Chương III

     ức thì Hải mặc quần áo tây. Mặc quần áo tây nhanh nhẹn. Mặc quần áo tây nó có “vẻ người” hơn. Và chỉ vì lẻ ấy người ta không gọi Hải là ông ký. Nhưng là ông phán: ông Phán Hải!
Phán Hải chỉ nửa tháng là quen công quen việc. Sáng, chàng dậy bảy giờ. Chàng mặc quần áo. Chàng ăn quà. Chàng đi ra đi vào một lúc. Đúng bảy giờ mười lăm phút, chàng đi làm. Chàng đi một con đường. Con đường đi quen lắm, bịt mắt chàng cũng đi được như thường vậy. Chàng nhớ từng cái gốc cây. Nhưng nhìn cái gốc cây mãi cũng chán, chàng cắm cổ xuống đất không nhìn gì cả. Chàng có vẻ như không biết những cái cây ấy lại có lá. Mà trên từng lá ấy lại có trời - trời xanh thẳm.
Mới đầu, chàng thấy cái đời như thế cũng buồn. Bao giờ cũng một cảnh tượng, một tâm tình, một cuộc đời. Hải như đã thấy ở trước mặt một cái tương lai mù mịt, đến lúc chết cũng không thay đổi nữa. Nhưng biết làm sao được? Cái khổ nó đến sớm quá đã làm hại người ta. Mà người ta lại yếu - nên người ta chóng già. Chí khí chóng tiêu ma, Hải không cần lâu, chỉ một năm trời đã thấy chính mình thay đổi.
Hai mươi bảy tuổi... Hải sắp già rồi. Cái tuổi hai mươi, hăm hai bây giờ nếu thỉnh thoảng có về với đầu óc chàng trong phút chốc thì cũng chỉ còn là những ác mộng mà thôi. Chàng không dám mong gì nữa. Chàng cũng không đợi gì nữa. Chàng là một người yên phận để cho cuộc đời nó theo cái dòng của nó, để cho cái đời cạo giấy nó rập khuôn lấy chàng. Những người trẻ tuổi mà như thế, thực là sầu khổ quá. Nhưng mà cũng may, cái thói quen làm cho người ta quên hết cả, cho nên, ít người sầu khổ quá mà chết. Người ta nhận lấy một số phận bằng phẳng như người ta nhận lấy một đứa con. Con đẻ ra thì phải nuôi, cái số phận giời bắt thì phải chịu. Hải dần dần thấy những cái biết của mình cùn đi. Văn chương, triết lý, toán học và bao nhiêu môn khác nữa, có ích gì cho chàng đâu. Công ăn học thôi thế là phí cả. Bây giờ, chàng chỉ cần có hai tay. Tuy vậy, chàng vẫn còn nguyên vẹn cả người chàng có hai mắt, một cái đầu, một cái mũi, hai cái chân và một cái mồm, mà cái mồm ấy lại có răng. Hai mắt để trồng, cái mũi để ngửi, hai cái chân để đi, cái mồm để dạ và hai cái tay để làm. Làm cả buổi sáng, làm cả buổi chiều, nghỉ tay một lúc thì đã nhọc quách mất rồi, chàng còn cần gì đến cái đầu nữa đâu. Chàng thành ra người máy.
Đây là phòng giấy. Này, trông: Hải ngồi xuống cái ghế mây. Chàng không muốn ngồi thế, chàng kéo ghế lại cạnh bàn, gác chân lên một miếng gỗ, để cái ngực sát vào tập giấy, gò lưng lại một tí, khuỳnh hai tay ra một chút để cho dễ thở. Hải cũng phải thở chứ: cái phòng giấy sở chàng tuy chật thật nhưng vẫn có một cái cửa sổ để cho không khí bên ngoài vào!
Không khí vào lạ lắm. Nó không vào bình dị và trong sáng như nó vào nhà anh ta đâu. Ở chỗ ngồi làm, nó vào nhưng nó lại bị cái cửa sổ con chặn lại, thành ra nó chỉ vào được nửa chừng; vì thế nó sầu tủi, nó ình ịch, nó không có vẻ tự nhiên tí nào. Người ta có thể bảo là nó đè lên lương tâm những người ngồi ở trong.
Mặt trời không chiếu vào đến đấy một cách mạnh bạo. Vả lại có chiếu mạnh bạo vào đó cũng không làm gì cả bởi vì cái phòng giấy Hải ngồi với các bạn đã có đến ba cái đèn máy sáng trưng. Người ta ngồi trong bốn bức tường cao mà như là ở một cái buồng ấm cúng: thật là một cái buồng xa hẳn chốn phồn hoa vậy. Người ta yên lắm: sáng người ta đi làm, trưa, người ta về; chiều, người ta lại đi làm; tối, người ta lại về. Cái ngày là cái ngày chín tiếng đồng hồ, cái ngày mà đêm nào cũng được trời tắm rửa cho sạch sẽ. Người ta thì không thế: đêm nào người ta cũng ngủ đến sáng và, y nguyên như thế, người ta lại đi làm như hôm qua, người ta đúng giờ lắm và người ta làm một việc.
Thoạt tiên, người ta vào. Chưa có gì cả. Người ta muốn nói một câu gì, người ta kiếm mãi câu ấy, người ta nhớ phảng phất đến cuộc đời ở bên ngoài. Người ta xoa tay, “à!” Một tiếng, dở một tờ báo hàng ngày vừa chung tiền để mua. Mãi ở tận bên Pháp, bên Nhật, bên Ý cũng có tin đến tận nơi đây; vậy ra ngoài cái sở người ta làm, cuộc đời lại gom lại cả trái đất tròn tròn nữa. Những ý kiến nọ tiếp với những ý kiến kia, đầu người ta chắc lắm, đầy đủ lắm. Lúc ấy đương là buổi sáng. Một ngày mới bắt đầu, một ngày mới mà cuộc đời có thể tươi đẹp lắm.
Nhưng chỉ một lát thôi, người ta lại trở về với sự thực...
........................................
(Kiểm duyệt xóa 14 dòng)
Ông chủ nhì đưa cho người làm những tập giấy bằng bàn tay.
Xong, anh đi về chỗ của anh. Mỗi sáng, Hải lại bị gọi một lần như thế. Chàng làm như thế rất quen. Chàng ngồi xuống ghế, hai khuỷu khuỳnh ra, hai cánh tay tự do ở hai bên vai của chàng bởi vì viết là công việc của tay, mà tay có tự do thì mới viết được. Bên tay phải, có ba cái quản bút: cái thứ nhất viết mực đen, cái thứ nhì viết mực đỏ, cái thứ ba viết mực xanh. Ba cái bút để song song nhau: chàng chỉ phải giơ tay lấy chứ không cần trông gì hết. Cùng phía ấy có một cái tẩy, cái thước và một cái bàn thẩm để không, ngăn nắp lắm, nhưng bên tay trái thì chỉ chuyên để đanh ghim, cặp giấy và thước kẻ. Tối đến, tan giờ làm. Hải cất tất cả những thức ấy vào trong ngăn rút.
- Bác Hải, bác đưa cái chìa khóa của bác cho tôi mượn.
- Không, ngăn rút này của tôi. Tôi không đưa chìa khóa ngăn rút của tôi cho bác mượn.
Nhưng mà một người dù ngăn nắp thế nào cũng có khi lơ đễnh. Một buổi chiều, Hải bỏ quên chìa khóa trên bàn.
- Anh em ạ! Đổ trời rồi! Thằng Hải nó bỏ quên chìa khóa.
Từng thứ một, tùy từ nặng nhẹ mà để, người ta thấy ở trong ngăn rút ấy: thước kẻ, bút chì, hay bút mực, tẩy, kim, cặp, thứ nào đi thứ ấy, không thể nào lẫn được. Ba năm trời vất vả ở sở này đã đem đến cho chàng cái tính cẩn thận ấy: cái tính cẩn thận ấy in như hết của ông bà ông vải chúng ta. Cái gì cũng mới, cái gì cũng sạch. Những cái gì dùng đến luôn thì để ở ngoài cùng, cạnh cái khóa để sờ tay vào là thấy ngay. Phía trong cùng ngăn rút, người ta thấy hai hộp: một hộp bút còn nguyên và một hộp bút đã dùng rồi. Muốn cho khỏi lầm lẫn, vì bề ngoài hai hộp bút ấy giống nhau. hải dán ở trên hộp dùng rồi một mảnh giấy và viết mấy chữ này - bằng bút “rông”.
HỘP BÚT
(đã viết đến rồi)
Người ta ăn cắp nhiều thứ của chàng lắm, người ta làm bừa cả lên. Sáng hôm sau, Hải lại tìm thấy chìa khóa. Chàng mở ngăn rút ra xem, và quên bẵng mất rằng tội nào cũng phải có lỗi, chàng làm rầm cả lên một trận.
Cả sở phá lên cười, Hải tức lắm. chàng đã định cầm mấy miếng gỗ chận giấy để ném vào lũ anh em cùng sở nhưng may quá, chàng lại nghĩ ngay ra rằng những miếng gỗ ấy là những miếng gỗ của sở, sở dùng để chận giấy cho giấy khỏi bay mà bây giờ mình lại lấy để ném, ngộ nó văng ra đường thì chết! Thế là Hải lại thôi, chẳng làm gì được bọn anh em cả.
Thời gian cứ trôi, người đời ai cũng có con đường riêng của người ấy. Ở sở này, thực ra, thì cũng chẳng có gì đáng nói cả, nhưng khốn một cái lại có những người phải nói như phải sống.
- Thôi, làm mãi làm gì cho khổ. Chủ đi rồi. Tao hỏi chúng anh em nhé: anh em có đố tôi bóp mũi thằng Hải không? Hải! Tôi bóp mũi anh cho anh xem đây này...
Tức thì, Hải thành ra một tia chớp:
- À! Anh lại bóp mũi tôi! Đây, anh cứ bóp mũi tôi đi. Tôi bảo cho anh biết: anh chưa bóp được mũi tôi thì cái mặt của anh đã tan ra rồi...
Người vừa hỏi thực không ngờ mà người đáp nhanh như thế. Y chỉ còn biết nói:
- Anh Hải, thôi tôi không bóp mũi nữa đâu, đừng sợ!
Không ai hiểu Hải ra sao cả. Không ai hiểu rằng người ta quên mất Hải, hay bởi người ta thấy Hải ở trong lòng người ta.
- Thôi, chỗ anh em cả. Xin bác! Xin bác!
Và như thế, Hải nguôi giận liền.
- Anh Hải, buổi tối anh về làm gì ở nhà? Anh có đi chim gái không? Anh có đi cô đầu không? hay là anh đọc sách.
- Thú thực với các anh, lúc mới vào làm ở đây, độ hai, ba tháng tôi cũng đọc hết một cuốn truyện Tây, nhưng vì sau buổi tối về, tôi mệt quá - mà vì lười cũng có - tôi chỉ xem những tin tức ở một tờ báo hàng ngày mà thôi. Sự thực, tôi cũng không lấy làm thích lắm bằng những truyện kiếm hiệp: những truyện ấy xem ham lắm mà lại không phải nghĩ.
- Thế chỉ có thế thôi à?
- Sáng Chủ nhật, được nghỉ, tôi đi chơi. Tôi lên Hồ Tây ngồi ở trên bãi cỏ để hít thở không khí buổi sáng. Trưa, tôi ăn. Cũng có khi tôi đi xem bóng đá giải buồn, nhưng nếu có chợ phiên thì tôi bỏ đá bóng vào xem chợ phiên cho lạ
- A! A! Anh em ơi, bác Hải lại đi cả chợ phiên nữa đấy, ghê không?
Và câu chuyện ấy thế là tự nhiên được anh em trong sở đem ra bàn luận.
Bàn luận đến chợ phiên tức là phải bàn luận đến đàn bà mà đàn ông đã bàn luận đến đàn bà thì tức là phải bàn luận đến sự chơi bời giấu vợ.
Một người đúng lên nói:
- Hôm qua, nhà tôi phải về Nam Định để thăm con cháu ốm. Tôi được tự do nên đập trống suốt đêm. Gớm! Cái nhà ấy có con bé sao mà hẩu thế! Mình dắt nó đi ăn. Nó kết với mình quá và đến sáng hãy còn khóc rưng rức vì cảm động.
Một người khác tiếp theo:
- Tôi, tôi thích nhảy đầm hơn. Nhảy đầm có vẻ Tây mà lại không tốn tiền như đi hát. Đây nhé: các anh thử tính xem. Tôi làm một tháng được ba mươi nhăm đồng. Một tháng bốn lần phải gom tám đồng bạc để đi Vạn Thái hay Chùa Mới chẳng hạn thì có phải là hết ngoém mất cả lương. Âu là “đằng” này cứ công ty với một thằng nào, mỗi tuần lễ đồng bạc, đi uống chai bia, chai nước chanh xì xằng gì đó rồi nhảy đến một hai giờ đêm thì về. Vừa ngủ được lại vừa không hại tiền.
Một người khác nữa nói:
- Thế cũng hay. Nhưng tôi thì tôi ngổ hơn các bạn. Đập làm gì? Nhảy làm gì? tôi buồn thì tôi ngủ. nếu tôi không ngủ thì tôi đi phòng cho thuê: như thế, vừa rẻ mà lại vừa không bận rộn. Đóng cửa buồng lại thì chẳng còn ma nào biết đấy vào đâu, dù người ấy là “ma phăm” đi nữa.
Câu pha trò nhạt nhẽo đã được người ta nhắc đi nhắc lại thành nhàm rồi, bao giờ nói ở đây, thế mà cũng được tán thưởng rầm rộ lắm. Bởi vì cuộc đời ở đây bằng phẳng quá, một cái gì hơi khác thường một chút cũng được người ta cho là lạ và hoan nghênh vô cùng.
Người nào, tuần lễ một lần, mà chung tiền nhau lại để đi hát, đi nhảy, đi chơi như thế đến hôm sau lại khoe được như thế với anh em là những người bán trời không văn tự! Người ta cười là phí phạm tiền nong thực đấy, nhưng trong thâm tâm, người ta có một sự kính phục khó tả. Hải cũng vậy. Tuy cắm cổ xuống bàn mà ký lia ký lịa, chàng không bỏ một lời nào của những người bạn thạo đời kia. Chàng nuốt nước bọt như thèm một của chua nhưng chàng nhắm mắt lại mà nói với mình rằng:
“Tôi kiếm mỗi ngày được chín hào. Tôi là một người thư ký khổ và tôi làm để kiếm lấy bát cơm ăn”.
Ông chủ đã đến. Bao nhiêu chuyện vui như Tết của bọn phán, ký kia đều im cả một loạt. Họ như bị điện giật, họ không phải là những người bán giời không văn tự nữa, họ chỉ lại là những ông cạo giấy mắt lấm la lấm lét.
Hải vừa cúi đầu viết sổ vừa nhìn họ mà buồn cười. Chàng nghĩ:
“Ối! Các ông ấy chỉ chạy theo những cái lóe mắt người ta, những cô ả đẹp đẽ, những cô ả tiêu nhiều tiền. Những cô ả tiêu nhiều tiền làm cho các ông ấy, không biết quý cái của kiếm bằng mồ hôi nước mắt và những cô ả đẹp, lừa dối các ông ấy, sẽ mở mắt các ông ấy mà bảo cho biết ái tình chỉ là một thú vui giản tiện. Để rồi mà xem: các ‘bố’ ấy sẽ hối ngay”.
Những ý nghĩ ấy của Hải không đủ khuây khỏa chàng và chàng thấy như bao nhiêu những cái đầu ở chung quanh chàng đều kêu lên: “Thôi, đừng có bịa, có một người đàn bà ở bên cạnh vẫn thú hơn, Hải ạ”. Hải lại nghĩ: “Ta có mẹ già thương xót ta và quý ta, ta có những em trai và em gái mến yêu ta hơn cả vợ các anh yêu các anh ở nhà”. Những cái đầu kia như lại trả lời: “Cóc cần! Cóc cần! Hiện bây giờ tôi chỉ biết anh cô độc và anh buồn. Chúng tôi có vợ mà lại có nhân tình nên chúng tôi cười và chúng tôi vui”.
Hải lơ đãng đưa mắt nhìn qua cửa sổ.
Ấy là một buổi chiều tháng hai. Không khí ở bên ngoài hình như rung động. Những chiếc ô-tô đã có ánh sáng, những xe điện, ở đằng đầu và đằng cuối, đỏ ửng lên như hai con mắt đầy ham muốn. Những thiếu niên đi vào ánh sáng và trong túi có tiền. Họ nhìn người đàn bà khi khi có một cặp nào đi qua. Nhiều ông tham khệ nệ đi làm về ở trên những cái xe nhà và nghĩ: “Ta là một viên chức cao cấp của Nhà nước tháng kiếm hơn một trăm đồng bạc”. Trai gái đi qua. Ấy là một thiếu phụ đẹp nồng nàn, quàng tay một thiếu niên cũng nồng nàn: nàng, thì nàng sung sướng vì có vẻ lắm xu; chàng, chàng thì sung sướng vì được nhiều người ham muốn. Cũng có những cặp vợ chồng, mỗi người nhìn mỗi ngả: tâm hồn họ và người họ đã quen nhau lắm rồi.
Họ đi qua. Bọn này đi qua thì lại có bọn khác đi đến. Một người trẻ tuổi ghì chặt lấy lưng một người đàn bà áo mặc thướt tha. Người ta thấy ngay rằng: chàng ấy có thể theo nàng ấy đến tận cùng trái đất.
Sự vui vẻ, sự cao kỳ, sự xa hoa bước những bước dài trong ánh sáng của kinh thành. Những tiếng cười, tiếng nói vọng đến bên tai Hải, bóng bẩy như những cái nhìn của đàn bà mà Hải đã gặp trên đường. Ôi! Lúc ấy, đến tận lúc ấy Hải mới đành chịu nhận rằng những lời nói của bạn hữu chàng là đúng: sự vui thú ở đời có nhiều ý nghĩa hơn cuộc đời cô độc của chàng lắm lắm. Chàng cố sức bám lấy một cái gì để cho khỏi bị chìm. Chàng muốn đắp một con đê để ngăn cuộc sống trẻ đẹp kia và kêu lên rằng: “Tôi cũng sống đây. Tôi đứng dậy bằng gạch với xi=măng và tôi ngăn các ngài lại trong khi các ngài đang kêu”.
Hải thấy một mối buồn não nùng khóc lên ở trong lòng. Chàng ngót ba mươi tuổi rồi mà vẫn cô quạnh, vẫn không biết một người đàn bà nào cả ở giữa cái Hà Nội quyến dỗ người như mẹ mìn!
Chao ơi, tiền bạc, học vấn và sự yên ổn làm sao cho bằng được cái thú sống ở đời. Vài ba cái hình ảnh đàn bà đã trông thấy vụt hiện ra trong tâm trí chàng, và chàng đã để cho tâm trí đuổi theo những hình ảnh ấy để “du dương” một lát. Rồi bao nhiêu những ngọn lửa của tuổi thiếu niên bừng bừng lên, ngũ quan chàng đều thấy rung động ở trước những cái có thể chứa được ở trong một người đàn bà đi qua.