Phần 7

19. Thú thực với bạn đọc, cái tạng của tôi chẳng phải vì kém tiếng Anh mà khó bông đùa với người Mỹ.
Người Mỹ có cái gì đó khác người Châu Âu, nhất là so với người Pháp. Họ ít mặn mà với chuyện văn chương mà cũng ít niềm nở, điều mà người Việt chúng tôi ư quá mong đợi.
Nhưng thực cảm ơn anh John W. quê ở bang Nevada, nghiên cứu sinh tại Pháp mà tôi được gặp.
Chính anh đã chữa cho tôi phần nào định kiến. Rõ ràng, làm quen được với John W. này không hẳn vì anh không có khuynh hướng chính trị, cả khi anh nói, chẳng hề đọc sách văn học.
Sở thích và sở trường của anh sử dung tiếng Pháp chỉ để khảo cứu khoa học mà thôi.
- Ở đời – John W. nói - chỉ có khoa học là phi chính trị! Chỉ có ai say mê khoa học mới thực sự là người trung lập, mới thuộc về tương lai!
Tất nhiên là tôi chưa hoàn toàn đồng ý với anh:
- Anh bảo khoa học là phi chính trị, há chẳng phải khoa học từng góp phần gây tai họa cho hành tinh đó sao? 
- À… - John W. đáp - đó là do con người sử dụng nó, chứ bản thân khoa học không có tội.
- Anh có tin lên tới sao Hỏa sao Kim thì con người và khoa học tỉnh ngộ hơn không?
- À, đó là chuyện tương lai! Bây giờ hãy cứ tìm cách mà lên đã. Rồi thì tùy “lương tri” người nắm khoa học.
Cuộc trò chuyện giữa tôi và anh hôm đầu cứ khô như ngói thế đấy.
Dẫu sao thì hai tiếng “lương tri” John W. vừa nói cũng đã làm cho tôi bớt xa lạ về anh. Nhất là hôm tạm biệt tôi để về Mỹ nghỉ hè, anh tặng tôi tranh cắt con bồ câu. Đáp lại, tôi đưa ra hai vật phẩm để làm quà. John W. chăm chú nhìn có vẻ thích thú, rồi anh chỉ vào cái va-li đã đầy ắp:
- Rất cảm ơn, nhưng cho phép tôi chỉ nhận cuốn sách.
Đó là cuốn “Sông Ngân khi tỏ khi mờ” (Les flots de la riviere Claire) của nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu.
- Còn mẩu đá có em bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo này nữa, xin kỷ niệm anh luôn!
John W. cầm lấy ngắm nghía nhưng lại ngập ngừng.
- Hay là vì nó quá nặng?- tôi hỏi.
- Một phần - John W. mỉm cười - nhưng quà này nếu anh đồng ý, anh cho phép tôi về tặng lại họ John khác, hoặc tặng Richard Nixon, người đã chủ trương sai lầm đánh cho Việt Nam trở lại thời đồ đá…
20. Người Pháp thích chơi chữ, nhưng chơi kiểu đọc chệch các chữ viết tắt thì hiếm thấy người tài như anh ta.
Tôi biết tài của anh trên xe từ Berlin trở lại Paris. Anh toàn ngồi đọc chơi bảng viết tắt chữ cái. Tên hãng nào, anh cũng luận ra cả nghĩa bóng, gây nên những tràng cười cho hành khách.
- Liệu tổ chức kia nghe, có kiện anh thường xuyên tạc họ không? - một vị khách hỏi.
- Kiện sao được tôi! Này nhé, CIA là…, Này nhé, AIDS là…, toàn mang nghĩa vui vẻ…
Lại những tràng cười rộ lên.
Bấy giờ, chính tôi cũng phải phục sát đất người bạn này. Không những anh am hiểu cuộc sống mà phải thông minh lắm, mới có cả bồ từ ngữ để ứng khẩu tuyệt vời như thế…
Đến nỗi, xe về tới bến, tôi còn bám theo anh tới trạm tàu điện ngầm để hỏi anh. Anh cho biết anh chẳng học trường nào, chỉ là bản năng.
Sinh ra trên đất Pháp, gia tài trong nhà chỉ là một tủ sách giai thoại tạo cho anh sức bật chữ nghĩa.
- Anh là bậc thầy chơi chữ! - tôi khen.
- Đâu dám! - anh đáp.
Nói rồi chỉ tay lên tấm biển, anh kể tiếp:
"Cũng ở tuyến này, đã có nhiều vị khách du lịch không phải hạng xoàng chữ… Có lần, khi vé bị máy trả lại, không qua được chắn cửa, một bà khách nhìn lên bảng RER lẩm bẩm:
“Mình không phải là hoàng hậu về hưu chăng?” (Reine En Retraite).
Ông mang kính trắng đáp lại:
“Có lé tuyến này chỉ dành riêng cho dân lang thang!” (Roman Et Romanichel). Còn cậu người Anh trẻ măng thì nói với cô gái đứng cạnh:
“Em thấy không, họ viết sai chữ A thành ra E. Chính tuyến này dành cho chúng mình đi nhảy Rock And Roll!” Anh ta ấn vé lần nữa nhưng vẫn bị máy trả lại!
Thấy vậy, tôi đành tới bảo ba vị là vé không còn giá trị ra tuyến ngoại vi, phải tới quầy mua vé bổ sung, nghĩa là phải đi lại cho đúng luật (REPARTIR EN RÈGLE)..."
Anh chào tôi, tạm biệt.
21. Dự buổi nói chuyện ở sứ quán Việt Nam xong, tôi ra cổng đón xe buýt thì một người Việt từ trên chiếc xe tải bước xuống, chìa tay ra:
- Chào bác Châu! Bác còn nhận ra ai đây không? Nam “in phe dua” đây mà!
Ồ ra Nam! Quả thật, nếu cậu ta không nhắc tới “il fait jour” thì tôi còn ngỡ ngàng. Tôi xiết tay Nam.
Tốt nghiệp phổ thông 1965, Nam vào bộ đội lái xe Trường Sơn. Hòa bình lập lại, được cử đi học lớp chuyên tu ngoại ngữ cấp tốc. Vì cùng số nhà chung cư tại Hà Nội nên đêm nào ghé về, Nam cũng nhờ tôi phụ đạo cho tiếng Pháp.
Quen lái xe đêm băng rừng, cậu ta thích nhất bài “ il fait jour” mà tôi dịch dạy cho:
“Trời đã sáng rồi
Ông trăng đi ngủ, mặt trời ló ra
Trên cành chim chóc đua ca
Con ong tỉnh giấc tìm hoa chào mừng”
Đại thể như vậy, chẳng ngờ cậu ta học khá và được chọn đi làm nhân viên Sứ quán Việt Nam
- Sao? Cậu vẫn ở đây? - tôi kéo Nam vào tỉệm cà phê gần nhất.
- Vâng, từ sau hiệp định Paris, em hết hạn lái xe cho Sứ, Nam đáp. Đáng lẽ về nước nhưng sẵn tay nghề, em xin được ở lại làm thợ cho một xưởng ô tô. Năm kia, sắm được cái xe cũ đi chở hàng. Kiếm thêm ít tiềm rồi sẽ về! Bác nhớ bài “in- phe- dua” bác truyền cho thời ấy không, em thì chẳng bao giờ quên… Nhưng, bác sang đây từ bao giờ? Đi được những đâu rồi? Bác đã thăm tháp Eiffel chưa?
- Rồi!
- Bảo tàng Louvre?
- Đã!
- Còn điện Pantheon?
- Chưa!
- Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, danh nhân Pháp quả là tầng tầng lớp lớp. Nhưng, bác cũng nên sắp xếp thì giờ, đi đêm với em đến vài nơi mà bác chưa biết.
- Đồng ý thôi, những nơi nào vậy?
- Chỉ một nơi ngay dọc bìa rừng Boulogne kia thôi, nơi mà em đã cải biên lời bài hát thành in – phe – nuy (il fait nuit - tối rồi).
Nói rồi, Nam bật lên bài hát “tối rồi” bằng tiếng Pháp, cũng do cậu ta dịch ra tiếng Việt:
“Tối rồi. Trời đã tối đen
Rong chơi, các gã thanh niên đua đòi
Bìa rừng các ả làng chơi
Đứng chờ vẫy, gọi chào, mời khách mua”… khiến câu chuyện của chúng tôi kéo dài đến 24 giờ khuya.