Chương XII

     ôm sau, Hải xin ông chủ nghỉ. Chàng nằm vạ nằm vật trên giường. Ánh sáng của mùa thu chiếu vào tận chỗ chàng nằm và lấp lánh trên đỉnh màn. Hải thấy nặng nề, ê ẩm. Cái ánh sáng, tiêu biểu cho sự sống rộn rịp, làm chàng nhìn không chán mắt. Chàng ngửi thấy mùi thuốc ở chung quanh. Chàng lợm giọng. Và đứng dậy mở hết cả cửa sổ ra. Đi qua chiếc gương lớn treo ở tường chàng thấy mặt mũi chàng hốc hác và da chàng xanh xao: chàng ốm. Bóng chàng rồi mờ đi dần dần. Trong gương, chàng thấy lần lượt hiện ra tất cả cảnh dĩ vãng. Toàn là sung sướng. Chàng tiếc những cảnh đã qua và có cảm giác về mình sẽ hối hận mãi mãi, vì đã bỏ qua những ngày vui vẻ có mẹ già, có em bé, có bạn hiền mà không biết hưởng, cắm đầu theo đuổi một thú vui, bây giờ, chỉ còn để lại một khối nặng cho linh hồn.
Những tiếng động nhẹ nhàng và xa xôi ở ngoài đường vọng lên cái gác chàng nằm. Chàng đoán ngoài phố bây giờ tấp nập sáng sủa và có muôn màu rực rỡ.
Từ hôm đứng ở cửa sổ gác Trâm, để ngắm cái vườn hoa trước mặt với những cây phượng vĩ, với những cặp tình nhân, với khoảng trời xanh thẳm, Hải mới biết rằng mọi vật chung quanh mình đều có một màu riêng, tươi nhạt thay đổi từng lúc, nhưng đại khái màu nào cũng đẹp. Không khí chảy khắp trong vũ trụ, đôi khi lại tráng cho những màu ấy một vẻ thần bí phù du, những khi ta khỏe mạnh, sung sướng không tài nào thấy được, chỉ khi nào ta ốm đau chẳng hạn, nằm một mình, nhớ đến và lấy trí khôn lý hội được mà thôi.
Hải định giơ tay lên nắm lấy cái mảnh ánh sáng bấy giờ chạy đi chạy lại trên chiếu chàng nằm. Chàng không giơ tay được nữa. Đầu chàng nặng, mắt chàng hoa lên, chàng vừa thiếp đi một lát thì cái cửa ra vào bỗng kẹt lên ở trên bậu. Hải mơ mơ màng màng thấy một bà cụ già tóc trắng như bông, lưng gập làm đôi, đẩy cửa bước vào, khó nhọc. Đôi mắt già của bà cụ nhăn nheo, cái miệng cay đời ngấn reo hai vạch như là đang mếu. Đó là mẹ chàng thật! Người mẹ bưng một bát thuốc vào cho con.
Rất khẽ, bà cụ già sắp chết mà hãy còn phải lo sợ cho con, khẽ tiến lại phía giường Hải, vén màn lên, lấy tay để vào trán chàng, Hải nằm im cho sự êm dịu ở tay mẹ tan vào trong người chàng. Chàng cứ giả làm như ngủ, một lát sau mới lim dim mở đôi mắt nặng nhọc ra nhìn mẹ và nói rằng:
- Me mới vào?
- Phải, con ạ. Me vào con đang ngủ. Me làm mất giấc ngủ của con. Hôm nay con xem trong người ra thế nào?
- Con đã đỡ rồi, me ạ. Con chỉ còn sốt về đêm thôi.
- Sáng nay, me lại đến kể bệnh con cho cụ lang rồi. Cụ thay đơn khác, me đi cân thuốc và xắc lấy nước thứ nhất cho con đây.
Thảm hại thay bà cụ! Thảm hại thay tuổi già!
Hải gắt lên với mẹ:
- Me cứ hay lôi thôi. Con đã thưa với me cho trẻ con nó đi cân thuốc và xắc lấy cũng được, tội gì me cứ phải nhọc thân? Me vừa ốm dậy, hãy còn yếu, me cứ lọm khọm vì con như thế, rồi lại có ngày to bệnh đấy!
Bà cụ không trả lời. Sự im lặng làm đau lòng Hải thêm. Chàng biết mẹ chàng thương chàng lắm hy sinh cho chàng nhiều: Ôi! Bà cụ già nào có phải lọm khọm để mà không có ích gì đâu: Bà cân thuốc lấy, bà xắc thuốc lấy, không dám giao cho người khác chỉ tại giao cho người khác thì bà thắc mắc không thể yên tâm được.
Hải nhắm mắt lại, có cảm giác là cuống họng có một vị đắng cay - đắng cay hơn thứ thuốc đen nghịt, buồn nôn mà chàng vẫn phải uống mấy hôm nay.
Than ôi! Lòng mẹ thật như biển như trời, mà chàng, - chàng là phận làm con - thì từ khi ra đời đã bị bao nhiêu lầm lỗi? Mẹ chàng thì tìm con để thương xót, để an ủi, để săn sóc, nâng niu, mà chàng, thì đã từ bao giờ đến nay đã dối mẹ, đã trốn tránh cái tình yêu bao la đó để đi tìm một huyễn mộng, nó đã bay đi mất như thể con chim trời? Chàng thấy lòng mẹ thật vô biên, mà lòng chàng thì bây giờ chỉ còn lại toàn là hối hận. Chàng hối hận nhất về chỗ mẹ chàng vẫn tin chàng, vẫn không biết chuyện nghìn rưởi bạc gửi nhà băng của chàng. Hải nói dối như thế đã lâu rồi. Càng giữ cái tội lỗi ấy ở lâu trong mình bao nhiêu, chàng lại càng thấy mẹ già mình đáng thương hại bấy nhiêu.
“Ôi ta biết, ta biết hết. Bây giờ mà mẹ ta biết sự thực thì người sẽ khổ sở lắm đây, nhưng ta vẫn phải nói, để cho đến khi nhắm mắt, mẹ ta không phải đau xót vì đã sinh ra một đứa con nó lừa mình. Mà ta chắc rằng, dù sao đi nữa, mẹ ta cũng lặng im chịu đau khổ một mình, không trách mắng mà cũng không giận dữ”.
Hải nghĩ đến mẹ và thương mẹ vô cùng. Chàng sợ tử thần sẽ đem chàng đi mất để cho mẹ chàng trơ trọi lúc mặt trời bóng xế.
Chàng nhắm mắt lại, đập vào trán và kêu lên rằng:
- Mẹ ơi, con thấy một cái mùi gì rất lạ ở trong buồng này. Hay là mùi chết?
Người mẹ già nghe thấy con nói gở tái mặt lại và run lên. Lòng thương con rào rạt, bà cụ ứa nước mắt ra khóc, khóc như khóc chồng lúc chết.
- Con đừng nói dại. Bệnh con có gì đâu. Con cứ chịu khó uống thuốc, chỉ dăm bữa thì con khỏi. Cụ lang bảo thế.
Cụ lang bảo thế? Cụ lang bảo thế? Hải cười gằn một tiếng và thấy rằng đó chỉ là một ảo ảnh: Hải sẽ không bao giờ khỏi được bệnh, nếu chàng không kể hết cả chuyện phụ mẹ và dối mẹ cho mẹ nghe. Chàng thấy một cái cần cấp bách phải thú tội và không những thú tội với mẹ, với em, nhưng thú tội với tất cả mọi người..
Mẹ Hải nghe Hải nói mà tưởng thấy lòng mình tan nát.
Nghìn rưởi bạc! Nghìn rưởi bạc! Thì ra Hải không gửi nhà băng nào cả. Hải đã đem tiêu với cô gái phù du. Mà cái nhân duyên của Hải cũng chỉ là một chuyện không bao giờ có nữa.
Ôi! Bà cụ khóc bao nhiêu là nước mắt. Bà cụ thương con suốt một đời gặp bước chẳng may, không trách con một điều gì cả, chỉ tự trách mình sinh ra nó mà không gây cho nó được một mối hạnh phúc như những con nhà khác.
- “Nhưng mà nghĩ lại, con ơi, con cũng đừng nên trách trời gần trời xa nữa. Me đã già, me đã trông nhiều rồi: ở đời, trăm việc chẳng qua cũng quy vào hai chữ số mệnh. Số mệnh định đoạt cả, số mệnh cai quản cả... Me nói thế, có lẽ con không chịu, nhưng rồi một ngày kia con sẽ phải chịu những lời của me. Đời người khổ lắm. Nước mắt chúng sinh...
Nhưng mà thôi, con ơi, con nên thương me. Con cố cơm ăn thuốc uống đi, khỏi được là quý chứ tiền bạc cũng không làm gì đâu. Có, thì cùng đến ngày hai bữa, mà không có thì cũng đến ngày hai bữa...”
Hải nghe mẹ nói, mà như thấy con dao cắt lòng. Chàng nhắm mắt lại. Mẹ chàng tưởng con ngủ, đi ra. Chàng trùm chăn kín từ đầu đến chân và ngáp, và thở dài, và càng thấy là mình sắp chết.
Chàng cắn môi lại để cho khỏi kêu to:
- Ngáp đi, thở dài đi, chết đi! Khốn nạn cho mày thằng Hải... khốn nạn cho mày thằng Hải...
Tai chàng inh lên. Một tiếng vo ve bất tuyệt kêu lên trong đâu chàng. Chàng tưởng như đó là một tiếng vang. Đó là một tiếng vang thật.
Tiếng vang ấy thế này:
-... Khốn nạn cho mày, thằng Hải! Khốn nạn cho mày, thằng Hải!