Chương IV

     rong sở Hải làm, có một ông Ký cổ.
Ông Ký cổ ấy chít khăn, mặc áo đen trong có áo trắng dài, đi giầy ta, mặc quần không nhàu nếp và có dáng lúc nào cũng nghĩ ngợi ở trên xe về nhà. Ông ta đã thi tam trường rồi và mỗi khi đi đâu về thì lại chắp tay lại mà nói với mẹ: “Thưa mẹ, con đã về rồi ạ”. Lớn, bé, già, trẻ trong sở, đều gọi là “bác” cả cho thân. Ông không giận, ông không say rượu. Cái quản bút tay ông cầm hình như là một đồ vật lạ lùng cần phải giữ cẩn thận lắm, ông ngồi ở đấy và ông giữ gìn những tư tưởng của ông. Khi nào ông đi vắng, anh em rất nhớ ông và nếu có một buổi sáng ông đến chậm độ hai phút thì ai ai cũng hỏi: “Hay là ông ấy ốm?”
Ông ấy lúc nào cũng có vẻ ốm thực. mặt ông xanh lắm, chân tay ông lại gầy, người ta bảo: “Có lẽ ông xơi thuốc”. Chẳng biết ông ta có xơi thuốc thực không, chứ hai mắt ông thì nghiêm lắm mà buồn lắm. Râu ông dày mà dài, nó che mất hết cả hai lô mũi. Ông ta ngồi ở cạnh anh, anh nhìn ông ta, anh nghĩ đến anh liền: ông có tất cả những tính tốt mà anh không có. Thế tưởng đã đủ quá rồi. Không ngờ ông ta lại muốn hơn thế nữa. Vì muốn khác hẳn những người ở chung quanh ông, vì muốn có vẻ một người hiền, đương yên lành chẳng làm sao cả, ông bỗng thuê thợ cạo cạo chọc đầu lông lốc.
Biết ông, cũng là một việc hay. Ở gần ông, thế nào cũng thấy một cái gì lạ lắm, và khi nào ông đã nói với anh, anh phải yên trí thể nào cũng có những chuyện mà anh không tài nào tưởng tượng được.
Ông tức là một cái cân rất đúng.
Hải yêu ông và trọng ông. Buổi chiều nào ở sở về, Hải cũng đi thong thả nói chuyện với ông hai ba phố. Đến ngã ba, mỗi người chia mỗi ngả, Hải ngả mũ “Lạy cụ ạ!” Thì ông Ký của Hải mới giơ tay bắt thực mạnh một cái rồi trèo lên xe về nhà.
Một hôm, sau khi ngần ngừ mãi, Hải đem nói tất cả những nỗi cô độc của mình cho ông bạn già để xem ông này nghĩ ra sao.
- Bác Hải! Hôm nay là thứ Bảy. Tôi cho thằng xe tôi về trước. Tôi có cái ý kiến mời bác lên Hàng Buồm ăn phở tái với tôi.
Hải trả lời:
- Vâng, đi thì đi, cần gì!
Ở trong hiệu cao lâu, Hải và ông bạn già vừa ngắt từng lá rau thơm vừa uống một cút rượu “con hươu”. Uống một chén, hà một hơi, để đôi đũa ghếch lên cái đĩa đựng xì dầu bằng nhau, thực cẩn thận, rồi ông Ký cổ mới trịnh trọng nói rằng:
- Bác Hải ạ, câu chuyện bác vừa nói với tôi lúc nãy thế mà quan hệ lắm đấy, chúng ta phải họp ý kiến của nhau lại mà đem bàn cho kỹ.
Riêng tôi thì tôi nghĩ thế này: bác biết chứ gì? Bác với tôi, hai chúng ta đương ngồi ở cái bàn này ăn phở. Tay chúng ta để ở trên bàn. Những người nào có làm thì phải có ăn. Ăn xong thì nghỉ. Chúng ta đủ hết cả. Chẳng dám giấu gì bác, tôi đi làm lấy lương chi dụng ở nhà, bà nó nhà tôi buôn bán thêm vào một chút. Tôi không phải lo đến ngày mai. Vậy tôi khuyên bác, bác nên lấy vợ. Trước là có người phụng dưỡng mẹ già mình, đỡ đần mình, sau là có con cái cho vui cửa vui nhà và giỗ chạp thờ cúng một khi mình trăm tuổi.
Hải nói:
- Đã đành thế rồi. Nhưng cụ tính, tôi đi làm được độ hai mươi năm đồng một tháng, ăn uống tằn tiện còn chẳng đủ, còn lấy tiền đâu mà lấy vợ? Lấy vợ bây giờ xoàng cũng mất dăm bảy trăm, một nghìn.
- Thưa bác, thế thì khó đấy. Hay là ta chơi họ?
- Tôi nghèo nên chẳng có ai rủ tôi chơi cả.
- Thế thì lại khó hơn. Bác có biết hiện giờ, tôi nghĩ gì không? Tôi nghĩ rằng: “Cuộc đời này như một phim chớp bóng. Tôi đã có hồi thiếu niên rồi. Tôi đã biết tất cả những sôi nổi, những sự rung động của tuổi ấy”.
Tôi chẳng dám giấu gì bác, tôi lấy nhà tôi từ năm mười sáu. Tôi còn dại lắm. Tôi không biết quý vợ ở nhà, tôi cứ đi theo cái lửa dục của tôi, năm hăm sáu tuổi, tôi bị anh em bạn bè rủ rê, mắc phải một con nhà trò. Chơi láo chơi lếu thế hại người lắm bác ạ. Mẹ tôi mắng tôi thậm tệ. Tôi bị ốm là khác, bác ơi, tôi xin nói với bác là tôi hối cho đến già.
Tôi lạy bác nhé, nếu bác có thương tôi thì bác nên trông cái vết xe mà tôi đã đi qua. Bác chớ nên chơi bậy.
- Cụ dạy, tôi xin vâng. Nhưng... nhưng... nhưng... cái tuổi trẻ, thưa cụ, tôi thấy... là một sự cần dùng khẩn cấp.
- Ấy đấy, chính thế. Tôi đã đọc mấy quyển sách về ái tinh dịch của Tàu và của Tây. Tôi biết lắm. Tình cần lắm. Tôi đã có hồi trẻ. Tôi nhớ lại hồi ấy, và tôi nghĩ rằng: “Những người nào thiếu tình khổ quá. Thực là những người đáng thương vậy”. Tôi tưởng tượng thấy lòng họ trống trải lắm, tôi tưởng tượng thấy họ không thiết sống làm gì hết.
Thưa bác, ấy là tôi nghĩ riêng tôi thế. Chứ bác đừng tưởng rằng thiếu tình thì nên chết đi đâu. Có một câu danh ngôn này: “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”. Tôi tin tưởng câu ấy lắm.
Bác chưa có tiền lấy vợ. Bác không thể đi chơi tầm bậy. Mà cái tuổi của bác hiện giờ nó lại làm bác sôi nổi, bừng bừng. Thế thì! Bác có muốn tôi khuyên bác không, bác Hải? Trời không có đãi riêng ai, hay phụ riêng ai đâu, bác ạ. Nắng lắm thì lại mưa. Hết đêm thì lại sáng. Tôi nhớ có đọc thấy ở trong một bài văn có cái luật thừa trừ. Không bao giờ ở đời lại có những kẻ suốt đời không thay đổi. Trời không để cho người ta ngủ gật đâu. Trời tài lắm, mầu nghiệm lắm, để cho người ta yên nghỉ một hồi mà dường tưởng lả không có mục đích đâu. Tôi thì tôi sợ lắm. Tôi yên thân như thế này đã lâu rồi. Bác cô độc mãi rồi. Chúng ta đều là hạng bất thường cả.
Bác Hải ạ, để bác xem, đời chúng ta tất sẽ xảy ra chuyện gì.
Ông Ký cổ và Hải nói xong câu chuyện thì vừa hết hai bát phở. Họ đứng dậy và đi về nhà. Đến sáng hôm sau, ông Ký cổ hãy còn hả về những câu triết lý hùng hồn nói với Hải.
Ngươi già nói có khác. Thực là những câu sấm. Chỉ một tuần lễ sau. Hải thấy nghiệm ngay. Đời Hải bỗng xảy ra một việc.
Hải có một bà cô không có con cái ở Hàng Rươi. Bà ấy buôn bán và cũng đủ ăn. Tự nhiên, bà ta ốm, Hải, là cháu đích tôn, chiều nào ăn cơm xong cũng phải lên hỏi thăm cô. Những em chàng còn bé, không biết gì về thuốc tây. Chính chàng, chàng phải xem đơn thuốc và phải thân hành đi mua thuốc cho người bà cô ấy.
Cũng như mọi ngày, chiều nay, Hải ăn cơm nước xong rồi, đội mũ, lần theo con đường Bờ Hồ, ra Hàng Gai, lên Hàng Cót, rồi rẽ về Hàng Bưởi. Đến Cống Đục, chàng thấy ở cạnh hiệu sách cũ, một đám người xúm lại chung quanh một bọn xẩm. Lúc ấy chưa đến chín giờ. Bọn xẩm này chắc vừa mới bắt đầu họp; và, từ tối, bài hát của họ đương hát là bài hát đầu tiên vậy. Người bố, mắt lòa mà đỏ chói như là vẫn còn đương chảy máu, bập bùng một cái đàn bầu đã gẫy cả cần. Hắn chặn đầu gối lên thành đàn và gảy đến chỗ nào như ý thì cúi mặt xuống chiếu và rung cái đầu lia lịa. Đứa con gái, cái bụng chảy xuống như cái bụng lợn sề, có ở giữa một cái mặt vàng ửng và hom hem, hai con mắt thực to và sâu hoắm như hai cánh hoa bẩn thỉu. Con này hát, và giọng hát của nó rít lên. Còn hai đứa bé con trai - dáng chừng là em con bé hát xẩm - thì ngồi dựa vào nhau như là hai con vật dữ tợn; chúng có vẻ mệt nhọc quá, chỉ rinh rinh ngoạm những người đứng xung quanh.
Một bọn hát xẩm bồn người. Một gia đình đi kiếm ăn ở cùng đường. Hà nội đã vơ lấy chúng vào tay và bóp bẹp. Cổ con bé hát xẩm ngư gần tắc. Nó hát thế này:
... Muốn tắm mát thì lên ngọn sóng đào,
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh.
Đôi tay em ngứt đôi cành,
Quả chín thì hái, quả xanh thì đừng...
Những con sen, thằng nhỏ ở máy nước gần đấy lắng tai nghe. Nhiều người đi đường dừng chân lại, nhìn một tí rồi đi. Có mấy cô con gái mặc áo xanh đỏ cười và vứt chinh vào cái chậu của mấy bố con người xẩm.
Hải dừng chân lại. Người ta nhìn bởi vì người ta phải nhìn một cái gì. Những gái giang hồ ở những nhà chơi gần đấy cũng vậy. Họ biết rằng khi nào có đám đông tụ họp thì họ có nhiều dịp may. Và tiếng đàn bầu tưng tưng lấn hết cả những tiếng khác. Tiếng đàn bầu khắc khổ, không đều và thỉnh thoảng lại phựt phựt lên điếc cả tai:
Ba bốn năm em ăn ở trên rừng,
Chim kêu vượn hót nửa mừng nửa lo.
Đã trót sa chân mà bước xuống đò,
Gieo mình xuống sạp nhưng lo cùng phiền.
Chợ tính Đông một tháng sáu phiên,
Gặp cô hàng xén kết nhân duyên vừa rồi...
Hải nghe thú lắm. Chàng thấy tất cả cái tinh thần của người mình ở trong câu hát, chàng thấy một cái buồn nhẹ nhàng như một lời hứa hẹn, một lời trăng gió. Chàng không cho bọn xẩm một đồng trinh nào cả, nhưng trong lúc chàng đương ngây ra để ngắm cái miệng của con bé hát xẩm và khen “Hay! Hay!” thì có một ai chạm vào vai chàng khe khẽ. Chàng quay lại thì thấy một người đàn bà xinh xẻo nói bâng quơ rằng: “Cũng chẳng lấy gì làm hay lắm. Mà nó còn bỏ dở đấy, chứ đã hết bài hát đâu!”
Hải liếc thật nhanh và thấy người con gái vừa nói búi tóc đẹp quá và có vẻ hiền lành, dí dỏm như con mèo.
Hải cảm động quá, ngập ngừng mãi mới nói được:
- Thế bài hát ấy còn nữa, thì đoạn dưới ra thế nào?
Nàng trả lời:
- Đoạn dưới như thế này:
Trong bồ cô có những quế cùng hồi,
Có mẹt bồ kếp, có nồi phèn chua,
Bó hương thơm cô để cạnh bồ...
Và thế cũng chưa hết đâu. Để một tí nữa em nhớ hết.
Nhớ hết hay không, thôi, bây giờ Hải có quan tâm đến làm gì. Hải chỉ biết rằng một thiếu nữ xinh xắn mà lại có duyên đem lại cho ta nhiều sự lạ hơn những bài hát cổ. Tức thì, Hải không nghe hát xẩm nữa. Hải nói với người con gái: “Thưa cô, chắc cô nhớ nhiều bài hát hay lắm và giọng cô cũng trong lắm nhỉ”.
Nàng trả lời rằng:
- Em hát cũng chẳng có gì làm hay lắm nhưng mà nghe tàm tạm được. Thế nhưng mà ai lại hát cho anh nghe ở đây bao giờ?
Mười giờ tối sắp đánh rồi mà tiếng đàn bầu khốn nạn cứ kêu lên thống thiết cho đến khi nào đội xếp cấm mới thôi. Hải và người con gái nhanh mồm nhanh miệng kia rẽ đám đông ra ngoài. Họ đi về phía gầm cầu. Đến đầu Hàng Đậu, thấy người bạn gái của mình không tỏ vẻ gì là dữ tợn hay khó chịu, Hải mời vào xơi nước ở một quán bán nước chanh gần đấy. Chàng chỉ sợ người con gái kia không nhận lời.
Ấy thế, Hải đã gặp Trâm một buổi chiều. Chàng cười sung sướng vì Trâm đẹp và có cái miệng xinh mà có duyên.