Phần 4

Ngày lên đường về nước, vứt gì thì vứt, chứ cái khèn bè thì tôi cố mang về… Vâng, nếu các bạn tới Provence, tôi sẽ cho các bạn xem cái khèn bè ấy. Tôi xem nó như “ lá bùa văn hóa” đã cứu mình thoát khỏi chiến tranh…
10. Thật tình cờ, một chiều chủ nhật, cuối buổi hòa nhạc ở công viên, Vinh giới thiệu với tôi một anh bạn da đen có tên Mohamed, khách hàng quen quán phở của anh.
- Xin chào! - tôi bắt tay anh bạn.
- Xin chào! - anh bạn xiết tay tôi.
Bởi Vinh còn giới thiệu tôi là nhà văn du lịch nên Mohamed xiết lại tay tôi, nói thêm:
- Chào Việt Nam! Ở Alger, tôi đã được đọc cuốn “Người đi dép cao su” viết về Cụ Hồ.
Câu chuyện mở đầu thực đã thân thiết.
Tôi hỏi anh:
- Anh cũng đi du lịch?
- Không, tôi nhập quốc tịch Pháp từ năm 1955, gia đình hiện ở Provence… Ở Provence nhưng tháng nào tôi cũng lên Paris. Lên Paris lần nào cũng ghé quán ông Vinh. Và hễ có hòa nhạc là tôi không bỏ…
- Anh thích nghe nhạc?
- Vâng…- Mohamed vừa trả lời vừa cử động… Qua cái nhún và đưa hai tay lên vẫy vẫy, tôi hiểu ngay đó là điệu “múa nón”; khi anh co chân nhảy lò cò, đích thị là điệu “nhảy sạp”…
- Ủa, anh xem văn công Việt Nam từ lúc nào?
- Thời còn ở Cao Bằng! - Mohamed lại bụm hai tay trước miệng huýt sáo bài “lăm tơi” quen thuộc.
- Tuyệt vời! Anh thổi khèn bè rất hay!
- Đúng, cái khèn bè (anh chen tiếng Việt) kỷ niệm vô giá của đời tôi đấy!...
Và sau khi chạm cốc giải khát, lần đầu tôi được nghe anh bạn Pháp gốc Phi kể chuyện cái khèn bè:
- Năm đóng quân ở Cao Bằng, trong trận đi càn, tôi nhặt được cây khèn bè. Mê khèn bè, tập thổi bài “lăm tơi”, bị chỉ huy phạt củi. May mắn sao, nhờ buổi phạt hôm ấy mà tôi thoát trận Việt Minh diệt đồn Đồng Khê! Tôi và một anh người Morocco trốn sang Lào, đến chiến dịch Trung Lào thì bị bắt rồi được phóng thích…
Câu chuyện của anh cứ lôi cuốn tôi.
… Ngày lên đường về nước, vứt gì thì vứt, chứ cái khèn bè thì tôi cố mang về… Vâng, nếu các bạn tới Provence, tôi sẽ cho các bạn xem cái khèn bè ấy. Tôi xem nó như “lá bùa văn hóa” đã cứu mình thoát khỏi chiến tranh…
11. Nathalie thường tới trò chuyện với bà chủ nhà tôi trọ. Một hôm, sau khi nghe tôi kể chuyện vui “Sư tử Hà Đông”, chị cũng kể một chuyện:
- Ở Lyon quê tôi, có cặp vợ chồng nhà giáo hẳn hoi. Bà vợ tính nhu mì, nhã nhặn. Ông chồng dạy toán khá, chỉ cái tội nát rượu! Hôm nào rượu vào, về nhà toàn nặng lời với vợ… Bạn bè đồng nghiệp bao lần khuyên can nhưng rồi chứng nào tật ấy. Lương tháng ném hết vào chai lọ. Hôm nào vợ vắng nhà, ông tới quán uống ghi sổ, nợ đọng tuần này qua tháng nọ.
Bỗng một hôm, không hiểu do đâu, ông chồng về nhà mặt mày tươi tỉnh, Ông hứng chí bảo vợ:
- Tôi đã xóa hết sổ nợ! Từ rày trở đi, tôi chẳng cần bám vào bà! Của tôi, tôi uống. Bà đừng có mà đi rêu rao, than phiền tôi!
Nghe chồng nói, bà vợ vốn dịu dàng chỉ có mừng. Có điều bà băn khoăn không biết chồng vớ đâu ra tiền. Bạn nào tốt bụng cho ông ư? Không có! Mà quả thật, ông chỉ có bệnh rượu, cờ bạc thì không, càng không hề có thói… cắp vặt!
Cuối cùng, chính hàng xóm cho bà biết là ông nhà trúng xổ số lớn! Biết được cụ thể hơn, bà liền đặt kế hoạch giúp chồng.
Một chiều, nhận được cú điện thoại của cảnh sát gọi ra đón để bảo lĩnh ông nhà, bà đã tới dìu ông về. Lúc tỉnh ra, ông lục túi, mặt buồn rười rượi. Vài hôm sau, bản chất nhà giáo trở lại, ông đành thú thực với vợ “bị mất cắp cái ví lớn!”
- Ai? ai lấy? - bà vợ hỏi - Sao có tiền, ông không gửi tôi cất hộ, lại say sưa để bị mất cắp?
Ông giáo rượu làm sao mà biết chính bà, khi tới đồn dẫn ông về, đã cất hộ cái ví lớn đó. Để từ nay trở đi bà chỉ đưa vừa đủ từng ngày cho ông giải phiền.
Chị Nathalie nói rằng câu chuyện ở Lyon quê chị là nguồn gốc của câu tục ngữ “Mãnh sư đực chiến thắng bị mãnh sư cái ra đòn”(Le lion vainqueur est vaincu par la lionne).
12. Ngồi nghe chị chủ nhà kể chuyện Michel cùng học lớp năm với con gái chị mà tôi bật phá lên cười.
… Khắp khu nhà tôi ở, ai cũng thắc mắc với thằng Michel lười học, cả ngày dán mắt vào trò chơi điện tử mà sao toàn được điểm cao… Mãi đến hôm có cô giáo mới về thì bí mật mới được khám phá: Michel có bố là nhà báo nổi tiếng thường gà hộ bài làm!
Ông bố này gà khá thông minh, rất khó phát hiện.
Đầu tuần trước, cô cho Michel bài tập về nhà: “Em hãy chia động từ “ngáp” (bailler) ở thì tương lai gần". Cô không ngờ thằng bé lại hóm hỉnh làm bài: "Thì tương lai gần của động từ "ngáp" là "tôi ngủ, mày ngủ, nó ngủ” (Je dors, tu dors, il dort).
Tuy thế, cô vẫn ngờ ngợ.
… Tuần thứ hai, cô thử giữ Michel lại, làm bài kiểm tra văn.
- Em hãy dẫn một tác giả Nga mà em đã học?
- Chevchenco!
- Hãy dẫn một nhà văn Pháp?
- Zola!
Cô giáo mỉm cười. Để xác định thêm “thế mạnh” của cậu học sinh, cô hỏi tiếp:
- Vậy, em kể cho tôi tên một cầu thủ nổi tiếng?
Tức thì, Michel chẳng cần nghĩ ngợi, đáp liền một mạch:
- Zidane, Barthez, Laurent Blanc!...
Thế là cô hiểu.
Cuối học kỳ, với đề thi “Định nghĩa văn hóa”, cô cho riêng Michel biết trước để em có thì giờ chuẩn bị. Tất nhiên là Michel lại mang về nhờ bố. Thoạt đầu, ông bố cũng thấy đề ra quá khó. Nhưng sau một đêm suy nghĩ, sáng dậy, ông gọi con lại, ghé ta thì thầm điều gí đó. Michel giãy nảy lên:
- Nguy hiểm! Nhỡ cô biết bố bày cho thì chết!
- Đồ ngốc! Tao đâu có đến lớp! Tự tay mày viết vào giấy. Nhớ lấy “Thưa cô, em quên... nhưng em tin rằng văn hóa là... " cứ thế, cứ thế...
Hôm sau, trả bài kiểm tra, cô giáo tươi cười tuyên bố trước cả lớp:
Michel! Em viết là "em quên, nhưng em tin rằng văn hóa là cái gì còn lại sau khi người ta đã quên tất cả!". Đúng, nhưng em hãy về thưa với ai đã bày cho em rằng, tác giả câu trên, không chỉ nói thế, ông ta còn nói tiếp: “Văn hóa là cái gì vẫn thiếu sau khi đã học đủ mọi điều!”.