Dịch giả: PHẠM TÚ CHÂU,THÀNH TRINH BẢO, NGUYỄN THỊ BĂNG THANH
CHƯƠNG XX
SỰ CỐ DO BỨC VẼ GÂY RA

Giờ ôn tập buổi sớm, thầy Quảng bước vào lớp học, thấy cả lớp đang ngồi chăm chú ôn tập trông rất nghiêm túc, thầy gật đầu hài lòng.
_ Các bài tập đã làm hết chưa?
_ Thưa thầy, đầu bài khó quá ạ.
_ Quá là rắc rối ạ.
Thầy Quảng nói:
_ Những đề bài ấy mà không làm được thì hồi trước làm sao các em thi vào trường trung học Số Chín được. Tuần sau đã thi rồi, các em phải cố gắng thôi.
Đám học sinh vừa ồn ào lao xao tự dưng im hẳn, ai cũng chăm chỉ ngồi vào chỗ của mình vùi đầu vào học.
_ Hãy nghĩ cho kĩ, giờ đầu tiên thầy sẽ hỏi đấy. - Thầy quay ra đến cửa, như chợt nhớ ra điều gì, dừng lại hỏi – Dư Phát đã đến chưa?
_ Chưa ạ. – Tiêu Dao trả lời.
_ Lại đến muộn. Hôm qua kiểm tra đã bị nêu tên trên bảng rồi. - Thầy nói như ra lệnh – Tiêu Dao, bạn ấy đến thì bảo lên gặp thầy.
Lúc ấy Dư Phát còn đang đứng trong vườn vải ngoài cổng trường. Cậu ta không thể vào trường lúc này. Phải chờ cho hết giờ tự ôn mới vào được cổng.
Trường trung học Số Chín có quy định, những ai đến muộn đều phải ghi tên họ, lớp, vi phạm quá ba lần sẽ bị thông báo toàn trường. Thầy hiệu trưởng cùng các thầy cô chủ nhiệm vào giờ tự ôn thường đứng trước cổng trường để “đón tiếp” các trò đến muộn. Dư Phát là “khách quen”, cứ nhìn thấy cậu ta là thầy chủ nhiệm lại nói:
_ Lại đến muộn rồi!
Về sau Dư Phát rút ra được kinh nghiệm: đến chậm một lát còn dở hơn cả đến muộn hẳn hoặc hoặc thậm chí vắng mặt. Nếu qua giờ tự ôn tập, các thầy Hiệu trưởng và chủ nhiệm đều đã trở về phòng làm việc, chẳng còn có ai chờ đợi bạn nữa, bạn cứ việc lẳng lặng mà lẻn vào.
Bây giờ Dư Phát còn phải trốn trong vườn vải chờ cho hết giờ tự ôn đã. Nhưng dù đã làm hay chưa làm bài thì khi vào lớp thầy Quảng cũng chẳng tha cho bạn. “Vì sao không làm bài tập?” Thầy Quảng nhất định sẽ hỏi thế rồi lại “Vì sao?”. Dư Phát vắt óc nghĩ ra “Bởi vì… cho nên…”, nhưng mãi cũng đã dùng hết. Không bao giờ được trả lời là: “Em không biết làm”. Nếu mà trả lời thế thì nhất định sẽ phải ở lại để phụ đạo. Dư Phát nghĩ bụng: “Thầy Quảng ơi! Thầy yêu nghề quá đi mất”.
Sau tiếng chuông báo vào học, Dư Phát vào lớp. Tiêu Dao bảo bạn lên gặp thầy Quảng. Dư Phát kêu lên ngạc nhiên, chạy vội lên phòng thầy, nhưng lại gặp thầy trên đường. Đối với Dư Phát, vẻ mặt thầy Quảng được thể hiện bằng loại cổ văn viết liền, không có chấm câu, rất khó hiểu.
_ Dư Phát, đợt kiểm tra này em có chuyện gì thế? Gần như là nộp giấy trắng.
Không chờ cho Dư Phát tìm lời biện hộ, thầy Tôn đã bước tới:
_ Thầy Quảng à, thầy Cổ mời thầy.
_ Vâng, tôi đến ngay đây. - Thầy Quảng đáp xong vỗ vỗ vào vai Dư Phát – Về lớp trước đi.
Dư Phát thở phào, mái tóc trước trán rung rung. Cậu ta vô cùng biết ơn thầy Tôn.
Thầy Quảng dạy lịch sử, trong bụng thầy đầy ắp những niên hiệu triều đại, cách mạng khởi nghĩa, còn đầu thì đầy ắp những câu hỏi thi đại học. Hễ cứ lên lớp là thầy lại: “Năm xxx đề thi đại học có giải thích danh từ…”. Nếu không tin bạn cứ đi kiểm tra đề thi năm ấy chắc chắn sẽ thấy đúng như thầy nói. Có một học sinh cố tình nói lung tung:
_ Thưa thầy em đã kiểm tra, đề thi đại học năm 90 không có như thế ạ.
Thầy Quảng chậm rãi đáp:
_ Hãy về xem lại cho kỹ, là câu hỏi nhỏ thứ bảy đề thi số một.
_ Không có ạ, em đã xem kỹ rồi mà.
Thầy Quảng không nói nữa mà rút từ trong cặp ra một quyển sách vừa to vừa dày mở ra tra ngay trước mặt cậu học sinh đó, và ngay lập tức “trị” được cậu ta. Hóa ra thầy Quảng đã chép lại rất cẩn thận và đầy đủ tất cả các đề thi đại học của từng năm vào một quyển sổ.
Trong mười mấy năm khôi phục lại chế độ thi đại học, gần như năm nào thầy cũng đứng trên bục giảng cho lớp mười hai, gần như năm nào thầy cũng cùng với học trò vượt qua “tháng bảy đen tối” nên thầy luôn được lãnh đạo đánh giá cao và nhận được sự tôn trọng của đồng nghiệp.
Nghe một tiết giảng về lịch sử của thầy từ Vương An Thạch biến pháp cho đến cách phạt roi của Trương Cự Chính thì như thể ào ào hàng mấy trăm năm trôi qua, giống như theo mạch ngầm xuyên suốt thời gian. Chỉ có điều nghe bài giảng của thầy phải chú tâm thực sự mới có thể hiểu thấu hết ý nghĩa hay của nó. Khi giảng bài, thầy chẳng như các thầy khác vung tay nhướn mày để lôi cuốn người nghe. Những cái khác chưa nói, chỉ riêng giọng Quảng Đông nói tiếng phổ thông của thầy đã khiến cho nhiều học sinh miền Bắc phản ứng, vì thế giờ giảng của thầy trên lớp bao giờ cũng có học sinh thì thầm chuyện riêng, hoặc nghịch ngợm gì đó.
Đang trong giờ học, bỗng có một viên giấy rơi ngay chân Trần Minh. Viên đạn giấy bỗng dưng bay vèo đến khiến cho con người chuyên tâm vào việc nghe giảng giật cả mình. Cậu ta nhặt lên xem. Đó là một bức tranh hài hước vẽ thầy Quảng. Bức vẽ thật bôi bác: đôi mắt hình tam giác, cái mũi thì đúng là một củ tỏi, đặc biệt là một cái sẹo to chừng ba tấc lù lù ngay giữa mặt, trông vừa thô vừa xấu, một cái ngoặc chữ thập được dán bằng vải nhựa. Trần Minh cầm tờ giấy mà cứ băn khoăn không hiểu ai vẽ đây? Bạn thấy kỳ lạ thật. Nghĩ mãi chắc là Dư Phát ở phía sau ném lên, cậu ta quay lại định đưa trả Dư Phát, chẳng ngờ Dư Phát đang ngủ gật. Đang lơ mơ bị Trần Minh đập một cái, tay cậu ta luýnh quýnh quơ đúng vào cái hộp cơm để trong ngăn bàn làm nó rơi cộp xuống đất. Cậu ta cuống lên cúi xuống nhặt. Cả lớp cười ồ. Các bạn đều biết Dư Phát là tay đại nghịch ở lớp. Cậu ta có cái lệ, hễ đến tiết thứ tư mà thầy giáo kéo dài bài giảng là thế nào cái hộp cơm của cậu ta cũng lăn xuống đất, nhắc thầy giáo rằng: “Giờ ăn cơm đã đến rồi, thầy cho lớp nghỉ thôi”. Nhưng hôm nay mới vào giờ thứ nhất, tại sao hộp cơm của Dư Phát đã rơi xuống đất? Các thầy đang lên lớp bực nhất là bị người phá quấy. Thầy nói giọng không vui:
_ Có học hay không nào?
Cả lớp lập tức im lặng. Thầy Quảng giảng tiếp:
_ Ừ, cái này… - Vừa rồi bị cắt ngang, thầy không nhớ đã giảng đến đâu nữa nên nói lại một lượt bài vừa giảng.
Có bạn nhắc thầy:
_ Đã giảng rồi ạ.
Thầy bị nhắc nên có vẻ không hài lòng, nhưng miệng vẫn bảo:
_ Các em nghe thêm một lượt nữa cũng không thừa đâu.
Bạn đó lè lưỡi không dám nói gì nữa.
Nói đến Dư Phát, khi giở tờ giấy ra xem, thấy vẽ thật tuyệt, bụng nghĩ: “Trần Minh vẽ giỏi thật, vẽ rất ấn tượng”. Bình thường có nói gì thì nói, nhưng hôm nay Trần Minh lại đưa cho bạn bức vẽ này thì Dư Phát hơi bị ngạc nhiên, thế là tiện tay viết lên dòng chữ “Chân dung Quảng Bỉnh Văn” rồi ném trả cho Trần Minh. Nhưng vừa ném, chẳng may nói vọt qua đầu rơi ngay trước bục giảng của thầy.
Thầy Quảng bước xuống, vừa rồi thầy đang bực mình về chuyện Dư Phát quấy đảo. Nhặt tờ giấy lên xem, sắc mặt đột biến, thầy vung tờ giấy đó lên, miệng hét:
_ Em giỏi thật đấy.
Dư Phát thấy thế, cầm vội sách lịch sử lên, đầu cúi gầm.
_ Em đứng lên!
Dư Phát nghiêm chỉnh đứng lên, miệng lẩm bẩm:
_ Không phải em vẽ.
_ Vậy ai vẽ?
Dư Phát nhìn đi nhìn lại Trần Minh, chờ bạn đứng lên. Cuối cùng cậu ta đành chịu, nhưng cậu ta vẫn cố nói hai chữ: “Trần Minh”.
_ Không phải em vẽ ư? Vậy chữ của ai đây?
Dư Phát mấp máy miệng nhưng cuối cùng không nói gì, mãi cuối cùng mới nói:
_ Là người khác đưa cho em.
Lúc ấy Trần Minh đứng lên nói:
_ Cậu tung cho tớ.
Dư Phát đứng ngẩn ra, miệng há to.
Thầy Quảng nói:
_ Nói không phải Trần Minh vẽ, tôi tin. Em ấy tuyệt đối không bao giờ làm những việc lếu láo như vậy. Nói không phải là em, tôi… - Thầy giáo tỏ thái độ biện hộ cho người học trò giỏi.
Dư Phát nhìn Trần Minh rồi lại nhìn thầy Quảng, đôi mày cau lại ánh mắt tỏ vẻ phẫn nộ. Bạn quăng mạnh cuốn lịch sử, văng một tiếng “Dở hơi!” rồi ngồi xuống.
Hành động ấy lại một lần nữa làm thầy giáo nổi giận:
_ Em… em! - Giận quá, thầy không nói được ra tiếng - Được rồi, tôi cũng chẳng cần nói thêm nữa, em mang sách vở lên phòng giáo viên.
Không hiểu sao hôm nay thầy Quảng lại làm điều ấy. Thầy lôi Dư Phát lên phòng giáo viên, ném bức tranh biếm họa ấy lên bàn làm việc rồi tức giận nói:
_ Thế này còn là học sinh được không?
Thầy Quảng kể lại đầu đuôi, các thầy giáo đều thông cảm than thở:
_ Học sinh bây giờ thật khó dạy.
Cũng có thầy giáo đi đến bên khuyên:
_ Đừng có quá giận thế, bác Quảng! (Thầy Cổ gọi thế là để thể hiện sự kính trọng nên một số thầy cũng gọi theo).
Dư Phát thì nghênh nghênh đứng trước mặt các thầy giáo, chân nó đánh nhịp, đầu ngẩng cao, mắt nhìn trần nhà, ra cái vẻ chẳng thèm để ý gì cả. Thái độ ấy càng làm thầy giáo nổi giận:
_ Đứng cho tử tế. Tôi bảo đứng cho ngay ngắn!
Mệnh lệnh ấy chẳng có chút hiệu lực nào. Dư Phát vẫn cứ nghênh nghênh như thế, nheo mắt lại nhìn thầy giáo với vẻ coi thường không cần giấu giếm. Dư Phát không cho mình để lộ vẻ sợ sệt.
Thế là các thầy lại ra sức dạy bảo cậu ta. Thầy Tôn dạy Toán thì thở dài rằng bài làm của Dư Phát qua quýt, mà những chỗ sai của nó đều giống của các bạn ngồi xung quanh. Thầy chính trị thì kể lể Dư Phát lên lớp không chịu chú ý nghe giảng, ảnh hưởng đến người khác như thế nào, không tôn trọng người khác ra sao, lấy thầy làm mẫu vẽ như thế nào.
_ Thầy Giang đâu? – Các thầy bắt đầu tìm thầy chủ nhiệm của Dư Phát.
_ Tiết này thầy ấy lên lớp.
_ Chờ thầy chủ nhiệm của cậu về rồi nói chuyện.
Dư Phát vẫn cứ nghênh ngáo, dường như cậu ta là người xem chuyện ầm ĩ giữa đường.
Khi ấy thầy chính trị hỏi một câu khiến mọi người đều chú ý:
_ Cuối cùng thì Dư Phát vẽ bao nhiêu tranh châm biếm các thầy giáo? Đã bôi xấu bao nhiêu thầy giáo?
Dư Phát đột nhiên nổi quạu:
_ Em nói lại một lần nữa, không phải em vẽ! Không phải em vẽ!
Nói xong cậu ta xách cặp chạy thẳng ra ngoài, dập mạnh cửa. Cánh cửa sắt “sầm” một tiếng đóng lại.
MẤY KHI BA QUAN TÂM ĐẾN CON?
Dư Phát đùng đùng lao ra khỏi phòng giáo viên, chẳng biết đi đâu bây giờ. Giờ này không thể về nhà. Nếu bị bố biết thì rắc rối to, lôi thôi có khi còn ăn món “măng xào thịt” nữa ấy chứ. Dư Phát xách cặp lê bước trên phố. Cái cặp nặng trĩu trong tay nhưng bạn chẳng còn sức khoác lên vai nữa. Đi một bước bạn lại đá cái cặp một cái, cái cặp cứ bị lắc đi lắc lại như đánh đu. Trong giờ học mà một học sinh không ở trường lại xách cặp lang thang ngoài phố tất nhiên sẽ nhận được không ít ánh mắt ngạc nhiên của người đi đường.
Dư Phát đành đến cửa hàng của “người anh em”. “Người anh em” mở cửa hàng cắt tóc bị nghi ngờ là “cắt tóc ôm” nên bị đóng cửa đến mấy lượt. Có điều cái tay Hoàng huynh này thần thông quảng đại nên chỉ qua vài ngày là lại được mở. Hôm nay vắng, chỉ có mỗi một cô em gội đầu. Cô ta có khuôn mặt rất xinh, nhưng bôi trát quá nhiều nên trông giống cách hóa trang cho diễn viên Kinh kịch. Cô ta nũng nịu tì vào vai Hoàng huynh: “Anh Hoàng, lát nữa chúng mình đi ăn ở đâu?”. Thấy vẻ âu yếm của hai người, Dư Phát định đi nhưng “anh Hoàng” đã nhìn thấy qua gương. Hất tay cô xuống, anh ta đứng lên:
_ Phát ơi, hôm nay không đi học à?
Dư Phát buồn bã kể lại mọi chuyện.
_ Có cần anh đi nói chuyện với họ không?
_ Anh tuyệt đối không được làm lung tung. Việc của em, em tự giải quyết – Dư Phát vội vã nói.
Sau mười một giờ rưỡi, Dư Phát về nhà. Chẳng biết đứa nào mau miệng đã hót với ba. Đương nhiên bạn bị mắng một trận.
_ Không phải con vẽ. Thầy giáo phạt oan con.
_ Hừ, tại sao thầy phạt oan mày mà không phạt oan Trần Minh? Bởi vì hàng ngày mày lếu láo quá nhiều rồi, đúng không?
_ Ba ơi, ba đừng có nhắc đến Trần Minh trước mặt con nữa, chính nó lần này hại chết con đấy.
_ Mày muốn cho tao tin mày thật khó đấy. Thằng Trần Minh con nhà người ta đấy, rõ ràng mọi mặt đều hơn mày. Học hành giỏi giang, lại rất đàng hoàng, ai ai cũng phải khen nó. Cha nó mới sung sướng làm sao. Còn mày, con mới cái chết giẫm…
_ Từ nhỏ tới giờ, lúc nào ba cũng Trần Minh thế này, Trần Minh thế kia. Ba chỉ toàn mắng con thôi, đã mấy khi ba quan tâm đến con chưa?
_ Tao mà còn không quan tâm đến mày ư? Mày muốn cái gì tao mua cái đó. Đồ ăn mặc đều là thứ tốt nhất.
_ Vâng, ba chỉ biết cho con tiền.
_ Mày còn muốn gì nữa đây? Chú Trần cũng thế, vậy mà Trần Minh nó học ra sao?
_ Nó là nó, còn con là con!
_ Tao trông cái bộ mày, ỉa không ra lại oán chuồng xí! Sinh được thằng con trai như Trần Minh thì mười đứa cũng ít, còn như mày thì nửa đứa đã quá nhiều.
_ Sao hồi ấy ba không bóp chết con đi? – Dư Phát nhảy lên.
_ Đồ chết giẫm. Mày, mày cút đi cho khuất mắt!
Dư Phát lao ra khỏi nhà. Buổi chiều cũng không thèm đi học, ngồi ườn trong cửa hàng của “anh Hoàng” cả nửa ngày.
Mới có hơn sáu giờ, bóng tối đã chầm chậm buông. Vườn trường khi ấy đã vắng lặng chẳng còn ai. Đây chính là “Thời gian yên tĩnh của trường”. Sân trường náo nhiệt như tranh thủ cái giờ phút yên tĩnh này để nghỉ ngơi, xả hơi sau một ngày vất vả. Nó đâu ngờ rằng một cậu học sinh bị tội oan đang đến để trút bao nỗi phẫn nộ và bất mãn lên mình.
Dư Phát làm xáo lộn tanh bành toàn bộ bàn ghế của lớp 4 khối Mười, mồm phẫn nộ chửi bới: “Chết này, chết này”.
Khi ấy ông già coi trường đang đi tuần, chợt thấy lớp 4 khối Mười lộn xộn như thế liền túm ngay lấy Dư Phát:
_ Ở lớp nào, tên là gì?
Hẳn là rận nhiều không biết ngứa, Dư Phát trả lời rõ ràng:
_ Dư Phát, lớp 4 khối Mười!
Ra khỏi trường, trời đã tối. Không ngờ lại gặp Vương Tiếu Thiên ở cổng trường.
_ Sao cậu lại ở đây? – Dư Phát hỏi.
_ Tớ tìm cậu.
_ Tìm tớ?
_ Ừ, tớ, tớ có việc muốn nói với cậu.
_ Có phải giờ lên lớp buổi chiều, thằng Trần Minh chết tiệt lại giở trò?
_ Chuyện này…
_ Lại nghe chuyện Trần Minh nữa thì đầu tớ vỡ tung lên mất. Không thể ngờ là Trần Minh lại thâm độc đến thế. Rõ ràng là cậu ta đưa bức tranh cho tớ, tớ chỉ viết thêm bốn chữ vào đó thôi. Thế mà cậu ta lại đổ diệt là tớ vẽ. Ông Quảng thì không công tâm cứ nhất định tin lời cậu ta. Tớ hận họ chết đi được. – Dư Phát rít mạnh hai hơi thuốc rồi nhả khói.
_ Nói đi, cậu tìm tớ có việc gì vậy? – Dư Phát hỏi.
_ À, không, không có chuyện gì, chỉ là hỏi xem mai cậu có đi học không?
_ Đi cái đồ nhà cậu ấy!
BẠN ẤY BỊ OAN
Nhật ký của Hiểu Húc
Ngày… tháng…
Hôm nay Dư Phát lại không đi học. Chúng mình lo cho bạn ấy quá. Bạn ấy vồn là học sinh cá biệt. Lần này lại xảy ra chuyện này, hậu quả thật khó lường. Trong lớp bàn tán khá nhiều, nói về tương lại của cậu ấy, có bạn cho rằng cậu ấy sẽ bị đuổi học, người thì bảo tự cậu ta đã bỏ học rồi thôi.
Mình thật sự bất bình cho Dư Phát. Cậu ấy bị oan.
Chỉ có mỗi mình là biết toàn bộ sự việc. Bức tranh biếm họa ấy là do Vương Tiếu Thiên vẽ. Mà cũng chỉ có Vương Tiếu Thiên mới có thể làm thế. Cậu ta vốn định tung cho Dư Phát để bạn thưởng thức tác phẩm của mình, nhưng lại ném trúng cho Trần Minh, Trần Minh tung lại cho Dư Phát. Rồi sau đó…
Thầy Quảng chắc như đinh đóng cột rằng chính Dư Phát vẽ. Cả Dư Phát lẫn Trần Minh đều nghi ngờ nhau nhưng không ai ngờ rằng đó là do Vương Tiếu Thiên vẽ.
Vương Tiếu Thiên khiến cho người ta thật thất vọng. Việc cậu ta gây ra, người khác lại chịu hậu quả. Bình thường cậu ta và Dư Phát rất “friend” với nhau, gọi nhau anh anh em em, đến khi có sự cố thì lại… Thất vọng quá.
Có một số người thế này: bình thường thì nói năng ra vành ra vẻ, nhưng lúc cần thể hiện mình thì lại co dúm. Thật chẳng ra làm sao cả. Mình vốn có thiện cảm với Vương Tiếu Thiên: nhiệt tình, dũng cảm, hài hước. Lần này mình quá thất vọng. Thật lạ, làm sao Lưu Hạ lại bị cậu ta thu hút thế nhỉ? Kỳ quá!
Viết những dòng này, chợt mình nhận ra rằng, mình không chỉ thất vọng vì Vương Tiếu Thiên mà còn thất vọng với chính bản thân mình. Chẳng phải mình cũng sợ sệt, hèn kém, trốn tránh đó là gì? Mình biết đầu đuôi câu chuyện, thế mà mình không dám nói ra.
Mình không thể tự tin hoàn toàn vào bản thân, cũng không thể hòa hợp được như Hân Nhiên. Vĩnh viễn mình luôn tự mâu thuẫn. Một mặt muốn có chính nghĩa, một mặt lại bo bo muốn giữ bản thân. Mình có tư cách gì mà phê phán Vương Tiếu Thiên đây?
Nực cười!
Không biết Dư Phát ngày mai có đến không? Mình thực sự hy vọng Vương Tiếu Thiên dám đứng ra. Nhất thời xúc động, mình cũng định nói rõ thật hư cho thầy Quảng nhưng lại không dám. Trời, Hiểu Húc ơi Hiểu Húc, cuối cùng thì mình là kẻ như thế nào đây?
Mình cũng chẳng biết. Thật đấy, có lúc mình cảm thấy bản thân thật tồi tệ, nhưng mình quyết không làm một cô gái xấu.
CÔ GÁI ẤY NHÌN THẤU TẤT CẢ
Ngày thứ ba, Tiêu Dao nói với mọi người rằng Dư Phát đã bỏ không về nhà hai đêm nay rồi. Cả lớp xôn xao bàn tán. Với tính cách của Dư Phát thì chuyện gì cậu ấy cũng dám làm. Dứt khoát cậu ấy đã bỏ nhà đi rồi. Khi Tiêu Dao báo cho thầy Giang biết, thầy cuống cả lên. Điều ấy giống như trong phim, nhưng chớ xảy ra chuyện gì đấy. Sau khi biết chuyện căng thẳng ấy, thầy Giang đã gọi điện đến nhà Dư Phát mấy lần nhưng máy đều bận. Khi ấy thầy đang có việc gấp nên tạm gác lại. Hôm nay nghe Tiêu Dao nói thế, thầy thót cả ruột, luôn mồm tự trách mình đã coi thường chuyện này. Dù thường ngày thầy luôn luôn nói trên lớp: “Các em đã là người lớn rồi…”. Nhưng thầy biết, lứa tuổi này đang ở thời kỳ quá độ. Trong con mắt của trẻ bốn tuổi thì chúng là người lớn, nhưng trong con mắt của người bốn mươi tuổi thì chúng chỉ là trẻ con. Những đứa trẻ trong lứa tuổi này cần sự giúp đỡ hơn bất kỳ người ở lứa tuổi nào.
Thầy Giang bảo Tiêu Dao là sau giờ tan lớp bảo các bạn chia nhau đi tìm Dư Phát. Thầy Quảng cũng rất sốt ruột, thầy vừa lo lắng lại vừa oán trách:
_ Học sinh bây giờ tính cách quá mạnh, dễ xúc động, chuyện đã như thế không nhận lỗi lại còn làm cho người lớn lo lắng.
Tan học, các bạn chia nhau đi tìm. Thầy Giang cũng cùng đi. Thầy Quảng muốn đi, nhưng thầy Giang bảo:
_ Thầy Quảng, sức khỏe thầy không tốt, thầy nên về nhà nghỉ ngơi đi.
Tiêu Dao cũng nói:
_ Thưa thầy, chúng em đông lắm rồi ạ, thầy cứ về nhà đi!
Thầy Quảng nghĩ: Thế cũng được, tìm thấy cậu ấy nhất định phải gọi điện cho tôi đấy, có thế tôi mới yên tâm.
Mọi người gấp rút bắt tay vào việc, chỉ có mỗi Vương Tiếu Thiên cứ chậm rãi thu dọn sách vở. Có người giục:
_ Tiếu Thiên, cậu nhanh lên chứ.
Tiêu Dao nói:
_ Thôi được rồi, chúng mình đi trước đi.
Vương Tiếu Thiên ngẩn ngơ nhìn mọi người đi hết. Khi ấy Lưu Hạ có ý tốt chạy đến:
_ Vương Tiếu Thiên, hai chúng mình cùng đi đi, đi tìm Dư Phát.
_ Ừ! – Vương Tiếu Thiên ậm ừ đáp, nhưng vẫn chậm rãi thu dọn sách vở.
Lưu Hạ đứng bên cứ luôn mồm nói:
_ Chả hiểu Dư Phát đi đâu nhỉ? Không hiểu trường có đuổi học cậu ấy không? Cái cậu Dư Phát này chẳng biết nghĩ gì cả, ai lại làm những chuyện như thế bao giờ? Cậu ấy cũng tội thật đấy, bị người khác đổ lỗi cho, bị người khác chơi cho một vố!
Tiếu Thiên vẫn chưa thu dọn xong sách vở, Lưu Hạ kêu lên:
_ Bạn làm sao thế, cứ dờ dẫm mãi. Mình có cảm giác như chuyện này không phải do Dư Phát gây ra, dứt khoát bên trong còn có sự tình gì nữa đây. Điều quan trọng nhất của con người là phải có lương tâm, có phải không, Vương Tiếu Thiên?
Vương Tiếu Thiên rất xấu hổ, cậu ta sợ Lưu Hạ biết. Cậu ta tưởng tượng bộ mặt của Lưu Hạ sau khi tường tận mọi chuyện.
_ Cậu làm sao thế, hết ậm lại ừ.
Khó khăn lắm Lưu Hạ mới lôi được Vương Tiếu Thiên ra khỏi lớp. Cậu ta lặng lẽ bước. Cứ mấy lần định nói nhưng rồi lại không mở miệng ra được. Lưu Hạ thì cứ như con chim sẻ ríu rít không ngừng.
_ Mấy hôm trước mình vừa mua được một chiếc đĩa CD của Hoàng Hựu Thiên. Bạn có muốn mượn nghe không? Mình thực sự khâm phục lòng can đảm của Hoàng Hựu Thiên. Anh ta dám công khai thừa nhận trên tivi là trước kia đã từng vào trại quản giáo thiếu niên, và tỏ ý hối tiếc. Kỳ thực làm như thế hình tượng về anh không hề bị tổn hại một chút nào mà những người hâm mộ càng yêu mến hơn.
Vương Tiếu Thiên vẫn không mở miệng. Lưu Hạ đâm cáu:
_ Sao mình nói mãi mà bạn không chịu mở mồm?
Vương Tiếu Thiên buồn bực trong lòng:
_ Lưu Hạ, mình…
_ Bạn làm sao, cứ nói đi! – Lưu Hạ chờ đợi.
_ Mình… rất mệt, muốn về nhà. Bạn đi một mình đi.
Khi ấy, Hân Nhiên và Hiểu Húc đi qua, Lưu Hạ hỏi:
_ Đi đâu đấy?
_ Đi tìm Dư Phát.
Hiểu Húc bĩu môi.
_ Bọn này không giống kẻ máu lạnh đâu!
Nhìn hai người đi qua, Lưu Hạ hỏi Vương Tiếu Thiên:
_ Sao các cậu ấy lại nói thế nhỉ?
_ Nếu nói với cậu là bức tranh ấy là do tôi vẽ, thì cậu có ngạc nhiên không? Cậu có còn để ý đến tôi nữa không? – Vương Tiếu Thiên không dám nhìn Lưu Hạ, cậu nghĩ chắc lúc này mặt Lưu Hạ đầy sự ngạc nhiên và phẫn nộ.
_ Nếu không quan tâm thì trước đây đã không quan tâm rồi. – Lưu Hạ tựa như cười - Thực ra mình biết từ lâu rồi.
Lần này đến lượt Vương Tiếu Thiên thực sự ngạc nhiên và phẫn nộ. Sự lo lắng ngại ngùng vừa rồi biến mất. Cậu ta chợt hiểu ra rằng mọi điều tốt xấu của mình đều bị cô bạn này biết hết.
Quả thực là Lưu Hạ biết mọi chuyện từ lâu. Ý nghĩ đầu tiên của bạn là tìm Vương Tiếu Thiên mắng cho một trận; suy nghĩ rồi lại không làm thế nữa. Bạn nghĩ cách này sẽ cảm hóa được Vương Tiếu Thiên.
_ Người chứ có phải thánh đâu, ai mà chẳng có lúc mắc lỗi, chỉ cần biết mà sửa thì chẳng sao. – Lưu Hạ nói mà tự mình cũng cảm động – Con người ta quý ở chỗ biết nhận ra lỗi mà sửa.
Vương Tiếu Thiên không hề cảm động chút nào, cậu ta ghét cái thái độ làm ra vẻ khoan dung của Lưu Hạ, ghét cái bộ dạng làm ra chúa cứu thế của Lưu Hạ. Cậu ta không muốn lằng nhằng mãi với Lưu Hạ.
_ Mình đi đây. – Nói xong, cậu ta đi liền.
_ Hết ư? Thế là hết ư? – Lưu Hạ gọi.
Vương Tiếu Thiên vẫn cứ đi thẳng.
_ Lần này thì mình ngạc nhiên thật đấy. Mình không quan tâm đến cậu nữa.
Vương Tiếu Thiên dừng chân giây lát rồi lại đi tiếp.