CHƯƠNG IV

Lớp tập huấn cho các trưởng ban thông tin tuyên truyền của huyện Gia Lộc mở tại thôn Thị Đức xã Nhật Tân, trong khuôn viên rộng của ngôi đình cổ.  Lớp học giấu mình, trầm tư dưới một gốc đa già, rễ loà xoà buông từng chùm, phất phơ trong gió sớm. Tán đa xoè phủ, trùm hết cả khoảng sân rộng lát gạch nâu non, đôi chỗ tróc lở càng khiến nền sân trở nên cổ kính.
Hơn hai chục học viên từ khắp các xã của huyện tập trung học tập trong thời gian hai tháng. Những điểm cốt yếu nhất trong đường lối chính sách của ta, phương pháp thông tin tuyên truyền hiệu quả nhất được các đồng chí trong phòng thông tin tuyên truyền huyện phổ biến tới các học viên. Người ta gọi lớp tập huấn này là lớp thông tin tuyên truyền Trần Huy Liệu. Người tham gia lớp học  này gọi nhau ngắn gọn là lớp Trần Huy Liệu.
Lớp Trần Huy Liệu sắp kết thúc. Hàng loạt câu hỏi hóc búa về đường lối chính trị của ta trong giai đoạn hiện nay cùng nhiều tình huống cụ thể khác về phương pháp tuyên truyền được các học viên đặt ra. Không khí trong lớp nóng dần lên như ngọn lửa đang bén ngún vào đầu củi bắt đầu toả ánh. Một nữ đồng chí đứng dậy phát biểu rất đanh thép:
- Tôi thấy, mình có thể dùng lý lẽ để tuyên truyền với bà con. Nhưng nếu chỉ có lời nói suông thì sẽ chẳng bao giờ thuyết phục được đồng bào. Dân mình luôn găm sâu trong gan ruột: “Trăm nghe không bằng một thấy”, chỉ có bằng việc làm cụ thể dân mới tin và làm theo…
- Đúng rồi - Tiếng một người đế theo - Với dân mình thì cần phải người nói làm trước, thì làng nước mới theo sau… Tất cả đều chỉ có thể nói với dân bằng việc làm thôi.
Tiếng bàn tán, trao đổi ngày một sôi nổi. Ngoài vườn cây, gió vẫn rì rào, vẫn hát chung bản hoà tấu với con người. Lân lắng tai, anh muốn thu tất cả mọi ý kiến của anh em, đồng đội vào trái tim, khối óc mình. Rồi ngay mai, ngày kia, những gì học được từ lớp học này sẽ theo anh trở về với quê hương, nơi đồng đội, người thân của anh đang sống và chiến đấu.
Bao suy nghĩ đang như dòng chảy, ngọt ngào lượn giữa đôi bờ hư thực  tiếng trao đổi của đồng nghiệp, Lân giật bắn người khi mái đầu bum bê của người phụ trách lớp học bất ngờ xuất hiện ngoài khuôn cửa, tay cầm một phong giấy mỏng, phất phất ngang đầu, miệng tươi rói:
- Lân ơi! Có thư này. Thư này…
Tiếng xì xầm, chọc ghẹo vang lên:
- Thư ai đấy, Lân ơi. Thư tình hay thư gì?
- Ấp vào ngực nghe trái tim thổn thức đi…
- Thư của em nào thế? Giấy xanh hay giấy hồng? Hương thơm sực nức lên thế này, chắc phải của cô nào đẹp gái lắm đấy?
- Đào hoa quá! Chưa gì đã có người nhớ nhung điên khùng đến phải viết thư rồi…
Lân ngỡ ngàng. Ai gửi thư cho anh nhỉ? Nào anh có thư từ liên lạc với ai đâu? Với lại, lớp tập huấn này chỉ có hai tháng, không lẽ ở nhà có chuyện gì mà mẹ anh phải viết thư cho anh… Hay không lẽ... Chắt viết thư cho anh? Nếu vậy thì... Cả anh và Chắt, nào đã ai nói với ai lời yêu tiếng thương nào. Nhưng nhìn vào mắt nhau thì cả hai đã hiểu. Đi sinh hoạt thanh niên, phụ nữ, mặc cho nam thanh, nữ tú thường chia làm hai, ngồi đối diện bên dãy bàn, nhưng thế nào Lân cũng tìm cách được ngồi bên Chắt. Bạn bè, đồng chí đều hiểu và cảm thông. Cả chị Sự, Xoan, cả những người bạn của cô ấy đều có ý ghép đôi cho hai người. Trong trái tim anh, hình ảnh cô ngập tràn rồi. Cô như hạt mưa mùa đầu lấp dần vết khô nẻ trong trái tim của chàng thanh niên làng Bung tưởng chỉ biết hết mình cho công việc. Tình yêu thật kỳ lạ. Nó không hề cất tiếng nhưng người ta đều có thể hiểu, nhận biết và dành cho nhau những gì ngọt ngào nhất trong tâm hồn mình. Lân cũng thế, và anh tin Chắt cũng hiểu lòng anh. Xa nhau gần hai tháng, mấy lần Lân tranh thủ tạt về nhà nắm tình hình làng xóm, không gặp được cô, nhưng anh biết Chắt vẫn dõi theo từng bước anh đi. Và lá thư kia... trời đất, nếu đó là của Chắt. Rồi Lân lại tự lắc đầu. Người chắc chắn, đằm tính như Chắt không bao giờ có chuyện cô gửi thư, chẳng bao giờ cô chịu mở lời trước với anh. Tình trong như đã. Cả anh và cô đều hiểu, đều chung tay nối sợi tơ hồng nhưng chẳng ai lên tiếng.
Những đôi mắt tinh nghịch vẫn không thôi tò mò nhìn Lân. Những ánh nhìn như hỏi? Nào đã biết thư ai mà trả lời. Hàng loạt câu hỏi loang loáng chạy trong đầu khiến Lân luống cuống mãi mới bước được ra ngoài cửa lớp. Cầm phong thư trên tay, nét chữ lạ càng khiến anh bối rối. Bất chợt, anh nhớ ra, từ ngày tập trung theo lớp tập huấn, Lân chỉ duy nhất viết thư cho người anh họ và cũng là người đồng chí trong đội tự vệ chiến đấu. Đợi cũng đã lâu không thấy thư trả lời. Thời gian theo học lớp tập huấn sắp hết. Tay Lân run run. Lớp giấy gấp mép phong bì chầm chậm rơi xuống. Một tờ giấy gấp tư, nét chữ rắn rỏi hiện dần:
“Đồng chí Nguyễn Đình Lân thân mến!
Các đồng chí trong lớp học thông tin tuyên truyền Trần Huy Liệu thân mến. Tôi thật bất ngờ nhận được lá thư từ Hải Dương gửi tới, khi bóc ra mới biết lá thư của ông Nguyễn Đình Tài ở xã Nghĩa Hưng -  Gia Lộc- Hải Dương gửi cho đồng chí Nguyễn Đình Lân ở lớp học Trần Huy Liệu. Do có sự nhầm lẫn của giao thông liên lạc mà gửi tới tôi.
Tôi thật vui mừng và cảm động biết được rằng, lớp học thông tin tuyên truyền đã ấy tên tôi mà đặt tên cho lớp học này.
Các đồng chí thân mến, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta còn trường kỳ và gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Chúng ta, những người làm công tác thông tin tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, của cách mạng. Là những chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận văn hoá tư tưởng, các đồng chí hãy học tập tốt, trau dồi và nâng cao lý luận cách mạng, phương pháp công tác chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền vận động quần chúng và những nghiệp vụ chuyên môn khác. Sao cho sau lớp học này tất cả chúng ta sẽ trở thành những cán bộ cốt cán trên mặt trận thông tin tuyên truyền. Chúng ta hẹn sẽ gặp nhau khi cuộc kháng chiến thắng lợi.
Chúc các đồng chí sức khoẻ.
Chúc lớp học thông tin tuyên truyền thành công tốt đẹp!
Ngày 12 tháng 2 năm 1949
Trần Huy Liệu – Bộ trưởng Bộ thông tin tuyên truyền nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Lân choáng váng, xúc động. Anh cầm lá thư mà hai tay run bắn. Anh em đang tham gia lớp học lặng người. Không ngờ, một lớp học tập huấn trong thời gian ngắn của địa phương vùng sâu, vùng xa mà Bộ trưởng cũng dành thời gian quan tâm đến. Lá thư của Bộ trưởng Trần Huy Liệu chính là bài học cho anh em đang tham gia lớp học về sự sâu sát, thái độ quan tâm, hết lòng vì việc công dù đó là việc nhỏ nhất của cách mạng. Cả lớp học lặng đi. Rồi tiếng vỗ tay rào rào nổi lên.
Đám chào mào, liếu điếu đang cãi nhau ỏm tỏi trên ngọn đa nghe tiếng động, giật mình bay vút lên làm những quả đa chín rời cành, lộp bộp rụng xuống sân đình.
°
°
 
Nhân dân Nghĩa Hưng tản cư khắp một vùng rộng lớn trong khu căn cứ kháng chiến thuộc nam Gia Lộc, bắc Ninh Giang, đông Thanh Miện. Người dân mải làm ăn, buôn bán, ít có dịp tập trung. Đường lối, chủ trương chính sách của Đảng lại liên tục đổi mới để phù hợp với tình hình cuộc kháng chiến. Vừa phải lo làm ăn kiếm sống, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao thực sự trở thành khó khăn lớn nhất đối với anh em trong ban thông tin truyên truyền.
Anh  Thoại đặt đôi sọt xuống nền sân đất, nhăn nhó:
- Dân tản mát hết cả, không sao tập trung được. Vừa lại có chủ trương chính sách mới về tản cư kháng chiến, mình phải thông tin cho bà con nắm mà làm theo. Giờ cậu tính thế nào, Lân?
- Còn tính thế nào nữa. Dân mình chuyên buôn bán. Chợ nào quanh vùng này cũng có người của Nghĩa Hưng làm ăn. Anh em mình cứ tổ chức tuyên truyền ngay trong chợ, chả riêng gì bà con Nghĩa Hưng mà các nơi khác đều biết cả, càng tốt...
- Nhưng tổ chức thế nào? Khó là khó ở chỗ ấy chứ...
- Thì mình tổ chức diễn thuyết tại chợ, Vừa kết hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách, vừa động viên bà con khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, ủng hộ cách mạng... Anh cứ gọi anh em lại đây, mình bàn cách làm. Chỉ cần một cái bục cao vượt lên một chút... Tuyên truyền thì đã có loa tay. Trước khi tuyên truyền, mình tổ chức gọi loa, bà con sẽ tập trung tới thôi...
- Cũng cần hợp cánh với mấy bố du kích nữa chứ? Để anh em người ta gác sách cho, đề phòng bọn Việt gian trà trộn vào... Nguy hiểm chứ bỡn!
- Ai chả biết thế. Nguy hiểm cũng phải làm. Tôi sẽ chịu trách nhiệm nói trước bà con. Mình ngại nguy hiểm thì còn cách nào để đưa thông tin đến với bà con nữa đâu. Mai chợ Bóng họp. Ngày kia hăm hai là chính phiên chợ Bùi. Khu này đông bà con mình sinh sống. Ta làm luôn. Với lại, các tổ chức thanh niên, phụ nữ, phụ lão của bà con mình trong khu căn cứ kháng chiến cũng vẫn giữ hoạt động đều. Mình liên lạc với họ, cùng tổ chức, chắc việc sẽ chạy thôi...
- Được rồi. Để tôi đi gọi anh em - Anh Thoại quảy quả bước ra. Đôi quang sọt nhẹ bẫng tung tẩy theo nhịp chân anh, khuất dần xuống bến đò.
Lân trở vào. Anh nhìn gánh củ nâu đang xếp trong góc nhà. Nhất định hăm hai này, anh và đồng đội phải tổ chức tuyên truyền thành công trong phiên chợ Bùi. Có thế, bà con mới thấy cách mạng vẫn ở ngay bên cạnh, họ thêm vững tin vào đường lối kháng chiến của Đảng.
Chợ Bùi cũng như bao chợ quê khác, tên làng chính là tên chợ. Nằm ngay giữa làng, cách mấy bến đò dọc sông Cửu An không bao xa, cũng cây đa đứng sừng sững ở góc chợ, phía trên là vô vàn dải mây thấp dần xuống như treo trên cành, cũng mấy chiếc lều tranh nho nhỏ, mái rạ xám xịt, năm tháng, thời gian, mưa chan, nắng gội, bao đời nay chợ Bùi vẫn thế, vẫn nguyên lành trong ký ức bao người. Nhưng chợ phiên trong thời giặc giã vội vã, hối hả hơn. Người ta không thấy cái thú nhẩn nha chơi chợ của những người thảnh thơi, nhàn tản dạo hết hàng rau, sang hàng thịt, qua hàng gà vịt, tôm cá. Không còn thấy cái tươi mởn, non bỡn của rau, cái tươi rói của đám cá như vừa vớt lên khỏi mặt nước đang giẫy đành đạch, cái búng càng tanh tách của tôm tép cong mình luyện võ bật qua cạp rổ. Chợ thời giặc giã chỉ thấy đôi ba mẻ tép riu xanh bóng lẫn lá rong xanh, vài mẹt khoai củ gầy nhẵng như con nhà đói giữa ngày giáp hạt, dăm gánh rau thân sắt lại, màu ánh vàng bởi trồng trên vạt đất cằn. Nhiều bà vội vàng sà vào hàng xáo, ghé thúng đong vội mấy ống cám, vài ba bơ gạo hay tạt sang hàng muối đong lấy mấy ống ngang, gói chặt trong túm lá chuối khô, ém vào bên thúng như sợ chỉ vô ý một chút nó sẽ biến mất. Những chiếc khăn mỏ quạ nhàu nhĩ, những tấm áo bà ba bạc phếch… Chợ thời giặc giã, người ta chỉ chú tâm đến thức hàng thật cần cho cuộc sống vốn quá hiếm niềm vui lại dư khốn khó. Hình như ai đến chợ cũng tất bật, vội vàng rời chợ sớm khiến chợ tan nhanh hơn. Mặt trời mới lên hơn một con sào, người đi chợ đã tản mát gần hết. Chỉ còn trơ lại trên nền đất ẩm rau úa, lá ủng và rơm rác.
Chắt con ngồi giữa những cày, cuốc, thừng rợ. Cách mấy dãy hàng, Lân ngồi bên hai sọt củ nâu. Họ đã nhìn thấy nhau. Mắt đã chạm mắt. Chưa thể nói gì lúc này. Chắt nghiêng đầu. Cái nón đã tung mấy lá, chao vành, che khuất một bên má. Lân thẫn thờ nhìn theo.
-  Bác ơi! Cày bừa, thừng rợ này! Bên hàng cày bừa, giọng nói như mật mía của Chắt cứ hút hồn Lân. Anh hàng ngồi bên cạnh hích vào thắt lưng:
- Không bán hàng đi, cứ đần mặt ra thế? Người ta hỏi mua nâu kia kìa…
- Ô, chết. Bà mua đi… Lân cuống quýt… Anh hàng lắc đầu cười, nụ cười thật vu vơ.
Chỉ còn mấy lưỡi cày với hai cái bừa là hết hàng. Cày bừa do thầy Chắt làm, lật đất rất vừa sá, bừa lại chắc tay, bán rất chạy. Bà cụ ngồi bên nhìn cô bán hàng, cứ hấp háy đôi mắt kèm nhèm, tặc lưỡi:
- Cái con này, bán hàng duyên thật. Hàng nó bán cứ tung tung như tôm tươi mà hàng mình dí dị thế này…Đúng là, ăn  hàng con gái…
- Bà ơi! Chắt cười tươi rói - Rồi con bán hộ bà…
- Gớm, bán đi rồi còn về với u mày. Giặc giã thế này, già như tao, được đến đâu, hay đến đấy - Bà cụ thủng thẳng, tay vê vê mồi thuốc lào sát đi sát lại vào hàm răng đen nhánh như hạt na. Cốt trầu vương ra hai bên, rịn theo đường rãnh cày hằn sâu theo khoé miệng. Cụ đưa tay vuốt nhẹ viền môi, cúi xuống nhổ cốt trầu, ngẩng mặt nhìn trời thật xa xăm.
Chắt con nhìn sang dãy hàng nâu. Không thấy bóng Lân đâu nữa. Cô chợt thấy bồi hồi. Người đâu đến lạ, rõ gan. Biết mười mươi lòng nhau rồi mà nhất định không chịu nói một tiếng. Chỉ nhân lúc đi họp, thế nào cũng tìm cách ngồi bằng được bên cạnh. Chắt con biết thừa Lân hướng về cô nhưng cô vờ như không. Không biết giờ lại chạy đâu mất? Cô đang định hỏi anh mấy việc của làng. Đã mấy ngày rồi, cô chưa về được bên làng.
Đang loay hoay nhìn ngược nhìn xuôi, Chắt con bỗng thấy tiếng loa ngoài cổng chợ:
- A lô. A lô. Mời bà con nghe bản tin đặc biệt của ban thông tin, tuyên truyền liên xã Nghĩa Hưng.
Tim Chắt con thúc dồn, tưởng như không thể giữ nó trong lồng ngực. Tiếng Lân!  
°
°
Chiều qua, khi sắp xuống đò, vừa thấy Chắt, chị Sự, chị Xoan đã hớn hở:
- Con quỷ, mày cứ thoắt ẩn, thoắt hiện thế, bố ai tìm được? Thế đã gặp nhau chưa?
- Gặp ai hả chị?
- Gớm, khéo chối. Gặp Lân chứ còn ai vào đây? Hay lại chúng em không có chuyện gì… Nói thật nhé, trai thời loạn, được như chú ấy không mấy đâu. Không nhanh tay, đứa khác nó nẫng mất lại… “chổng mông mà gào”.
Cái nhà chị Xoan khéo đáo để. Đã vậy, chị Sự còn ngân nga: “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”… Chắt cười, cố giấu đôi má ửng đỏ vào vành khăn.
- Thôi, tha cho nó. Đi không có lại muộn, bà cà tẩm - Chị Xoan kéo tay  Sự - Chúng nó đã chả gặp nhau từ tám hoánh rồi chứ còn đợi bà phải giục. Mà này - Chị quay sang Chắt con - Thu xếp rồi đảo về, tranh thủ họp phụ nữ nhá. Việc vón lại rồi đấy… Cô phải phấn đấu hăng vào để kịp người ta chứ. Chú ấy được kết nạp Đảng rồi. Không nhanh, người ta bỏ lại sau lưng thì chạy nhọc.
Miệng nói, chân chị thoăn thoắt xuống đò. Con đò dịch mũi, xoay ngang. Thoáng chốc, chỉ còn thấy eo lưng của cô lái nhấp nhô xoay lại bên này và nhịp chèo khoát nước róc rách dưới mạn thuyền. Dòng sông lại mải miết trôi, chở theo mình nó ước vọng của bao người đang tất tả ngược xuôi suốt đôi bờ.
°
°
Chắt con nghiêng vành nón che chiếc tay nải cũ. Những vệt kẻ trên chiếc khăn quàng thơm mùi vải cứ lấp lánh, chấp chới, nhảy nhót trong mắt cô. Lần sau gặp lại, nhất định Chắt sẽ đưa chiếc khăn này cho Lân. Cô phải cậy cục mãi mới mua lại được của một chị hàng đũi. Lân hay đi lo việc ban đêm, có chiếc khăn, anh sẽ ấm thêm một chút. Biết đâu, nó lại chẳng như vòng tay ôm ấp của một người.
Nghĩ đến đây, má Chắt đỏ lựng lên. Cô xấu hổ. Biết là không ai biết chuyện, nhưng Chắt vẫn ngại ngùng. Chiều qua nghe chị Sự, chị Xoan nói chuyện, Chắt rất vui. Lân đã thành đảng viên rồi. Anh đã được kết nạp đảng. Không vui sao được khi thấy người thương của mình tiến bộ. Chắt biết, cô phải phấn đấu rất nhiều. Cô sẽ phấn đấu để xứng đáng với anh, để khi anh báo cáo xin phép, tổ chức sẽ chẳng phải đắn đo, cân nhắc bởi lúc đó cô cũng đã là đảng viên.