Chương 3
11

    
àng nói, sau này nàng đã nói ra điều ấy. Nàng thật sự muốn chết, chuyện đó rất dễ mà. Đứng trên mặt đê tôn cao của con sông, nàng chỉ cần nhắm mắt rồi gieo mình vào khoảng không! Nhưng ý nghĩ rằng nàng có thể rơi lên gờ đá của bờ sông đã làm cho nàng lạnh cứng đi vì sợ. Nàng không dám hình dung cảnh ghê rợn của óc nàng phọt ra khỏi hộp sọ bị chẻ vỡ. Cái đó quá tởm. Nếu nàng chết, thì sẽ là cái chết đẹp, hút được về nàng tình thương và thiện cảm.
Nàng nói lẽ ra nàng phải ngược sông lên, đi theo bờ sông. Khi nào tìm ra một cái bãi, nàng sẽ đi xuống. Dĩ nhiên không ai được trông thấy nàng, không ai được biết chuyện này. Nàng sẽ bước vào nước đen ngòm giữa đêm khuya, chẳng cả cởi giầy. Nàng không muốn để lại dấu vết. Vậy là nàng cứ tiến lên, giầy ở chân. Từng bước một nàng sẽ vào nước, khi nước đến eo nàng, trước khi tới tầm ngực làm cho nàng không thở được thì dòng nước sẽ trở nên hung hãn, nó sẽ kéo tuột nàng đi, cuộn nàng vào giữa lòng sông. Nàng không thể nào nổi lên mặt nước được nữa nhưng nàng vẫn vùng vẫy mặc dù không muốn. Cái ham muốn thuộc về bản năng sống còn sẽ chẳng được tích sự gì. Thêm nữa, nàng sẽ đập khe khẽ chân tay. Tất cả sẽ diễn ra rất nhanh, tất cả sẽ kết thúc không có thời gian để mà đau đớn. Nàng sẽ không thể kêu. Sẽ chẳng còn mảy may hy vọng nào, cho dù nàng kêu thì nước lập tức bóp ngạt nàng. không ai có thể nghe thấy nàng, sẽ chẳng còn cách nào cứu nàng. Và cái đời thừa này sẽ tự xóa đi khỏi thế giới này, chẳng để lại mảy may dấu vết. Bởi lẽ không có cách nào rũ bỏ cho mình nỗi đau khổ này thì chi bằng tự giải thoát nhờ cái chết, giải quyết cái tồi tệ từ gốc, một cách sạch sẽ. Cái chết sẽ phải trong sạch, cả nàng cũng thế. Nếu nàng có thể chết trong sự trong sạch thì sẽ rất hay nhưng nếu người mà trương lên dạt vào bên dưới hạ lưu, ở một quai sông đầy cát thì nó sẽ khô quắt đi dưới nắng, bắt đầu thối rữa, sẽ là mồi của một đàn ruồi. Bất giác, một cảm giác ghê tởm lại xâm chiếm nàng. không cái gì ghê tởm bằng cái chết. Không làm gì để rũ bỏ được cái ghê tởm này. Không cái gì, không cái gì cả.
Nàng nói rằng chẳng ai có thể nhận ra nàng, chẳng ai biết tên biết họ của nàng. Những họ tên nàng đưa ra khi viết vào sổ đăng ký khách sạn đều giả. Không ai trong gia đình nàng sẽ có thể tìm ra nàng, không ai có thể hình dung nàng lại trốn đến cái thị trấn núi bé nhỏ này. Trái lại, nàng hình dung ra hoàn hảo thái độ của bố mẹ. Dì ghẻ nàng chắc gọi điện thoại đến bệnh viện, nơi nàng làm việc, bằng cái giọng âm ấm của bà ta, tựa như bị cảm lạnh vậy, với thậm chí cả vài tiếng nức nở trong cổ họng nữa. Và, chắc là theo yêu cầu khẩn thiết của bố nàng. Nàng biết rất rõ rằng nếu nàng chết, người dì ghẻ sẽ không khóc thật tình đâu. Nàng chỉ là gánh nặng cho cái gia đình này. Người dì ghẻ có đứa con trai riêng, một gã đã khá có tuổi. Khi nàng muốn về nhà qua đêm, em trai nàng phải ngủ trên chiếc giường gấp ở trong hành lang. Họ chờ đợi cái buồng của nàng, mong mỏi nàng lấy chồng sao cho nhanh nhất. Nhưng nàng không muốn sống ở bệnh viện. Trong các buồng nghỉ cho các nữ y tá trực, luôn bao trùm một mùi thuốc sát trùng. Suốt ngày, trong cái vũ trụ những khăn rải giường trắng, những áo blu trắng, những màn trắng, những mặt nạ trắng, nàng hình chỉ còn đôi mắt và lông mày làm của riêng. Cồn, kẹp lớn, kẹp nhỏ, tiếng kéo lách cách và các dao mổ, rửa tay hoài hoài hết ngày, cánh tay thục liên miên vào thuốc sát trùng đến mức da hóa thành trẳng xỉn, mất đi mầu máu. Cứ theo đà này, cả đàn ông lẫn đàn bà của bộ phận phẫu thuật già đi, da tay của họ ắt có cái mầu của chuột bạch. Với nàng nữa, một ngày nào đó sẽ chỉ còn lại hai bàn tay bạc phếch. Hai bàn tay ấy dạt vào bãi cát sẽ được phủ kín ruồi. Nàng lại thấy ghê tởm. Nàng ghét việc của mình, gia đình mình, thậm chí cả bố mẹ mình, một người vô dụng không có một tí kiến giải nào mỗi khi người dì ghẻ của nàng cao giọng lên. Nói bớt đi, đồng ý chứ? Dù ông trái ý với bà, ông cũng không muốn lộ ra. Này, bảo tôi đi, ông lại tiêu tiền ở đâu rồi? Ông ngu trước tuổi, làm sao người ta lại có thể để tiền cho ông được nữa chứ? Một câu kéo thành mười câu, giọng của người dì ghẻ lúc nào cũng ầm ầm. Ông bố không thể nói lời nào. Ông đụng vào chân nàng, dò dẫm ở dưới bàn; khi người dì ghẻ và em trai nàng không có ở đấy, chỉ có hai bố con, ông lại uống quá nhiều. Nàng đã tha thứ cho bố nhưng đồng thời cũng không thể tha thứ. Ông bố chẳng được tích sự gì, nàng ghét cái tính đớn hèn của ông. Ông không phải là một người bố buộc con cái phải khâm phục, một người đàn ông chân chính mà nàng có thể dựa vào, mà nàng lấy làm tự hào. Nàng muốn từ bỏ người thân của mình từ lâu, nàng luôn mong có một gia đình nho nhỏ của riêng mình. Nhưng đấy, nàng lại cũng đã chán. Trong túi mình, nàng tìm thấy một bao cao su tránh thai. Nàng uống viên tránh thai, không bao giờ lo ngại về chuyện này. Nàng không thể nói nàng bị ngay cú sét với hắn. Nhưng đấy là người đàn ông đầu tiên nàng gặp mà dám tán tỉnh nàng. Hắn đã hôn nàng. Nàng bắt đầu nghĩ đến hắn. Họ đã gặp lại nhau rồi định một cuộc hẹn. Hắn muốn nàng, nàng đã hiến mình cho hắn. Họ đã bồn chồn chờ đợi nhau, họ đã say nhau. Nàng bối rối, tim đập mạnh, đầy sợ hãi nhưng bằng lòng hoàn toàn. Tất cả đều bình thường, đầy hạnh phúc, vẻ đẹp, đầy ý tứ, không dung tục. Nàng nói rằng, vì nàng biết, em muốn trước hết hãy yêu anh và được anh yêu rồi mới làm vợ anh, trở thành một người mẹ, một người mẹ trẻ. Hôm đó, sau giờ làm, nàng không trở về ký túc xá và chẳng ăn gì hết để nhào vội đến nhà hắn. Nàng vừa bước vào, hắn đã ôm lấy nàng và làm tình với nàng, chẳng để cho nàng kịp thở. Hắn nói cần phải tranh thủ tuổi thanh xuân, hết lòng tranh thủ chuyện yêu. Nép vào ngực hắn, nàng nhận lời. Thoạt đầu, họ không muốn có con để có thể vui chơi vô tư vài năm. Họ dành dụm để đi du lịch chút ít. Lúc đầu họ không sửa sang nhà. Có lẽ họ chỉ cần có một căn phòng nho nhỏ và hắn đã có một rồi, còn nàng, nàng chỉ mong mỏi có hắn thôi. Họ điên rồ, chẳng cái gì ngăn giữ được họ, không bao giờ, không bao giờ cả... Nàng đã không có thì giờ tranh thủ tình yêu, còn lại với nàng chỉ là chán ghét. Một sự chán ghét không thể nén đi được, nó gây ra tởm lợm. Về sau, nàng bắt đầu khóc và chửi người đàn ông như một con khùng! Tình yêu của nàng với hắn thế là hết. Nàng dã yêu biết mấy mùi mồ hôi ở áo may ô hắn. Ngay cả khi hắn sạch, nàng vẫn còn nhận ra nó. Vậy mà, hắn ấy, hắn quá ít xứng đáng được yêu, hắn có thể làm cái ấy bất cứ lúc nào với bất cứ người đàn bà nào. Đàn ông bẩn thỉu dường nào! Cuộc đời nàng vừa mới bắt đầu đã bị ố bẩn, như chăn trải giường của cái khách sạn con con mà tất cả thiên hạ đã đến ngủ ở đó. Chúng không bao giờ được thay, chúng sặc mùi mồ hôi đàn ông. Nàng sẽ không đến cái loại nơi ấy nữa!
Thế rồi em đi đâu? Mi hỏi.
Nàng nói nàng không biết, nàng không biết tại sao nàng đã có thể một thân một mình đến được đây. Nàng còn nói nàng tìm một chỗ như chỗ này, nơi không ai có thể nhận ra nàng, nàng nói nàng đã một thân một mình đi theo con sông, cứ ngược nó mà lên chẳng nghĩ ngợi gì hết, cứ đi thẳng tiếp mãi cho tới khi kiệt sức, cho tới ngã vật ra chết cứng trên đường...
Mi nói nàng là một đứa bé dễ đổi ý.
Không! Nàng nói chẳng ai hiểu nàng cả. Cả anh nữa.
Mi hỏi nàng liệu có thể qua sông với mi không. Ở bờ bên kia có Núi Hồn, Linh Sơn, ở đấy có thể thấy những cái diệu kỳ để quên đi các đau khổ của nàng và có được sự giải thoát. Mi cố sức quyến rũ nàng.
Nàng nói nàng đã giải thích cho gia đình rằng bệnh viện tổ chức một chuyến đi, còn ở bệnh viện thì nàng nói bố ốm. Nàng xin nghỉ vài ngày để săn sóc.
Mi bảo nàng hãy còn đủ mánh múng đấy.
Nàng nói nàng chưa có ngốc đâu.

12
Trước khi làm chuyến đi dài này, trong những ngày thầy thuốc đoán ung thư phổi, việc duy nhất ta có thể làm là đi dạo trong các công viên ngoại thành. Mọi người nói rằng trong cái thành phố ô nhiễm này, chỉ còn không khí ở công viên là chất lượng tốt, hơn không khí các công viên ngoại thành. Những gò đống nho nhỏ nổi lên gần những bức tường thành của thành phố ngày xưa là những nơi thiêu xác và mồ mả. Gần đây chúng mới được cải tạo thành công viên do đô thị hóa những năm qua đã lấn tới các mồ mả bỏ hoang, người sống xây nhà trên các sườn đồi, tranh đất cát với người chết.
Bây giờ chỉ các mỏm đồi còn bỏ hoang; chất đống ở đấy các tấm đá trước kia từng là bia giờ không dùng đến. Người già quanh vùng sáng sáng đến đây tập thể dục và đưa chim của họ đi dạo. Quá chín giờ, khi mặt trời rọi vào đỉnh đồi, họ trở về nhà, lồng chim trong tay. Cuối cùng, một mình, trong yên tĩnh, ta lấy ở trong túi ra một quyển Kinh Dịch. Ta đọc, ta đọc, và dưới ánh nắng ấm áp ngày thu, ta cảm thấy giấc ngủ xâm chiếm ta. Ta nằm lên một lát đát kê đầu vào quyển sách làm gối. Ta nhớ lại trong đầu các nét của bát quái mà ta vừa đọc, hình ảnh mầu lam sáng loáng của chúng trôi lướt trên mặt ta đang đỏ ửng vì sức nóng mặt trời.
Thoạt đầu, ta không có ý định đọc. Ta đọc thêm hay bớt một quyển sách, ta đọc hay không đọc, sự đó không hoãn đi cái giờ thiêu xác ta. Nếu ta đọc Kinh dịch thì đó chỉ là việc thuần túy ngẫu nhiên. Một bạn thời thơ ấu, biết đến tình hình ta đã đặc biệt đến thăm ta để đề nghị giúp đỡ. Anh đã nói đến các thực hành thở của khí công, qigong.  Anh nghe nói một số đã dùng cách này để trị ung thư, anh biết một người thực hành một thuật liên quan với bát quái. Anh đã khuyên ta cũng thử xem, ta hiểu ý tốt của anh. Đã đến giai đoạn này con người sẵn sàng làm tất cả để đi khỏi đó. Ta đã hỏi anh có thể xoay cho ta một quyển Kinh dịch mà ta chưa đọc bao giờ không. Ngay hôm sau, anh mang sách đến. Rất cảm động, ta tâm sự với anh rằng khi còn bé, ta đã nghi anh lấy cắp cái kèn ác-mô-ni-ca ta vừa mua. Ta đã quy tội oan cho anh, vì ta lại tìm thấy cái kèn. Anh có nhớ chuyện ấy không? Một cái cười làm rạng sáng khuôn mặt tròn trặn chắc nịch của anh và anh hơi ngượng nghịu bảo ta: Nói lại cái đó làm gì? Rút cục, chính anh bối rối chứ không phải ta. Rõ ràng anh không quên nhưng anh giữ tình bạn cho ta. Lúc đó ta nhận ra chính ta, ta đã phạm các lỗi lầm, và không phải chỉ người khác mới kết oan tội cho ta. Có phải đó là một ăn năn ở phía ta? Có phải đó là trạng thái tinh thần đi trước cái chết không?
Ta không biết trong đời mình, cuối cùng liệu có phải là ta đã tỏ ra bội bạc với người khác hay người khác bội bạc với ta. Ta biết một số đã thật tình yêu ta, như mẹ ta nay đã chết, một số đã ghét ta, như người vợ mà ta chia tay, nhưng tính sổ mà làm gì, lúc ta chỉ còn quá ít thì giờ để sống? Với những người ta đã tỏ ra bội bạc, cái chết của ta có lẽ sẽ là một đền bù, còn với những người khác, ta không thể làm gì được nữa. Cuộc đời chung quy chỉ là một nút những oán hận không thể gỡ, tình cờ liệu nó có một ý nghĩa khác không đây? Nhưng kết thúc nó như thế này thì thật là sớm. Ta nhận ra ta đã không sống một cách thỏa đáng bao giờ, và nếu ta có thể có một cuộc đời khác, có lẽ chắc chắn ta sẽ thay đổi cách sống của ta, với điều kiện một phép màu xen vào.
Ta không tin vào các phép màu cũng như không tin, lúc đầu, vào số mệnh, nhưng khi người ta ở vào một tình huống tuyệt vọng, còn lại chẳng phải là các phép mầu mà người ta có thể hy vọng vào đó đấy sao?
Mười lăm ngày sau, đến ngày giờ đã định, ta đến bệnh viện để làm nội soi như đã hẹn. Lo lắng, em ta quyết đi cùng ta, trái với ý ta. Ta không muốn để lộ tâm trạng của ta trước người thân. Một mình, ta có thể tự kiểm soát ta dễ hơn, nhưng ta thuyết phục sao nổi hắn. Ở bệnh viện cũng có một anh bạn thời trung học phổ thông đang làm việc, anh đã đưa ta đến thẳng gặp người phụ trách X quang.
Đeo kính, ngồi trên một ghế quay, sau khi đọc chẩn đoán ghi trong y bạ rồi xem các phim X quang của phổi ta, ông tuyên bố cần phải làm thêm một X quang phổi nữa. Ngay sau đó, ông thảo một lá thư để ta chụp lần nữa ở một bộ phận khác, nói rõ ông sẽ đi lấy phim trước khi chúng khô.
Một mặt trời tươi tắn mùa thu chiếu sáng. Trong nhà, đặc biệt mát. Ngồi trong gian phòng này qua cửa sổ nhìn tấm thảm cỏ ngập nắng, ta có một cảm giác về cái đẹp vô cùng. Trong quá khứ, ta chưa bao giờ nhìn nắng bằng cách này. Trong khi chờ rửa tráng phim trong phòng tối, ta ngắm mặt trời qua cửa sổ. Nhưng mặt trời ở quá xa còn ta thì lại phải nghĩ tới cái sắp xảy ra trước mắt ta lúc này. Nhưng như thế thì có đòi phải suy nghĩ nữa không đây? Tình cảnh ta giống y như tình cảnh kẻ giết người đang sắp đón nhận những cáo trạng gay gắt, đang chờ quan tòa tuyên án tử hình. Hắn chỉ còn hy vọng một phép màu can thiệp vào mà thôi.
Ta chợt nhận ra ta đang niệm thầm tên Đức Phật A di đà đã một lúc rồi, lúc nào không rõ, có lẽ vào lúc ta ngắm mặt trời qua cửa sổ. Ta niệm Phật lúc ta mặc lại quần áo, lúc ta đi ra cái phòng đầy chất máy móc mà trong đó người ta bảo người bệnh nằm dài ra, cái phòng giống như một xưởng giết người.
Trước lúc đó, nếu ta nghĩ có ngày nào đó ta niệm Phật thì chắc chắn ta sẽ thấy nó là hoàn toàn lố bịch. Hễ thấy trong chùa chiền các ông bà già thắp hương, quỳ gối lầm rầm gọi Đức Phật A di đà, ta lại đều cảm thấy thương hại cho họ. Cần nói rằng sự thương hại ấy không gần với sự thông cảm. Nếu phải diễn tả cảm tưởng này ra bằng lời thì đại khái nó sẽ là: "Ôi! những con người tội nghiệp, họ đáng thương, họ già yếu. Khi nào hy vọng của họ, dù chỉ nhỏ nhặt nhất, khó thực hiện thì họ chỉ còn biết cầu xin cho ý nguyện ấy của học được thực hiện về tâm lý". Ta không thể quan niệm một người đàn ông đang độ trung niên hay một người đàn bà đẹp lại có thể cầu nguyện. Khi nào chợt nghe thấy nói đến tên Đức Phật trong miệng những tín chủ trẻ tuổi, ta lại muốn cười to hay bày tỏ rõ một vẻ ác ý. Ta không thể nào hiểu được  một người đang giữa hồi thịnh đạt lại bập vào ác trò dớ dẩn loại này, vậy mà hôm nay, ta đây, ta đã cầu nguyện hẳn hoi, với lòng thành tín lớn nhất, bằng tất cả trái tim ta. Số mệnh quá đỗi ác nghiệt mà con người thì quá đỗi yếu đuối. Đứng trước cùng quẫn, con người chẳng là cái gì hết.
Và trong khi chờ bản án tử hình của ta, ta thấy mình ờ trong cái tình huống mà chẳng là gì hết nữa ta đang ngắm nhìn mặt trời mùa thu qua cửa sổ và im lặng niệm Phật.
Người bạn học lâu ngày của ta không nhịn được nữa. Anh vào phòng tối, em ta theo sau. Người ta đã bắt em ta trở ra, hắn đành chỉ thập thò ở cửa phòng bộ phận X quang. Một lúc sau, đến lượt bạn ta ra để cũng chờ ở cái cửa này. Họ đã chuyển sự chú ý từ kẻ bị kết tội sang bản phán quyết tử hình. Cái ẩn dụ này không chính xác hẳn. Ta nhìn họ vào ra như một kẻ quan sát hoàn toàn ngoài cuộc, chỉ còn mải không ngừng niệm đi niệm lại thầm tên Phật. Thình lình ta thấy hai người họ kêu lên:
- Sao thế này?
- Không có gì cả à?
- Kiểm tra lại xem nào!
- Thì đã định trước là chiều nay chỉ có một cái chụp ngực thôi mà, trong phòng tối người ta cáu kỉnh trả lời.
Em ta và bạn ta cả hai đang cầm những cái kẹp giở phim lên xem. Người kỹ thuật viên cũng ra khỏi buồng tối, anh liếc học một cái, nói vài câu gì đó không rõ rồi không màng tới họ nữa.
Nam mô A di đà Phật. Thoạt đầu chúng thay cho lời khẩn cầu Đức Phật, bây giờ chúng đang hóa ra thành cái lời diễn ta nhạt nhẽo nhất của niềm vui. Tâm trạng đầu tiên của ta là như thế. Sau khi ta thoát ra khỏi cái tình thế tuyệt vọng nỏi trên Đức Phật đã quán chiếu đến ta, phép mầu đã linh nghiệm. Nhưng ta giữ niềm vui sướng ở trong lòng, không dám nông nổi để lộ cảm nghĩ của ta ra.
Ta không bao giờ yên tâm hẳn. Ta cầm tấm phim còn ẩm bằng hai ngón tay rồi đi đến ông phụ trách đeo kính nhờ cho kiểm tra lại.
Ông nói, giang hai tay ra, cử chỉ hết sức kịch:
- Quá tốt, không ư?
- Có phải làm cái gì khác nữa không? Ta hỏi, về chuyện nội soi.
- Làm cái gì chứ? Ông hỏi ta với cái giọng quở mắng. Ông có quyền như thế. Ông cứu mạng sống con người mà.
Rồi ông cho ta đứng vào trước máy X quang, bảo ta thở mạnh, ho, quay người, sang trái, sang phải.
Thực ra ta chẳng nhìn thấy rõ cái gì cả: trong não ta, là cháo đặc, trên màn hình đen trắng là xương ngực ta.
- Chẳng có cái gì hết, đúng không? Ông lại nói với cái giọng quở mắng, tựa như ta cố tình kiếm phiền toái cho ông vậy.
- Nhưng giải thích như thế nào về cái người ta thấy trên các phim chụp phổi kia?  Ta không thể ngăn mình hỏi ông câu này.
- Nếu chẳng có gì thì là chẳng có gì cả. Nó đã biến mất. Giải thích nó như thế nào? Một trận cúm, bị viêm phổi đều có thể làm hiện ra một cái bóng. Và nó biến mất khi bệnh khỏi.
Ta đã không hỏi gì về vấn đề tâm trạng. Các tâm trạng có thể làm cho hiện ra những cái bóng không?
- Hãy sống yên ổn, người trẻ tuổi! Ông cho ghế bành quay đi và không để ý đến ta nữa.
Đúng thế, ta vừa mới sống lại, ta cảm thấy mình còn trẻ hơn cả một đứa bé sơ sinh.
Em ta đã hấp tấp đạp xe đi, vì hắn còn có một cuộc họp.
Ánh nắng lại thuộc về ta. Ta có quyền hưởng nó. Ngồi trên một cái ghế tựa, ở rìa thảm cỏ, anh bạn học cùng lớp bắt đầu hùng hồn nói đến số phận. Người ta chỉ nói đến số phận lúc không còn cần thiết nữa.
- Cuộc sống là một cái gì kỳ diệu, anh nói, tuyệt đối là một hiện tượng của ngẫu nhiên. Có thể tính số lượng các khả năng tính tồn tại trong trật tự các nhiễm sắc thể nhưng các vận may bày ra cho một đứa bé sơ sinh thì có thấy trước được không?
Anh thao thao bất tuyệt. Anh hùng về di truyền học. Khi anh viết luận văn tốt nghiệp, cái kết luận mà anh đi đến lúc kết thúc các thí nghiệm của anh đã không trúng với ý kiến của người đứng đầu nhóm chỉ đạo anh và trong một lần tiếp xúc, anh đã nói trái với bí thư chi bộ đảng cũng của nhóm này. Thế là tốt nghiệp xong, anh bị cử đến một trại ở dẫy núi Đại Hưng An để chăn nuôi hươu. Sau này, anh chỉ được bổ về một trường đại học mới lập ở Đường Sơn khi mà nhiều sự rắc rối đã chấm hết. Ở đấy anh đâu ngờ tới sẽ bị "lôi ra khỏi hang ổ" và bị kết tội là "tay sai của hắc bang phản cách mạng". Anh đã chịu đựng những nỗi thống khổ trong gần mười năm trước khi người ta kết luận: "Thiếu bằng chứng". Ai có thể nghĩ rằng trước trận động đất ở Đường Sơn mười ngày, anh đã bị điều đi nơi khác, và những người từng làm cho anh đau đớn thì bị chết hết trong những tòa nhà đổ sụp của họ? Ban đêm, không ai chạy kịp ra khỏi nhà.
- Trong tăm tối, mỗi người một số mệnh! Anh nói.
Còn ta, ta phải suy nghĩ về cách sống của ta, bây giờ khi mà ta vừa mới có một cuộc đời mới.

 

13
Trước mặt, một cái xóm với những căn nhà nhất nhất giống nhau, gạch lam, ngói đen, rải rác dọc bờ sông, chân các thửa ruộng bậc thang và các quả đồi. Ở đầu xóm, một con suối chảy qua, những tấm đan dài bằng đá phủ che lên nó. Và còn đây nữa, mi thấy một cái phố lát đá mầu xanh-xám bị mấy bánh xe cút kít hằn sâu xuống, dẫn vào làng. Và mi lại còn nghe thấy tiếng bàn chân trần của mi vỗ lạch bạch vào đá, để lại một vết ẩm. Nó kích thích mi đi vào. Đây là một cái phố nhỏ giống cái phố nhỏ của tuổi thơ mi, với những vết bùn trên đá. Cuối cùng mi phát hiện ra, qua các khe hở, một dòng suối nhỏ cắt ngang làng, ở bên dưới con đường. Trước cửa mỗi nhà dựng một tấm đan cho phép múc nước và cọ giặt. Những mẩu lá bắp cải vụn nát trôi trên các gợn sóng loang loáng. Mi cũng nghe thấy ở sau cánh cửa mỗi nhà tiếng cục cục của gà mái đang giành nhau mổ hạt. Trong các ngõ, mi không thấy qua một bóng người, không trẻ mỏ, không chó má, nơi này yên ắng và cô quạnh.
Ở góc một ngôi nhà, mặt trời đến chiếu sáng bức bình phong cuốn thư quét vôi trắng. Chói lòa do tương phản, ánh sáng của bình phong nổi bặt lên trong cái ngõ phố tối tăm. Bên trên lanh tô cửa, tấm gương trang trí hình bát quái lấp lánh sáng. Đứng dưới ô văng, mi phát hiện thấy tấm gương trừ tà ma này quay chĩa về góc bức bình phong, ở đây nó đẩy trả lại tà khí từ trước mặt đến. Nếu mi chụp một bức ảnh từ chỗ ấy, thì các sắc màu tương phản của bức bình phong ngập trong nắng vàng, của bóng tối lam-xám, của cái ngõ và của các tấm đan bằng đá xám sẽ cho một cảm giác yên bình và hạnh phúc. Những viên ngói vỡ của ô văng các mái cong, những vết nứt của các bức tường cũng khiêu gợi nên một thứ hoài cảm. Hoặc là, một bức ảnh chụp dưới một góc độ khác của cổng chính ngôi nhà, với ánh phản chiếu của tấm gương hình bát quái, với ngưỡng cửa đá mà đít trẻ con mài mãi đã hóa bóng nhẵn, tấm ảnh ấy sẽ cho ra một hình tượng chân thật mà nhờ nó có lẽ mọi thù hận đời đời kiếp kiếp khuấy động hai gia đình sẽ không còn tìm ra dấu vết nữa.
Anh toàn kể cho em chuyện ác và sợ, nàng nói, em không thích nghe.
Vậy em thích nghe gì?
Kể cho em những chuyện đẹp có các nhân vật đẹp ấy.
Em thích anh kể chuyện những người đàn bà cài hoa đỏ không?
Em không thích nghe chuyện các mụ phù thủy.
Không phải phù thủy. Các mụ phù thủy là những bà già xấu xí gớm ghiếc, đàn bà cài hoa đỏ bao giờ cũng trẻ đẹp.
Như vợ Đệ nhị Chúa công chứ? Em không thích nghe loại chuyện dã man này.
Đàn bà cài hoa đỏ vừa mê hoặc người lại vừa tốt nữa.
Ra ngoài làng, ngược dòng suối lên, các hòn đã tảng trở nên trơn, bị nước mài nhẵn nhụi.
Nàng đi giầy da trên các hòn đá ẩm phủ rêu. Mi bảo nàng rằng cầm chắc nàng không thể đi xa nhưng nàng bảo mi nắm tay nàng. Mi đã báo trước nhưng nàng cứ ngã. Mi kéo nàng vào mi, nói rằng mi không cố ý làm ngã, nhưng nàng bảo mi đồ tồi, nàng nhíu lông mày lại. Ở khóe miệng nàng tuy vậy hé nở một nụ cười. Nàng mím chặt môi. Mi không kiềm giữ được hôn nàng. Nàng lập tức thôi mím chặt môi và mi ngạc nhiên thấy môi nàng mềm ra. Mi hưởng hơi thở êm dịu của nàng. Mi nói thường hay xảy ra các chuyện đại loại như thế này ở trong núi. Nàng thì quyến rũ và mi thì bị quyến rũ. Ngả vào mi, nàng nhắm mắt lại.
Nói với em đi!
Về gì?
Nói cho em về các người đàn bà cài hoa đỏ.
Họ quyến rũ đàn ông, trong núi, trên các con đường mòn u tối trong núi[8], ở các khúc đường quành và thường trong các đình tạ trên đỉnh núi…
Anh đã thấy chưa?
Dĩ nhiên rồi. Cô ta ngồi thẳng băng trên tấm ghế đá dài của một ngôi đình tạ xây ở giữa đường. Không thể nào tránh cô ta được. Đó là một sơn nữ rất trẻ, mặc sơ mi mầu lơ nhạt bằng vải lanh, cúc vải cài bên, cổ và ống tay thêu trắng; đội một cái khăn bằng batik, cách thắt cũng rất tinh tế. Không muốn song mi đã chậm chân lại và cố tình đi đến nghỉ ở cái ghế đá dài, trước mặt cô ta. Dửng dưng như không, cô ta quan sát mi, chẳng hề quay đầu lại, đôi môi thanh tú đỏ thắm vẫn mím chặt. Lông mày và mắt cô ta đen như mun đã được tô đậm bằng một mẩu gỗ liễu hơ qua lửa. Cô ta biết đầy đủ sức hấp dẫn của mình, và chẳng giấu diếm chút nào, liếc đưa tình bằng đôi mắt long lanh. Đàn ông bao giờ cũng ngượng nghịu đối diện với cô ta. Cả mi, bối rối, mi đã đứng lên để đi. Trên con đường vắng vẻ u tối này, cô ta làm mi bị mất hết hồn vía tâm tư. Mi biết rõ rằng vớt họ mi chỉ được yêu ba phần còn kính trọng bảy, mi chỉ có thể tương tư nhớ nhung chứ không dám thất thố. Mi bảo những người thợ đá đã cảnh cáo trước mi. Mi đã ngủ đêm trong nơi trú ẩn của họ. Họ khai thác đá trong núi, cả tối mi uống rượu, nói chuyện đàn bà với họ. Mi bảo nàng là mi không thể đưa nàng đến đấy vì mi không bảo đảm được an toàn cho nàng. Chỉ một người đàn bà cài hoa đỏ mới trị được các thợ đá này. Họ nói những đàn bà hoa đỏ đều có thể châm cứu bằng tay không. Nghệ thuật này được cha ông truyền lại. Bàn tay nhanh nhẹn của họ có thể chữa khỏi các bệnh trầm trọng mà đàn ông không thể, từ kinh giật của trẻ con cho đến bán thân bất toại. Còn về các việc hôn nhân, ma chay, các bí mật giữa đàn ông đàn bà, tất cả đều nhờ vào cái miệng thành thạo của họ để mối lái và dàn xếp. Khi ở trong núi, gặp một bông hoa dại như thế, người ta nên ngắm thôi chứ không nên ngắt nó. Những người thợ đã nói một hôm, ba anh em kết nghĩa ăn thề đã không tin lời họ. Trên một đường mòn, ba người gặp một người đàn bà hoa đỏ, và ý xấu đã nảy ra trong đầu họ. Ba đàn ông thế này mà không làm cho được một người đàn bà khuất phục hay sao? Sau khi bàn bạc, ba người nhẩy bổ vào người đàn bà, dùng sức kéo vào một cái hang. Đúng là một người đàn bà, không thể cưỡng lại nổi ba đứa trai tráng. Khi hai đứa đầu đã xong chuyện với mình, người đàn bà van xin người thứ ba: “Ân báo ân, oán báo oán. Anh còn trẻ, đừng làm như chúng. Buông tôi ra, tôi xin anh, rồi tôi bảo anh một mật pháp. Sau này anh sẽ lợi dụng được nó. Anh sẽ có thể lấy vợ và sống thoải mái theo ý anh”. Ngờ vực nhưng người thứ ba vẫn để cho người đàn bà đi, vì thương.
Anh nữa, anh đã xúc phạm cô ta chưa? Nàng hỏi.
Mi nói mi đã đứng lên để đi, nhưng mi không thể kìm, mi quay lại nhìn vội cô ta một cái mà lúc ấy mi thấy hai má cô ta và một bông hoa đỏ cài trên thái dương. Đầu lông mày và khóe môi cô ta lóa như ánh chớp, soi sáng thình lình cái lũng tối tăm. Tim mi bừng bừng cháy. Mi lập tức biết rằng đã gặp phải một người đàn bà hoa đỏ. Cô ta ngồi đó, rất sống động, ngực đội căng áo sơ mi bằng lanh mầu lơ nhạt. Cô ta mang rổ tre, đậy kín bằng một khăn tay thêu mới tinh. Chân đi đôi giầy, cũng mới, bằng vải lơ có hoa. Cô ta nổi lên như bức tranh cắt giấy trên cửa sổ.
Lại gần đây! Nàng ra hiệu cho mi.
Ngồi trên một tảng đá, nàng lấy tay cởi đôi giày cao gót, bàn chân trần đỏ hồng dò dẫm thận trọng các hòn đá cuội tròn nhẵn. Trong nước trong vắt, các ngón chân trắng muốt của nàng lượn sóng như những con tằm mập bụ. Mi không hiểu chuyện đó đã xảy ra như thế nào. Mi thình lình ngửa đầu nàng lên đám cói dại cạnh bờ nước. Nàng ưỡn người lên các ngón tay mi lần tìm móc chiếc nịt vú sau lưng rồi mi giải thoát cho đôi vú tròn nẩy trắng như thấu sáng của nàng ra dưới nắng. Mi thảy núm vú đỏ của nàng dựng bật ra và những đường mạch máu phơn phớt mầu nước biển nổi rành rõ bên dưới quầng vú. Nàng thốt ra môt tiếng kêu khẽ và hai bàn chân nàng tuột vào nước. Một con chim đen chân trắng, mi biết nó tên là bách thanh, đậu lên một hòn đá, tròn như bầu vú ở chính giữa dòng suối. Ánh sáng lăn tăn của sóng lấp lóa trên đường viền thân hình nó. Cả hai, nàng và mi, trượt xuống nước, nàng tiếc cho chiếc váy bị ướt chứ không phải cho mình. Con mắt long lanh ướt của nàng nom như nước suối đang phản chiếu ánh nắng. Cuối cùng mi chụp vồ lấy nàng, con thú hoang dại bé nhỏ đang giãy giụa trong lòng mi bỗng trở nên nhu mì, nghe lời rồi bắt đầu khóc không thành tiếng.
Con bách thanh ngó trái ngó phải, nghển đuôi, dựng và cụp cái mỏ đỏ như sáp của nó. Mi mới hơi lại gần, nó đã vèo bay, là sát mặt nước, đến đậu vào hòn đá không xa đấy, tiếp tục động đậy. Nó quay đầu lại phía mi, chỏng đuôi và đầu. Nó để mi lại gần mới bay rồi khẽ chiêm chiếp chờ mi. Cái hồn ma mầu đen này là cô ấy đấy.
Ai cơ?
Hồn cô ấy.
Nhưng cô ấy là ai?
Mi nói cô ấy đã chết rồi. Những đưa đểu cáng kia đã đưa cô ra bờ sông tắm đêm. Trở về, chúng nói chỉ sau khi lên bờ rồi, chúng mới thẩy mất cô. Dĩ nhiên là nói dối nhưng chúng cứ nói thế đấy. Chúng còn nói nếu người ta không tin thì người ta đi tìm pháp y để tiến hành phẫu thuật. Bố mẹ cô không thể làm được chuyện ấy. Khi chết, cô gái mới vừa tròn mười sáu. Lúc ấy, mi còn trẻ hơn cô gái, nhưng mi đã biết đây là một án mạng được xếp đặt trước. Mi biết bọn chúng đã nhiều lần hẹn gặp cô ban đêm, bọn chúng đã làm cô ngạt thở dưới chân một cái cầu rồi từng đứa chúng lần lượt trèo lên người cô, sau đó chúng lại gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm. Chúng chế nhạo mi, bảo mi là thằng ngu vì đã không lợi dụng cô. Từ lâu chúng đã đặt mẹo chiếm đoạt cô. Mi đã nhiều lần nghe những trò chuyện tởm lợn của chúng trong đó luôn nhắc đến tên cô. Mi đã lén mách cô phải cẩn thận chớ đi cùng chúng nó ban đêm. Cô nói với mi cô sợ chúng nó nhưng không dám từ chối mà tiếp tục theo chúng nó. Cô ấy cũng sợ chúng, y như mi chẳng là cũng sợ đó sao? Mi thật là hèn! Bọn đểu giả ấy đã giết cô, đã chối thú nhận tội ác. Nhưng mi cũng không dám tiết lộ mà. Từ nhiều năm nay hình ảnh cô ấy đè nặng lên tim mi, như một ác mộng. Oan hồn cô ấy không cho mi yên tĩnh, nó hiện ra dưới mọi hình dạng, duy nhất cái hình dạng cuối cùng mi có về cô ấy khi cô ấy từ dưới chân cầu đi ra là không hề thay đổi. Cô ấy luôn ở trước mặt mi, chíp… chíp… cái hồn thiêng màu đen bé xíu này, con bách thanh chân trắng mỏ đỏ này. Mi túm một cành mây, nắm một rễ cây hoàng dương ở trong khe nứt một tảng đá rồi đi vào khe suối leo ngược lên. Ở đây có đường đi lên.
Cầm tay nàng, mi dặn nàng đặt chân lên một hòn đá.
Nàng kêu lên một tiếng.
Gì vậy?
Em bị sái chân.
Với đôi giày cao gót thế này, không có cách nào mà đi ở núi đâu.
Nhưng em không có chuẩn bi leo núi.
Nhưng đã vào núi thì phải chuẩn bị chịu đau khổ thôi.

14
Nếu nhìn qua cửa sổ trên gác một căn nhà cổ ở cái ngõ ngoằn ngoèo ruột gà này, người ta có thể ngắm đến hết tầm mắt các mái ngói khập khiễng. Cũng thấy cửa sổ mắt bò của một tầng gác xép kẹp giữa hai cái mái. Trước cửa sổ mắt bò, trên những viên ngói phơi những đôi giầy. Trong gian xép áp mái, là một giường có tán bằng gỗ chạm trổ, cái tán được một màn muỗi bao bọc, một tủ đứng bằng gỗ cẩm lai đỏ cẩn một tấm gương tròn và ở trước cửa sổ có một chiếc ghế dựa bằng mây. Cạnh cửa ra vào, có một cái ghế dài hẹp mà nàng bảo ta ngồi lên. Ở đây chật gần như không thể nhúc nhích. Ta mới làm quen với nàng tối qua, ở nhà một người bạn làm báo. Chúng ta đã cùng nhau hút thuốc, uống rượi, chuyện gẫu, nói vui về tính dục mà nàng không bao giờ cố lẩn né, điều tỏ ra rất tân kỳ ở cái thị trấn núi nhỏ bé này. Rồi tới lúc người ta nói về vấn đề của ta, bạn ta nói cần một người đàn bà hướng dẫn ta. Nàng đã sảng khoái nhận  lời và quả nhiên đưa ta đến đây.
Nàng thì thào vào tai ta những dặn dò cấp thiết bằng tiếng thổ ngữ địa phương: “Khi bà ấy đến, anh phải dâng dương cho bà ấy, rồi quỳ xuống lại ba lạy. Anh tuyệt đối phải làm theo đúng các quy định này”. Giọng nói và ứng xử của nàng về mọi điểm giống như giọng nói và ứng xử của đàn bà nơi đây. Ngồi sát vào nàng trên chiếc ghế  dài hẹp và ngắn này, trong một thoáng ta có cảm giác mình đang làm một điều gì xấu ở cái thị trấn nhỏ đây, tựa như ta đã có quan hệ ngoại tình với nàng, tựa như do vì ai ai cũng biết nhau, nên chỉ có thể đến đây để lén trao tình. Ta ngửi thấy mùi khăn khẳn chua của rau dưa muối dâng lên. Tuy trong cái gian áp mái này, không có một hạt bụi, sàn được cọ rửa kỹ đến độ nó để  lộ ra cái mầu ban đầu của gỗ ở chính tâm của nó. Cửa được che bằng một tấm thảm rất sạch, ở đây không có chỗ để dưa muối.
Tóc nàng chạm mặt ta. Nàng ghé vào tai ta:
- Bà ấy đến đấy.
Một người đàn bà ta béo trung niên bước vào, theo sau là một bà già. Người đàn bà to béo cởi tạp dề, phủi phủi bụi trên quần áo bạc mầu tuy cả chúng nữa, chúng cũng hoàn toàn sạch. Bà vừa nấu xong cơm. Bà già nhỏ bé hất đầu về phía ta.
- Đi theo bà ấy! Bạn gái ta bảo ta.
Ta đứng dậy đi theo vào trong cầu thang, ở đây bà già gầy gò mở một cửa khuất kín. Bên trong, là một căn buồng tí xíu, chỉ có một cái bàn, một ban thờ để thắp hương và các bài vị thờ Thái thượng lão quân, Quang Hoa đại đế và Phật bà Quan Âm. Trước ban thờ bày lễ vật bánh ngọt, hoa quả, nước lã và rượu. Trên vách, treo những cờ hiệu đỏ viền một dải trang sức màu đen hay những răng cưa màu vàng và các chữ cầu tài lợi, trừ tai ách. Mặt trời trên nóc chiếu xuyên vào qua các viên ngói thấu quang của mái nhà, khói một cây hương đang cháy cất lên uốn éo giữa cột sáng, tạo ra một không khí tĩnh tâm. Ta hiểu tại sao bạn gái ta đã thì thầm khi bước vào gian phòng. Từ các ngăn dưới gầm bàn, bà giầ lấy ra một thẻ hương gói trong giấy vàng. Ta lập tức đưa ngay cho bà một nguyên[9], theo lời khuyên của bạn gái. Ta cầm lấy hương châm vào những cuộn giấy quyến bà đốt lên và hai tay chắp lại, ta quỳ xuống tấm đệm trước ban thờ. Rồi ta khấu lạy ba lạy. Bà già có một cử chỉ tỏ ra tán thưởng cho dấu hiệu thành kính này. Bà lại cầm hương, chia ra làm ba nắm cắm vào bát hương.
Khi tụi ta trở lại gian phòng, người đàn bà to béo đã xếp đặt tất cả xong xuôi, bà ngồi đoan trang trên chiếc ghế dựa mây, mí mắt cụp xuống. Rõ ràng là bà đồng tiếp xúc với các hồn. Bà già ngồi xuống đầu giường, thầm thì với bà to béo vài câu rồi quay về bạn gái ta để hỏi giờ và nơi sinh của ta. Ta cho ngày sinh theo dương lịch. Theo âm lịch thì ta không nhớ rõ lắm nhưng người ta có thể tính ra. Bà già sau đó hỏi ta về giờ sinh. Ta đáp rằng ta không biết, bố mẹ ta đều đã chết. Bà tỏ vẻ rất bối rối, lại bắt đầu bàn khe khẽ với bà đồng đang xì xào cái gì. Ta hiểu bà nói rằng không nghiêm trọng lắm. Sau đó, đặt hai bàn tay lên đầu gối bà ngồi yên, mắt nhắm lại. Sau lưng bà, ngoài cửa sổ, một con bồ câu đậu trên mái ngói và gù, một túm lông ức xù lên phóng ra những ánh chớp tim tím. Ta tự nhiên hiểu rằng đây là một con bồ câu đực đang giữa cuộc trưng diễn gọi tình.  Thình lình bà đồng thốt ra một tiếng thở dài làm con chim bồ câu bay mất.
Ta nhìn các viên ngói mang u hoài. Sít như vẩy cá, chúng gợi lại trong ta những kỷ niệm tuổi ấu thơ. Ta nghĩ lại những ngày mưa, khi những giọt nước lóng lánh thấm đẫm các mạng nhện ở góc nhà, run rẩy trong gió. Rồi ta nghĩ không biết tại sao ta lại đến cái thế gian này; những viên ngói như có một sức lôi cuốn làm cho yếu đuối khiến ta vô phương chống trả. Ta hơi muốn khóc nhưng ta không còn biết khóc nữa.
Bà đồng nấc một cái. Chắc hồn một vong đã nhập vào bà. Bà không ngừng nấc để tống khứ không khí chứa trong bao tử bà. Bà có nhiều khí cần tống khứ quá đến nỗi ta cũng đến lượt muốn nấc. Nhưng ta không dám và ta ngột ngạt ở trong người. Ta sợ làm cho bà tiêu tan mất tình ý rồi bà lại tưởng tượng ra rằng ta chỉ đến để gây phiền phức cho bà cũng như chế giễu bà. Ta thật sự thành tâm thành ý, cho dù ta không thật tin cái chuyện này. Nấc ngày một gấp, người bà lên những cơn giật nhưng xem vẻ bà không làm ra bộ. Theo ta, các cơn co giật tự phát có thể là hiệu quả của tĩnh tọa khí công. Toàn thân bà bắt đầu run rẩy. Thình lình, bà dựng ngón tay lên trên không cũng tức là về phía ta, nhưng bà vẫn nhắm mắt. Mười ngón tay xòe ra, hai ngón tay trỏ trong đó lại rõ rành rành bổ vào ta. Sau lưng ta là vách ván, ta không thể lùi, ta đành thẳng người lên và không nhìn bạn gái. Nàng chắc chắn tâm thành hơn ta, cho dù nàng chỉ là đi kèm ta. Chiếc ghế dựa mây không ngừng kêu cót két dưới chân bà to béo đung đưa. Bà lầm rầm những lời chú khó hiểu, cái gì đại khái như: “Vương mẫu nương nương, thiên địa chư thần linh, quân thần trong ngôi nhà ống cây túc tùng, bước lên thiên luân, địa luân, yêu ma quỷ quái lũ lũ đánh giết tất cả không phải cấm kỵ”. Bà nói mỗi lúc một nhanh. Đúng là bà phải có một tập luyện đặc biệt. Ta chắc bây giờ bà đã nhập đồng. Bà già ghé gần vào tai ta rồi khẽ tuyên bố với ta:
- Anh, cái vận của anh không tốt, anh phải cẩn thận!
Ta biết Bạch Hổ chỉ người đàn bà cực kỳ quyến rũ mà nếu sa vào lưới của nó thì người ta rất khó gỡ ra. Thật thà, ta tha thiết mong sa vào lưới của Bạch Hổ nhưng ta cũng muốn biết liệu ta có thoát được khỏi cái vận xấu của ta không.
- Không, bà già lắc đầu nói, anh sẽ khó thoát được nguy khốn.
Xem lại ta đúng không phải người may mắn vả chăng cơ hồ chưa từng được mấy cái hòan tòan may. Cái ta mong mỏi không bao giờ được thực hiện, cái ta e sợ thì luôn xảy ra. Trong đời ta, tai họa nối tiếp tai họa, ta không ngừng có những phiền não với đàn bà, nhưng những đe doạ ta nhận được thì lại không nhất thiết đến từ họ. Thật ra ta chưa từng có xung đột lợi hại thật sự nghiêm trọng với bất kỳ ai, ta không biết đã ngáng cản ai chưa, ta chỉ mong rằng không có ai ngáng cản ta mà thôi.
- Hiện nay anh đang gặp tai ách to lớn lắm, bà già nói tiếp, anh bị các tiểu nhân vây quanh rồi.
Ta cũng biết các tiểu nhân này là gì. Trong “Đạo Trang" đã có tả rằng những tiểu nhân mình trần thân trụi gọi là tam thi lúc bình thường sống ký vào thân người ta, nấp trong họng họ, ăn nước rãi của họ, lại chờ lúc người ta ngủ thì mới lên thiên đường báo cáo với Ngọc hoàng thượng đế các tội lỗi của họ.
Bà già còn nói một người ác độc mắt đỏ ngầu đang muốn trừng phạt ta, ta khó lòng thoát được hắn, cho dù có cầu xin và thắp hương đi nữa.
Bà to béo đã trườn tụt xuống đất, lăn người trên sàn nhà. Thảo nào nó sạch đến như thế; lập tức ta nhận thấy các ý nghĩ của ta ô uế nên mới nhận những lời nguyền rủa của bà. Bà cam đoan rằng ít nhất có đến chín vị Bạch Hổ vây quanh ta.
- Tôi còn có thể được cứu thoát không? Ta nhìn và hỏi bà.
Bà khạc ra một vệt bọp mép nhờ nhờ trắng, mắt bà đảo trắng dã, nhiều phần đang tự thôi miên mình, đang bước vào trạng thái hít-tê-ri. Gian phòng không đủ cho bà lăn lộn, người bà va vào chân ta. Ta vội rụt mạnh chân về, đứng lên, mắt nhìn chằm chằm vào cái thân hình béo ú đang ườn ra giẫy giụa trên đất.
Nỗi sợ xâm chiếm ta. Ta không biết đó là sợ về số phận ta hay sợ những lời nguyền của bà. Ta đã chi tiền để đùa chơi với bà, cách này hay cách khác, ta phải bị trừng phạt. Đôi khi các quan hệ giữa con người cũng thật sự gây nên kinh hãi.
Bà đồng không ngừng lầm rầm, ta quay lại bà gìa để hiểu nghĩa những lời bà to béo nói. Bà già chỉ gật gật đầu không giải thích gì hết. Lúc đó ta thấy cái thân hình béo ú, quằn quại vì những cơn co giật đang dần dần uốn cong lưng lại rồi từ từ co quắp ở chân ghế dựa mây, như một con vật bị thương. Thật thà, con người thuộc về cái loài vật mà một khi đã bị thương thì có thể trở nên đặc biệt hung dữ. Cái làm cho con người sợ không phải là con người vật thể mà chính là cơn điên loạn của nó, và khi đã hóa điên rồi thì nó từ dày vò cho đến chết trong điên loạn, đó là điều ta nghĩ lúc này.
Bà thốt ra một tiếng thở dài âm âm quay đảo trong họng bà, một tiếng kêu của thú hoang dại. Mắt nhắm nghiền, bà mò mẫm đứng lên. Bà già hấp tấp lại gần bà để đỡ và giúp bà ngồi vào ghế. Ta tin chắc bà ta vừa lên một cơn hít-tê-ri thật sự.
Cảm giác của bà không sai. Do ta đến tìm một tiêu khiển thì bà chỉ có thể trả thù và nguyền rủa số mệnh ta. Nhưng người bạn gái đi theo ta lại rất lo lắng, nàng thương lượng với bà già để tổ chức một buổi nữa nhằm thắp hương và cầu xin cho ta. Bà già hỏi bà đồng, bà này lầm rầm cái gì, mắt vẫn nhắm nghiền.
- Cô đồng nói một buổi nữa cũng không đủ.
- Tôi phải mua nhiều hương nến nữa phải không? Ta hỏi.
Bạn gái ta bèn hỏi bà già ta phải đưa bao nhiêu tiền. Hai mươi nguyên, bà già nói. Trong thâm tâm, ta tính thấy quá lắm cũng bằng tiền mời một người bạn đi nhà hàng ăn một bữa, không kể rằng đây chỉ là cho mình ta thôi. Bà già tiếp tục bàn với bà đồng rồi nói:
- Anh có làm cũng không tốt đâu.
- Vậy là tôi không thể tránh được cái vận xấu ư?
Bà già lại chuyển câu hỏi. Bà đồng lầm rầm một câu và bà già nói thêm:
- Cái đó còn xem.
Xem cái gì? Xem lòng thành của ta?
Tiếng bồ câu gù lại tiếp tục sau cửa sổ. Ta nghĩ con bồ câu đực nhất định đã nhảy lên người con mái rồi. Một lần nữa ta cũng lại không nhận được câu trả lời.

15
Ở đầu làng, cành lá cây bách đen cháy đi vì sương giá đã ngả sang mầu đỏ thẫm. Đứng dưới cây, tì vào cái thuổng, là một người đàn ông mặt xám, nhợt như thần chết. Mi hỏi hắn ta làng này tên là gì. Hắn nhìn mi, con mắt sắc, không trả lời. Mi quay lại bảo nàng rằng gã này là một tên đào trộm mồ mả. Nàng không thể nhịn được cười, khi hai người đã vượt qua hắn, nàng ghé vào tai mi rằng hắn ta chắc đã bị nhiễm độc thủy ngân rồi. Mi nói hắn đã ở quá lâu trong đường hầm một ngôi mộ mà hắn đang ăn trộm và tên đồng đảng với hắn đã chết. Mình hắn sống sót.
Mi bảo rằng ông hắn cả đời làm cái việc ấy, ông của ông hắn cũng thế. Khi ông cha đã dấn vào cái loại sinh nhai này thì người ta khó mà có được bàn tay sạch sẽ. Nhưng cái này không giống như hút thuốc phiện, hút thuốc phiện cuối cùng là phá tán cơ nghiệp và làm bại hoại gia đình. Những kẻ ăn cướp mồ mả lấy được nhiều lợi lộc lớn lắm mà chẳng cần có vốn liếng đặc biệt gì. Họ chỉ cần táo tợn nhảy vào công việc ấy. Khi người ta đã phạm vào nó một lần, người là liền bập vào nó đời này qua đời khác. Nói với nàng như thế, mi làm cho nàng vui. Nàng cầm lấy tay mi, nàng sẵn sàng đi theo mi khắp nơi.
Mi nói vào thời ông của ông cái gã vừa rồi, Hoàng đế Càn Long có làm một chuyến tuần du. Trong đám quan lại địa phương, ai mà không muốn nịnh Hoàng đế? Trăm phương nghìn kế nếu không là để chọn ra những đàn bà con gái đẹp nhất trong vùng thì là để thu nhặt kho báu của các triều đại đã qua. Bố của ông của ông hắn chỉ có một ít đất cằn làm của thừa kế. Ngày mùa, ông ta trồng trọt còn trong mùa nông nhàn, ông ta đi khắp các xóm làng, thị trấn, đòn gánh trên vai, rao bán các tượng xinh xinh ông ta làm bằng cách nấu vài cân đường trộn lẫn với mọi màu sắc. Ông ta đã kiếm được lãi to nhờ tạo ra những cái còi cho trẻ con và những nhân vật như Trư Bát Giới, con lợn nổi tiếng cõng một cô gái trên lưng. Tên của ông của ông hắn là Lý Tam, Lý thứ ba. Người này cà giỡn quanh năm ngày tháng chẳng có mảy may ý định học cách chế tạo những cái tượng xinh xinh bằng đường mà lại bắt đầu mơ màng cũng được cõng một cô gái ở trên lưng. Khi hắn thấy một người đàn bà, hắn bắt chuyện và mọi người làng gọi hắn là thằng vô tích sự. Một hôm, một người chữa rắn cắn đi đến làng. Mang một ống tre, một que cời bếp lò, một cái móc sắt, một túi vải trên lưng đầy rắn, len lỏi giữa các nấm mộ. Lý Tam, thấy hay hay đã đi theo và thành người giúp việc. Người chữa rắn cắn này cho hắn một hạt đậu chống rắn cắn giống như một cục phân đen, dặn hắn hãy ngậm ở trong mồm. Cái của này, ngọt lừ, chắc làm cho giọng hắn thanh ra. Sau mười lăm ngày Lý đã phát hiện ra sự bịp. Bắt rắn là cái bề ngoài, cướp mồ trộm mả mới là việc thật. Do người nuôi rắn cũng đang cần trợ thủ, Lý Tam bèn bắt đầu sự nghiệp như thế.
Khi Lý trở về làng, hắn đội trên đầu cái mũ vỏ dưa có những múi bằng lụa đen và đỉnh mũ đính một cục ngọc. Dĩ nhiên đây là một cái mũ cũ mua rẻ ở cửa hàng cầm đồ của Trần Rỗ Hoa tại thị trấn Ô Y, là nói cái phố cổ thời chưa bị loạn đảng Thái Bình Thiên Quốc đốt cháy. Hắn nom thật oai vệ, có vẻ “phát phúc” như dân làng nói. Một số người thậm chí còn qua cả ngưỡng cửa nhà hắn để cầu thân với bố hắn. Cuối cùng hắn đã cưới một người góa trẻ, chẳng hiểu là chị ta quyến rũ hắn trước hay hắn tìm chị ta. Dẫu sao người ta nói Lý Tam thường lui tới Hỉ Xuân Đường, nhà mùa xuân vui vẻ với ngọn đèn đỏ treo cửa ở cái phố bên dưới của thị trấn Ô Y, ở đấy hắn chi những nén bạc óng ánh. Dĩ nhiên, hắn không thể nói rằng các nén này ở trong các ngôi mộ một thời gian dài đã bị vôi và thạch tín ăn. May sao hắn đã cọ chúng vào gót giầy rất nhiều.
Ngôi mộ này ở trên một gò đá, cách đồi Lạc Phượng hai dặm về phía đông. Sau cơn mưa thày hắn phát hiện ra một dòng nước chảy thẳng vào một cái lỗ. Càng chọc, dò bằng gậy, cái lỗ càng rộng ra. Từ đầu buổi chiều đến sẩm tối hắn đào, cho tới khi một người có thể lách vào và dĩ nhiên hắn phải vào đầu tiên. Hắn đã bò, bò và thình lình hắn ngất đi. Cuối cùng, lần mò trong bùn, hắn đã thấy nào vò nào bình mà hắn đã thẳng tay đập vỡ. Hắn cũng phát hiện ra một tấm gương đồng mà hắn lấy ra từ các tấm ván một chiếc áo quan mục, mềm như bã đậu phụ. Tấm gương này vẫn còn đen bóng, chưa có một vết gỉ xanh nào; đó là một cái gương lý tưởng cho bọn con gái! "Bảo đảm của Lý Tam đây, hắn nói, nếu tôi nói dối nửa lời, tôi chỉ là con của giống chó!” Không may, thầy hắn lấy tấm gương, chỉ để cho hắn một cái túi bạc. Được lần mạo hiểm này dạy cho, hắn nhận ra rằng hắn có thể tự bay bổng bằng chính đôi cánh hắn.
Mi bèn đi đến miếu thờ tổ tiên họ Lý, Lý thị tông từ ở giữa làng. Trên lanh tô của cái cửa trùng tu, một hòn đá sứt mẻ, khắc những hạc, hươu, tùng, mai. Mi mở cánh cửa lớn hé sẵn. Lập tức một tiếng nói từ đáy thời gian đến hỏi mi: "Anh làm gì?" Mi nói đến xem qua một ít. Một cụ già thấp bé từ trong một gian phòng được hành lang che khuất đi ra. Rõ ràng trông coi miếu thờ tổ tiên cũng là một việc vặt vẻ vang.
“Người lạ không được la cà ở đây”, ông già vừa nói vừa đẩy mi. Mi nói mi cũng họ Lý, mi là con cháu của cái thị tộc này, lang thang từ lâu ở ngoài và nay trở về thăm quê hương bản quán. Ông lão nhíu đôi lông mày bạc trắng, quan sát mi từ đầu đến chân. Mi hỏi ông lão liệu có biết trước đây đã lâu ở làng này có một người ăn trộm các nấm mộ không. Những vết nhăn trên mặt ông lão càng sâu hoắm, một nét khiến cho người ta đau đớn. Hồi tưởng nói chung chẳng bao giờ mà không đau khổ. Mi không biết liệu ông lão đang lục tìm trong ký ức hay cố nhận dạng mi. Dẫu sao mi cảm thấy ngượng nghịu phải tiếp tục nhìn chăm chú vào bộ mặt già nua đang biến dạng này. Ông lão lầm rầm một lúc lâu, không dám tin vào đứa con cháu đi giầy du lịch chứ không phải giầy gai. Cuối cùng ông lão ấp úng nói: “Chưa phải là đã chết ư?” “Nhưng ai chết chứ? Luôn chỉ là người già chết chứ đâu phải con trẻ”.
Khi mi bảo ông lão rằng cháu chắt nhà họ Lý đã làm giàu ở nước ngoài, ông lão há hốc mồm ra, rồi để mi đi qua, cúi xuống chào mi và đưa mi đến trước ban thờ tổ tiên, như một người quản gia già. Ông lão đi những chiếc giầy đen, tay cầm chìa khóa. Ông lão nói đến cái thời từ đường chưa bị biến thành trường học rồi nói ông đã lại làm tiếp tục chức năng của mình vì trường tiểu học đã lại dọn đi.
Ông lão chỉ cho mi một tấm hoành phi nước sơn đã rạn, giống như một di vật khảo cổ nhưng chữ viết theo lối chính quy, khải thư. “Tông sáng tổ ngời”, mấy cái chữ chưa bị mờ đi chút nào. Dưới bài vị là một cái móc sắt,đương nhiền dùng để treo tộc phả, có điều lúc bình thường người ta không đem phô nó ra vì bảo tồn nó là công việc của trưởng họ.
Mi bảo ông lão rằng đó là một cuộn giấy theo chiều dọc, biểu bằng lụa vàng. “Đúng, đúng”, ông nói. Cuộn ấy đã bị đốt trong cải cách ruộng đất và chia ruộng đất, nhưng sau đó người ta đã lén lút làm lại nó và giữ ở trong nhà kho. Vào lúc có phong trào “làm rõ nguồn gốc giai cấp”, người ta đã bật các thanh ván sàn nhà và nó đã bị phát hiện rồi bị đốt một lần nữa. Cái cuộn người ta nắm hiện na đã được ba anh em nhà họ Lý tái tạo theo trí nhớ và được bố của Mao Nhi, ông giáo làng đây phục hồi. Mao Nhi có một đứa con gái lên tám nhưng anh ta còn muốn một đứa con trai. “Không phải là bây giờ sinh đẻ bị kiểm soát sao?” “Không những phải nộp tiền phạt và nếu người ta có một đứa con thứ hai, mà thêm nữa, người ta không cho anh cả hộ khẩu thường trú”. Mi gật đầu nói thêm rằng mi muốn xem cuộn tộc phả kia. “Chắc chắn là anh có ở trong đó, chắc chắn mà, ông lão nhắc lại, tất cả những ai họ Lý trong cái làng này đều nằm ở trong cuốn giấy ấy”. Ông lão cũng nói rằng chỉ có ba họ người ngoài đều là những người đã lấy con gái của họ Lý; nếu không thế thì xin nghỉ đừng có ở trong làng. Những người họ ngoài sẽ cứ mãi là người họ ngoài và nói chung, đàn bà không thể vào được cuộn giấy ấy.
Mi nói rằng mi hiểu cái đó, rằng đại hoàng đế nhà Đường, Lý Thế Dân cũng họ Lý trước khi trở thành hoàng đế, nhưng những người họ Lý làng này không bao giờ lại đi nhận mình là họ của hoàng đế. Tuy thế, nhiều người tổ tiên của họ Lý đã từng là tướng quân hay tư mã chứ không phải chỉ có những người ăn trộm mồ mả thôi đâu.
Ra cửa miếu, mi bị những đứa trẻ vây quanh mi không biết chúng từ đâu đến, ngày một đông. Mi giơ máy ảnh lên, cả bọn bèn chạy. Chúng theo mi khắp noi. Mi bảo chúng là những con sâu dính vào mông nhưng chúng vẫn theo, cười ngô nghê. Chỉ một đứa đứng ra nói máy ảnh của mi không có phim, mi có thể mở ra mà xem. Đó là một thằng con trai bé nhỏ thông minh, thanh mảnh, nhanh như con cắt.
- Này, có cái gì hay để xem ở đây không? Mi hỏi nó.
- Sân khấu.
- Sân khấu nào?
Chúng bèn chạy vào trong một ngõ nhỏ. Mi theo chúng. Ở góc một ngôi nhà, trên một phiến đá cất lên ở đầu ngõ có khắc các chữ: Đáng là đá Thái Sơn. Mi sẽ không bao giờ hiểu nghĩa chính xác của lời ghi này, bây giờ cũng chẳng ai có thể giải thích rõ ràng cho mi. Tóm lại, tất cả các cái đó gắn với các kỷ niệm ấu thơ của mi. Trong cái phố nhỏ trống vắng, chỉ có thể để một người duy nhất gánh thùng nước đi lọt, mi còn nghe thấy tiếng vỗ khô khốc của bàn chân mi trên các tấm đan bằng đá xanh, trên đó các vệt nước khô đi dưới nắng.
Mi ra khỏi phố và thình lình rẽ vào một sân phơi phủ rơm. Trong không khí, phảng phát mùi thơm dìu dịu, ngọt ngào của rơm rạ mới cắt. Ở đầu sân phơi quả nhiên có một sân khấu nhà hát lâu đời làm toàn bằng gỗ. Sân khấu cao ngang thân người. Những bó rơm đã buộc chất đống ở đấy. Bầy khỉ con trèo lên bằng cách leo một cái cột rồi buông xuống sân phơi, xô đẩy nhau trong các bó rơm. Trên cái sân khấu trống tuềnh toàng, bốn cây cột đỡ lấy cái mái rộng bốn góc cong lên. Dưới mái, vài xà ngang trước kia chắc là dùng để treo các cờ hiệu, đây mắc đèn cũng như dây dợ của các màn nhào lộn.
Các xà ngang và dọc đều được sơn nhưng sơn then đã rạn.
Ở đây đã diễn kịch, đã cho rụng những cái đầu, đã hội nghị, đã kỷ niệm các sự kiện lớn. Nhiều người đã quì mọp, cũng có người đã khấu đầu lạy, vào mùa thu hoạch người ta chất rơm rạ vào đây, trẻ con thi nhau leo lên trèo xuống. Trong những đứa họ Lý ngày xưa leo lên tụt xuống đống rơm, một số đã già lão, một số đã chết và người ta không biết rõ nữa những ai có ở trong tộc phả. Cái phả hệ tái dựng theo trí nhớ có khớp đúng với bản gốc không? Cuối cùng cũng chẳng có khác nhau gì to tát giữa người có trong gia phả và người không. Nếu không đi biệt tăm biệt tích thì chắc đã phải làm đất làm cát để sinh nhai, còn lại cho họ chỉ là những đứa trẻ và rơm rạ.
Đối diện sân khấu, một ngôi miếu đã được xây lại trên nền đổ nát của cái cũ, bảnh chọe với các mầu rực rỡ. Trên cổng chính đỏ chói vẽ hai ông hộ pháp, một xanh một đỏ, vung kiếm và rìu, mắt như quả chuông đồng. Trên các bức tường vôi trắng viết mấy chữ bằng bút lông: Miếu Hoa Quang trùng tu nhờ công đức liệt kê trong danh sách đây: Mỗ trăm nguyên, Mỗ trăm hai mươi nguyên, Mỗ trăm hai mươi nhăm nguyên, Mỗ năm mươi nguyên, Mỗ sáu mươi nguyên, Mỗ hai trăm nguyên… rồi cuối cùng lạc khỏan: Do các đại biêủ của người già, người trung niên và thanh niên ở Linh Nham, Hòn đá Hồn công bô.
Mi bước vào. Trong miếu, ở chân pho tượng Hoa Quang đại đế, một dẫy các bà già, tất cả đều móm đang hoặc đứng hoặc quỳ trước hương án thắp nến hương. Hoa Quang đại đế có một khuôn mặt tròn bóng nhoáng, mặt rộng má vuông, đây là hình ảnh cảu hạnh phúc mà các cuộn khói hương đang làm cho thêm từ bi nhân hậu. Trên cái bàn hẹp dài kê ở trước mặt ngài có đặt bút lông, nghiên đá y như trên bàn giấy một viên quan chức dân sự. Trước các bàn lễ vật, trên đó có để giá nến, bát hương, treo một miếng vải đỏ với dòng chữ thêu bằng lụa nhiều mẩu: Hộ quốc, bang dân, giữ nước giúp dân. Trên các chướng rèm, tàn tán, một hoành phi mang dòng chữ đen: Hiển thánh và ở rìa, một hàng chữ nhỏ: Sĩ tử và dân làng Linh Nham, Hòn đá Hồn dâng cúng, người ta không biết cái cổ vật này có chính xác từ bao giờ.
Thế là mi nhận ra nơi này là Linh Nham, Hòn đá Hồn. Vậy nghĩ tất phải có những nơi đến mang tên linh, hồn nữa, nó chứng minh mi đã không lầm khi cất chân tới đây để đi Linh Sơn, Núi Hồn. Mi hỏi các bà già, các bà móm mém trả lời mi với những tiếng huyết gió xi xi xi xi. Chẳng một ai chỉ rõ cho mi được đường đến Linh Sơn.
- Ở cạnh làng này ạ, đúng không?
- Đúng, đúng… phải đấy…
- Có phải không xa làng này không?
- Đúng, đúng, phải đấy…
- Phải rẻ, đúng không?
- Đúng, đúng, phải đấy…
- Hãy còn hai dặm nữa?
- Phải đấy, đúng, đúng…
- Năm dặm à?
- Đúng, đúng, phải đấy…
- Năm hay bảy dặm?
- Năm hay bảy hay bảy hay năm…
Có một cây cầu đá không? Không có cầu đá à? Người ta theo sông đến đó chứ? Hay theo đường? Đi đường thì xa hơn phải không? Đi như thế xa hơn nhưng rõ ràng hơn phải không? Nếu rõ ràng hơn, thì người ta tìm thấy ngay đấy nhỉ? Cái quan trọng là thật tâm ư? Thật tâm thì linh nghiệm, linh nghiệm thì tới Linh Sơn[10]. Linh nghiệm hay không, tất cả dựa hoàn toàn vào may rủi. Những ai hạnh phúc thì không cần đi tìm, đúng không? Người ta có thể đi đế sắt cũng không tìm thấy nó bằng tình cờ lại vồ vào nó đâu! Cái Núi Hồn này chẳng phải là một tảng đá bướng bỉnh sao? Nếu nói như thế không tốt thì phải nói như thế nào? Cái đó tùy hoàn toàn ở mi, mi nhìn nàng như thế nào thì nàng ra thế nấy, mi nghĩ nàng là mỹ nhân thì nàng là mỹ nhân, trong lòng mang cái tà ác thì sẽ chỉ là ma quỷ.
---
[8] Nguyên tác Trung văn viết … “sơn âm đạo thượng”, một cách dùng chữ tinh vi nhiều ngụ ý ở văn tả cảnh này.
[9] Tiền Trung Quốc
[10] Có chơi chữ ở đây. Tiếng Trung Quốc, Linh nham, Hòn núi đá hồn và Linh nghiệm, chính xác, đọc như nhau, lingyan.