Chương 15
71

    
hi ta rời núi thiên đài, ta còn đến Thiệu Hưng, nơi sản xuất rượu cổ không chỉ nổi tiếng, nó còn cho ra những tên tuổi lẫy lừng: chính khách, nhà văn, họa sĩ lớn và cả một nữ anh hùng cách mạng. Bây giờ nhà của họ đều là các nhà bảo tàng kỷ niệm. Người ta còn dựng lại ngôi miếu bằng đất nện mà cái nhân vật thấp bé nhất dưới ngòi bút của Lỗ Tấn, A Quy đã được coi là từng sống ở đó. Người ta đã quét nhiều mầu vôi tươi thắm cho nó và trang trí cho nó bằng một biển mang đề từ của một nhà thư pháp nổi tiếng hiện thời. Lúc bị chặt đầu vì tội thổ phỉ, chắc A Quy không thể ngờ sau khi chết ông lại được một uy danh lớn như thế. Ta nhận ra các nhân vật nhỏ nhoi ở cái thị trấn nhỏ này còn khó bảo toàn được tính mạng họ thì nói chi đến liệt sĩ cách mạng Thu Cần ôm lấy sự hưng vong của dân tộc làm trách nhiệm của bản thân.
Nhà cũ của bà treo bức ảnh bà: một bậc tài nữ con nhà thế gia, văn thơ hay, dung nhan đẹp, đài các, tinh anh, tuổi mới ngoài hai mươi. Vậy mà bà đã bị chặt đầu giữa thanh thiên bạch nhật sau khi bị áp giải bêu phố, chân tay xiềng xích.
Đại văn hào Lỗ Tấn đã bỏ cả đời ra để chạy trốn và ẩn nấp. May sao, cuối cùng ông tị nạn ở một tô giới nước ngoài nếu không ông đã chết bệnh hay bị ám sát. Ở đất nước này, đâu cũng chẳng an toàn. Lỗ Tấn đã viết: “Tôi đổ máu tôi cho Hiên Viên”. Câu này ta học thuộc lòng khi còn là sinh viên nhưng bây giờ ta không thể không nghi ngờ tính chính đáng của nó. Hiên Viên, là tên người mà theo truyền thuyết là hoàng đế đầu tiên của đất nước này, của tổ quốc này, của dân tộc này. Tại sao tuyệt đối cứ phải rẩy máu của mình ra vì quang vinh của tiên tổ? Đổ máu ra, cái đó có thật lớn lao không? Người ta chỉ có một cái đầu, tại sao cứ phải chặt nó đi cho Hiên Viên kia?
Từ Vị có câu: “Thế gian này, hình hài đều giả, do người nặn nên, nhưng vốn dĩ cái mặt thật thì là tôi sáng tạo”, nghĩ ra càng thấy thâm thúy. Nhưng cái hình hài dù giả đi nữa thì không giả tạm không nói cái đó nhưng lẽ nào không để cho người nặn lấy thì không được hay sao? Lại nói, cái bộ mặt vốn dĩ thật kia, thật hay không thật cũng không nói nữa, vấn đề là ở chỗ có thể sáng tạo ra được nó không đây?”
Rút cục cái phố nhỏ vẫn nguyên tất cả tại chỗ như ngày xưa: “Phòng sách phủ đầy cây tầm gửi” của Lỗ Tấn, cái sân con mọc những cây tầm gửi già nho nhỏ, bàn học với những cửa sổ sáng sủa và cái bàn trà không thể chê. Một nơi yên tĩnh như vậy chắc chắn đã giữ cho Lỗ Tấn khỏi điên. Thế gian hẳn không phải làm ra cho con người nhưng dẫu gì con người vẫn cứ phải sống trong đó. Nếu người ta muốn tồn tại và giữ “bộ mặt thật” mẹ sinh ra đời, nếu người ta không muốn bị giết, không muốn bị điên thì người ta chỉ còn có cách chạy trốn. Cái thị trấn nhỏ này cũng không ở lâu được hơn nữa, ta hấp tấp lên đường.
Bên ngoài thành phố có mộ Đại Vũ trong dãy núi Cối Kê, vị quân chủ đầu tiên của triều đại có một phả hệ khả dĩ tin cậy từ thế kỷ 11 trước công nguyên. Ông thống nhất vương quốc, tập hợp các công hầu được ông phong thái ấp và khen thưởng từng người theo công tích chính là tại nơi đây.
Ta băng qua cây cầu đá bắc ngang sông Nhược Gia, dưới chân đồi thông; trước di tích ngôi mộ Đại Vũ, trên bãi đất, người ta phơi lúa mì. Vụ mùa muộn đã được thu hoạch. Nắng thu làm khỏe khoắn con người đang dìm ta ngập vao một trạng thái lơ ma lơ mơ thú vị.
Khi qua cánh cửa vào cái sân im lặng này, một cảm giác cô đơn bóp nghẹt lấy ta. Ta hình dung ra tại đây, cách nay bảy nghìn năm hậu duệ của người Hà Mẫu Độ trồng lúa, nuôi lợn, nặn những hình nhân bằng đất nung như thế nào, hậu duệ của người Lương Trước[27] vạch lên đồ gốm của họ các tín hiệu rỗng và các hoa văn hình học, ta hình dung tổ tiên của dân Bách Việt xăm mình, cắt tóc ngắn với các vật tổ chim chóc đã được Đại Vũ điểm binh ra sao. Sư phụ Phương Phong, người khổng lồ thô lậu, quần áo bằng gai phấp phới quanh người, dây da buộc túm lại, đã đến dự cuộc lễ duyệt bị muộn, Đại Vũ lập tức lệnh vệ sĩ chặt đầu.
Cách nay hai nghìn năm, Tư Mã Thiên đã đích thân tới đây điều tra để viết tập Sử ký hoành tráng. Ông xúc phạm Hoàng đế, nếu ông giữ được thủ cấp thì mất bộ phận sinh dục.
Trên mái tòa nhà chính, giữa hai con sóng, một tấm gương tròn hắt lại ánh nắng chói lóa. Trong gian sảnh tối của ngôi miếu, người ta mới dựng một pho tượng Đại Vũ, vẻ nhân từ diễn tả ở tượng có phần nào theo ước lệ. Trái lại, chín búa rìu để sau ông, tượng trưng cho hành động bình định chín châu của ông mới có ý nghĩa hơn.
Thục bản ký nói: “Vũ nguyên quán huyện Văn Sơn, Quang Nhu, sinh tại Thạch Nữu”. Ta vừa vặn từ đó đến đây, bây giờ chỗ ấy là nơi sinh sống của người Khương ở Văn Xuyên. Cũng là sào huyệt của gấu trúc. Mà Đại Vũ thì lại đẻ ra từ bụng một con gấu, Sơn Hải Kinh có thể chứng thực điều đó.
Người ta cứ nói ông có công trị thủy, nạo thông sông Hoàng Hà, ta nghi ngờ sự thật này. Ta cho rằng ông từ thượng lưu sông Mân (nguồn ban đầu sông Trường Giang và đến nay vẫn là chủ đạo, có thể tham khảo sách Thủy kinh chú), men theo Trường Giang, qua Tam Hiệp, bắc đánh núi Tích Thạch, Nam đánh các nước công cộng, đông đánh núi Vân Vũ, con đường chinh chiến một lèo đánh thắng tới bờ Đông Hải. Lúc ấy tại nước Thanh Khâu của hồ ly tinh chín đuôi, sau đổi thành Cối Kê, dưới chân núi Đồ Sơn Thanh Thúy, gặp một mỹ nữ hết sức mê hồn, trong khi hai bên hợp hoan ông đã lộ ra nguyên hình là gấu. Cô gái trinh này cả sợ không yên, Đại Vũ thánh thần không thể không sốt ruột, đuổi theo trèo lên, lớn tiếng quát: “Giạng!” thế nên mới sinh ra vị thái tử đầu tiên kế vị đế vương của con người ở cái thế gian này. Trong mắt vợ ông, Đại Vũ là một đầu gấu, trong miệng chúng nhân thì là thần, dưới bút các sử gia thì đế vương, người viết tiểu thuyết lại có thể viết ông là kẻ giết người khác để thực hiện ý chí của mình. Còn cái truyền thuyết hồng thủy mà ông trị thì như một người nước ngoài gợi ý, đó là sự hồi tưởng đến vỡ nước ối mà thôi.
Trong mộ Đại Vũ, mọi di tích xác thực đều đã biến mất. Chỉ còn lại tấm bia lớn đối diện với tòa miếu chính phủ vài chữ viết hình con nòng nọc mà chưa một chuyên gia nào có thể đọc ra. Ta quan sát kỹ lưỡng chúng, đào nát óc rồi thình lình thế là ta ngộ, ta phát hiện ra rằng người ta có thể diễn giải chúng theo cách sau đây: lịch sử là một bí ẩn
hoặc: lịch sử chỉ là sự dối trá
hoặc: lịch sử chỉ là chuyện ba láp
hoặc: lịch sử là lời dự báo.
hoặc nữa: lịch sử là một quả chua chát.  
người ta còn có thể nói: lịch sử rắn chắc như sát
hay nữa: lịch sử là một cục bột nhào
và thậm chí: lịch sử là tấm khâm liệm
và nếu đi xa hơn nữa: lịch sử là liều thuốc cho đổ mồ hôi
và xa nữa, lịch sử giống như thần linh vấp phải tường, thất bại,
và cũng theo cách đẩy xa như thế, lịch sử là những vật trang sức cũ kỹ xinh xẻo.
thậm chí, lịch sử là sự thực hiện của lý tính
lại thậm chí cả: lịch sử là kinh nghiệm
cho tới: lịch sử chuỗi hạt ngọc đứt dời
cho cả tới: lịch sử là một chuỗi nhân duyên
hoặc: lịch sử là so sánh
hoặc: lịch sử là trạng thái tâm thần
lại như: lịch sử là lịch sử
và lịch sử chẳng phải là cái gì hết
cũng như: lịch sử chỉ là một tiếng than dài
ôi lịch sử, ôi lịch sử, ôi lịch sử, lịch sử
tóm lại, lịch sử có thể hiểu nó như thế nào cũng được, và cái ấy mới thật sự là một phát kiến vĩ đại.

72
- Đây không phải là tiểu thuyết!
- Vậy là gì? Hắn hỏi.
- Tiểu thuyết phải có một chuyện đủ đầu đuôi hẳn hoi.
Hắn nói hắn cũng kể chuyện, nhưng một số nào đó kể đủ đầu đuôi, một số khác thì không.
- Nếu không tôn trọng một trật tự nào cả thì tác giả không biết dắt đưa tình tiết đi như thế nào nữa đâu.
- À được, xin anh cho biết dắt đưa như thế nào vậy đây.
- Trước hết phải có mở đầu, rồi phát triển, đến cao trào và kết thúc. Đó là những kiến thức cơ bản để viết tiểu thuyết.
Hắn hỏi liệu có cách viết nào ở ngoài những tiêu chuẩn cơ bản kia không. Với chuyện, người ta kể một số chuyện bằng bắt đầu từ đầu, một số khác bằng kết cục, một số có mở đầu nhưng không có kết cục, một số chỉ có kết cục hay một phần, không thể kể lại cho đến hết, một số có thể kể lại hết nhưng không phải luôn là cần thiết vì chẳng có cái gì hay đáng kể lại; vậy mà tất cả vẫn đều là chuyện.
- Anh muốn kể chuyện của anh như thế nào đi nữa thì chuyện vẫn cần phải có một nhân vật chính, đúng không? Một cuốn tiểu thuyết muốn gì cũng phải có nhiều nhân vật chính nhưng ở anh?...
- “Ta”, “mi”, “nàng”, “hắn” trong sách tôi chẳng lẽ không phải là nhân vật? Hắn hỏi.
- Chẳng qua là những nhân xưng khác nhau. Thay đổi góc độ thuật kể, anh cũng không miễn được cái việc khắc họa chân dung nhân vật đâu. Dù anh coi các nhân xưng đó là nhân vật đi nữa thì sách của anh cũng chẳng có một hình tượng rõ rệt nào. Mà đến miêu tả trong đó cũng không thể nói là có được nữa cơ.
Hắn nói hắn không vẽ chân dung.
- Đúng thế, tiểu thuyết không phải là hội họa, nó là nghệ thuật ngôn ngữ. Nhưng anh tưởng sự tán hót giữa các nhân xưng ấy với nhau là thay được cho việc dựng tính cách nhân vật hay sao?
Hắn nói hắn cũng không có ý định dựng tính cách một nhân vật nào, bản thân hắn cũng không biết là hắn có tính cách nữa không cơ.
- Anh viết cái tiểu thuyết gì vậy đây? Chính anh cũng không hiểu tiểu thuyết là gì mà.
Hắn bèn kính cẩn xin ngài vui lòng cho hắn một định nghĩa về tiểu thuyết.
Nhà phê bình cuối cùng với vẻ mặt khinh khỉnh, rít qua kẽ răng:
- Lại một cha hiện đại chủ nghĩa bắt chước phương Tây mà bắt chước không giống.
Hắn nói ra đây là một tiểu thuyết phương Đông.
- Ở phương Đông càng có ít hơn các thủ pháp kỳ quái như vậy, anh đem các chuyện du lịch, các diễn giải về đạo đức, cảm tưởng, bút ký, tiểu phẩm, nghị luận bất thành lý luận, ngụ ngôn cũng chẳng ra ngụ ngôn rồi chép thêm ít vào dân ca, ca dao cộng với chuyện ma quỷ bịa đặt lăng nhăng không ra thần thoại, tất cả cái đó trộn bát nháo vào với nhau và nghiễm nhiên coi là viết tiểu thuyết.
Hắn nói các sách địa phương chí thời Chiến quốc, các bản viết về người về quái thời Lưỡng Hà Hán, Ngụy tấn Nam triều Bắc triều, các truyền kỳ đời Đường, các thoại bản đời Tống Nguyên, chương hồi và bút ký Minh Thanh, từ cổ cho đến nay, chuyện kể đầu phố, diễn giải đạo đức, các ghi chép về các điều kỳ lạ đều là tiểu thuyết cả, chưa từng có ai đặt ra quy tắc sất cả.
- Anh lại còn thuộc cả vào trường phái truy tìm gốc rễ nữa cơ đấy ư?
Hắn vội giải thích rằng các nhãn hiệu đó chính là ngài dán lên thôi. Nếu hắn viết tiểu thuyết thì là để cho khỏi bị khổ sở vì cô đơn, là để cho thú vui của riêng bản thân hắn. Hắn không nghĩ rồi hắn sẽ bước vào cái khung của giới văn học, ngay bây giờ hắn đã muốn bò ra khỏi cái đó rồi. Hắn vốn không hy vọng kiếm ăn bằng các loại sách vở này; với hắn tiểu thuyết là một món xa xỉ, xa vời với mọi kế mưu sinh.
- Hư vô chủ nghĩa!
Hắn nói thật là hắn chẳng có cái chủ nghĩa nào, thế nên mới sa vào hư vô, vả chăng, hư vô hình như không có nghĩa là trống không, cũng giống như mi, cái ảnh tượng của ta trong truyện, mà hắn lại là ảnh tượng phía sau của mi, một hình ảnh của hình ảnh, tuy không có mặt mũi nhưng vẫn cứ coi được là một đại từ nhân xưng.
Nhà phê bình phất tay áo đi.
Hắn trái lại phân vân, không rõ cái được gọi là quan trọng ở trong tiểu thuyết có phải là ở chỗ kể chuyện hay không? Hay là ở cách kể? Hay là không phải ở cách kể mà là ở thái độ của lúc kể? Hay là không phải ở thái độ mà là ở chỗ xác định thái độ? Hay là không phải ở xác định thái độ mà là ở điểm xuất phát của việc xác định thái độ? Hay nếu không phải điểm xuất phát đó thì là cái tôi của điểm xuất phát? Hay nếu không phải cái tôi thì là sự cảm nhận cái tôi? Hay nếu không có sự cảm nhận cái tôi thì là quá trình cảm nhận? Hay nếu không phải quá trình ấy mà là chính bản thân hành vi? Hay nếu không phải bản thân hành vi mà lại chính là tính khả năng của hành vi ấy? Hay nếu không phải tính khả năng ấy mà lại là sự lựa chọn tính khả năng ấy? Hay nếu không sự lựa chọn ấy mà là sự tất yếu của lựa chọn? Hay nếu điều quan trọng không ở trong tính tất yếu mà là ở trong ngôn ngữ? Hay nếu không phải ở trong bản thân ngôn ngữ mà là ở chỗ ngôn ngữ có mùi vị hay không? Ấy vậy mà hắn chỉ là có mỗi việc say sưa sử dụng ngôn ngữ để kể chuyện đàn ông đàn bà, tình yêu, đam mê và tính dục, cái sống và cái chết, tâm hồn, niềm vui và nỗi đau khổ của thể xác con người ở trong xác thịt nó và con người ở trong các quan hệ chính trị, và sự chạy trốn của con người ở trước chính trị, và cái hiện thực mà người ta không thể chạy trốn, và sự tưởng tượng ở ngoài cái hiện thực và trong hai thì cái nào thật hơn, và sự phủ định của phủ định với cái mục đích hữu lợi nó không tương đẳng với tính tất yếu, và tính phi lý của lô gích, và việc giữ khoảng cách đối với suy nghĩ hợp lý ra khỏi cuộc thảo luận về nội dung và hình thức, và hình thức có ý nghĩa và nội dung không có ý nghĩa và thế nào là ý nghĩa, thế nào là sự quy định đối với ý nghĩa và thượng đế là ai cũng muốn làm và sự sùng bái các ngẫu tượng vô thần và sự thèm của tự ngã được phong là triết gia và tình yêu bản thân và lãnh cảm mà hóa điên loạn, dẫn tới tẩu hỏa nhập ma và các bản lĩnh siêu phàm và tâm thần phân liệt và sự ngồi thiền và sự ngồi mà không thiền nổi và lầm tưởng và đạo dưỡng thân không phải là đạo và đạo có thể nói và đạo không thể nói và đạo không thể không nói và mốt và sự nổi loạn chống lại cái mốt dung tục một gậy đánh chết tươi và đánh trẻ con và trước hết cho ra nền giáo dục nhồi vào bụng chúng đầy mực và đứa nào gần mực thì đen và đen thì có gì là xấu và người tốt người xấu không phải là người và tính người lại ác hơn tính sói và ác nhất là kẻ khác, là địa ngục tức là ở ngay trong tâm địa và tự tìm lấy phiền não và niết bàn và tất cả đều đã hết và cái gì không hiện hữu và cái gì hiện hữu hiện hữu và không hiện hữu và sinh thành của kết cấu của sinh thành ngữ pháp và cái gì chưa nói không có nghĩa là không nói và nói cũng vô ích đối với biện luận về công năng và chiến tranh giữa nam nữ chẳng ai thắng ai trong đó và đánh cờ chỉ tiến hay lui quân cờ tức là dinh dưỡng tính tình tức là cái gốc của nhân tính và người phải ăn cơm và chết đói là sự vật, thất tiết mới là sự lớn và chân lý không thể phán đoán và bất khả tri luận và kinh nghiệm là không đáng dựa vào, chỉ cái gậy đáng dựa và đáng ngã thì phải ngã và đả đảo tiểu thuyết cách mạng của văn học mê tín và cách mạng tiểu thuyết và cách cái mạng của tiểu thuyết.
Chương này có thể đọc có thể không đọc nhưng đọc rồi thì thôi cứ đọc.

73
Ở một thành phố nhỏ ven biển đông Trung Quốc mà ta đặt chân đến, một người đàn bà trung niên, độc thân, nài nỉ mời ta đến ăn tại nhà chị. Chị đến mời ta tại nhà những người cho ta trú, giải thích rằng buổi sáng trước khi đi làm, chị đã mua hải sản: cua, ốc và lươn biển rất béo.
- Từ xa như thế đến đây, anh phải thưởng thức các đặc sản tươi ở đây! Ngay ở các thành phố lớn, cũng khó mà mua được các thứ này.
Chị đầy quan tâm đối với ta.
Ta khó lòng tránh, bèn đề nghị người chủ nhà của ta đi cùng. Rất quen biết người đàn bà này, anh từ chối:
- Chị ấy mời riêng anh. Có một mình, chị ấy buồn và có điều gì đó cần nói với anh.
Rõ ràng họ đã thỏa thuận với nhau. Ta chỉ còn có thể đi theo chị mà thôi.
Vừa đẩy xe đạp đi chị vừa nói với ta:
- Đường không gần đâu. Anh lên sau xe, tôi chở anh.
Trong cái phố đầy người này, ta sợ mình bị coi là người khuyết tật.
- Hay là tôi chở chị, nếu chị thích, rồi chị chỉ đường cho tôi đi như thế nào.
Chị ngồi lên cái đèo hàng. Ghi đông xe không ngừng rung lên, ta bóp chuông liên hồi để luồn lách qua đám đông.
Lẽ ra ta phải thấy khoái là đã được một người đàn bà mời riêng như thế này, nhưng chị đã qua cái tuổi huy hoàng: một bộ mặt buồn với nước da như sáp, hai gò má nhô cao, không một chút duyên phụ nữ khi chị lên xe hay dắt đi. Ta đạp xe, hoàn toàn chán nản, tìm chuyện để nói.
Chị giải thích rằng chị làm kế toán ở một nhà máy. Đây là một phụ nữ trông coi tiền nong, điều này không làm ta ngạc nhiên. Ta không có nhiều quan hệ với lọa đàn bà này, nhưng ta biết là họ rất tinh, không thể moi được của họ lấy một xu. Dĩ nhiên đây là thói quen do nghề nghiệp đem lại, chứ không phải thiên bẩm của đàn bà.
Chị sống trong một cái sân cũ kỹ cùng với nhiều gia đình khác. Chị tựa chiếc xe ọp ẹp vào tường, dưới các ô cửa sổ.
Một chiếc khóa càng cua to tướng khóa lấy cửa. Bên trong, gian buồng nhỏ có chiếc giường lớn chiếm mất nửa không gian, và chiếc bàn bày rượu và các đĩa thức ăn ở trong góc. Trên đất, những viên gạch chồng xếp lên nhau đỡ lấy hai chiếc hòm gỗ. Đồ trang điểm của phụ nữ để lên một miếng kính đặt trên một mặt hòm. Trên đầu giường vài cuốn tạp chí cũ chất lên nhau.
Thấy ta xem xét, chị vội thanh minh:
- Xin lỗi anh, mất trật tự không thể tưởng tượng được.
- Trong đời đâu phải chỉ có việc đó.
- Sức tới đâu tôi xoay sở tới đó, tôi không coi trọng mấy tới cái loại việc này.
Chị bật đèn và mời ta ngồi vào bàn. Rồi chị đặt một cái xoong lên bếp. Cuối cùng chị ra ngồi trước mặt ta, rót rượu ra cho ta rồi nói, hai khuỷu tay chống trước mặt.
- Tôi không thích đàn ông.
Ta gật đầu.
- Tôi không nói anh, mà nói đàn ông nói chung, nhưng anh, anh là nhà văn.
Ta không biết nên hay không nên gật đầu.
- Tôi ly hôn đã lâu và sống một mình.
- Không dễ.
Thật ra ta nói đến cuộc đời đối với mọi người đều không dễ dàng.
- Trước kia, tôi có một cô bạn, rất hợp nhau từ hồi còn ở tiểu học.
Ta thầm nghĩ chắc chị đồng tính luyến ái.
- Nay người bạn ấy đã chết.
Ta ngồi im lặng.
- Tôi mời anh đến để kể chuyện cô bạn này. Chị ấy rất đẹp. Nếu xem ảnh chị ấy chắc chắn anh sẽ thấy rung động. Tất cả đều phải lòng chị ấy. Không phải một vẻ đẹp thông thường, một khuôn mặt tròn trĩnh, một cái miệng nho nhỏ như trái anh đào, lông mày lá liễu, mắt xếch. Người chị ấy giống như người của những mỹ nhân cổ điển miêu tả trong các tiểu thuyết cổ vậy. Tại sao tôi kể điều đó với anh? Vì tôi không bao giờ còn giữ được một bức ảnh nào của chị ấy. Tôi đã mất cảnh giác, khi chị ấy qua đời, mẹ chị ấy đã đến thu hết ảnh. Anh uống đi nào!
Chị cũng uống. Rõ là chị đã quen uống rượu. Trên tường gian buồng, không một bức ảnh, một bức tranh, cũng không có hoa cùng các con vật xinh xinh mà phụ nữ vẫn thường yêu thích. Chắc là chị tự trừng phạt rồi tiêu tiền vào rượu.
- Tôi muốn anh viết một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời chị ấy, tôi có thể nói với anh hết về chị ấy, anh có tài mà một cuốn tiểu thuyết...
-... là được bịa ra từ đầu đến cuối, ta vừa cười vừa nói.
- Tôi không muốn anh bịa, dù anh có phải dùng tên thật của chị ấy. Tôi không có đủ tiền để trả cho một nhà văn cùng tiền nhuận bút. Nếu tôi có tiền, có lẽ tôi sẽ làm cái đó. Điều tôi nhờ anh là một sự giúp đỡ, tôi muốn anh viết về chị ấy.
Ta hơi dướn thẳng người lên để cảm ơn chị đã tiếp đãi ta.
- Nhưng, cái đó...
- Tôi không muốn mua anh, nếu anh thấy chị ấy là nạn nhân của sự bất công, nếu anh thương hại chị ấy thì anh sẽ viết được cuốn sách. Tiếc là anh không được xem ảnh.
Mắt chị lạc đi vào một nơi nào đó. Cái chết của cô gái là gánh nặng ở trong chị.
- Tôi xấu xí từ thuở bé. Tôi thèm được như các cô gái đẹp đẽ biết mấy, mong muốn được trở thành bạn bè của họ biết mấy. Không học cùng trường với nhau nhưng ngày nào tôi cũng nhìn thấy chị ấy, trước và sau giờ học, trên đường tới trường. Tư thái của chị ấy không chỉ làm cho đàn ông xúc động mà cả đàn bà cũng phải xao xuyến. Tôi muốn gặp chị. Chị ấy luôn đi học một mình, một hôm rình trên đường, tôi đã tóm được chị ấy và bảo rằng tôi rất thèm nói chuyện với chị, rằng chị đừng lấy thế làm lạ. Chị ấy bảo là chị bằng lòng và tôi đã đi cùng chị. Sau đó tôi luôn chờ ở gần nhà chị ấy để đến lớp và tôi đã quen được chị. Cứ tự nhiên đi, anh tự làm lấy nhé!
Lươn biển và xúp ngon tuyệt.
Vừa thưởng thức món xúp, ta vừa nghe chị thổ lộ làm sao chị đã vào được gia đình người bạn gái, mẹ người bạn gái coi chị như con đẻ. Nhiều khi chị không về nhà mà ngủ chung giường với bạn.
- Chớ nghĩ chúng tôi có gì với nhau. Tôi chỉ hiểu cái điều xảy ra giữa đàn ông và đàn bà sau lần chị ấy bị kết án tù mười năm. Chúng tôi đã xích mích, chị ấy không muốn tôi lại thăm nữa. Vậy là tôi lấy chồng. Với chị ấy, tôi giữ những mối quan hệ trong sáng nhất, chỉ hai cô gái mới có thể làm được. Anh, các anh dứt khoát không hiểu được cái đó. Đàn ông yêu đàn bà như những con vật, không phải anh, anh là nhà văn,nhưng kìa, anh ăn cua đi chứ!
Chị bóc mai một con cua tươi nguyên, sặc mùi i ốt rồi đặt vào bát của ta, kèm với ốc đao luộc. Đây lại là một chuyện chiến tranh đàn ông với đàn bà, chiến tranh tinh thần với xác thịt.
- Cha chị ấy là một sĩ quan Quốc dân đảng. Khi Quân giải phóng nam hạ, mẹ chị ấy có thai chị ấy. Bà đã nhận được thư của chồng dặn dò đi gặp chồng để trốn ra cảng, nhưng tàu chiến đã đi mất.
Lại một chuyện cũ. Ta mất hết thích thú với người đàn bà này. Ta chỉ chú ý ăn con cua.
- Một đêm, chị ấy ôm lấy tôi mà khóc. Tôi giật mình hỏi làm sao. Chị ấy nói là nghĩ đến cha.
- Nhưng chị ấy không bao giờ gặp, đúng không?
- Thời ấy, mẹ chị ấy đã đốt hết những bức ảnh ông bố mặc quân phục nhưng trong nhà thì vẫn còn ảnh đám cưới hai người. Cha chị ấy mặc một bộ đồ Tây, rất lịch sự, chị ấy có đưa tôi xem. Tôi đã làm mọi điều để an ủi bạn, tôi yêu quý chị ấy. Sau đó tôi ôm lấy chị ấy và cả hai cùng khóc.
- Vâng, cái ấy là hiểu được.
- Nếu tất cả ai cũng nghĩ như anh thì đã không thành vấn đề nhưng người ta không hiểu, coi chị ấy như một phần tử phản cách mạng. Họ bảo chị ấy muốn lật đổ chế độ, trốn đi Đài Loan.
- Thời đó, chính sách không như bây giờ, bây giờ chẳng là đổi ra thành khuyến khích người Đài Loan đến lục địa thăm bố mẹ họ hàng.
Ta còn nói được cái gì khác nữa?
- Thời ấy còn là một cô gái trung học phổ thông, chị ấy làm sao mà hiểu được? Lại đi ghi nhật ký rằng nhớ bố!
- Như thế có cơ bị kết án nếu có ai đó tố giác, ta nói. Ta muốn biết liệu tình yêu đối với người cha có chuyển hóa thành tình yêu đồng tính hay không.
Chị kể cô gái ấy không vào được đại học vì nguồn gốc gia đình, cô được một gánh kinh kịch tuyển. Một ngày nọ, một vai nữ của gánh hát bị ốm, người ta nhờ chị ấy thế vai, vì thế người nữ diễn viên kia trở nên đố kỵ, trong một lần đi diễn đã phát hiện ra nhật ký của chị ấy, và báo cáo với cấp trên. Trở về thành phố, một nhân viên An ninh đã đến gặp mẹ chị để yêu cầu thúc giục con gái bà tự thú và giao nộp quyển nhật ký. Sợ bị khám nhà, cô bạn đã đưa nhật ký sang nhà ông chú. Bị hỏi, mẹ chị đã thú nhận với công an rằng con gái chỉ có quan hệ với bà và người chú. Vậy là người chú bị rầy rà, đã khai ra chỗ để nhật ký. Công an đến tìm nó và dĩ nhiên chị đã hoảng sợ, thú nhận hết. Thời gian đầu, chị bị cách ly ngay ở đoàn kịch, cấm được về nhà, rồi chính thức bị bắt và ném vào tù vì tội phản cách mạng muốn lật đổ chế độ và viết nhật ký phản động.
- Có nghĩa là trong thực tế các người đều tố giác chị ấy, kể cả bà mẹ và ông chú?
Ta thấy chán món cua. Ngón tay ta đầy gạch cua nhưng không có khăn để lau.
- Tất cả chúng tôi đều viết đơn tố cáo có ký tên. Ngay ông chú ấy, già lắm rồi mà cũng sợ, không dám gặp tôi nữa. Bà mẹ nói ầm khắp nơi rằng tôi đã làm hư hỏng con gái bà, tôi đã tiêm cho con gái bà tư tưởng phản cách mạng, rồi bà cấm không cho tôi vào nhà nữa.
- Chị ấy chết thế nào?
Ta muốn biết ngay kết cục câu chuyện.
- Anh nghe đây...
Chị như đang biện bạch. Nhưng ta đâu phải quan tòa. Và nếu vụ này có rơi vào đầu ta dạo đó, chắc ta cũng chẳng minh mẫn hơn. Ta còn nhớ lúc ta còn bé, mẹ ta lấy ở trong hòm của bà ta ra một cuộn các văn tự cầm cố đất đã từ lâu rồi đem đốt trong lò. Lúc đó trước việc tiêu hủy bằng chứng ta cũng thấy ghê tởm như thế nào. May sao không có ai đến thanh toán món nợ cũ ấy vì nếu thời đó người ta có tra vấn ta thì không có gì bảo đảm được rằng ta sẽ không tố cáo bà ta, bà đã mua cho ta con quay, và mẹ đã nuôi ta; thời thế lúc ấy là thế mất rồi!
Cảm giác buồn nôn không chỉ đến từ mùi i ốt của cua mà là cả từ bản thân ta. Không thể ăn tiếp. Ta đành uống suông.
Thình lình chị bắt đầu khó thở, rồi úp mặt vào tay nức nở.
Ta không thể an ủi chị với hai bàn tay đầy cua. Ta đành hỏi chị:
- Tôi có thể lau tay vào khăn mặt của chị được không?
Chị chỉ cho ta thau nước trong ở sau cánh cửa, trên giá. Rửa tay rồi, ta đưa cho chị chiếc khăn đã giặt. Cuối cùng chị thôi khóc. Ta ghét cái loại đàn bà tốt bụng đáng sợ này, ta không thương chị một chút nào.
Thời ấy, chị hoàn toàn ngu ngốc, chị nói một năm sau chị mới hiểu ra việc chị làm. Chị đi hỏi thăm số phân người bạn gái và nhờ chuyển vài thứ ăn ngon vào trong tù. Bị kết án mười năm, bạn gái chị không muốn gặp chị nữa. Nhưng chị nói với bạn rằng chị không lấy chồng, chị quyết định chờ bạn mãn hạn ra tù rồi hai người sẽ sống chung với nhau. Chị có việc làm, có thể chu cấp cho các nhu cầu của bạn. Cô bạn đã nhận quà của chị.
Chị giải thích những ngày sống với bạn trước khi bạn tù tội là sung sướng đến thế nào trong đời chị, hai người trao đổi nhật ký cho nhau, trao đổi những lời lẽ trìu mến mà chỉ hai chị em mới có thể nói được với nhau, hai người thề không bao giờ lấy chồng, vĩnh viễn ở lại với nhau. Trong cặp này ai là chồng ai là vợ? Dĩ nhiên chị là chồng. Cả đôi cười thoải mái khi ở trên giường, chỉ cần nghe tiếng họ cười cũng đã đủ sung sướng. Còn ta, ta chỉ nghĩ đến chị với một ác ý cùng cực.
- Sau rồi sao mà chị lấy chồng?
- Chính cô bạn thay đổi, chị nói. Một hôm tôi đến thăm chị ấy ở trong tù, mặt chị ấy sưng lên và rất lạnh lùng với tôi. Ngạc nhiên, tôi hỏi chị ấy dồn dập. Cuối buổi thăm nom chỉ chừng hai mươi phút, chị ấy bảo tôi đi lấy chồng và đừng đến gặp chị ấy nữa. Tôi hỏi thì chị ấy thú thật là đã có người trong đời rồi. Ai? tôi hỏi. Một phạm nhân! chị ấy đáp. Sau đó tôi không gặp lại chị nữa. Tôi còn viết vào nhiều thư nhưng không nhận được hồi âm. Cuối cùng tôi lấy chồng.
Ta muốn bảo chị rằng chính chị đã làm cho cô bạn chị bị thiệt thòi, rằng mẹ cô bạn chị ghét chị là chính đáng. Không có chị, cô gái kia có lẽ đã biết đến một tình yêu bình thường, lấy chồng, nuôi dạy con và không rơi vào tình cảnh này.
- Chị có con không? Ta hỏi.
- Tôi không muốn có, tự nguyện như vậy mà.
Đây là một người đàn bà xấu bụng.
- Lấy nhau được một năm, chúng tôi ly thân. Và sau một năm cãi vã, chúng tôi ly hôn, rồi tôi sống một mình, tôi ghét đàn ông.
- Chị ấy chết như thế nào?
Ta đổi hướng câu chuyện.
- Tôi nghe nói chị ấy định trốn tù. Bị một người coi ngục bắn chết.
Ta không muốn nghe gì nữa.
Ta muốn kết thúc ngay câu chuyện.
- Tôi hâm nóng lại chỗ xúp này nhé?
Chị nhìn ta, e ngại.
- Không cần.
Chị đến tìm ta chỉ để được thổ lộ. Bữa ăn đã làm cho ta buồn nôn.
Chị còn giải thích chị đã làm thế nào, trong muôn nghìn khó khăn, tìm ra được một bạn tù nữ của cô bạn, người này cho hay cô gái đã trao đổi tin tức với một người tù đàn ông do đó mất quyền được thăm nom và đi dạo. Chị ấy cũng đã thử trốn. Người ta nói với chị rằng dạo đó cô bạn chị đã mất trí rồi, cả ngày chỉ cười hay khóc một mình. Sau này chị đã tìm ra người tù đàn ông kia. Khi chị đến nhà anh ta thì ở đó có một người đàn bà. Vì dửng dưng hay vì sợ người đàn bà này ghen không rõ anh ta không buồn đáp lại các câu hỏi của chị. Cuối cùng, chị nổi cáu lên và bỏ đi.
- Liệu anh có viết được chuyện này không? Chị hỏi ta, đầu cúi xuống.
- Tôi xem đã.
Chị muốn đưa ta về bằng xe đạp nhưng ta từ chối. Trên đường, gió mát nhè nhẹ thổi từ biển vào, tựa như trời sắp mưa. Khi về đến nhà, nhà của những người cho ta trú ngụ, cả đêm ấy ta thượng thổ hạ tả. Thứ hải sản kia chắc là không được tươi.

74
Họ bảo ta rằng đêm họ nghe thấy tiếng trống tiếng chuông lạ đến từ dãy núi dọc bờ biển. Đó là các nhà tu nam nữ Đạo giáo tiến hành các lễ bí mật của họ. Người đàn ông và người đàn bà giải thích cho ta rằng họ đã tình cờ gặp và trông thấy tận mắt chính những đạo sĩ đạo cô ấy. Hai người đã nói đến chuyện này với nhau ở cạnh đám đó. Nhưng nếu giữa ban ngày lên núi thì không thể tìm ra ngôi miếu Đạo giáo đó đâu.
Theo trí nhớ của người đàn bà, ngôi miếu cheo leo trên vách đá, ven biển. Không, theo người đàn bà, ngôi miếu ở sườn núi, một con đường vạc vào vách đá dựng đứng chạy lên miếu.
Hai người nói rằng đó là một ngôi miếu rất đẹp, xây ở chỗ hõm sâu, chỉ vào được bằng một lối mòn nho nhỏ. Dù là thuyền chài ở biển hay những người hái cây thuốc đi lại trên núi cũng không thể nhìn thấy nó. Hai người đã đi đến đó ban đêm, lần theo tiếng nhạc, đang mò mẫm trong màn đêm thì bất ngờ ánh sáng của ngọn đuốc đã phá toang đêm tối, cánh cửa miếu mở ra và họ ngập chìm trong khói hương.
Hai người đã trông thấy khoảng một trăm đàn ông đàn bà, mặt hóa trang, mặc áo dài đạo sĩ, kiếm và đuốc trong tay, mắt lim dim múa hát. Họ kêu, họ khóc. Đàn ông đàn bà hòa lẫn không chút ngượng ngùng, giậm chân, mặt ngửa lên trời như trong trạng thái cuồng loạn.
Người đàn bà lại nói không nhìn thấy nhiều người bằng ấy, thật ra không có đàn ông, tất cả đều là đàn bà, trẻ già, hóa trang rực rỡ. Má bôi phấn đỏ thắm, môi mầu máu, lông mày tô đẫm bằng một nét than củi và tóc thì bới cao trên đầu thành búi buộc băng vải đỏ có cắm một tràng hoa nhài. Họ đeo hoa tai. Có đeo ở mũi không? Người đàn bà không nhớ nữa. Họ cũng vừa hát vừa nhẩy, phất ống tay áo, hét to lên thành tiếng, không khí hết sức kích động.
Mi hỏi xem người đàn bà có mộng mị không. Chị ta nói còn có một bạn gái ở bên lúc đó. Hai người đi chơi trên núi nhưng đến một ngã tư đường, đêm ập xuống ngăn họ xuống núi. Họ nghe thấy những âm thanh thì đi đến hướng đó, tình cờ ngã vào ngôi miếu này. Do ở đấy không có cấm kỵ gì nên mở cửa. Người đàn ông cũng thế nhưng anh ta chỉ có một mình. Anh có thói quen đi đêm trong núi, không thấy sợ. Anh ta chỉ sợ cái ác độc của con người; những đạo sĩ này đang làm lễ của họ, họ không làm  hại ai hết.
Hai người, cả người đàn ông và người đàn bà đều nói đã nhìn thấy bằng chính mắt mình, nếu chỉ nghe nói không thôi, họ sẽ chẳng tin. Họ đã học hết cao đẳng, trí óc họ lành mạnh và họ không tin vào ma. Làm sao biết được đây có phải là một ảo giác đơn thuần không?
Hai người lại không quen biết nhau, họ nói họ riêng rẽ đến cùng một cái vách đá bên bờ biển ấy. Mi lần đầu tiên thấy họ, nhưng mi thấy hình như gặp lại những chốn quen biết cũ, họ lập tức tin mi, không cãi cọ, không nghi kỵ, không có tà ý che giấu, không có ý muốn lừa bịp ai. Họ không bao giờ thờ ơ muốn mi mắc lừa, sau kinh lịch, họ đã cố tìm một giải thích nhưng không tìm ra, họ đã thật sự sống cái sự kiện bằng chính bản thân họ và không thổ lộ ra thì không hả.
Họ nói rằng vì mi đã ở đây, vì suốt trên đường đi mi tìm kiếm những chuyện kỳ dị cho nên mi cần phải đến miếu đó một lần. Họ thích đi cùng với mi nhưng họ sợ không tìm thấy gì cả nếu như chỉ đi đến đó với mục đích duy nhất ấy. Loại việc này chỉ tình cờ thấy nếu như người ta không tìm nó. Mi có thể tin hay không, nhưng họ, họ chứng kiến bằng chính mắt họ, trong ánh sáng những cây nến đỏ, sự mệt nhọc của họ biến mất. Cả hai người có thể thề thốt việc đó, nếu như thề có được một hiệu quả nhỏ nhặt nào cho phép mi tin họ, thì họ lập tức thề ngay, dù thề bồi cũng không thay cho kinh lịch của chính mi được. Mi không thể không tin sự chân thành của họ.
Cuối cùng mi đã đi đến đó. Mi leo lên đỉnh quả núi trước lúc mặt trời lặn. Mi đã ngồi ngắm quả cầu đồ sộ đỏ rực đang nhạt dần chạm vào bề mặt vô tận của các con sóng rồi chìm nghỉm trong biển mầu xám lam. Trong nước, những tia sáng của nó giống với những con rắn biển. Trên mặt biển chỉ còn lại một vầng bán nguyện đỏ. Bồng bềnh trên nước tối thẫm rồi rùng mình nhè nhẹ trước khi chìm hẳn. Trong vòm trời chỉ còn lại sương mù hoàng hôn.
Mi bắt đầu xuống núi. Rất nhanh bóng tối bọc kín mi lại. Mi nhặt một cành cây làm gậy chống rồi đi từng bước một, gõ gậy vào các bậc đá của đường mòn. Thoắt chốc mi đã lọt vào một vực tối, và mi không còn nhìn thấy cả biển lẫn đường đi.
Mi buộc phải dán người vào vách đá trên con đường mòn bị cây cỏ xâm chiếm này. Mi bị ngã xuống vực. Chân mi yếu đi, mi chỉ còn phó thác vào cây gậy để tìm đường. Mi không biết bước sau của mi liệu có chắc chắn không và rồi cuối cùng mi thầm hỏi có phải cái bóng tối mỗi lúc một dầy đặc này nó đến từ chính trái tim của mi không dây. Mi tất cả tin tưởng vào cây gậy. Cuối cùng mi nhớ ra mi có bật lửa ở trong túi thế là chẳng thắc mắc xem liệu có thể chiếu sáng cho mi đi đến được một con đường tử tế hay không, mi đã nghĩ ít ra nó cũng giúp được mi tí chút. Trong bóng tối sâu dầy, cái bật lửa chỉ cho ra thứ ánh sáng bé tí run rẩy hết sức đáng lo ngại. Mi phải lấy tay che gió. Ngoài tay mi, một bức tường đen ngòm dựng lên. Mỗi bước mi lại thầm hỏi liệu mi có sắp rơi vào chỗ trống hẫng không đây. Rồi gió thổi ngọn lửa tắt ngấm, mi phải từng bước đi lên như một người mù, vừa đi vừa gõ gậy ở trước mặt. Con đường này quả thật là nguy hiểm cho tính mạng.
Cuối cùng mi mò vào một hốc núi, giống một cái hang, ánh sáng yếu ớt lọt ra qua khe cửa. Không do dự mi đẩy cửa, nhưng cửa đóng. Mi dán mắt vào khe, chỉ thấy một ngọn đèn đơn độc, trong ánh đèn, mi nhận thấy đây là một miếu đường dành cho Thái thượng tam thánh thể hiện bằng ba pho tượng: đạo đức thiên tôn, nguyên thủy thiên tôn, linh bảo thiên tôn.
- Anh làm cái gì ở đây?
Một tiếng nói gay gắt thình lình gọi mi. Mi giật mình quay lại nhưng nghe thấy tiếng người mi lại cảm thấy vững dạ.
Mi giải thích rằng mi là người đi dạo, bị lạc trong đêm tối, mi không biết qua đêm ở đâu.
Không nói không rằng, ông lão bảo mi leo lên cầu thang gỗ vào gian phòng có ngọn đèn dầu chiếu sáng. Lúc đó mi thấy ông già mặc một áo dài đạo sĩ, gấu quần túm buộc lại nơi mắt cá chân. Cái nhìn của ông lão sáng quắc trong hai hố mắt sâu hoắm. Chắc đây là một triết nhân già. Mi không dám bảo rằng mi đến dò la các bí mật của ngôi miếu, mi không ngừng xin lỗi đã quấy rầy ông rồi mi xin ông cho trọ đêm, hứa hẹn ngay sớm mai lại lên đường.
Vừa càu nhà ông già vừa lấy chiếc chìa khóa móc ở ván tường rồi cầm lấy cây đèn. Mi ngoan ngoãn the ông. Hai người lên gác, ông già mở cửa một gian phòng rồi quay đi không nói một lời.
Đánh bật lửa lên, mi phát hiện ra chiếc giường gỗ, ngoài ra không gì cả. Mi để nguyên quần áo nằm co quắp lại, chẳng dám nghĩ đến cái gì. Sau đó, mi nghe thấy một tiếng chuông rất nhẹ vang lên ở tầng gác trên, kèm theo tiếng tụng kinh không rõ lời của một người đàn bà. Ngạc nhiên, mi bắt đầu tin vào cuộc lễ bí mật họ đã kể cho mi nghe: chắc nó đang diễn ra trên gác. Mi muốn đi xem nhưng cuối cùng mi không động đậy. Tiếng chuông, tiếng tụng kinh ru mi, trong bóng tối, cái mệt bủa vây mi. Hình như mi nhận ra hình dáng một cô gái ngồi xếp bằng ở trên giường, tóc buộc đang gõ vào chuông đồng cho ngân lên từng đợt nối nhau. Tựa như có một làn ánh sáng xao động, mi không thể ngăn mi tin vào cơ duyên, số phận và sự nghỉ ngơi của tâm hồn nhờ kinh kệ...
Hôm sau, sáng bạch mi mới dậy. Mi leo lên tận tầng cuối cùng. Cửa mở ra một phòng rộng trống không. Không ban thờ, không rèm màn, không bài vị, không hoành phi câu đối. Duy nhất ở giữa tường một tấm gương mênh mang quay vào cửa hang có một lan can gõ đơn giản che chắn. Mi đến trước tấm gương nhưng mi chỉ thấy trời xanh ở đó. Mi đứng lặng, không nói một lời.
Khi xuống núi, nghe thấy tiếng khóc mi bèn đi về phía đó. Một đứa bé trần truồng như nhộng ngồi ở chính giữa đường. Nó khe khẽ thút thít khóc, giọng đã khản. Rõ ràng nó khóc đã lâu. Mi cúi xuống:
- Có một mình cháu thôi ư?
Trông thấy mi đứa trẻ càng nức nở to lên. Mi cầm hai cánh tay gầy guộc của nó kéo nó dây, mi phủi đất cát ở mông nó.
- Cháu ở đâu?
Mi càng hỏi, nó càng khóc to. Không thấy làng nào trong tầm mắt.
- Bố mẹ cháu đâu?
Nó nhìn mi, mặt đầy nước mắt, lắc đầu.
- Cháu ở đâu?
Nó tiếp tục khóc. Mi thử dọa nó:
- Mày khóc nữa tao kệ mày đây này!
Thế này hiệu nghiệm hơn, nó ngừng ngay.
- Cháu ở đâu đến đây?
Nó không trả lời.
- Cháu có mỗi mình thôi ư?
Nó cứ tiếp tục nhìn mi, ngô nghê. Mi hơi cáu:
- Cháu có biết nói không đấy?
Nó lại bắt đầu khóc. Mi ngăn nó lại:
- Đừng khóc!
Nó há hốc mồm như toan khóc nhưng không dám.
- Nếu còn khóc tao cho một cái đét.
Nó cố sức nín, mi bèn bế nó lên.
- Cháu muốn đi đâu, nào cháu? Bảo với tao.
Nó không chút ngượng nghịu ôm lấy cổ mi.
- Cháu không biết nói à?
Nó lấy hai bàn tay đầy đất quệt lên mặt và nhìn mi ngô nghê. Mi chẳng biết làm sao nữa. Có thể là con của nông dân quanh đây mà chắc là bố mẹ không để mắt đến. Thật là điên rồ.
Mi bế nó đi một quãng nhưng không thấy một ngôi nhà nào. Mi bắt đầu mệt và không thể bế đứa trẻ câm này xuống chân núi được, mi bèn nói với nó.
- Cháu xuống đất đi được không?
Nó lắc đầu, vẻ tội nghiệp.
Mi lại bế nó đi như thế nhưng vẫn chẳng trông thấy ai. Không một làn khói bay lên từ lũng nhỏ. Mi thầm nhủ hay là người ta cố tình đem bỏ đứa trẻ câm trên đường núi này. Mi phải đưa nó trả về chỗ mi đã thấy nó, bố mẹ nó sẽ tìm lại nó.
- Xuống đi đi cháu, tao mệt rồi.
Mi xoa xoa đít nó. Thật ra nó đã ngủ. Chắc nó bị vứt bỏ đã lâu ở đây, nạn nhân của sự độc ác nơi những người lớn tuổi. Mi thầm chửi rủa bố mẹ nó.
Tại sao họ cho nó ra đời nếu như họ không đủ sức nuôi dậy nó.
Mi nhìn khuôn mặt be bé đầy vệt nước mắt của đứa bé. Nó ngủ say. Nó tin mi đến thế, lúc bình thường chắc nó không nhận được nhiều âu yếm như thế này. Mặt trời xuyên qua đám mây chiếu vào mặt nó. Nó hấp háy mắt, quay đi, vì mặt vào ngực mi.
Một hơi ấm như làn sóng vọt ra từ đáy sâu lòng mi, từ lâu mi không cảm thấy một sự trìu mến tương tự. Mi phá thiện ra là mi còn yêu trẻ con, lẽ ra mi phải có con sớm rồi. Càng nhìn nó, mi càng thấy nó giống mi. Phải chăng mi đã tình cờ cho nó mạng sống trong lúc tìm kiếm một giây phút khoái lạc? Rồi phải chăng mi đã ruồng bỏ nó? Rồi mi chẳng còn bao giờ nghĩ đến nó, lúc nãy nguyền rủa bố mẹ nó thì thật ra là mi chửi rủa chính bản thân mình!
Mi hơi sợ, sợ nó thức dậy, sợ nó biết nói, sợ nó nhận ra. May sao nó câm, may sao nó ngủ, nó không hiểu ra bất hạnh của nó. Mi cần để nó ngủ trên đường núi, tranh thủ lúc chưa ai phát hiện ra nó để mi trốn đi càng xa càng tốt.
Mi đặt nó xuống đường. Nó hơi động đậy rồi cuộn tròn lại, giấu mặt vào hai bàn tay. Chắc nó cảm thấy đất lạnh và chắc nó sẽ tỉnh lại. Mi co cẳng chạy giữa trời quang ngày tạnh như một tên tội phạm bỏ trốn. Mi như nghe thấy tiếng khóc ở đằng sau nhưng mi không dám quay đầu lại.

75
Khi qua Thượng Hải, trong phòng chờ nhà ga, những hàng người vô tận xếp trước các quầy vé, ta mua một vé tàu nhanh của một dân thường đi Bắc Kinh trả lại. Một giờ sau, ngồi trong khoang, ta tự cảm thấy hài lòng. Cái thành phố mênh mông, nơi chồng chất hơn mười triệu người dân này không còn chút lý thú nào nữa trong con mắt ta. Ta muốn biết nơi một người chú họ đã sống, ông ấy đã mất trước cả cha ta. Chẳng ai trong hai người đạt tới cái lúc huy hoàng cáo lão.
Rùa và cá sông Ngô Tùng, con sông đen kịt chảy qua thành phố và phả ra mùi hôi thối, đã chết rồi. Ta không tài nào hiểu nổi làm sao người dân Thượng Hải vẫn có thể tiếp tục sống ở đây. Ngay nước máy được xử lý mà vẫn vàng, vẫn sặc mùi vị clo. Con người chắc là chịu đựng dai dẳng hơn tôm cá.
Xưa ta đã đến cửa sông Trường Giang. Ngoài những con tàu viễn dương không sợ han gỉ, bồng bềnh trên sóng lớn vàng vọt, chỉ thấy những bờ bùn lầy phủ đầy lau sậy cùng sóng đánh liên hồi. Phù sa bồi vào đấy không cách gì ngăn chặn được, sẽ tới cái ngày mà tất cả kiểu Trung Quốc sẽ chỉ là sa mạc mênh mông.
Ta nhớ ngày còn bé, nước sông Trường Giang dù nắng hay mưa lúc nào cũng trong. Trên bờ, từ sáng đến tối những người bán hàng mời chào những con cá to tướng đã cắt khúc ra để bán. Nhưng trong chuyến đi này, ta đã qua các bến cảng dọc con sông, ta không còn thấy con cá nào to như thế. Cả những quầy bán cá cũng hiếm rồi. Chỉ còn thấy chúng ở Vạn Huyện, cửa ra của Ba Hẻm Môn Hiệp, cả thành phố được một con đê cao ba bốn mươi mét che chở. Nhưng trong các thúng tre chỉ bày rặt lũ cá con cho mèo thì hợp. Ngày xưa, ta thích ngồi trên ke bờ sông nhìn mọi người ở trên cầu tàu buông câu. Lúc cá ra khior nước, ta ngắm nhìn cuộc vận lộn gay go, hổn hển diễn ra giữa người và vật. Bây giờ hơn mười nghìn người quản việc kế hoạch hóa chỉ trong riêng Sở cải tạo sông Trường Giang; ta đã được một trong những trưởng phòng đón tiếp, trưởng phòng này chịu lệnh của một chi cục hay bộ nào nữa ta không biết. Khi cấp trên đi vắng, ông nói riêng với ta rằng hơn một trăm loài cá nước ngọt đã gần như biến mất.
Và cả ở Vạn Huyện nữa, tàu thủy neo lại một đêm. Thuyền phó đến chuyện gẫu với ta khi ta đang ngắm nhìn ánh đèn thành phố. Ông kể cho ta nghe ông đã nấp trong ca bin hoa tiêu, chứng kiến một cuộc tàn sát trong Cách mạng văn hóa. Dĩ nhiên đây là người bị giết chứ không phải cả. Ba người một, cổ tay trói vào nhau bằng dây thép, rồi bị hất xuống sông bởi những tràng súng máy. Hễ một người trúng đạn là lập tức kéo hai người kia xuống theo, ông đã thấy họ giãy giụa như cá mắc câu, trước khi trôi dạt trên dòng sông như những con chó chết. Đáng lấy làm lạ là người càng bị giết thì càng đông hơn cá, càng bị câu thì hàng hiếm đi. Lẽ ra nên ngược lại thì tốt.
Người và cá có chỗ này giống nhau: vĩ nhân và cá lớn tất cả đều bị làm cho không còn. Đủ thấy thế gian này không phải là dựng nên cho họ.
Ta rất sợ là ông chú họ xa của ta cũng đã là một trong các người lớn cuối cùng đó. Ta không nói đến những người hiện nay chen nhau thành đám ở các buổi lễ lạt và yến tiệc chính thức. Ta nói những người mà ta tôn kính. Ông chú này là nạn nhân của một lần dùng lầm thuốc. Điều trị bệnh viêm phổi đơn giản, ông đã được người ta đưa vào nhà xác hai giờ sau khi tiêm một mũi kháng sinh. Ta đã nghe nói đến các vụ như thế nhưng không bao giờ ta nghĩ chú ta sẽ chết như thế. Lần cuối cùng ta gặp ông là trong Cách mạng văn hóa, cũng là lần đầu tiên ông nói chuyện chính trị và văn học với một đứa trẻ như ta. Trước kia ông chỉ đùa vui với ta, giọng trầm và hổn hển, ông biết hát Quốc tế ca bằng quốc tế ngữ. Ông bị hen từ lâu, ông nói ông mắc cái bệnh này là do hút quá nhiều thế phẩm của thuốc lá trong chiến tranh. Ngoài mặt trận, khi hết thuốc lá, người ta có thể hút mọi thứ, thí dụ lá bắp cải hai bông khô. Người ta phải tháo gỡ ở trong mọi tình huống.
Ông cũng luôn có một trò làm cho trẻ con vui. Một hôm, ta cãi mẹ, bỏ ăn, để nguội ngắt món xúp thịt gà nấu mì nui mà mẹ múc cho đầy bát. Hai ý chí chọi nhau. Ngày bé ta cũng đã có cái nghiêm trang của người đứng tuổi, như một sợi dây cung căng thẳng, ta không lung lay. Lúc mẹ ta sắp giận, thì chú ta cầm tay ta dẫn ra phố mua kem cho.
Trời đổ mưa rào, nước xối như thác. Chú bỏ đôi bốt lính ra, xắn quần lên và dẫn ta lội bì bõm trong cái cửa hàng mà ta nốc hết hai cái kem to tướng. Từ đấy chưa bao giờ ta còn ăn nhiều kem như thế. Khi chú đưa ta về nhà, mẹ ta đã tươi cười, thấy vẻ chú tội tội, bốt cầm tay. Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai mẹ con đã chấm dứt. Ông chú này quả thật có cung cách của một vĩ nhân.
Cha của chú chết vì hút thuốc phiện và mê mải lạc thú đàn bà. Cụ là một nhà tư sản. Thời đó, cụ đã cho chú hàng nghìn nguyên để đi Mỹ học và cấm chú tham gia các hoạt động bí mật của Đảng Cộng sản. Nhưng chú dứt khoát từ chối, trốn đến Giang Tây để dự cuộc kháng chiến chống Nhật, trong Tân Tứ Quân.
Chú thích kể chuyện khi tân Tứ Quân đóng ở nam An Huy, chú đã mua một con báo con của người nông dân và nuôi nó trong một cái lồng giấu dưới gầm giường. Cứ hễ đêm xuống là bản năng thú trở lại, nó không ngừng gầm gừ. Khi quân đội lên đường, chú không nỡ lòng nào giết nó bèn trao nó cho một người.
Thời ấy, cha ta là người chuyện trò chính của chú. Mỗi lần đến thăm, chú đều mang một chai rượu không thể tìm ra nổi ở thị trường rồi đuổi người vệ sĩ, lái xe của chú ra về. Một gói to đùng đủ các loại kẹo của Thượng Hải dành riêng cho ta. Mỗi lần hai người chuyện trò tới sáng, gợi lại tuổi ấu thơ, tuổi thanh xuân, như ta bây giờ mỗi khi tình cờ gặp lại bạn bè cũ. Hai người nói đến cái rét trong căn nhà cổ đầy bim bim của họ, nói đến những nỗi khổ sở cỏn con của họ ví như khi chú ở trường về, chảy máu cam, bẩn cả cổ áo. Chú thấy sợ vừa đi vừa khóc, người ngoài đường cũng như họ hàng xa của chú đều nhìn dửng dưng chú đi qua. Chỉ có bà cụ bán đậu phụ giữ chú lại, đẩy vào trong nhà, chỗ xay đậu nành rồi lấy giấy quyển ra vò vò lại đưa chú nhét mũi.
Hai người cùng nói đến ngôi nhà cũ, ngôi nhà mà cụ của ta bị điên đã phóng hỏa nhưng người trong gia đình cứu được. Một cô gái sống cạnh ngôi nhà ấy đã tự tử vì tình. Hai hôm trước, cô ở cửa hàng vải đi ra, cắp một miếng vải hoa. Người ta ngỡ cô chuẩn bị đám cưới, nhưng hai ngày sau, cô đã tự tử, nuốt những cây kim, mặc chiếc áo dài may bằng thứ vải hoa nọ.
Quấn tròn trong chăn, ta nghe hai người chuyện trò, mê hoặc, không muốn ngủ. Ta thấy chú hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác dù mắc bệnh hen. Vào những lúc sôi nổi nhất của câu chuyện chú đi đi lại lại trong phòng, bước những bước dài. Chú chỉ ao ước một điều: giải ngũ để viết.
Lần cuối cùng ta đi Thượng Hải thăm chú, thấy chú cầm trong tay một bình xịt dùng cho những khi ho dữ dội. Ta hỏi chú đã viết quyển sách của chú chưa. Chưa, may thế, nếu không thì chú đã chẳng còn trong cõi đời này rồi. Đây là lần duy nhất chú không coi ta là một đứa trẻ. Chú dặn ta cẩn thận: thời nay không còn là để viết văn học đâu, cũng chẳng nên làm chính trị gì. Theo chú, khi bị cuốn vào chính trị là người ta có cơ mất khôn mà không biết, chẳng còn hiểu mình sẽ đặt chân vào đâu. Ta nói rõ cho chú hay là ta cũng không thể theo đuổi việc học hành ở đại học nữa. Thế thì kìa, cháu cứ việc làm người quan sát. Chú bảo bây giờ chú cũng đang quan sát. Trước Cách mạng văn hóa, vào lúc cuộc vận động chống phái hữu đang tiến hành dữ dội trên các báo, khi mà mọi người đang chết đói chú đã bị điều tra. Chú bèn bắt đầu quan sát, đứng ra lề, và từ ấy, chú bị theo dõi, kiểm soát. Không có lạ nếu thời đó cha ta cắt đứt mọi quan hệ với chú. Chú chỉ bảo cha ta rằng chú đi thị sát ở một xó góc biển chân trời ngoài đảo Hải Nam với tất cả đồ lề quan sự của chú. Lúc ấy không thể đoán được những câu này có giấu một thông điệp bí mật.
Từ lúc ấy ngay lần về, trên tuyến đường sắt Bắc Kinh – Thượng Hải ta bắt đầu quan sát: những chiến sĩ chịu trách nhiệm cái gọi là “tiến công bằng lời lẽ, tự về bằng vũ khí”, văn công vũ vệ, dáo trong tay, mũ cành liễu trên đầu, băng vải đỏ nơi cánh tay, đứng xếp hàng cửa toa. Một hành khách sửa soạn xuống đã bị giục quay trở lại. Theo sau người này họ ập vào. Người này hét ầm lên kêu cứu nhưng không ai dám ho he. Ta thấy họ kéo người ấy ra ngoài vây kín lấy và đánh cho một trận. Rồi đoàn tàu chuyển bánh, ta không biết tình cảnh người kia sau đó ra sao nữa.
Thời ấy mọi thành phố ta qua đều điên loạn. Các công trình của con người, tường, nhà máy, cột điện cao thế, tháp nước, tất cả đều phủ đầy khẩu hiểu thề bảo vệ đến chết, đả đảo, đập nát, huyết chiến tới cùng. Suốt dọc đường sắt, loa phóng thanh trong các toa xe phát đi những bài hát chiến đấu lẫn vào tiếng còi tàu ầm ĩ. Ở ga Minh Quang, phía bắc Trường Giang, có trời mới biết được làm sao có cái tên gọi này – Ánh sáng tỏ tường, lại vẫn còn được giữ lại, người tị nạn chen chúc nhau dọc hai bên đường sắt. Tàu không mở cửa nữa, người ta bèn bò chui vào qua cửa sổ, lèn chặt trong các khoang như cá hộp. Người ở trên xe ra sức giữ cho cửa sổ đóng chặt. Thế là cách nhau một tấm kính, cùng là dân tỵ nạn bây giờ hóa thành thù địch của nhau. Tấm kính này kỳ lạ, khi cách ngăn con người, nó làm cho các khuôn mặt méo đi, đầy giận dữ và thù hận.
Tàu bắt đầu chạy trong tiếng động nhức tai nhức óc, tiếng mưa sỏi đá và những tràng sấm chửi rủa, tiếng đấm đánh, tiếng kính vỡ, thật đúng là cảnh địa ngục, sở dĩ như thế là bởi lẽ người ta đều đang đinh ninh mình chịu đau khổ như thế này là để bảo vệ chân lý.
Và vẫn ở thời kỳ ấy, vẫn trên tuyến đường sắt ấy, ta đã thấy thân một người đàn bà trẻ tuổi trần truồng, bị bánh xe lửa chặt khúc ra như một con cá bị lưỡi dao bén cắt ra vậy. Đoàn tàu rung lên rầm rầm và rúc còi, kim loại, kính ken két nghiến trong một tiếng bục xé chói tai. Người ta có thể nói là một trận động đất. Những năm tháng đó mọi cái đều kỳ lạ. Tựa như trời và người cảm ứng với nhau và đất hóa điên không ngừng rùng rùng chuyển động.
Xô đi chừng trăm, hai trăm mét, con tàu mới đột ngột dừng lại. Nhân viên, thành viên an ninh và hành khách xuống xe. Cỏ mọc ở đá rải đường bị những mẩu thịt người vấy vào. Một mùi máu tanh thối tẩm đẫm không khí, máu người có một mùi gắt hơn máu cá. Trên bờ ta luy đường sắt một thân thể mũm mĩm của phụ nữ, không đầu, không chân, không tay. Máu đã chảy kiệt, thân người đàn bà này trắng bệch, nhẵn  hơn một khối cẩm thạch. Cái xác thân khỏe đẹp của đàn bà trẻ này vẫn còn giữ những dấu tích của sự sống và khêu dậy ham muốn. Một ông già trong số hành khách đã đi kiếm một mảnh vải mắc vào một cành cây để đậy vào bụng dưới của tấm thân cụt què. Người lái tàu lau mồ hôi bằng chiếc mũ lưỡi trai, giải thích tuyệt vọng rằng anh đã rúc còi như thế nào khi thấy người đàn bà đi ở giữa đường sắt. Chị không tránh. Anh đi chậm lại nhưng không thể phanh quá mạnh vì hành khách trên tàu và anh đã nhìn thấy tàu đè lên chị ta. Phút cuối cùng chị toan tránh, nhưng... Chị ta muốn tự tử, rõ ràng là tìm cái chết, có phải một sinh viên bị đẩy xuống nông thôn không? Hay là nông dân? Chị ta chưa có con bao giờ, chắc rồi không phải nói. Hành khách tranh luận với nhau. Chị ta chắc không muốn chết, nếu không tại sao đến lúc cuối cùng lại nhảy ra? Chết lại dễ như thế ư? Cũng phải là ác mới chết được như thế! Có thể chị ta mải nghĩ. Đâu có như thể đi đường bộ ban ngày ban mặt, đằng này là đoàn tàu từ phía trước lao đến phía chị ta mà! Trừ phi chị ta điếc, chị ta thật lòng muốn chết, chết còn hơn sống. Người nói câu này vội bỏ đi ngay.
Ta chỉ có chiến đấu để sống sót, không, ta không chiến đấu cho cái gì cả, ta chỉ tự vệ mà thôi. Ta không có lòng can đảm của người đàn bà này, ta chưa tới bước tuyệt vọng như thế, ta còn yêu say đắm thế gian này, ta vẫn chưa sống đủ.