ký ức. Ta muốn hỏi mẹ ta có phải mẹ đã đưa ra đi thuyền trên sông Tương Giang không. Ta nhớ đến con thuyền gỗ với cánh buồm bằng phên tre, người chen chúc trên thuyền, ngồi trên những ghế dài ở hai bên khoang, đầu gối đụng vào gối. Qua cánh buồm, có thể thấy nước sông sắp tràn qua thành thuyền. Con thuyền không ngừng tròng trành nhưng không ai nói năng, ai cũng làm bộ như chẳng có gì hết cho dù tất cả đều đã nhận thấy con thuyền quá tải đang có nguy cơ lật úp đến nơi. Không ai muốn đối mặt với sự thật. Cả ta, ta cũng làm bộ như chẳng có chuyện gì, chẳng khóc lẫn nhớn nhác, cố không nghĩ đến tai họa có thể xảy ra bất cứ luc nào. Ta muốn hỏi mẹ xem có phải đây cũng là chạy loạn không? Nếu ta thấy lại loại thuyền này trên sông Tương Giang thì kỷ niệm kia là thật. Ta còn muốn hỏi mẹ có phải để trốn thổ phỉ đã phải nấp vào trong chuồng lợn không? Hôm ấy, thời tiết giống hôm nay. Trời mưa bụi, lúc lên núi, xe quẹo gấp đã đổ sang một bên, người tài xế không ngừng than thở giá tay lái của ông vững thì đã không xa hố. Ta nhớ đó là hai bánh bên phải xe vì rằng sau đó, những người ngồi trên xe đều phải xuống và mang hành lý sang phía bên trái của con đường, ở sườn núi, rồi tất cả đến đẩy nhưng bánh xe cư tiếp tục quay trượt trong trong bùn, vô hiệu. Chiếc xe được trang bị một cái lò đốt bằng than củi vì còn chiến tranh, các xe dân sự không chạy bằng xăng. Để nổ máy, trước hết phải quay dữ dội một cho đến khi xe đánh rắm mới khởi động. Thời ấy, xe cộ cũng như con người, chúng chỉ thấy dễ chịu khi trút vợi được các hơi khí ậm ạch trong bụng, nhưng lần này ngay cả khi đã rắm rít rồi, chiếc xe cũng vẫn chỉ quay tít bánh và hất bùn vào đầu mặt những người đang đẩy nó mà thôi. Người tài xế cố sức ra hiệu với các xe đi qua nhưng không cái nào muốn dừng lại để chữa giúp. Vào giờ này, trời đã tối lắm, họ chỉ nghĩ tới chuyện lánh nạn. Chiếc xe cuối cùng sạt vào thành xe chạy qua, những chiếc đèn pha vàng vàng của nó sáng ánh lên như mắt một con thú hoang. Sau đó, hành khách bất chấp mưa leo dốc, lần mò trong đêm tối, không ngừng trượt chân lên đường núi lầy lội, người sau túm lấy áo người đi trước. Đó là một đoàn chỉ toàn các ông già, phụ nữ và trẻ con. Đoàn người, cuối cùng cực nhọc đến được một căn nhà nông dân không ánh sáng, bên trong không ai chịu mở cửa. Mọi người chỉ có thể chen nhau trong bãi nuôi lợn để tránh mưa; tiếng súng không ngừng nổ ở trong núi, những ánh đuốc loang loáng. Chắc có cướp. Cái sợ làm cho không ai nói một lời.
Ta băng qua những bức tường đổ nát, đằng sau, chỉ có một bụi hoàng dương lá bé như ngón út, đang run rẩy trong gió ở giữa những căn nhà phá hủy, không mái. Trước mặt, còn lại một nửa cửa sổ, có thể tì lên đó nhìn ra ngoài. Giữa các túm đỗ quyên và trúc-mũi tên hiện ra các tấm đá phủ một lớp rêu mà nhìn từ xa có vẻ rất mềm mại, giống một người thân nằm dài, đầu gối co, tay giang. Trên mái vàng của ngôi chùa ngày xưa gồm hàng nghìn điện thờ và tăng phòng, gió núi hung dữ đã làm hỏng những viên ngói kim loại. Các tăng ni rất đông, đi theo hoàng phi thứ chín của phụ hoàng hoàng đế Vạn Lịch nhà Minh đã đến đây tu hành. Hương khói và chuông thình nhật buổi sáng, trông thu không buổi chiều, không thể đã không để lại dấu vết. Ta muôn tìm một di vật thời đó nhưng ta chỉ làm được có mỗi việc lật một mảnh bia vỡ lên mà thôi. Năm trăm năm, những ngói sắt thép kia lẽ nào lại không han gỉ hết cả hay sao?

38
Còn nói gì nữa?
Nói rằng năm trăm năm sau, ngôi chùa cổ hoang phế đó trở thành sào huyệt của bọn cướp ngày ngủ, đêm xuống núi vào các làng mạc cướp bóc. Và chính ngay dưới chân núi có con gái của một viên chức sống trong nhà tu của các ni cô. Nàng tu Phật ở đó nhưng không làm sư. Để chuộc các lỗi lầm của quá khứ, nàng chong chong canh các ngọn đèn dầu. Nhưng nàng đã lọt mắt tên chùm cướp, hắn bắt cóc nàng và ép nàng làm vợ. Thà chết chứ không nghe theo, nàng đã bị hãm hiếp rồi chặt đầu.
Còn nữa chứ?
Trở lên một nghìn năm trăm năm về trước, thời không có dấu vết chùa chiền nào, duy nhất chỉ có một gia lều cỏ, một danh sĩ treo ấn cởi mũ đi ở ẩn. Ngày ngày khi vừng đông lóe rạng, ông quay về phương đông hít thở, hít cái tinh của tử vi vào rồi vươn cổ thở ra hồi dài. Âm thanh trong trẻo của ông vang lên trong lũng nhỏ hoang vu, những con vượn leo lên vách đá dựng đứng hót vọng lại. Tình cờ một chốn quen biết đến thăm, ông mời người ấy trà thay rượu, lấy ra một bàn cơ hay trò chuyện dưới trăng. Tuổi già nó đến cũng coi chuyện thường. Tiều phu đi qua, nhìn ông từ xa và ông vào truyền thuyết. Nơi ấy giữ lại tên Vách đá Ông tiên là như vậy.
Và còn nói gì nữa nhỉ?
Nói rằng một nghìn năm trăm bốn mưới bảy năm về sau đó, ngoài núi có một quân phiệt quá nửa đời binh mã sinh nhai cuối cùng làm tới quân trưởng thì về quê làm lễ cúng giỗ tổ tiên. Để ý người đầy tớ gái của mẹ, ông đã chọn một ngày lành cưới nàng làm thiếp thứ bảy, tính theo thứ tự trước sau. Ngạo mạn tỏ bề thế với dân sở tại, ông mở một bữa tiệc một trăm linh mốt bàn. Bạn thân chen nhau quanh các bàn ăn, dĩ nhiên là tán tụng, lễ vật cúng tặng, rượu há lại uống không sao? Đúng lúc mọi người chúc tụng nhau thì hiện ở cửa một người ăn mày, quần áo tả tơi, đầu tóc chốc ghẻ. Người canh cổng cho hắn một bát cơm nhưng hắn không đi, muốn bằng mọi giá chúc phúc tân lang. Nổi lôi đình, viên tướng ra lệnh cho phó quan đuổi đi bằng những báng súng. Giữa đếm trong khi mọi người yên ngủ và vị tân lang đang có những giấc mơ tuyệt vời thì ai hay lửa đã nổi lên ở bốn góc tòa dinh cơ, tiêu hủy gần như quá nửa tổ nghiệp của viên tướng để lại? Một người nói cái này là Tế công Phật sống ra pháp thuật thay trời hành đạo trừng phạt kẻ ác. Lại cón người nói người ăn mày đã dẫn đầu một toán vô lại trăm dặm quanh vùng gây tội ác này. Viên tướng thiếu lễ độ với hắn, nửa đêm canh ba hắn liền sai thuộc hạ ném qua tường cao những cuộn hương vòng đã cháy vào các đống cỏ khô và củi. Đại tướng quân, đứng đầu cả nghìn binh mã mà không thể tự vệ trước kẻ vô dụng kia. Cái này minh họa rất hay cho ngạn ngữ cổ: "Mãnh long không thắng nổi con rắn dưới đất".
Và nữa chứ?
Nửa thế kỷ sau, tuy vùng núi này biệt lập và khắc nghiệt, nơi đây vẫn không bao giờ được yên do cac rối loạn do con người gây ra. Con gái của vị chủ tịch mới lên của ủy ban cách mạng huyện, một cô gái xấu xí, thế nào lại để mắt tới người người cháu nội của một địa chủ cũ. Không nghe lệnh bố, khăng khăng ngoan cố kết hôn, lén ăn cắp trong ngăn kéo tem phiếu của bố mười chín cân lương thực và một trăm linh bảy nguyên tiền mặt. Cả hai trốn vào núi, ngỡ có thể sống lần hồi bằng trồng trọt. Ngày ngày tuyên truyền đấu tranh giai cấp, nhìn thấy con gái ruột chuồn đi với con cháu địa chủ, làm sao người bố lại không nổi được lôi đình? Ông ra lệnh cảnh sát in phát đi ảnh đôi trai gái, thông báo toàn huyện. Cặp trai gái non trẻ kia làm sao mà thoát được vũ trang tự vệ lùng sục? Cái hang của họ bị bao vây. Anh con trai nông nổi đã chặt cổ trước người vợ chưa cưới bằng một cái rìu lấy cắp rồi sau đó tự chặt cổ cũng bằng rìu.
Nàng nói muốn nhìn thấy máu. Nàng muốn châm kim vào ngón tay giữa, mười ngón tay là liền với tim mà như thế cùng lúc làm luôn cho tim nàng đau nhói. Nàng muốn thấy máu phọt ra, vồng lên, chảy tràn ra, nhuộm đỏ tất cả các ngón tay nàng cho tới khi tới chân ngón tay, chảy giữa các kẽ dọc theo đường chỉ tay nàng cho tới tận chính tâm lòng bàn tay, lưng bàn tay nàng cũng đầm đìa máu.
Mi hỏi nàng vì sao.
Nàng nói đó là kết quả mi đè nén nàng.
Mi nói cái sức đè nén đến từ chính tim nàng.
Nhưng cũng là do anh.
Mi nói mi chỉ kể chuyện, không có làm cái gì khác.
Nàng nói những điều mi kể làm nàng buồn, làm nàng không thở được.
Mi hỏi liệu nàng có chút nào bệnh hoạn.
Bệnh họa cũng là do anh tạo ra!
Mi nói mi không hiểu mi đã làm cái gì.
Đạo đức giả thế! Nàng nói, rồi cười rũ rượi.
Mi không thể không hơi sờ sợ nhìn nàng, mi thừa nhận mi đã muốn kích thích ham muôn của nàng, nhưng máu của một người đàn bà chỉ có thể làm cho mi phản cảm.
Nàng nói đúng là nàng muốn cho mi nhìn thấy máu, làm cho máu chảy trên cổ tay nàng, rồi trên cánh tay nàng, dưới nách, trên ngực nàng, nàng muôn máu tươi của nàng chảy ngang ngực trắng ngần của nàng, mọt màu máu thẫm màu có các anh ánh tím bầm và đen, nàng ngập ở trong cái máu tím đen đó, để cho mi không nhìn không được.
Nàng nói nàng muốn chết đuối, chìm vào nơi sâu nhất, nàng không hiểu tại sao lại có một thèm muốn mạnh như thế, cac con sóng vùi nàng, nàng thấy mình nằm trên bãi cát, các con sóng che phủ người nàng, bãi cát chưa hút cạn hoàn toàn, một con sóng mới không thể cưỡng nổi lại dâng lên, nàng muốn mi đi vào thân xác nàng, mi vần nặn nàng, mi cào xé nàng, không được thương, nàng nói nàng không biết thẹn đâu, nàng không sợ nữa, nàng đã sợ, nhưng nàng nói nàng sợ chứ thật ra không sợ, nhưng nàng cũng sợ sa vào cái vực đen ngòm kia, không ngừng trôi dập dềnh ở trong đó, nàng muốn chìm đi, nàng nói nàng thấy thủy triều đen nhè nhẹ dâng lên từ các vực không thể dò thấy đáy, sóng bạc đầu sầm sì nuốt chửng nàng hoàn toàn, nàng nói nàng sướng từ từ, nhưng một khi đã sướng thì không sao ngừng lại được, nàng không hiểu tại sao nàng lại có thể trở thành không thỏa mãn được như thế này, a, nàng muốn mi bảo nàng phóng đãng, nàng muốn mi bảo bàng không phải là phóng đãng, nàng chỉ như thế với mi mà thôi, nàng chỉ cảm thấy nhu cầu ấy với mi thôi, nàng nói nàng yêu mi, nàng muốn mi cũng nói mi yêu nàng, nhưng mi không bao giờ nói câu ấy, mi thật là lạnh, cái mi muốn chỉ là đàn bà nhưng cái nàng muốn lại là tình yêu, nàng có nhu cầu cảm thấy tình yêu ở toàn thân, ở tim gan nàng, cho dù có phải xuống địa ngục với mi, nàng cầu xin mi chớ có bỏ nàng, đừng bao giờ hắt hủi nàng, nàng chỉ sợ cô đơn, chỉ sợ trống trả, nàng biết tất cả các cái đó đều là tạm thời, chỉ muốn tự lừa dối, mi không biết nói những điều làm cho nàng vui được ư? Bịa ra cho nàng một chuyện để cho nàng vui?
Ồ, họ rất vui, mặt đối mặt, ngồi dạng cẳng, đầu gối gập lại trên chiếu. Những món ăn bày đẹp đẽ trước mặt họ, tiết canh lợn đen, đậu phụ trắng, ớt ngọt đỏ, đậu lông xanh, đùi lợn muối với xì dầu, sườn hấp, thịt lợn béo luộc, rượu uống bằng những cái bát to tướng.. Cả làng ăn Tết nguyên đán, một nhát giết chín con lợn, ba con bò, mở mười vò rượu lâu năm. Mặt mày đỏ ửng, mũi bóng nhờn. Ông già trưởng xóm trại què cẳng đứng lên gào to, giọng khàn như tiếng gà trống: "Tại sao lại để người lạ đốt rừng rồi trồng ngô trên núi Mã Hoa, nó là núi củi truyền từ bao nhiêu đời ấy?" Răng rụng hết, ông vừa nói vừa phun phè phè nước bọt. Chớ nên nghĩ rằng trong làng họ chỉ còn sống những ông già tiều tụy, khô như rơm như rạ, chớ nên nghĩ rằng dân làng đây dễ cho người xúc phạm. Bây giờ, cho dù các cụ không thể mang đòn gánh bịt sắt ở đầu cũng như súng thì con cháu của cái làng này không phải là những hạt giống tồi đâu?
"Kìa, mẹ thằng Đại Bảo, chị không thể kéo chân sau thằng con nhà chị ra để cho nó lớn lên hay sao?" Lắc lắc chiếc vòng bạc đeo ở cánh tay, người đàn bà đáp lại" "Im đi, ông lão, tất cả dân làng đều thấy thằng Đại Bảo nhà tôi lớn, thằng con tôi bị bên ngoài khinh rẻ và làm trò cười ở trong làng; đừng trách nó, trong lắm gia đình người ta chỉ đẻ con gái, không có đến con trai đâu!"Nghe những câu này, những người đàn bà nổi đóa: "Kìa, mẹ thằng Đại Bảo, sao lại bẻ sang chuyện khác thế nhỉ?" Nếu dân làng không thể vươn thẳng lưng lên ở bên ngoài thì làm sao mà giữ nổi thể diện chứ? Bọn trẻ cũng đỏ gay gắt vì kích động, phanh áo ra vỗ ngực. Trưởng làng, súng trong tay này không biết nhịn là thế nào nhá! "Xin tuân lệnh, thủ trưởng, hãy cử riêng bọn tôi lên tuyến đầu nếu các bà chị dâu chúng tôi nhốt các ông anh chúng tôi ở nhà!" Nghe câu này, những người đàn bà trẻ nổi cơn lôi đình, quát lại bọn họ: "Lông trên mép chẳng có đã biết mỉa mai rồi ư? Nếu bố mẹ các cậu sẵn sàng hy sinh cho các cậu đi thì chúng ta lẽ nào lại không hả?" Một người đàn ông đứng phắt lên, hai mắt tròn xoe. "Kìa, thằng nhỏ, trong làng chưa đến lượt mày phát ngôn đâu!" Em còn nghe không đấy.
Tiếp tục đi, nàng nói nàng chỉ muốn nghe tiếng mi.
Mi tỉnh táo lại rồi kể đám đông bèn vỗ tay như thế nào. Người bị nói ngẩn ra lập tức túm lấy một con gà trống, chạt phăng cổ nó. Cánh con gà còn đập. Máu nóng được pha vào rượu ở trong một cái bát. Hắn nói to: "Ai không uống sẽ chịu để chó nó khiến" "Những đứa nào không uống sẽ chịu để cho chó khiến!" Đàn ông xắn tay áo lên, di di lên bãi đờm ở trên mặt đất mà thề với nhau có trời xanh chứng giám. Mắt đỏ quạch, họ quay về để lấy công cụ. Người mài dao, người lau chùi vũ khí. Bố mẹ già mỗi gia đình thắp đèn lồng lên, đào một cái hố ở bên cạnh một tổ. Đàn bà ở lại giữ nhà, họ cắt những phướn giấy sẽ được mang đến đầu các nấm mồ với những cái kéo họ đã dùng để sửa tóc ngày cưới và cắt rốn ngày họ đẻ con. Tảng sáng, khi sương mù ban mai sắp hiện ra, ông già cà nhắc nện trống ầm ầm. Đàn bà lau nước mắt ra khỏi nhà, rình phía cổng làng, nhìn cánh đàn ông, dao trong tay và súng trên vai gõ chiêng. Họ lớn tiếng hô to rồi xông xuống núi, vì tổ tiên, vì thị tộc, vì đất đai và rừng núi, vì con cháu, họ nổ súng giết nhau rồi len lén tha các xác chết về. Sau đó đàn bà lại bắt đầu than khóc kêu trời gọi đất. Rồi yên tĩnh lại trở lại. Tiếp theo là cày bừa, gieo cấy, thu hoạch và đập lúa phơi phóng. Mùa xuân qua đi, mùa thu tới, mùa đông kế tiếp mùa đông, khi các nấm mồ cỏ dại mọc lấn, gái gáo vụng trộm với đám trai trẻ, bọn mồ côi lớn khôn thành người, nỗi đau buồn bị quên khuấy đi, chỉ còn ghi lại trong trí óc cái sự vẻ vang của tổ tiên. Cho tới một tối giao thừa, trước khi cúng tổ tiên, người già mới bắt đầu kể lại mối hận truyền đời của gia đình, bọn trẻ lại bắt đầu uống rượu, bầu máu nóng của chúng lại phừng phừng dâng lên…
Mưa rơi không ngừng, cả đêm, ngọn lửa bé dần để chỉ còn giống như hạt đỗ, hoa đỗ sáng ánh lên với một cái mầm ngăn ngắt xanh ở chính giữa. Cái mầm phát triển, bông hoa càng tóp, mầu của nó càng sậm, chuyển từ vàng nhạt sang đỏ da cam. Thình lình ánh sáng chạy trốn khỏi cai bấc, bóng tối trở thành dày đặc hơn, tựa như sáp nến bị đông cứng, làm biến mất đi ánh sáng run rẩy của ngọn lửa. Mi dịch ra khỏi cái thân nóng hổi của người đàn bà ngủ sát vào mi rồi mi nghe tiếng mưa gõ tí tách trên các lá cây. Gió hú buồn trong lũng qua các cành thông. Các mái có móc ngọn đèn dầu bắt đầu dột, nước mưa rơi xuống tận mặt mi. Mi co rúm lại trong túp lều tranh cất bằng lau sậy khô dùng làm nơi trông coi núi. Mi ngửi thấy một mùi mốc của cỏ rữa nhưng cũng lại cả một hơi thở ngọt ngào thơm.

39
Ta phải rời cái hang này, độ cao ba nghìn hai trăm mét, lượng mưa hằng năm ba nghìn bốn trăm milimet, hai ngày đẹp trời mỗi năm, gió hú gào mỗi giây thổi hơn một trăm mét: đỉnh dãy núi Ngũ Lĩnh, ở địa đầu của bốn tỉnh Quý Châu, Tứ Xuyên, Hồ Bắc và Hồ Nam. Gió thù nghịch và lạnh buốt. Ta phải quay trở lại với khói lửa cõi người, tìm lại mặt trời và hơi nóng, niềm vui, đám đông, cảnh náo nhiệt; những dăn vặt mà chúng bắt ta chịu đựng muốn gì đi nữa vẫn cứ là sinh khí con người.
Ta đi qua Đồng Nhân với các con phố nhỏ cổ xưa bị lèn chặt vào nhau, với những mái chìa từ các ngôi nhà phủ ra tận tâm phố. Người đi bộ không ngừng bị thúng mủng rổ rá bằng tre của những người đi qua xô đẩy. Ta không nấn ná mấy ở đây, gặp dịp liền đáp luôn xe khách đường trường. Ngay chiều hôm đấy, ta đến một trạm xe đường trường tên là Ngọc Bính. Cạnh đó, người ta mới xây những quán trọ tư nhân nho nhỏ. Ta thuê một gian tý xíu có cái giường cá nhân là đồ đạc duy nhất. Muốn hiểu sát nhưng nếu buông màn thì ta chết ngạt. Bên ngoài vang lên tiếng nhạc quá mạnh trộn lẫn với tiếng chuyện trò có xen cách quãng bằng tiếng khóc, tiếng gào nghe mà sởn gai ốc. Người ta chiếu phim ở ngoài trời trên sân bóng rổ, đều là loại phim kể những chuyện tràng giang đại hải, bi thảm, vui vầy, chia ly, sum họp, với nhiều chương hồi bất tận.
Hai giờ sáng, ta lên xe lửa đi Khải Lý. Tảng sáng, ta đến thù phủ khu tự trị Mèo.
Ta tìm hiểu cac lễ hội thuyền rồng diễn ra ở Thi Động, một làng Mèo. Mộ cán bộ của Ủy ban dân tộc thiểu số tiểu khu giải thích với ta từ cả chục năm, năm nay lễ hội mới mở lại lần đầu. Hơn mười nghìn người Mèo, đôi khi từ các làng núi xa nhất sẽ xuống dự. Những người lãnh đạo của tỉnh và khu tự trị cũng sẽ dự. Ta hỏi anh làm sao đến đó được thì anh trả lời rằng lễ hội sẽ tiến hành ở cách đây hơn hai trăm cây số, không thể đi tới đó mà không có xe hơi. Anh có vẻ bối rối khi ta xin anh đưa ta đi, nhưng nhờ chịu khó thương lượng, cuối cùng ta thuyết phục được anh nhận lời sáng mai hồi bảy giờ ta đến xem liệu có chỗ cho ta không.
Hôm sau, ta đếm trụ sở Ủy ban sớm trước hẹn mười phút. Những xe to đỗ ở đây đêm qua đã biến mất. Bên trong không có một ai. Cuối cùng ta đã moi ra được một nhân viên bảo ta rằng xe đã đi từ lâu. Ta hiểu rằng ta đã bị vào tròng nhưng tình hình rất khẩn cấp lại cho ta một ý. Để hù anh này, ta lấy ra thẻ hội viên Hội nhà văn, cái thẻ chưa bao giờ giúp ta được bất cứ thứ gì mà theo thường lệ lại hay kéo đến cho ta những phiền toái. Ta tuyên bố ầm ầm rằng ta đặc cách từ Bắc Kinh đến đây để viết một phóng sự về hội lễ và ta yêu cầu anh ta ngay tưc khắc tiếp xúc với chính phủ khu tự trị tiểu khu. Không nghi ngờ gì trò lừa bịp này, anh ta gọi nhiều cú điện thoại và cuối sùng thú thật với ta rằng xe của trưởng tiểu thu vẫn chưa lên đường. Ta chạy một lèo tới trụ sở chính phủ. May mắn mỉm cười với ta vì người thu trưởng nghe ta giải thích và mời ta ngồi chen vào trong chiếc xe nhỏ của ông, chẳng hề đặt câu hỏi.
Ra khỏi thành phố, trên con đường gập ghềnh xóc, đám bụi như mây cất lên, kéo dài ra vô tận một dòng xe hơi và xe cam nhông với đủ mọi kiểu người chồng chất ở trên. Đó là cán bộ, nhân viên các cơ quan chính quyền và cả các trường học, các nhà máy của tiểu khu tự trị trên đường đến lễ hội. Trưởng tiểu khu, cựu vương của người Mèo, chắc sẽ chủ trì nghi thức nào đó. Một cán bộ ngồi cạnh tài xế mở cửa xe không ngừng kêu quát lên. Xe ta tiếp tục vượt các xe khác và đi qua nhiều làng mạc lại xuyên qua hai huyện thành, cuối cùng bị kẹt lại trước một bến phà. Một chiếc xe không lên được phà, bánh trước của nó ngâm trong nước. Một chiếc Volga đồ sộ, thật sự nổi bật giữa các xe khác cũng bị dừng lại. Tiếng đồn lan đi rằng đó là xe của bí thư đảng ủy tiểu khu, trong có tỉnh trưởng bị kẹt. Trên bến phà, công an ra sức hò hét. Sau một giờ chạy ngược chạy xuôi để di chuyển xe cộ, họ đẩy hẳn chiếc xe chìm một nửa xuống nước để cho chiếc Volga lên được phà. Chiếc xe buýt mini lúc đó có thể đến đỗ ở sau chiếc Volga, kèm bên là một chiếc xe của công an. Cuối cùng chiếc phà cơidr dây cột và rời bến.
Đúng ngọ, đoàn xe chúng tôi rầm rầm rộ rộ đổ vào cái làng Mèo nằm bên bờ sông Thanh Thủy rộng thoáng. Mặt trời phóng vào mặt nước những tia nắng lấp lóa. Ở hia bên đường, là một cuộc diễu hành không dứt những chiếc dù Tây vài màu và những khăn đội đầu cao bằng bạc mà phụ nữ Mèo vẫn dùng. Trên phố dọc sông dựng một tòa nhà gạch nho nhỏ hai tầng với một sân thượng ở trên cùng, mới toanh: đó là trụ sở hành chính xã. Dọc bờ sông, các ngôi nhà sàn bằng gỗ của người Mèo nối tiếp nhau. Từ sân thượng trụ sở hành chính xã, có thể nhìn thấy hai bên bờ sông nghìn nghịt những đầu người đi đường xen lẫn với những chiếc dù màu và những chiếc mũ rộng vành bóng nhoáng vì dầu cây đại kích, đi lại giữa những thổi hàng nho nhỏ đặt dưới các tấm bạt trắng. Nhiều chục chiếc thuyền rồng trang trí ruy băng đỏ, mũi vểnh cao, lặng lẽ lướt trên mặt sông lấp lánh.
Khi ta vào tòa nhà theo sau thủ trưởng, ta được  hưởng sự đối xử tương tự với các cán bộ mà ta đi ké. Công an cũng đứng nghiêm chào ta. Những cô gái Mèo mặc quần áo hội lễ, mắt sáng long lanh và răng trắng, mang các thau nước nóng đến, mời tất cả mọi người những khăn mặt xức nước thơm lừng mới tinh cho mát mẻ. Sau đó các cô dâng cho mỗi người một cốc nước trà mới pha mật tỏa ra mùi hương tế nhị. Cảnh tượng giống như đúc cảnh tượng trong các phóng sự về một người lãnh đạo Nhà nước viếng thăm các vùng dân tộc thiểu số. Ta hỏi một cán bộ trong số đón tiếp chúng ta có phải các cô gái này là diễn viên của đoàn ca múa tiểu khu không. Anh giải thích với ta thật ra đây là học sinh "năm ưu điểm" của trường trung học tại thủ phủ của huyện, học đã được Ủy ban các dân tộc đào tạo đặc biệt trong suốt cả một tuần. Sau đó hai người trong các cô hát một bài tình ca Mèo. Các thủ trưởng nói vài câu khen ngợi rồi mời khách vào trong phòng ăn đã bày sẵn bàn tiệc. Bia và soda được mời dùng. Họ giới thiệu ta với bí thư đảng và trưởng xã, hai ông có biết vài ba tiếng Hán. Trong tiệc, tất cả mọi người ca ngợi tài nghệ người nấu bếp được đón từ thủ phủ về. Mỗi lần dọn món mới, ông ta lại cụm hai tay tỏ ý khoái thác. Sau bữa ăn, lại mang trà và khăn mặt đến. Đã hai giờ, cuộc đua thuyền rồng sắp bắt đầu.
Bí thư đảng dẫn đường, kèm bên có trưởng xã. Đường phố đầy người. Dưới bóng các ngôi nhà sàn, các cô gái mặc váy thêu xếp ly. Nhìn thấy nhóm người có công an hộ tống này, các cô ngừng soi gương sửa sang đầu tóc để tò mò quan sát đám hộ giá cũng đang ngắm khăn mũ, vòng tay, dây cổ mà các cô làm dáng trên người, đôi khi nặng đến mấy ki lô. Không còn biết ai nhìn ai nữa.
Ghế tựa và ghế băng đã được kê trên khán đài tòa nhà sàn bằng gạch, nhìn ra sông. An tọa đâu đấy rồi, mỗi người nhận một chiếc dù nhỏ giống như những chiếc các cô gái Mèo hay dùng, nhưng trong tay các vị lãnh đạo chúng mất đi cái vẻ duyên dáng của chúng. Mặt trời cháy bỏng, mọi người đổ mồ hôi dưới các chiếc dù. Ta thích được xuống bờ sông trà trộn vào đám đông.
Mùi thuốc lá, bắp cải cay cay, mồ hôi, những luồng hơi tanh thối của các bàn bán cá, thịt lợn, thịt bò bốc lên trong hơi nóng. Người ta bán đủ thứ: vải vóc và hàng nghìn món hàng khác, mọi loại bánh kẹo như kẹo mạch nha, đậu phộng, đậu phụ, hạt dưa. Sự náo nhiệt lên đến đỉnh điểm: đấy là một mớ âm thanh hỗn độn của tiếng mặc cả, tiếng cười, tiếng trai gái ghẹo nhau, thêm nữa đám trẻ con chạy đi chạy lại không ngừng ở giữa đám đông. Ta khó nhọc len ra bờ sông nhưng liên tục bị xô đẩy và suýt thì ngã xuống nước. Ta chỉ thoát hiểm nhờ nhảy lên một chiếc thuyền con đậu ở đó. Trước mặt ta đang bập bềnh một chiếc thuyền rồng khoét hẳn từ một thân cây khổng lồ. Để giữ chắc thăng bằng cho nó, một thân cây khác đã được cột chặt ở mỗi mạn, ngang với đường mớn nước. Khoảng ba chục tay chèo đã ngồi đó, ăn mặc như nhau: quần ngắn, nhuộm màu chàm sáng bóng lấy từ cao sừng trâu, nón nhỏ đan tinh xảo bằng tre. Họ đeo kính đen và thắt lưng kin loại lấp lánh.
Giữa thuyền một cậu con trai trang điểm thành gái, trên đầu mang đồ trang sức bạc và cặp tóc của con gái. Đôi hồi cậu ta lại gõ và cái chiêng treo trước mặt có âm thanh trong trẻo. Ở mũi thuyền, chiếc đầu rồng nàng gỗ chạm trổ bôi màu vươn lên, cao hơn một người đứng, phủ một miếng vải đỏ có cắm những lá cờ nho nhỏ. Hàng chục con ngỗng con vịt sống móc vào đó không ngừng quảng quạc.
Những tràng pháo nổ ran và mọi người mang lễ vật đến để cúng tế. Đằng trước con thuyền, một ông già gõ trống, ra hiệu cho đám trai tráng đứng. Một người đứng tuổi ôm trong tay vò rượu trắng to tướng rồi chẳng xắn quần, lội đến nửa người vào nước đổ cho mỗi ta chèo một bát rượu. Đám trai tráng deo kính đen vừa uống tờm tợp vừa hát vừa kêu to lên cảm ơn, rồi tự tay vãi rượu còn ở đáy bát vào dòng sông.
Sau đó, một người có tuổi, được một người khác đỡ bên, cũng lội xuống nước mang một con lợn sống, chân cẳng bị trói đang rống lên những tiếng chói tai đinh óc. Sự náo nhiệt đã đến cùng cực. Cuối cùng, vò rượu to tướng và con lợn được đặt lên một chiếc thuyền nhỏ chở lễ vật đi theo chiếc thuyền rồng.
Khi ta lại lên khán đài tòa nhà sàn, đã gần năm giờ. Trên sông, tiếng trống khua rền nối tiếp nhau, lúc mạnh, lúc nhẹ, lúc khoan lúc nhặt. Ba chục chiếc thuyền rồng tiếp tục vờn chạy mỗi chiếc một cách, không cho cảm giác là chúng sắp bắt đầu cuộc thi. Một số có vẻ như muốn đuổi kịp nhưng thình lình, nhanh như tên bắn, chúng lại rời ra. Trên gác, chẳng ai nóng ruột. Một thành viên của Ủy ban dân tộc thiểu số, rồi một cán bộ của Ủy ban thể dục thể thao đã được gọi lên. Một quyết định vừa được trên đề ra: cho mỗi thuyền rồng một giải thưởng một trăm nguyên và tem phiếu mua một tạ ngũ cốc nếu tham dự thi. Một lúc lâu sau, mặt trời khuất dần, hơi nóng giảm dần, dù không còn cần nữa; nhưng các thuyền vẫn cứ phân tán, cuộc thi chưa bắt đầu. Lúc đó, một người thông báo hôm nay không thi thuyền, các khán giả muốn dự thì ngày mai phải xuôi xuống dưới nữa, cuộc thi sẽ tổ chức cách đây ba chục dặm, trong một làng Mèo khác. Dĩ nhiên, người xem rất tiu nghỉu. Sau một hồi náo hoạt, người ta rời khán đài.
Đoàn xe như con rồng dài chuyển mình và mười phút sau biến mất vào đám bụi vàng vàng. Trong phố chỉ còn lại những toán con trai con gái Mèo đi lại. Rõ ràng cái thú vị nhất của hội lễ sẽ diễn ra đêm nay.
Ta rất muốn ở lại nhưng cán bộ cảnh báo ta rằng mai sẽ không có xe. Ta đáp ta sẽ đi bộ. Anh ta khá tử tế đã giao phó ta cho hai cán bộ Mèo và dặn họ chú ý: "Nếu có gì xảy ra với ông ấy, các anh phải chịu trách nhiệm!" Bí thư đảng và trưởng xã hất đầu: "Đừng lo!" Khi ta trở về trụ sở hành chính xã, không có ai nữa, cửa khóa then cài. Ta không biết bí thư đảng và trưởng xã đi say sưa ở đâu và cũng chẳng tìm ra cán bộ nào nói tiếng Hán. Thình lình ta cảm thấy được giải thoát và ta quyết định dạo chơi trong làng.
Trong dãy phố cổ dọc sông, từng gia đình tiếp đón bạn bè và thân thích; ở một số nhà khách khứa nhiều đến nỗi bàn đầy món ăn phải kê tràn ra phố. Ở cửa vào mỗi nhà, đặt những xô cơm, bát đũa. Cứ việc ăn tùy thích, chẳng ai để ý đến. Ta đã đói, chẳng cần phải khách sáo làm gì. Do không thể giao lưu do ngôn ngữ bất đồng, ta cũng cầm lấy bát đũa: họ mời ta ăn. Đấy là một tập quán lâu đời của người Mèo. Hiếm khi ta cảm thấy thoải mái tự nhiên như thế này.
Những bài tình ca bắt đầu lúc hoàng hôn. Thành những nhóm năm sáu người một, các cô gái đi xuống bờ sông, nhóm này làm thành vòng tròn, nhóm kia cầm tay nhau và họ bắt đầu gọi bạn tình. Tiếng hát lan nhanh trong đêm đã buông xuống. Đằng trước và đằng sau ta, đâu cũng các cô gái, khăn tay hay quạt cầm tay, và vẫn chiếc dù. Trong đám họ có những cô bé mười ba mười bốn tuổi, mới chớm dậy thì.
Mỗi nhóm lại có một cô lĩnh xướng, các cô đồng ca theo. Dẫn hát gần như luôn là cô gái đẹp nhất. Người đẹp nhất được chọn là đầu đàn, cái đó cũng là hợp với tự nhiên.
Tiếng hát của cô lĩnh xướng cất cao lên thoải mái, các cô khác tiếp theo. Nói là hát có thể thiếu chính xác. Những giọng kim trong trẻo đến từ lục phủ ngũ tạng. Không có gì ngạc nhiên nếu người ta gọi chúng là "những ca khúc bay", chúng đến từ sâu thẳm con người. Chúng không điệu bộ lẫn gò ép. Chẳng chút cầu kỳ, chúng vướt bỏ mọi ngượng ngùng. Các cô gái dâng mình toàn vẹn để lôi cuốn bạn tình.
Không ngại sợ sệt, đám con trai đến trước mặt họ tự chọn lấy cô gái hắn thích, tựa như chọn dưa. Lúc đó, nếu cảm thấy được nhìn mặt, các cô gái bèn vẫy khăn tay hay quạt rồi hát càng say đắm hơn nữa. Nếu hai bên ăn ý, cậu con trai bèn cầm tay cô gái kéo đi. Bãi chợ, suốt ngày có cả nghìn người tới đấy đi lại giữa các thồi hàng, bây giờ chỉ là một bãi hát rộng. Ta lập tức chìm vào các bản tình ca. Ta thầm nhủ lúc mở đầu nhân loại, chắc người ta tán tỉnh nhau cũng theo cách này. Sau đó, cái gọi là văn minh đã tạo lập nên sự chia ly giữa xung năng tính dục và tình yêu. Cũng bày đặt ra cac khái niệm hôn nhân, tiền tệ, tôn giáo, luân lý cùng với cái mà người ta gọi là sức ép văn hóa, thật sự là sự ngu xuẩn của giống người.
Đêm dần một đen ngòm. Mặt sông tối thẫm, tiếng trống rền đã im bặt, đuốc đã thắp lên ở trên các chiếc thuyền. Chợt ta nghe thấy gọi "anh!" bằng tiếng Hán, nhưng với một tiếng gọi tình thì chỉ thế đã là đủ. Ta gặp một cái nhìn chờ đợi đăm đắm trong bóng tối, ta liền đứng sững, tim bắt đầu đập dội. Lập tức ta trở về những năm thơ ấu, trở về với những ham muốn của ta. Một xúc động từ lâu ta không còn cảm thấy bỗng cháy lên ở trong ta. Theo bản năng, ta đến gần nhìn nàng, chắc là theo kiểu các chàng trai trẻ tuổi ở đây nhưng cũng có thể vì ánh sáng tối mờ. Ta thấy môi nàng hơi mấp máy, không một âm thanh nào thốt ra. Nàng chờ. Các bạn nàng cũng đã ngừng hát. Nàng còn hết sức trẻ, một khuôn mặt thơ dại, một vầng trán cao, mũi hếch và miệng nhỏ. Ta biết chỉ cần một cử chỉ nho nhỏ của ta là nàng theo ta, nép vào người ta. Nàng vui vẻ giơ cao dù lên. Không chịu nổi cuộc đối mặt đang kéo dài ra, ta đã lắc đầu rồi cười lên dớ dẩn. Quá sợ, ta quay gót bỏ đi, chẳng dám ngoái lại nhìn lần nữa.
Chưa bao giờ ta biết đến kiểu yêu đương này tuy đó mới chính là điều ta mơ tưởng nhất. Bây giờ cơ hội xuất hiện, ta để tuột. Ta phải nhận rằng con mắt long lanh đầy chờ đón của cô gái mũi hếch, trán cao và thanh tú kia chính là nét chung của các cô gái Mèo, nó đã đánh thức dậy ở trong ta một niềm trìu mến đau đáu mà ta quên khuấy đi lâu nay; ta nhận ta ta chẳng còn bao giờ cảm thụ nổi được thứ tình yêu thuần túy đó nữa. Ta phải thừa nhận ta đã già. Không phải chỉ tuổi tác và mọi thứ khoảng cách không tên chia cách ta với nàng, dù nàng có rất gần gụi ta, dù ta có thể đưa tay kéo nàng đi theo thì cũng thế thôi, bởi vì cái trầm trọng nhất chính lại là trái tim ta đã già nua, ta không thể yêu cuồng lên, yêu điên lên mà chẳng nghĩ tới bất cứ cái gì. Các quan hệ của ta với đàn bà từ lâu đã mất đi cái thuần nhất tự nhiên đó, chỉ dục vọng xác thịt còn lại mà thôi. Cho dù ta tìm kiếm khoái lạc trong chốc lát, ta cũng sợ phải gánh vác trách nhiệm. Ta không là sói, chẳng qua chỉ muốn trở thành sói để ẩn trốn vào tự nhiên, nhưng ta không tài nào trút bỏ được cái vỏ nhân hình của ta, ta chẳng qua là một quái vật có lớp vỏ người ở đâu cũng không tìm được ra nơi quay về.
Tiếng khèn cất lên. Cùng lúc, trong các lùm cây ở bờ sông, sau mỗi chiếc dù, các đôi nép vào nhau, ôm ấp, nằm ra giữa trời đất để đắm chìm vào thế giới của mình. Thế giới ấy, như một truyền kì cổ xưa, quá là xa vời với thế giới của chúng ta. Chua chát, ta ra bờ sông.
Trên bãi đất có tiếng khèn, chói lói lên ánh sáng trắng như tuyết của một ngọn đèn cháy bằng xăng treo trên một sào tre to.
Nàng có một miếng vải đen quấn đầu, buộc như khăn, một vòng bạc nâng tóc nàng lên tới đỉnh đầu vốn đã đội một chiếc mũ lấp lánh với phượng vờn ở mỗi bên mũ, năm phiến bạc, hình lông chim phượng, phe phẩy theo mỗi cử động của chân tay. Buộc vào các phiến bạc bên trái là một dải khăn sặc sỡ rủ xuống tận eo, ở mỗi động tác của nàng, tấm khăn lại làm nổi rõ nét tấm lưng ong của nàng. Nàng mặc váy dài bó chẽn, ống tay rộng để lộ ra hai cổ tay phủ đầy vòng bạc. Cả người nàng quấn trong khăn và váy dài đen. Chỉ nhìn được thấy cổ và gáy nàng trang điểm bằng một sợi dây chuyền to nặng. Vắt chéo qua người là một dây trường mệnh với các hoa văn chạm trổ tinh xảo, mỗi vòng khoen của sợi dây khẽ đánh vòng đung đưa trước bộ ngực hơi gồ lên của nàng.
Nàng ý thức đầy đủ rằng trang phục nàng hút mắt nhiều hơn so với áo quần những cô gái khác. Bộ đồ trang sức bạc của nàng chỉ ra gốc gác quý tộc. Hai bàn chân trần cũng đầy duyên dáng yêu kiều, khi nàng nhảy múa theo khèn, các vòng ở cổ chân nàng lanh canh như tiếng pha lê.
Nàng đến từ một xóm núi của người Mèo đen, bông phong lan trắng với hai làn môi đỏ như hoa sơn trà hé mở lộ hàng răng xà cừ xinh đẹp. Mũi phẳng, thơ trẻ, má tròn bầu, mắt cười cợt, đồng tử lấp lánh một màu đen hạt na, tất cả càng tăng thêm vẻ rực rỡ khác thường của nàng.
Nàng chẳng cần đi dọc bờ sông để lôi kéo bạn tình theo. Đám trai trẻ bướng bỉnh nhất ở mỗi làng đến cúi rạp trước mặt nàng, những tiếng khèn cao gấp đôi người, trang điểm với những dải ngũ sắc phấp phới trong gió. Phồng má, đung đưa chân, phác qua những bước nhảy, họ cuốn hút những tà váy xếp hàng trăm ly đến quay tròn. Nhưng nàng, nàng chỉ khẽ nhấc bàn chân trái lên rồi xoay người, duyên dáng lạ lùng. Nàng buộc đám trai trẻ phải nghiêng mình trước nàng, phải hết hơi hết sức thổi khèn. Nàng vô cùng kiêu hãnh thấy họ phấn khích lên là vì nàng.
Nàng không biết đến cái người ta gọi là ghen tuông, nàng không biết đến lòng ác độc của đàn bà, nàng không biết những ả mồi chài đàn ông phải lấy rết, ong vò vẽ, rắn độc, kiến và một nạm tóc của chính các ả cùng máu và nước bọt trộn lẫn lại với nhau rồi nhét tất cả vào một cái hũ với quần áo lót băm nát của người đàn ông bội bạc mà đem hạ thổ toàn bộ xuống sâu một thước để làm cái gì.
Nàng chỉ biết rằng ở một bên sông có một chàng trai và ở bên kia sông có một cô gái, đến tuổi yêu đương bắt đầu sinh ra rầu rĩ. Khi họ gặp nhau trên bãi khèn, vẻ đẹp của hai người làm cho hai người sững sờ và những mầm non của tình yêu bén rễ luôn vào tim họ.
Nàng chỉ biết rằng vào giữa đêm, khi bếp đã phủ đầy tro, người già đã ngáy, trẻ con nói mê thì nàng đứng lên mở cửa sau nhà để chân trần ra ngoài vườn. Chàng trai đến, đội mũ có mỏm sừng bằng bạc. Anh đi sau hàng rào khẽ huýt sáo. Buổi sáng, ông bố gọi chín lần: nếu gọi hơn, bà mẹ sẽ bực. Cầm một cái gậy, ông đẩy cửa buồng nhưng trên giường chẳng ai nữa.
Đêm đã khuya, ta nằm ở dưới một mái hiên, trên bờ sông. Sao và ánh sáng trên mặt nước đã tắt. Sông núi hòa vào nhau trong cùng một màn tối đen, gió núi mát đã nổi, tiếng chó sói tru lên. Bị dứt ra khỏi mơ màng, ta dỏng tai lên sợ hãi. Sự thật đó là tiếng kêu tuyệt vọng của một rủ gọi yêu, buồn khủng khiếp, nửa hát nửa hú chốc chốc lại vẳng lên từng chập.

40
Nàng nói rằng hạnh phúc ấy ư, nàng không biết nó là cái gì, nàng còn nói rằng tất cả những gì nàng nên có, nàng đều đã có, chồng, đứa con trai, một gia đình nho nhỏ hạnh phúc dưới mắt ngừơi khác, chồng là kỹ sư máy tính, mi biết hiện nay nghề này đang trúng quá, anh ta trẻ, đầy tương lai, nghe nói anh ta chỉ cần kiếm ra chỗ lợi là giàu thôi. Vậy mà, nàng không hạnh phúc. Sau ba năm kết hôn, nhiệt tình của nàng đối với tình yêu và hôn nhân đã biến mất. Còn đứa con trai, đôi khi nàng thấy nó là gánh nặng. Thọat đầu cái ngày nàng ý thức ra điều đó nàng đã rất ngạc nhiên. Rồi nàng quen đi, dẫu gì nàng vẫn yêu nó, nàng yêu cái vật tý tẹo ấy, thứ duy nhất có thể đem lại cho nàng đôi chút an ủi. Nhưng nàng đã không cho nó bú, để  giữ co giữ eo. Ở viện của nàng, khi nàng cởi váy trắng của nàng ra để tắm vòi sen, các đồng nghiệp đã có con đều thèm kinh khủng cái người của nàng.
Lại váy trắng, mi nói.
Đó là cô bạn của nàng, nàng nói. Cô ấy luôn luôn kể với nàng về nỗi khổ não của mình. Nàng nói nàng không thể bỏ hết ngày ra chỉ để nói đến con cái với bạn đồng nghiệp và để đan áo len cho con cho chồng lúc công việc rỗi rãi. Một ngừơi đàn bà đâu có là nô lệ của chồng con. Dĩ nhiên là nàng đã đan áo cho con nhưng mọi phiền muộn của nàng chính lại đến từ cái áo len ấy đấy.
Nó làm sao chứ, cái áo len ấy?
Nàng muốn mi tiếp tục nghe nàng, mi không được ngắt lời nàng, em nói đến đâu nhỉ? Nàng hỏi.
Em nói đến cái áo len và những phiền muộn mà áo len gây ra.
Không, nàng nói nàng chỉ tìm thấy chút chút êm ả khi nghe đàn phong cầm và các bài hát trong các thánh lễ ở nhà thờ. Đôi khi, chủ nhật, nàng đi lễ nhà thờ, để cho chồng trông con. Anh ấy cũng phải chăm sóc trẻ chứ, gánh nặng không được rơi lên một mình nàng. Nàng không tin Chúa nhưng một hôm nàng đã đi nhà thờ. Bây giờ nhà thờ đã mở cửa, có thể tự do ra vào. Nàng đã nghe và sau đó hễ có thì giờ nàng lại đến đó. Nàng cũng yêu Bach, đứng thế, nàng nghe nhạc cầu siêu requiem của Bach, nàng ghét ghê gớm nhạc theo mốt hiện nay, nàng không thể vượt qua được các phiền muộn của nàng nữa, nàng hỏi có phải nàng kể quá lộn xộn phải không?
Nàng nói nàng đã bắt đầu uống thuốc ngủ. Nàng đã gặp bác sĩ. Ông ta nói nàng bị suy nhược thần kinh, nàng cảm thấy mệt mỏi dễ sợ, nàng không bao giờ ngủ no mắt, nhưng nếu nàng không uống thuốc ngủ thì nàng cũng sẽ chẳng thể nào ngủ được. Nàng không bị lãnh cảm, mi không được hiểu lầm ra thế, với chồng, nàng đã biết đến cực khoái, anh ta không để cho nàng cảm thấy không thỏa mãn, mi không được tưởng tượng ra cái đó, anh ta còn trẻ hơn mi nhiều, đó là một cái đầu rất dám làm, anh ta có công việc, anh ta còn có cả một chút tham vọng, tham vọng, một ngừơi có đôi chút tham vọng chẳng có gì là xấu. Anh ta thường giam mình suốt đêm trong phòng làm việc vì anh ta sợ ở nhà bị thằng con phá đám. Lẽ ra nàng chưa có con sớm như thế, nhưng anh ta muốn thế, anh ta yêu nàng, anh ta muốn nàng cho anh ta một đứa con và vấn đề phát sinh chính là từ đứa trẻ này.
Đây, việc xảy ra thế này, nàng đã đan cho con trai một áo len có đính bông hoa, theo một mốt tự nàng nghĩ ra, một cái áo nàng thấy còn đẹp hơn những cái được giới thiệu trong các triển lãm quần áo trẻ con. Nhờ có vé xem không mất tiền của đơn vị công tác phát cho, nàng cùng với một đồng nghiệp nam mới điều đến sở đi tới triển lãm bán hàng thời trang. Hôm đó họ không có việc làm vì máy móc của phòng thí nghiệm phải sửa chữa. Bạn đồng nghiệp đã đi với nàng, nói có thể tìm mua thứ gì đó cho vợ nhưng cả hai không mua gì cả. Trái lại, anh ta nói cái áo len nàng đan cho con trai còn đẹp hơn nhiều những mặt hàng triển lãm, nàng thật sự có thể tạo mẫu thời trang. Sau đó nàng đã mày mò suy nghĩ, lại mua một quyền sách dạy may mặc để tham khảo. Với một miếng vãi bông dầy màu lơ nàng mua mà không dùng đến bao giờ và một khăn quàng nàng không mấy khi quàng, nàng đã may một áo liền váy hở vai rồi mặc đi làm. Anh ta trông thấy nó trước khi nàng thay quần áo vào phòng máy, rồi khen ngợi nàng, rằng nàng nên tự may lấy quần áo cho mình. Hai ngày sau anh ta mời nàng đến một buổi biểu diễn thời trang.
Và tất cả bắt đầu ở vấn đề người mẫu.
Nàng muốn mi nghe tiếp, anh ta nói nếu nàng lên sàn diễn, mặc cái váy liền áo hở vai của nàng, nàng có thể hoàn toàn hơn đứt các cô người mẫu, rằng người nàng đặc biệt đẹp. Nhưng nàng biết rất rõ rằng nàng quá gầy. Nhưng anh ta đã vặn lại rằng người mẫu không nên có bộ ngực quá to, chỉ cần có đôi chân dài và hình dáng đẹp. Anh ta thêm rằng đường nét người nàng đặc biệt thanh mảnh, nhất là khi nàng mặc cái áo liền váy kia. Nàng nói nàng cũng rất thích mặc áo váy đó đi làm vì nàng đã tự tay làm lấy và rằng mỗi lần nàng mặc nó thì anh ta lại để mắt quan sát kỹ nàng. Một lần, trong khi nàng vừa thay áo quần, anh ta đã không rời mắt khỏi nàng rồi mời nàng đi ăn tối.
Nàng đã từ chối, nàng phải đi đón con ở nhà trẻ, nàng không thể để con ở nhà mà không coi nó. Anh ta hỏi liệu chồng nàng có cấm nàng đi tối một mình không. Không, nhưng nói chung, khi đi tối, nàng đều mang con theo và về sớm vì con cần ngủ. Dĩ nhiên nàng đã từng để con cho chồng trông nhưng tối nay, nàng không thể đi ăn tối với anh ta. Một lần khác, anh ta mời nàng ăn trưa ở nhà anh ta vào ngày hôm sau, trong giờ nghĩ, để nàng thưởng thức cái món anh ta thành công nhất, “thịt băm viên tứ phúc”.
 Nàng lại từ chối.
Không, lúc đầu nàng đã nhận. Nhưng anh ta lại nói thêm rằng anh ta hy vọng nàng mặc cái áo váy vải bông màu lơ.
Nàng đã nhận lời ư?
Không, và nàng nói thêm rằng nàng không chắc đã đi được. Nhưng hôm sau nàng đã đi làm với cái váy kia. Và buổi trưa thì nàng đến nhà anh ta. Nàng không biết cái váy này nó có gì đặc biệt, nàng chỉ là khâu liền lại hai cúp pông vải và tấm khăn quàng lụa in hoa kia mà thôi, cái khăn quàng một mình nó nom có phần thiếu thẩm mỹ. Hợp làm tổng thể thì độc đáo. Nàng không nghĩ rằng hình dáng nàng có gì là hay, chồng nàng vẫn nói đùa rằng nàng quá dẹt, nàng không hấp dẫn lắm, nàng có thật sự đẹp hơn thế này khi mà nàng mặc cái áo váy đó không?
Mi nói vấn đề không ở cái váy.
Vậy ở đâu? Nàng biết mi muốn nói gì.
Mi nói mi không nói vấn đề ở đâu nhưng muốn gì cũng không phải là ở cái áo liền váy.
Nó ở chỗ chồng nàng rất thờ ơ đến áo quần nàng mặc. Nàng nói nàng chẳng muốn quyến rũ ai cả.
Mi vội vã thanh minh rằng mi không định nói cái gì cả.
Nàng nói nàng sẽ chẳng nói gì nữa. Mi hỏi nàng chẳng phải là nàng đinh tìm một ai đó để giải bày tâm sự đấy ư? Hãy nói đến các dằn vặt của nàng.
Những dằn vặt của cô bạn gái nàng ư? Mi xúi cho nàng nói tiếp.
Nàng không biết nàng thích kể cái gì.
Em nói đến “ thịt băm viên tứ phúc” ấy, cái món mà anh chàng kia làm giỏi ấy.
Nàng nói anh ta đã sắp đặt trước cả rồi. Vợ anh ta đi công tác vắng.
Mi làm cho nàng nhận thấy ra rằng nàng đến nhà anh ta truớc hết không phải để xem vợ anh ta mà là để ăn, lẽ ra nàng phải đề phòng từ trước việc vợ anh ta vắng nhà, nàng phải cảnh giác mới phải.
Nàng thừa nhận rằng đúng là phải như thế, nhưng nàng càng giữ gìn thì lại càng căng thẳng hơn lên.
Và khả năng tự kiểm soát càng yếu nữa đi?
Nàng đã không thể kháng cự.
Khi anh ta thấy cái áo liền váy?
Nàng chỉ còn biết nhắm mắt lại.
Em không muốn nhìn thấy em mất lý trí đi như thế chứ gì?
Vâng, đúng thế.
Em không muốn thấy em cũng điên rồ như ai phải không?
Nàng nói nàng đã ngu xuẩn, nàng không nghĩ tới sẽ thành ra như thế, nàng biết rằng dạo đó nàng không hề yêu hắn. Chồng nàng còn hơn hắn ta mà, ở bất cứ mặt nào.
Mi nói thật ra nàng chẳng yêu ai đâu.
Nàng nói nàng chỉ yêu con trai nàng.
Mi nói nàng chỉ yêu có nàng.
Có thể đúng, có thể không. Nàng nói sau đó nàng đã đi, nàng không muốn một mình nàng gặp hắn ta nữa.
Nhưng rồi vẫn gặp?
Vâng.
Vẫn nhà hắn?
Nàng bảo nàng muốn làm cho rõ ràng ra với hắn.
Mi nói cái đó thì không thể nói rõ ràng.
Đúng thế, không, nàng ghét hắn, nàng ghét cả nàng.
Rồi em lại điên rồ lại?
Đừng nói chuyện đó nữa! Nàng bị dằn vặt ghê gớm, nàng không hiểu tại sao phải nói tất cả cái đó, nàng chỉ muốn mọi cái kết thúc cho nhanh.
Mi nói nàng kết thúc như thế nào cho được?
Nàng nói nàng cũng chẳng biết nữa.