Chương 10
46

    
àng nói ghét mi!
Tại sao? Mi chằm chằm nhìn con dao nàng lăm lăm trong tay.
Nàng nói mi đã hủy diệt đời nàng.
Mi nói tuổi nàng chưa coi là lớn.
Mi đã tàn phá những năm tháng đẹp nhất của nàng, nàng nói chính là anh, anh ấy!
Mi nói còn có thể bắt đầu lại một cuộc đời mới mà.
Anh ấy, đúng, anh làm lại được, còn nàng thì đã quá muộn rồi.
Mi không hiểu tại sao lại quá muộn.
Vì là đàn bà.
Đàn ông đàn bà thì cũng như nhau.
Anh nói nghe hay thật! Nàng cười lạnh lùng.
Mi thấy nàng vung dao và mi đứng dậy.
Nàng không thể để mi rút ra ngon như thế này được, nàng nói nàng muốn giết mi!
Giết người thì phải đền mạng, mi vừa nói vừa chuyển chỗ trong khi để ý nhìn nàng chằm chằm.
Cái đời này không đáng để sống nữa rồi, nàng nói.
Mi hỏi có phải trước kia nàng sống là vì mi không. Mi muốn làm dịu không khí đi đôi chút.
Sống vì ai cũng không đáng! Nàng chĩa dao vào mi.
Để dao xuống! Mi nhắc nàng cẩn thận.
Anh sợ chết à? Nàng cười lạnh lùng hơn.
Ai cũng sợ chết, mi sẵn sàng thú nhận là sợ chết cho nàng để con dao xuống.
Nàng, nàng không sợ chết, nàng nói đã đến nước này, nàng chẳng còn sợ cái gì nữa!
Mi không dám chọc tức nàng thêm nhưng mi phải giữ tài ăn nói giỏi không để nàng nhận ra rằng mi sợ.
Tội gì mà chết theo cách này, mi nói còn có một cách chết tốt hơn: chết già với tuổi.
Anh không đến được ngày đó đâu, nàng nói và hoa con dao lên loa lóa.
Mi dịch ra xa hơn một chút và nghiêng mặt nhìn nàng.
Thình lình nàng bật cười ha hả.
Mi hỏi nàng có điên không đấy.
Chính cũng là anh đẩy em hóa điên.
Đẩy tới cái gì? Mi nói rằng hai người không thể sống với nhau nữa thì chỉ có việc chia tay nhau. Hai người ở với nhau là tự nguyện, thì chia tay nhau cũng lại như vậy mà. Mi gắng giữ cho thật bình tĩnh.
Đâu dễ như thế?
Thế thì ra tòa.
Không ra.
Vậy thì chia tay.
Nàng nói không để cho mi rút ra ngon như thế đâu, nàng vung dao lên đến gần mi.
Mi đứng lên ngồi ở trước mặt nàng.
Nàng cũng đã đứng lên, mình trần, vú thõng, mắt tức giận, quắc lên, kích động đến cực điểm.
Mi không thể chịu được các cơn hít-tê-ri của nàng, mi không chịu được các cơn đồng bóng của nàng. Mi đã quyết bỏ nàng nhưng để tránh kích động nàng thêm thì tốt nhất là cố nói cái khác.
Anh định chạy trốn?
Trốn cái gì?
Trốn cái chết? Nàng chế nhạo mi, vừa xoay xoay con dao vừa nhún nhảy như đồ tể nhưng không thạo, chỉ có đầu vú của nàng nhảy nhảy.
Mi nói mi ghét nàng! Những câu này rút cục đã lọt ra qua hàm răng nghiến chặt của mi.
Anh ghét em từ lâu rồi nhưng tại sao không bảo sớm với em? Bị trúng đòn, nàng bắt đầu gào khóc, không chỉ vú mà cả người nàng run lên.
Lúc ấy, chưa tới mức độ này, mi nói lúc ấy mi không thể nghĩ nàng lại biến ra tới chỗ làm cho mi ghét như thế này, mi nói mi ghét nàng tận tim gan, mi quẳng cho nàng những lời tồi tàn nhất.
Lẽ ra anh đã phải nói sớm hơn, nàng hạ dao xuống khóc.
Mi nói thái độ của nàng làm cho mi không thể không ghét! Mi quyết định làm cho nàng bị xúc phạm sâu xa nhất.
Nàng kêu lên một tiếng và vứt con dao xuống đất. Lẽ ra anh phải nói cái này từ sớm hơn nữa, bây giờ thì quá muộn rồi, quá muộn rồi, tại sao mi không bảo nàng sớm hơn? Nàng gào lên kiểu hít-tê-ri, tay đấm liên hồi xuống đất.
Mi muốn an ủi nàng nhưng mọi cố gắng và quyết tâm của mi sẽ vô ích, tất cả có cơ lại tái diễn như trước và mi sẽ càng gay go hơn để rũ được nàng.
Nàng than khóc ầm ĩ, nàng lăn ra đất trần truồng, không để ý tới con dao đặt cạnh nàng.
Mi cúi xuống giơ tay ra để lấy con dao nhưng nàng nắm lấy đằng lưỡi. Mi toan cậy bàn tay nàng ra nhưng nàng lại càng nắm chặt hơn.
Em sắp đứt tay này! Mi kêu vào tai nàng và vặn tay nàng cho tới lúc nàng mở các ngón tay. Máu đỏ thắm chảy ở lòng bàn tay nàng. Mi nắm chặt cổ tay nàng, ấn hết sức vào mạch nàng. Nàng cầm lấy con dao bằng tay kia. Mi buông nàng ra để tát cho nàng một cái. Nổ đom đóm, nàng buông rơi con dao.
Nàng nhìn mi, ngớ ngẩn, thình lình nàng giống một đứa trẻ, hai con mắt đầy tuyệt vọng và nàng im lặng khóc.
Mi không thể ngăn mình cảm thấy đôi chút thương hại nàng, mi cầm bàn tay bị thương của nàng, mút máu đang chảy ra. Nàng kéo mi vào nàng, vẫn khóc, mi muốn gỡ ra nhưng nàng ôm mi ngày một chặt trong tay và cuối cùng nàng ghì mi sát vào ngực nàng.
Em làm gì thế? Mi giận điên lên.
Nàng muốn mi làm tình với nàng, nàng muốn thế! Nàng nói chỉ muốn làm tình với mi thôi.
Mi chật vật gỡ ra khỏi tay nàng, mi thở hổn hển mà bảo nàng rằng mi không phải là một con vật!
Có phải đấy, đúng mà! Anh là một con vật! nàng gào lên man rợ, một ngọn lửa quái lạ cháy lên trong con người nàng.
Vừa cố an ủi nàng, mi vừa van nàng hãy thôi đi, hãy bình tĩnh lại.
Nàng lầm bầm mà nói trong tiếng sụt sịt rằng nàng yêu mi, các ngoa ngoắt của nàng là do cái tình yêu ấy mà ra, nàng sợ mi bỏ nàng.
Mi nói mi không thể chiều theo cái tính đồng bóng của một người đàn bà, mi không thể sống trong cái bóng tối này, nàng làm mi ngạt thở, mi không thể hóa thành nô lệ của bất kỳ ai, mi không khuất phục trước sức ép của bất cứ sức mạnh nào, các thủ đoạn ai giở ra như thế nào mi cũng không khuất phục, mi sẽ không là nô lệ của bất cứ người đàn bà nào.
Nàng nói nàng sẽ cho mi tự do với điều kiện là mi yêu nàng, mi không bỏ nàng, mi ở lại với nàng, mi tiếp tục thỏa mãn nàng, mi còn muốn nàng, nàng xoắn vặn lấy quanh người mi, nàng hôm mi miên miên man man, nàng trát quệt nước mắt của nàng lên người mi, mặt mi, nàng hóa thành một cuộn, một búi với mi, nàng đã thắng, mi cưỡng không lại được nữa, mi lại rơi vào ham muốn nhục dục, mi không dứt được mi ra khỏi ham muốn xác thịt.

47
Ta đi trên một đường núi u tối và vắng lặng. Giữa chừng, mưa rơi, mới đầu nhè nhẹ và cảm thấy mưa trên mặt, nói cho đúng ra là dễ chịu, rồi càng ngày càng nặng, buộc ta phải chạy, đầu tóc áo quần ướt hết. Ta leo vội lên một cái hang ta nhìn thấy ở bên trên con đường. Củi gỗ đã được chất đống cẩn thận ở đó. Trần khá cao, hơi nghiêng vào một góc. Một tia sáng lọt vào trong hang. Ta đi lên bằng những bậc đá đẽo gọt sơ sài. Một bếp lò làm bằng đá xếp lên nhau đang đỡ lấy một cái nồi. Tia sáng đi qua khe đá bên trên bếp.
Ta quay lại. Đằng sau ta, có người ngồi trên một khung gỗ làm giường đang đọc sách. Ta ngạc nhiên nhưng không dám quấy rầy anh ta. Ta đành nhìn mưa xam xám qua các khe hở của đá. Trời mưa quá nặng hạt, ta không thể lại lên đường thật rồi.
- Đừng ngại, anh nghỉ lại ở đây. Anh ta té ra nói trước, đặt sách xuống.
Tóc anh ta dài buông xuống vai. Anh ta mặc bộ quần áo xám quá rộng. Anh ta trạc ba mươi tuổi.
- Anh là đạo sĩ trong núi này à?
- Chưa đâu, tôi chặt củi cho miếu Đạo giáo, anh trả lời.
Trên giường có một số tạp chí Tiểu thuyết nguyệt san đang mở ra.
- Anh cũng thú cái này à?
- Trôi thời gian ấy mà, anh ta trả lời lơ mơ. Anh bị ướt rồi, hãy lau người đi.
Anh ta múc nước nóng ở trong nồi ra đổ vào thau rồi đưa cho ta một chiếc khăn mặt.
Ta cảm ơn rồi đàng hoàng cởi trần ra. Lau rửa xong ta cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
- Chỗ này hay quá! Ta nói, ngồi xuống một khúc gỗ ở trước mặt anh ta. Anh ở cái hang này à?
Anh giải thích rằng anh quê ở làng dưới chân núi nhưng anh ghét tất cả thiên hạ, anh và chị dâu, hàng xóm và cán bộ làng xã.
- Họ chỉ tiền. Trong quan hệ con người, chỉ nói có được với thua và xem trọng đồng tiền, anh ta nói. Tôi đã cắt hết liên hệ với họ.
- Anh đốn củi cho tu viện để kiếm sống ư?
- Tôi xuất gia đã gần một năm nhưng họ vẫn chưa nhận tôi.
- Tại sao?
- Đạo trưởng già muốn xem tôi có thật lòng và kiên tâm hay không.
- Rồi sau sẽ nhận anh?
- Đúng.
Vậy là anh ta tin chắc mình tâm thành.
- Sống một mình lâu trong cái hang này có ngán không? Ta hỏi và lại liếc nhìn vào tờ tạp chí văn học.
- Tôi được yên ổn và thoải mái hơn ở làng, anh đáp bình thản, không có vẻ như thấy rằng ta quấy rầy. Vả lại hằng ngày tôi có bài học, anh nói thêm.
- Bài học loại gì đấy anh?
- Anh lấy ở dưới chăn ra một bản in đá Huyền môn nhật khóa, Các bài học hằng ngày của đạo sĩ.
- Hai ngày vừa qua không chặt được củi, tôi chỉ có đọc tiểu thuyết, sau đó, thấy mắt ta đặt vào tờ tạp chí mở ra ở trên giường anh giải thích.
- Các cuốn tiểu thuyết này có cản trở anh học không?
Ta muốn thỏa trí tò mò.
- Ồ, ở đó người ta chỉ kể chuyện thường tình giữa đàn ông đàn bà, anh cười đáp. Anh giải thích rằng anh đã học hết trung học phổ thông và anh đã nghiên cứu văn học. Những lúc rỗi, anh đọc sách.
- Thật ra cuộc đời cũng giống như thế thôi.
Ta không dám hỏi xem anh đã lấy vợ chưa cũng như tìm hiểu các bí mật của người đi tu. Mưa gõ bên ngoài nhưng cái tiếng động đều đều ấy lại dễ chịu.
Ta không nên quấy quả anh hơn nữa, ta bèn ngồi gần anh mà không động đậy. Cả hai người qua một lúc lâu như thế, đầu óc rỗng không, chìm vào trong tiếng nhạc của mưa.
Ta không biết mưa tạnh lúc nào. Khi tỉnh ra, ta đứng lên để lên đường và cảm ơn người chủ hang.
- Cảm ơn, làm cái gì cũng đều là một thứ cơ duyên.
Đó là ở trong dãy núi Thanh Thành.
Sau này, trước một ngôi chùa đá trên một bãi bồi nhỏ giữa sông Trường Giang, ta gặp một nhà sư, đầu cạo trọc, mặc áo cà sa đỏ thắm. Ông chắp hai tay trước Phật pháp, quỳ gối khấu giập đầu xuống đất. Những người qua đường quây tròn lại nhìn ông. Không vội vã, niệm kinh xong, ông cởi tấm pháp y, nhét nó vào trong một cái túi giả da màu đen, cầm lấy chiếc ô cán cong dùng làm gậy chống rồi đi. Ta theo một lát, và khi đã vượt qua khỏi đám đông tò mò, ta liền hỏi ông:
- Sư phụ, xin phép, tôi có mời sư phụ một chén trà được không? Tôi muốn hỏi sư phụ vài vấn đề về Phật pháp.
Ông nhận lời, không khỏi khẽ thở dài một cái.
Mặt gầy, người đầy tinh thần, ông chỉ quá năm chục. ông đi nhanh nhẹn, ống quần xắn lên. Ta phải rảo bước để bắt kịp.
- Sư phụ, xem vẻ sư phụ đang làm một chuyến đi dài.
- Trước tiên tôi đi Giang Tây thăm vài vị sư già rồi đi nhiều nơi khác nữa.
- Tôi cũng là người đi một mình, sống biệt lập với thế gian nhưng tôi không được ngoan cường và chân thành như sư phụ, sư phụ mang ở trong lòng một mục tiêu thiêng liêng.
Ta cần tìm những chữ chính xác để làm ông xúc động.
- Thật ra chân chính hành giả, người đi xa đích thực thì không có mục đích nào hết. Làm được như vậy mới là người đi xa tột cùng.
- Sư phụ có phải người vùng này không? Làm chuyến đi này chắc là sư phụ có ý li biệt quê hương phải không ạ?
- Quê hương gia cư của người quy y quy pháp là ở bốn bể, vốn không có cái gọi là quê.
Ông làm cho ta câm nín. Ta mời ông uống trà trong công viên. Ta chọn một nơi yên tĩnh, cách biệt, để mời ông ngồi. Ta hỏi pháp danh của ông rồi ông và ta trao đổi tên họ. Ta giữ im lặng.
Chính ông cất tiếng đầu tiên.
- Thích cái gì xin anh cứ hỏi, người xuất gia không có gì là không thể nói với mọi người.
Ta bèn đi thẳng vào đích:
- Tôi muốn biết tại sao sư phụ lại xuất gia đi tu? Nếu như hỏi không có điều gì phương ngại.
Ông cười khe khẽ, uống một ngụm trà sau khi nhè nhẹ thổi gạt đi các cánh trà nổi trên mặt bát, rồi ông nhìn thẳng vào ta:
- Anh không phải là một người đi du lịch bình thường, có một nhiệm vụ trong người chứ?
- Không, dĩ nhiên tôi không có điều tra nào phải làm, chỉ là thấy sư phụ nhanh nhẹn như thế, tôi ngưỡng mộ. Tuy tôi không có mục tiêu nào rõ rệt nhưng cứ là không thể từ bỏ được.
- Từ bỏ cái gì? Ông hỏi, vẫn với nụ cười dìu dịu.
- Thế gian.
Cả hai cùng bật cười.
- Nói bỏ thì bỏ được mà, ông nói sảng khoái.
- Thực tế đúng là thế thật, ta nói, gật gật đầu. Nhưng tôi muốn được biết sư phụ làm thế nào mà bỏ được.
Ông quả đã kể lại cho ta nghe tất cả câu chuyện, không giấu giếm.
Ông nói lúc mười sáu tuổi đang học trung học phổ thông, ông đã thoát ly tham gia cách mạng, đánh du kích một năm ở trong núi. Mười bảy tuổi trở về thành phố cùng đại quân, tiếp quản một ngân hàng và ông đã thừa sức làm một người lãnh đạo. Nhưng ông lại cứ muốn học y. Tốt nghiệp y rồi ông được cử làm cán bộ ở sở y tế thành phố nhưng ông lại khăng khăng muốn thành bác sĩ. Sau đó ông đã va vấp với bí thư đảng tại bệnh viện, bị khai trừ khỏi đảng, bị chụp cái mũ “phần tử phái hữu” và đưa về nông thôn làm ruộng. Cuối cùng ông đã trở thành thấy thuốc trong vài năm khi ở quê ông, công xã nhân dân lập một bệnh viện. Trong thời gian đó, ông đã lấy một cô gái nông thôn và có liền ba con với người này. Ai bảo rồi ông sẽ tin vào chúa? Hay tin một hồng y giáo chủ dòng Franciscain đến thăm Quảng Châu, ông đã làm hẳn một chuyến đi để tìm hiểu ở chính hồng y ý nghĩa thực sự của đạo Cơ Đốc. Kết quả: không những ông không gặp được hồng y mà còn bị nghi là muốn tiếp xúc với người nước ngoài, mối nghi này đã trở thành tội trạng kết án ông. Bị đuổi khỏi bệnh viện công xã, ông tiếp tục một mình học y học Trung Quốc rồi kiếm kế sinh nhai bằng cách trà trộn với đám du thủ du thực cùng lang băm. Một hôm, ông thình lình nhận ra rằng không thể lọt vào đạo Cơ Đốc phương Tây vậy thì tốt nhất là quay về với truyền thống cha ông rồi sau đó đoạn tuyệt dứt khoát với gia đình. Kể từ ngày ấy, ông xuống tóc làm sư. Ông kết luận câu chuyện bằng một trận cười giòn tan.
- Sư phụ có còn nghĩ tới gia đình không?
- Họ có thể tự lo lấy cho họ mà.
- Sư phụ thật sự không quản ngại gì đến họ cả à?
- Các đệ tử cửa Phật không biết đến lo sợ lẫn oán hận.
- Người nhà có ghét sư phụ không?
Ông nói ông không muốn biết. Ông ở chùa đã nhiều năm thì anh con trai cả đến gặp để báo cho ông rằng ông đã được minh oan hoàn toàn. Nếu ông trở về, ông sẽ được hưởng đãi ngộ của lão cán bộ và lão cách mạng, có thể làm lại nghề y, truy lĩnh một khoản tương đương với lương của ông đã bị cắt mất trong nhiều năm bị cải tạo. Ông nói ông không cần một xu nào, ở nhà cứ việc chia nhau tiền ấy. Vì đây là một quan hệ nhân quả, không nên để người nhà ông thành nạn nhân công toi của một sự bất công với ông. Sau đó anh con trai không trở lại và gia đình ông mất hẳn tăm hơi ông.
- Bây giờ sư phụ sống chỉ bằng những của bố thí trên đường đi thôi sao?
Ông giải thích rằng con người ta đang trở nên xấu đi, nhà chùa xin bố thí không được nhiều bằng ăn mày. Ông sống chủ yếu bằng nghề y nhưng để làm việc đó, ông mặc quần áo dân thường để không làm hại đến hình ảnh của người cửa Phật.
- Liệu cửa Phật có bỏ qua cho các đệ tử xoay sở như thế không?
- Đức Phật sống ở trong lòng anh.
Ta tin chắc rằng ông đã tới chỗ rũ bỏ được các dằn vặt nội tâm, ông có vẻ hoàn toàn êm ả. Ông sắp đi xa, ông sung sướng về việc đó.
Ta hỏi đi đường ông ăn ở thế nào. Ông nói trong các chùa, ông chỉ việc cho xem giấy chứng nhận hòa thượng là được tiếp nhận. Nhưng hiện nay ở đâu đâu điều kiện cũng xấu, sư không nhiều, tất cả lao động là để tự nuôi mình thế nên người ta không cho phép ông ở lại lâu vì chẳng còn ai cúng đường chùa. Chỉ các chùa lớn nhận chút ít trợ cấp gần như vô nghĩa của chính phủ mà thôi. Dĩ nhiên ông không có ý làm nặng thêm gánh của các vị sư khác. Ông nói ông có tâm hồn của hành giả, người đi đường, ông đã đi đến nhiều núi nổi tiếng. Ông cảm thấy sức khỏe hoàn hảo, có thể đi được cả vạn dặm nữa.
- Tôi có xem được cái giấy chứng nhận sư không?
Ta có cảm tưởng nó sẽ có ích cho ta hơn cái thẻ hội nhà văn.
- Có gì là bí mật đâu, Phật môn không thần bí, mở ra cho mọi người mà.
Ông lấy ở trong ngực ra một tờ giấy to gấp lại có in hình Phật Như Lai ngồi tĩnh tọa trên một ngai hình hoa sen, đầu ngẩng cao, một dấu son vuông to tướng đóng vào đó. Có cả pháp danh của bậc sư phụ đã cạo đầu và cho ông thụ giới. Cuối cùng ghi chương trình tu luyện cùng cấp bậc của ông, pháp chủ, vậy là ông có thể giảng dậy kinh Phật và chủ trì các việc Phật.
- Một hôm nào đó, biết đâu tôi có thể sẽ theo chân sư phụ, ta nửa đùa nửa thật nói.
- Đó là có duyên rồi, ông đáp rất chân tình. Rồi đứng lên, chắp tay lại chào ta.
Ông đi rất nhanh. Ta theo ông một lúc nhưng ông đã mau chóng mất hút vào trong đám đông người qua đường. ta hiểu rằng các phàm căn, cội rễ trần tục của ta chưa đứt đoạn.
Sau đó, trước chùa Quốc Thanh, dưới chân núi Thiên Đài, trước tòa tháp xá lị có từ đời Tùy, trong khi ta đang xem một dòng bia súc tích thì vô tình nghe thấy một cuộc chuyện trò.
- Con nên về với bố, một tiếng đàn ông nói ở phía sau bên kia tường gạch.
- Không, bố đi đi, một người đàn ông khác đáp lại, giọng trong trẻo hơn.
- Nếu không vì bố mà về thì hãy nghĩ đến mẹ con.
- Bố cứ bảo mẹ rằng con rất khỏe.
- Chính mẹ con bảo bố đến đấy, mẹ con ốm.
- Bệnh gì?
- Cứ kêu đau dạ dày.
Anh con trai không nói gì nữa.
- Mẹ con nói là bố mang cho con đôi giầy.
- Con có giầy rồi.
- Đây là giầy thể thao mà con vẫn thèm để đánh bóng rổ.
- Đắt lắm đấy! mua làm gì?
- Đi thử xem!
- Ở đây con không chơi bóng rổ, con không đi giầy này, bố mang về đi. Không ai mang loại giầy này ở đây đâu mà.
Đang là buổi sáng, chim hót líu lo rất vui trong rừng. Giữa tiếng chiêm chiếp của sẻ, một con chim hót lên một tràng dụ dỗ, nhưng nó ẩn trong đám lá ken dầy của cây bạch quả, không biết nó đậu ở cành nào. Rồi các con ác là choang choác đến. Đằng sau ngôi chùa gạch là im lặng. Ngỡ mọi người đã đi, ta vòng ra sau. Ta bèn phát hiện ra một người trẻ tuổi, đầu ngẩng cao đang nghe chim hót; đầu anh ta đã cạo trọc nhưng chưa có sẹo hương châm. Anh ta mặc một áo ngắn của sư; duyên dáng, mặt hồng hào, chưa có nước da vàng ủng của các sư khổ hạnh lâu ngày. Bố anh có dáng một nông dân, cũng đầy sức lực, ông cầm ở tay một đôi giầy bát két mới đế trắng, vạch đỏ và lơ mà ông vừa lấy ở trong hộp ra. Ta đồ chừng đây là một ông bố muốn ép con lấy vợ. Anh thanh niên kia rồi có thụ giới không?

48
Mi muốn kể cho nàng một chuyện có từ đời nhà Tấn. Chuyện ni cô đến xin bố thí ở cửa một đại tướng quân nổi tiếng vì ngạo mạn. Theo lệ, người ta báo với quản gia và quản gia cho ni cô một xâu nghìn đồng chinh. Ni cô từ chối, muốn gặp thí chủ, người ban tiền cho mình. Quản gia đành chuyển đạt lời thỉnh cầu này lên tổng quản gia, tổng quản gia muốn rũ gạt nhà sư nên đã ra lệnh cho gia nhân mang đưa cho ni cô một lượng bạc. Ai dám nói ni cô lại một lần nữa từ chối, lại yêu cầu gặp đích thân đại tướng quân, khẳng định chắc chắn rằng ông ta đang lâm nạn và ni cô đến đây để đặc biệt cầu kinh hóa giải cho ông ta. Tổng quản gia chỉ còn có thể trình lên và viên tướng ra lệnh đưa ni cô vào.
Khi nhìn thấy khuôn mặt của nhà sư mặc dù đầy bụi nhưng rất thanh tú và thoát tục, vị tướng nghĩ ngay ni cô không có chút nào là kẻ lừa bịp hay một mụ đàn bà chuyên trò dâm tà, ông bèn hỏi nhà sư muốn gì. Ni cô tiến lên, chắp tay chào rồi lùi lại nói đinh ninh rằng từ lâu đã nghe thấy đại tướng quân hào hiệp và khoan dung. Ni cô từ xa đặc biệt đến đây để thực hành bảy bảy bốn chín ngày chay giới vì vong linh của mẹ tướng quân đã chết. Đồng thời ni cô cầu xin Phật A Di Đà giáng phúc cho viên tướng, phù hộ độ trì cho ông tai qua nạn khỏi. Cuối cùng, viên tướng ra lệnh cho quản gia xếp đặt một gian phòng ở sân trong và cho gia nhân sửa soạn bàn hương ở đại sảnh.
Từ hôm ấy, tiếng tụng kinh gõ mõ cứ vang lên từ sáng đến chiều trong tướng phủ. Thời gian trôi đi, viên tướng cảm thấy ngày một nguôi dịu trong lòng và sự kính trọng của ông đối với vị sư nữ không ngừng tăng lên. Nhưng mỗi chiều vị sư nữ trẻ lại bỏ ra một giờ tắm táp. Viên tướng ngạc nhiên: nhà sư không tóc thì việc gì phải bận đến đầu tóc cùng trang điểm như một người đàn bà bình thường. Vậy tại sao tắm, nghi lễ đơn giản để thanh tẩy tâm can trước khi thay hương, lại kéo dài đến như thế? Hơn nữa, vào lúc ấy, người ta nghe thấy nước chảy không ngừng. Ni cô dội nước lên mình liên tục hay sao? Tướng quân bắt đầu bị sự tò mò ám ảnh.
Một hôm ông đi vào sân trong. Tiếng mõ cá đã im. Một lát sau, ông nghe thấy nước chảy. Ông biết ni cô sắp thắp hương bèn đi tới đại sảnh để chờ. Tiếng nước ngày một mạnh, vẳng đến không dứt. Những sự nghi hoặc nảy ra trong ông và ông đi xuống các bậc tam cấp. Cánh cửa buồng ni cô hé mở. Ông đàng hoàng đi đến để ngó vào trong. Thì thấy ni cô, quay mặt ra cửa, nước da hồng hào, hàm răng trắng bóng, má đánh phấn và gáy ngọc, vai nhẵn mịn màng, đôi mông tròn trịa, đích thực một người ngọc. Ông vội lánh trở lại đại sảnh, hồi tâm tĩnh trí lại.
Tiếng nước vẳng mãi lên trong buồng, kéo ông miễn cưỡng tới. Ông đi theo hành lang, rón rén trở lại trước gian buồng. Nín thở, ông dán mắt vào khe cửa. Bèn thấy mười ngón tay rất búp măng đang xòe mở ra để xoa vần hai bầu vú đầy đặn, trắng như tuyết, đẹp thêm bởi hai nụ hoa sẵn sàng bung nở. Làn da ướt ẩm nhẹ nhàng dâng lên hạ xuống, một đường nét thanh tao hiện ra từ rốn đến mu. Viên tướng kinh ngạc khuỵu gối xuống, không thể đứng lên nổi.
Rồi ông thấy hai bàn tay trắng ngần ấy lấy ra một cái kéo ở trong thau, khép hai cánh kéo lại rồi cắm mạnh chúng vào bụng ni cô. Máu tươi đỏ thắm vọt ra ở bên dưới rốn. Kinh hoàng, không dám động đậy ông nhắm mắt lại, không nhìn nổi nữa.
Một lát sau, tiếng nước lại nổi lên. Ông mở mắt, mê hoặc thấy ni cô trọc đầu đằm mình trong máu nhưng hai bàn tay không ngừng cử động để lấy ruột gan ra để cả vào trong thau.
Xuất thân từ một dòng họ lâu đời tướng lĩnh, con người này đã trải vô vàn chiến trận, ông không ngất đi. Ông hít một hơi dài không khí tươi lành rồi chau mày quyết làm rõ sự thể. Vào lúc ấy, ni cô không có một vết máu nào trên mặt. Nhắm mắt, lông mi khép lại, đôi môi nhợt tái, nàng hơi run rẩy. Nàng có vẻ đang rên rỉ nhưng không nghe rõ được âm thanh nào. Chỉ có tiếng nước chảy vẳng lên mà thôi.
Hai bàn tay đẫm máu, ni cô cầm lấy ruột mình, xoa nặn rồi rửa ráy kỹ lưỡng, vắt lên cánh tay. Sau khi rửa ráy ruột sạch sẽ, ni cô nâng chúng lên rồi đặt trả lại vào trong bụng. Nàng lấy một cái gáo đầy nước lần lượt rửa tay ngực, những nếp bẹn, bàn chân và cả móng chân, tựa hồ chẳng từng có cái gì xảy ra hết. Viên tướng vội vã đứng lên, quay lại đại sảnh rồi đứng đó chờ ni cô.
Một lát sau, cửa mở và ni cô xuất hiện, cầm chuỗi tràng hạt. Nàng đã mặc đầy đủ áo quần, đi đến ban thờ, hương trong bát hương vừa tắt ngấm. Trên nén hương, một sợi khói đang thoi thóp dần. Nàng bình thản thay hương mới.
Như vừa nặng nhọc tỉnh ra khỏi một cơn mơ, chưa thể kiềm chế được mình, ông hỏi người ni cô. Nàng đáp không biến giọng: Chúa công, nếu ngài có ý lên ngai vàng thì số phận của ngài sẽ giống hệt như cái cảnh mà ngài vừa thấy. Quả là có mưu mô tiếm đoạt ngôi vua, nghe thấy thế, tướng quân hết sức cụt hứng, từ đấy không còn dám đi xa ra khỏi chính đạo, giữ được danh vọng liêm trinh của vị tướng. Vậy là câu chuyện này gốc gác có một ý nghĩa giáo dục chính trị.
Mi bảo rằng thay đổi kết luận của chuyện này, cũng lại có thể làm ra được một bài giảng luân lý cảnh giới loài người chớ có tham dâm háo sắc.
Câu chuyện này cũng có thể là một giáo huấn tôn giáo khuyên con người quy theo đạo Phật.
Cũng có thể được dùng làm triết lý xử thế, dạy người quân tử mỗi ngày ba lần tự vấn lương tâm, vạch cho con người thấy rằng đời người tức là bể khổ, các đau khổ của cuộc đời đều là từ ở ta mà ra, hay nữa từ đó người ta có thể suy ra nhiều lý thuyết tế nhị, tinh vi khác. Tất cả tùy vào lời giải thích cuối cùng của người kể đưa ra đối với nó.
 Nhân vật chính của chuyện này, vị đại sư tư mã tướng quân có danh tính kiểm tra ra được ở trong các sách lịch sử và thư tịch cổ. Mi không phải là nhà sử học, mi không có tham vọng chính trị. Mi càng không có ý định làm một sư phụ của đạo học để thuyết giáo hay đặt mình ra làm mẫu mực. Cái mi thích chính là bản thân câu chuyện này với cái vẻ thuần khiết hoàn hảo của nó. Thật ra chẳng giải thích nào mà lại trực tiếp liên quan đến nó được cả. Mi chỉ muốn dùng ngôn ngữ kể lại nó một lần nữa mà thôi.

49
Trong một phố cổ của thị trấn. Trước một cửa hàng tạp hóa ông già kê hai tấm ván cho cái quầy thư pháp của mình. Những câu đối lấy khước viết trên giấy sáp đỏ được treo lên. “Long phượng dẫn tường, hỉ khánh lâm môn”, rồng phượng đưa phúc đến, hôn nhân gõ cửa nhà, “Gặp sự vui bên ngoài, tiền đẻ trên mặt đất”, “Buôn bán sinh sôi trên bốn biển, Tài phú nhân bội ở ba sông”. Đó là những câu đối cũ đã được thay bằng các lời trích dẫn và các khẩu hiệu cách mạng. Hai câu nữa là: “Khi gặp một người, một nụ cười đáng ba phần hạnh phúc”, “Có việc vô tâm thì tự việc biến đi”. Ta không biết ông già nghĩ ra nó hay là thừa hưởng từ tổ tiên. Ông già viết theo phong cách bay bướm: cốt cách chữ khá đạt, có thể nói là có chút đạo bùa của đạo sĩ.
Ông già khá cao tuổi, ngồi sau quầy, mặc áo vét kiểu cổ có hai vạt bắt chéo và đội một cái mũ lưỡi trai cũ của quân đội, màu đã bạc, nó đem lại cho ông già một dáng vẻ hài hài. Trên quầy của ông, ta thấy có bát quái dùng làm cái chặn giấy. Ta đến gần để bắt chuyện.
- Dạ, ông làm ăn được chứ?
- Được.
- Thế một đôi câu đối bao nhiêu tiền ạ?
- Có đằng hai nguyên, có đằng ba nguyên, tùy chữ nhiều ít.
- Chỉ một chữ “phúc” thì sao?
- Một nguyên.
- Mỗi một chữ?
- Đúng, nhưng tôi viết ngay trước mặt anh.
- Thế vẽ bùa giải hạn trừ tà?
- Cái thứ ấy, khó vẽ đấy, ông già ngẩng đầu lên về phía ta nói.
- Tại sao?
- Anh là cán bộ, tại sao không biết?
- Tôi không là cán bộ.
- Nhưng rõ là anh ăn ở cái nồi cơm của Nhà nước mà, ông già khẳng định dứt khoát.
- Ông ơi, ta vừa nói vừa đến gần, ông chẳng phải là đạo sĩ của Đạo giáo đấy sao?
- Tôi không làm từ lâu rồi.
- Tôi biết, nhưng tôi hỏi ông vẫn còn biết làm lễ Đạo giáo hay không.
- Dĩ nhiên vẫn, nhưng chính phủ cấm mê tín dị đoan mà.
- Ai bảo ông mê tín dị đoan? Tôi sưu tầm âm nhạc đệm cho các câu kinh, ông có thể hát lên cho tôi nghe được không? Hội các đạo sĩ ở núi Thanh Thành bây giờ đã bắt đầu chính thức hoạt động trở lại rồi, ông còn sợ cái gì nữa?
- Đấy là một tòa đại miếu, còn chúng tôi đây, những người đạo sĩ dân gian ở làng thì người ta không cho làm đâu.
Ta lại càng thấy quan tâm hơn:
- Chính là tôi tầm một đạo sĩ dân gian như ông đấy. Ông hát cho tôi một hai bài được không? Bài kinh tụng cho đám ma hay kinh tụng để xua tà đuổi quỷ.
Ông già hát hai câu rồi ngừng bặt ngay:
- Tùy tiện kinh động quỷ thần như thế này không tốt, trước hết phải thắp hương thỉnh cầu các vị.
Trong khi ông già hát, nhiều người kéo đến, rồi một người trong đám cất tiếng gọi ông, thế là nổ ra một trận cười:
- Này ông, hát cho chúng tôi bài gì nó hoa lá ấy!
- Tôi sẽ hát cho các vị một bài hát miền núi, - ông già bèn tuyên bố tựa như để tự cổ vũ chính mình.
- Hát đi, hát đi!
Ông thình lình cất lên một giọng hát rất cao:
Em gái trong núi hái chè,
Dưới đồng bằng chồng chưa cưới của em cắt cói,
Chim uyên ương của hai bên đã bay lên,
Em gái và chồng chưa cưới sắp hợp thành đôi.
Trong đám đông, người thì vỗ tay người thì khuyến khích ông:
- Hát bài tục ấy!
- Nào hát đi, ông già!
Ông già xua xua tay về phía đám đông:
- Không được, không được, nếu tôi hát thì đó là phạm nguyên tắc.
- Hát một bài thì phạm nguyên tắc lớn đến đâu?
- Đừng lo, ông ơi, hát đi!
Đám đông réo gọi to, phố nhỏ đen đặc người, xe đạp không đi qua được bóp chuông.
- Được nhớ, chính là các vị muốn thế đấy nhớ! – ông già bị đám đông thúc đẩy vừa nói vừa đứng lên.
- Hát bài con khỉ đội mũ bằng vỏ dưa mò vào buồng đàn bà ấy.
Mọi người vỗ tay hoan hô bài hát được chọn. Ông già lau lau miệng sắp sửa hát thì bỗng nói khẽ:
- Công an!
Mọi người quay lại. Không xa, một công an viên đi tuần, đầu đội mũ lưỡi trai vành trắng điểm dải băng đỏ.
- Công an thì có cái gì?
- Người ta vui chơi một tý có gì quan trọng?
- Công an không quản các chuyện loại này đâu!
- Nói gì mặc các vị nhưng đi đi, tôi còn làm ăn hay thôi đây – ông già nói xong lại ngồi xuống.
Khi người công an đi rồi, đám đông tiếc rẻ giải tán. Ta hỏi ông già:
- Ông ơi, liệu tôi có thể mời ông đến hát ở buồng tôi được không? Khi nào dọn quầy xong tôi sẽ đưa ông đi ăn ở nhà hàng và uống rượu với tôi, đồng ý không?
Đề nghị của ta đã lôi cuốn được ông già.
- Đồng ý, tôi dọn hàng. Tôi xếp quầy đây, chờ tôi cất các tấm ván đi đã.
- Nhưng tôi làm mất thì giờ của cụ rồi đấy, - ta nói như xin lỗi.
- Không sao, là bạn mà. Tôi chẳng nhờ vào đó để ăn đâu. Ra thành phố thì tiện thể bán vài chữ, để kiếm ít tiền vặt. Nếu tôi chỉ dựa vào giấy mực thì tôi chết đói lâu rồi.
Ta đi trước gọi thức ăn và rượu trong một quán ăn ở góc phố. Một lát sau, ông già gánh hai cái thúng đi đến.
Cả hai vừa ăn vừa trò chuyện. Ông già giải thích rằng năm lên mười, cha ông đã gửi ông đến đạo viện để giúp việc nhà bếp, theo đúng ý nguyện của ông nội lúc đang bị ốm truyền lại. Ông còn có thể đọc ngược không vấp quyển sách “Huyền môn nhật khóa” mà lão sư phụ vỡ lòng cho ông. Khi sư phụ ông chết, ông đã cai quản đạo viện và biết mọi lễ lạp nghi thức. Sau đó, trong cải cách ruộng đất, ông làm đạo sĩ, chính phủ ra lệnh ông trở về làng cày cấy. Khi ta hỏi ông về phong thủy, về ngũ lôi chỉ pháp, về bộ pháp tử vi, về thuận sờ nắn xương xem tướng mặt, ông đều biết cả. Ta mừng rỡ, nhưng quán ăn đầy những người nông dân đã làm ăn xong và kiếm được tiền uống rượu múa tay nói cười ầm ầm dễ sợ. Ta nói ta có một máy ghi âm trong xắc, tất cả những gì ông giải thích cho ta đều là những tư liệu quý hết. Ta muốn ông đến khách sạn ta trọ sau bữa ăn, ông sẽ tha hồ tụng kinh và hát. Ông lão lau mồm:
- Anh cầm lấy rượu mang về nhà tôi uống. Ở nhà tôi có áo đạo bào và các đồ phù phép cần thiết.
- Có cả dao tế của đạo sĩ đuổi tà mà nữa?
- Cái gì mà chẳng có.
- Có cả lệnh bài điều thần khiển tướng nữa chứ?
- Tôi có cả chiêng trống, tất cả những gì cần cho lễ bái. Tôi sẽ cho anh xem tất tần tật.
- Đồng ý! Ta nói và đạp tay xuống bàn, đứng lên theo ông già ra cửa.
- Nhà ông ở huyện lỵ ư?
- Không xa, không xa. Tôi đi gửi cái đòn gánh ở nhà ai đó đã, anh đi trước chờ tôi ở bến xe đường dài ấy.
Năm phút sau ông già rảo bước tới, giục ta leo lên một xe khách sắp lăn bánh. Ta lên xe không hề suy nghĩ. Xe chạy không nghỉ, ta nhìn qua cửa xe ánh nắng cuối cùng khuất sau rặng núi. Khi xe đến trạm chót, một thị trấn nhỏ, đã đi được ngót hai chục cây số. Xe lại chuyển bánh tức thì, đó là chuyến cuối cùng của ngày hôm nay.
Thị trấn thực ra chỉ là một con phố duy nhất dài năm chục mét là cùng. Ta không biết có một quán ăn nào ở đây không. Ông bảo ta chờ rồi vào một căn nhà. Ta nghĩ rằng nếu ta ở đây với con người nồng nhiệt này thì đó là cuộc gặp gỡ tiền định. Ông ở trong nhà đi ra, hai tay bưng lưng chậu đậu phụ, bảo ta đi theo.
Ra khỏi thị trấn, trên con đường đất, đêm bắt đầu xuống.
- Ông ở làng gần thị trấn?
- Không xa, không xa đâu, - ông già chỉ trả lời như vậy.
Chẳng mấy chốc không còn thấy nhà cửa nào và đêm thì dày đặc. Khắp nơi trong ruộng vang lên tiếng ếch nhái kêu oàm oạp. Ta hơi e ngại nhưng không dám hỏi. Đằng sau ta nổi lên tiếng nấc của một động cơ máy kéo cá nhân. Lập tức, người đồng hành của ta múa tay ra hiệu rồi chạy đuổi theo. Ta cũng bắt kịp ông già và nhảy vào cỗ moóc. Đi khoảng cả chục dặm nữa trên đường đất, cả hai cùng xóc tung lên như những hạt đậu trong chiếc moóc trống không. Trong đêm tối, lấp lóa như chột, ánh đèn pha vàng của một chiếc máy kéo cá nhân chiếu sáng con đường gồ ghề một vùng hai chục bước. Không một người đi bộ. Ông già liên hồi chuyện váng lên với người tài xế bằng thổ ngữ địa phương, tựa như đang cãi nhau, nhưng ta không sao nắm được một câu nào của họ vì tiếng máy nổ. Cứ cho là họ đang bàn việc thịt ta như thế nào thì ta cũng chỉ có thể nhờ trời mà thôi.
Cuối cùng đã đến kịch đường. Ở đấy sừng sững một ngôi nhà tối om: chủ cỗ xe kéo đã về đến nhà. Khi anh ta mở cửa, hai người chia nhau vài mẩu đậu phụ trong thau. Theo sau người dẫn đường, ta lần mò trên lối mòn lượn ngoằn ngoèo giữa các bờ ruộng.
- Còn xa không?
- Không xa, không xa đâu, - ông già nhắc lại.
May sao ông ta đi trước. Nếu ông ta đặt thau xuống trổ quyền cước kung fu với ta – vì ta biết tất cả các đạo sĩ già đều mê võ thuật – ta chỉ còn cách nhẩy ùm xuống ruộng mà lăn đi trong bùn. Bây giờ núi hắt bóng xuống các ruộng bậc thang, tiếng ếch nhái đã hiếm. Ta tìm cách nối lại chuyện. Ta hỏi về thu hoạch mùa rồi đến các khó khăn mà ông gặp phải. Ông nói con người ta không giàu được nếu như lệ thuộc hoàn toàn vào đất cát. Năm nay, ông đã chi ba nghìn nguyên để biến mấy mẫu ruộng thành ao. Ta hỏi ông có nuôi rùa không vì ở thành phố hiện giờ ăn rùa là cái mốt. Người ta bảo ăn rùa chống ung thư hơn nữa còn tráng dương. Rùa bán rất đắt. Ông nói ông đã thả cá bột nhưng rùa chén mất hết. Bây giờ ông có tiền thì gỗ vẫn cứ khó mua. Ông có sáu con trai, chỉ có thằng cả đã lấy vợ, những đứa khác chờ làm xong nhà mới ra ở riêng. Thấy yên tâm hơn, ta ngắm sao, hưởng cảnh đêm.
Trong bóng núi, phía trước mặt lấp lánh ánh lửa. đã về tới nơi.
- Tôi đã bảo là không xa mà.
Rõ là người nông thôn có khái niệm riêng của họ về khoảng cách.
Hơn mười giờ đêm, thế là ta đã đến một sơn thôn nho nhỏ. Ở cửa ra vào nhà, hương thắp ở chỗ những bức tượng gỗ hay đá ít nhiều sứt mẻ. Chắc họ đã thu nhặt chúng trong chùa miếu khi chùa miếu bị phá phách trong cuộc đấu tranh chống “Tứ cựu[20]” cách đây hơn mười năm. Bây giờ, ông lão có thể công khai bày biện chúng và dán các đạo bùa cả lên rui kèo trên mái. Những đứa con trai ông đi ra, lớn nhất mười tám, nhỏ nhất mười một. Thằng cả không ở đây. Bà vợ ông bé tí teo, bà mẹ già của ông tám mươi tuổi nhưng vẫn hoạt bát lắm. Vợ ông và lũ con xúm xít ân cần ở bên ta, ta là thượng khách trong con mắt họ. Không những họ lấy nước cho ta lau mặt mà còn muốn cọ rửa chân ta và cho ta đi giầy vải của chủ nhà. Rồi họ pha trà cho ta.
Một lát sau, các người con trai ông mang chiêng, trống, não bạt đến, một cái chiêng bé và một cái chiêng to móc vào giá gỗ. Lập tức nhạc nổi lên, ông già thong thả, đường bệ từ trên gác bước xuống. Ông đã thay đổi hẳn cốt cách, mặc đạo bào, áo dài cũ màu tím của đạo sĩ, áo vá và có trang trí hình cá âm dương cùng những bát quái. Ông tự tay thắp hương, cúi rạp người xuống trước ô thờ chư thần. Người làng đủ lứa tuổi được chiêng trống đánh thức dậy đang chen nhau ở bậc cửa. Khung cảnh biến thành một buổi lễ náo nhiệt. Ông già đã không nói dối ta.
Đầu tiên hai tay ông nâng lên một bát nước trong, miệng lầm rầm rồi búng một cái rẩy nước ra bốn góc nhà. Khi nước bắn vào chân những người chen chúc ở cửa, một tiếng râm ran lớn lẫn với tiếng cười cất lên. Riêng ông già không biến sắc mặt, hai mắt lim dim, khóe mép trệ xuống, phô ra vẻ trân trọng của người đang giao tiếp với thần linh. Nhưng đám đông cười mỗi lúc một to. Thình lình ông vén tay áo dài đập mạnh vào một cái phách trên bàn, làm các tiếng cười nín bặt. Ông quay lại hỏi ta:
- Tôi có thể hát Bài hát của năm lên đường cái lớn, bài hát Cát hung Cửu tinh chín sao, Bài hát con cháu, Bài hát về biến dạng đổi hình, Bùa chú ứng nghiệm bốn hung tinh, Lời thỉnh phần danh tính pháp làm cửa phòng ông bà, Kinh chúc lễ thổ thần, Lời thỉnh gọi hồn Bắc Đẩu, anh muốn nghe những gì?
- Nào, hãy nghe lời thỉnh gọi hồn Bắc Đẩu trước đã.
- Cái này là để che chở cho trẻ con khỏi bệnh hoạn cùng tai họa. Các người đây muốn che chở cho đứa trẻ nào? Cho tôi tên nó cùng ngày sinh giờ sinh.
- Chúng ta cho thằng Cún đến đi, - có người đề nghị.
- Ứ, cháu ứ đâu.
Một đứa trai nhỏ ngồi trên bậc cửa đứng lên trốn vào đám đông. Mọi người lại rộ lên.
- Mày làm sao mà sợ, thằng kia? Ông lão làm cho mày để mày không còn đau ốm nữa mà, - một người đàn bà nói.
Đứa bé nấp trong đám đông không chịu ra vì bất cứ lí do gì ở trên đời này.
Phất phất ống tay áo, ông già giải thích cho ta:
- Tốt rồi, thông thường ta phải sửa một bát cơm, luộc một quả trứng gà đặt lên bát cơm rồi thắp hương cúng thỉnh. Đứa bé phải quỳ lạy trước ban thờ, người ta sẽ kêu xin chân quân tứ phương, Tử vi đại thế, Diên thọ tinh quân ở nam phương, cửu trấn giải ách tinh quân, nhị vị thủ hộ tôn thần bắc phương, cha mẹ đã quá cố của gia đình, con cháu Táo quân phủ thần để cho tất cả cùng giáng phúc cho đứa bé.
Vừa nói ông vừa vung cao dao lễ, nhẩy lên rồi bắt đầu hát váng:
- Hồn hỡi hồn ơi, hãy mau trở lạ! Phương Đông đứa trẻ mặc áo lam, phương Nam đứa trẻ mặc áo quần đỏ, phương Tây, đứa trẻ mặc áo quần trắng phù hộ cho mày, còn đứa trẻ ở phương Bắc mặc áo quần đen thì đi cùng với mày. Hỡi vong hồn, hỡi hồn đang đi xa xin đừng đi nữa, đường dài, về nhà không có dễ. Ta cầm một cây thước ngọc để đo đường phòng khi nhà ngươi đến phải vùng tăm tối. Nếu nhà ngươi sa phải lưới trời ta sẽ cắt đứt chúng bằng lưỡi kéo của ta. Nếu nhà ngươi đói khát, nếu nhà ngươi mệt mỏi, ta có cơm gạo cho nhà ngươi đây. Chớ nghe chim hót trong rừng, chớ nhìn cá dưới ao sâu, nếu người ta gọi nhà ngươi nghìn lần, ngươi chớ trả lời, hồn hỡi hồn ơi, mau về nhà ngay! Thần linh phù hộ che chở cho nhà ngươi, chớ có ngừng tu nhân tích đức! Từ nay hồn sẽ nguyên vẹn, phách sẽ chở che, giá lạnh gió máy không thể lọt vào, nước nôi, đất cát không phạm đến, trẻ con thì khỏe mạnh, người già thì cứng cáp, tất cả mệnh trường trăm tuổi!
Ông hoa hoa con dao lễ làm thành một vòng tròn to trên không. Phồng má, ông thổi mạnh vào cái tù và bằng sừng trâu rồi ông quay lại phía ta:
- Nếu tôi vẽ một đạo bùa nữa, ai đeo nó sẽ gặp toàn may mắn.
Ta không tài nào nhận được ra liệu ông lão có tin vào các phù phép của chính ông không, nhưng xem ra dẫu gì ông cũng hoa chân múa tay thật lòng và mang một vẻ mặt rất hài lòng. Hành lễ ngay tại nhà mình, được con cái khuyến khích, dân làng nể trọng và hơn nữa trước một người lạ, việc ấy chắc chắn là đưa ông đến cực điểm kích động.
Sau đó ông đọc hết chú này đến chú kia, ông gọi trời đất, nghĩa là các lời ông nói ra ngày một mơ hồ, động tác cử chỉ của ông ngày một điên loạn. Chung quanh ban thờ, ông trổ tài nghệ quyền thuật và kiếm thuật. Các con ông đệm theo sự biến hóa của ông bằng cách hòa nhịp chân và điệu hát của ông với những chiêng trống mà họ biểu diễn mỗi lúc một hăng. Nhất là người con út đánh trống: anh ta ngang nhiên xắn tay áo, nước da đen của anh ta ánh lên, vai nổi ụ. Ngoài cửa, người xem mỗi lúc một tụ tập đông hơn. Những người ở hàng đầu bị xô đẩy đến nỗi họ vượt qua cả ngưỡng cửa gian buồng, dồn những người ở trong lèn chặt vào góc. Một số người ngồi phệt ngay xuống đất. Sau mỗi bài hát, tất cả lại theo ta vỗ tay, hoan hô. Ông già ngày càng phởn phơ hơn. Ông phô diễn tất cả các chiêu võ ông biết, không chút sợ sệt, ông lần lượt gọi tên các quỷ thần ông sở hữu trong người, ở một trạng thái nửa say nửa cuồng. Ông chỉ ngừng lại thở khi ta đảo băng cát-xét của máy ghi âm. Trong gian buồng và ở bên ngoài, đám đông bị kích động đến cực điểm. Người ta cười, người ta gọi nhau, người ta tán chuyện. Những cuộc hội họp lớn của nông dân chắc cũng không náo nhiệt như thế này.
Vừa lau người bằng khăn tay, ông già vừa nói với đám con gái ở trước mặt:
- Hát đi, cả chúng mày nữa, hát cho giáo sư nghe.
Đám con gái cười khúc khích, nhao nhao lên rồi đẩy huých lẫn nhau trước khi cô thiếu nữ tên là Mao Muội ra khỏi đám. Duyên dáng, cô gái mới chỉ mười bốn mười lăm nhưng không có vẻ nhút nhát chút nào. Cô hỏi, hai con mắt to tròn chơm chớp:
- Hát bài gì?
- Một bài miền núi ấy.
- Tôi hát bài “Đám cưới của các chị!”.
- “Hoa thơm bốn mùa” hơn.
Bên cửa, một bà trung niên bảo ta:
- Tốt hơn cả là nó hát “Các chị khác lấy chồng”, bài ấy hay.
Cô gái nhìn ta, cúi người rồi quay mắt đi. Tiếng trong veo như pha lê của cô xuyên qua tiếng ồn ào của đám đông mà vút thẳng lên không. Cô gái lập tức đưa ta vào núi. Gió, những con suối trong vắt và sầm tối, những cực nhọc chảy trôi theo dòng nước vừa xa vời vừa rõ rệt. Ta tưởng tượng ra những bó đuốc của khách đi đường trong bóng tối của núi. Trước mắt ta bồng bềnh hình ảnh một ông già, bó đuốc thông cháy trong tay đang đưa một cô gái cùng tuổi với Mao Muội đây, rất gầy, trong bộ quần áo màu. Họ đi ngang qua trước cửa ông hương sư của một cái làng nho nhỏ. Ta dừng lại để nghỉ ngơi trong gian phòng này, ta không biết họ từ đâu đến, họ đi đến đâu, trước mặt họ, một quả núi đồ sộ với những cánh rừng sâu thẳm. Họ liếc nhìn ta mà không dừng chân rồi lọt vào rừng. Một tàn lửa rớt xuống trước cửa còn sáng lâu mãi. Khi ta quay mắt đi để tìm lại dấu vết của ngọn đuốc, ta thấy một ngọn lửa tí xíu nhảy nhót trong bóng tối ở bên kia các tảng đá. Nó chập chờn trong đêm đen, các tàn lửa từ nó rơi ra đang bí mật vạch ra con đường họ lần theo. Rồi tất cả đã bị xóa đi, ngọn lửa nhỏ nhảy nhót, các tàn lửa, như một bài hát, một bài ca buồn thảm, thuần khiết và lóa sáng, đang chập chờn trong bóng tối gian phòng hay trong một bấc đèn, không to hơn một hạt đậu. Những năm đó, ta cũng như họ, chân trần trong ruộng làm đất làm cát và trời vừa tối là chẳng có chỗ nào đi, ngôi nhà của ông thầy tiểu học là nơi trú náy duy nhất ta có thể tán gẫu, uống trà, ngồi ỳ và tiêu khiển giúp ta qua cảnh cô quạnh.
Buồn thảm đụng chạm đến tất cả mọi người, không ai nói một lời. Cô gái đã ngừng hát một lúc lâu thì một cô khác, nhiều tuổi hơn, đứng tựa cửa, thở dài thật não nề. Chắc là một cô gái sắp lấy chồng:
- Buồn thế!
Rồi đám đông lại hạch:
- Hát một bài tấu đi!
- Bác ơi, hát “Đêm năm canh”!
- “Mười tám cái vuốt ve” ấy.
Đám thanh niên gọi ông.
Ông già lấy hơi, cởi áo dài đứng lên khỏi chiếc ghế băng để đẩy cô gái vừa hát và đám trẻ con ngồi trên bậc cửa.
- Đi, nào trẻ con, đi về nhà ngủ đi! Không hát nữa đâu, đi ngủ đi.
Chẳng ai muốn đí. Người đàn bà trung niên, đứng trước cửa lúc đó bèn lần lượt gọi tên từng đứa bé. Ông già giậm chân tựa như bực mình rồi bắt đầu kêu lên:
- Đi ra hết! Tao đóng cửa, tao đóng cửa đây này, về ngủ đi!
Người đàn bà đi vào trong phòng đẩy bọn con gái bé ra ngoài rồi quát bọn con trai bé:
- Ra đi, chúng mày nữa.
Bọn con gái lè lưỡi ra đáp lại rồi kêu lên một tiếng lạ:
- Yê...
Cuối cùng hai cô gái lớn ngoan ngoãn đi ra. Đám đông đuổi nốt bọn trẻ con. Người đàn bà đi đóng cửa, những người lớn tuổi tranh thủ lúc này ùa vào. Khi then đã cài, nhiệt độ lên cùng với một mùi mồ hôi nồng nặc. Ông già dặng hắng khe khẽ, nhổ xuống đất, nháy mắt về đám đông. Ông đã đổi diện mạo. Với một vẻ nghịch ngợm, ông đi đứng theo kiểu một con mèo.
Người đàn ông sửa soạn, hắn sửa soạn cái gì?
Hắn sửa soạn cái gậy của hắn,
Người đàn bà sửa soạn, sửa soạn cái gì?
Ả, sửa soạn cái cống của ả.
Đám đông hoan hô ông. Ông già lau mép bằng tay:
Cái gậy rơi vào trong
Nó giẫy lên như một con cá diếc!
Tiếng cười ran ran lên, người thì cúi gập người lại mà cười, người thì nhảy tưng tưng.
- Hát cho chúng tôi bài “Thằng ngu lấy vợ” nữa đi! – Một tiếng nói cất lên.
- Cha chả! Đám thanh niên kêu lên.
Ông già gạt cái bàn ra lấy chỗ ở trong phòng. Ông ngồi xổm xuống đất thì thình lình có người gõ cửa. Bất bình ông hỏi:
- Ai đấy?
- Tôi đây, bên ngoài tiếng một người đàn ông đáp.
Cửa mở một người trẻ tuổi đi vào, áo vét vắt vai, tóc rẽ ngôi. Mọi người lầm rầm:
- Trưởng thôn, trưởng thôn, trưởng thôn...
Ông già đứng lên. Người mới đến hơi mỉm cười nhưng lập tức nụ cười tắt ngấm khi con mắt anh ta dừng lại ở chiếc máy ghi âm để giữa bàn, anh ta đi về phía ta.
- Đấy là khách của bố.
Ông già quay lại giới thiệu ta với người trẻ tuổi:
- Con cả tôi đấy!
Ta chìa tay ra. Anh ta hạ cái áo ở vai xuống, không buồn bắt tay ta chỉ hỏi:
- Anh ở đâu đến?
- Anh ấy là giáo sư ở Bắc Kinh, - ông già vội giải thích.
Anh con trai cau mày:
- Anh có giấy giới thiệu chính thức không?
- Tôi có giấy chứng nhận, - ta nói và lấy ra thẻ hội viên Hội nhà văn.
Anh ta xem ngược xem xuôi rồi trả lại.
- Nếu anh không có công văn chính thức thì không được.
- Anh muốn công văn chính thức nào?
- Của hành chính xã hay con dấu của hành chính huyện.
- Nhưng thẻ của tôi có đóng dấu đây.
Anh ta phân vân, cầm lại tấm thẻ đến xem chăm chú dưới đèn.
- Trông không rõ lắm.
- Tôi từ Bắc Kinh đến sưu tầm dân ca!
Ta không chịu lùi bước, dĩ nhiên, cũng chẳng bận tâm quá đến xã giao. Thấy ta vững vàng, anh ta bèn quay về phía người cha và nghiêm khắc quở trách:
- Bố, bố biết rõ như thế là trái nguyên tắc cơ mà.
- Anh ấy là một người bạn bố mới quen.
Người cha muốn giải thích tiếp nhưng trước con trai ông – trưởng thôn, ông thiếu dũng khí.
- Tất cả mọi người về ngủ đi! Phạm nguyên tắc.
Anh con còn nhắc lại câu này với đám người xem. Một số đã lủi đi, đám em trai của anh ta đã xếp dọn nhạc cụ và đồ cúng tế. Ta không là người duy nhất tiu nghỉu, ông già thật tình chán nản, tựa như ông vừa nhận cả một thau nước lạnh vào đầu. Tất cả sự linh hoạt và tinh khôn đã rời bỏ ông, hai con mắt ông trống không, ông co rúm lại tội nghiệp. Ta buộc phải giải thích:
- Cha anh là một nghệ nhân dân gian hiếm có, tôi đặc biệt đến học tập ông ấy. nguyên tắc của anh về nguyên tắc là tốt, nhưng còn những nguyên tắc lớn hơn chỉ đạo cả các nguyên tắc của anh...
Vậy mà lúc này ta cũng khó giải thích với anh ta cái nguyên tắc lớn hơn kia là gì.
- Mai anh đến hành chính xã, họ sẽ nói có được hay không, được thì anh quay lại với một con dấu.
Anh ta đã dịu giọng, kéo cha lại một góc thầm thì cái gì vào tai. Cuối cùng anh ta hất cái áo lên vai rồi đi ra.
Khi mọi người ra về hết, ông già cài then cửa rồi đi vào bếp. Một lát sau, bà vợ mảnh khảnh của ông mang ra một bát tướng đậu phụ luộc với thịt muối và các thứ rau dưa muối. Ta thoái thác nhưng ông già nài nỉ. Cả hai cùng ngồi ăn, không ai nói năng gì. Sau đó, ông bảo ta ngủ với ông trong gian buồng sát bếp, thông với chuồng lợn. Đã hơn một giờ sáng.
Đèn vừa tắt muỗi đã tấn công. Ta đập liên hồi kỳ trận vào mặt, vào đầu, vào tai. Không khí ngột ngạt, trong gian phòng một mùi khăn khẳn. Sự hiện diện của ta ở trong nhà khiến cho con chó kích động đến cao độ. Nó ra lại vào, làm cho lũ lợn không ngừng ủn ỉn và liên tục cựa quậy. Dưới giường vài con gà mái người ta quên nhốt chuồng cũng bị con chó quấy. Thỉnh thoảng chúng đập cánh. Ta quá ư mệt nhoài mà không tài nào ngủ nổi. Lát sau, con gà trống dưới gầm giường cất lên hồi gáy cồ cộ nhưng ông lão vẫn cứ ngáy. Ta không biết muỗi có đốt ông không hay chỉ đốt người lạ. Trừ phi ông già này một khi đã thiếp vào giấc ngủ là mất hết tri giác. Không chịu được hơn nữa, ta dứt khoát dậy, mở cửa phòng chính và ngồi ở ngưỡng cửa.
Một làn gió mát nổi lên. Người ta thôi đổ mồ hôi. Qua đường viền lờ mờ của cây rừng, ta không nhận ra bất kỳ một ngôi sao nào trong màn đêm xám nhờ nhờ. Mọi người vẫn ngủ say trong các ngôi nhà rải rác với những mái ngói đen sì. Không bao giờ ta lại có thể tưởng tượng mình được qua một tối vui nhộn đến như thế ở trong cái sơn thôn nhỏ bé này, chưa tới chục gia đình. Thất vọng bị cắt đứt lưng chừng đã tiêu tan khi hơi lạnh xâm chiếm ta; cái mà người ta thông thường vẫn gọi là cuộc đời, nó vẫn cứ là ở trong cái không lời.

50
Nàng nói: thế đủ rồi, anh đừng kể nữa!
Mi cùng nàng đi dọc bờ sông dựng đứng, bên dưới nước xoáy rất mạnh. Trước mặt hai người, một vực nhỏ sâu trải ra. Khi nước đổ vào vực, nước dạt ra thành vòng cung rồi bề mặt hoàn toàn nhẵn của nó trở nên xanh sẫm, không một gợn sóng. Đường mỗi lúc một hẹp.
Nàng nói nàng muốn về, nàng sợ mi đẩy nàng xuống sông.
Giận dữ bốc lên trong người, mi hỏi nàng có phải là điên rồi không.
Nàng nói chính là vì nàng ở với một con quỷ như mi mà nàng đã bị rút rỗng hết, rằng tim nàng bây giờ khô cằn; nàng chẳng thể nào mà chẳng hóa điên được. Nàng biết rõ là nếu mi còn đi với nàng dọc con sông này thì đó là vì mi tìm cơ hội để đẩy nàng xuống nước. Mi muốn nàng chết đuối để cho nàng không lưu lại dấu vết gì.
Cút đi! Mi không kìm được, mi rủa nàng.
Nàng nói, anh xem đấy, anh xem đấy, chính là anh nghĩ thật như thế đấy, bụng dạ anh hiểm độc; thật tình mi căn bản chẳng yêu nàng, không yêu là xong, thế nhưng tại sao mi lại quyến rũ nàng? Tại sao mi lại kéo nàng đến trước chỗ vực sâu này?
Mi nhận ra trong mắt nàng một sợ hãi thật sự, mi muốn đến gần để an ủi nàng.
Không! Không! Nàng cấm mi bước gần thêm một bước nữa. Nàng van mi hãy đi ra xa, để nàng được sống. Nàng nói, trông thấy cái vực không đáy này, tim nàng lạnh băng đi vì sợ. Nàng muốn về mau, tìm lại cuộc đời ngày xưa của nàng; nàng đã lên án lầm nó và để cho một quái vật như mi dẫn đến những địa đầu hoang vu này. Nàng muốn trở lại gần hắn, tìm lại căn buồng bé nhỏ của hắn, và lần này nàng sẽ có thể tha thứ cho hắn tất cả, cho dù hắn luôn hung bạo trong các quan hệ tính giao. Nàng nói rằng bây giờ nàng hiểu ra rằng chính vì hắn yêu nàng mà hắn hùng hục như thế, rằng dục vọng lõa lồ của hắn chứng tỏ lòng thành của hắn chứ còn nàng không chịu nổi được sự lạnh lùng của mi, mi đạo đức giả gấp trăm lần hắn, mi ấy, thật ra mi đã chán nàng từ lâu rồi nhưng mi không nói ra, mi làm nàng đau khổ về tâm hồn còn độc ác hơn là làm cho nàng đau khổ về thân xác.
Nàng nói nàng nghĩ đến hắn, rằng ở nhà hắn, cuối cùng nàng tự do, nàng cần một tổ ấm, ở đó nàng có thể náu ẩn, nàng chỉ muốn trở thành một bà chủ nhà, hắn nói muốn lấy nàng, nàng tin hắn, còn mi, ngay những lời như thế mi cũng không bao giờ nói ra. Khi hắn làm tình với nàng, hắn nói đến một người đàn bà khác nhưng cái đó duy nhất chỉ để kích thích nàng lên thôi, còn mi, lời lẽ của mi chỉ gây nên băng giá ở trong nàng, bây giờ nàng nhận ra nàng yêu hắn thật. Vì thế nàng mới thần kinh thế này, vì thế nàng mới không ở trong trạng thái bình thường. Nếu nàng bỏ đi thì đó chỉ là muốn hắn đến lượt phải khổ, nhưng bây giờ như thế đủ rồi. Nàng đã trả thù tàm tạm rồi, có lẽ còn quá đáng nữa. Khi hắn biết ra điều ấy, hắn sẽ điên mất, chắc là thế, nhưng hắn sẽ vẫn cứ muốn nàng và biết tỏ ra khoan thứ.
Nàng nói nàng cũng nghĩ tới gia đình, rằng dù bà dì ghẻ có tai ác thì nàng vẫn là người của họ. Cha nàng hẳn là phải lo lắng khủng khiếp, chắc phải tìm nàng ở khắp nơi, ở vào tuổi cha như thế dễ xảy ra bệnh.
Nàng cũng nghĩ tới các đồng nghiệp, cho dù họ có phù phiếm, hà tiện, ghen tỵ lẫn nhau, ngày mà một đứa trong đám mua được cho mình bộ quần áo hợp thời trang thì đều cởi ra cho các bạn mặc thử.
Nàng cũng nghĩ tới cả những vũ hội luôn luôn chán ngấy mà vì thế người ta phải đi giầy mới, xức nước hoa, với thứ nhạc và đèn nhấp nháy làm cho nàng rung chuyển cả tim gan lên kia.
Ngay cả phòng phẫu thuật sực mùi thuốc, sạch sẽ không chê vào đâu được, trật tự hoàn hảo: mỗi cái lọ chiếm một chỗ chính xác, luôn luôn lấy ngay được chúng, tất cả những cái đó đã quá ư quen thuộc, quá ư thân thiết. nàng phải rời bỏ cái nơi đáng nguyền rủa này, Linh Sơn cái gì, chỉ là những thứ vớ vẩn lừa bịp.
Nàng nói chính mi đã tuyên bố rằng tình yêu chỉ là một ảo tưởng mà người ta dùng để tự lừa mình. Mi không bao giờ tin là có thể tồn tại một tình yêu chân chính, hoặc người đàn ông chiếm hữu người đàn bà hoặc trái lại. Và sau đó, phải sáng chế ra mọi thứ chuyện đồng dao hay ho để cho các cái đầu yếu đuối có thể đến nương náu ở đó. Đó chính là lời của mi, mi đã nói rồi mi lại quên, mi có thể chối mọi cái mi đã nói, nhưng bóng tối mi để lại trong tim nàng thì không thể xóa đi được. Nàng kêu to lên là nàng không thể theo mi nữa! Trước cái vực nhỏ êm ả này, vùng nước sâu và tối thẫm này, nàng không thể đi lên hơn nữa với mi tới cái vực ấy; chỉ cần mi có một cử chỉ về phía nàng, nàng sẽ bấu chặt lấy mi, không buông mi ra, nàng sẽ kéo mi đi với nàng xuống gặp Diêm Vương!
Nàng còn nói nàng không bám lấy được cái gì cả, mi nên cho nàng một lối ra, nàng sẽ không làm liên lụy tới mi, mi sẽ không phải kéo lê gánh nặng và mi sẽ nhẹ nhõm hơn để đi tới Linh Sơn, hay địa ngục. Mi không cần phải đẩy nàng, nàng tự đi, đi xa ra khỏi mi, nàng sẽ không gặp mi nữa, nàng sẽ không nghĩ tới mi nữa, mi không phải lo lắng cho nàng, nàng sẽ tự đi, mi chẳng có lỗi lầm gì, mi chẳng phải ân hận, chẳng phải trách nhiệm và khi nàng không còn ở đâu nữa, mi cũng sẽ chẳng phải cắn rứt lương tâm, coi như chưa từng có nàng. Mi xem, mi không nói năng được gì vì nàng đã bấm đúng vào chỗ làm cho mi đau, nàng đã vạch vòi ra ý nghĩ của mi, mi không dám thú nhận, nàng đã nói ra tất cả thay cho mi.
Nàng nói nàng sẽ về, về gần hắn, về căn phòng nho nhỏ của nàng, về với phòng phẫu thuật của nàng, về gia đình nàng, nối lại quan hệ với bà dì ghẻ nàng. Nàng đã luôn sống xoàng xĩnh, nàng sẽ tìm lại sự xoàng xĩnh, nàng sẽ như những con người xoàng xĩnh, dẫu sao nàng sẽ không đi thêm một bước nữa với mi, nàng không thể xuống địa ngục với một con quỷ như mi!
Nàng nói nàng sợ mi, mi hành nàng, dĩ nhiên nàng cũng hành mi, bây giờ nàng không muốn nói gì nữa hết, nàng không muốn biết gì nữa hết, nàng đã biết cả rồi, nàng biết quá nhiều điều rồi, hay là tốt hơn nàng không biết gì hết, nàng muốn quên hết, những gì nàng không thể quên đi thì một ngày nào đó nàng phải quên đi, lời cuối cùng nàng có với mi sẽ là để cảm ơn mi, cảm ơn mi về cái đoạn đường mi đã đi cùng với nàng, cảm ơm mi vì mi đã cứu nàng khỏi nỗi cô đơn. Nhưng nàng vẫn cảm thấy cô đơn hơn nữa và tiếp tục như thế thì nàng sẽ không thể nào chịu đựng được.
Cuối cùng nàng đã quay người đi, mi cố tình không nhìn nàng. Mi biết nàng chờ mi quay đầu lại, chỉ cần mi nhìn nàng một cái là nàng không đi, nàng sẽ có cơ móc chặt lấy mi bằng con mắt cho tới khi nước mắt giàn ra. Mi sẽ có thể nao núng mà van nàng ở lại và thế là lại những lời an ủi và những cái hôn, nàng sẽ có cơ ngã vào tay mi, con mắt đầm đìa lệ, nói ra những lời bấn loạn vì yêu, vì phấn khích và vì buồn, những cánh tay nàng mảnh mai như những mầm dương liễu sẽ quấn lấy quanh mi rồi buộc mi lại tiếp tục lên đường cùng nhau.
Mi quyết định không nhìn nàng, tiếp tục đi dọc con đê dựng đứng. đến một chỗ rẽ, mi không cầm được nữa bèn quay lại, nhưng nàng đã biến mất. mi cảm thấy trống trải mênh mông nơi tim mi, một cảm giác hẫng hụt nhưng cũng là giải phóng.
Mi ngồi lên một tảng đá tựa như chờ nàng trở lại, nhưng mi hoàn toàn biết rằng nàng đã dứt đi mãi mãi.
Chính mi tàn nhẫn, không phải nàng, mi tuyệt đối muốn hồi tưởng lại những lời nguyền và sự ác độc của nàng để quét hẳn nàng ra khỏi lòng mi, để nàng không để lại cho mi một luyến tiếc nào.
Mi tình cớ gặp nàng tại cái trấn Ô Y như thế, mi cô đơn, nàng khổ nạn.
Mi không bao giờ biết nàng nói thật hay nói dối hay vừa thật vừa dối. những bịa đặt của nàng và của mi hòa lẫn vào nhau không thể phân biệt.
Nàng cũng vậy, không biết gì hết về mi. Chỉ vì nàng là đàn bà, mi là đàn ông, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn cô biệt ấy, ở cái căn phòng dưới mái tối tăm ấy, mùi rơm rạ, vì chính là buổi tối ấy, như trong một giấc mơ, trong một nơi xa lạ, vì cái lạnh sớm một đêm thu, nàng đã đánh thức dậy ở trong mi các kỷ niệm của mi, các ảo tưởng của mi, các ảo tưởng của nàng và ham muốn của mi.
Còn mi, với nàng, mi đã hành động như nàng.
Đúng thế, mi đã quyến rũ nàng, nhưng nàng cũng đã quyến rũ mi như thế. Giữa các mưu mẹo của đàn bà và lòng tham của đàn ông, tìm xem cái nào chịu trách nhiệm hơn thì phỏng có hay ho gì?
Và tìm núi Linh Sơn kia ở đâu bây giờ đây? Có thể đó chỉ là một quả núi dớ dẩn mà những người đàn bà khao khát con đi đến. Nàng có là một người đàn bà với hoa đỏ không? Hay nàng là cô gái để cho bọn con trai kéo đi tắm sông đêm? Dẫu gì nàng cũng chẳng còn trẻ lắm và mi chẳng còn là một cậu thiếu niên, mi chỉ nhớ đến những quan hệ mi đã có với nàng và vào lúc này, mi phát hiện ra mi sẽ không thể tả được mặt nàng, sẽ không nhận ra tiếng nói của nàng, cơ hồ đó là một kinh lịch đã từng trải qua hay có thể quá lắm một ảo tưởng; vả chăng ranh giới giữa kỷ niệm và ảo tưởng nằm ở đâu đây? Cái nào trong hai là chắc chắn nhất và đánh giá nó làm sao nhỉ?
Tình cờ gặp người đàn bà này trong thị trấn nhỏ nào đó, ở bến xe đường dài nào đó, trên bến phà, trong phố, bên lề đường, mi chẳng đã đánh thức dậy trong mi những giấc mộng xa xăm đấy sao? Và bây giờ mi quay lại cái thị trấn ấy, bến phà ấy, đầu phố, lề đường ấy, thì làm sao mà mi lại có thể tìm ra dấu vết của nàng được đây?