CHƯƠNG II

Con đường làng lát đá xanh mát rượi bám vào gan bàn chân như bàn tay mềm, ráp, buồn buồn xoa theo từng nhịp bước. Những viên đá đã từng in dấu chân bao người trở nên láng bóng, trôi qua đôi chân của chàng thanh niên làng Bung vạm vỡ. Gió thu dìu dịu len vào cánh áo mỏng. Trời cao vút, không một gợn mây. Cái lễnh loãng, vô định của màn trời cuối hạ đầu thu sao càng dễ gợi thê lương đến lạ. Trong làng, ngoài đồng, cảnh hoang vắng, tàn tạ của vùng vừa thoát ra khỏi trận đói vẫn chưa ấm lại.
Chiếc nơm nhỏ vắt vẻo trên vai, Lân lững thững men theo con đường nhỏ, ra cánh đồng Vãng. Những chuyện liên tiếp xảy ra vài ngày gần đây quanh cái làng Bung nhỏ bé của anh, khiến Lân trăn trở rất nhiều. Anh chưa biết Việt Minh là gì, chưa biết ai tham gia vào đó nhưng việc họ bí mật ra những bản án đanh thép kết tội nhiều tên ác bá từng gây đau khổ với dân làng khiến Lân và bao người nghèo khổ như anh ở làng Bung khấp khởi trong lòng. Có lẽ, Việt Minh là tổ chức hội kín gì đó mà trước đây cha anh đã có lần nói tới. Chuyện mấy hôm trước, nghị Ngợi bị Việt Minh bí mật bắn chết tại phố Cuối lại hiện về trong đầu Lân. Bước chân anh chậm lại.
°
Đang lúi húi cuốc lại mảnh vườn, Lân nghe bà con í ới kháo nhau ngoài ngõ:
- Ra mà xem, ối giời, chết mà mắt vẫn mở trừng trừng...
- Ác lắm vào, chết là đáng kiếp...
Tiếng được tiếng mất, chẳng hiểu đầu cuối ra sao, Lân vứt cuốc chạy theo đoàn người đang cuồn cuộn đổ về phố Cuối. Lách đám đông, cố nhô đầu vào, Lân thấy nghị Ngợi nằm ngửa, đầu nghẹo về một bên, đôi mắt vẫn ti hí như hé nhìn. Trên ngực, vệt máu loang ra đã bắt đầu khô, ruồi nhặng vo ve lượn xung quanh. Không biết Việt Minh bí mật có mắt mũi thế nào mà tội hắn gây cho dân, họ biết cả. Trước khi bị bắn chết, Nghị Ngợi “được” Việt Minh tuyên án. Bằng chứng là mảnh giấy kể tội ác Nghị Ngợi đã gây ra, gài trên ngực áo ngay bên vệt máu long lổ chảy ra từ vết đạn cầy. Bà con chỉ trỏ, bàn tán xôn xao.
- Thần tình thật đấy. Không biết họ ra làm sao mà tường tận đường tơ, kẽ tóc thế chứ…
- Cứ phải thế, những thằng khác mới chờn… Không á, chúng còn tưởng chúng là ông giời, muốn làm gì thì làm sao…
Một vài ánh mắt len lén nhìn rồi cụp vội xuống. Tiếng một người đàn ông nói nhỏ nhưng rất hào sảng:
- "Bà con biết không, bên trời Tây kia, phát xít Đức đã đầu hàng quân đồng minh. Ở Đông Dương, bọn Nhật lùn cũng đang giẫy chết. Đội quan Quan Đông của chúng đã bị Liên Xô đánh cho tan tác. Trên đất Nhật, Mỹ đã ném xuống hai quả bom nguyên tử làm san phẳng hai thành phố lớn... Nhật Hoàng đã tuyên bố đầu hàng. Tội ác tày trời quân Nhật gây ra với dân ta đang bị trừng phạt... Bà con hãy chuẩn bị... Chúng ta phải đứng lên để cứu lấy mình...".
Gió vẫn rì rầm, mơn man. Câu nói của người đàn ông hôm ấy cứ văng vẳng bên tai... Bước thấp, bước cao, Lân không còn chú ý những vạt cỏ may ven đường đang chín dần, bắt đầu ngả màu xám bạc. Chúng ngả ngốn quấn vào chân anh như kéo lại.
Rạch đám cây cỏ trước mặt thành một khoảnh, ném nhúm cám rang đã trộn kỹ xuống khoảng nước trống, Lân ngồi bệt xuống bờ cỏ, chống nơm chờ. Anh hy vọng hôm nay sẽ kiếm được kha khá cá mang về cho mẹ. Cánh đồng Vãng vốn ngập úng quanh năm. Những loại cá đồng như rô, giếc, trê, chuối cũng còn sẵn. Đám bong bóng tăm cá tròn vo theo bọt nước sủi bắt đầu nổi lên. Đôi mắt Lân chăm chú vào vũng nước vừa thả thính. Bỗng bên tai anh nghe âm âm. Tiếng gì ầm ì xa lắm. Nửa như tiếng thì thùng của trống, nửa như tiếng sấm mưa nguồn. Thanh âm vẳng lại, ngày một rõ dần. Rõ ràng là tiếng trống, cả tiếng người. Bỏ mặc tăm cá, Lân quăng nơm, quăng giỏ, hối hả lội vào bờ.
Từ phía cầu Gỗ, đoàn người rồng rắn kéo ra. Cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, cuốc, thuổng, gậy gộc. "Đả đảo phát xít Nhật"; "Ủng hộ mặt trận Việt Minh"; "Việt Nam độc lập muôn năm"... Tiếng hô, tiếng thét của đoàn người áo rách cùng những thứ vũ khí thô sơ họ đang lăm lăm trong tay có sức mạnh ghê gớm! Mây trên đầu như vỡ bung ra. Mặt trời bỗng lách mây, xoà những tia nắng thu vàng rực chiếu lấp loá xuống đoàn biểu tình. Những lá cờ được gió, bay phần phật. Đoàn biểu tình đi đến đâu, dân từ các làng hai bên đường ào theo, nhập thành dòng, đông như trẩy hội. Kệ quần đùi, áo cộc mong manh, Lân ùa theo dòng người.
Mãi sau này, anh mới biết mình đã tham gia đoàn quân khởi nghĩa kéo ra từ làng Dôi, do thầy giáo Tuệ dẫn đầu đi giành chính quyền tại huyện Gia Lộc. Khí thế tưng bừng của ngày khởi nghĩa khiến Lân quên đi tất cả, chỉ còn niềm vui khi tìm thấy con đường mới cho mình - con đường sẽ đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình và bao người cùng khổ như Lân.
Đoàn biểu tình hừng hực tiến vào cổng huyện. Cả huyện đường vắng tanh. Huyện Kiểm đã bỏ trốn mất tăm. Loanh quanh trong sân chỉ còn mấy tên lính lệ, mắt dáo dác, run như dẻ cùi gặp bão. Vừa thấy đoàn người hùng dũng tiến vào, họ đã vội vàng giao vũ khí, đầu hàng.
Chính quyền về tay nhân dân! Tiếng cười, tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu vang trời. Nhiều người, cười mà nước mắt chảy. Họ khóc vì mừng vui, vì từ nay thực sự đổi đời, vì những khổ đau họ đã đè lên vai họ bao năm, nay lùi vào dĩ vãng... Và còn vô vàn lí do chính đáng khiến họ cười mà nước mắt vẫn tuôn.
Nắng tháng tám khiến gương mặt người thêm rạng rỡ. Cái nắng vàng lịm của da bưởi vào thu xua đi không khí hoang lạnh bao ngày. Cả huyện Gia Lộc mênh mông và cái Bung nhỏ bé, thân thuộc của Lân.
Sau buổi sáng nhập vào đoàn người biểu tình giành chính quyền ở huyện, Lân cuốn mình vào dòng chảy hừng hực của biển cách mạng. Trong đoàn biểu tình dự mít tinh mừng ngày Quốc khánh 2.9 tại vườn hoa Bảo Đại (trước cửa nhà Bưu điện tỉnh), mít tinh chào mừng ra mắt Uỷ ban hành chính lâm thời của tỉnh Hải Dương, mọi người đều thấy Lân hăng hái tham gia, hoà mình vào dòng thác cách mạng.

*

Chính quyền vừa thành công, giặc đói, giặc dốt hoành hành cùng quân cướp nước. Khó khăn vây bủa tứ bề. Thù trong giặc ngoài đe doạ. Vận mệnh dân tộc ngàn cân treo sợi tóc. Như bao người nhiệt tình, yêu nước khác, Lân tham gia vào Đoàn thanh niên cứu quốc, hoạt động trong Ban tuyên truyền xã bộ Việt Minh xã Hội Xuyên do đồng chí Văn Hồi làm chủ nhiệm xã bộ, thành lập tại đình làng Đức Phong đầu năm một chín bốn sáu. Gian khó đang chờ phía trước, nhưng Lân thấy rất vui.

*

°
Nằm giữa cánh đồng, trên địa phận quán Múc nên ngôi chùa nhỏ nhắn ấy có cái tên Nôm đáng yêu là chùa Múc. Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng trong câu ca cổ “Sư ông chùa Quyến, sư bà chùa So, ông Tư Do chùa Múc” dân quanh vùng vẫn truyền tụng, khép mình giữa cánh đồng rộng mênh mông, xa dân, vây kín bởi những tán cây cổ thụ rậm um tùm càng tôn vẻ thâm u huyền bí nơi Phật ngự. Không mấy ai biết, cửa Phật cõi Thiền ấy lại chính là nơi ủ lửa, là chốn đi về của những người con cách mạng huyện Gia Lộc. Ngôi chùa nhỏ, những hàng cột lim lâu ngày lên nước bóng loáng đỡ những bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng. Những tấm bình phong, đầu xà, vỉ kèo chạm trổ tinh vi bởi những người thợ khéo tay. Trong vườn chùa, dưới tán cổ thụ, ngay trước cửa tam quan, sư cụ cho trồng mấy gốc đại. Vào mùa, hoa rụng trắng chiều, hương hoa quyện với lư trầm càng khiến không gian chùa nức nở. Những pho tượng Phật hiền từ, thâm nghiêm. Đêm buông, khu vườn đẫm sương, hương thuốc nam phảng phất càng khiến ngôi chùa dịu dàng lan toả cái tĩnh lặng của mình. Trong tiếng chuông vô định mỗi chiều điểm vào thinh không, tiếng mõ trầm tư khắc vào đêm tối, giọng tụng đều đều vọng ra sau mỗi cữ kinh sớm, kinh chiều. Khung cảnh ấy, mấy ai tin, chùa Múc nhỏ bé giữa đồng không mông quạnh kia lại chính là nơi đi về của những con người đang hiến thân cho sự nghiệp cách mạng. Và, sau dáng vẻ cam chịu, lầm lũi dưới màu áo nâu sồng, mấy ai thấu cho nỗi lòng sư cụ cùng chú tiểu đang ngày ngày giữ lửa. Mỗi sớm, mỗi chiều, những bóng người thoáng ẩn, thoáng hiện sau tán cây thâm u nơi cửa thiền là đốm lửa niềm tin và hy vọng của những người dân đói khổ, cơ hàn.
Trời chuyển về chiều. Những tia nắng cuối cùng của ngày khuất dần. Rặng tre trước mặt như tấm áo khoác khổng lồ ôm ấp, che chở cho làng. Lân và một số thành viên trong ban tuyên truyền xã bộ Việt Minh xã Hội Xuyên đang men theo con đường từ làng Bung sang làng Nội. Tối nay, Ban tuyên truyền xã bộ cùng đội tự vệ chiến đấu có cuộc họp quan trọng. Không biết vị lãnh đạo về dự cuộc họp lần này là ai, nhưng Lân thấy tâm trạng thật phấn chấn. Gần một năm tham gia hoạt động trong Ban tuyên truyền xã bộ Việt Minh và đội tự vệ chiến đấu, Lân khao khát được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chiều nay, lúc cùng đội tự vệ tập quân sự, Lân và các đồng chí được liên lạc thông báo về dự họp.
Ánh đèn dầu lạc leo lét trong hậu cung chùa Múc khiến gương mặt những người dự họp chập chờn. Bóng người khi sáng khi tối, nhập nhoà trên vách lẫn trong tiếng nói chuyện rì rầm. Từ Tam Bảo, tiếng sư cụ tụng kinh vẫn đều đều vẳng ra. Thi thoảng một tiếng chuông điểm như âm cầm canh, lọt thỏm vào không trung. Ngoài tam quan, chú tiểu vẫn cặm cụi se chiếc chổi lúa, đôi mắt hướng ra khoảng không, nơi bóng tối đang sánh lại như bưng lấy mắt.
Tiếng kinh chìm dần. Sư cụ bước ra. Mùi bồ kết toả ra từ tấm áo nâu sồng sư cụ đang mặc phảng phất không gian. Góc vườn chùa có cây bồ kết già, tốt um tùm, vào mùa chi chít quả. Sư cụ vẫn sai tiểu đồng kèo về, sấy khô trên giàn bếp để giặt quần áo dần. Thoáng thấy bóng thầy, chú tiểu ngẩng lên. Chạm ánh mắt sư cụ, chú bước ra ngoài cổng chùa, nép bên cánh gỗ, nghiêng nghiêng nhìn tứ phía.
Một người đàn ông bước vào. Vóc dáng dong dỏngcủa ông khiến những người đang ngồi chờ họp à lên. Không cần giới thiệu, đều là người trong vùng cả, họ nhanh chóng nhận ra đồng chí Bùi Quang Thông - Bí thư liên xã. Đồng chí là người khá nổi tiếng bởi vốn là người đi nhiều biết rộng. Với những người đã tham gia vào tổ chức bí mật, cái tên Bùi Quang Thông mang lại cho họ niềm tin khá vững chắc. Ông là người cùng cha Lân tham gia tổ chức và phát triển phong trào Phật giáo yêu nước sớm nhất của tỉnh Hải Dương đặt trụ sở tại chùa Giỗ, thôn Phương Điếm (Về bề bậc ông là em con dì ruột của cha Lân), bàn chân ông đã từng đặt lên bậc tam cấp chùa Quán Sứ - Hà Nội, từng giữ vai thư ký báo Đuốc Tuệ của hội Phật giáo xứ Bắc kỳ. Những tiếng xì xầm bật ra:
- Bí thư chi bộ liên xã Hội Xuyên đấy!
Ông Thông cười. Nụ cười của người bí thư chi bộ Đảng đầu tiên liên xã Hội Xuyên lấp loá trong ánh đèn dầu lạc. Tháo chiếc tay nải đặt xuống mép bàn gỗ, đôi tay đan lại, tiếng ông nhỏ, trầm nhưng vang. Ông nói về tình hình thế giới, về những khó khăn trước mắt và lâu dài của cách mạng nước ta, về kết quả cuộc tổng tuyển cử trên cả nước, về các thành viên của Quốc hội khoá I nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, về việc tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân để chuẩn bị đối phó với âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa của Thực dân Pháp… Với công việc trước mắt của liên xã Hội Xuyên, cùng anh em xây dựng lịch tập quân sự của đội tự vệ chiến đấu, lên kế hoạch tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân, kế hoạch canh gác phòng gian, bảo mật... Riêng phần tập quân sự của đội tự vệ với các đội viên nòng cốt: Nguyễn Đình Lân, Bùi Quang Sào, Nguyễn Thị Tỉnh, Nguyễn Công Đà... do Nguyễn Đình Khai huấn luyện...
Đêm về khuya càng tĩnh mịch, giọng trầm ấm của ông lan trong không gian, quyện trong hương bồ kết, hoa đại ngoài vườn chùa bén vào. Lân cùng các đồng chí nghe chăm chú. Chặng đường gập ghềnh chông gai với bao công việc phía trước hiện dần. Chính đồng chí Bùi Quang Thông đã giới thiệu Lân đi học lớp cảm tình của Việt Minh bí mật. Nhất định Lân sẽ không phụ lòng tin của ông - người đồng chí, bậc cha chú đáng kính.
Tiếng mõ cầm canh điểm nhịp một. Đêm dần về sáng. Cuộc họp dừng. Mọi người lục tục ra về. Lân thấy lòng rưng rưng. Sương đêm rụng từ tán xoan xuống tàu chuối lộp độp. Không vui sao được khi tại cuộc họp đêm nay, Lân chính thức có tên trong danh sách đi học lớp Việt Minh bí mật của huyện cùng các đồng chí Nguyễn Công Tường, Bùi Quang Sào, Nguyễn Thị Tỉnh... Lớp học tổ chức tại chính ngôi chùa Múc này...
Lân chợt nhớ đến cha. Nếu cha còn sống, biết tin này, chắc ông giáo vui lắm. Hình ảnh khuôn mặt cha tươi rói khi kể cho các con nghe về cuộc đấu tranh của thợ thuyền, người buôn bán nhỏ... để đòi quyền sống những năm trước đó lại hiện về. Nhưng còn mẹ? Người phụ nữ tảo tần chỉ biết thương chồng, lo cho con, không biết mẹ có bằng lòng? Tham gia vào tổ chức Việt Minh bí mật đồng nghĩa chấp nhận đi vào con đường chông gai, lắm nhọc nhằn, nhiều thử thách, có thể hi sinh cả tính mạng, Lân sợ mẹ lo. Anh lại là con trai lớn trong nhà, cha mất sớm, bao hy vọng mẹ đặt cả vào Lân... Nói thế nào để mẹ bớt lo... Nói thế nào để hàng đêm, nếu nghe tiếng súng, tim mẹ không nghẹn lại?... Lân vẫn bước đều, bao lo toan cồn lên nhưng anh tin, với bản chất của bà giáo làng mực thước, yêu nước, mẹ sẽ hiểu, chấp nhận con đường anh đang dấn thân. Và chắc chắn mẹ sẽ là chỗ dựa vững vàng cho anh trên chặng đường đầy chông gai sắp tới cũng như trước đây đã từng là điểm tựa cho cha khi ông tham gia hội kín cùng những người bạn đồng chí hướng.

*

°
Đội tự vệ chiến đấu tập quân sự tại bãi đất trống sau đình. Ngôi đình làng cách đây vài trăm năm, cụ Đình Tân - tổ phái của Lân sau khi từ quan về ẩn cư đã cùng một số cụ trong làng lên tận Tuyên Quang mua hàng trăm cây gỗ lim to vòng mấy người ôm về dựng. Hàng cột gỗ sau bao năm lên nước nâu bóng soi gương như chứng tích một thời.
Ngoài Lân, Đà, Tỉnh còn có khoảng gần hai chục nam nữ thanh niên của các thôn Đại Liêu, Đức Phong... Họ chia thành các nhóm, tập chém mã tấu, ném lựu đạn, bắn súng, đánh giặc bằng gậy gộc, dao, kiếm, mác búp đa, xây dựng trận địa mai phục... Ngoài các bài yếu lĩnh cơ bản, họ tập thêm đội hình, đội ngũ, cách nguỵ trang giữ bí mật khi chuẩn bị trận địa... Tiếng gậy va nhau lốp cốp. Mấy anh em tập đánh gần đang xáp lại, cánh tay vươn ra, thở hì hụi. Đám cỏ gà, cỏ chỉ bị chân người quần thảo ẹp xuống, nát ra, chuyển màu vàng úa. Thi thoảng, đám bụi mỏng tung lên khi bàn chân miết xuống nền sân, quẩn thành quầng trước khi tung lên cao, tan loãng vào khoảng không trước mặt.
Trên đầu, mây vẫn thảnh thơi bay.
Không khí thật hồ hởi. Tranh thủ lúc giải lao, Tưởng ngồi dạng chân, hí húi lau khẩu súng trường báng dài của Nhật đến bóng loáng. Tỉnh lệt xệt kéo khẩu mút cơtong đến bên cạnh, hích vai Tưởng, chỉ ra phía Lân. Nhìn ra chỗ Lân đang lúi húi ôn lại cách nguỵ trang khi đào hầm bí mật, Tưởng toét miệng cười. Từ phía sau, Đà bước tới, áo cánh nâu vắt lệch một bên vai, vỗ bộp vào vai Lân, cười giòn tan:
- Xong chưa? Tuần sau đi học rồi. Thế là chú mày thành nòng cốt của Việt Minh bí mật!
- Vâng! Em đang cố đây. Không thầy đố mày làm nên. Mình phải học để biết chứ. Cứ tự mầy mò thế này, chẳng khác nào người đi trong đêm tối mà không có đèn.
- Cố đi chú mày. Chiều nay đi đánh dậm ở con ngòi làng Chằm Tó, tao nghe người ta nói nhiều về quân Pháp lắm. Nó chắc chẳng chịu yên đâu. Nó quay lại hất cẳng thằng Nhật rồi. Không chóng thì chầy nó cũng quay lại đây thôi. Mẹ cái thằng giặc Pháp, khi Nhật lùn đến thì co vòi mất hút, nay núp gấu váy quân đồng minh thì lại ra vẻ vênh vang. Bố khỉ cái thằng Anh cũng đểu, mang tiếng đồng minh đồng mố mà bẩn, rõ là bản chất của bè lũ đế quốc, thực dân. Anh em mình phải chuẩn bị để nện cho nó tối tăm mặt mũi vào...
- Em học khoảng dăm bảy ngày thôi anh ạ... Nào, tiếp tục... Lân kéo Đà chạy ra bãi đất trống cùng mọi người. Tiếng đội trưởng oang oang:
- Mọi người chú ý. Tới đây công việc ngập cổ. Đội mình phải tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình của bà con, vừa để thêm lực lượng nhưng chủ yếu là để bảo vệ vòng ngoài. Tối tối, phải tổ chức canh gác phòng gian bảo mật và chuẩn bị kháng chiến lâu dài đối phó với bọn Pháp khi chúng quay lại xâm lược nước ta.
- Báo cáo đội trưởng, phải chuẩn bị kháng chiến thế nào? Chẳng lẽ chỉ với mấy khẩu mútcơtong, vài khẩu súng trường, dăm ba quả lựu đạn cùng mã tấu, gậy gộc à?
- Ta sẽ từng bước chuẩn bị, vũ khí rồi sẽ có...
- Vũ khí có được bằng cách nào?
- Trước mắt mình tự tạo vũ khí, chiến đấu bằng những gì sẵn có trong tay. Sau đó sẽ kiếm vũ khí từ chính quân Nhật, quân Pháp chứ... Lấy súng giặc bắn vào đầu giặc cơ mà. Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị về chính trị. Đấu tranh trên mặt trận chính trị quan trọng chả kém gì đánh đấm với chúng nó đâu... Mà các cậu không nghe rõ bí thư liên xã giảng à, không vũ khí gì thay thế được sức mạnh lòng dân, có dân ta có tất. Điều này rất cần tới những người trong Ban Tuyên truyền xã bộ đấy.

*

°
Lớp học cảm tình Đảng của huyện Gia Lộc do Việt Minh bí mật tổ chức tại chùa Múc. Đồng ruộng ba bề bốn bên mênh mang. Khu nhà giải vũ nằm khuất sau một tán cây lớn. Hàng cột lim kê chân bằng những phiến đá xanh tròn nhẵn, xung quanh được chạm khắc tinh xảo hình đài sen vững chãi. Chỉ thị của Đảng trong thời điểm hiện tại, đường lối, sách lược trong cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của dân tộc ta trong thời gian sắp tới… Tất cả được Lân và đồng đội anh háo hức đón nhận. Gương mặt người cán bộ giảng bài dẫu đã được giấu kín trong tấm khăn đen nhưng giọng nói ấm áp, truyền cảm vẫn gieo vào lòng Lân niềm tin tất thắng vào tương tai tươi sáng của cách mạng. Không một ai trong lớp học nói ra, nhưng mỗi người đều hiểu, công cuộc kháng chiến còn đầy chông gai và gian khổ. Qua những cuộc mít tinh, biểu tình của bà con buôn bán nhỏ tại chợ Cuối, những người nông dân khốn cùng trong các xã Gia Lộc hàng ngày diễn ra trên mảnh đất này cũng khiến các anh nhận ra. Không khí cách mạng hừng hực khắp nơi. Không chỉ có tự vệ chiến đấu, mà thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, cả các cụ phụ lão, các em thiếu nhi cũng hồ hởi tham gia công cuộc cách mạng này. Cả làng Bung nhỏ bé của Lân đã như lò lửa khổng lồ. Lò lửa ấy được hun đúc từ khổ đau của người dân khi đã thấm thía nỗi nhục của người dân mất nước. Lò lửa ấy là nỗi cơ cực từ những tháng ngày vật lộn qua cơn đói khủng khiếp tháng ba năm trước, là bao tủi hờn chất chứa khi chính tay mình phải nhổ bật gốc những khóm lúa mỡ màng đang thì con gái trước đôi mắt hả hê của đám lính Nhật, từ bao xót xa đau trước cái chết oan ức của bao người. Và cái lò lửa ấy đang chờ dịp ụp xuống đầu quân xâm lược khi chúng dám một lần nữa trở lại mảnh đất này.
Những thông tin chiến sự từ khắp nơi bay về càng làm sức mạnh và nỗi hờn căm của người dân nơi này như sức nóng ủ kỹ trong nắm rơm con cúi, chỉ cần hơi thổi khẽ đã bùng lửa. Khắp hang cùng ngõ hẻm, người dân dừng gánh hàng ngoài cổng chợ để nghe nội dung hiệp định sơ bộ mồng sáu tháng ba Hồ Chủ tịch đã ký nhằm hoà hoãn với thực dân Pháp. Người ta chống cuốc, ngừng giục trâu, bật lên tiếng chửi khi ai đó kể sự ngông cuồng của quân Pháp khi chúng nổ súng chiếm Lạng Sơn, ngang nhiên cướp bóc ngay trên đường phố Hà Nội. Đám đông tụ lại nghe tin chiến sự ở đầu làng, đầu phố Giỗ mỗi lúc một đông. Có người đang vác cày trên vai, nghe chuyện bọn Pháp gây hấn, ngang nhiên đánh giết dân lành tại phố hàng Bún đã nghiến răng quăng chiếc cày xuống đất. Nỗi căm hận bật thành tiếng tiếng chửi:
- Mẹ nó. Đánh chết cha nó đi chứ sao lại nhún để chúng hoành hành thế được. Hoà hoãn vừa ký, chửa ráo mực nó đã giở mặt như thế, không có nhẽ mình cứ nhịn mặc nó ngang dọc thế sao? Không việc gì phải nhũn nhặn, tử tế với lũ chó ấy, cứ choảng bỏ mẹ nó đi. Có cái gì choảng bằng cái ấy… Giờ nó lại còn đòi giải tán chính phủ, giải tán tự vệ chiến đấu, giao quyền kiểm soát thủ đô… Giao, giao cái con bòi ông đây này. Đánh chết cha nó đi.
- Phải đấy. Đánh! Đánh cho tới nơi tới chốn đi chứ. Đánh cho nó hết đường về nhận họ… Giết hết bảy đời cha ba đời ông cái giống ăn cướp ấy chứ hoà là hoà thế nào? Hoà hiệp với quân chó cùn cắn giậu ấy sao được… Nhất định là không!
Khổ cho cái cày chìa vôi. Đang đâu bị quăng xuống đường, láng đi một đằng, vai văng một nẻo. Đám người đang đứng ồ lên tán thưởng, đồng tình với người nông dân nọ. Những cánh tay vung lên. Giá lúc này, tên Pháp nào vô phúc có mặt ở đó, có lẽ sẽ không giữ được dẻ xương nào nguyên lành.
Mong ước của người dân làng Bung và người dân nước Việt được đáp lời. Đêm 19 -12-1946, tiếng kèn xung trận của người Việt Nam cất tiếng, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch đã điểm. Người dân làng Bung, huyện Gia Lộc nói chung xung trận.
Mười ngày cuối tháng mười hai năm bốn sáu, trên đường 17, từng đoàn người không kể trẻ già, trai gái, đêm ngày tiêu thổ kháng chiến, chặn bước tiến của quân xâm lược. Tiếng cuốc, tiếng choòng bổ xuống mặt đường chát chúa. Hờn căm dồn xuống đôi tay, bổ từng nhát chắc nịch. Con đường lở loét dần. Những rãnh hào lắt léo chữ chi, cắt mặt đường thành nhiều hình thù quái dị. Nhiều ụ đất, con chạch dài hàng vài kilômét nằm chềnh ềnh, án ngữ. Đây đó, ở vài đoạn, dân còn lấy bùn ao trộn với rơm rạ đắp thành đống trên đường, ngăn xe địch. Từ đoàn người đang phá đường, ai đó hò mọt tiếng:
- Ai biết hò hò đi. Hò cho đỡ mệt mà làm chứ..
Chẳng phải đợi lâu, một giọng nữ cao vút cất lên:
“Nhà em con bế con bồng/ Em vẫn theo chồng đi phá đường quan/ Đường đi lắt léo chữ chi/ Hố ngang, hố dọc chữ i, chữ tờ”.
Tức thì, giọng nam trầm tich nghịch tung trở lại:
“Cô kia đào đất một mình/ Cho anh đào với chung tình làm đôi/ Cô còn đào nữa hay thôi/ Cho anh đào với làm đôi vợ chồng”.
Tiếng rúc rích to dần:
- Đối trả đi. Câu nào hóc một tí…
- “Em là con gái kẻ mơ/ Em đi đào đất tình cờ gặp anh/ Làm trai đừng vướng quang chành/ Anh đào, em đắp, ta giành đánh Tây”
- Con nào đối khá đấy. Đúng là gái làng mình. Tiếng trầm trồ khen ngợi lao xao. Không thấy đám nam lên giọng nữa. Cô nàng vừa đối chờ mãi không thấy bên nam đáp lời, cất giọng bâng quơ:
“Thằng Tây chớ cậy xác dài. Chúng tao người nhỏ nhưng dai hơn mày/ Thằng Tây chớ cậy béo quay/ Mày thức ba buổi là mày bở hơi/ Chúng tao thức bốn đêm rồi/ Ăn cháo ba bữa chạy mười chín cây/ Bây giờ tao gặp mày đây/ Sức tao vẫn đủ bắt mày hàng tao”.
Tiếng cười lại lan ra. Ai đó vóng vót:
- Bắt nó hàng làm quái gì. Tốn cơm nuôi ăn. Cứ là “bọp” một phát cho rảnh tay.
- Đúng đấy. Nhiều nơi đánh ác lắm rồi. Quân ta quấy nhiễu suốt ngày đêm. Lũ chúng nó sống được trên đất mình cũng toi mả cha thằng bá họ.

*

°
Chiến tranh ngày một lan rộng. Chính quyền cùng nhân dân ra sức củng cố lực lượng, chuẩn bị kháng chiến. Gia Lộc lúc này là nơi tiếp giáp và trực tiếp chịu sự uy hiếp của quân địch đã phát triển lực lượng tự vệ tới tận thôn, xã. Đội tự vệ làng Đức Phong hoạt động mạnh. Không chỉ luyện tập, công tác phá hoại cản địch tiến quân cũng được đội tự vệ thực hiện triệt để với sự giúp sức của dân.
Để dân hiểu và ủng hộ các chính sách của Đảng, Ban thông tin tuyên truyền xã bộ Việt Minh được thành lập. Quyết định này là sự nhìn nhận thấu đáo vai trò của công tác tuyên truyền, sức mạnh của mặt trận đấu tranh không tiếng súng. Để hoàn thành nhiệm vụ lớn lao ấy, Ban thông tin tuyên truyền liên xã tập hợp những người phải có trình độ văn hoá nhất định, có khả năng vận động, thuyết phục. Lân được giao chịu trách nhiệm chính trong Ban thông tin tuyên truyền này. Sát cánh bên các đồng chí như Thịnh, Thoại, Bạ, Tỳ… cùng chiếc loa tay tự tạo, Lân đã đưa nhiều chủ trương, chính sách đến với người dân, giúp dân ổn định tư tưởng, giữ vững niềm tin theo Đảng.