Chương IX

     hững người đã nói như thế không phải là những người nghĩ rộng.
Giam kín mình trong bốn bức tường, mà hàng chục người khỏe mạnh chỉ có chung nhau độc một cái cửa sổ để hít thở không khí của Trời cho, họ làm sao mà có đủ một cái trí khôn tốt lành để xét đoán những việc tày trời có quan hệ đến sự sống, chết của người ta được.
Không, không, Hải có chết đâu. Hải sống, với tất cả nghĩa của sự sống. Cứ nhắm mắt mà nói thì người ta cũng có thể biết là Hải chưa chết được.
Trái lại, và một chứng cớ:
Sáng nay, đến sở, Hải đã cho một người bạn ngồi gần mượn một cái tẩy chì. Chàng không cầm từng quản bút một đặt lên bàn, nhưng cầm một lúc cả ba quản bút. Cái nhựa chảy trong người chàng mạnh mẽ thay, chàng quay bên phải, chàng quay bên trái, chàng không làm gì cả, chàng nghĩ, chàng cười, chàng chống tay vào hai má.
Thì ra Hải có một mối băn khoăn trong lòng.
Nguyên do thế này:
Cái nhà mà Trâm ở, có ba gian. Gian dưới thì người đứng trương nhà ở với một bà vợ béo ghen như sư tử và có một đàn con trứng gà trứng vịt. Hải không lấy gì làm sợ cả.
Cái gác Trâm ở trông ra một cái vườn hoa, cái đó đã đành rồi.
Nhưng gian thứ ba... gian thứ ba. Một bọn học trò chung tiền thuê ở đó với nhau. Họ có cả thảy bốn người. Bốn người còn trẻ cả, trông xinh trai cả. Bốn người ấy là bốn người của Đời Mới và có những con mắt lẳng và chẳng có lấy một mống ái nam ái nữ. Bốn người ấy nhảy đầm, hát tiếng Tây và môi khi thấy gái đều lấm lét như thể mèo thấy mỡ.
Tuy vậy, những cái đó vẫn chưa quan hệ.
Cái quan hệ là bốn người ấy lại có mỗi người một cái miệng để cười.
Mặc chúng! Cái đó chưa quan hệ lắm.
Ai còn biết lúc vắng mình thì chúng nó còn làm với nhau những trò gì? Hải thấy thế không thể nào chịu được. Trâm đã dạy chàng lắm điều hay; cái da bụng của nàng rộng rãi lắm, một bàn tay che không đủ. Hải không ngủ gật, Hải cũng biết ghen. Chàng bèn khinh bỉ tất cả bọn bốn anh học trò mất dạy. Nhưng thế cũng chưa đủ. Buổi sáng hôm ấy, chống hai tay vào má để ngồi tính toán chuyện đời, chàng bèn nghĩ ra một kế và chàng sung sướng lắm. Ngay buổi chiều hôm ấy, chàng thắt cái ca-vát cẩn thận, đến tìm vợ chồng ông chủ nhà dưới mà nói rằng:
- Thưa ông bà...
Hai vợ chồng người chủ nhà mời Hải ngồi chờ ở ghế.
Không đợi cho họ mời chàng xơi nước, Hải nói tiếp luôn:
- Thưa ông bà, “nhà tôi” hãy còn trẻ người non dạ. Cái tính nó hay la cà, nhờ ông bà coi sóc giúp hộ tôi và khi nào nó có xuống dưới nhà chơi thì ông cũng làm ơn lấy lời phải trái mà khuyên hộ.
Hải lấy làm thú lắm. Như thế, chàng không phải băn khoăng nữa. Bởi vì hai vợ chồng ông chủ nhà sẽ bảo riêng cho chàng biết về cái tình của Trâm đối với chàng, và “nói dại đổ đi” ngộ Trâm có đi chơi khuya, hay bậy bạ gì thì Hải biết, không tài nào giấu được.
Chàng nghĩ thầm: “Ở đời, phải khôn thế mới sống được. Hàng ngày mình đọc báo chẳng thấy chán vạn anh ngờ nghệch, không biết cách giữ vợ nên mất vợ như chơi chứ gì!”
Hải nghĩ như thế là nghĩ xa. Thực ra, chàng không thể nghi ngờ Trâm điều gì cả. Phải, phải, nếu Trâm có hay cười và trò chuyện với bốn người học trò ở cùng nhà, đó cũng chẳng qua là nàng vui tính mà thôi. Hải là bạn lòng của Trâm, một kẻ tóc chân răng của nàng, chàng cũng biết: Trâm không phải là một người bậy bạ. Cái tính đằm thắm của nàng, những sự chiều chuộng chàng ở trên giường, những cái thở dài, những con mắt... những con mắt, không thể làm cho ta nghi ngờ một tí gì. Chàng nghĩ như thế và chàng chắc lắm bởi vì chàng có chứng cớ. Chứng cớ ấy là: Hải chưa bắt được quả tang Trâm phụ tình ở trên giường của nàng hay trong một căn phòng cho thuê bao giờ.
Hai tháng đi qua. Những cây phượng vĩ ở trước cửa Trâm đã bắt đầu đâm nhiều lá xanh non và những cánh hoa đỏ như là máu ở tim đã nở và đã rụng ở trên những thảm cỏ xanh. Ve kêu óng ả: mùa hè đã đến từ lâu rồi. Hải cũng không thể bỏ mẹ ở nhà với các em mà đi, đi biền biệt như trước nữa.
Hải phải ở cạnh mẹ và có hôm cách một ngày mới lại đến Trâm một lần.
Một hôm, vừa đến cửa nhà Trâm ở, chàng vội vàng sắp trèo thang lên gác - vì đã bốn mươi giờ đồng hồ rồi, chàng chưa được gặp Trâm - thì bà chủ nhà gọi giật Hải lại và nói:
- Bà nhà vừa đi khỏi, có dặn tôi nói hộ với ông độ năm giờ mới về được, bởi vì bà nhà phải đi đốc-tờ xem mạch.
- Nhà tôi làm sao thế, thưa bà?
- Thế bà nhà không nói chuyện với ông sao? Nghe đâu bà mệt lắm nên đã hai tháng nay cứ độ vào khoảng từ hai giờ đến bốn năm giờ gì đó thì lại đi đốc-tờ...
Bà chủ nhà đã đứng tuổi và khôn ngoan lắm nên rất giữ gìn lời nói. Bà đã ngần ngừ biết bao lâu. Bà thừa rõ Hải là một gã mê gái lắm. Nhưng... nhưng... bà thương Hải bởi vì Hải hiền lành, Hải thật thà, Hải ít lời, bà muốn, - là lần đầu mà cũng là lần cuối - bảo một cách xa xôi cho Hải biết để mà chàng mở mắt ra.
Nghe nói thế, Hải nhắm mắt lại mà cười:
- Thưa bà, ấy, nhà tôi nó tốt thế đấy. Nó ốm lơ ốm lửng mà không chịu nói cho tôi biết chỉ là tại nó sợ tôi lo phiền.
Bà chủ nhà “vâng” một tiếng bình thản rồi lại cúi xuống ăn trầu. Cái đời nó thế, nó muốn ra sao, mặc nó.
Trước khi Hải đứng dậy xin phép để ra về, bà chủ lại nói thêm:
- Thưa ông, thế cụ nhà ta, mấy hôm nay đã được mạnh chưa?
- Cảm ơn bà, cụ cháu đã khá, nhưng vẫn còn phải uống thuốc.
- Các cụ mỗi tuổi mỗi già. Nếu ông cho bà nhà ta được hầu hạ cụ, để cho ông đỡ vất vả một chút thì có phải là hơn không?
Hải nói:
- Thưa bà, tôi cũng đương nghỉ thế. Nhưng để còn phải liệu.
Sự thật, việc ấy, Hải đã liệu từ lâu. Chàng đã biết bao lâu dò ý mẹ chàng, mẹ chàng lần nào cũng nói như lần nào: “Con là con trai đã lớn tuổi rồi. Con cũng nên nghĩ đến chuyện gia thất để cho mẹ còn được một chút cháu để bồng. Còn các em con đấy, mẹ nẫu cả ruột gan, con ạ. Con cái đã lớn rồi mà chưa đứa nào nên thân người...” Những câu nói ấy, những khi nào Hải một mình, chàng thường nhắc đi nhắc lại một cách buồn rầu. Biết bao nhiêu lần chàng đã định quả quyết về nói hế cả tình đầu với mẹ để xem mẹ thương phận nào thì được nhờ phận ấy. Không ngờ... thực không ngờ, ngồi mà nghĩ một mình thì dễ, mà về nhà gặp mẹ thì khó hở môi ra, thành thử Hải cứ trù trừ mãi, chưa nói được. Sau cùng chàng cũng chẳng để ý đến việc nói với mẹ cho Trâm vè hầu hạ nữa. Bởi vì, chính Trâm, nàng cũng có vẻ không muốn về làm dâu bà cụ.
Trâm nói:
- Anh ơi! Chúng ta như thế này chẳng sung sướng rồi sao? Có gì anh lại cứ phải nói với mẹ cưới em mới được?
Trâm nói rất phải: cưới nhau nghĩa là gì? Cưới nhau là lấy nhau về để ở cạnh nhau. Mà Hải với Trâm, thì Hải đêm nào và ngày nào chẳng ở cạnh Trâm?
Vả lại, tự mình sinh ra những việc khó khăn để làm gì? Ai mà chẳng còn biết ở nước mình, vấn đề mẹ chồng nàng dâu là một vấn đề rất khó giải quyết? Hai dạng người đó ở thời nào cũng như nước với lửa, mặt trăng với mặt trời. Họ coi nhau như quân thù. Ở giữa hai người ấy, chỉ anh đàn ông là khổ: được lòng vợ thì mất lòng mẹ, mà được lòng mẹ, thì mất lòng vợ.
- Ôi thế thì khổ quá! Thế thì khổ quá!
Hải đã nghĩ như thế và Hải đã cho thế là chí lý.
Nhưng bây giờ, chàng thấy như thế mãi không được nữa. Không được nữa, bởi vì chàng ghen Trâm, sợ những lúc vắng mình, Trâm bậy bạ, cái đó đã đành rồi. Nhưng sự quyết định hôm nay có một cớ khác mà cớ ấy mới là cớ chính: ngàn rưỡi bạc của Hải đã gần hết, chỉ còn vài trăm thôi!
Chàng đã giật mình khi thấy túi tiền. Túi tiền một khi đã hết, chàng biết bói đâu ra để thuê nhà cho Trâm ở nữa, để cung phụng Trâm nữa và để sống với nhau như trước nữa?
Đã đành là Hải còn có lương mỗi tháng. Mỗi tháng, bây giờ, chàng đã được ba mươi bảy đồng lương thật, nhưng chàng còn em chứ! Chàng còn mẹ chứ! Chàng còn phải đưa cho nhà để đóng họ đã mua sồi những lúc chưa có việc làm ăn chứ!
Hết vài trăm bạc còn lại, Hải không còn biết trông vào đâu nữa. Cái việc nói với mẹ cho Trâm về hầu hạ ở nhà và đỡ đần công việc làm ăn buôn bán là một việc cần.
Chàng đi một mình ở chung quanh bờ hồ. Chàng nghĩ những câu nói đáng thương để làm lay chuyển lòng mẹ.