CHƯƠNG XVI

Chính trường Bắc Bộ lúc này khá phức tạp. Kế hoạch bình định đồng bằng Bắc Bộ trong thời gian ngắn bị sa lầy, địch không những không tiêu diệt được lực lượng chủ lực của ta, không phá được khu du kích của ta, không chiếm đóng được thêm những vị trí mới mà còn bị quân ta đánh tiêu hao, diệt nhiều sinh lực. Thất bại, chính phủ Pháp triệu hồi Đờ tát xi nhi về nước và đưa tướng Xa lăng sang nắm chính trường Đông Dương. Sau bảy năm tiến hành chiến tranh Đông Dương, đây là lần thứ 7 chính phủ Pháp phải thay thế viên tổng tư lệnh tại chiến trường này. Để thực hiện âm  mưu mới trên chính trường, Xa lăng cho lập hệ thống đồn bốt boongke kiên cố, tập trung bình định đồng bằng Bắc Bộ. Muốn thực hiện được âm mưu này, hắn chỉ đạo triệt để thực hiện chiếc dịch tách dân ra khỏi lực lượng vũ trang của ta. Địch ra sức khủng bố nhân dân. Chúng tập trung dồn dân đuổi làng ra khỏi mảnh đất họ vẫn sinh sống. Sau đó sẽ chiêu hồi lại, lập làng mới có hệ thống hàng rào bằng dây thép gai,  lập tổ chức hương dũng phản động kiểm soát, bảo vệ, nhất định gạn lọc không cho cán bộ cách mạng lọt vào trong dân. Mô hình này chúng đã thực hiện thành công tại khu tả ngạn sông Hồn trên địa bàn xã Vân Đình – ứng Hoà - Hà Đông. Chúng gọi mô hình ấy là Đại xã Vân Đình.
Đứng trước việc địch cho gọi hương chủ, hương quản của Đức Đại lên độc lệnh đuổi làng, trung ương và  khu uỷ tả ngạn nhận định: Việc địch đọc lệnh đuổi dân Đức Đại không nằm ngoài âm mưu bình định của Xa lăng. Nếu đuổi dân Đức Đại thành công, nhất định chúng sẽ áp dụng mô hình Đại xã Vân Đình tại nơi này. Vì vậy trung ương và khu uỷ chỉ thị: Bằng mọi giá phải đấu tranh giữ cho được để thôn Đức Đại không phải dời làng đi nơi khác.
Thực hiện chủ trương của khu uỷ, tỉnh uỷ Hải Dương, huyện uỷ Gia Lộc chỉ đạo phải tìm mọi biện pháp đấu tranh có lí có tình với địch, nhất quyết không để địch đuổi dân Đức Đại đi nơi khác. Muốn giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, phải tập hợp sức mạnh của tất cả quần chúng nhân dân.
 
°
°
Chi uỷ xã Nghĩa Hưng họp mở rộng đến một số đảng viên, các hội quần chúng để bàn cách đối phó lại với kế hoạch dồn dân đuổi làng Đức Đại của đồn Phương Điếm. Cuộc họp có sự tham dự của đồng chí Bùi Quang Thu, Bí thư huyện uỷ Gia Lộc. ông cũng là người con của làng Bung nên khá am tường địa bàn  này.
Tất cả câu chuyện trong lần gặp gỡ với đại diện bọn sếp đồn được hai ông hương chủ, hương quản của làng trình bày lại. Các thành viên trong cuộc họp chăm chú. Họ nghe và thấy cái gay gắt, cái khó khăn của cuộc đấu tranh này ngấm vào gan ruột mình. Chắc chắn chúng không nói chơi. Chắc chắn chúng sẽ thực hiện bằng được kế hoạch đã vạch ra. Những gương mặt đảng viên, quần chúng dự họp đều thấy hết khó khăn trong cuộc đấu tranh  này. Đồng chí Bùi Quang Thu, bí thư huyện uỷ cho ý kiến. Tiếng ông trầm trầm:
- Các đồng chí đều đã biết. Vậy là mặc cho hương chủ, hương quản đã dùng mọi lí lẽ, mềm dẻo khất lần, nhưng tôi tin chắc bọn đồn Phương Điếm không bao giờ chấp nhận cho dân Đức Đại ở lại. Vậy chúng ta sẽ phải chuẩn bị thật lỹ lưỡng để tiến hành cuộc đấu tranh này. Tỉnh uỷ Hải Dương cũng đã nắm kỹ và cho chỉ thị về cuộc chiến đấu này. Chúng ta cũng cần nhận thức rõ: Đây không phải là cuộc đấu tranh của riêng nhân dân Đức Đại, của một xã Nghĩa Hưng mà đây là cuộc đấu tranh đại diện cho nhân dân cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, của cả nước với kế hoạch mới của một bộ máy cai trị cực kỳ thâm độc. Dồn dân, đuổi làng để chúng dễ bề kiểm soát khống chế, kìm kẹp. Dồn dân đuổi làng để chúg lập nên những phòng tuyến trắng, cách li nhân dân, cô lập lực lượng  kháng chiến. Cuộc dồn dân, đuổi làng Đức Đại là thí điểm đầ tiên Pháp thực hiện tại Hải Dương. Đây chính là một trong những âm mưu nhằm bình định đồng bằng của địch. Sau khi dồn được dân, nhất định chúng sẽ cho rào làng, tổ chức dân vệ canh gác. Khi đó đến người dân ra vào cũng phải theo giờ giấc và chịu giám sát chặt chẽ của chúng chứ không nói gì đến bộ  đội, du kích hay cán bộ  nằm vùng của chúng ta. Từ nhận thức đó, nhất định chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, không để chúng thực hiện được âm mưu này, có nghĩa là chúng ta không bó tay để mặc chúng hoành hành dồn dân đuổi làng Đức Đại. Để xây dựng kế hoạch cụ thể, đề nghị các đồng chí cơ sở cho ý kiến…
Rất nhiều ý kiến được đưa ra. Phần lớn đều nhất trí đấu tranh đến cùng, chống địch dồn dân đuổi làng. Ngồi trong cuộc họp, ruột gan Lân nóng như có trăm ngàn ngọn đuốc đang cháy rần rật bên trong. Cuộc họp đang theo xu hướng thuận, bỗng một thân hình cao lớn đứng lên.
- Thưa các đồng chí – Tuyển cất tiếng. Cái giọng lúc nào cũng như đang sôi ùng ục của ông không lẫn vào đâu được, dù đã cố nói rất nhỏ – Có một vấn đề tôi thiết nghĩ cần nêu ra cho các đồng chí nắm được. Ngay sau khi bọn quan đồn gọi hương chủ, hương quản làng lên đọc lệnh đuổi dân Đức Đại, trong dân đã có những ý kiến trái ngược nhau. Phần đông bà con tin theo đảng nhưng có một bộ phận không nhỏ đang lợi dụng tình hình này tuyên truyền lôi kéo, dụ dỗ dân đi ngược đường lối…
- Đề nghị đồng chí Tuyển nêu cụ thể…
- Vâng, chắc cùng là người làng, các đồng chí không lạ gì tên Nhang…
Lân lướt nhanh trong đầu. Anh cũng không lạ gì nhân vật này. Hắn là Nhang. Vốn trước gia đình hắn thuộc hạng máu mặt trong làng, dây mơ rễ má với đám cường hào theo chân nghị Chắt. Tiếng Tuyển vẫn gay gắt:
- Hôm trước, gặp tôi cùng đi đánh dậm, hắn đã cợt nhả - “Tôi chỉ là một người dân trong thôn… việc dân làng mình theo kháng chiến chúng tôi cũng đã đồng tâm, nhất trí. Nhưng bây giờ, đến nước này rồi, liệu cả làng mình có chống lại được lính đồn không? Họ có máy bay, tàu bò, có súng to, đạn nhiều… Chẳng nhìn đâu xa, chỉ coi mấy trận càn gần đây thôi, nếu dân làng chống lại lính đồn, liệu họ có để cho dân mình yên. Lúc họ càn làng, dồn dân, nếu họ bắn giết dân mình, hãm hiếp đàn bà, con gái, lúc đó du kích, bộ đội, cán bộ nằm vùng có thấy bố nào xuất hiện đâu? Vì vậy, ai chống cứ chống, chứ tôi là tôi không thể mạo hiểm được. Như dân làng Giỗ đấy, chống lại họ liệu có chống nổi không? Trứng chọi với đá, chọi gì nổi mà chọi… Nên…”
- Nghe thế, tôi cũng đã điên ruột. Tôi vằn mắt với hắn: Nên cái gì mà nên với chả nền. Đã chống là chống, giờ lại còn bày trò phá ngang là sao? Đừng có theo gót đám tàn quân, bám váy đàn bà thế… Đứa nào thích dồn, thích dọn thì cứ dọn vào đồn mà ở hẳn với đám bán nước cầu vinh kia đi…
- Sao không phang cái mõ dậm vào mặt nó cho tan cái mặt quân phá bĩnh ấy đi – Tuỳ xã đội trưởng nghe  Tuyển nói đến đấy, đứng bật dậy… Ông thật là, phải cái loại ấy mà còn bình tĩnh tuyên truyền với nó… vác mõ dậm phang bỏ mẹ nó đi chứ…
- Đồng chí Tuỳ cứ bình tĩnh… Bí thư huyện uỷ ngắt lời – Chúng ta đang họp bàn, chúng tôi cũng muốn nghe cho thấu ý kiến của nhiều người… quyền lợi cá nhân cũng dễ khiến người ta băn khoăn lắm chứ… đề nghị, đồng chí Tuyển cứ trình bày hết những gì đã nghe được trong dân. Chúng ta cần nắm được để có kế sách kịp thời…
- Nó có chửi thẳng tôi đâu mà tôi phang. Với lại, anh em mình toàn hoạt động bí mật, không lẽ tôi xưng danh với nó tôi là đội trưởng du kích để rồi lấy cớ phang nó à? Ông nói ngang bỏ mẹ… Ông Tuyển vùng vằng với anh Tuỳ.
-  Đề nghị các đồng chí không được nóng. Đồng chí Tuyển cứ trình bày hết giọng điệu của tên Nhang xem nào?
- Vâng, nó cứ ráo hoảnh: “Chúng tôi không có ý chống lại chủ trương, chính sách của đảng. Nhưng chọi lại với lính đồn là một điều chúng ta không làm được. Du kích cũng có đánh vài trận đấy, nhưng có chăng chỉ làm sứt vẩy sầy da chúng nó chứ có to tát gì. Còn chúng thì sao? Chúng giết dân không ghê tay. Muốn bắt ai là bắt, giết ai là mặc sức… Không bàn tính kỹ càng, chỉ dân chúng tôi thiệt… Các ông xã đội du kích chỉ giỏi hô hào, đom đóm sáng đằng đít…”. Đấy, trong dân cũng còn tồn tại những luồng suy nghĩ ấy đấy.
- Thôi được rồi… Bí thư huyện uỷ ngắt lời – Việc trả lời ý kiến của anh Nhang, huyện uỷ giao cho đồng chí Trần Phù có trách  nhiệm.  
- Vậy chúng ta thống nhất quan điểm: Nhất định một tấc không đi, một li không dời. Đấy là phương châm mà cán bộ đảng viên trong chi bộ nhất là trong tổ đảng Đức Đại cần nắm vững để chỉ đạo phong trào. Đối với nhân dân, cần triệt để thực hiện phương châm: “Không đi khỏi nơi quê cha đất tổ” – Bí thư huyện uỷ nhấn mạnh. Chúng ta cần tập hợp sức mạnh của toàn dân. Đặc biệt cần làm tốt công tác địch vận, lôi kéo anh em binh lính người Việt trong bốt Phương Điếm không làm ngơ trước cuộc đấu tranh này của dân Đức Đại. Đồng chí Lân, Trưởng ban địch vận, kiêm chính trị viên xã đội phó có ý kiến gì trong kế hoạch này không?
- Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của huyện uỷ – Lân nói chậm, giọng khúc triết - Chúng tôi đã nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh này trong phong trào chung của cả huyện, cả tỉnh. Ngoài một số người chưa thật tin tưởng, còn lại phần lớn nhân dân Đức Đại đều đồng tình với đường lối của đảng. Riêng với số anh em binh lính người Việt trong bốt Phương Điếm, chúng tôi đã tiến hành nhiều buổi địch vận, ít nhất anh em cũng sẽ lảng không mạnh tay càn quét dân như trước, thậm chí nếu có bị đẩy sang cũng chỉ là đi có có lệ…
- Đồng chí chỉ đạo binh vận được vậy tốt rồi. Cần nhất trong thời điểm hiện tại là chúng ta phải đồng lòng. Càng vận động, tập hợp được khối đoàn kết cao khả năng giành thắng lợi càng lớn. Mà trận này, nhất định chúng ta phải giành thắng lợi. Để chỉ đạo cuộc đấu tranh này, huyện uỷ Gia Lộc đã thống nhất cử đồng chí Trần Phù, huyện uỷ viên theo dõi trực tiếp, thống nhất ý kiến với chi bộ đảng xã Nghĩa Hưng, với tổ đảng Đức Đại, đồng thời huyện uỷ cũng nhất trí đề xuất của chi bộ Nghĩa Hưng, giao nhiệm vụ cho đồng chí Lân, chi uỷ viên, trưởng ban địch vận kiêm chính trị viên phó xã đội Nghĩa Hưng, với danh nghĩa cán sự quân dân chính đảng, phụ trách thôn Đức Đại, trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh chống dồn dân đuổi làng lần này. Các đồng chí có ý kiến gì khác không?
- Tôi có ý kiến! Lân đứng dậy. Anh hất mái tóc đang loà xoà trước vầng trán cao:
- Huyện uỷ, chi bộ và các đồng chí tin tưởng giao nhiệm vụ, tôi không từ chối. Là người con của Đức Đại, được trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh giữ làng lần này, với tôi, đó là một vinh dự rất lớn. Nhưng một hạt cát không thể làm nên sa mạc, một mình tôi không thể đấu tranh thắng lợi với địch. Vì vậy, để cuộc đấu tranh của ta thắng lợi, tôi xin đề xuất với chi bộ và huyện uỷ bốn vấn đề…
- Đề nghị đồng chí cứ thẳng thắn đề xuất ý kiến. Chúng ta đang tập trung mọi trí tuệ để lãnh đạo cuộc đấu tranh này đến thắng lợi. Đồng chí được giao trực tiếp chỉ đạo, chúng tôi rất muốn nghe các phương án cụ thể – Bí thư huyện uỷ khích lệ
- Vâng, thưa các đồng chí. Bốn đề xuất mà tôi nêu ra, để thực hiện như sau:
Một là: Tất cả cán bộ đảng viên phải luôn có mặt bám đất, bám dân, sẵn sàng chịu đựng gian khó, hy sinh, không ai được rời khỏi làng khi giặc càn quét. Muốn trụ lại làng, các đảng viên phải tự đào mới và củng cố hầm bí mật thật chu đáo, phải tự xây dựng được mạng lưới nhân mỗi bảo vệ, nguỵ trang cho mình khi đã xuống hầm để đảm bảo tính bí mật, bất ngờ…
Hai là: Phải có lực lượng nòng cốt tin cậy, dám công khai đấu tranh trực diện. Muốn vậy, chúng ta cần lựa chọn những quần chúng có uy tín, có tinh thần và ý thức cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng, kiên quyết không khuất phục và không khai báo nếu có bị địch bắt.
Ba là: Cần nắm vững và nắm kịp thời tình hình địch. Nhanh chóng phán đoán đúng âm mưu thủ đoạn của chúng, trong và sau các cuộc càn quét vào làng, để kịp thời đề ra được những chủ trương, đường lối cho quần chúng đấu tranh hợp lý, hợp tình, đạt được thắng lợi, củng cố niềm tin của quần chúng với tổ chức đảng.
Bốn là: Nhanh chóng khẩn trương chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả sau mỗi trận càn và rút kinh nghiệm cho các cuộc đấu tranh tiếp theo, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về người và về của, đặc biệt là về tính mạng của nhân dân.
Bốn đề xuất của tôi là như vậy, đề nghị các đồng chí thống nhất. Sau khi đã thống nhất rồi, chúng ta cứ vậy mà thực hiện, khi thật cần kíp mới tổ chức họp, có như thế mới đảm bảo tính bí mật tuyệt đối.
Nếu cần ý kiến chỉ đạo của cấp trên, các đồng chí cho liên lạc theo đường dây cũ...
Cuộc họp kết thúc. Những người dự họp lục tục ra về. Lân ở lại cùng đồng chí Trần Phù, đồng chí bí thư huyện uỷ lập kế hoạch cho một số công việc cụ thể đang cần giải quyết trước mắt.
°
°
- Rõ ràng, chúng ta đã nhận thấy có luồng ý kiến đi trái chiều… Bí thư huyện đi đi lại lại trong căn nhà nhỏ – Nhất định không để luồng tư tưởng rã đám, cầu an này len lỏi, an lan vào dân được. Việc chống lại âm mưu dồn dân đuổi làng của địch rất cần sự hy sinh quyền lợi riêng của mỗi người dân, rất cần sự đồng lòng. Nếu việc này, chúng ta không tập hợp được sức mạnh của dân là chúng ta sẽ thất bại… Lân thấy thế nào?
- Em cũng nhận rõ điều đó. Việc chống dồn dân đuổi làng đương nhiên là sẽ vấp phải phản ứng mạnh của bọn quan đồn, nhất là bọn Tây đánh thuê. Mình vận động tuyên truyền cũng chỉ vận động được binh lính người Việt thôi, còn sự tàn ác của bọn Âu phi, Ma rốc… chắc anh chẳng lạ gì…
- Vậy mới cần đến sự mềm dẻo, linh hoạt trong chỉ đạo của các cậu. Chọn cậu trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh này là huyện uỷ, chi bộ xã cũng đã chọn mặt gửi vàng rồi đấy…. Đặc biệt để giữ được dân ở lại đấu tranh là việc rất khó khăn. Điều này, có lẽ các cậu hiểu, vì bất kỳ người dân nào cũng nhận ra, nếu theo lệnh chúng, chỉ cần dọn nhà đi, người ta sẽ giữ được phần lớn của cải, đặc biệt là bảo toàn được tính mạng. Nếu ở lại đấu tranh có nghĩa là họ chấp nhận đánh cuộc với cả mạng sống của mình. Nhân dân Đức Đại lúc này đang rất hoang mang, bằng chứng là những gì đồng chí Tuyển nghe được từ chính tên Nhang đấy. Nỗi lo lớn nhất của dân bây giờ là gì, cậu biết không?
- Là bị địch khủng bố, bắn giết anh ạ - Lân trầm ngâm. Nhìn anh lúc này như già đi hàng chục tuổi. Anh đang phải gánh trên vai nhiệm vụ thật nặng nề.
- Đúng! Bí thư huyện uỷ gật đầu – Chính vì điều đó nên đảng viên phải đi trước. Các cậu phải làm công tác tư tưởng cho cán bộ các đoàn thể, sau đó là nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đồng tâm nhất trí ở lại, bám đất, bám làng.
- Có lẽ chúng em phải cho tổ chức một cuộc họp dân thôi anh ạ - Lân  ngập ngừng… Không họp, không triển khai, chỉ vận động tuyên truyền theo kiểu nhỏ lẻ, em thấy không ổn lắm. Mình phải tận dụng hết các mối quan hệ dòng họ, gia đình, làng xóm mới tập hợp dân được. Sức mạnh của các mối quan hệ ràng buộc này ghê gớm lắm…Chúng ta nhất định thắng Pháp chính nhờ cái sức mạnh của nền văn hoá làng xã này đấy.
- Đúng. Cậu nghĩ thế là phải. Thì ngay tổ đảng Đức Đại, rồi chi bộ Nghĩa Hưng cũng chẳng phải đều xuất phát từ tất cả các mối quan hệ ấy hay sao… Chúng ta vừa là đồng đội, vừa có mối quan hệ họ hàng. Như cậu Tuyển đấy, đội trưởng du kích nhưng lại là chú cậu. Tỳ là cậu họ cậu. Tôi là cấp trên nhưng cũng là anh cậu… rồi anh Tuỳ, anh Bạ… Đều bà con, anh em với chúng ta cả. Bảo nhau nó dễ. Giọt máu đào mà. Tôi ủng hộ cậu trong việc  này. Mà có lẽ phải triển khai ngay mới kịp…
- Vâng, em sẽ cho triển  khai ngay. Còn chuyện đấu tranh với những phần tử đi ngược chiều nữa… Có lẽ, chờ đến sau cuộc họp dân, xem cụ thể những đối tượng nào nữa, mình làm tư tưởng một thể. Cần thiết cũng phải có biện pháp cứng rắn anh ạ.
- Nhất trí. Cứ thế triển khai nhé. Có gì liên lạc ngay. Mình lúc nào cũng ở bên các cậu. Mà thím ấy dạo này thế nào? Đã có gì chưa?
- Chưa anh ạ. Vợ chồng em tiếng là ở gần nhưng có khác gì vợ chồng nhà Ngâu đâu. Vợ đi việc vợ, chồng đi việc chồng, gặp nhau chỉ chốc lát. U em cũng mong có cháu lắm…
- Việc ấy cũng hệ lắm đấy. Mà thôi. Nhà tớ bên này cũng thế… Hì hì… Chuyện đâu rồi có đó thôi. Có gà mái là khắc có gà giò mà… Cứ động viên u cậu thế…
Ba người bước ra ngoài sân. trăng hạ tuần như lưỡi liềm ai bỏ quên, lửng lơ đính vào chiếc cần câu mây, lắc lư mãi lưng chừng trời.
° 
°
Tối ngày 28 tháng 7 năm 1952, tại đình làng Đức Phong, cuộc họp toàn dân được tổ chức. Nhân dân Đại Liêu, Đức Phong tham dự rất đông. Bà con ngồi chật cả sân đình. Có người đến muộn, đánh phệt ngay xuống thềm đất, ngả mê nón, hì hụi quạt. Tiếng điếu bát rít lên tanh tách. Tiếng chép miệng, tiếng thở dài. Người ta bàn về tình hình thóc gạo, về chỗ này địch bắn giết bao nhiêu người, về nhà kia có con đi lính vừa phải bỏ xác ở trận nào đó. Cả về một bà cô không chồng của nhà nọ chẳng hiểu chuyện gì mà bỗng dưng thắt cổ chết, hồn ma cứ lẩn quất không sao siêu thoát được, về mớ rau, con cá… Thôi thì đủ thứ chuyện trên đời. Nhưng nhiều nhất vẫn là chuyện đồn Phương Điếm bắt dân Đức Đại dời nhà. Thanh niên nhí nháu bình phẩm, cô này đẹp, cô kia mẩy, răng nhánh hạt na… Mỗi người một chuyện, thôi thì đúng là năm người mười bụng dồn cả về đây. Họ nói chuyện vậy  nhưng tai vẫn hướng ra, chỉ cần nghe tiếng rít của đạn đại bác là nhoáng một cái họ sẽ túa ra các căn hầm trú ẩn được đào sẵn ngay bên cạnh đình. Đó là thói quen người Đức Đại rèn được từ ngày chấp nhận quay trở lại lập tề giả, chấp nhận cảnh sống “xanh vỏ đỏ lòng, ngày địch, đêm ta” trên mảnh đất này.
- Cuộc này oách nhỉ – Tiếng ông già ngửa cổ nhả khói thuốc lào, vân vê chòm râu – có cả bí thư, cấp uỷ chi bộ liên xã về dự thế này… Tí nữa mà tôi nghe nhời bà lão nhà tôi không đi thì có phải hỏng việc không… Chậc chậc…
- Không đi là không thế nào được. Lần này nhất quyết là bàn việc nhớn đấy cụ ạ. Lâu lắm rồi mới lại có cuộc họp làng thế này, cụ nhẩy… Con nghe nói còn có cả cán bộ huyện và bộ đội Tây Sơn cũng về dự đấy cụ ạ…
- thế à? Thế thì oách hẳn đi rồi. Cả cán bộ huyện nữa cơ à… Chết, chết… Thế thì chú mày nói nhỏ thôi, lộ ra khó cho anh em… Mình phải bảo vệ cho người mình chứ…
- Con nói nhỏ đấy chứ… Chỉ sợ cụ lãng tai không nghe được thôi… Với lại, chỗ này làm gì có thằng nào trong nhóm phải kiềng đâu cụ…
- Biết đâu được, tai vách mạch rừng, cứ cẩn tắc vô áy náy… Quân chó săn thì ghê lắm, chỗ nào chúng chả thò bàn chân thối của nó vào… cẩn trọng vẫn hơn… Dưng mà… Chú phải chỉ cho ta mấy anh em bộ đội Tây Sơn đi. Ta muốn nhìn anh em một tí… Xem bộ đội con cưng của huyện mình có sáng láng không?
- ối giời, cứ gọi là oách nhất quả đất, cụ à…. Kia kìa… cái người ngồi bên chú Lân con bà giáo  ấy…
- ờ, ờ, ta nhìn ra rồi… đáng mặt quân chủ lực lắm. Dân làng mình chống lại đồn mà có chủ lực bên cạnh thì còn lo chó gì cha con thằng nào… Nó ấm ớ, mình táng bỏ cha nó đi chứ…
- Vâng! Bắt đầu họp rồi kià cụ!
°
°
 
- Đề nghị bà con trật tự. Kính thưa bà con, đại diện cho chi uỷ xã, đại diện cho chính quyền quân dân chính đảng, hôm nay, tổ đảng Đức Đại xin được kính mời bà con ta tập trung tại đây để bàn về một việc rất hệ trọng. Kính thưa bà con, đã bao đời nay, mảnh đất Đại Liêu, Đức Phong chúng ta vốn là nơi chôn rau, cắt rốn của rất nhiều thế hệ. Trước khi thực dân Pháp xâm lược, bà con ta đã quần tụ, sinh sống nhièu đời trên mảnh đất này. Mỗi thước đất, mỗi bị cây đều gắn với số phận từng cuộc đời bà con mình. Nơi đây còn có mồ mả cha ông… Vậy mà giờ chúng bắt dọn, bắt dời… Chính vì cái lẽ đó mà chúng tôi mời bà con đến đây, chúng ta cùng bàn định xem, chúng ta đi hay ở… Về dự với chúng ta hôm nay, có đồng chí Tấn Lương, là cán sự huyện uỷ Gia Lộc, cùng một số đồng chí khác. Họ tuy không phải là người Đức Đại nhưng rất quan tâm tới cuộc họp quan trọng của chúng ta hôm nay…Kính mời đồng chí Tấn Lương lên nói chuyện với bà con…
- Cậu Lân con bà giáo Thuận càng ngày càng chững chạc lắm nhỉ… Cụ Ký Căn quay qua cụ Hội Níp gật gù…
- ờ thì, hổ phụ sinh hổ tử mà. Ông giáo ngày trước cũng thế đấy… ờ, nghe  anh cán bộ huyện nói xem có lọt lỗ nhĩ bằng cậu Lân làng ta không nào…
- Kính thưa bà con - Đồng chí Tấn Lương cất lời - Đức Đại chúng ta nằm trong vị trí chiến lược của cả ta và địch. Đây là một trong những mảnh đất án ngữ hai con đường giao thông huyết mạch, không thể bỏ qua. Bên nào có được mảnh đất này, bên đó sẽ mở rộng được địa bàn hoạt động ra cả một vùng rộng lớn.Chính vì Đức Đại nằm ở vị trí quan trọng đó nên năm lần bảy lượt, quân địch ở đồn Phương Điếm chà đi sát lại mảnh đất này. Nay chúng giở trò dồn dân đuổi làng, định biến nơi đây thành vành đai trắng, nhằm gạn lọc, cách ly lực lượng kháng chiến. Chính vì vậy, tỉnh uỷ Hải Dương cũng như huyện uỷ Gia Lộc rất mong nhân dân Đức Đại ở lại đấu tranh bám đất, giữ làng, làm bàn đạp, chỗ dựa cho các lực lượng kháng chiến đi về. Bà con không lo đơn độc. Cùng với Đức Đại, nhân dân các làng lân cận sẽ sát cánh bên bà con, chiến đấu với quân thù. Và bộ đội Tây Sơn cùng với anh em du kích sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bà con… Rất mong bà con đứng dậy giữ lấy mảnh đất tổ tiên đã để lại…
Những lời lẽ phân tích của Lân, của đồng chí Tấn Lương đã tác động mạnh tới tình cảm gắn bó của nhân dân Đức Đại với mảnh đất họ đang sống. Phần lớn bà con nhất trí đồng tình ở lại đấu tranh với địch. Cụ Thoa, già cả, một bên tai điếc tịt, bên kia nghe chỉ thấy lào thào vẫn hăng hái đứng lên. Vịn cánh tay khẳng khiu như cành xoan mùa đông vào cột đình, một tay xoa xoa khuôn mực lép kẹp đang phập phù, cụ vừa nói vừa hổn hển thở:
- Đi là đi thế nào… Quê cha đất tổ chúng nó đâu chúng nó không ở mà đến đây đòi dọn, đòi dồn… đứa nào có giỏi thì cứ bước vào đây. Mảnh đất này ngấm máu nhiều thế hệ người già người trẻ nơi đây lắm rồi. Đấy, bà con xem, từng tảng đá xanh lát nền hỏi xem chúng đã bao nhiêu tuổi. Chúng tồn tại trên mảnh đất này từ khi Đức đại vương Nguyễn Chế Nghĩa về đây lập ấp… Không đi đâu hết.
- Đúng đấy. Không đi đâu cả. Một tấc không đi, một li không rời  -  Nhiều cánh tay giơ lên -  Bộ đội, du kích cứ cấp cho dân tôi ít mìn…Rào làng lại, có mìn đặt mìn, không có mìn thì bẫy hầm chông… Xem chúng nó có vào được làng không mà đòi dỡ…
- Mấy ông già, bà cả thập thò cửa lỗ, đến thở còn không nổi thì còn có gì phải tiếc đâu mà chả kiên quyết không đi… Nhang ngồi trong đám đông giữa nền đình đứng bật dậy… - Chúng tôi chưa muốn chết. Quan đồn nó đã lệnh, không đi mà được với nó. Đại bác nó giã cho nửa ngày thì cứ gọi là nát nhừ. Nó có thèm mò vào làng đâu mà kêu đặt mìn với bẫy chông…Thôi, ai ở lại cứ ở, tôi nhất quyết phải đi…
- Thằng nào thối mồm thế… Cụ hội Níp quay lại - à hoá ra nhà cu Nhang… Mày thì đi là đúng rồi, mày là cháu thằng quận Chắt kia mà. Sao không đi ngay từ cái dạo thằng quận Chắt bị du kích làng thiến cho lòi mông ở cây cột điện đôi đi, còn núp bóng dân tao mà giờ ngoác mồm ra đấy. Xéo cha mày đi… Cụ vung cây ba toong lên. Mấy người ngồi bên cạnh giữ cụ lại… Quai hàm cụ bạnh ra, giận dữ…
- Cụ hội không lên chửi nhà Nhang thế… Khán Hoạt đứng dậy, mồm nồng hơi rượu – ở đây, ai cũng có quyền được nói cơ mà, sao lại chặn họng người ta lại thế? Nó có thân thì nó phải lo. ở hay không là quyền nó… ờ thì cứ cho là ở lại giữ đất, giữ được thì công lao lại thuộc về mấy ông bộ đội, cán bộ, chứ ai biết đến dân đen chúng tôi. Mà có giữ được thì cũng chết khốn chết nạn với hòn tên mũi đạn của lính đồn… Hỏi các ông, các ông giả nhời xem: ở lại liệu có làm nên  được trò trống gì không? Nói thật nhá, bộ đội, cán bộ các ông họp xong là chui hầm mất, chỉ dân ở trên mặt đất bị chúng giết hại là thiệt… Theo tôi, đi là hơn cả. nó đuổi thì cứ đi, khi nào ổn ổn, ta lại về. Đất đai vẫn đấy, nó có xúc đem về nước nó đâu mà lo mất…
- Chui hầm là chui thế nào? Khán Hoạt đừng có nói càn -  Quang Căn bật dậy - Đã không biết mà nói càn là phải tội tụt lưỡi đấy. Nhà ông thử hỏi bà con xem, bao trận càn, Tây đồn nó vào đến tận đầu làng, cán bộ, du kích người ta vẫn cùng dân lo chống. Cậu Lân đấy chứ ai… Giặc chưa ra khỏi làng, họ đã cùng dân lo khắc phục… Họ gắn với dân thế, còn đòi gì. Có nhà lão ấy… Lính đồn nó chưa ra cổng đồn đã rúc váy vợ rồi… Cấm có thấy thò mặt ra…
Tiếng cười nổi lên rần rật. Khán Hoạt bẽ mặt, ngội thụt xuống, thò tay giật giật chéo áo nhà Nhang, ý chừng giục tên này đứng dậy.
Không thể để những ý kiến trái chiều ấy kéo dài, nhất định sẽ tác động đến tư tưởng vốn đang rất hoang mang, dao động của nhân dân, Lân ghé vào tai cụ Đẩu. Ông cụ vốn là trưởng tộc của dòng họ Bùi Quang một trong những dòng họ lớn trong làng. Không biết Lân nói với cụ Đẩu những gì, chỉ thấy ông cụ già quắc thước đứng dậy. Vuốt vuốt tà áo the đen dài, cụ hắng giọng. Đám người phản đối việc ở lại làng đang lao xao như cá mè vào ao chua vẫn nháo nhào ra chiều chẳng có gì liên quan đến mình. Thấy vậy, cụ hội Níp cất tiếng:
- Thôi được, chửa biết dọc ngang xuôi ngược thế nào, kẻ nói phải có người nghe, mọi người cứ im tiếng để cụ Đẩu cất nhời xem ra sao… Kính cụ!
- Tôi, thì tôi chỉ có ý thế này… Cụ Đẩu chậm rãi - Bây giờ tôi hỏi các ông, các bà… Làng Đức Đại bây giờ, xưa kia là Đức Phong, Đại Liêu ấy có phải tự dưng mà có ra làng hay không? hay là phải qua ti tỉ đời người lật từng mô đất, hạt sỏi mới lập được lên làng? Những tỉ lớp người ấy khuất đi, các ông các bà nghĩ xem, xương thịt hoà vào đâu? vào đất chứ vào đâu! Vào gốc cây ngọn cỏ của làng chứ vào đâu… Đấy chẳng phải là cái cốt, cái gốc cái gác buộc chân chúng ta à? Thế giờ nó đuổi, mình đồng ý đi, ừ thì cứ cho là nhà cửa, của nả các ông các bà gồng gánh theo chân, nhưng còn mồ mả ông cha, không lẽ các ông các bà cũng quật lên để đem theo hay sao?
Cụ dừng lời, nhìn khắp đám đông một lượt. Im phắc! Rồi lại lao xao…
- Cụ Đẩu nói lạ. Mồ mả thì phải đâu nguyên đấy chứ ai lại dám quật đi mà đem theo. Độc chỉ có là…
- Là làm sao? Cụ Đẩu nghiêm mặt – là nghĩ trước mà chẳng nghĩ sau, nhìn gần mà không thấy xa thăm thẳm… Người nào thích đi thì cứ đi, các người tưởng các người đi thì yên ổn sao? Ai dám chắc những nơi các người sắp đến rồi nó cũng không đuổi nữa? Đây là nước mình, là nhà mình mà nay nó đuổi, mai nó lại đuổi, nếu nó cứ đuổi mãi  mọi người thử nghĩ xem nếu mình cứ chạy thì  cùng đường sẽ chạy đến nước nào? Rồi đến đấy, các người ăn nhờ, ở đậu người ta, bát hương, mâm thờ tổ tiên các người cũng chỉ để nhờ được nơi chái ngang nhà họ. Mồ mả cha ông các người vẫn nằm lại đây chứ gì? Nó san phẳng, lấp đầy, các người tìm thấy lại được không? Đấy là riêng chuyện tâm linh, còn chuyện hiện tại… Ruộng đất, các người bỏ, liệu đến nơi mới. Dân nghèo, ráo mồ hôi là hết tiền xu, không đất đai, ruộng vườn, các người lấy gì để sống? Thôi, tôi nghĩ nung lắm rồi. Ai đi, cứ đi, riêng con cháu họ Bùi chúng tôi ở lại. Nhất chết, chúng tôi cũng phải chết trên mảnh đất của ông bà, tổ tiên, bên mồ cha, nấm mẹ, không dọn rời đi đâu hết…
- Cụ Đẩu nói đúng lắm. Họ Nguyễn chúng tôi cũng vậy, không dỡ nhà, chẳng dồn làng đi đâu hết. Liệu chúng nó có dám làm cỏ cả làng không? Mà có chết cũng là chết ở quê cha đất tổ thật…
Một người, hai người, ba người rồi nhiều người nữa. bắt đầu từ các cụ cao niên, người ta thấy có cụ ký Căn, cụ hội Níp, cụ Đẩu, bà giáo Thuận… Rồi đến tầng lớp trung niên, thanh niên, phụ nữ… Họ đứng lên thành một khối kiên quyết đấu tranh không rời làng. Chứng kiến sự quyết tâm ấy của dân Đức Đại, đồng chí Tấn Lương nước mắt rưng rưng. không phải anh uỷ mị, mềm lòng mà anh thực sự cảm động trước tấm tình với quê hương, bản quán, với mảnh đất gắn bó với cuộc đời của những người dân Đức Đại. Quay nhìn Lân, anh cười:
- Công tác tuyên truyền, vận động cậu làm tốt lắm. Gây dựng được cả một bó đũa thế này, thằng địch thật khó chuyển lay…
- Báo cáo anh – Lân đứng dậy – dân làng Đức Đại chúng tôi hứa với chi bộ Nghĩa Hưng, với huyện uỷ Gia Lộc, chúng tôi sẽ tranh đấu tới cùng, nhất định thực hiện “một tấc không đi, một li không rời”. Cán bộ, đảng viên trong tổ đảng Đức Đại sẽ luôn sát cánh bên đồng bào, không có chuyện chui hầm cầu an như ai đó đã nghĩ đâu anh ạ.
- Tôi tin vào các đồng chí! Sau cuộc họp dân này, chúng ta sẽ thống nhất kế hoạch cụ thể với nhau. Giờ tôi với đồng chí Thành Phù phải ra ngoài có việc một chút.
Không biết những người cán sự huyện uỷ đã giải quyết việc gì, chỉ thấy một lúc sau, anh Tuỳ chạy vào, nét mặt phởn phơ:
- Mẹ nó. Đúng là đồ già dái non hột. Trong lúc có bè có đảng thì nói như thánh tướng. Thế mà chưa gì thì đã vãi cả ra quần…
- Nói ai đấy? Tuyển đang lau lau khẩu tiểu liên, ngẩng đầu.
- Thì đám nhà Nhang với mấy thằng phản đối ở lại chứ ai vào đây… ối giời, mặt chư chàm đổ…
- Sao lại chàm đổ? Có gì thì nói phắt ra, cứ ấp a ấp úng như ngậm hột thị, khó chịu bỏ mẹ…
- Chưa gì đã sồn sồn lên. Thì tan cuộc họp, ông Thành Phù ông ấy gọi mấy gã ấy ra gặp riêng. Gọi là vận động, vận điếc gì đó… Súng lục ông ấy đeo trễ bên hông, tháo bỏ ra tay, nhịp nhịp như đồ chơi, mình nhìn còn thấy kinh… Ông ấy cũng nhẹ nhàng bảo… Đi ngược lại đường lối chủ trương là chống lại Đảng, chống lại Việt Minh… Mà chống lại Việt Minh là chống lại nhân dân, là làm điều ác, thất đức với nhân dân. Thế thì chỉ có nhìn gương thằng nghị Ngợi, thằng Phả… Khờ khờ! Nào ông ấy có nói hết đâu, chỉ mới đến đấy, tay Nhang và mấy người đòi đi, mặt đã cắt không còn hạt máu… Tao nói thật, có cho ăn bánh tàu, cha con nó cũng đố dám không làm theo làng… Thánh thật! Thế mới hay chứ. Đúng là…
- Là quái gì. Phải tay tôi cứ gọi là “già đòn non nhẽ”. Đập tới số là hết giọng bảo làng mình “đom đóm sáng đằng đít”. Lúc trong họp, tao chỉ muốn táng cho nó phát lệch quai hàm…
- Thôi, chú cứ hay nóng – Lân kéo cái dây đeo khẩu tiểu liên của Tuyển giật giật – cháu thấy cứ phải mềm dẻo như thế mới được. Cốt nhất là để họ thông rồi đứng về phía mình chứ hơi tí là đánh, là giết thì còn vận động làm gì…
- Tôi con nhà “đấm”. Không chính trị, chính em, tuyên truyền với chúng nó như anh được. Hì hì…
 
°
°
Lân triệu tập họp tổ đảng Đức Đại gấp. Vừa bước ra thềm, thấy ông cậu Tỳ cùng anh Bạ bước vào, Lân kéo luôn:
- Phải gọi mọi người trong tổ đảng họp ngay thôi. Tôi tính kỹ rồi. Mình đấu với nó vụ này, không khéo léo là không xong. Các đồng chí gọi tất anh em về đi. Mình họp, thống nhất rồi chuẩn bị…
- Về cả kia rồi – Anh Bạ lắc lắc mái tóc, ngồi ghé xuống thềm, tay với tích nước – Chú bàn định gì thì thống nhất ngay đi cho kịp.
- Vâng, cũng không trù trừ được nữa đâu. Chỉ ngày mai là nó xộc vào đây đấy thôi. Thôi, ta họp nhá. Tôi chỉ nói ngắn gọn thế này: Theo chỉ thị của huyện uỷ và chi uỷ xã, nhất định chúng ta phải lãnh đạo thành công cuộc tranh đấu này. Không có chuyện chúng ta bàn lùi đâu. Mà muốn thắng nó, nhất định ta không thể dùng sức được. Đã vậy, ta phải có một lực lượng nòng cốt, dám công khai đấu tranh với địch, các đồng chí thấy thế nào?
- Còn thế nào nữa – Tỳ lên tiếng - Đương nhiên là phải có người đại diện dân làng đứng ra công khai đấu lí với chúng nó chứ… Nhưng cái khó là chọn ai? Không lẽ chúng ta đứng ra?
- Chúng ta không đứng ra được… Tuỳ lắc đầu – Anh em mình mà trực tiếp đứng ra là hỏng hết. Thứ nhất, ta trai tráng thế này, nó phát hiện ra cũng mệt. Thứ hai, qua những cuộc họp vừa rồi, nhất định sẽ tới tai bọn trên đồn về anh em mình. vả lại, mình đang trong hoạt động bí mật, cũng không đời nào, chi uỷ đồng ý cho một trong số chúng ta ra công khai…
- Anh em mình không ai dám đứng ra công khai sao? Thế thì chả lẽ lại đúng như thằng cha khán Hoạt nói là mình toàn chui hầm à? Bạ hất hàm – Thế này, để tôi ra…
- Anh em bình tĩnh đã chứ… vấn đề ở đây không phải là ai hãi, ai sợ. Đúng như đồng chí Lung, đồng chí Tỳ đã nói đấy, chúng ta không công khai đấu lại với bọn trên đồn được. Tôi nghĩ là phải thành lập một “Ban tranh đấu”. Các đồng chí thử nghĩ xem nên vận động những người nào vào ban này?
- Tôi nghĩ… nên có nhiều thành phần… Tỳ ngập ngừng…
Lân nhìn suốt một lượt. Những gương mặt đồng đội căng ra. Khó chứ đâu phải dễ. Vận động ai đây? Ai dám đứng ra công khai đấu tranh với địch? Không có tiếng trả lời, Lân chậm rãi:
- Tôi đã trò chuyện với rất nhiều các cụ cao niên trong thôn mình. Các cụ không ngại ngần gì. dân đồng lòng thế nào thì trong cuộc họp dân các đồng chí đã thấy. Tôi cũng đã vận động và cụ Bùi Quang Đẩu đã đồng ý tham gia…
- úi giời! Được cụ Đẩu đứng vào thì vững rồi – Mắt Bạ sáng lên – Cụ ấy thuộc lớp người cổ, có uy tín trong làng, lại giỏi lý lẽ…
- Vâng, cụ Đẩu là anh ruột ông ngoại tôi – Lân gật đầu – Cụ Đẩu sẽ vận động thêm một số cụ nữa trong làng. Ngoài ra còn có u tôi, bà Nguyễn Thị Tấm - mẹ đồng chí Bạ. Hai bà mẹ này đều là nòng cốt của hội phụ nữ lão mẫu. Về phía chấp hành phụ nữ thôn, các cô: Họp, Sự, Khứu, Dọ, Yển sẽ trực tiếp tham gia và vận động thêm…
- Chúng tôi đến để xin với tổ đảng được đi đấu tranh đây – cụ Đẩu bước vào, dáng quắc thước, nhanh nhẹn:
- Tổ chúng tôi nhất trí: tôi, ông Căn, ông Khiển, ông Môn, ông khán Chai, bà khán Tế, bà Khê, bà Tuần Ngột,bà giáo Thuận, bà Tấm, bà khoá Duệ, bà Thủ Phiên, ông khán Trạm, bà Cang, ông Vỉ, bà Chí và một số người nữa sẽ tham gia trực tiếp cuộc đấu tranh này…
- Chúng cháu cảm ơn cụ. Không có các cụ, không có bà con, công việc của cách mạng cũng không thành được. Thế thì hay quá rồi – Lân nói như reo
Việc khó nhất là vận động người làm nòng cốt cho “ban tranh đấu” đã được gỡ. Nút thắt lớn nhất đã được cởi bỏ. Một danh sách các thành viên trong ban tranh đấu được thống nhất. Ngoài những người có tên mà cụ Đẩu vừa nhắc, các anh Nguyễn Hữu Lung, Bùi Quang Líp là đảng viên lớn tuổi cũng sẽ trực tiếp tham gia công khai đấu tranh với địch cùng với các chị em trong ban chấp hành phụ nữ xã và tổ đảng Đức Đại. Chúng ta nhất trí cử cụ  Đẩu làm trưởng ban tranh đấu. ông Căn làm thư ký. Các đồng chí có ý kiến gì không?
- Nhất trí! Những cánh tay rắn chắc giơ cao. Họ đã thống nhất thành một khối.
Việc theo dõi nắm tin tức địch và thông tin, liên lạc vòng ngoài giao cho tổ thiếu niên quân báo của thôn đảm nhiệm.
Mỗi đảng viên được phân công một nhiệm vụ cụ thể, trực tiếp chỉ đạo cơ sở quần chúng đấu tranh. Mọi đảng viên, quần chúng đều đã chuẩn bị rất rõ ràng cả về tổ chức và tư tưởng để sẵn sàng đối phó với địch trong mọi tình huống, dù đó có là tình huống xấu nhất nếu nó xảy ra. Lân bước vào nhà. Lòng anh rộn lên một nỗi niềm khó tả. Khứu bước theo chồng. Cô thấy gương mặt Lân thoắt đăm chiêu. Cô hiểu. Anh đang rất bề bộn trong lòng. Vậy là trong cuộc đấu tranh do anh trực tiếp chỉ đạo lần này, những người thân yêu nhất của anh đều trong cuộc, thậm chí họ còn ở vào vị thế nguy hiểm hơn anh rất nhiều vì họ phải công khai trực tiếp đấu tranh giáp mặt với quân thù. Mẹ anh, vợ anh, em gái anh và cả những người bà con trong họ ngoài làng của anh… Họ đã đứng cùng anh trong một chiến tuyến mà phía bên kia, quân địch với những trang bị vũ khí tối tân đang quyết hất họ ra khỏi mảnh đất yêu dấu của mình. Nhất định anh với họ sẽ phải thắng.