TRUYỆN SÓC THIÊN VƯƠNG

Theo sách Thiền uyển tập anh,xưa,vào thời vua Đinh Tiên Hoàng,nước Đại Việt có người họ Ngô,thường du ngoạn ở núi Vệ Linh,ưa phong cảnh yên tĩnh ở đây,liền dựng Am để ở. Đêm nằm mơ thấy thần nhân,thân dài mấy trượng,mình mặc giáp vàng,tay phải cầm kim cương,tay trái nâng tháp báu ;hình dạng rất đáng sợ,theo hầu có tới hơn nghìn người.. Thần nhân tiến lên phía trước, nói với Ngô:" Ta là Côn Sa Minh vương,bọn đi theo hầu đều là Dạ Xoa. Thượng Đế có lệnh,sai ta dò thám đất của phương Bắc để bảo vệ dân chúng ở đây.Vì có duyên với người nên bảo cho biết ".
Ngô cả sợ tỉnh dậy,lát sau nghe trong núi có tiếng quát tháo.Ngô rất ngờ,liền vào trong núi,thấy cây lớn,cành lá um tùm,có mây lành phủ bóng  ở trên,liền sai thợ đẵn cây đó,chạm lhắc làm tượng thần như trong giấc mơ đã thực mục sở thị,rồi dựng đền thờ thần.
Đến thời Đinh Thiếu Đế,quân Tống sang xâm lược.Vua vốn biết việc ấy,sai Ngô đến đền cầu đảo. Khi ấy,quân Tống đóng ở Tây Kết,quân hai bên chưa giao chiến. Bỗng thấy một người nhô lên từ trên sóng,vung mình cao mấy trượng,tóc dựng đứng,mắt trợn trừng,ánh mắt thần sáng quắc. Quân Tống cả sợ,lui giữ Giáp Giang,lại gặp gió bão,sóng nước mênh mang cuồn cuộn,thuồng luồng nhảy nhót,lao chạy. Bọn giăc thất kinh,Quách Đạt liền nhổ trại rút quân về nước.Vua thán phục thần linh dị,lại cho mở rộng đền,miếu để thờ thần.
Có sách chép rằng:" Đổng Thiên Vương quết sạch giặc Ân,cưỡi ngựa sắt về đến núi Vệ Linh,lên đỉnh núi,đến  chỗ cây đa,bay lên trời đi mất,để lại áo dưới gốc cây,người đời gọi là "Cây thay áo".Hễ có việc gì cần cầu đảo,thì chỉ dùng trà,hoa quả và bánh thôi .Đến đời Lý,muốn tiện cho việc cầu đảo,liền dựng đền ở phía đông Hồ Tây. Đền được chép trong tự điển,đến nay hương hỏa vẫn truyền mãi mãi ".
Chú thích:
Thiền uyển tập anh,sách chữ Hán,Nghĩa là "Anh tú vườn thiền " viết theo lối truyện ký.Theo Lê Quí Đôn sách này do người đời Trần soạn,ghi các tông phái thiền học,sự tích cao tăng nước ta, từ đời Đường, Tống,qua Đinh,Lê,đến Lý,Trần. Bản xưa nhất còn lại là bản trùng san (in khắc lại)vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).