- 10 -

Khi tôi về nhà thì trời bắt đầu tối. Phúc Thanh và Trường Duy đang ngồi trong phòng khách. Thấy tôi về, tự nhiên Phúc Thanh đứng dậy, dáng điệu có cái gì đó không tự nhiên, hắn nói với Trường Duy:
- Thôi tao về, có dịp rảnh thì tao ghé chơi.
Tôi giữ hắn lại:
- Anh Thanh ở chơi, lâu lắm rồi không thấy anh đến thăm anh Duy.
- Ờ... À, tôi hơi bận công việc, Phượng ở đằng công ty về đó hả?
- Dạ.
Phúc Thanh lại liếc Trường Duy cái nhìn đầy ngụ ý, rồi nhanh nhẹn đi ra cửa.
Tôi vào phòng thay đồ, rồi trở ra phòng khách. Trường Duy vẫn ngồi yên trên ghế, đăm đăm nhìn khói thuốc bay lơ lửng, anh có vẻ suy nghĩ một điều gì đó chẳng mấy vui. Tôi ngã người vào lòng anh:
- Anh Thanh đến lúc nào vậy anh?
- Lúc chiều.
- Lâu quá hai anh không đi chơi với nhau, sao tự nhiên bây giờ ảnh đến thăm vậy. Chắc anh hết giận tụi mình rồi hả anh? Anh ấy nói gì vậy?
Trường Duy nhìn tôi thật lâu, gương mặt bình thản:
- Chỉ là chuyện bình thường thôi, em không nhớ tụi anh từng là bạn với nhau à?
- Nhớ chứ.
- Sao hôm nay em về tối vậy Phượng?
- Tối đâu mà tối, anh không thấy hôm nay em về sớm hơn à! Đáng lẽ còn sớm nữa, nhưng em với chú An và anh Tuyên đi uống cà phê nên bây giờ mới về.
- Tuyên là ai vậy? Bạn mới của em hả?
- Không, bạn cũ, cũ từ thời xa xưa ấy. Hồi ấy anh ấy học lớp quay phim, trước em một khoá, anh ấy giới thiệu em với chú An đấy, anh quên rồi hả?
- À, anh nhớ rồi - Trường Duy nhìn tôi thật âu yếm - Mệt không cưng?
- Đi chơi em không mệt chút nào.
- Thế nấu cơm em có mệt không?
- Cũng hơi hơi.
Trường Duy nhìn tôi đầy ý nghĩa:
- Lúc này em bỏ quên anh rồi đó.
Tôi phản đối:
- Quên sao được mà quên, chỉ tại em bận chứ bộ.
Trường Duy im lặng. Tôi nhìn anh, mấy lúc sau này anh có một cái gì đó lặng lẽ. Thật khó mà hiểu được cái gì trong đầu anh. Sao tôi có một ông chồng khó hiểu đến thế này.
Từ lúc yêu nhau đến giờ, chưa bao giờ tôi hiểu anh cả, không hiểu tại tôi vô tâm hay vì tính anh kín đáo. Lâu lâu anh buông ra một câu để tôi suy nghĩ, rồi lại im lặng quan sát, rốt cuộc rồi tôi có hiểu được gì đâu. Chồng sao mà phức tạp quá.
Tôi buông tờ báo xuống trầm ngâm nhìn hình trên trang bìa, phía dưới là hàng chữ dài “Đạo diễn Như Phượng, ba bộ phim khẳng định một tài năng trẻ”. Nhìn trong hình tôi giống hệt một cô bé con vừa mới ra trường hơn là tôi bây giờ, nhà báo Phan Huy viết về tôi như một hiện tượng điện ảnh, một sự khám phá mới mẻ bởi một phong cách riêng biệt. Ông ấy còn khẳng định rằng tôi sẽ còn đi xa hơn nữa. Tôi không hiểu ra sao trong mắt mọi người, hai năm với ba bộ phim, nhớ lại những ngày lê thê thất nghiệp, tôi không ngờ mình đi xa đến vậy.
Hôm qua ông Thịnh Vương đến đề nghị ký hợp đồng một bộ phim mới. Tôi đọc kịch bản cả một buổi tối, thế rồi cứ suy nghĩ mãi. Ờ... Chưa bao giờ tôi thấy một kịch bản tệ như thế, toàn là những chi tiết vớ vẩn và cách giải quyết vấn đề cũng nông cạn, hời hợt. Không cách gì tôi có cảm tình với kịch bản cho được. Tôi hẹn thứ bảy trả lời với ông, nhưng lòng cứ bồn chồn mãi. Tôi thay đồ rồi đến nhà ông ta.
Ông Thịnh Vương tiếp tôi với vẻ niềm nở pha chút ngạc nhiên:
- Tôi cứ nghĩ thứ bảy cô mới trả lời. Thế là cô đọc xong kịch bản rồi hả? Người ta nói đạo diễn Như Phượng làm việc rất nghiêm túc, tôi xin nói thêm rằng rất nhanh nhẹn nữa.
Tôi hơi lúng túng:
- Cám ơn ông đã khen, nhưng thật tình là... Hôm nay tôi đến để trả kịch bản lại cho ông.
- Sao, sao vậy?
- Dạ, là vì tôi không thể hợp đồng phim này được.
- Sao thế? Cô chê tiền cát sê quá ít hả, tôi bảo đảm là không có người làm phim nào trả cao hơn đâu.
- Dạ, tôi biết điều đó, nhưng thật tình là tôi không thể đạo diễn cho phim này được.
Mặt ông ta thoáng cau lại:
- Hôm qua tôi có trao đổi hết rồi và cô có ý kiến gì đâu, sao bây giờ cô thấy có gì trục trặc sao?
- Dạ, không có gì hết.
Ông Thịnh Vương dựa người vào ghế, nhìn tôi với vẻ phật ý, rồi buông ra một câu:
- Với khoản tiền tôi đề nghị, không có đạo diễn nào từ chối hợp đồng này đâu, nhưng tôi chỉ tin vào khả năng của cô thôi. Đây là kịch bản tôi hài lòng nhất và tôi chỉ thích giao nó cho cô.
- Dạ, cảm ơn ông.
- Cô có cần suy nghĩ lại không?
Tôi ngồi im, quả thật tôi không thích cách nói năng ban ơn của ông ta, không hiểu ông ta nghĩ gì mà bảo tâm đắc với kịch bản này, lại cón đem tiền ra khống chế tôi nữa à. Không kềm được, tôi bật ra:
- Kịch bản thế này mà ông bảo hay à, tôi chẳng thấy có gì hay cả và thú thật tôi không thể khai thác những cảnh…. này như ông đề nghị được.
- À, cô sợ báo chí phê bình làm mất tiếng à?
Tôi ngồi im. Ông ấy nhìn tôi với vẻ quan sát, rồi cười như thông cảm cho tôi:
- Thôi được, với một đạo diễn đang có tiếng như cô, tôi đồng ý nâng cát sê lên, cô thẳng thắn đề nghị đi bao nhiêu?
- Tôi không cần tiền.
- Thời buổi bây giờ người ta đem nghệ thuật ra kinh doanh là thường, cô không phải xấu hổ về điều đó, tôi thích sự thẳng thắn sòng phẳng hơn.
Thấy tôi ngồi im, ông ta gợi ý:
- Nếu muốn cô có thể đổi hoặc giấu tên cũng tên cũng được.
Tôi ngồi im, có lẽ ít ai có được sự biệt đãi như thế. Có nhiều tiền kể cũng thích thật, nhưng tôi không cần nó, việc ấy đã có Trường Duy lo rồi. Có lẽ đến một ngày nào đó tôi cũng sẽ cần nhiều tiền, nhưng đến lúc ấy sẽ hay, còn bây giờ... Tôi sợ bị người ta phê phán lắm. Tôi cười nhẹ:
- Cám ơn thiện ý của ông, nhưng nếu tôi dám làm thì tôi cũng dám nhận, không việc gì tôi phải giấu tên cả. Có điều là bây giờ tôi không thể hợp đồng này được.
Không đợi ông ấy trả lời, tôi đứng dậy chào ông ta, ông ta cũng không giữ tôi lại.
Về đến nhà mới nhớ mình chưa đi chợ, nhưng bây giờ lười quá, chả muốn đi nữa. Tôi mở tủ lạnh, chẳng có gì có thể ăn được, chỉ còn hộp sữa, nhưng không lẽ trưa nay cho Trường Duy uống sữa, thôi thì cho anh ăn hột vịt vậy.
Tôi đi bộ ra đầu đường, mua đầy giỏ hột vịt, mua thế này ngày mai khỏi mất công đi chợ. Tôi chất hột vịt vào tủ lạnh, rồi lôi ra sáu hột, tôi loay hoay luộc phân nửa, còn phân nửa để chiên, chứ nếu ăn một thứ Trường Duy sẽ ngán lắm.
Qua một khoá huấn luyện của Trường Duy, tôi nấu ăn khéo hơn và thấy chuyện đó chẳng có gì là khó khăn cả, nấu ăn cũng dễ đó chứ.
Đang bận bịu với những món hột vịt chiên thì Trường Duy về, mặt anh có vẻ mệt mỏi, tội ghê. Tôi nháy mắt cười với anh:
- Anh rửa mặt đi, em xong bây giờ đây.
Trường Duy giúp tôi một tay dọn bàn ăn. Nhìn hai đĩa hột vịt, anh nói khẽ:
- Hình như cơ thể em thiếu chất Abumin hả Phượng?
- Đâu có, nhưng sao anh hỏi vậy?
Anh thở nhẹ:
- Thấy em hay ăn hột vịt quá nên anh không biết giải thích bằng cách nào khác vậy mà.
Tôi vẫn vô tư:
- Hột vịt ngon lắm anh.
- Anh biết, nhưng chúng ta đã ăn hơn một tuần rồi. Anh sợ ăn như thế này có ngày hai đứa mình thành con vịt mất.
Trường Duy mở tủ lạnh, thấy mờ hột vịt chất lổn ngổn trong ngăn, anh quay lại nhìn tôi sửng sốt:
- Ở đâu vậy Phượng?
- Em mua đấy, mới mua tức thì.
Trường Duy hơi nhún vai:
- Thú thật với em là anh sợ món ăn này lắm rồi, ngày mai mua thứ khác đi em.
- Dạ - tôi an ủi - Anh ráng thêm hôm nay nữa đi, chiều em sẽ làm món khác, anh chịu không?
-... Nhưng cơm đâu em?
Tôi đứng ngẩn người, tròn xoe mắt nhìn bếp điện, chết tôi rồi! Trường Duy khẽ thở dài:
- Em quên nấu rồi phải không?
- Ôi, không hiểu sao em đãng trí vậy nữa, em quên thật rồi anh Duy.
-...
- Bây giờ mình đi ra tiệm ăn hả anh?
Trường Duy nhìn tôi vẻ mặt ngao ngán:
- Anh nghĩ đó là giải pháp cần nhất đấy.
Ngồi bên nhau trong quán, Trường Duy ăn một cách lặng lẽ như quá mệt mỏi chán chường, tôi lấm lét nhìn anh, cảm thấy mình có lỗi vô cùng. Và để chuộc lỗi của mình, buổi chiều tôi làm một lô món mà Trường Duy thích, đĩa lớn dĩa nhỏ bầy đầy cả bàn. Dĩ nhiên món nào cũng đảm bảo chất lượng, lần này thì trường Duy sẽ thấy tôi là một người vợ tuyệt vời thôi, không thể khác được rồi.
Vậy mà chẳng hiểu sao, anh đón nhận sự chăm sóc của tôi với một thái độ chẳng chút hồ hởi, thậm chí như phủ nhận nó. Khi tôi ép buộc phải ăn cho hết đĩa gan xào và uống kỳ hết ly sữa, anh làm mọi thứ với một vẻ chịu đựng kiên nhẫn, làm như bị tra tấn không bằng. Tôi thấy bất mãn quá chừng. Tôi bặm môi, giận dỗi:
- Bộ em nấu ăn dở lắm hả?
- Không, ngon lắm.
- Thế sao anh không ăn gì hết vậy. Làm như anh bị bắt buộc phải ăn không bằng, anh làm tự ái dễ sợ.
Trường Duy không nói gì, lẳng lặng hút thuốc. Vậy đó, y như rằng tôi nổi giận thì anh đem thuốc ra hút, coi thường tôi như thế là quá lắm. Tôi la lên:
- Em hết chịu nổi anh rồi.
Trường Duy chợt hỏi lại:
- Thế theo em thì anh có chịu đựng nổi em không?
Tôi khựng lại, sững người, anh nói gì thế?
Trường Duy lặp lại:
- Trả lời anh đi, theo em thì anh có chịu đựng nổi em không? Hay là chỉ có em phải chịu đựng?
Giọng anh thật nhẹ nhàng, nhưng trong âm sắc có một cái gì đó lạnh lùng giận dữ. Bất giác tôi thấy hoang mang.
Trường Duy mím môi, nhìn chăm chăm vào góc nhà, nhưng tôi hiểu anh nhìn mà chẳng thấy gì đâu. Giọng anh xa vắng:
- Lẽ ra anh không nói, nhưng rồi em càng ngày càng làm quá đáng, anh không thể im lặng được nữa.
Tôi định mở miệng, nhưng anh khoát tay:
- Có khi nào em nghĩ em đối xử với anh như một đứa bé không, khi vui thì em quan tâm săn sóc anh, quá quan tâm đến nỗi anh chết ngộp vì sự săn sóc độc đoán của em... Thế rồi qua giai đoạn đó, em xao lãng anh đến mức anh tự hỏi rằng không biết anh có tồn tại trong đời em không. Sống bên em chẳng khi nào anh tìm được sự cân bằng cả. Em định biến anh thành con rối phải không?
Thì ra Trường Duy giận tôi từ lâu nhưng anh không nói, anh là hay có tật đó lắm. Chẳng bao giờ chịu nói, cứ im lặng, để rồi mỗi lần nói ra thì tôi hết đường chống đỡ. Chồng gì mà thâm hiểm vậy đó. Trong khi tôi mà giận thì cứ hét toáng lên rồi quên ngay. Trường Duy thật là đáng sợ. Tôi nổi sùng:
- Em không biến anh thành con gì hết, chỉ có anh là nhỏ nhặt với em thôi. Nếu giận anh thì em nói ngay lập tức, còn anh thì cứ ghim trong bụng.
Chẳng biết diễn đạt ra sao cho hết ý, tôi hét lớn:
- Anh là người thâm hiểm nhất trên đời mà tôi từng thấy.
Trường Duy đứng bật dậy, gương mặt bừng lên vì giận. Anh đứng lên như cố kiềm chế:
- Em nói chuyện bình thường được không, ra ngoài có bao giờ em dám la hét người khác. Hay chỉ dành đặc ân đó cho anh thôi.
Tôi vung tay:
- Em ghét nhất cách nói mỉa mai của anh, anh có xem em là vợ không chứ.
- Có chứ, em thân yêu, vì xem em là vợ nên anh mới đủ sức chịu đựng tính khí thất thường và cái tội quá lớn của em đấy, em không thấy vậy sao.
Tôi chỉ im lặng. Nhưng câm miệng không có nghĩa là đồng ý. Y như rằng mỗi lần cãi nhau, tôi tức tối la hét cho lắm rồi cuối cùng cũng chịu thua. Còn anh thì cứ nói từ tốn bình tĩnh mà phán cho tôi nhiều câu nghe muốn nổi khùng. Có bao giờ cãi nhau mà tôi thắng được lý luận sắc bén của anh đâu, anh chỉ giỏi áp đảo vợ thôi. Ý nghĩ đó càng làm tôi thêm tức bùng lên:
- Đúng đấy, tôi thất thường lắm và ngu ngốc nữa, thế nên chẳng bao giờ tôi lý luận qua nổi anh, còn anh thì chỉ giỏi ăn hiếp vợ, anh là người...
- Người thế nào?
-...
- Sao cô không nói?
Tôi phẩy tay:
- Tự anh biết lấy.
- Chúng ta nói chuyện để hiểu nhau hay nói để gây hả Phượng?
Tôi nói bừa:
- Để gây, tôi thích gây gổ lắm.
Trường Duy mím môi, giọng bặt đi vì giận:
- Tôi đã kiên nhẫn quá nhiều rồi. Đủ rồi.
Anh đứng dậy, đá chiếc ghế qua một bên rồi bỏ đi. Chẳng chịu thua, tôi cũng hất chiếc ly trên bàn xuống đất nghe một tiếng xoảng. Trường Duy không thèm quay lại, bỏ đi thẳng ra ngoài. Ôi chưa bao giờ tôi bị đối xử như vậy. Hết rồi.