Dịch giả: PHẠM TÚ CHÂU,THÀNH TRINH BẢO, NGUYỄN THỊ BĂNG THANH
Chương XIII
KỲ NGHỈ ĐÔNG CỐ SỨC MỘT PHEN

Nhật ký của Hiểu Húc
Ngày… tháng…
Nghỉ đông rồi, các bạn ai nấy đều như Tôn Ngộ Không thoát khỏi vòng kim cô, chỉ riêng mình chẳng thấy thanh thản tí nào. Đúng như thầy giáo dạy Lý dự đoán, mình không đủ điểm Lý.
Thầy bảo đầu học kỳ hai sẽ có một đợt thi. Ý thầy không nói ra là nghỉ đông mình phải ở nhà mà ôn bài cho tốt.
Trong lớp có nhiều bạn đi làm thuê trong kỳ nghỉ đông này, một phần vì tò mò, phần khác muốn kiểm tra năng lực của mình. Mình và Hân Nhiên đã hẹn nhau tìm việc trong kỳ nghỉ này. Hôm nay nói với mẹ, mẹ bảo: “Đừng có lắm trò, những nơi đó phức tạp lắm, vạn nhất nếu xảy ra chuyện gì thì…”
_ Nhưng lớp con nhiều bạn đi làm lắm. Tập thể ghi tên, nhà trường liên hệ với nhà máy, không có vấn đề gì đâu”.
_ Bây giờ xã hội loạn lắm, các cô thợ cũng lung tung, chung chạ với họ, vạn nhất bị họ làm cho hư hỏng thì sao nào?
_ Mẹ, con lớn thế này rồi, sao có thể làm hư hỏng này nọ được? Con có suy nghĩ của con chứ!”
_ Tuổi các con mới là tuổi hay sinh chuyện. Con cứ nên ở nhà thôi. Mẹ bảo con nhé, làm thuê thì thiếu gì dịp, còn cơ hội đi học thì chỉ có hạn thôi.
_ Nhưng bọn Hân Nhiên cũng đi mẹ ạ.
_ Đừng có nhưng, nhưng mãi thế. Chúng nó thi tốt, còn con? Về mặt học tập, con bì sao được với các bạn ấy?
Lại thế rồi! Ấy là mẹ còn là biên tập viên cơ đấy, phụ trách mục Chị gái tâm tình cơ đấy! Mẹ thì tâm tình thế nào được với người ta bởi mẹ có hiểu được tâm tình của ai  đâu.
Mình bực mình chạy vào nhà trong, cánh cửa đóng “sầm” lại rất mạnh. Hẳn là mẹ lại tưởng mình làm nũng. Có điều, mình quả cũng oan. Thi không tốt không thể đổ lỗi hết cho mình được. Xem phòng mình đây này, trên bàn, giường ghế, sàn nhà, bậu cửa sổ… Chỗ nào cũng sách với sách, “chiếu tướng” chuẩn bị thi mấy hôm trước còn chưa kịp thu dọn đó!
Không biết mẹ vào buồng từ lúc nào:
_ Hiểu Húc, mẹ không định trách con đâu, nhưng mà kết quả học tập như thế chưa nói không phải với ai khác mà trước nhất là không phải với ba con!
Ba, ba ở đâu? Mau về giúp con với!
Thôi, chẳng tìm việc làm nữa! Mình thôi đừng nhắc đến nữa, mà cũng chẳng còn mặt mũi nào nhắc đến. Kết quả học tập như thế, trước hết là không phải với mình. Thôi, hãy tận dụng kỳ nghỉ đông này mà cố sức một phen. Mong cả lớp cứ vui chơi trong kỳ nghỉ đông này đi, đừng có ôn tập gì cả. Không biết mình nghĩ như thế có tồi tệ không nhỉ? Mình hy vọng vào đầu học kỳ sau thi tốt.
CHỈ CÓ CHĂM CHỈ HỌC HÀNH MỚI LÀ THỰC
Chị hai của Liễu Thanh là Liễu Mi, lại về nước. Nếu lần trước về vui mừng hớn hở thì lần này lại âu sầu ủ rũ.
Liễu Mi mếu máo kể lại tình hình mấy tháng qua:
_ Râu Quai Nón có mới nới cũ, lại kiếm một con khác, định ly dị con. Con nhất định không nghe, Râu Quai Nón không nói gì nữa, đưa luôn con kia về ở ngay trong nhà. Con uất quá, thế là sảy.
Liễu Mi càng nói càng đau lòng, khóc nức nở. Mẹ ngồi cạnh luôn miệng khuyên đừng khóc nhưng mẹ cũng không nín được, bật khóc lên. Bà cũng bực mình:
_ Con không kiện nó à?
_ Chẳng ăn thua gì đâu.
_ Đồ chết giẫm, đúng là thằng Trần Thế Mỹ mũi lõ (Tên nhân vật phụ vợ nổi tiếng trong văn học cổ Trung Quốc).
_ Thế sau này con tính thế nào?
Liễu Mi ngẩn ngơ lắc đầu.
 
Liễu Mi mơ tưởng ra nước ngoài ngay cả khi ngủ. Còn nhớ Xi mông có nói: “Khi các cô gái không có nghề nghiệp và tài hoa thì cơ hội duy nhất của họ là ái tình. Đối với cô gái trẻ không có sở trường gì ngoài sắc đẹp mà lại chăm chăm muốn ra nước ngoài thì không nghi ngờ gì nữa, hôn nhân với người nước ngoài là các cầu bắc ho cô gái ấy”.
Liễu Mi rất thích xem phim nước ngoài, thường nhiều lần ảo tưởng ra cảnh một người đàn ông mắt xanh cao lớn một tay dắt con tuấn mã lông trắng như tuyết, một tay ôm chặt eo nàng; nàng mặc váy áo trắng, mái tóc đen buông lơi, chân để trần; cả hai dạo bước trên bờ biển trong khung cảnh đầm ấm, lãng mạn. Liễu Mi theo cô bạn gái lấy Tây lần đầu tiên tới tửu lâu Nam Hải. Phòng buồng sang trọng hào hoa, tiệc rượu đầy món đắt tiền, phòng nhảy đèn màu nhấp nháy khiến Liễu Mi mở mắt ra. Cô bất giác cảm khái:
_ Hai chục năm trước đây của mình chỉ là sống uổng!
Cô nhờ bạn giới thiệu cho một người nước ngoài, thế là làm quen với Râu Quai Nón. Họ vừa gặp đã yêu, sau đó trong một đêm thu thoáng đãng, trăng treo giữa trời, chàng đã mượn lời trong vở Rômeo và Juliet của Sếchxpia để ngỏ lời cầu hôn nàng:
_ Thưa nàng, tôi xin mượn vầng trăng sáng trong đang tỏa ánh sáng lên những ngọn cây này mà thề rằng…
Liễu Mi sung sướng như điên. Cô chỉ biết truyền thuyết Trung Quốc cổ xưa kể về ông già ngồi dưới trăng là Nguyệt Lão xe tơ cho những mối duyên xa nhau hàng ngàn dặm cũng thành chứ không biết nhân vật Juliet đáp lại rằng:
_ A!, chàng không nên chỉ trăng mà thề bởi trăng thay đổi bất thường, tháng nào cũng có khi tròn khi khuyết. Nếu chàng chỉ trăng mà thề thì có thể tình yêu của chàng cũng sẽ bất thường như trăng vậy.
Thế rồi họ làm lễ cưới, nhanh như tia chớp. Cha mẹ Liễu Mi lúc đầu không đồng ý, bảo rằng một người chưa biết tiếng nước ngoài như Liễu Mi mà ra nước ngoài thì chẳng bao lâu sẽ bị vứt bỏ. Lúc ấy Liễu Mi trả lời cha mẹ với vẻ kiêu căng:
_ Sao ba mẹ lại nói tốt cho người còn đánh giá con thấp như vậy? Sao ba mẹ không nói ra đến nước ngoài, con sẽ cho anh ta rớt?
Ba mẹ trợn tròn mắt, không nói gì nữa, sau đó đành đồng ý với cuộc hôn nhân này, song không phải câu nói hùng hồn của Liễu Mi mà vì biết gia đình ông con rể Tây khá hiển hách. Khi Râu Quai Nón đặt năm ngàn tờ cổ phiếu phát triển vào tay cha mẹ Liễu Mi thì hai ông bà rạng rỡ cả mặt lẫn mày.
_ Ba mẹ ơi, con ngủ chung giường với em Thanh mấy hôm nhé!
_ Hai chị em ngủ chung không thoải mái, cứ để con Thanh ngủ ngoài phòng khách cũng được! - Mẹ bao giờ cũng thiên vị.
_ Mẹ đừng để em nó mếch lòng, ngủ chật một chút cũng được - Liễu Mi nói.
Mẹ gật đầu, lấy từ tủ tường ra một bộ chăn đệm:
_ Những thứ này đều mua sẵn cho con cả đấy. Thanh đâu, đem trải giường cho chị!
Liễu Thanh mang vào trải giường trong buồng.
_ Liễu Mi này, dù sao con cũng không thể trở về nước được đâu!
_ Con biết lắm chứ, con cũng không còn mặt mũi nào trở về được - lại một lần nữa nước mắt chảy vòng quanh mắt Liễu Mi.
_ Liễu Mi! Mẹ đâu lại chẳng muốn con ở luôn cạnh mẹ, nhưng mà… Bây giờ cả họ hàng lẫn bè bạn đều biết con đã đi lấy chồng Tây, nếu con trở về thì mất thể diện lắm đấy. Mẹ chỉ muốn tốt cho con… - Mẹ đưa khăn tay lên thấm nước mắt, lại lấy một tờ khăn giấy lau nước mắt cho Liễu Mi – còn em gái con nữa, mẹ trong chờ ở con!
Liễu Mi chớp chớp, gắng ngăn nước mắt trào ra rồi cố gượng cười:
_ Mẹ, mẹ đừng lo, con biết phải làm như thế nào. Sau này con sẽ đón em con sang bên đó.
Ở trong buồng Liễu Thanh nghe đến đây thì ngả đầu vào cánh cửa, lòng rộn lên bao ý nghĩ. Mẹ biết rõ hoàn cảnh chị đang khó khăn thế mà vẫn muốn chị trở lại Úc, lại còn muốn bạn cũng theo sang. Còn chị cũng kỳ, đã không còn mặt mũi nào trở về lại định đón em gái sang? Cả hai sao cùng muốn đi trên con đường trái ngược đó?
Đêm ấy chẳng ai ngủ được. Đèn trong phòng ba mẹ sáng suốt đêm. Liễu Mi và Liễu Thanh nằm chung giường, giường quá nhỏ, không còn chỗ để trở mìh. Liễu Mi nằm im trên giường không động đậy khiến Liễu Thanh tưởng chị đã ngủ.
_ Liễu Thanh! - Liễu Mi ngoảnh đầu lại gọi.
_ Chị hai, chị chưa ngủ ư?
_ Chị không ngủ được?
_ Chị Hai, chị cũng đừng nghĩ ngợi cho đau lòng - Liễu Thanh trở mình ngoảnh mặt vào chị - Trước kia chẳng êm thấm lắm là gì?
Quả vậy, tất cả như một giấc mơ!
Hồi mới đặt chân lên nước Úc, phong cảnh xinh tươi, những tòa nhà chọc trời liền liền như vẩy cá, những buổi dạ hội sang trọng đắm say… Mọi thứ của nước Úc khiến Liễu Mi mở cờ trong bụng, khiến cô say đắm khôn cùng… Nhưng chẳng bao lâu, dần dần cô cảm thấy tù túng. Xa lạ và ngán ngẩm vô cùng!
Cụ của Râu Quai Nón là tù của nước Anh bị đi đày ở nước Úc nhưng đến ông nội thì gia đình đã bước vào xã hội thượng lưu. Cha và bạn thân Râu Quai Nón đều là thương nhân. Làm ăn không lớn lắm song họ có mối giao mật thiết với xã hội thượng lưu, nhất là Râu Quai Nón. Anh ta kết bạn với nhiều người danh giá, có địa vị, họ thượng định kỳ hoặc không định kỳ tổ chức những buổi sinh hoạt sa lông trong gia đình, trao đổi về thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật; phong tục dân tình các nơi cùng những tin tức lạ đó đây cũng thường là nội dung của những buổi trò chuyện vui vẻ đó. Đối với những chuyện ấy, một phụ nữ nội trợ như Liễu Mi chẳng hiểu biết chút nào, nên không cảm thấy hứng thú. Lại thêm tiếng Anh nửa mùa nên khi họ trò chuyện cô chỉ biết ngồi ngây ra, chân tay chẳng biết để đâu cho ổn. Thoạt đầu, người ta tưởng cô e lệ giữ phép lịch sự, sau mới biết cô kém cỏi, thiếu hiểu biết, thế là chẳng ai đếm xỉa đến cô nữa và khinh thường cô ra mặt. Thậm chí người làm trong nhà cô cũng không coi cô ra gì.
Chồng Liễu Mi thấy khó chịu, phiền lòng rồi cũng bỏ mặc cô. Từ sau ngày Liễu Mi về thăm nhà trở sang, cô thấy rõ anh ta lạnh nhạt và thô lỗ với mình nhưng cố gắng nín nhịn. Cuối cùng một ngày kia, từ trên ban công cô chợt phát hiện thấy trong xe của chồng có một cô gái tóc vàng mắt xanh. Liễu Mi làm ầm ĩ lên với chồng thế là anh ta đề nghị cô ly dị.
Cô sợ hết hồn. Ở nơi đất lạ người không quen này, chỉ có một mình thì sống sao nổi. Cô khóc bảo với chồng:
_ Anh quên lời thề trước mặt trăng rồi à? Anh bảo mãi mãi không thay lòng cơ mà!...
_ Trăng có lúc tròn lúc khuyết, tình yêu cũng cần không ngừng đổi mới! - Chồng cô đáp.
Bây giờ Liễu Mi như vừa tỉnh một cơn ác mộng.
Cuối cùng Liễu Mi đáp rành rọt từng chữ một:
_ Chỉ tại lòng hư vinh làm hại chị để bây giờ chị phải chịu hậu quả. Hôn nhân không phải là trò đùa đâu em ạ.
Trăng lọt qua ô cửa sổ chiếu sáng khuôn mặt đầy nước mắt của Liễu Mi.
_ Chị có căm thù anh ấy không?
_ Căm thù? - Liễu Mi cười nhạt – Trong số những người ra nước ngoài, vô khối người còn thảm hại hơn chị. Nếu cần căm thù thì căm thù chính họ trước đã.
_ Chị hai này, anh Cường lấy vợ rồi đấy.
_ Ừ… chị thật có lỗi với anh ấy.
_ Chị ơi! - Liễu Thanh chợt thấy thương chị.
_ Gì cũng chẳng phải thật, chỉ có học hành chăm chỉ trong mấy năm là thật thôi! - Liễu Mi nói. Đấy có thể nói là một kinh nghiệm quí báu mà Liễu Mi rút ra được trong hơn hai chục năm sinh ra đời.
_ Sau này chị định thế nào hả chị Hai?
_ Nghĩ được thông suốt thì chị không buồn nữa. Chị trở về Úc là làm thủ tục ly hôn, sau đó tìm một việc làm, rửa bát bưng bê cũng được. Sau nữa thì tìm một lưu học sinh Trung Quốc. Người Trung Quốc vẫn đáng tin hơn.
Hai chị em không nói gì nữa, cùng nhìn ngắm trăng và mỗi người đều có cảm thụ riêng của mình.
 
Liễu Thanh cầm giáo trình huấn luyện do ETS chỉ định theo học lớp nâng cao tiếng Anh dành cho lưu học sinh ở các nước không nói tiếng Anh.
Trước đây, người Trung Quốc coi việc được ra nước ngoài như được lên cung trăng. Từ ngày cải cách mở cửa đến nay, ra nước ngoài học đã trở thành phong trào. Người đi ngày một đông, hầu như nơi nào có người ở là nơi đó có người Trung Quốc. Tên gọi hình dung làn sóng này cũng muôn màu muôn vẻ, nào “xâu chuỗi thế giới”, “về đội sản xuất bên Tây”, “mạ vàng” v.v… Bây giờ, phong trào ra nước ngoài đã từ các trường đại học lan xuống các trường trung học.
Đi nước ngoài đã không còn là mộng tưởng cá biệt của học sinh trung học trong điều kiện nhất định, rất nhiều người đã tính đến chuyện đó. Đương nhiên mỗi người có mục đích và nhận thức khác nhau về việc ra nước ngoài, chẳng khác gì một dàn hợp tấu, có âm cao âm thấp và có xen cả tạp âm.
Liễu Thanh là một âm dự bị của dàn hợp tấu đó. Bạn sẽ tấu lên nốt nhạc nào? Cảnh ngộ của chị gái khiến bạn không an tâm, hết nhảy từ âm này sang âm khác.
Lớp nâng cao tiếng Anh chuẩn bị thi TOEFL thuộc phân hiệu một trường đại học. Cửa trường dán mấy tờ yết thị thật to, thông báo về các lớp huấn luyện cấp tốc và lớp bổ túc. Liễu Thanh theo học lớp nâng cao chỉ riêng lệ phí ghi tên và học phí đã hơn ba trăm, thời gian học tập lại chỉ có hai mươi buổi. Mẹ dặn đi dặn lại:
_ Cố mà học nhé, lần này là bỏ vốn cho cô đấy!
Liễu Thanh rụt rè hỏi người canh cổng rồi đi tìm lớp theo sự chỉ dẫn của người đó. Tới cửa lớp học, Liễu Thanh nắm chặt sách, bước vào. Điều khiến bạn kinh ngạc là trong lớp có đến nửa là học sinh trung học cùng độ tuổi với mình.
Mấy năm nay, độ tuổi thi TOEFL ngày càng giảm. Nhiều học sinh trung học tham gia thi khiến lớp TOEFL không còn là của sinh viên đại học nữa. Trong tình hình người làm việc tại chức “nhất thống thiên hạ”, điểm chuẩn của thi TOEFL là 677 điểm. Hai năm nay, học sinh trung học thi đạt 600 điểm trở lên đã không còn là chuyện hiếm. Trong trường trung học Số Chín đã có khối bạn đạt được.
Test of English as Foreign Language (thi tiếng Anh dành cho người không thuộc nước nói tiếng Anh) được viết tắt là TOEFL, người Trung Quốc phiên âm thành “thác phúc”. “Thác phúc” có thật sự mang phúc đến cho không nhỉ? Sau khi theo học, Liễu Thanh cứ nghĩ mãi về câu hỏi đó.
Tốc độ học ở lớp nâng cao rất nhanh, Liễu Thanh có cảm giác như vịt nghe sấm. Chưa kịp hiểu, đang còn suy nghĩ thì thầy giáo đã sang vấn đề khác rồi. Tất nhiên cũng vẫn nghe không hiểu, Liễu Thanh rất nản; nhưng nghĩ đến lời mẹ không nói gì khác, chỉ đặt mỗi việc ấy, Liễu Thanh đã cảm thấy rất không phải với hơn ba trăm tiền học rồi. Bạn cố gắng nghe song chẳng ăn thua thế là không còn tập trung nữa.
_ Nếu mình mà đi được thì mình phải tự giặt lấy quần áo rồi! - Đột nhiên Liễu Thanh nghĩ tới chuyện đó. Bây giờ quần áo của bạn vẫn do mẹ giặt giúp, nếu ra nước ngoài thì Liễu Thanh phải tự giặt thôi.
_ Này cậu  đừng có ngó ngoáy cái đầu nữa, tớ không thấy gì cả! - Một bạn ngồi đằng sau  nói.
Liễu Thanh ngoảnh lại, nhận ra đó là Tô Lạp, học lớp mười hai. Học sinh ở Thâm Quyến, đừng nói là khác khối, ngay cùng khối cùng trường cũng chưa chắc đã quen biết nhau.
_ Bạn học lớp Mười hai phải không?
_ Ừ!
_ Tôi học lớp Mười, cùng lớp với Tiêu Dao.
_ Thế cậu cũng biết Hân Nhiên chứ?
_ Đương nhiên, cùng lớp mà!
Liễu Thanh quay đầu lên. Bọn Hân Nhiên đi làm thuê trong kỳ nghỉ đông. Bạn đã từng do dự: cả một lũ với nhau hẳn là đông vui lắm. Nghĩ thêm, lại chẳng có ý nghĩa gì. Vì một trăm đồng bọ mà mất đứt cả tháng trời, thật chẳng bõ bèn. Liễu Thanh còn lo sẽ gặp người cùng quê. Nhiều bạn học trước kia ở huyện Mai là quê hương Liễu Thanh tới Thâm Quyến làm thuê, mười mấy tuổi đầu đã rời nhà đi kiếm sống, kiếm cơm. Liễu Thanh cảm thấy các bạn “thảm” lắm, vạn nhất gặp bọn nó, Liễu Thanh biết ăn nói thế nào?
Sao Tô Lạp cũng tới đây học nhỉ? Bạn ấy đang học lớp Mười hai mà cũng muốn “về đội sản xuất bên Tây” sao? Liễu Thanh nghĩ thế rồi đưa mắt nhìn khắp lớp. Chợt bạn giật mình như phát hiện ra một châu lục mới:
_ Trần Minh!
Trần Minh ngồi bàn trên cùng như chỗ ngồi của bạn trong lớp, rất cố gắng, rất chăm chú.
Trần Minh cũng theo học, cũng muốn ra nước ngoài?
Ngồi trong lớp này mà phát hiện ra nhiều bạn cùng trường là điều Diễm Thanh cảm thấy rất bất ngờ.
Tô Lạp, Trần Minh và Liễu Thanh. Thế là thế nào? Không hiểu, thật không hiểu nổi.
THẰNG NGỐC MUỐN THI VÀO THANH HOA
Ra khỏi lớp học tiếng Anh đã là năm giờ chiều. Mùa đông tối sớm, năm giờ đã bắt đầu tối. Trần Minh dắt chiếc xe đua, kẹp giáo trình vào chỗ để hàng sau yên xe, kéo cổ áo lên rồi ngồi lên xe.
Theo cách nhìn của Trần Minh kỳ nghỉ đông có nghĩa là sắp tới ngày Tết ồn ào và chán ngấy, cũng là sắp tới lúc bạn phải làm rất nhiều việc kín đáo để vượt lên trên cả lớp, mãi mãi vượt lên trên. Hồi nhỏ, Trần Minh rất thích và coi trọng ngày Tết nhưng bây giờ thì không thích nữa. Càng náo nhiệt, Trần Minh càng thấy ngán. Chưa bao giờ bạn nghĩ đến việc chơi công viên, xem chợ hoa trong dịp tết. Việc chơi bời hầu như không hề có sức thu hút bạn.
_ Này em, có biết ai đến nhà không? - Vừa vào tới cửa, chị gái đã nói.
Trần Minh nhìn lên nhà trên:
_ Cháu chào chú, chú về rồi đấy ạ?
Chú Út là người Trần Minh thích nhất trong gia đình và cũng thích gần gũi nhất, bởi vì chú Út đã từng “gặm” sách và đã đi rất nhiều nơi, không như cha mẹ bạn suốt đời quanh quẩn trong làng. Nếu không có việc xây dựng đặc khu, lại chẳng suốt đời ở lì xó quê? Mấy năm “cách mạng văn hóa”, chú Út sang huyện Anh Đức rồi ở yên luôn tại đấy, năm nay mới về đây ăn tết.
_ A cháu Minh, lớn vổng lên rồi nhỉ? Thật là càng lớn càng điển trai. Chú vừa mới cùng ba nhắc đến cháu, thật đúng là vừa nhắc đến Tào Tháo là Tào Tháo đến liền!
_ Chú ơi, chú về lúc nào thế?
_ Vừa mới về tới. Cháu biết không, vé tàu xe mấy ngày nay khó mua lắm, chú phải mua giá chợ đen đấy. Còn cháu, cháu vừa đi đâu về đấy, nghỉ đông sao không ở nhà?
_ Cháu theo học lớp TOEFL.
_ “Thác phúc” ấy à? Lớp thi để ra nước ngoài ấy phải không?
_ Vâng cũng gọi là như vậy.
_ Cháu định ra nước ngoài à?
_ Không đâu ạ. Nghỉ học nhàn rỗi, ở nhà chẳng có việc gì, cháu tính nên đi học thêm. Ở đấy dạy hay lắm ạ.
Trần Minh không thiết tha lắm với việc ra nước ngoài, nhất là mù quáng đua nhau ra nước ngoài. Bạn cảm thấy những người ấy dù có ra nước ngoài cũng không học hỏi được kiến thức. Sau khi phân tích tình thế hiện nay và phong trào ra nước ngoài, Trần Minh đã có chủ kiến của mình. Bạn theo học lớp TOEFL chỉ để nâng cao trình độ tiếng Anh. Bạn không thích giống như mọi người mà muốn trội hơn mọi người. Như thế thì phải học nhiều hơn. Học ở trường như ăn cơm tập thể, tan học không ăn thêm thì đói không chịu được. Huống hồ việc đóng hơn ba trăm học phí cho lớp TOEFL… đối với bạn chỉ là “chuyện vặt”.
_ Chú ơi, thím và các em đều bình yên chứ ạ?
_ Đều khỏe cả, chỉ riêng thằng em Quang của cháu là bê bối thôi. Nó học hành kém chết đi được, đâu có giỏi được bằng cháu. Đợt thi vừa rồi cháu lại đứng thứ nhất chứ?
Ba nói thêm:
_ Chú cháu vui chuyện nhỉ! Chú có biết không, hàng ngày ở nhà cháu Minh nói với chúng tôi chưa được đến ba câu đấy!
Mọi người cùng cười, ông chú đắc ý nói:
_ Đương nhiên rồi, cháu Minh là đứa cháu chú Út cưng nhất mà!
Chị gái cũng góp chuyện:
_ Đã vậy thì chú đừng có đi nữa!
_ Chú cũng tính như vậy đấy! Này Minh, chú hỏi nhé, sắp tới cháu sẽ thi vào khoa nào của trường Đại học Thâm Quyến? Này, khoa tài chính mậu dịch thơm lắm đấy nhé!...
_ Cháu không thi vào Đại học Thâm Quyến!
_ Không thi ư? Vậy cháu thi vào đại học nào?
_ Đại học Thanh Hoa ạ.
_ Chú khuyên cháu Minh giúp tôi đi! Nó bảo nó đi Đại học Thanh Hoa gì gì ấy, ở mãi Bắc Kinh kia! Tôi khuyên mà nó chẳng nghe – Ba nói với chú Út – Cháu chỉ nghe lời chú thôi. Chú xem thằng ngốc ấy đòi thi vào Thanh Hoa.
Chú Út cũng lấy làm lạ:
_ Sao vô duyên cớ mà cháu lại định thi vào Thanh Hoa?
Trần Minh cảm thấy chẳng thể giải thích với cha và chú được, bèn chỉ lạnh nhạt đáp:
_ Thanh Hoa là trường tốt ạ.
_ Ngốc ơi là ngốc! Cháu thật là thông minh một đời, lú lẫn một chốc! Như chú năm xưa ấy, chỉ một phút hăng lên bỏ nhà đi Anh Đức, thế là “một phút sảy chân thiên cổ hận”, bây giờ muốn điều động về cũng có được đâu. Cháu chớ học chú đấy nhé, cháu lên Bắc Kinh thì sau này có muốn trở lại cũng khó lắm đấy. Bây giờ khó nhất là xin được điều về Thâm Quyến…
_ Này Minh, con nghe rõ cả chưa? Chú con cũng khuyên như thế đấy nhé! – Ba lập tức phụ họa với chú - Hồi xưa tính chú cũng như con, nhất định đến huyện Anh Đức, người nhà khuyên chẳng chịu nghe, bây giờ mới hối hận. Con đừng có mà làm chuyện ngốc nghếch. Cô lớn con từ Hồng Kông gửi thư về nói cả nhà cô xin di cư sang Xirilanka, dặn con cố gắng học hành. Tài sản ở Hồng Kông cô con chưa bán hết đâu, ấy là vì để sau này đón con sang đấy.
Chú Út nhả bã chè trong miệng ra nói:
_ Anh ạ, lần này em về đây không định lại đi nữa đâu. Em xin nghỉ dài hạn để lo chạy giấy điều động trở về đây. Em có mua nhiều thứ đặc sản của Anh Đức để biếu xén. Anh ạ, lần này thế nào anh cũng phải giúp em đấy! Anh chị sẽ bán đất cho chính phủ, có phải thế không nào? Có thể kèm thêm điều kiện là xin tăng họ khẩu được không ạ?
Chú Út thao thao nói về chuyện của mình. Trần Minh lập tức nghi ngờ có lẽ chẳng cần phải nói cho chú biết về chí hướng của mình. Đấy là chú Út từng chiếm một chỗ trong trái tim của mình sao? Bạn cười nhạt một tiếng toan lên gác.
_ Đứng lại đã, Minh! – Chú gọi giật lại rồi đi tới vỗ vai bạn – Cháu cứ nghe chú đi, không sai được đâu! Đều là kinh nghiệm cả đấy, lẽ nào chú lại muốn hại cháu sao? Đừng có ngốc nghếch, để đến nước như chú đây mới hối hận thì đã muộn rồi. Tuổi trẻ chỉ ngại nhất là hăng lên nhất thời…
_ Cháu phải lên gác ôn bài đây ạ! - Trần Minh bước thẳng lên gác, không ngoái đầu lại.
Ở dưới nhà, hai anh em vẫn còn đang trù tính tiếp:
_ Chớ có để thằng Minh thi vào Thanh Hoa! Bây giờ người ta nói thế nào nhỉ? “Không ra nổi nước ngoài thì tới Hồng Kông, Đài Loan, không tới nổi Hồng Kông, Đài Loan thì đến Thâm Quyến”. Bao nhiêu người muốn đến còn chẳng đến nổi, thế mà đang ở Thâm Quyến lại muốn bỏ đi nơi khác! Học Thanh Hoa thì được cái gì? Thi vào Khoa tài chính mậu dịch trường Đại học Thâm Quyến sau này kiếm một chỗ thơm lại chẳng rất tốt hay sao?
_ Tôi cũng nghĩ như thế, nhưng cháu nó không nghe…
Trần Minh không muốn nghe tiếp bèn khóa trái cửa lại, nhốt mình trong phòng.
Chim én, chim sẻ làm sao hiểu nổi cái chí của chim hồng chim hộc?
Thì ra mục đích chuyến về đây của chú Út là chạy giấy tờ điều động, đúng là chạy quanh một vòng rồi trở lại điểm xuất phát. Cuộc nói chuyện hôm nay đã triệt để xóa đi hình tượng của chú trong tâm trí Trần Minh. Bạn cảm thấy gia đình mình chẳng có một ai để trao đổi tâm tình, trên đời này chẳng có một ai hiểu được bạn…
Có thể đúng như chú nói, sau này mới hối hận nhưng bạn vẫn quyết ra đi. Thi vào Thanh Hoa là chí hướng của bạn. Việc gì đã quyết định rồi thì cứ thế mà làm bởi bạn là người đã nói là giữ đúng chữ tín, đã làm là làm tới cùng.
Rất ít người hiểu được Trần Minh. Khi một người được niềm tin nâng đỡ thì bất kể đường đi gian nan bao nhiêu, xa xôi bao nhiêu, thậm chí có thể có kết quả ngược lại khiến phải hối hận suốt đời thì người ấy vẫn cố chấp làm tới!
Có lẽ Trần Minh là người như thế. Nguyên nhân nào có gì khác đâu, chỉ tại bạn tin chắc như vậy. Bạn muốn dùng những sự thực mạnh mẽ để chứng minh cho mọi người thấy rằng bạn là người xuất chúng.
Bên ngoài vang lên tiếng pháo nổ, hẳn là nhà nào đã có người đi biển trở về, người nhà đón mừng người đó chăng? Dưới nhà có tiếng bàn tán xôn xao: ăn Tết như thế nào? Tối nay ăn món gì? Tất cả những chuyện đó thật không tương xứng chút nào với hùng tâm quyết chí đang trào dậy trong lòng Trần Minh. Nào là hộ khẩu Thâm Quyến, nào là sang định cư ở Siri Lanca hoặc ở Hồng Kông…, Trần Minh chẳng coi ra gì những chuyện đó. Rốt cuộc việc lựa chọn bất kỳ một con đường nào chỉ có thể có nghĩa là không thể có khả năng lựa chọn một con đường khác. Trần Minh muốn theo con đường mà mình tự chọn lấy.
Không ai hiểu được Trần Minh.
Ngồi trên ghế xoay cho quay một vòng, Trần Minh lại nhìn thấy hình Lôi Chấn Tử ở đằng sau cửa, một Lôi Chấn Tử có đôi cánh làm ra gió ra sấm. Bạn mỉm cười, thuận tay xé một tờ lịch để bàn gấp cẩn thận thành hình máy bay. Cánh máy bay được Trần Minh gấp sao cho chắc chắn mà không nặng nề, dài mà không kềnh càng. Bạn biết muốn cho máy bay bay cao bay xa thì mấu chốt là ở đôi cánh, một đôi cánh như của Lôi Chấn Tử. Hồi nhỏ bạn hay chơi gấp máy bay và bao giờ bạn cũng thắng vì máy bay của bạn bay cao bay xa hơn máy bay của người khác gấp. Bạn từ nhỏ đã hiểu thế nào là vươn cánh bay cao, còn bây giờ bạn cầm lấy chiếc máy bay bằng giấy ra chiều suy nghĩ rồi quay đầu máy bay nhằm vào mồm, hà một hơi: nghe nói làm như thế máy bay sẽ bay xa hơn. Bạn phóng máy bay ra ngoài cửa sổ, quả nhiên nó bay vút lên trời.
MUỐN TIỀN ĐẺ RA TIỀN
Năm nay thôn Cổ Thúy chia hoa hồng mười ngàn đồng theo đầu người để ăn Tết, như thế có thể nói thằng bé con ở thôn này cũng là “vạn phú” rồi. Trần Minh không cần dùng gì đến số tiền đó, chỉ lấy bốn trăm nộp học phí TOEFL, số còn lại đưa cả cho mẹ.
Dư Phát thì không thế. Trước hết bạn mua một bộ quần áo hết hai ngàn để “bao bì” cho mình, mời bạn “nhậu” của mình đến cửa hàng ăn nhậu mấy bận, rồi lại tiêu vớ vẩn hết mấy nghìn nữa, cuối cùng còn lại ba ngàn. Ba mẹ thả cửa cho Dư Phát về mặt tiền nong, tiêu gì, hay kiếm được từ đâu đều không hỏi đến. Một lần Dư Phát mở két lấy một ngàn đem tiêu ba mẹ không hề nhắc nhở. Không hiểu ông bà không biết hay là biết mà không coi chuyện đó vào đâu?
Dư Phát có tính toán riêng về mặt tiền nong, bạn biết tiêu tiền mà cũng biết kiếm tiền. Với ba ngàn còn lại này, bạn có suy nghĩ của mình. Phải làm cho tiền đẻ ra tiền. Dư Phát không bao giờ ngốc nghếch đi làm thuê như nhiều bạn trong lớp, mệt chết người mới kiếm được một vài trăm. Người gốc Thâm Quyến coi ra gì việc đi làm thuê và cũng không khi nào thèm làm. Trong nhà máy, người làm thuê dù nam hay nữ hầu hết cũng là người nơi khác đến hoặc từ nông thôn ra. Dư Phát tính dùng số tiền đó để buôn cổ phiếu.
Cổ phiếu mới thịnh lên ở Trung Quốc mấy năm nay. Cổ phiếu như “âm binh” vậy. Lúc đầu hầu như ai cũng nghĩ “bỏ một số tiền lớn ra mua những tờ giấy, có mà điên!”. Lúc ấy họ không biết cổ phiếu là gì, mua cổ phiếu chẳng khác gì muốn phá sản hoặc nhảy lầu vậy. Cho nên khi tờ cổ phiếu đầu tiên xuất hiện trên thị trường, ai cũng đều nhìn rồi sợ mà rút lui. Mấy năm sau, tất cả người Thâm Quyến như ăn phải bùa mê thuốc lú, ai nấy xoay tròn quanh chiếc gậy chỉ huy đó và cổ phiếu trở thành đầu đề nói chuyện chung, là món ăn không thể thiếu trên bàn ăn. Ai nấy bắt đầu tiếc rẻ: “Nếu hồi đầu mình mua  lấy một vạn tờ thì đã trở thành tỉ phú từ lâu rồi”.
Dư Phát từng nghe câu chuyện nực cười như sau: Có một anh chàng đến Thâm Quyến, thấy cổ phiếu phát tài được. Lúc ấy cổ phiếu Phát triển mới hai chục một tờ, anh ta viết thư về nhà ở nội địa để người nhà gửi cho hai ngàn để mua cổ phiếu. Khi hai ngàn được gửi đến thì Phát triển đã là hai nhăm đồng một tờ. Anh chàng một mặt tiếc rẻ đã bỏ mất cơ hội,  một mặt lại viết thư bảo người nhà gửi thêm năm trăm nữa. Tới khi nhận được tiền thì Phát triển đã lên giá ba chục một tờ rồi, chàng thanh niên cười dở mếu dở thở than sao cơ hội không đợi mình, khiến mình vô duyên với cổ phiếu!
Dư Phát không muốn làm “Khổng Minh vuốt đuôi” như thế nên phải quyết đoán ngay lúc gặp thời cơ. Chơi cổ phiếu phải ra tay trước là hơn, có thể chỉ trong một ngày đã kiếm được hàng ngàn hàng vạn.
Dư Phát định nhân lúc thị trường cổ phiếu đang lên này mua vào một ít. Chỉ cần không tham thì khả năng có lời sẽ lớn hơn khả năng lỗ vốn; nhược bằng lỗ vốn thì cũng chỉ lỗ trong vòng ba ngàn này, coi như ăn tiêu mất cũng xong.
Mặc dù thị trường cổ phiếu nhiều nguy hiểm nhưng dân chơi cổ phiếu vẫn cuồng nhiệt như thường. Người Trung Quốc làm việc gì cũng ào nhau ra rồi ào nhau xuống. Lúc này thị trường đang hồi cao trào, đang lên mạnh, phòng chứng khoán sôi động, đầy ứ người với người. Lúc này mà ở  đó có gài một quả mìn định giờ thì dân chơi cổ phiếu chưa chắc đã chịu tản ra.
Người ta bảo công ty chứng khoán ở Thâm Quyến nhiều hơn ngân hàng, điều đó quả không ngoa. Có phố cứ cách vài ba chục mét là một công ty. Dư Phát đi quanh mấy nơi, nơi nào cũng có người đông đặc, điều đó chứng tỏ tình thế hiện thời rất tốt, đúng là nên mua vào. Dư Phát so sánh thật kỹ giá cả và lượng giao dịch trên màn hình điện tử, lập tức quyết định chọn một loại cổ phiếu rồi tới quầy điền vào tờ khai xin mua. Chưa tới mười phút, nhìn lên số hợp đồng của mình, Dư Phát đã thấy báo việc mua đã hoàn tất. Lúc này giá đã lên được 0,05  đồng, như thế nghĩa là chỉ trong nháy mắt, Dư Phát đã lời được mấy chục đồng. Bạn phấn khởi quá, chẳng muốn rời chân để được tiếp tục quan sát cục diện biến đổi.
Cổ phiếu có thể là tốt, có thể là xấu; có thể phát tài, có thể lỗ vốn, có thể khiến bạn mặt tươi như hoa mà cũng có thể khiến bạn mặt mày ủ rũ. Cổ phiếu là âm binh. Bạn không chế ngự được nó, còn nó lại chế ngự được bạn. Vì cổ phiếu mà biết bao thứ tình cảm phong phú nảy sinh: buồn bã, đau khổ, sung sướng, cuồng vui. Tất cả cùng một lúc và vào một góc này của Thâm Quyến, dường như để rèn luyện cho thần kinh suy nhược của người hiện đại. Chúng cũng không buông tha cho nhà trường và sự tác động của chúng đối với học sinh là điều không thể không khiến nhiều người lo lắng.