CHƯƠNG VI

Chỉ hơn tuần lễ mà quân Pháp càn tới mấy trận. Chạy qua rồi chạy lại, vòng vèo, cuối cùng lại vẫn trở về chỗ cũ. Dân không ai chết nhưng những ngôi nhà nhỏ lấp ló dưới rặng phi lao bên bờ Cửu An bị chúng đốt hết. Nhìn nền đất cũ, nhiều gia đình ngán ngẩm kéo nhau chạy sâu vào phía trong, mãi Lê Hồng, Lang Ngoại… Có nhà kéo nhau đi qua đò Gốc Mít sang tận Thái Bình.
Đã mấy ngày liền, Lân không làm thế nào gặp được Chắt con. Không biết gia đình cô chạy càn về phương nào. Ông cụ sinh ra Chắt có một bà vợ trẻ quê Vĩnh Bảo, không biết nhà có chạy về bên ấy không? Bao câu hỏi cồn lên trong lòng Lân. Chiếc khăn quàng hôm nào Chắt đưa, anh vẫn cất trong đáy tay nải như một báu vật. Trong lòng như có bếp lò đang bốc lửa, Lân trở vào lại trở ra. Thi thoảng anh lại mở chiếc khăn ra ngắm nghía. 
°
°
Chiều! Chân trời rực lên một màu tím nhạt càng khiến không gian thêm thê lương. Từng đợt gió lạnh dạo qua cánh đồng bát ngát, táp xuống mặt sông, ập vào gương mặt đã sạm đen của Lân. Anh lững thững bước. Trong ráng chiều, cỏ may ven đường hung hung thẫm lại. Cánh đồng xa xa sương phủ bàng bạc. Giọt nắng cuối ngày lẫn vào mắt nước. Rặng phi lao vẫn rì rầm kể lể trên đầu. Dưới chân, sóng nước Cửu An ì oạp vỗ. Một con đò của gia đình thuyền chài lờ đờ trôi trên mặt sông. Tiếng mái chèo nghiến vào guốc gỗ cót két nghe thật mệt nhọc. Những âm thanh ấy dồn vào khiến tiếng thở dài bật ra khỏi ngực Lân. Một con cò trắng uể oải bay ngang, đánh rơi xuống mặt sông chùm tiếng hót não nề. Con cò lạc bầy. Hay con cò lạc bạn?
Gió lại nao niết thổi lên từ mặt sông, lạnh dầm dề khiến người ta rùng mình. Giữa bóg chiều, hơi lạnh dễ làm người ta cô đơn hơn khi xa bạn, nhất là xa người yêu. Không biết giờ này Chắt đang ở chỗ nào?
Lân tìm chị Sự, hy vọng chị biết gia đình Chắt đi đâu. Chị Sự cũng lắc đầu. Giặc giã, ly tán. Chân trời, góc bể!
Chiều suộm lại. Lạnh săn da. Giờ thì Lân đã ngấm cái quay quắt bồi hồi.
°
°
Ngay lúc quả moóc chê thứ nhất nổ dưới bờ sông, Chắt con đã vùng dậy, túm bọc quần áo, gọi cha rồi dắt mẹ chạy vào làng Cụ Trì. Chừng một quãng khá xa, quay lại, cô không thấy cha mình đâu nữa. Vốn thông thạo đường qua lối lại khu này, Chắt nảy nhanh trong đầu. Cô sẽ đưa u cô về tránh tạm trong nhà người quen cũ rồi quay lại khu tản cư tìm thầy sau.
Chiều sập xuống rất nhanh. Xếp chỗ tránh giặc an toàn, dặn dò mẹ cẩn thận, với chiếc khăn vuông trùm kín mặt chỉ để lộ đôi mắt, cô quảy quả quay lại con đường mấy sáng trước đã chạy qua. Dọc con đường đất nhỏ nối làng Cụ Trì lên đê, dấu giầy đinh vẫn hằn vết răng chó trên mặt đường. Vạt cỏ bờ đê bị giẫm đạp, dầy xéo xơ xác, rạp cả xuống. Đôi chỗ chắc địch nghi có hầm hố nên chúng chà đi chà lại, khiến đám cỏ nát nhừ, tan tác. Một ý nghĩ thoáng qua đầu Chắt. Quân giặc tàn ác tới mức, cỏ cây cũng không ngóc đầu lên được. Những hố đất đỏ hoét bởi đạn giặc cày xới, đất vật tung toé ngổn ngang. Một con nghé con trúng đạn giữa bụng, ruột gan lòi ra ngoài, ruồi bu đặc kín. Quãng hai đùi sau, quân Pháp đã khoét mang đi, chỉ còn trơ lại hai hố đen hút, lầy nhầy, bắt đầu thâm đen lại. Thịt lẫn da, lông bết lại thành một mớ bùng nhùng.
Mặt trời đã khuất hẳn xuống chân rặng tre chắn sóng ngoài bờ sông. Gió bấc vẫn hun hút thổi, thốc vào mặt Chắt. Lạnh buốt! Nắng chiều ánh tím quện vào dải sương sớm trùm lên cánh đồng ải, đất trắng bạc như vôi bột. Chắt con vẫn tong tả bước. Không biết thầy cô giờ đang ở chỗ nào. Cô quay về nhà ông bà cụ đã cho gia đình cô ở nhờ khi quân Pháp đốt mất gian nhà tạm của thầy u cô ngoài rìa đê trong trận càn trước.
Con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo như ruột gà hiện ra trước mắt. Rặng cúc tần oằn mình trước gió lạnh. Đám tơ hồng nỏ quắt, quăn queo đeo dính vào những cành cúc tần mốc bạc. Chiến tranh, giặc giã, loạn lạc là chuyện thường nhưng Chắt con chưa tưởng tượng được nếu cô không tìm thấy cha mình thì mọi chuyện sẽ ra sao. Vẫn biết ông còn có bà trẻ bên Vĩnh Bảo nhưng thường ngày ông vẫn ở cùng mẹ con cô, mọi sự liệu lo ông đều coi mẹ con cô là trọng. Vốn người hay lam hay làm, lại có nghề trong tay, đến nơi tản cư ông vẫn cậy cục làm cày bừa cho cô đi chợ bán. Lời lãi kiếm được, ông nhờ chủ nhà đong thóc. Tần tảo đến vài vụ, ông cũng đã có trong tay vài chục thúng thóc làm vốn rồi. Nhưng ông lại là người cương tính, không biết trong trận giặc càn vừa rồi ông có mệnh hệ nào không.
Miên man nghĩ, Chắt con vào đến cổng nhà cụ chủ nhà lúc nào không hay. Chỉ khi cành gai tre trước cổng xoà ra đâm vào chiếc nón cô đang đội như chực gỡ nó ra khỏi đầu, Chắt con mới giật mình dừng lại. Đưa tay gỡ cành tre, cô tưởng tim mình rụng xuống khi nghe tiếng thầy cô đang vừa nói vừa như gắt với bà chủ nhà. Chắt nép mình bên giậu cúc tần, lắng nghe. Giọng thầy cô  nghèn nghẹn như người khóc.
- Bà cứ gọi người bán hết giúp tôi. Gạt hết cho họ… Loạn lạc thế này, đến thân còn chẳng giữ được, thóc lúa, của nả mà làm gì…
- Kìa ông - Bà chủ nhà van vỉ - Đành rằng là bán, nhưng ông gạt cho họ như thế thì bằng gạt của còn gì… Ai đời, đận đong vào là năm chục thúng, phơi già, rê sạch… Giờ ông gạt cho người ta thế nào mà chỉ còn chưa đầy bốn nhăm thúng… Chết chết!
- Bà ơi! Ruột gan tôi đang bát nháo hết cả lên đây này… Vợ con tôi còn chưa biết ở đâu, thóc lúa thì dắng thớ gì! 
- Đằng nào thì cũng thế rồi, ông cứ rối lên phỏng ích gì đâu? Ông gạt như đổ cho họ thế, xót ruột lắm!
- Tìm được mẹ con bà ấy thì gạt cho họ thế chứ cho họ hết cũng coi như phúc nhà tôi rồi. Mà thôi, cứ coi như để cho họ mấy phần làm lãi kiếm cơm bà ạ… Thôi, tôi đi đây. Nếu không tìm được mẹ con bà ấy, tôi đành tạm sang bên Vĩnh Bảo với bà trẻ… Giời cao đất dày ơi, cơ đận này không biết còn kéo đến lúc nào. Nếu cháu nó có quay lại tìm tôi, ông bà nói giúp thế nhé! - Rồi ông ngửa mặt nhìn trời. Chiếc tay nải vắt vẻo một bên, vai áo lệch xuống, khuôn miệng như mếu...
- Thầy. Thầy ở đây mà u con cứ khóc đứng khóc ngồi. Thầy đi thế nào mà nhoáng cái đã không thấy thầy đâu. U con cứ vừa chạy vừa gọi ời ời mà bóng thầy ngày một mất dạng.
Nghe tiếng con gái, ông lão hốt hoảng quay nhìn, rồi đứng trơ như phỗng đá giữa sân chùa. Lật mu bàn tay giụi giụi cặp mắt cặp kèm bắt đầu chuyển sang màu trắng đục, ông rên rỉ như người hụt hơi: 
- Ối giời ơi! Lạy giời lậy phật! Mày đây rồi con ơi! Thế u mày đâu? Bà ấy đâu rồi? U con mày đi phương nào mà để tao lật đật mò mẫm mãi?
- U con đang bên Cụ Trì rồi. Con về tìm thầy. May phúc quá.
Ông lão quay vội vào nhà, tay vẫy vẫy như khi đang bào bắp cày, miệng  cười như mếu mà nét mặt rạng ngời:
- Ông bà ơi! Con bé cháu nó về đây rồi. Phúc đức cho tôi quá… Tôi tìm được u con bà ấy đây rồi. Thôi, tôi sang bên kia xem u con bà ấy ra sao đã… Ông bà mừng cho cha con tôi nhé.
°
°
Lân thẫn thờ đi dọc triền đê. Thế là gần một tháng rồi. Vừa bám cơ sở hoạt động, vừa bươn chải kiếm sống. Nhà trú tạm ven đê đã bị Tây đốt mất, mấy mẹ con dựng tạm túp lều dưới hai gốc cây phi lao to làm chỗ trú thân. Lân lại cùng ông chú ruột toòng teng đôi sọt, đòn gánh trên vai, lúc đón đò dọc mua nâu quẩy ra các chợ quanh vùng bán, khi đi mua giấy vụn đổ cho những người làm nghề. Có ngày hai chú cháu lần hồi đến mãi bến đò Gốc Mít bên Thái Bình mua giấy. Quẩn quanh, người làng anh đã gặp nhiều nhưng tịnh không ai biết tin gì về gia đình Chắt con. Trái tim anh lúc cồn lên, khi thắt lại. Giá có một chút tin, dù cho đó có là tin gì đi nữa cũng còn đành đoạn. Đắng đót còn biết đường mò kim. Đằng này, cứ biệt vô âm tín, biền biệt mãi…  Chị Sự, chị Xoan cũng lắc đầu, bần thần. Nhìn Lân hồn vía đôi nẻo đi về, hai chị nhìn nhau, lắc đầu.
Nắng vẫn cồn cào giữa những cơn gió bấc. Cái gió khô hanh dường như làm nắng gầy gò, vàng vọt hơn. Bàn chân vô định dẫn Lân xuống bờ sông. Đám  cỏ may còn sót lại vật vờ quấn lấy ống chân anh như trêu, như ghẹo. Lân buông mình, quăng người đánh phịch xuống một gốc phi lao xù xì ven bờ nước.
Dòng sông vẫn thao thiết chảy. Dòng nước cuốn những thân bèo, những rều, những rác thành mảng, quấn, níu chặt lại, dìm chúng chìm nghỉm rồi bất ngờ tung lên đẩy cả đám trôi xuôi. Gió sà xuống mặt sông, cuộn nước thành vô vàn lọn sóng, quất liên hồi vào đám thân bèo rồi lại tản ra, thẫn thờ trôi dài trên mặt nước mênh mang. Chiếc thuyền nan nhỏ nhoi, cô độc, hai mái chèo hờ hững buông bên mạn, vẽ đôi đường nước vô hồn giữa dòng sông đang rợn ngợp triều cường. Nước ánh màu đỏ sậm, cuồn cuộn, cồn cào. Lân thẫn thờ. Có khi nào sông ngừng chảy?
Mặt trời chìm dần, chìm dần xuống chân sóng. Những đợt gió liên hồi cuốn nắng cuối ngày, tãi xuống mặt sông thứ ánh sáng mờ ảo nối ngày vào đêm. Một con cuốc lạc đàn ngoài rìa sông cất tiếng gọi bạn. Cuốc, cuốc, cuốc… Không có tiếng đáp lại. Nó miệt mài hơn. Tiếng kêu nghe khắc khoải như bật ra từ trái tim nhỏ nhoi của nó. Cuốc… Cuốc… Cuốc… Bỗng như nắm tro, nó tung mình lên. Cái bóng đen sẫm, nhỏ nhoi vươn như cố cất mình. Hình như có tiếng cuốc đáp lời. Mơ hồ, xa vắng lắm. Đúng rồi. Tiếng cuốc như mừng, như tủi, như giận như hờn khi tìm được nhau. Chỉ có Lân. Vẫn một mình! Anh lại lững thững bước lên triền đê lộng gió. Nền nhà cũ của Chắt con đây rồi. Những cây cột cháy dở đổ gục bên gốc phi lao sần sùi như gương mặt người mắc bệnh phong hủi. Đất nền ngấm tro than, đen sì. Tất cả vẫn hiển hiện trước mắt Lân.
Gió vẫn thao thiết thổi, vẫn vô tâm bỡn cợt cuộn những đợt hơi nước táp vào người. Lân rùng mình. Nền nhà trước mắt như chao đảo. Tim anh bật lên tên người con gái anh yêu. Lặng câm. Chỉ có gió vô tình và sông vẫn cuồn cuộn chảy cuốn theo cả tiếng gọi câm nín không thể cất thành lời của Lân. Lọt thỏm trong không gian tĩnh lặng cuối ngày. Câm lặng. Hư vô. Không có tiếng trả lời. Mắt Lân cay xè. Chút hơi nóng mơ hồ thoáng qua bờ mi anh. Trên mặt sông, những vũng sóng chập chờn, lan toả. Hoàng hôn sẫm bầm như khi đất trời chuyển mùa giông gió.
°
°
Ba ngày cuốc bộ, cuối cùng gia đình Chắt vượt đò Gốc Mít sang đất Thái Bình. Gia đình nhà chủ cho nhà cô ở nhờ xem ra cũng có bát ăn bát để. Nhà chỉ có hai người con trai chưa lập gia đình và một cô con gái. Họ có năm mẫu ruộng, một con trâu, nhà gỗ bức bàn năm gian, sân gạch… xem ra cơ ngũ lắm. Loạn lạc, giặc giã tứ thời, có được cơ ngơi này cũng là ước mơ của rất nhiều người.
Gia đình cụ Coi - ông sinh ra Chắt con được ở nhờ hai gian nhà ngang. Hàng ngày, ngoài việc đi chợ bán cày, bừa, Chắt cũng phụ giúp gia đình nhà chủ việc đồng áng. Nước da trắng hồng, gương mặt bầu bĩnh, cô vô tâm chẳng biết người con trai cả của chủ nhà để ý mình.
Chiếc nia tròn vạnh xoáy đều trong tay. Những hạt trấu văng ra ngoài nhịp nhàng theo nhịp sàng sẩy của Chắt. Gạo đã xay xong. Nhân lúc trời chưa tối hẳn, cô bưng mẻ trấu ra sau nhà sẩy lại. Mải lúi húi, Chắt con không biết có người đến sau lưng mình. Chỉ khi người ấy hắng giọng, cô mới giật nảy người, cuống cuồng quay lại. Gương mặt vuông vức tiến lại gần. Anh ta đưa tay nắm lấy cổ tay Chắt:
- Cô! Tôi thấy cô cũng là người hay lam, hay làm… Anh ta ngập ngừng - Gia đình tôi lại neo người… Tôi có nhời…
Chẳng đợi nghe hết lời, Chắt vùng ra giật tay lại. Cô nhìn anh chàng trừng trừng:
- Anh Chư! Nhà anh…
- Cô cứ cho tôi được thưa hết… Nhà tôi neo người. Cơ ngũ, cửa nhà thì cô biết rồi đấy. Nếu cô ưng bụng, chúng tôi sẽ có nhời với hai cụ, xin cô ở lại đây, không về bên ấy nữa…
Từ ngày biết nghĩ đến giờ, chưa có người đàn ông nào chạm được vào tới chéo khăn của Chắt con chứ đừng nói đến cầm tay. Ngay chuyện cô và Lân thương nhau, mới chỉ trong lòng chứ ngoài mặt tịnh vẫn chưa nói nhời nào. Mấy lần họp thanh niên, phụ nữ cứu quốc cũng chỉ mới là ngồi bên. Vậy mà… Cái nhà anh Chư này táo tợn quá. Nhưng mình đang ở nhờ người ta, sỗ sàng, dứt khoát quá cũng không hợp. Ưng thì không đời nào rồi. Ruột gan cô còn đang rối bời, không biết mọi chuyện ở làng ở xóm, chẳng biết Lân ra sao kia… Lòng Chắt ngổn ngang.
Chư vẫn đứng, có ý chờ câu trả lời của cô. Thấy để anh ta đứng mãi ngoài này không tiện, nhỡ ai vô tình nhìn thấy lại khó ăn khó nói, Chắt con nhỏ nhẹ:
- Gia đình các bác trong này có lòng, tôi cũng cảm ơn. Nhưng để tôi còn phải về trong quê hỏi ý kiến ông chú bà bác, ông cậu bà dì xem sao đã rồi mới giả nhời bác được…
- Ầy, ông bà thân sinh ra cô ở đây cả rồi, chỉ cần các cụ đồng ý, chứ cần gì phải có ông cậu bà bác làm gì…
- Ấy không, tập tục ở quê tôi là phải thế. Duyên phận là việc cả đời, mình thầy u tôi quyết sao được. Xin các bác thông cảm…
Thấy Chắt con cương quyết, Chư ngập ngừng, chần chừ, mãi mới bước lên nhà. Chắt vội vàng thu dọn nia, thúng chạy vào chỗ thầy u cô đang ở.
°
°
Những dải mây mù trắng như sữa đục vẫn quấn chặt chân rặng tre ngoài bìa làng. Bóng đêm nhợt nhạt. Trời dần tỏ mặt người. Trên con đê cao hướng ra đò Gốc Mít, một người con gái đang cắm cúi bước, vẻ bần thần, mệt mỏi. Người ấy là Chắt con.
Sau chuyện Chư ngỏ lời tối qua, cả đêm cô không sao ngủ được. Tiếng gà  gáy cầm canh như đếm bước thời gian mà cô vẫn thấy đêm đằng đẵng đứng lại như bị níu buộc. Chờ gà báo canh tư, cô bật dậy, vớ cái nón, tong tả bước ra đường. Đẻ cô gọi với theo, cô chỉ kịp nói vọng vào: Con nhảo ra đây một lúc.
Con đường vẫn vời vợi dưới chân. Bao người đang qua lại trên đường kia, sao không thấy gương mặt nào quen thuộc. Sao không gặp một ai người làng cả? Chắt con hoang mang. Hay nhà cô chạy giặc đi xa quá? Nước mắt tự nhiên giàn  xuống bờ mi. Vừa bực mình, vừa tủi thân… Cô  vừa bước vừa tức tưởi.
Con đò bập bềnh bên kia sông. Chắt con ngồi xuống mô đất ven bờ, đợi đò. Nhất định sang bên kia, thế nào cô cũng hỏi được tin tức của Lân. Mắt cô bỗng sáng lên khi thoáng thấy một gương mặt quen quen trong tốp công an  đang gác tại cái quán nhỏ, ngay đầu bến. Giời ạ. Anh Lê, người làng Chằm, làm công an huyện! Đã gặp mấy lần khi đi họp nên Chắt biết mặt người này. Trong ngôi quán nhỏ, Lê vẫn im lặng. Anh đang chăm chú nhìn theo con thuyền nhỏ giữa sông. 
- Anh Lê ơi! Anh Lê!
Lê giật mình quay lại. Thấy có người vừa vẫy nón, vừa rối rít gọi mình, thoáng sững người, rồi anh nhoẻn miệng cười.
- Ối giời! Ồn quá, nghe loáng thoáng tên mình, cứ tưởng ai gọi, hoá ra cô. Thế nhà tản cư mãi bên này kia à? Lê hồ hởi khi nhận ra Chắt.
- Thầy em đi xa quá. Em chẳng biết đường nào mà lần. Suốt từ hôm sang đây đến nay, chẳng gặp được ai người làng. Anh có gặp ai không?
- Cũng chẳng gặp được ai… Tứ tán phương hồi biết đâu mà lần.
Đang háo hức đón câu trả lời, Chắt bỗng như người hụt hơi khi thấy anh Lê nói thế. Bỗng Lê ngập ngừng, đôi mày anh nhăn lại:
- À, hôm rồi có gặp cậu cháu anh Lân ngang đây…
- Họ qua đây làm gì hả anh? Chắt con quýnh quáng.
- Cậu cháu nhà ấy đi mua giấy cũ, giấy vụn… Nhìn cũng vất lắm.
- Họ qua đây lâu chưa anh?
- Cũng mới. Đâu như hôm kia, hôm kìa gì đấy… Nghe đâu vẫn tản cư bên làng Bùi… Chả biết bao giờ mới hết cảnh này… Anh Lê thở dài. Hơi thở như bị ép đã lâu ngày bung ra từ khuôn ngực gầy của người đàn ông lam lũ. Dường như trời đang ngày một hửng lên. Ít ra, người cô đang trông ngóng, cô đã mong manh tìm thấy.
Con đò cập bờ. Mũi đò chúi đầu, sạt vào mô đất bên sông. Người lái buông chèo, cầm cây sào dài, khom người ghì giữ cho đò khỏi trôi ra. Người lũ lượt xuống bến. Mấy bà, mấy chị tay giữ cho quang khỏi chòng chành, tay níu mê nón đang úp trên đầu. Họ không hề quen biết nhưng nhìn họ, Chắt con thấy thật gần gũi. Nhất định ngày hôm nay, cô sẽ tìm thấy người ấy.
Chắt con bước xuống. Cô ngồi ghé xuống be đò. Người lái chèo kéo đoạn dây chão, neo con đò vào gốc tre đực cắm chốt trên bến, xua tay, cười:
- Các ông, các bà chờ tôi ăn điếu thuốc lào nhá. Gớm, quai chèo từ tờ mờ đất đến giờ. Chậc, chậc…Rã cả cánh!
Con đò dập dềnh theo nhịp sóng đẩy, ì oạp vỗ vào mạn. Gió mơn man trên vai, lọt qua múi khăn, luồn vào cổ Chắt con nhột nhạt. Dòng nước trôi loang loáng dưới mạn đò. Mái dầm nghiến vào guốc chèo kẽo kẹt, khoả nước lóc bóc. Gió vẫn không ngừng thổi. Vợ bác lái đò choãi chân thang, vươn người về phía trước. Con đò lừ đừ trôi, chậm chạp như không cần cập bờ, mặc cho những người ngồi đò sốt ruột. Chắt con chưa bao giờ thấy thời gian trôi chậm như lúc này. Cô cảm giác, dường như dòng sông ngày một rộng rênh. Dường như bờ bên kia cứ một ngày một thêm xa hút. Vớ mái chèo đơn vứt dưới lòng thuyền, Chắt con vươn người chèo đỡ. Chị lái đò nhìn cô qua chiếc khăn vuông kín mít, chỉ còn hở lại đôi mắt, ánh nhìn đầy thiện cảm.
Mãi rồi con đò cũng cập bến. Những người ngồi cùng chuyến với cô thảnh thơi lên bờ. Họ chẳng có vẻ gì vội vã. Mặt trời chênh chếch trên cao. Có lẽ chỉ khoảng vừa tan buổi chợ. Chắt con hối hả bước lên. Bước chân cô như ríu lại. Khỉ thật! Lúc vội nhất lại là lúc người ta dễ vấp ngã nhất. Cô dừng lại. Dõi mắt nhìn ra xa. Những đám mây luống cày lật đất ải nằm rải khắp lưng chừng trời. Hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, cô điềm tĩnh bước theo hướng anh Lê vừa chỉ. Chẳng biết anh Lê có nhận ra cái sốt ruột, vội vã của cô khi nghe nhắc đến cậu cháu Lân hay không nhỉ? Kệ! Đằng nào rồi cũng biết mà thôi.
Cắm cúi bước, đoạn đường dằng dặc dần lùi lại phía sau. 
° 
°
Con đường trải đá gập ghềnh. Thi thoảng một chiếc xe thổ mộ lộc cộc chạy qua, mùi mồ hôi ngựa bốc lên khét lẹt. Những con ngựa gằm đầu kéo xe, bờm rũ xuống che hết cả mắt, thở phì phò nặng nhọc theo nhịp guốc móng gõ lọc cọc trên mặt đường đá gập ghềnh. Đôi ba quầng bụi quẩn theo nhịp bánh  lăn, bốc cao như màu sương trắng, tan ra hoà vào khối u u trước mắt. Nắng đã chiếu chênh chếch sau gáy Chắt. Cô vẫn cắm cúi bước.
Ngã ba! Ba ngả đường xoè như ba nét gấp. Cây gạo xù xì trầm ngâm bên vệ cỏ. Ngã ba làng Bùi! Chạy theo con đường trước mặt sẽ xuống bến đò. Rẽ theo tay phải sẽ vào làng Lê, còn nếu theo tay trái sẽ đến đất làng Bùi. Chắt đứng im, cô đưa mắt nhìn ba ngả đường gập ghềnh trước mặt. Mặt trời sầm sập đổ xuống rất nhanh. Bóng cây gạo vươn dài, trùm lên bóng cô nhỏ thó phía bên trong như vòng tay người mẹ ấp đứa con nhỏ. Chợt thấy lạnh vô cùng. Lòng Chắt nôn nao. Không biết giờ này Lân đang ở nơi nào?
Dợm chân. Đi thẳng hay rẽ? Băn khoăn. Rồi Chắt cất bước rẽ vào làng Bùi. Được vài trăm mét, cô quay ngoắt lại. Sau này, chính cô cũng không lí giải được vì sao khi đó cô lại quyết thế. Chỉ biết, cô quay lại rất nhanh. Vòng lại ngã ba có gốc gạo già, cô hướng thẳng theo đường xuống đò rồi rẽ lên đê Nại Trì. Bước chân cô dứt khoát. Mặt trời vẫn chầm chậm chìm dần kéo những gốc phi lao cỗi cằn, gồ ghề, sứt sẹo đổ nghiêng trên vạt cỏ bờ đê. Gió từ phía sông Cửu An hắt lên tán lá phi lao, quật bên này, xô bên kia, khiến bóng cây đổ dài trên triền đê cũng nghiêng ngửa, chập chờn nhảy múa. Niềm hy vọng mơ hồ làm tim Chắt nghẹn lại. Hy vọng. Rồi thất vọng. Vẫn chỉ có mình cô trên con đê thăm thẳm. Tất cả sao mong manh như chiếc lá phi lao khô vừa rời tán. Nó như cây kim nhỏ thon dài, xoay xoay trong trận gió đổ hồi trước khi lao mình xuống, lẫn vào đám lá cũ như vô vàn chiếc kim nâu bạc bên vệ cỏ ven đê.
Cả con đường đê hun hút, dằng dặc giữa đôi bờ phi lao trầm mặc. Mắt Chắt vọng sâu, vô hồi tìm kiếm. Chợt tim cô như nảy lên, bật tung khỏi lồng ngực. Một bóng người. Không! Hai bóng người. Một cao gầy, một đậm đà, tầm thước. Không rõ mặt. Không thể biết đích xác là ai nhưng có gì thật gần gũi. Không! Nhất định cô không nhầm. Bóng người đàn ông và người đàn bà. Chắt con đi như chạy. Dường như phía cuối đường kia, hai người cũng đã nhận ra cô. Họ lao tới.
- Giời ạ - Chị Sự... Giờ thì Chắt đã nhận ra rõ ràng chị Sự. Cái bóng cao gầy ấy chính là chị Sự. Nhìn cô, chị cười mà nước mắt rịn ra tràn mí, giọng nghẹn lại:
- Mày biến đi đâu lâu thế hả con khỉ? Chị Sự túm lấy hai vai cô, lắc liên hồi.
- Thầy em đưa cả nhà chạy tít sang Thái Bình rồi cứ ở diệt bên ấy, em không làm thế nào mà về bên này được. Mà cũng lạ, ở bên ấy, em không gặp được ai cả... May mà sáng nay em đánh liều xuống đò Gốc Mít, gặp được anh Lê công an huyện. Về đây cũng là mò mẫm thôi, chỉ sợ không gặp được ai. Lúc ấy, có khi em phải mò về tận quê mình...
- Về đấy để ngoẻo à? Pháp nó đóng trong làng dầy như bọ chó ấy... Mà này, thấy ai kia không? Héo hon vì tương tư  rồi đấy... Chị Sự chỉ tay sang người đàn ông bên cạnh. Lòng Chắt chợt xót xa. Mới chỉ vài ngày mà anh se sắt đến thế này ư? Gương mặt sạm lại. Gò má nhô ra... Đôi mắt anh như xoáy, thôi miên vào Chắt...
- Sao sang bên ấy mà chả nhắn lại nhời nào... Lân ngập ngừng.
- Thì cũng có biết ông cụ lại chạy xa thế đâu. Với lại cũng có gặp được ai quen đâu mà nhắn... Thế anh với cả nhà vẫn ở trong...
- Không. U tôi tản cư tít trong Lê Hồng rồi... Có mình tôi ra ngoài này thôi. Ra để... Biết đâu thêm tin tức gì sẽ đỡ sốt ruột...
- Này - Chị Sự cắt ngang - Thôi, về tất chỗ nhà tao đang trọ, cơm nước đã rồi chuyện sau... Hai người cứ làm như không có tôi ở đây không bằng... Rồi chị ôm ngang thắt lưng Chắt - Tội cô là to lắm. Làm người ta hết cả hồn vía. Giờ về rồi thì làm lễ gọi cho hồn chú ấy về. Tôi chả thấy có nước đời nhà ai, ngoài miệng thì một mực “không có gì đâu” mà cứ chiều đến lại mò ra nền cũ nhà cô mà ngóng. Còn hơn cả... Ngưu Lang ngóng Chức Nữ kia, giời ạ...
Lân tủm tỉm cười. Còn Chắt ngượng ngùng giấu khuôn mặt ửng đỏ vào vai chị Sự. Bên kia, mắt Lân vẫn tìm cô, đắm đuối. Không cần quay sang, cô vẫn thấy điều ấy. Niềm hạnh phúc khó gọi thành tên cứ âm ỉ ngân rung trong lòng cô. Giá bây giờ có thể hát. Nhưng họ không hát, họ nhìn nhau. Ánh mắt trao nhiều hơn tất cả những gì họ có thể nói được lúc này.
Chị Sự vẫn ôm ngang thắt lưng Chắt, bước về phía làng. Lân cắm cúi đi sau hai chị em. Không biết chị Sự ghé vào tai Chắt nói điều gì, chỉ thấy chị em họ rúc rích cười suốt đường về. Chân Lân như bay trên mặt đường, nhẹ bỗng. Bao lo lắng, buồn phiền bỗng như theo dòng chảy của con sông Cửu An trôi mãi ra biển. Có lẽ, niềm vui, hạnh phúc trong đời cũng chỉ nên so sánh với cung bậc này chăng? Thanh âm trong lòng anh ngân rung. Người yêu anh đã trở về. Trong đời, ngọt ngào và lo lắng hình như chỉ cách nhau gang tấc. Con đường trước mặt Lân như rộng thêm ra. Biến đi cả những hố trâu lồi lõm bởi đạn giặc cày xéo.
Ráng chiều không sẫm màu tím thẫm hiu hắt như mọi ngày mà bỗng rực lên một màu lam chói loà. Hạnh phúc! Ngày mai họ lại trở về quê hương!