Phần 6

16. Hạnh phúc trong tình yêu ở một nước văn hóa cao như nước Pháp - đó cũng là điều tôi luôn muốn tìm hiểu. Hỏi khá nhiều bạn trẻ, hoặc là họ so vai lắc đầu, hoặc là họ chỉ mỉm cười.
Điều đó, gây cho tôi cảm nghĩ thanh niên Pháp chỉ ham mộng mơ. Nếu cứ bám hỏi mãi thì một là mình bất lịch sự, hai là bạn cho mình ngớ ngẩn, là nhà văn sao không hỏi vào các vấn đề nóng hổi hơn…
May thay, tuần này gặp lại Phúc, người đang làm việc cho một công ty Pháp.
Từ độ ra trường, Phúc vẫn chơi thân với bạn bè trước đây. Nghe hòa nhạc, xem phim, nhất là đi cắm trại, hàng năm Phúc đều có thêm nhiều kỷ niệm mới. Điều này hiện rõ trong tập album dầy cộp mà anh cho tôi xem. Do đó, tôi tin anh là người hiểu rõ tâm lý bạn trẻ. Trả lời câu hỏi của tôi, Phúc cắt nghĩa:
- Đa số bạn trẻ Pháp quan niệm rất thoáng về tình yêu. Thích thì làm quen. Hiểu nhau cứ đi lại cả ngày lẫn đêm. Hợp nhau thì cưới, nhưng xung đột thì cứ “a lê, a- đi- ơ” (vĩnh biệt).
- Nghĩa là họ không cần sự thủy chung như bên mình?
- Đúng, hơi khác một tý với bên mình. Nói đúng ra, là họ đã quen phóng túng từ thời Julien Soren bắc thang vào buồng bà De Rhénan [1]… Ngày nay, yêu đương càng bão hòa và hạnh phúc lại càng rộng rãi…
Phúc cũng bác luôn ý kiến của tôi cho rằng thanh niên Pháp đã nghiêng về mộng mơ rất ít thực dụng. Anh kể:
- Năm ngoái, cháu đi nghỉ hè ở Bờ Xanh (Côte d'azur) với bốn đứa trước học cùng khóa. Trên bãi biển mát rượi, bon cháu cũng luận về vấn đề này. Cậu Woler, sinh viên Mỹ đầu têu cắt nghĩa:
- “Hạnh phúc nhất là đi nghỉ không có vợ đi theo!”.
Còn cậu Kirikov - người Nga, đọc câu gì đó của Eptusenko, đại loại:
“Tôi chẳng thích tình yêu dang dở - Nên không mơ hạnh phúc nửa vời…”
Cứ thế, đến lượt thằng Jean tán tụng:
“Hạnh phúc như thủy tinh, càng long lanh càng mỏng mảnh” (P. Xuyris).
Thật bất ngờ, thằng Pie, cậu bạn thân nhất của cháu, đang ngồi bó gối nhìn ra bỗng bật vùng dậy. Nó chỉ vào một đôi đang hôn nhau dưới nước:
- Triết lý của các cậu sai bét! Hạnh phúc là cái gì đang diễn ra trước mắt kia kìa…
17. Nghe một ông người Pháp lên án chủ nghĩa thực dân cũ tôi sực nhớ đến chuyện thầy B trước 1945 mà anh bạn tôi ở Huế cho biết.
Tôi kể lại cho ông này:
… Thầy B du học ở Pháp về. Thầy giỏi Pháp văn, giảng dạy học sinh rất phục. Đặc biệt thầy có tài diễn thuyết, cuộc nói chuyện nào của thầy cũng lôi cuốn được đông đảo học sinh, cả công chức thời ấy.
Một lần, thầy nói chuyện về nước Pháp. Thính giả đến rất đông. Hơn tiếng đồng hồ, thầy không ngừng ngợi ca nước Pháp về mọi mặt, công nghiệp kỹ nghệ, canh tác, đời sống văn hóa, nhất là văn học, môn dạy chính của thầy. Thầy dẫn vanh vách tác phẩm của các tác giả thế kỷ này qua thế kỷ khác. Lát sau, thầy vẽ lại phong cảnh bên Pháp từ nông thôn đến thành thị.
Quả thật thú vị, nhất là chuyện thầy gặp gỡ các tầng lớp nhân dân, ai cũng tỏ ra có học, lịch sự trong giao tiếp ứng xử, niềm nở mến khách.
Trong số thính giả, nhất là người Pháp vỗ tay rào rào, trầm trồ khen ngợi từ “giọng tây” đến kiến thức của thầy, tất nhiên cũng có nhiều người, nghe thầy ngợi ca quá lời, ngồi im, có thể là khó chịu…
Đột nhiên, thầy B xếp mục kỉnh xin nói lời kết thúc:
- Thưa các vị, tôi đã dành nhiều thì giờ để nói với các vị là tôi đã gặp nhiều người Pháp cực tốt. Nhưng đó, vâng, chỉ là những người Pháp ở trên đất Pháp thôi, trừ những người đang cầm quyền cai trị ở xứ Annam này!
Khỏi phải nói thì lời kết thúc của thầy gây một cú sốc lớn với những ai vừa vỗ tay khen.
Nghe đâu, sau buổi diễn thuyết đó, thầy B đã được Nha học chính Đông Pháp mời lên…
Và rồi không ai biết thầy đi đâu…
Tôi thuật nguyên câu chuyện cũ trên cho ông bạn phê phán chủ nghĩa thực dân cũ nghe và nói dự định lần này sang Paris muốn hỏi dò tăm tích thầy B. Tiếc rằng, hỏi từ bạn Việt Nam cho đến bạn Pháp đều không ai rõ.
Người nghe chuyện liền an ủi tôi:
- Chuyện thực là hay! Nhưng bây giờ anh không tìm được thầy B ấy, thì cũng chẳng sao, bởi vì hiện anh đang ở trên đất Pháp. Chắc anh có thể xác nhận sự đúng đắn trong lời kết thúc của thầy giáo đó.
18. Sang Pháp, cái ăn với tôi không thành vấn đề. Thời bé đi học ở Vinh, tôi đã quen nhá thứ “bánh tây” mới ra lò, tinh mơ nghe rao bán trước ngõ. Bánh nóng giòn, vàng ươm, ruột tơi như bông.
Tuần nghỉ tại nhà bà Valentine, sáng nào dậy tôi cũng chỉ việc ra quầy thực phẩm bên cạnh để mua vài chiếc “bánh tây” kèm theo phomát “con bò cười” nổi tiếng. Có hôm để dành ăn cả bữa tối. Tuy nhiên bánh tây, mỳ, phở ăn liền mang theo, ăn mãi rồi cũng ngán, phải thay đổi thực đơn. Chủ nhà và bạn quen thì đã mấy lần mời ra tiệm…
Sực nhớ ra còn tệp bánh đa nem, tôi nảy ý chủ nhật này làm món nem rán Việt Nam đãi bạn.
Bà chủ nhà nhận lời.
Marie, con gái bà hứa sẽ kéo thêm vài bạn đến để thưởng thức…
Sáng sớm, tôi ra quầy thực phẩm. Chỉ cần mua cân thịt xay, vài quả trứng và ít hành ta - thứ ít thấy bán…
Yên tâm, chiều tôi xuống bếp. Trộn nhào thịt xay với trứng, tra thêm gia vị, rồi cuốn bánh. Xong, bật bếp ga, bắc chảo lên phi hành mỡ, rồi thả cuốn vào chảo. Nhưng vì bánh đa quá giòn khi cuốn bị rách, tôi đã phải dấp nước vá víu, cho nên nem rán không đều, chỗ đang trắng bệch, chỗ đã thâm xì…
Ấy vậy mà vào bàn ăn, bà chủ nhà vừa nếm thử đã khen rối rít. Bà khen thực chứ không xã giao:
- Tuyệt vời!... nhà văn nhà thơ mà giỏi bếp núc lắm!
Lúc ấy, tôi để ý Marie mỉm cười. Cô bảo mẹ:
- Mẹ chẳng biết gì cả! A. Dumas còn viết được một pho từ điển gia chánh. Nhưng… cũng vì nhà văn ấy ăn kiêng mà bị vợ đưa đơn ly dị đó!
Cô bạn học của Marie mỉm cười. Đoạn cô buông nĩa hỏi Marie:
- Có ngon như hai món gì lần trước mày đã kể?
Tôi giật mình.
Hóa ra, con gái bà chủ đã sang Hà Nội hai lần và đã làm quen món “chả cá Lã Vọng”, đến cả món mắm tôm!
Tôi nghĩ cách sửa sai.
Rút trong túi ra hộp thịt bò Hạ Long, tôi giới thiệu với cả nhà:
- Xin mời nếm thử món này với bánh mỳ! Hãy tin nước tôi không có “bò điên”.
(Hai tiếng “bò điên” tôi cố ý dùng chữ “boeuf fou” nên đã gây được tràng cười rộ). Marie nếm thử xong, vui vẻ nói:
- Chiêu đãi phụ nữ, nhà văn dùng chữ “boeuf fou” mà tránh nói “vache folle” là tế nhị lắm! Ăn đi các bạn, món thịt hộp Hạ Long quả là ngon!