MỘT ÐÊM ÐÔNG Ở KHÂM THIÊN
Mười bảy ngày trước Tết Nguyên Ðán năm 1950, một phái đoàn nghị sĩ Việt Nam ở Sài Gòn ra Bắc để cứu xét mấy vấn đề chính trị và kinh tế. Bây giờ tôi không nhớ rõ phái đoàn có bao nhiêu người, chỉ biết trong đó có bốn người mà tôi quen biết. Bốn người quen biết đó gồm một kỹ sư, hai chủ báo và một người trước đây làm việc cho một công ty bảo hiểm.
Vì đi dự mấy phiên họp đầu, tôi gặp bốn người bạn đó rủ đi ăn. Ðể đáp lễ, hôm phái đoàn sắp ra về, tôi mời họ đi hát Khâm Thiên. Cả bọn đều nhiều lần nói với tôi rằng ăn mãi cũng chán, muốn thưởng thức một cái gì rất lạ và rất Bắc Kỳ; mà nếu có vể thơ mộng nữa thì càng hay.
Tôi nghĩ không có gì hơn là mời họ đi nghe hát cô đầu. Tối hôm đó khi lên xe tôi thấy một người thứ năm. Một trong hai ông nhà báo giới thiệu:
- Ông bạn già đây không phải là nghị sĩ. Ông ấy là người Nhật giúp việc cho một tờ báo Nhật và được cử sang Việt Nam cùng với phái đoàn Nhật để quan sát và gửi tin tức về cho tòa soạn.
- Hân hạnh. Cuộc tao phùng hôm nay chắc chắn sẽ nhờ đó mà vui vẻ đậm đà hơn.
Tôi cúi đầu chào ông nhà báo Nhật. Ông đưa cho tôi một tấm cạc đề tên ông: Foumiko Tayabashi.
Thưa ông, ông là quý khách. Tôi rất hân hạnh được mời ông đi thưởng thức một nghệ thuật có nhiều dân tộc tính của nước tôi.
Ông Foumiko Tayabashi là một người đã có tuổi, nhưng không khỏe mạnh như những người Nhật khác mà tôi thường gặp. Ông bao nhiêu tuổi? Tôi đoán có lẽ đến năm mươi, nhưng trông da mặt và cặp môi nhăn nhúm cùng với vẻ buồn rầu ở đuôi hai con mắt của ông có người cho ông khoảng sáu mươi hay sáu mươi mốt.
Khi trống và bàn đèn chiếu rượu dọn ra rồi, tôi hỏi thăm mới biết ông là ký giả kiêm văn sĩ. Trước khi Nhật, Ðức, Ý kết liên thành Trục đánh Ðồng minh, ông đã xuất bản hai quyển sách ngụ ngôn nói bóng nói gió nhiều đến cái nạn quân phiệt Nhật, một cuốn thơ và mấy cuốn tiểu thuyết xã hội nói về “số kiếp con người”.
Ông Tayabashi có ý mến tôi hết sức. Không hiểu ông mến tôi như thế là vì câu chuyện của tôi nói với ông hay chỉ là tại ông thấy tôi là bạn văn chương thanh khí đồng ý với ông rằng nền văn minh, văn hóa Ðông Phương chưa chắc đã dở như một số người ở các nước khác vẫn tưởng. Bây giờ ngồi thuật lại chi tiết câu chuyện, có lẽ không phải dễ... Tôi chỉ nhớ là khoảng mười một, mười hai giờ gì đó; chúng tôi gặp nhau không bao lâu mà đã trở thành đôi bạn tuy nhất kiến vi kiến nhưng thương yêu nhau thật tình y như thể đã quen biết nhau từ lâu lắm. Tôi nói:
- Trước đây, tôi có một lần đi qua Nhật ở một ngày. Quý quốc đẹp lắm, nhưng bây giờ, sau Thế Chiến Thứ Nhì, chắc chắn là thay đổi nhiều lắm. Qua những bài phóng sự đăng trên các báo ở Âu Mỹ mà tôi được đọc, con người ở quý quốc cũng có ít nhiều đổi thay, nhưng chẳng biết về phong tục thì có thay đổi gì không? Riêng ở nước chúng tôi đây, chiến tranh cũng làm đảo lộn hết cả trật tự từ ngày xưa để lại. Trái gái đĩ bợm nhiều hơn. Ðó là chuyện trong thời chiến...
Khoảng một giờ đêm thì ba người về. Còn lại một ông chủ báo ở lại trò chuyện với ông Tayabashi.
Ðêm đông ở Bắc buồn như một đám tang đi trong rừng. Chúng tôi nói hết với nhau về thảm cảnh chiến tranh và mỗi người có ít nhất vài ba chuyện để kể cho nhau nghe những oan khổ lưu ly do chiến tranh đã tạo ra cho xứ sở.
Ông bạn chủ báo của tôi đang nằm vội ngồi nhỏm dậy hỏi:
Tôi hỏi thật hai ông: những người gây ra chết chóc, những người tàn sát không gớm tay, có bị một đấng vô hình nào trừng phạt không?
Ông Tayabashi và tôi, trước câu hỏi đột ngột đó, lặng yên không đáp. Ông chủ báo nói tiếp:
- Phần tôi, mặc kệ ai chê là hư bại và chậm tiến, tôi lúc nào cũng tin có quả báo và hối hận. Ðây là một chuyện tôi cam đoan chính tôi nghe thấy và trông thấy: một viên trung úy người Thượng, nhảy dù trong trận đánh Thái Nguyên, có tiếng là đa sát và hãm hiếp đàn bà con gái xong thì giết chết nhưng đánh trận nào cũng thoát chết. Ðến trận cuối cùng, không hiểu vì hơi bom hay đạn bắn xuyên qua hàm lên óc nên ông ta bị mù hai con mắt. Ông ta được giải ngũ và đưa sang Phi Luật Tân để chữa bệnh. Nhưng chữa không khỏi. Ông ta điên điên khùng khùng... muốn chết không chết được... điên vì theo đúng lời ông ta thuật lại cho bạn hữu nghe khi tỉnh cơn điên rằng cứ mỗi đêm khuya ông thấy từ trong hai con mắt mù lòa của ông có những người bé tí nhảy ra, đi đi lại lại và bàn bạc với nhau những chuyện gì nghe không rõ sau đó rồi trèo lên mũi lên trán ông gõ chân theo nhịp và hát cho đến sáng lại chui vào hai lỗ mắt...
Nhưng thế là sự hối hận? Là ảo ảnh? Hay là ma quỷ hiện ra để chọc ghẹo ông?
..........
Mưa phùn mùa đông ở miền Bắc có cái đặc biệt là hình như biết bay và thấm qua tường và cửa sổ để làm ẩm ướt, giá lạnh cả những căn phòng đóng kín. Khêu to cái bấc lụi của ngọn đèn dầu lạc, chúng tôi thấy tê buốt đến chỗ sâu thẳm nhất của lòng. Ở trên trời khuya, gần sáng có tiếng sếu kêu buồn đứt ruột.
Ông Tayabashi nhìn tôi hỏi:
- Ý ông ra thế nào?
- Thú thật với ông, tôi theo Tây học từ thuở nhỏ, người ta dạy tôi không có ma không có quỷ, chết đi là hết, nhưng tôi không cho thế là đúng. Trái lại, những chuyện như chuyện ông bạn vừa kể đây, tôi tin rất có thể là thực, nhưng tại sao lại thế thì tôi không giải thích được vì tôi chưa học về thần linh học, ma quỷ học. Nhưng tôi không vì lẽ chưa học, chưa tìm tòi, chưa thí nghiệm mà đã khẳng định là không có ma, không có tiền kiếp, không có luân hồi, không có báo ân báo oán.
Ông Tayabashi hút điếu thuốc thứ ba xong, rồi nói:
- Tôi cũng như ông vậy. Tôi cho rằng ở đời không có cái gì “hết”, hóa rồi lại sinh, sinh rồi lại hóa. Người Tây không tin có luân hồi vì tại họ chưa học, chưa thấu, chưa hiểu. Mà họ không tin có ma có quỷ, không tin có quả báo, trừng phạt, không tin có tiền oan nghiệp chướng, không tin có âm phù dương trợ, đó là quyền của họ. Nhưng tôi không thể viện cớ nói họ không tin mà tôi vẫn nhắm mắt cúi đầu tin theo họ.
Các ông đã đọc truyện “Liêu Trai” nhiều rồi phải không? Tôi cũng đã đọc, không phải đọc bản dịch ra tiếng Nhật mà đọc nguyên văn chữ Hán.
Ðọc rồi, có nhiều người cho rằng “Liêu Trai” là chuyện bịa đặt tưởng tượng ra để răn đời. Ðó cũng lại là cái quyền của những người đọc sách. Nhưng riêng tôi thì tôi tin một cách thành thật là tác giả truyện “Liêu Trai” đã kể lại nhiều chuyện có thực vào thời đó.
Tại sao tôi lại tin như thế? Là vì chính tôi đã thấy ma, thấy trước Thế Chiến Thứ Hai, thấy sau khi nước tôi thua trận và chính vào thời kỳ đó những chuyện có thực mà có vẻ liêu trai đã diễn ra khá nhiều mà chính mắt tôi đã được chứng kiến.
Tôi rất tiếc không đem theo một cuốn tiểu thuyết mà tôi viết trước đây đã in thành sách và dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp, để biếu hai ông.
- Ông bạn viết gì trong đó?
- Tôi viết một truyện có thực, nhưng vốn biết rằng nếu truyện thực ấy mà nói là có thực thì nhiều người không tin nên tôi phải ghi là tiểu thuyết. Tiểu thuyết ấy có nhan đề “Cái Ðèn Lồng”. Nếu các ông không ngại mất ngủ, tôi xin thuật lại câu chuyện ấy để các ông nghe.
- Vậy thì còn gì hơn nữa. Những đêm như thế này, có muốn ngủ cũng không tài nào ngủ nổi. Ðược một nhà văn kiêm nhà báo danh tiếng như ông kể chuyện cho nghe, chúng tôi rất lấy làm hân hạnh.
Câu chuyện “Cái Ðèn Lồng” của ông Foumiko Tayabashi như thế này:
NGƯỜI ÐẸP VÀ Ả NỮ TỲ XÁCH ÐÈN LỒNG
Sau mười năm đèn sách cần cù, Ðại Thông Thái Lang đã chiếm được bảng vàng để có thể làm cho chàng sau này có một địa vị khá cao trong nước.
Chàng vội vàng từ giã cái tỉnh lị nhỏ bé mà chàng ở bấy lâu để đến Yên Ðô, cái kinh thành có trăm nghìn phù hoa sa vọng mà người ta có thể hy vọng lập được sự nghiệp lẫy lừng. Những ước mơ của Ðại Thông Thái Lang thực không bờ bến: trẻ tuổi, đẹp trai, mà lại tài hoa, còn có gì ở đời này có thể cản trở được chàng?
Những người đàn bà nhan sắc nõn nà say mê cái vẻ mặt khôi ngô tuấn tú của chàng lúc nào như cũng vơ vẩn một mối buồn não ruột: cái miệng chàng mới dễ thương làm sao, nó đã làm cho biết bao nhiêu trái tim rung động và mắt chàng lúc nào cũng chói lọi sự hiên ngang, khí phách.
Chàng đến Yên Ðô để tìm bước tiến thân, nhưng ở đó, chàng đã gặp một mối tình: Ngọc Hân Nương, một cô gái ngây thơ, trong trắng như một đóa hoa đào chớm nở. Ðại Thông Thái Lang không nghĩ đến chuyện làm ăn sinh sống nữa.
Ngọc Hân là con một của một vị phú thương, được cha mẹ yêu thương cưng chiều, mà vị phú thương ấy lại coi người tình của con gái như là con trai ruột.
Sau ngày cưới, cặp uyên ương đưa nhau đi giấu hạnh phúc ở một làng hẻo lánh rất nên thơ đó là làng Hối Tử, ở ven hồ Bình Hoa thơ mộng. Trong một năm tròn, cặp vợ chồng trẻ yêu nhau quên cả tháng ngày. Nhưng, sang đến mùa xuân năm sau thì Ngọc Hân bị cảm mạo và võ vàng đi, nhan sắc nàng tàn tạ. Rồi một đêm kia, nàng bỏ chàng ở lại, để sang bên kia thế giới.
Mọi người đều tưởng Ðại Thông Thái Lang phen này bị thất tình có lẽ đến điên. Suốt ngày chàng kêu khóc và gục đầu xuống một cái áo dài hãy còn thoang thoảng hương yêu của người đàn bà bạc mệnh. Sự khổ não của chàng làm cho người ta tưởng rằng chàng yêu vợ lúc chết gấp trăm lần lúc sống. Chàng gợi những chuyện sầu thảm, não nùng đến với lòng như thể xem sự sầu thảm và não nùng nó bao la đến bực nào. Ngày ngày chàng ra ấp mộ vợ để kêu thương khóc lóc. Ngọn cỏ ở trên mồ vẫn còn chưa xanh.
Bước một, cúi đầu, cõi lòng tan nát, chàng đi ra cái hồ đựng nước phép và lấy một cái gầu múc nước, kính cẩn tưới lên trên mộ để cho người nằm bên dưới được mát mẻ linh hồn. Ðoạn, chàng khóc nức nở, cổ họng chàng như bị nghẹn; nước mắt chàng trào ra và như đốt cháy con ngươi vậy... vì những tháng ngày hạnh phúc bên Ngọc Hân lại hiện về trong tâm trí...
Một ngày đẹp trời, chàng cùng Ngọc Hân dắt tay nhau đến đền Mỹ Ðế cạnh hồ Bình hoa để viếng thăm mộ của các bậc trung thần và cả những ngôi mộ của gian thần.
Ðại Thông Thái Lang nhớ lắm.
Ngọc Hân Nương, cũng như trăm ngàn người mộ đạo đã đến cái quán ở gần đó mua nước phép để rảy lên mộ. Nhìn cái dáng yêu kiều của nàng yêu kiều diễm lệ làm sao. Tóc nàng xức dầu thơm bóng lẫy như lông quạ, nàng cài những cái trâm nạm ngọc và cái lược đồi mồi vén tóc nàng lên để lộ một cái gáy thanh tân, trắng muốt. Như thấy tôi nhìn âu yếm, nàng quay lại mỉm cười. Tôi nói với nàng rằng:
- Em ơi, rảy nhiều nước lên mộ bực tôi trung nghĩa kia đi, còn anh thì anh sẽ làm vấy bẩn những nấm mộ của kẻ gian thần bạc ác. Và điều đó đã trở thành tục lệ: nước tốt thì dùng để cho linh hồn của những bực anh tài khí dũng, mà cái gì xấu thì lại cho những con người đê tiện.”
Nàng quỳ xuống một cách rất nhẹ nhàng. Hai mắt đen lay láy của nàng như chan chứa một niềm kính cẩn và thương xót. Nàng khẽ trách tôi:
- Không anh ạ. Những người ác cũng như những người hiền, một khi đã nhắm mắt, không còn khác nhau gì hết. Linh hồn của những người tội lỗi, em nghĩ rằng chúng ta phải an ủi nhiều hơn linh hồn của những bực sĩ hiền. Nếu đứng vào địa vị của anh, em sẽ rảy một ít nước lên mộ này, anh ạ. Ta chớ nên đùa ở trước linh hồn của những kẻ đã khuất.
Ngọc Hân ơi, em đã sống, em đã được cha mẹ chiều chuộng, em không hề bao giờ biết sự đau khổ và lòng thù hằn như thế nào. Em chính là một viên ngọc quý giá vô cùng, em mềm mại thơ ngây như một con chim vô tội, em đem một tấm lòng trong trắng để yêu thương cả một đời mà chúng ta đã sinh sống với nhau. Ở trong khung tóc đen lay láy của em, hai lúm đồng tiền lúc nào cũng làm tăng vẻ đẹp của đôi má hây hây đỏ như hoa anh đào, nhan sắc của em tươi thắm như buổi sáng mùa xuân. Chao ơi, người con gái của mùa xuân ơi, em tựa như hoa mới nở chưa gì đã tàn mất rồi. Em chết. Không, không, hình dáng em, kỷ niệm của em sẽ mãi mãi như một cánh hoa, một nụ thắm ở trong tay anh, em ạ...
Cõi lòng tràn tiếc nhớ thảm thương, Ðại Thông đứng dậy, không nghĩ nữa. Chàng đi lang thang ở quanh hồ Bình Hoa và nói lảm nhảm một mình:
- Hồ hỡi hồ, bao nhiêu thi sĩ đã ca tụng vẻ thần tiên của hồ, nào là những buổi chiều xuân, tiếng chuông đền Mỹ Ðế làm rung động làn không khí đầy hương ngát hoa và tiếng chim họa mi ca hát ở trong những rặng anh đào nở tưng bừng như một buổi bình minh; nào là những đêm hè nóng bức mà cây thông cô độc ở trên đồi Kha La Sĩ lại còn ưa nhìn hơn những đóa hoa trăm sắc, và người khách bộ hành đi dưới chân dãy Hoang San đưa tay ra vứt quạt đi để tận hưởng sự vuốt ve của gió mát lùa qua những cành cây bên hồ.
Hồ ơi, sau những bài thơ như bướm đẹp của thi sĩ Bảo Sơn Ðiền, còn ai lại dám nghĩ đến sự đề vịnh những buổi chiều thu ở bên hồ Diễm Tứ, những đàn ngỗng trời bay ở trên đỉnh núi Cao Kha bay ở trên đỉnh Huyền kéo dài những tháng ngày mùa đông giá lạnh ngắn ngủi trong khi thuyền bè trôi mất hút trên mặt nước mịt mù của Hải Vi Giang.
Ðại Thông yêu mến những cảnh hữu tình đó, những cảnh từng chứng kiến biết bao nhiêu kỷ niệm của chàng. Ngày nào cũng vậy, vào lúc mặt trời bóng xế, chàng cũng chắp tay sau lưng đi từng bước bên hồ, mặt mày sầu đau, làm cho người nào trông thấy cũng mủi lòng ngoảnh mặt, không dám nhìn lâu.
Thế rồi chàng bỏ căn nhà mà chàng đã hưởng một năm trời hạnh phúc với Ngọc Hân trong căn nhà nhỏ mà mỗi đồ vật đều nhắc nhở chàng nhớ đến người vợ đã chết yêu quý của chàng. Nào là cái bàn trang sức mà mọi khi nàng đã trau giồi nhan sắc để làm vừa lòng người yêu; nào là những cái gương nào đã soi; nào là những cây trâm kẹp tóc nho nhỏ xinh xinh, nào là... nào là... tất cả những vật dụng mà tay nàng đã cầm hay làm mắt nàng đã trông; cả khí trời nữa cũng là khí trời nàng đã thở.
Cho dù Ðại Thông ở ẩn dật trong một gian nhà sơ sài, ngay trên đười cái đi từ Hối Tử đến Bình Hoa. Tuy vậy ký ức của chàng vẫn không để cho tim óc chàng quên lãng được những chuyện đã qua.
Một mùa xuân nữa lại qua đi. Con chim cá mà trong văn thơ Nhật, các thi nhân vẫn bảo là tiếng kêu thương của mặt trăng; Ðại Thông kêu khóc người vợ bạc mệnh của chàng và dần dần thất thanh đi. Cái cười cái vui vẻ của chàng không còn đến với chàng nữa. Cho tới rạng đông ngày hội lễ Quần Tính...
Ngày mai đây, nếu trời đẹp thì Chức Nữ sẽ đi qua dãy Ngân Hà để gặp Ngưu Lang. Ðại Thông ngồi cạnh bên mộ vợ than khóc:
- Ngọc Hân em ơi, ngày mai đây là ngày hội của Ngưu Lang, Chức Nữ. Năm ngoái, em nhớ không? Em lo sợ vì trời giăng mây âm u quá làm em cầu Phật Trời đừng mưa để cho đôi lứa ấy gặp nhau. Em đã viết bao nhiêu bài thơ thần trên giấy ngũ sắc và cắt những hình người hình thú để treo lên ngọn tre trước nhà để chúc cho hạnh phúc đôi ta bền lâu và cầu mong trời kéo mây đi để nắng lên cho Ngưu Lang Chức Nữ được gặp nhau.
Thế mà... Thế mà năm nay em không còn, số phận anh không bằng Ngưu Lang bởi vì Ngưu Lang, Chức Nữ một năm còn gặp mặt một lần, chứ như anh đây thì mãi mãi, mãi mãi...
Sầu biết bao nhiêu, khổ biết ngần nào! Ðại Thông đi thơ thẩn không thiết gì đến thời gian. Sau cùng, chàng định quay về thì bóng tối lúc ấy đã rải rác ở dưới những tàng cây trên đồng ruộng. Con đường đất nằm dài trước mặt chàng như một dải lưng quấn lấy người chàng. Chàng thấy những cây sồi ngã những bóng đen nặng nề ở vòm trời, như một bức tranh thủy mạc. Buổi hoàng hôn làm cho cảnh vật nhuốm một vẻ mơ hồ, huyền ảo. Ánh sáng còn rớt lại của ban ngày biến đổi thôn quê thành một thế giới hãi hùng, rùng rợn. Những con dơi bay là là mặt đất và chạm cánh vào vai khách bộ hành đi chơi về hơi khuya...
Hôm nay, chàng về trễ hơn ngày thường. Mọi khi ở đây, chàng thường gặp con sen ngồi rửa chén đĩa ở bờ suối, bên gốc thùy dương, cạnh một căn nhà trắng bệch một cách phi thường. Hôm nay, nó cũng đã về từ lúc nào, và chàng lấy thế làm sợ nên ôm đầu chạy, chạy thật nhanh.
Không bao giờ đường về đối với chàng lại xa thẳm như thế này. Chàng chạy mãi, sau tới một cái miễu u uất mà chàng chưa thấy bao giờ cả. Hay là chàng lầm mất đường rồi? Tuy vật, chàng cứ tiến, và sau cùng, đi tới một cái cổng tiêu điều, cột kèo xiêu vẹo, trông có vẻ thê lương làm sao. Những cái tường bằng đá xám, có rong rêu bám từng chỗ nứt ra một cách mệt nhọc; những cánh cửa đã tróc sơn từng mảnh. Chàng lờ mờ nhìn thấy ba chữ đại tự này ở phía trên “Tào Sơn Ðiền”, ba chữ sơn son thiếp vàng, nhưng vì đã lâu ngày nên chỉ còn trơ những vết son then, mọt đục.
Ðại Thông nhìn vào trong, qua những cái liếp ngang thì thấy cỏ dại mọc khắp nơi, bìm sậy leo lên cả mái nhà, trong đền thì vắng ngắt không một tiếng động, không có một bóng người lui tới.
Vừa sợ, vừa lo, chàng cảm thấy một cái gì ghê gớm ở trong cái điêu tàn, cô quạnh này. Chàng bèn chạy, chạy ở trong bóng tối yêu ma, nó đuổi theo chàng... Chàng nghe thấy những tiếng động khẽ ở đằng sau; chàng quay vụt lại để nhìn xem cái gì đang đuổi mình trong cảnh hoang vắng đang say sưa trong giấc ngủ.
Một người đàn bà đẹp tuyệt trần ở trong bóng tối từ từ bước tới gần chàng.
Người đàn ấy đẹp vô cùng mặc một cái áo dài rất chẽn thêu toàn những hoa lá mùa thu, vừa hồng nhạt vừa xanh xám. Dáng điệu của nàng rất nhẹ nhàng yểu điệu mà sắc đẹp của nàng thì không có một tí gì có vẻ là người dương thế; nàng đẹp như tiên nữ: mặt hoa, da phấn, lông mày vòng nguyệt xinh xinh quyến rũ lòng người kỳ lạ. Ðôi mắt nàng như chan hòa ngấn lệ và mái tóc xõa dài bay theo gió và xòa cả xuống vừng trán trắng mịn của nàng.
Ðại Thông như ngây dại, đứng nhìn nữ lang không chớp mắt. Chàng cảm thấy lo sợ; lo sợ vì người đàn bà kiều diễm có nhan sắc này vừa làm cho chàng kinh hãi, vừa làm cho chàng say mê. Sau cùng, chàng nghĩ thầm nếu cứ trân trân nhìn người ta như thế thì bất nhã nên chàng quyết định phải hỏi một câu:
- Thưa tiểu thư, kẻ này có lời xin lỗi tiểu thư. Chắc tiểu thư cũng ra tỉnh như tôi. Tôi đi chơi thơ thẩn ở bên hồ Bình Hoa và lúc về tôi quá bước nên lạc lối.
- Thưa ngài vâng, thiếp ra tỉnh với con hầu vì ngày mai đây là ngày hội Quần Tinh, mẹ già thiếp sai thiếp đi mua vài thứ cần để ngày mai nhà cúng.
Nói đoạn, nữ lang quay lại bảo con hầu:
- Ðêm khuya mà đường vắng, cô cháu mình lại được tiên sinh đây cùng đi, thực là may mắn.
Rồi nàng lại hỏi Ðại Thông:
- Xin hỏi tiên sinh, như thế có tiện không? Tiên sinh bằng lòng để cho chúng tôi cùng đi một thể cho vui chứ?
Ðại Thông thấy lòng mình như mở hội. Không khách sáo gì hết, chàng cùng nói với nữ lang đi song song ở trên con đường vắng vẻ, theo sau là đứa nữ tỳ mặc thanh y, trông y hệt một con đúm (đúm là một thứ búp bê của Việt Nam ngày xưa kết bằng vải mụn), có một cái mặt không hồn, còn mắt, mũi và miệng thì trông như dệt ở trên tơ lụa.
- Thưa tiểu thư ở gần đây?
- Dạ, vâng, ở gần đây, sau cái miễu cổ này.
- Cái miễu cổ đìu hiu vắng vẻ này, chắc là không có ai ở cả?
- Thiếp không rõ, nhưng hình như có một vị tăng già và một chú tiểu tu ở đó.
- Thưa tiểu thư, cảnh thôn dã này buồn day dứt cả ruột gan. Ðối với một người đẹp như tiểu thư, một cảnh trí như thế có vẻ âm thầm quá, thê lương quá.
- Chao ôi, thưa tiên sinh, ngài cứ dạy quá lời, chứ nhan sắc của thiếp liệu đã được bằng ai. Thiếp biết: phu nhân ta ở nhà còn đẹp gấp trăm, gấp ngàn lần thiếp.
Ðại Thông giật mình:
- Vậy ra tiểu thư cũng biết đến tiện nội sao?
- Sao lại không? Ở Hốt Tử này, còn người nào lại không biết Ngọc Hân Nương và gia quyến của nàng. Thực là một trang tuyệt thế giai nhân chỉ có thể đem ví với một cánh hoa mà thôi.
Ðại Thông cúi đầu xuống và lẩm bẩm một mình:
- Chao ôi, nàng đã chết, giữa một mùa xuân tươi đẹp.
- Thiếp đã biết rồi. Và thiếp biết cả rằng ngày nào tiên sinh cũng ra mộ để cầu nguyện và than khóc. Tiên sinh thực là một người chồng thủy chung khả kính: Ngọc Hân Nương đã mất rồi, nhưng ở dưới suối vàng nàng cũng được ngậm cười sung sướng.
Tiếng nói của nữ lang rung động một sự ham muốn và một cái gì từa tựa như muốn làm vừa ý người bạn đồng hành.
Vốn không quen nghe những lời nói ngọt ngào, tâng bốc. Ðại Thông thấy máu chảy mạnh ở hai bên gò má. Chàng ngượng nghịu trả lời:
- Thưa tiểu thư, người đàn ông yêu kính tiểu thư chắc sẽ còn làm vui lòng tiểu thư hơn là tôi đối với Ngọc Hân Nương nhiều lắm. Tôi chắc vậy.
Nữ lang dừng bước lại, nghiêng đầu: nàng có vẻ âu sầu hơn trước và cắn hai làn môi hồng lại hai làn môi xinh tươi lạ lùng mà phong tình thay, nó lại điểm một màu son phấn ưa nhìn, nhưng đã hơi khô một chút.
Ðại Thông Thái Lang, đoán chừng nàng kia đang có một mối sầu u uẩn trong lòng, chàng băn khoăn hết sức và đổi câu chuyện mà chàng đương nói:
- Thưa tiểu thư, xin đoán ngày mai hội Quần Tinh có vui không? Và thời tiết sẽ như thế nào? Ðêm nay, mây trời hơi vẩn đục. Chẳng biết đến mai, tiểu thư có lại còn đi ra tỉnh nữa không?
- Cái đó, thiếp không lấy gì làm chắc lắm. Bởi vì mẹ già thiếp ở nhà nghiêm khắc lạ lùng; sở dĩ hôm nay, thiếp được phép đi như thế này cũng là vì bà mệt, thiếp phải đi thay để mua bán những thứ cần dùng, kẻo không thì không có đồ cúng ngày mai.
- Hôm nay tiểu thư phải đi mua bán thế này thì tôi tưởng đêm mai tiểu thư rất có thể xin phép cụ thưởng công cho phép đi ra tỉnh, bởi vì đêm mai là đêm hội của bàn dân trong nước.
- Vâng, thưa tiên sinh, nếu ngộ thiếp được đi xem hội thì sao?...
- Thì tôi sẽ lại đưa tiểu thư đi, như hôm nay chứ gì! Tiểu thư bằng lòng không? Tiểu thư biết nhà tôi rồi thì phải. Nhà tôi ở trên đường, trước cửa là một rừng thùy dương. Vậy là đêm mai, tôi có thể cứ chờ tiểu thư ở dưới bóng thùy dương, phải không tiểu thư?
- Chẳng dám giấu tiên sinh, thiếp không ưa đi xem hội bởi vì đông người quá.
- Nếu thế càng hay. Mời tiểu thư quá bộ lại nhà tôi nói chuyện và dùng trà với nhau.
- Ồ, thiếp! Thiếp mà lại nhà tiên sinh làm gì?
Nhưng nữ lang lại tiếp ngay:
- Nói thế mà thôi, còn đến thì cứ đến, chớ có gì đâu mà ngại?
Ðôi má nàng không đỏ vì máu bốc lên đó nhiều, nhưng đôi mắt huyền bí của nàng liếc nhìn Ðại Thông thì chứa chan tình tứ, dịu dàng và não ruột.
Sáng sớm hôm sau, Ðại Thông dậy thực sớm và thấy lòng thênh thênh thản thản như là nở hoa. Ðã lâu lắm, chàng chưa thấy vui như thế.
Suốt một ngày, chàng quét dọn nhà cửa và xếp đặt những đồ vật ở trong nhà cho có vẻ thật ưa nhìn. Chàng đặt cái này, chàng xếp cái nọ đến hàng trăm bận mà vẫn như không bằng lòng. Ðến chiều, chàng tấm rửa thật cẩn thận và chải đầu, xức tóc cho thật láng mướt; đoạn chàng đi ra mắc lấy một cái áo lộng lẫy nhất bận vào cái áo mà từ khi vợ mất đến nay chàng chưa bao giờ nghĩ lấy đem ra mặc. Rồi chàng ra tựa gốc cây thùy dương đợi người nữ lang tuyệt sắc mà sự tình cờ đã cho chàng gặp gỡ đêm qua.
Giải Ngân Hà in rõ trên nền trong xanh như một dải dây lưng dát bạc. Phong cảnh hữu tình trong cái lặng lẽ dịu dàng của đêm khuya. Những tiếng vọng của hội hè đưa lại tưng bừng, rộn rịp: tiếng cười, tiếng nói, tiếng não bạt, tiếng thanh la, tiếng chuông, tiếng sáo hòa với tiếng đàn “sa-mi-sen” não nuột...
Ở dưới mái nhà, trong một góc tường kia – như báo một điềm bí mật, như báo một tai nạn vậy - một con nhện lớn đương giăng tơ chăm chỉ bỗng sa xuống ở trước đèn ba dây.
Ngay lúc ấy, người láng giềng của Ðại Thông là Kim Tứ ở trong nhà đi ra. Thấy Ðại Thông tiên sinh! Hôm nay, tiên sinh ăn bận đỏm đang lắm, chắc tiên sinh xem hội cho tiêu sầu thì phải. Tôi hoan nghênh ý kiến tiên sinh lắm lắm.
Kim tứ là một ông thầy tiền định lừng danh. Ông đoán vận hạn, xem tướng bói giỏi nhất vùng này và có thể xem tay, lấy số, đoán vận mạng cát hung như thần.
Ông mình hạc, xương mai và râu ria đã bạc trắng cả ra rồi, nhưng cặp mắt vẫn tinh anh và quắc thước. Một nụ cười luôn luôn nở trên môi, làm cho hai gò má hơi nhăn một chút.
Kim Tứ chăm chú nhìn người bạn láng giềng. Ðại Thông nói:
- Xin kính chào Kim tiên sinh! Kẻ hậu sinh này, hôm nay, không đi xem hội. Kẻ hậu sinh này, hôm nay, có một người đàn bà đến thăm. Thế cũng là hội chứ gì?
- Kỳ thú! Kỳ thú! Tiên sinh nghĩ chí lý. Phải, ta phải đổi cuộc đời đi, chứ cứ sầu bi, than khóc mãi thì cái buồn khổ nó cứ ám ảnh hoài, chẳng làm được vì gì, tiên sinh ạ. Nói thực với tiên sinh, tôi rất lo sợ cho tiên sinh. Có một hôm, tôi xem tướng cho tiên sinh, thấy tiên sinh gặp một cái tai nạn đấy. Phải coi chừng một chút, nhưng rồi cũng qua được.
Nói đoạn, Kim Tứ vuốt râu, thi lễ rồi đi xem hội, trong khi Ðại Thông cứ đứng ở gốc cây thùy dương để trông chờ người đẹp.
Trên đường, thiên hạ kéo nhau đi tấp nập: từng đoàn trai thanh gái lịch xách đèn đi và cười nói huyên thiên.
Mãi tận khuya, mới vắng người. Cảnh thôn dã lại chìm vào trong bóng tối lặng lờ, dầy đặc. Chỉ còn có cái cửa sổ chiếu một thứ ánh sáng vàng vọt xuống bóng tối của đêm khuya.
Ðại Thông không ngừng mắt nhìn con đường mà nữ lang sẽ đến với chàng. Chàng thắc mắc và nóng ruột. Ðột nhiên không nghe thấy một tiếng guốc hay một tiếng hài đi trên mặt đất, Ðại Thông thấy hiện ở giữa khoảng thinh không một cái đèn lồng đỏ vẽ toàn hoa mẫu đơn. Rồi một tiếng người rung động nhỏ nhẹ ở bên tay chàng: “Xin kính chào tiên sinh!”
Dụi mắt, chàng nhìn thấy hai người thiếu nữ tiến lại phía chàng: người nữ tì cầm cái đèn lồng mắc vào một ngọn cây tre và, sau lưng, thì là nữ lang, vẫn kiều diễm như đêm qua, mà ăn mặc vẫn lộng lẫy như đêm qua vậy.
Thoạt tiên, Ðại Thông cũng hơi lấy làm ngạc nhiên sao nàng không chọn một màu áo gì lạ để mặc vào ngày hội, nhưng sau vì sung sướng quá, thành cũng không nghĩ đến điều đó nữa. Chàng mời nàng vào trong nhà và pha trà mời uống, trong khi ả nữ tì vẫn không nói một câu, xin phép chủ đi ra tỉnh. Những ngọn nến cháy rực rỡ, gió lay động những ngọn lửa chập chờn. Bánh trái, hoa quả xếp đầy những cái đĩa lớn đặt trong những cái khay sơn đỏ.
Sau khi đã rủ bức châu liêm xuống rồi, chàng và nàng ngồi cạnh nhau ở trên chiếu và nàng kể đời nàng cho chàng nghe:
- Em vốn sinh đẻ ở Na La, tên em là Giáng Tuyết. Thân phụ em vốn là nhà kinh doanh giàu có, nên chung quanh vùng em ở có nhiều đứa tiểu nhân nó thù hằn. Một hôm, một bọn người cáo xưng thân phụ em giết người nên thầy em bị hình ngục và đã bỏ mình một cách khổ não ở trong chốn sầu thành đó.
Em và thân mẫu em cực nhục quá không dám ở Na La nữa, đành phải dắt nhau về ở đây, từ mùa Xuân. Mẹ em và em có ý định chọn nơi này vì ở đây vắng vẻ, mẹ em chắc chắn có thể sống một cuộc đời kín đáo, không bận rộn mà cũng chẳng phiền ai hết.
Ðến ở đây được ít lâu thì em gặp anh đi với vợ vào đền Mỹ Ðế. Anh bận một cái áo như cái áo hôm nay, anh trông dễ thương quá và vợ anh thì đẹp và tỏ vẻ vô cùng sung sướng. Chẳng dám giấu gì anh, em đã có lúc ghen cái hạnh phúc của vợ anh...
Giáng Tuyết nói thế xong, nhìn chàng một cách thơ ngây. Chàng nói:
- Em bảo gì? Ðẹp như em, sao lại phải nói đến một câu như vậy?
Bằng lòng lắm, nàng cười:
- Em xin anh. Anh đừng nên nói những điều anh không nghĩ.
Ðẹp một cách mê li, quyến rũ, Giáng Tuyết ngồi ở một chỗ tờ mờ tối sáng, cách xa hẳn ánh đèn mà hình như nàng có vẻ sợ sệt, có vẻ muốn xa lánh vậy.
Cũng như đêm hôm qua, vài sợi tóc sòa xuống trán nàng. Ðầu nàng hơi nghiêng về một bên; nàng có vẻ lanh lẹ và tinh nghịch, nhưng đuôi mắt của nàng êm dịu và chăm chú nhìn chàng trẻ tuổi, như nói hết cả những điều mà nàng muốn giấu kín trong tim óc.
Nàng nói:
- Em đến thăm anh hôm nay, thực cũng vất vả, gian truân quá.
Chàng hỏi tại sao.
- Em xin anh, em van anh. Em khổ tâm quá lắm rồi, anh đừng hỏi làm gì nữa cho em thêm đau đớn.
Nói đoạn, nàng đắm mình vào trong một cơn mơ mộng não nùng miệng lẩm bẩm những lời nghe không rõ, in như một đứa trẻ ngây thơ tập nói và lấy hai bàn tay trắng như ngà ra vò nát cái áo nhẹ nhàng như mây khói.
Hôm nay, Ðại Thông uống nhiều rượu “sa-kê” hơn ngày thường nên hơi nóng bốc lên mặt bừng bừng và quả tim chàng đập mạnh. Chàng chống tay vào cằm, chăm chú nhìn Giáng Tuyết có đôi bàn tay đẹp lúc ấy bắt đầu run lẩy bẩy. Nàng ngước mắt nhìn chàng và cười, trong khi chàng ngồi lại gần nàng mà khẽ nói rất dịu dàng.
- Em ơi, anh yêu em ngay từ buổi gặp gỡ đêm qua, ở bên ngôi miễu cỗ. Chiều nay, anh trông đợi em không biết ngần nào và anh có cảm giác rằng nếu em lỗi hẹn thì... thì... Nhưng mà thôi, em đã đến với anh rồi, còn nói đến chuyện ấy làm gì nữa? Anh chắc rằng trời đã run rủi cho anh được gặp em, hoặc chính Ngọc Hân Nương đã xui khiến ra như thế để gây lấy một mối hạnh phúc cho anh vậy. Áng chừng Ngọc Hân thấy anh thương tiếc nàng quá nên đã muốn đem em đến để thay nàng... Nếu anh quả thực không có ý tưởng đó trong đầu thì anh không thể không bao giờ lại tiếp một người đàn bà lạ ở trong căn nhà này. Anh xin lỗi vì đã không thể thu xếp để tiếp em thực chu đáo, nhưng anh xin nói để em biết anh còn quý em hơn là anh đã quý Ngọc Hân Nương nhiều lắm. Này, em xem trái tim anh đập vì em...
Ðại Thông cúi xuống và hôn vào cái cổ ngà ngọc của Giáng Tuyết cái cổ lạnh như băng giá.
Giáng Tuyết thở nhè nhẹ và ôm lấy chàng.
Ðêm lúc ấy đã khuya. Xa, chỉ còn tiếng ễnh ương và tiếng dế kêu sầu ở xa trong những cánh đồng tối đen, vắng ngắt. Những tiếng vang dội của đám hội từ phương tây đưa lại nhỏ dần, nhỏ dần. Thỉnh thoảng lắm, người mới lại nghe thấy tiếng đàn sa-mi-sen não ruột như tiếng khóc.
Giờ này, chẳng hiểu sao con nữ tì còn ở ngoài tỉnh chưa về?
Cửa phòng khách mở rộng. Ở buồng bên, hé lộ một bức màn riềm đỏ như chờ đợi, như sẵn sàng chờ đợi... Những cái gối xếp rắn chắc cũng bọc lụa màu: đó là những kỹ niệm cuối cùng của Ngọc Hân để lại. Ngọn nến để trên án thư sắp tắt, reo sè sè trong đêm khuya. Ðại Thông ôm chặt lấy nữ lang kiều diễm. Nến tắt hẳn. Ở ngoài kia, cái đèn lồng mẫu đơn mà con nữ tì để lại chiếu vào căn buồng một thứ ánh sáng đỏ tờ mờ...
Sáng hôm sau, Ðại Thông không ra nghĩa địa thăm vợ nữa và từ đó trở đi, cứ mỗi buổi chiều, vào khoảng giờ Tuất, giờ Hợi thì Giáng Tuyết lại đến với chàng, bí mật và kỳ dị, theo sau lúc nào cũng có con hầu quái lạ trông giống hệt một con “đúm” bằng mụn vải và không bao giờ rời bỏ cái đèn lồng mẫu đơn.
Ðại Thông bắt đầu sống một cuộc đời kỳ lạ, suốt ngày chỉ ngủ, ngủ những giấc ngủ nặng nề có toàn những ác mộng đến thăm. Chàng yếu sút trông thấy. Ông già bên hàng xóm, Kim Tứ, nhận thấy điều này, hết sức để ý đến Ðại Thông và một buổi trưa mùa thu nọ, đập cửa nhà Ðại Thông mà gọi Ðại Thông thức giấc.
Mặt trời đã lặn dần về phía trời tây, Ðại Thông nằm nghỉ trong buồng kín. Nghe tiếng ông bạn già gọi, chàng giựt mình choàng dậy.
Mắt hãy còn nặng trĩu giấc ngủ dở dang, chàng bước qua mảnh vườn con, mở cửa và hai người ngồi cạnh nhau trò chuyện.
Giấu hết nỗi bâng khuân của mình, Kim Tứ thản nhiên nói:
- Chào Ðại Thông tiên sinh, cả ngày tôi không thấy tiên sinh đâu. Ngài có đau yếu gì không?
- Tôi hơi bị mệt và không hiểu ít lâu nay sao lười tệ.
Nhận thấy da mặt Ðại Thông vàng như nghệ và khí sắc kém hẳn đi, Kim Tứ nói tiếp:
- Ðó là điều bất thường khi người ta đã trẻ lại có nhân tình. Nhưng tại sao tiên sinh lại có vẻ mệt mỏi khác thường và gầy róc đi như vậy? Xin tha lỗ cho tôi đã đường đột nói đến chuyện riêng của tiên sinh, nhưng vì tôi mến phục tiên sinh nên phải chạy tới hỏi thăm và mong tiên sinh hãy bảo toàn quý thể.
Kim Tứ hút một hơi thuốc. Tin chắc rằng có điều gì bất thường xảy ra đây. Ðại Thông bèn nói:
- Tôi gầy lắm thực ư? Tiên sinh làm cho tôi sợ hãi.
Vừa nói chàng vừa giơ bàn tay xanh mướt như bàn tay kẻ chết rồi, sờ lên má.
Kim Tứ bỗng hắng giọng, nói to:
- Thật lạ! Tiên sinh để tôi bói thử một quẻ xem sao.
Nói đoạn, ông lấy ở túi áo ra những cái thể nhỏ bao giờ cũng mang theo trong mình, rồi ông cúi đầu xuống khấn, nhắm mắt lại, vứt bỏ thẻ xuống đất. Rồi ông mở mắt ra, ngả người xuống, chăm chú nhìn như để tìm cho ra bí mật, với một điệu bộ thất vọng, ông giơ tay lên rên rỉ:
- Trời ơi, một tai nạn lớn. Tiên sinh sẽ chết trong vài ngày, hay cùng lắm là một tháng nữa thôi.
- Ôi!
Ðại Thông vừa kêu được một tiếng thì mặt đã tái lại và gần như muốn xỉu.
Hai người bạn lặng yên không nói trong sự hãi hùng, nhưng chỉ trong khoảng khắc mà thôi.
Sau Kim Tứ nói trước:
- Nếu tiên sinh có quý sinh mệnh của tiên sinh thì xin trả lời rất thành thực những câu hỏi của tôi. Tôi biết rằng cứ đêm đêm thì lại có một người lén đến tìm tiên sinh. Có lẽ đó là nhân tình của tiên sinh. Tiên sinh biết người đó đã bao nhiêu lâu nay rồi?
- Trước ngày hội Quần Tinh ạ.
- Có phải nàng đến với tiên sinh lần thứ nhất nhằm đứng hôm hội phải không. Tôi hãy còn nhớ nàng đến với tiên sinh đêm ấy với một chiếc đèn lồng?
- Vâng, nàng đi với một ả nữ tỳ đem theo một chiếc đèn lồng ạ.
Ðông mắt Ðại Thông mơ màng như nhớ lại cuộc gặp gỡ ban đầu.
- Tiên sinh gặp nàng ở đâu.
- Gần đền Mỹ Ðế mà tôi đi lầm đường trở về lối hồ Bình Hoa.
- Mỹ Ðế! Ðền Mỹ Ðế! Có phải đền ấy ở về một miền quê hẻo lánh, chung quanh không có nhà cửa gì phải không?
- Thưa, đúng thế.
- Còn nàng tên gì?
- Tên là Giáng Tuyết. Hình như tôi đã nói cả với tiên sinh rồi thì phải. Ðúng rồi. Nàng nói với tôi rằng nàng vốn là con nhà danh gia vọng tộc, nhưng mẹ nàng và nàng bắt buộc phải ở cách xa thành phố.
- Thật ư? Tiên sinh hãy nghe tôi kể chuyện nàng: Cha nàng là nhà nho. Nàng được nuôi dạy theo một nền giáo dục khuôn mẫu. Mẹ nàng rất nghiêm ngặt, không cho nàng ra ngoài, dù đi với một ả nữ tì. Vì thế nàng phải trốn đi ban đêm. Khi mẹ nàng ngủ, nàng trèo qua cửa sổ để đến với tôi. Ðó là điều nàng đã thuật với tôi trong những buổi gặp gỡ sau này.
- Trời ơi, một người đẹp mà phải trèo qua cửa sổ! Tiên sinh mê nàng quá. Với tôi câu chuyện thật là quái dị; gặp gỡ một thiếu nữ ở gần một cái miễu hoang tàn, rồi thiếu nữ ấy đến nhà người yêu một cách dễ dãi ngay tối đầu! Tôi chẳng thấy dấu gì là dấu đôi bàn chân nhỏ víu ấy trèo qua cửa sổ. Thưa tiên sinh, những sự việc ấy quả bất thường. Phiền tiên sinh tả cho tôi biết mặt mũi nàng ra sao? Nàng ăn mặc thế nào?
- Nàng đẹp một cách lạ thường, dù nét mặt có đượm một vẻ buồn triền miên. Nàng chỉ bận một thứ áo và không bao giờ thay đổi... Quả thật tiên sinh đã làm cho tôi phải suy nghĩ nhiều... Cho đến con nữ tỳ cũng đến vào một giờ nhất định, mang theo một cái đèn lồng cũng không thay đổi, mà đặc biệt là con nữ tỳ không hề mở miệng một câu. Tôi tưởng nó câm, tiên sinh ạ.
- Câu chuyện mỗi lúc lại thêm lạ lùng.
Kim Tứ nghĩ đến sự bí mật ấy và tự hỏi không biết hai thiếu nữ ấy là ai. Mà Ðại Thông thì không tin được nàng Giáng Tuyết - một nữ lang đẹp như tiên - lại có thể cầm được sinh mệnh của chàng trong tay.
- Ðại Thông tiên sinh, bây giờ đã đến lúc ta phải quyết định rồi. Ta phải tìm cho biết gốc tích nữ lang ấy. Nếu không thì tính mệnh tiên sinh chẳng khác ngọn đèn trước gió. Vậy tiên sinh đã có ý kiến gì chưa?
Chàng thanh niên lắc đầu. Trán ông già nhăn lại vì suy nghĩ:
- Nhà tiên sinh chỉ cách nhà tôi có một bức tường thôi, phải không?
Chàng thanh niên gật đầu.
- Như thế tôi sẽ quay về nhà đục một lỗ tường để có thể trông sang xem người con gái đáng sợ ấy ra sao. Tôi van tiên sinh hãy lánh xa ả ấy đi. Thôi, xin phép tiên sinh tôi về, vì đã muộn.
Nói đoạn, Kim Tứ nhặt những cái thẻ ở dưới đất, cầm điếu thuốc ra về.
Ngoài vười, mấy cụm hồng rung động dưới làn gió nhẹ. Ðại Thông đứng dậy bước nặng nề vào nhà trong.
Ngày hôm sau, vừa mới bình minh, Kim Tứ đã sang gõ cửa ông bạn hàng xóm. Trông thấy Ðại Thông, ông thốt lên một câu kinh ngạc:
- Ô, hãy còn sống! Mở toang các cửa ra cho ánh sáng lùa vào.
Lần này, Ðại Thông tỉnh táo lắm.
- Thế nào, ông có trông thấy nàng Giáng Tuyết của tôi không? Nàng là ai? Hôm qua nàng đưa cho tôi một nhành hoa lê. Ông trông đấy, nàng có thật và tôi có bị ám hại gì đâu! Không sợ!
Nói câu ấy xong, Ðại Thông cười có vẻ khoái trá và lấy tay trỏ nhành hoa lê để trên cái án thư bằng gụ đen bóng như mun.
Kim Tứ trông thấy mà ngạc nhiên vô cùng:
- Tiên sinh ơi, hãy tỉnh ngộ lại và thử ngẫm mà xem. Tiên sinh há chẳng biết mùa thu thì làm gì có hoa lê, có chăng chỉ có hoa hoắc lê là cùng.
- Quả thế, khi nàng Giáng Tuyết biếu tôi nhành hoa, nàng cũng đã nói rồi: Em đưa đến cho anh một đóa hoa buồn, em vẫn biết anh thích hoa đào đơn. Sau này, anh gặp gỡ một bạn tình vui tính và chắc rằng anh sẽ quên em ngay. Rồi nàng ngả đầu vào vai tôi mà khóc. Tôi an ủi nàng đừng có ngờ vực một điều nhỏ mọn, tôi yêu tất cả các thứ hoa mà bông hoa tôi yêu hơn cả thì là nàng vậy.
Nhưng có điều Ðại Thông không nói ra và không nghĩ đến là trong tháng này, chẳng vườn nào lại có hoa lê nở. Một nỗi lo sợ không tên xâm chiếm lòng chàng, hai tay chàng nắm chặt lấy ông thầy tiền định:
- Vậy tiên sinh có thấy gì khác thường không? Tiên sinh làm cho tôi sợ hãi quá...
- Tôi phải nói để tiên sinh biết sự thật hãi hùng. Can đảm mà nghe mới được, vì tôi muốn cứu tiên sinh.
... Thiếu nữ đến với tiên sinh chết đã lâu lắm rồi. Tay tiên sinh sờ vào thây ma, môi tiên sinh hôn hít thây ma... Khi tôi trông thấy người yêu của tiên sinh đưa biếu nhành hoa lê, tôi đã định kêu lên. Nhưng trấn tĩnh được, tôi muốn tìm cho ra bí mật; với cái tinh thần của tôi, tôi có thể cho tiên sinh biết: nàng Giáng Tuyết chỉ là ma hiện ở dưới mả lên. Tiên sinh si tình thấy nàng đẹp đẽ uyển chuyển; tôi thì tôi thấy ghê sợ và kinh tởm?
Ðại Thông hoảng sợ, níu lấy áo ông bạn già lạy van xin cứu cho sinh mệnh, nếu còn kịp thời giờ.
Kim Tứ nói:
- Ðêm nay, tôi không ngủ, mặc dầu suy nghĩ nhiều. Chắc chắn thế nào tôi cũng tìm ra bí mật ở ngoài đền Mỹ Ðế. Nhưng vì nghề nghiệp của tôi, các nhà sư sẽ tìm cách làm khó dễ. Tiên sinh làm ơn đi thay tôi. Ngay hôm nay, tiên sinh đến đó dò hỏi nhà sư trụ trì một cách khôn khéo để họ khỏi nghi ngờ gì mình. Tôi chắc có một các bí mật gì ghê gớm ở trong ngôi đền ấy. Tiên sinh nên đi ngay, làm thế nào đến được trước khi mặt trời lặn. Tôi nóng lòng chờ tiên sinh quay về. Biết được tiên sinh thấy những gì ở đó, tôi sẽ tùy cơ cứu tiên sinh.
Ðại Thông có cái cảm tưởng như mình không còn sống nữa. Dù sao chàng cũng cố sức sửa soạn ra đi thật nhanh.
Một bụi rậm gai góc chắn ngang lối vào đền. Ðại Thông không dám vượt qua, đành phải gõ cửa.
Một nhà sư già lắm, gầy đét như con mắm, bận một cái áo xanh đã bạc mầu ló mình ra ngoài cửa sổ và hỏi:
- Ông hỏi gì?
- Bạch cụ, vụ tha lỗi cho câu hỏi tò mò, ở đền ta đây có bao nhiêu vị tăng ni?
Trông thấy bộ quần áo sang trọng của Ðại Thông, nhà sự dịu dàng nói:
- Thưa ở đây chúng tôi chỉ có hai người thôi, tôi và một chú tiểu. Ngài trông đấy, ngôi đền điêu tàn lắm, khách thập phương không hề để chân đến lễ bái bao giờ.
- Thế có nhiều người làm ma chay gì không? Ðại Thông hỏi.
- Bây giờ thì không có nữa. Tuy vậy, cách đây không bao lâu cũng có một đám. Vâng, đúng hai tháng, đám ma một thiếu nữ. Tôi biết mẹ của nàng, còn nàng thì tôi chưa bao giờ gặp mặt.
- Thế nàng không phải là người ở đây sao?
- Mẹ nàng ở tận Nam Hải. Bần tăng nghe nói nàng là thiếu nữ chưa chồng, chẳng biết vì chuyện gì, một đêm ra một cây đa quéo thắt cổ trên cành tự vận.
Ðại Thông nghe mà muốn tắt thở, cổ họng chàng khô lại. Chàng lại hỏi:
- Thế bạch cụ, cụ có nhớ tên thiếu nữ là gì không?
- Hình như tên nàng là Giáng Tuyết.
- Giáng Tuyết?
- Vâng, thuộc về dòng họ Ngân Ðiền. Nếu ngài muốn biết rõ nữa, tôi sẽ chỉ để ngài biết quan tài nàng vì hãy còn để ở trong đền này. Mẹ nàng giao cho tôi coi cái quan tài ấy mà đã hai tháng trời nay rồi, họ hàng cũng không có ai đến nhận. Không được phép, tôi không dám chôn. Ngài sẽ thấy ngay trên quan tài có treo một cái đèn lồng rất đẹp.
Ðại Thông run lên như cái lá trước gió thu, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Chàng muốn té xỉu xuống ngay lúc đó. Tuy vậy, chàng cũng cố hỏi thêm một câu:
- Bạch cụ, cụ có thấy sự gì thay đổi lạ lùng ở trong đền này không?
Vị sư già không hiểu ý nghĩa câu hỏi, mở to mắt tỏ vẻ ngạc nhiên và nghĩ có lẽ người này điên chăng, bèn trả lời một câu có vẻ đùa cợt:
- Không, không, chẳng có gì cả. Tuy vậy tối nào tôi cũng bị mất một cây nến. Tôi chắc chú tiểu ăn cắp để bán lấy tiền mua bánh, nếu không phải là chú chuột tha đi.
Ðại Thông lạnh toát người, bỏ chạy, quên cả chào vị tăng già đứng sững ra đấy, vừa buồn cười mà lại vừa bâng khuâng không hiểu chuyện gì cả.
Câu chuyện của ông Foumiko Tayabashi kể cho chúng tôi nghe đến đây thì trời vừa hửng sáng.
Không thể nằm lâu hơn được, chúng tôi đành phải đứng dậy ra về. Riêng tôi thắc mắc không chịu được vì không biết câu chuyện đến đây đã hết chưa, mà tiếc một nỗi là ông Tayabashi lại không nói cho chúng tôi được biết.
Tôi định ngay tối hôm đó sẽ mời cả bọn đi hát nữa để hỏi ông Tayabashi câu chuyện hết chưa và nếu chưa hết thì rồi ra sao, nhưng chẳng may, đến buổi trưa hôm đó, phái đoàn nghị sĩ nhận được một bức điện kêu về gấp vì một biến cố chính trị mới xảy ra tại Sài Gòn.
Tàu bay cất cánh hồi ba giờ chiều. Tôi không kịp ra tiễn mấy ông bạn và do đó không biết gì hơn về chuyện “Cái Ðèn Lồng” của ông Foumiko Tayabashi, nhất là không biết sau này có ai đến nhận chôn thi hài Giáng Tuyết không?
NGỌC HÂN, GIÁNG TUYẾT VÀ Ả NỮ TỲ XÁCH ÐÈN LỒNG
Tháng Giêng năm 1967, tôi có dịp đi chơi thăm mấy nước Á Ðông. Sau hơn một tháng ở Thái Lan, Phi Luật Tân, Ðại Hàn, đáng lẽ phái đoàn báo chí của chúng tôi về nước, nhưng không hiểu vì lý do gì chính trị hay ngoại giao, ông Ðại Sứ ở Nhật lại đánh điện sang Ðại Hàn mời ghé qua Nhật. Theo chương trình ấn định, phái đoàn chỉ lưu lại Nhật ba ngày ba đêm, nhưng đến giờ chót thì máy bay không có, chúng tôi phải chia nhau thành ba nhóm, để về cách biệt nhau.
Vì ngán Sài Gòn một phần mà phần khác cũng vì yêu mến nước Nhật thơ mộng, tôi xin ở lại để về chót. Tưởng là chậm vài ngày, không ngờ chuyến nấy tôi lưu lại Nhật đến gần nửa tháng. Bao nhiêu xí nghiệp, thông tấn xã, báo quán, đài ti vi, bao nhiêu bộ phủ, cơ quan quân sự tôi đều đã đi thăm hết cả trong những buổi đầu rồi, tôi chỉ còn biết la cà đi vào các “đề-các-tô” để xem hàng hóa rồi nay quán này, mai tửu lầu nọ để xem xô (show) và thưởng thức miếng ngon Nhật Bản. Chính lúc ấy, tôi nhớ đến nhà văn kiêm ký giả Foumiko Tayabashi và tôi đã nhờ một người Nhật, thông thạo tiếng Pháp và tiếng Việt từng mở tiệm kem máy ở đường Hàng Trống trước Thế Chiến Thứ Nhì vẽ đường cho tôi tìm đến nhà ông.
Ông ở mãi trên một ngọn núi ở cách xa thành phố Ðông Kinh chừng hai mươi cây số. Tôi đến thăm ông vào một buổi sáng rét dưới năm độ không. Ðứng ở trên căn nhà gỗ nhìn xuống con đường quằn quèo trong vách đá, rộng thênh thang đủ cho hai xe hơi đi lại dễ dàng, tôi thấy những cây thông phủ tuyết trắng xóa, còn sông nước ở đằng xa thì đóng thành băng, người lớn và trẻ nhỏ chơi trượt tuyết đông như hội. Nhưng ở căn nhà gỗ của ông Tayabashi trên đỉnh núi thì im lặng hoàn toàn như một cái am. Cửa đóng kín như bưng, tôi kêu mãi mới có một cô bé chừng mười một, mười hai tuổi ra mở cửa. Ðưa lá thiếp vào trước để tự giới thiệu mình, tôi được một bà trạc lục tuần ra tiếp. Bà này nói tiếng Nhật. Không nghe kịp, tôi xin lỗi. Lúc ấy bà mới nói tiếng Anh. Tôi nghe lờ mờ không hiểu rõ, nhưng câu được câu mất, tôi biết đại khái bà là vợ của văn sĩ Foumiko Tayabashi. Bà lòa cả hai con mắt. Chồng bà chết hai năm nay rồi vì bom nguyên tử, bởi vì hồi đó ông ở Xung Thằng để theo dõi tình hình chiến sự. Bây giờ bà ở với một đứa cháu nuôi làm con nuôi, bởi vì hai con gái và một con trai bà cũng đã chết trận sau chồng bà chừng độ dăm sáu tháng.
Tôi buồn não ruột khi nghe bà nói đến gia cảnh của bà. Tôi nói:
-Thưa bà, bao nhiêu lời chia buồn đều vô ích. Tôi đau khổ bằng cái đau khổ của bà. Ông nhà với tôi là bạn, không ngờ buổi chia tay bữa ấy ở thủ đô Bắc Việt lại là ngày vĩnh biệt.
Bà Foumiko nhất định giữ tôi lại vài ngày. Tôi cố từ chối nhưng không được, đành phải ở lại một ngày. Ăn xong hai bữa, tôi lại được đứa cháu nhỏ đưa đi các vùng lân cận để thăm các đền chùa miếu mạo. Buổi tối, chong một ngọn đèn mờ lên uống nước trà do chính tôi học pha lấy theo lối Nhật, bà Foumiko Tayabashi kể lại cho tôi những thảm cảnh chiến tranh, nhưng bà không khóc, kể cả những khi nhắc đến chồng con đã qua đời. Tôi nói với bà:
-Thực ra tôi không được tiếp chuyện ông nhà nhiều, nhưng chỉ trò chuyện một đêm, một đêm thôi, tôi đã biết ông nhà có một tâm hồn khoáng đạt, giàu tha thứ và dù trải rất nhiều biến thiên, ông vẫn giữ nguyên vẹn dân tộc tính và tỏ ra một lòng ái quốc sâu xa.
Câu nọ giắt câu kia, tôi nhắc lại chuyện “Cái Ðèn Lồng” mà ông Tayabashi đã kể cho tôi nghe vào một đêm đông ở xóm Khâm Thiên, Hà Nội và tôi cũng cứ thực tình nói với bà rằng tôi rất tiếc là không được biết câu chuyện ấy đã kết thúc chưa.
Nghe tôi nói, bà Tayabashi ngạc nhiên không hiểu. Nhưng sau khi đã dùng hết tuần trà, bà có vẻ như nhớ dần dần ra một chuyện đã mờ trong trí óc và bảo tôi:
-À, bây giờ tôi nhớ ra rồi. “Cái Ðèn Lồng”... Phải, chồng tôi lúc sống có viết một cuốn truyện như thế bằng tiếng Nhật và dường như đã đăng từng kỳ trên hai tờ báo Anh Ngữ và Pháp Ngữ.
Nói đoạn, bà gọi cô cháu nhỏ ra nói một hồi lâu bằng tiếng Nhật. Cô cháu đi vào.
Sáng hôm sau, cũng vào lúc dùng trà, bà Tayabashi đưa cho tôi một tập giấy và nói:
- Hôm qua, cháu đã tìm được tập bản thảo này đây. Ông nói đúng: chuyện “Cái Ðèn Lồng” do chồng tôi kể cho ông nghe chưa hết. Tập này viết sau khi nhà tôi ở Việt Nam về, định đưa đăng tiếp, nhưng chẳng may thất lạc nên đành xếp đấy, mà tôi cũng chẳng nghĩ đến việc gửi cho nhà báo làm gì. Bởi vì ông thiết tha đến câu chuyện ấy, tôi xin kính biếu ông để ông coi. Còn tôi, vô phúc cho tôi là bị hư mất cả hai con mắt vì chất phóng xạ nguyên tử, tôi không thể đọc được nên cũng không biết gì. Ông đọc sẽ thấy câu chuyện rồi sau kết thúc ra sao. Tôi xin vì vong hồn của chồng tôi cảm ơn ông vì ông đã yêu mến chồng tôi và đến thăm chúng tôi ngày hôm nay...
Xe xuống đến chân núi, tôi ngửng đầu nhìn lên hãy còn thấy bà Tayabashi đứng dựa vào cánh cửa tiễn tôi và vẫy tay chào.
Muốn giơ tay ra chào lại, mà biết rằng có vẫy tay thì bà ta cũng chẳng thấy gì, tôi cảm thấy chưa buồn như thế bao giờ.
Về đến khách sạn, tôi nằm úp mặt vào cái áo kimônô mới do cô hầu phòng để sẵn cho khách thay mỗi sáng và bảo bồi đừng mang cơm lên sáng đó. Người bồi hỏi tôi:
-Ông bịnh? Có cần phải nói với bác sĩ không, bởi vì khách sạn lúc nào cũng có bác sĩ trông nom.
- Khỏi cần. Nhưng nếu có rượu mà không phải rượu “sa-kê” đem cho tôi một chai nhỏ uống chơi cho đỡ lạnh.Cả buổi trưa hôm đó, tôi cứ ngồi nhắm rượu một mình, vừa nhắm vừa giở tập bản thảo của ông Tayabashi ra đọc tiếp truyện “Cái Ðèn Lồng: để xem có ai đến nhận chôn người con gái tự tử quàn ở trong Tào Sơn Ðiện gần hồ Bình Hoa không.
Chẳng có ai đến nhận xác Giáng Tuyết, kể cả người tự nhận là mẹ nàng đến xin với vị sư trụ trì làm chay cho nàng.
Thế là nghĩa lý gì? Tại sao người ta lại bỏ Giáng Tuyết như thế? Mà Giáng Tuyết tại sao lại tự tử để rồi nằm chết thân một mình trong ngôi đền hoang vắng thê lương?
Thì ra muốn biết đầu đuôi câu chuyện này, người ta phải quay về sống lại một khoảng thời gian đã mờ rồi, cách đó bảy năm trời.
Bảy năm về trước, Tào Sơn Ðiện đã là một cái đền bỏ hoang không có bóng người qua lại vì không có ai dám đến tu ở đó. Lau sậy mọc tràn lan cả lên trên tường vách, mái nhà. Ngói lợp mái ở nhiều chỗ đã sút cả ra; có nhiều bức tường nứt rạn và đêm đêm cầy cáo vẫn đến họp nhau ở đó. Cũng có người bảo rằng bọn trọm cướp lấy nơi đó để hội họp nhau chia công cắt việc làm lễ Ðức Ông rồi từ đó xuất phát để “làm ăn”, nhưng hầu hết mọi người thì tin rằng đó là một vùng đất dữ, có ma, đêm đêm vẫn hiện về tác yêu tác quái, làm cho người dân ở chung quanh hoảng sợ, cứ từ chạng vạng tối cho đến sáng không dám bén mảng từ ngôi đền ấy cho đến hết địa phận hồn Bình Hoa, nhất là ở chỗ cây đa Quéo và cồn “Cơm Toi”.
Một hôm, có một người ở xa xôi đến sinh sống ở đó, nghe thấy câu chuyện đồn đại ấy, không tin, bèn thủ một chai rượu lớn vào ngôi chính giữa Tào Sơn Ðiện uống rượu một mình để xem ma ra thế nào. Hai đêm liền, anh ta đếu uống rượu như thế và không thấy gì. Anh ta cười ha hả và bảo những người chung quanh:
- Các ông xem, toàn là chuyện láo toét cả. Tôi ngồi hai đêm mà có thấy gì đâu!
Người đàn ông bạo dạn này, ngờ là trong những lời đồn đại phao truyền ấy có một âm mưu đen tối của một lũ gian nào đó, bèn cố tìm hiểu tại sao lại có chuyện ma mãnh trong ngôi đền. Một bô lão cho biết:
- Theo chỗ tôi biết, Tào Sơn Ðiện trước đây vẫn là một nơi họp của tuần tráng phụ trách canh gác vùng này. Một đêm kia, vào mùa rét, có ba người con gái đi qua đó nhỡ độ đường, vào xin tuần tráng cho tá túc một đêm để sáng hôm sau đi chợ Na La sớm. Thấy ba cô gái xinh tươi, nói năng ngoan ngoãn dễ thương, bọn tuần tráng ưng liền và xếp một cái ổ rơm cho ba cô nọ nghỉ ngơi. Trong khi đó, bọn tuần tráng quây quần bên một ngọn đèn dầu uống rượu suông.
Một cô gái thấy thế bèn nói:
- Các ông uống rượu thế này, không có cái nhắm, buồn chết. Nhân chị em chúng tôi đi chợ sớm, có mang sẵn thức ăn sáng sớm mai, các ông cho phép chúng em được mời các ông.
Vừa nói, cô vừa lấy ở trong tay nải ra hai cái giò heo. Trời thì rét, cảnh thì buồn, uống rượu suông ngán thực, bọn tuần tráng thấy hai cái giò heo tự nhiên sáng cả mắt lên. Thế la họ chia nhau ra, kẻ thì nhúm lửa, người thì chạy đi lại những ngôi nhà gần đấy mượn nồi, luộc hai cái giò heo lên rồi thái ra mấy đĩa đầy, cùng xoay ra chén trong khi ba cô gái ngồi bên lò lửa nói chuyện làm ăn và tính toán việc buôn bán sớm mai.
Đến gần sáng, cả bọn lăn ra ngủ, nhưng một ông sợ có xảy ra chuyện gì không hay, cố gương mắt để ngồi canh. Thấy một cô trong bọn trằn trọc không ngủ được, anh ta lại gần tán chuyện gẫu. Thế rồi việc phải đến đã đến, hai anh chị đưa nhau ra bụi rậm ở gần đấy bầy chuyện nguyệt hoa. Rồi một anh nữa lôi cô thứ nhì ra. Anh thứ ba thấy anh thứ nhất và thứ nhì hành động như vậy, cũng nổi nóng tán tỉnh cô thứ ba. Đến sáng thì cả ba ông đều hả hê, còn ba cô thì vội vã cám ơn và từ tạ để lên đường đi chợ Na La cho kịp.
- Câu chuyện như thế có dính líu gì đến ma?
- Không. Ông cứ để cho tôi kể tiếp. Vậy là ba cô gái đi chợ Na La. Còn ba ông tuần tráng kia thì hết phiên canh rồi, vội vã về nhà đi ngủ. Một tuần qua đi. Cả ba ông đều bị bịnh chết bất đắc mà không có ai biết nguyên nhân. Họ chết thì thiệt thân họ, cũng chẳng ai buồn để ý, chỉ thương hại cho vợ một anh trong bọn, vì chồng chết hết kế sinh nhai, phải đi tha phương cầu thực rồi đến lúc cùng đường, ẵm hai đứa con nhỏ ở hai tay nhảy xuống hồ Bình Hoa tự trầm.
- Thế sau người đàn bà và hai đứa con ấy hoá ra ma?
- Chính tôi cũng không được rõ. Nhưng theo lời những người đã được thấy ma hiện thì không phải chỉ có một người hay hai người nhưng là nhiều người khác nhau, khi thì là một người đàn bà đẹp đi guốc kêu lóc cóc, khi thì là một bà có thị nữ theo hầu như mệnh phụ phu nhân, nhưng cũng có khi là đàn ông không đầu đi cà kheo, hay một lũ lạc loài rách rưới lê những cái thân hình tàn phế, đầy thương tích nối đuôi nhau than khóc.
- Ông nói không thể nào tin được. Nếu có, sao hai đêm tôi ở đó không thấy một con ma nào hiện ra?
- Cái đó, tôi lại cũng không biết nữa. Tôi biết thế nào, nói thế ấy, còn tin hay không tin là tùy nơi ông.
- Ông nói tức quá. Ðêm nay tôi lại đi nữa và nếu không thấy, mai tôi lại đi nữa xem sao.
Người đàn ông ở phương xa mới tới lập nghiệp ở Hốt Tử nói thế và làm thế thật. Nói cho thật đúng, anh ta muốn tìm biết ma thì ít, nhưng lấy cớ đó để thi hành một âm mưu thì nhiều. Là vì anh ta vốn không phải là người lương thiện, ngay từ lúc còn tấm bé đã sinh sống về nghề đạo chích. Anh ta lấy cớ đó để dễ làm ăn; vì cứ đêm đêm mà ở nhà ra đi, không vì lý do gì hết thì hai bên hàng xóm nghi ngờ và do đó dễ để lộ thủ đoạn và nghề nghiệp bất chính của mình ra. Bắt lấy câu chuyện tìm ma ở Tào Sơn Ðiện, anh ta ngồi đấn đến chừng nửa đêm thì đi “làm việc”, thực không còn gì kín đáo hơn.
Một đêm, anh ta cũng mang một chai rượu đến ngồi như thường lệ, tạ sự là để rình ma nhưng chính lúc đang xếp đặt kế hoạch để vào ăn trộm một nhà giàu có ở trên con đường đi từ Hốt Tử đến hồ Bình Hoa thì tự nhiên thấy ở dưới bàn thờ Ðức Ông chui ra một người gầy ốm, nhưng hết sức lanh lẹn, giắt ở sau lưng một con dao quai, đầu chít khăn tai lợn màu xanh, rảo bước đi ra phía vườn, mà tay thì cầm một cái dây thòng lọng. Tự nhiên, người ăn trộm ở Hốt Tử cảm thấy ngay là người vừa chui ở gần bàn thờ Ðức Ông ra không phải là ma, nhưng chính là một gã ăn sương đồng nghiệp với anh chờ giờ tốt đi làm ăn gần đấy.
Anh lẩm bẩm: Thằng cha này cũng định bắt heo đây. Ờ, ta thử xem tài nghệ nó ra thế nào. Nhưng chẳng biết nó định bắt heo nhà nào vậy?
Ðêm ấy có trăng. Trăng thượng tuần tỏa ra một ánh sáng xanh xao lạnh lẽo, làm cho người đi đêm, mặc dầu ăn sương đã lâu đời, cũng cảm thấy nao nao ở trong lòng. Thêm nữa, tiếng con chim cái ở đàng xa vọng tới lại càng làm cho đêm khuya thêm vẻ não nùng, rùng rợn.
Ðiền Bá tên người ăn trộm ở Hốt Tử theo dõi người đàn ông gầy ốm chui ở dưới bàn thờ Ðức Ông ra được một quãng rất xa, bỗng dừng bước, lấy tay đập vào trán mấy cái mà nói một mình:
“Ủa, sao “nó” lại đi đàng này? Hay là nó cũng định làm ăn ở nhà Ðông Bích tiên sinh?”
Ðông Bích tiên sinh là nhà phú hộ ở xóm Cổ Gà, ngay ở ngã tư Na La, nổi tiếng là giàu có nhất vùng. Trước đây, tiên sinh đi khắp đó đây để buôn bán kinh doanh, tạo ra được một gia tài ức vạn, nhưng vì buồn nỗi đẻ đứa con nào chết đứa con nấy nên vợ chồng ông rút về ở vùng này lấy cây cỏ làm thú tiêu dao ngày tháng, rồi sau đó ít lâu thì có tin chết trong ngục tù. Chắc chắn tiền mặt ông còn nhiều, nhưng hình như lúc ông mất, bà Ðông Bích để ở một nơi kín đáo ở tỉnh thành, một tháng đôi lần lại ra lấy một ít về tiêu; nhưng gà, chim, heo, vịt ở nhà ông thì có cả trăm con, thỉnh thoảng vào làm một hai con heo đem sang vùng khác bán cũng đủ ăn cả tháng.
Chính Ðiền Bá, đêm hôm ấy, định vào “làm” mấy con heo ở nhà Ðông Bích tiên sinh thì chính lúc sắp ra đi để động thủ thì lù lù hiện ra anh chàng ăn sương, gầy ốm thủ một con dao quắm ở lưng, tay cầm dây thòng lọng, xăm xăm tiến về phía nhà ông Ðông Bích. Ðiền Bá lặng lẽ theo dõi anh chàng để xem y hành động ra sao, và nhân tiện cũng muốn học thêm nghề nghiệp nếu anh ta tỏ ra có một tài đặc biệt.
Dưới ánh trăng khuya lạnh, tên ăn trộm ốm o đi như gió, làm cho lắm lúc Ðiền Bá phải chạy theo mới kịp. Thỉnh thoảng, y lại quay lại nhìn lại đàng sau. Mắt y sáng như mắt con cầy trong đêm tối, nhưng mỗi khi y quay lại thế thì Ðiền Bá, nhanh như con beo đã kịp thời lẩn vào bụi rậm, lùm cây để trốn cho y không nhìn thấy anh ta. Quả là tên ăn trộm đi nhanh như gió đến nhà Ðông Bích thật. Ðột nhiên Ðiền Bá cảm thấy như tắc thở. Mắt anh ta vừa nhìn thấy gì? Tên ăn trộm ốm o, mà anh theo dõi từ nãy tới giờ, không chui vào trại Ðông Bích do nơi cửa cái mà cũng chẳng lách hàng rào như tất cả những gã ăn sương khác. Nhẹ như một mũi tên, y nhìn ra sau một cái, nhìn ra trước một cái, rồi giơ hai bàn tay lên trời, phi hành lên trên mái nhà chính của ông Ðông Bích. Ðiền Bá dụi mắt, tưởng mình mê ngủ. Sau một phút định thần, anh ngồi sụp xuống một bụi ô rô gần đó và ghé mắt qua một chỗ lá thưa, nhìn thật kỹ từng hành động của tên đạo chính cừ khôi.
Lúc ấy đã khuya lắm, tứ bề im lặng như tờ. Nhưng ở gian giữa nhà Ðông Bích, người ta vẫn thấy le lói một ngọn đèn dầu. Ðiền Bá bò xuống bò lên tìm một chỗ ẩn núp thật kín đáo mà lại vừa có thể nhìn kỹ vào trong nhà để xem tên ăn trộm, một khi từ trên mái xuống được dưới nhà, thì làm ăn ra thế nào. Nhưng nói thế mà thôi, chớ “làm ăn” sao được? Là vì Ðiền Bá trông thấy rất rõ ràng, ở bên cạnh ngọn đèn, có một cô gái đẹp lạ đẹp lùng đang xõa tóc ngồi thêu. Hình như tất cả nhà đều ngủ, chỉ còn có cô con gái kia thức mà thôi.
Có người thức như thế, hẳn là anh trộm kia phải đợi. Ðiền Bá đoán chừng như thế, nhưng anh ta lầm. Là vì mắt anh trông thấy rõ rệt từng ly từng tí – không thể nào lầm được – anh trộm ở trên mái nhà không đợi mà cũng không chờ, nhưng ngồi xuống mái nhà, dỡ ngói ra một khoảng to bằng cái nong.
Ồ, lạ thật, vậy ra y không sợ cô gái đương ngồi htêu kia biết hay sao? Thôi thôi, phải rồi, mình lầm to. Ðây không phải là một tên chích cược như mình đã đoán, nhưng hẳn đây là một gã hoa tường liễu ngõ, vào nhỏ ra to với người con gái đẹp đang ngồi đó. Mà người con gái này chắc chắn là có tình ý với y tự bao giờ rồi, cho nên giờ này vẫn chưa chịu ngủ, cố tình đợi người yêu đến để bày trò hoa nguyệt, không sai, Ðiền Bá tự nhủ:
“Cứ xem cách thức anh chàng này tới đây một cách quen thuộc rồi dỡ ngói mái nhà một cách hết sức tự nhiên, đủ biết là anh chị mèo chuột theo lối đó đã lâu rồi.”
Gió thổi rào rào vào bụi cây. Con chim cá - tiếng kêu thương của mặt trăng - hót lên một tiếng khắc khoải, vừa não nùng vừa ghê rợn. Bao nhiêu thời khắc đã trôi qua? Ðiền Bá cảm thấy cảnh tượng đương diễn ra trước mắt anh mỗi lúc mỗi ly kỳ bí hiểm hơn. Tên ăn trộm ốm o dỡ xong ngói ở mái nhà Ðông Bích rồi, không trèo xuống mà cũng không ra một dấu hiệu gì để kêu cho cô gái ngửng đầu lên. Rõ ràng, hai năm rõ mười, Ðiền Bá thấy tên ăn trộm kỳ lạ thò đầu xuống qua lỗ hỏng của mái ngói mới dỡ ra, nhìn xuống dưới nhà. Ở xa, nghe không rõ, nhưng Ðiền Bá cảm thấy y không nói gì cả, chỉ thở một hồi rồi đứng thẳng lên trên mái nhà.
Nhưng đúng rồi, nhất định là anh chị này mèo chuột với nhau, vì sau đó một lát thì cô gái đẹp nọ đứng lên, nhìn trước nhìn sau một hồi lâu rồi rón rén đi ra ngoài sân, sau khi đã vặn ngọn đèn nhỏ xuống. Dưới ánh trăng về gần sáng, Ðiền Bá thấy da cô gái trắng nõn nà, nhưng có một vẻ gì như lạnh lùng, như thơ thẩn. Ðiền Bá lại nghĩ:
“Ý hẳn cô này giận dỗi gì đây cho nên gặp tình lang mà không tươi cười. Chắc hẳn là tại anh chàng đến chậm, làm cho cô ta phải chờ đợi trong đêm giá lạnh.”
Vì chú ý đến cô gái nhiều và suy nghĩ vẫ vơ một mình như thế, Ðiền Bá quên hẳn anh chàng ăn trộm (bởi vì theo Ðiền Bá thì ăn trộm tiền, ăn trộm heo hay ăn trộm tình, chung quy cũng chỉ là ăn trộm mà thôi). Khi quay lại, Ðiền Bá đã trông thấy y phi hành từ trên mái nhà xuống đất từ lúc nào rồi và đứng đợi ở ngã ba cây quéo. Cô gái đẹp đi thẳng đến đó một cách rất tự nhiên. Anh chàng ăn trộm đi trước, cô gái nọ đi sau. Ðiền Bá, từ trong bụi ô rô bò ra, cũng nín thở đi theo để cho biết câu chuyện “trên bộc trong dâu” ra thế nào.
Thì y như rằng: cô gái và anh ăn trộm đưa nhau lên một mô đất cao gần đó, cây cối um tùm như thể một khu rừng. Chung quanh mô đất là một cái khe, về đêm, im lặng quá, người ta nghe thấy nước vỗ vào bờ ì à ì ộp. Ðiền Bá đợi cho họ lên được đỉnh mô đất rồi, cùng bò lên trốn vào một chỗ khuất có lá xum xuê che kín, trợn con mắt lên để nhìn rõ xem chàng trai và cô gái làm những trò gì. Ðiền Bá nghĩ thầm:
“Hai người này thực là kỳ lạ. Thường thường, trai gái nào gặp nhau thì cũng phải chuyện trò, mà giả thử cô này có giận ít ra cũng phải trách anh chàng vài câu chớ sao cả hai lại cứ lặng im không nói không rằng như thế?”
Anh cho là lạ kỳ lắm và óc tò mò của anh càng bị kích thích nhiều hơn. Một lát sau, anh thấy tên ăn trộm thở mạnh mấy cái rồi cô gái quỳ xuống rồi đứng dậy liền. Cùng lúc ấy, tên ăn trộm giở cuộn dây thòng lọng ra quăng lên một cành cây. Trời ơi, Ðiền Bá lúc mới đầu trông thấy tên ăn trộm từ Tào Sơn Ðiện bước ra, cầm ở tay cuộn dây thòng lọng, tưởng đâu rằng cuộn dây ấy là dùng để bắt heo, anh ta có biết đâu rằng tên ăn trộm lại quăng cái dây lên cành cây như thể làm phép lạ. Mà phép gì thế? Quăng sợi dây lên cành để làm gì? Ðiền Bá cảm thấy như ngực mình muốn vỡ, mà trái tim sắp sửa nhảy ra ngoài: cô gái đẹp đưa cái đầu vào trong thòng lọng, đạp chân một cái xuống đất và thân cô trong nháy mắt treo tòn ten lưng chừng trời. Ðiền Bá nhắm mắt lại, hét lên một tiếng hình như lớn lắm, đoạn nhảy ba bưới lại chỗ cô gái vừa thắc cổ. Thì nhanh đến thế là cùng. Tên ăn trộm đã lủi đâu mất hút, không còn để lại một vết tích gì. Không kịp suy nghĩ lâu la, Ðiền Bá sẵn con dao quai giấu ở trong túi áo vội vàng chạy lại cắt sợ dây thòng lọng xuống và đỡ cô gái vào lòng. Thân thể cô lạnh buốt, nhưng chưa chết, vì đặt tay vào miệng hãy còn thấy hơi thở nhẹ.
Dưới bóng trăng tà, Ðiền Bá cõng cô gái trên vai, chạy về con đường Na La để trở lại nhà Ðông Bích. Lúc ấy trời gần sáng, một vài con gà rừng đã gáy te te, nhưng chưa có người nào đi lại. Ðến cổng, anh đặt cô gái xuống, giở tài nghệ ra mở cổng trong chớp mắt và xốc cô gái đi qua khoảng vườn, đẩy cánh cửa bức bàn khép hờ vào chỗ cô gái ngồi thêu hoa lúc canh khuya. Ngọn đèn dầu vẫn le lói một làn ánh sáng lờ mờ. Anh khêu to ngọn đèn lên, nhìn một lúc thấy ở gần đấy có một cái giường có gối thêu đệm gấm. Anh bế cô gái đặt lên trên giường rồi mới kêu người nhà thức dậy. Thấy có người lạ mặt đột nhập vào nhà mà Giáng Tuyết tên cô con gái nằm thiêm thiếp chưa tỉnh hẳn, cả nhà hoảng sợ và kêu lên. Mấy người hàng xóm ở gầy đấy nghe thấy tiếng kêu đổ tới và hỏi Ðiền Bá đầu đuôi câu chuyện. Ðiền Bá thuật lại hết câu chuyện, không bỏ một chi tiết nào. Nghe thấy thế bà Ðông Bích run lên cầm cập, muốn té xỉu, phải gọi mãi mới tỉnh. Tất cả nhà và những người hàng xóm bấy giờ mới chia nhau tíu tít đi tìm rượu và gừng làm thuốc hỏa thang để thoa vào khắp mình mẩy chân tay cho Giáng Tuyết. Ðến sáng thì nàng tỉnh. Mọi người xúm lại hỏi sao cô lại mở cửa ra đi như thế và người nào đã dụ cô lên cồn nọ để cho đầu vào trong thòng lọng thì Giáng Tuyết quả quyết là nàng không biết gì hết và tưởng là mình đang cùng với hai người bạn gái đương ngồi trò chuyện vui đùa với bọn tuần tráng ở Tào Sơn Ðiện và thái hai cái chân giò heo cho bọn tuần tráng nhậu nhẹt cho quên buồn trong khi canh gác.
Tại sao lại có chuyện lạ lùng như thế? Thì ra, truy cứu mãi, người ta mới biết rằng Giáng Tuyết nguyên là một trong ba cô con gái đi chợ Na La một đêm rét mướt kia đã cùng với hai người bạn gái khác đến xin nghỉ đêm ở Tào Sơn Ðiện. Không hiểu vì sự tình cờ nào đó, một hôm ông Ðộng Bích đi thuyền qua chợ, ghé lên mua đồ, gặp cô và thấy cô xinh đẹp, có duyên mà lại tỏ ra nết na đứng đắn, ông nhận cô làm nghĩa nữ và đem về nhà nuôi. Vì ông Ðông Bích không con, Giáng Tuyết được thương yêu cưng chiều như con đẻ, cho học hành, dạy thêu thùa. Giáng Tuyết nghiễm nhiên thành ra một tiểu thư nhan sắc, tinh thông thi, họa, cầm, kì nhưng không hiểu tiền oan nghiệp chướng ra sao, cô không mấy lúc được vui và thỉnh thoảng lại tỏ ra như lãng trí.
Cô không biết người đàn ông đến rủ cô đi lên cồn đất. Cô quên hẳn cái đêm ngủ ở Tào Sơn Ðiện rồi bắt tình với một anh tuần tráng, làm cho nhà cử anh này tan hoang để rồi đi đến kết cuộc thảm khốc là vợ anh bế hai tay hai đứa con nhảy xuống hồ Bình Hoa trằm mình. Cô không muốn gì hết, chỉ mong có một điều đùng ai nói tới mình và đừng ai nói đến quá khứ của cô.
Từ đó, cả nhà bà Ðông Bích giữ gìn cô cực kỳ cẩn thận không rời cô nửa bước. Cuộc đời trở lại bình thường, nhưng đùng một cái chừng sáu bảy tháng sau đó Giáng Tuyết một hôm đi chơi về với một con nữ tỳ, lần vào cái mô đất trước đây, thắt cổ trên cây tự tử và lần này thì chết thật.
Con nữ tỳ thấy chủ chết hoảng sợ chạy như điên trong đêm tối và vấp phải một rễ cây, lăn xuống khe cùng chết ngay trong đêm ấy! Về sau này, những người biết chuyện kể lại với nhau rằng con nữ tỳ ấy là một người bạn cũ của Giáng Tuyết, trước dây cùng Giáng Tuyết đi buôn bán ở chợ Na La và chính là một trong ba cô gái đã xin nghỉ trọ một đêm ở Tào Sơn Ðiện và bày trò nguyệt hoa với một anh tuần tráng. Anh tuần tráng ấy bị bịnh hiểm nghèo, không chữa nổi, cầm dao rạch bụng ra tự tử để lại một bầy con và một người vợ, vì túng đói phải đi tha phương cầu thực rồi chết cả trong một trận dịch đậu mùa.
Còn người con gái thứ ba xin nghỉ đỡ ở Tào Sơn Ðiện? Người đó không ai khác hơn là Ngọc Hân Nương người vợ bạc mệnh mà Ðại Thông Thái Lang lấy ở Yên Ðô, cái kinh thành có trăm nghìn phù hoa xa vọng mà Ðại Thông đã đến ở đó với hy vọng lập được những sự nghiệp lẫy lừng. Riêng về cô gái này, người ta không biết rõ tại sao cô có thể từ Na La trôi nổi về đến Yên Ðô và tại sao cô ta từ một cô gái buôn bán tầm thường lại thành ra con gái một đại phú thương để rồi gặp Ðại Thong kết duyên thành vợ chồng chung sống một cuộc đời hoa gấm ở Làng Hốt Tử. Theo lời một số người buôn bán ở chợ Na La sau này kể lại với nhau thì Giáng Tuyết, Ngọc Hân, và Anh Võ (tên con nữ tỳ của Giáng Tuyết) là ba bạn chí thân nhưng về sau vì một chuyện lãi lời gì đó cãi nhau rồi xa nhau.
Ngọc Hân về quê ở Linh Yên nhưng vì không chịu được cuộc đời khổ cực, trốn nhà lên Yên Ðô và tại đó nàng lấy một phú thương, nhưng vì bà vợ phú thương này quá ghen nên đem nàng bán cho một nhà chơi làm con hát đàn. Lúc Ðại Thông lấy Ngọc Hân, nàng đang làm nghề đó, nhưng bởi vì vợ chồng chủ nhà chơi khéo bịp bợm và dàn cảnh nên Ðại Thông tưởng nàng là con nhà quý phái, có cha là phú thương và được tâng tiu chiều chuộng như hòn ngọc.
Ðem tất cả câu chuyện nghe được mà chấp nối lại với nhau, về sau người ta mới biết tại sao lúc Ðại Thông gặp Giáng Tuyết đêm Quần Tinh hội, Giáng Tuyết nói ngay với Ðại Thông rằng nàng biết Ngọc Hân và có ý ghen với số kiếp của Ngọc Hân.
Bây giờ thì cả ba người đẹp ấy cùng chết cả rồi, mỗi người chết một cách nhưng cùng chết khổ sở như nhau. Người ta bảo là tại vì mấy anh tuần tráng bị ba cô làm tan cửa nát nhà, vợ con bị điên đảo mà chết oan chết uổng nên theo dõi mà trả oán.
Sau khi biết hết đầu đuôi câu chuyện. Kim Tứ mỗi chiều lại làm bùa yểm, tự đi dán la liệt ở các cửa ngõ nhà Ðại Thông.
Như thế, ma sẽ không đến trêu chàng được nữa. Ðại Thông một hôm hỏi:
- Thưa tiên sinh, tôi vẫn nghe thấy nói ở đời lấy ân mà trả oán, chớ lấy oán mà trả oán, oán ấy không bao giờ tiêu tan. Sao những người tuần tráng kia không lấy ân trả oán?
- Tiên sinh nói rất đúng. Nhưng lấy ân trả oán, họa chăng chỉ có Ðức Phật làm được mà thôi, chớ thế nhân tầm thường thì thường vẫn lấy oán trả oán, cho nên Nho giáo đã có câu: “Quân tử oán tam niên, tiểu nhân oán nhãn tiền”. Người ta đang sống yên vui, bình dị, tự nhiên có người ở đâu đến làm xáo trộn gia cang của họ làm cho gia đình tan nát, vợ con chia lìa và chết tức chết tưởi, cái oán ấy không phải không hữu lý.
- Thế về phần tôi, tôi có tội tình gì mà ma quỷ đến ám ảnh tôi như vậy?
- Cái đó cũng không lạ nữa. Ông bị ám ảnh, trêu ghẹo vì ông là người đẹp trai mà lại có tài. Thiên hạ xưa nay vẫn ghét những người như thết. Nói rộng ra thì nước này đối với nước kia cũng vậy, người ta chỉ muốn chiếm những nước giàu có, bờ xôi ruộng mật, chớ ai lại đi xâm lăng những nước nghèo khó bao giờ.
Kim Tứ cấm Ðại Thông bất cứ vì một lẽ gì cũng không được ra khỏi cửa trong hai mươi mốt ngày, và cứ vào khoảng giờ sửu mỗi đêm lại phải thức dậy đọc một bản kinh cứu khổ.
Linh hồn nàng Giáng Tuyết hẳn cũng có đến lảng vảng ở nhà chàng, nhưng chỉ lảng vảng ở ngoài, không vào được trong nhà vì có những đạo bùa yểm rất linh thiêng. Hai mươi mốt ngày trôi qua, Ðại Thông đã quên dần Giáng Tuyết và sức khỏe đã hồi phục. Mùa đông qua đi, xuân tới với một bầu trời xanh ngắt và xanh lá non. Ngoài vườn, sự nức mùi hoa thủy tiên. Trên các cây anh đào, hoa nở đỏ như các cô tiên mặc áo hồng đang múa.
Trông hoa nở, Ðại Thông trạnh lòng nhớ đến hai người con gái là Ngọc Hân và Giáng Tuyết, muốn đến thăm mộ Ngọc Hân và tìm đến Tào Sơn Ðiện xem quan tài Giáng Tuyết có ai đến nhận không, nhưng nhớ lời dặn bảo của Kim Tứ, chàng lại thôi, không dám. Nghe những người ở chung quanh đấy nói nhỏ với nhau: vì ba bốn tháng sau gia đình ông Ðông Bích cũng không thấy lại nên sư cụ trụ trì ở đó phải tự ý đem chôn nàng ở miếng đất sau chùa.
Ðó là vì gia đình Ðông Bích sau khi làm chay ở chùa về được mấy ngày thì gặp tai biến. Nguyên trước đây ông Ðông Bích lúc còn buôn bán ở tỉnh thành có giao du với một bọn quân nhân. Bọn này, đi đánh trận xa ở Á Ðông, có gửi ông một số vàng khá lớn. Yên trí họ đi là chết, Ðông Bích cướp sống cả chỗ vàng rồi dọn về Hốt Tử, nhưng chẳng may trong bọn quân nhân đi chiến trận ở xa xôi lại có một vài người trở về. Thăm dò tin tức, biết được chỗ ở của ông Ðông Bích, họ bèn tìm đến để hỏi thì bà Ðông Bích không chịu trả mặc dầu có chữ của ông Ðông Bích biên nhận rành rành. Những người quân nhân mất của, vô cùng uất hận, một đêm đột nhập nhà Ðông Bích giết bà và mấy đứa cháu, không chừa một người nào.
Thi hài của Giáng Tuyết vì thế đành bỏ thối ra đến nửa năm trong một gian phòng nhỏ, ẩm thấp, đêm đêm le lói một ngọn nến. Ðứng ở đầu hòm, có một cái hình người trông như hình con đúm, tay xách một cái lồng đèn mẫu đơn.
Một hôm, một người bạn thân của Ðại Thông tên là Bán Phúc đến thăm chàng và rủ chàng đi du ngoạn.
- Ở nhà mãi làm gì? Cảnh trời sáng lạng biết ngần nào. Cứ giam mình trong học mãi thế này thì ốm mất. Chuyện “ma” ấy đã cũ lắm rồi.
Ðại Thông khoác cái áo mỏng và bình tĩnh ra đi với bạn...
Ðại Thông thấy rất khoan khoái đã được dự một buổi du ngoạn thú vị bên hồ Bình Hoa.
Nước hồ lăn tăn gợn sóng, phản ánh màu da trời xanh ngắt. Ðỉnh núi Hữu La, thay vì tuyết băng trắng xóa bắt đầu có lá xanh tươi, dưới chân núi hoa đào đua nở, hương thơm ngát cả bầu trời.
Hai người bạn thân vô tình cùng hát lên một câu:
“Nếu không có rượu Hoàng Hoa...”
Rồi họ rủ nhau vào một quán rượu bên bờ hồ, ngồi xuống chiếu trải sẵn và uống hết chén này đến chén khác. Ðến chén thứ chín, thứ mười Bán Thúc tiên sinh đã ngà ngà say, nói huyên thuyên. Tiên sinh đến ngồi bên bác lái buôn ở thành Hoành Tân để nói chuyện về mối tình duyên kỳ ảo giữa ma và người. Ðại Thông lấy làm khó chịu nên bỏ ra đi chỗ khác.
Chàng đi chếnh choáng theo ven hồ vừa hát vừa cười một mình thì thấy ở ngay đấy có một chiếc thuyền bỏ không, chàng bèn bước xuống nằm nghỉ một lát cho đỡ mệt. Chàng nằm xuống sàn thuyền, lấy tay làm gối, và ngủ một giấc thật say. Bỗng chàng hé mắt vì vừa ngửi thấy một mùi thơm thoang thoảng... Xa xa, tiếng chuông chùa vẫn ngân vang rền rĩ... Ðại Thông giơ hai tay lên ôm lấy đầu. Chàng tưởng như trông thấy trong bóng tối một làn ánh sáng đỏ hé ra... ánh sáng của chiếc đèn lồng. Ðại Thông một tay cầm mão tần ngần còn một tay cầm nhánh hoa có ai đó để trên thuyền tự lúc nào để lên mũi ngửi. Mùi thơm của hoa làm chàng ngất ngây...
Hoàng hôn đổ xuống ở bên kia sông. Du khách đã lả tả ra về. Bỗng nhiên một tiếng chuông chùa ngân nga đâu đó làm Bán Phúc tiên sinh như chợt tỉnh vội hỏi:
- Ông bạn của tôi đâu rồi?
Nói đoạn. Bác Phúc vội trở dậy đi tìm quanh hồ và gọi ầm lên. Không một tiếng trả lời, có chăng chỉ là tiếng vang đáp lại như giễu cợt. Ông lại quay về chỗ cũ, trong lòng bối rối. Chính lúc đó ông trông thấy trong khoang thuyền mập mờ cái mão đỏ của Ðại Thông và bên cạnh còn có một cành hoa lê còn đẫm sương...
Sài Gòn, trọng xuân Kỷ Hợi.
Vũ Bằng

Xem Tiếp: ----