Dịch giả: PHẠM TÚ CHÂU,THÀNH TRINH BẢO, NGUYỄN THỊ BĂNG THANH
CHƯƠNG XVIII
PHẦN NHIỀU BỊ TỔN THƯƠNG VÌ TÌNH

Đợt thực tập này đem lại cho học sinh sự thể nghiệm sâu sắc, các bài thu hoạch viết cũng khá. Tạ Hân Nhiên là một trong số đó. Bài viết của bạn được chọn đăng trên báo của Đặc khu.
Bài được đăng là một sự kiện thật vinh dự, nhưng Tạ Hân Nhiên lại không phấn khởi lắm bởi gần đây có một điều cứ vấn vương mà không nói ra cho rõ được.
Tạ Hân Nhiên đi bộ dọc theo đường mà không đi xe. Hai tay bạn đút túi quần như con trai, vừa đi vừa đá mấy viên sỏi. Qua một tiệm cắt tóc, trên cửa dán một bức ảnh Lâm Thanh Hà cỡ lớn với một mái tóc ngắn phớt đời, nghe nói Lâm Thanh Hà cắt tóc vì tình. Hân Nhiên vuốt vuốt mái tóc rồi bước vào.
_ Định cắt kiểu gì đây?
_ Cắt như kiểu Lâm Thanh Hà.
_ Đó là kiểu tóc trước đây mấy năm rồi, giờ tóc cô ấy lại dài rồi! - Người thợ giảng giải - kiểu này giờ không thịnh nữa rồi!
_ Tôi biết.
_ Có gội không?
_ Cắt luôn đi!
Người thợ múa tay kéo trên đầu Hân Nhiên. Đột nhiên Hân Nhiên cảm thấy như hành động này của mình mang một ý nghĩa nào đó, giã biệt một điều gì đó.
Xoẹt xoẹt, mái tóc nuôi mấy năm đã biến mất, Hân Nhiên nhắm mắt mặc cho người thợ cắt tóc.
Trong đợt thực tập vừa rồi, quan hệ cực kỳ kín đáo của Tiêu Dao và cô gái áo đen có thể khiến người ngoài không nhận thấy nhưng không lọt qua được cặp mắt của Tạ Hân Nhiên.
Thỉnh thoảng Tiêu Dao lại đưa mắt truyền tin cho cô ấy, cậu ta còn là người đầu tiên nhận thấy lốp xe của cô ta bị xì hơi, có người bạn trai đã ở lại cùng giúp cô tìm ra hiệu vá xe…
Cắt xong tóc, Hân Nhiên nhìn lại đám tóc dài ngắn không đều, đen nhánh ngổn ngang dưới đất mà cảm thấy chua xót.
Ra khỏi hiệu, Hân Nhiên hất mái tóc ngắn tuy đã xịt gôm nhưng vẫn bị gió thổi tung, lòng cảm thấy nhẹ nhõm đi nhiều.
Hân Nhiên cứ bước mà chẳng biết định đi đâu. Từng đôi tình nhân khoác tay nhau đi qua bên cạnh bạn. Tới gần biển bạn mới nhận ra đây là chốn của những cặp tình nhân. Từng đôi từng đôi kề sát bên nhau như chung quanh không có người. Một với một mà không phải bằng hai, mà là cả thế giới, là tất cả. Ở nơi này có bao nhiêu tình yêu, có bao nhiêu thế giới? Trước kia Hân Nhiên cứ nghĩ tình yêu chân chính là rất hiếm. Bỗng tận mắt nhìn thấy bao nhiêu là tình yêu, bạn đâm hoài nghi: liệu đây có phải là tình yêu không?
Tác phẩm Tây Tây công chúa có một câu thế này: “Khi bạn buồn phiền hay đau đớn hãy đến với thiên nhiên, bạn sẽ được an ủi và tăng thêm sức lực”.
Hân Nhiên rất thích câu nói đó. Bạn ngồi xuống bãi biển mặc cho thủy triều dâng làm ướt cả giày và váy để tận hưởng cái cảm giác hòa mình với thiên nhiên.
Hân Nhiên để cho gió biển vuốt ve như một đứa trẻ bị tổn thương nhận sự âu yếm của cha mẹ. Sự trìu mến của gió biển làm Hân Nhiên nhẹ nhõm đi nhiều. Bạn giơ tay xem đồng hồ, đã hơn 5 giờ. Bạn ném một viên giấy xuống biển, chuẩn bị về. Bạn cần phải về nhà trước 5 giờ 30 nếu không mẹ sẽ lại ca cẩm.
Viên giấy bị ngấm nước biển, gió thổi mở ra và sóng biển tấp vào bờ. Chữ trên giấy đã bị nhòe đi, chỉ còn mờ mờ, dưới ánh chiều tà vẫn nhận được mờ mờ.
Tiêu Dao… Tiêu Dao… Tiêu Dao…
Hân Nhiên đã về đến khu nhà mình. Ngẩng lên nhìn tòa nhà 25 tầng thấy như nó đang đung đưa cùng mây gió, bạn cảm thấy chóng mặt. Một vài con bồ câu xấu xí nhà nào đó nuôi đang bay loạn xạ trên trời. “Sao chim lại biết bay”. Bọn trẻ con có câu ca dao:
Ai biết bay?
Chim biết bay
Chim ơi chim làm sao bay?
Bay thế này
Giang đôi cánh đầy trời bay
Cuối cùng thì Hân Nhiên cũng về được nhà đúng thời gian quy định, trong bụng thở phào.
Mẹ cứ nhìn mãi mái tóc bạn.
_ Có gì không ổn ạ? – Hân Nhiên vuốt vuốt tóc.
_ Thanh niên bây giờ thật lạ. Con gái thì ra sức cắt ngắn còn con trai thì để tóc rõ dài.
_ Con tiết kiệm nước gội đầu đấy chứ!
Người cha đã về. Cũng như mọi khi, ba chẳng chú ý gì đến bộ dạng, đầu tóc con gái nên không hề biết là Hân Nhiên đã cắt tóc.
_ Hôm nay con có gì khác nào? – Hân Nhiên nhắc nhở ba, lúc ấy ba mới nhận ra, cười hì hì bảo:
_ Cái tóc của Hân Nhiên giờ còn ngắn hơn tóc ba nữa kìa. Tóc ngắn hay đấy! Tóc ngắn đi nhưng kiến thức dài ra.
_ Ai đấy, vào nhầm lớp à? – Hôm sau có bạn hỏi.
Lưu Hạ ôm Hân Nhiên quay quay mấy vòng rồi xoa xoa đầu:
_ Chắc là cắt theo kiểu Lâm Thanh Hà đây.
_ Khác trước rồi đấy! – Có người lại bảo.
Lưu Hạ cười ý nhị:
_ Thời bây giờ bỗng dưng mà cắt tóc là đa phần thất tình. Thất tình nên quyết định giã biệt với tình cũ, dựng nên một hình tượng mới. Lâm Thanh Hà là thế đó. Phan Hồng cũng vậy, Hân Nhiên, cậu…
Hân Nhiên giơ mái tóc dài của Lưu Hạ lên, cười giả lả:
_ Nói như thế thì những người tóc dài nhất định đang yêu đây.
Lưu Hạ bị bất ngờ nên kêu lên, tỏ ý thua.
Hân Nhiên hất mái tóc ngắn ra vẻ bất cần, ngồi vào ghế bạn thấy Lâm Hiểu Húc đang nhìn mình.
_ Nói thật xem, trông như thế nào?
Lâm Hiểu Húc làm vẻ không thèm để ý.
_ Nói thật nhé, chẳng ra sao cả! Sau này tớ không dám đi với cậu nữa!
_ Hử!
_ Mẹ tớ mà nhìn thấy thì phiền to: Sao Hiểu Húc lại thân với bạn trai thế nhỉ, còn ra gì nữa!
Hân Nhiên bị Hiểu Húc trêu, bạn cười cười đưa tay lên vuốt tóc. Khi ấy Tiêu Dao vừa đi vào cửa, nhìn thấy Hân Nhiên bạn liền cười coi như chào hỏi. Nhớ tới mớ tóc ngổn ngang trên mặt đất, Hân Nhiên không cười đáp lại.
GIẤU KÍN BÍ MẬT TRONG LÒNG
Vừa bước chân và cửa, Hân Nhiên nhận ra ngay toàn mùi dầu rán. Mẹ đang xào rau.
_ Về rồi hả con, một tí nữa là xong cơm thôi. Con đi rửa mặt đi.
_ Vâng.
_ Mẹ đang bận, con cất nấm khô mẹ phơi ngoài cửa sổ vào đi. Nhanh lên chút, trời tối đến nơi rồi.
Miệng thì vâng đấy nhưng Hân Nhiên chẳng động đậy. Dạo này thỉnh thoảng bạn cứ hay ngồi ngẩn ra thế. Đầu óc thì cứ rối tinh như ống kính vạn hoa hiện lên bao nhiêu sự việc đủ màu. Cứ mải nghĩ mãi nhưng chả nghĩ ra chuyện gì.
_ Sao con cứ ngồi đơ ra như người gỗ thế? - Mẹ từ bếp đi ra - Mẹ đoán ngay là con chẳng chịu làm gì cả. Nhà này một ông chủ rồi lại thêm một tiểu thư nữa. Tôi chỉ là u già cho các người thôi.
Mẹ chẳng biết, tiếng Quảng Đông gọi u già chính là “mẹ”.
Nói rồi mẹ ra ngoài hiên để thu nấm, tiếng cửa đóng mở kêu kèn kẹt. Mồm thì làu bà làu bàu, cứ như là có làm thế mới thấy là mẹ khổ.
_ Tối đến nơi rồi cũng không biết đường mà thu nấm, mẹ ôm một đống nấm đi vào phòng khách, tiện tay mẹ đặt luôn lên bàn nước – Hân Nhiên, con gái lớn thế này rồi mà không biết dọn dẹp nhà cửa gì cả, phòng khách bừa bãi thế này mà cũng để yên được à?
Nấm mà bày hết lên trên bàn trà, thế mà không bừa bãi mới lạ.
_ Nếu con không chịu làm việc thì năm ngón tay sẽ liền lại như chân vịt hết đấy.
Hân Nhiên đang định dọn dẹp phòng khách thì lại nghe mẹ nói:
_ Mau đi làm bài đi, sao lại cứ như đứa trẻ ấy, việc gì cũng phải để người lớn phải nhắc.
Mẹ rất hay cáu giận, lại còn nói nhiều, giống như các cô con gái khác, Hân Nhiên rất sợ nghe mẹ kêu ca.
Hân Nhiên vào phòng mở cặp sách. Bài vở hôm nay quá nhiều ngoại ngữ, hình học, vật lý v.v… Các thầy giáo cứ như thi đua ấy, chẳng ai chịu giảm bớt bài tập. Cầm cuốn Anh văn lên, nhưng Hân Nhiên không thể đọc nổi. Bên ngoài văng vẳng lời bài hát Hãy cho em một lần yêu đủ. Cái thằng cha mặt đầy mụn ấy đang đứng ở ban công đối diện mà hát, à không phải, mà là gào: “A… hãy cho tôi yêu đủ một lần, hãy cho tôi yêu đủ một lần”. Hắn gân cổ lên, gào hết sức như lên cơn, lại còn hướng đôi mắt say đắm lên trời khiến người ta nghe mà nổi da gà.
Hân Nhiên đọc to: Professor, professor, professor… (Giáo sư).
_ Hân Nhiên, sao cứ đọc mãi câu ấy thế - Mẹ hỏi – hình như hôm nay con có chuyện gì phải không?
_ Chuyện gì ạ? – Hân Nhiên cố ý hỏi. Mẹ có đôi mắt tinh lắm chẳng có gì qua được mắt mẹ.
_ Chuyện gì thì mẹ hỏi con đấy. Mọi ngày sao lắm lời thế, cứ như con chim sẻ ấy. Hôm nay hỏi gì cũng vâng hoặc dạ, chả có gì nữa.
_ Lần sau con vâng ạ là được chứ gì?
_ Nói chuyện đứng đắn với con mà con đã dài mồm ra.
_ Nói cũng không được, không nói cũng không được, làm con gái mẹ khó quá.
_ Làm mẹ của con cũng rất khó - Mẹ thở dài, đúng là con gái lớn mười tám lần đổi tính đổi nết!
_ Không đổi thì để làm trẻ con suốt đời sao?
_ Nhưng mà thay đổi cũng phải xem thay đổi như thế nào. Lên tới phổ thông trung học rồi mà phân tâm thì làm sao theo kịp bài vở chứ. Hôm nay con sao vậy?
_ Con bị nhức đầu, mệt quá. Thi với cử - Hân Nhiên dùng hai ngón tay trỏ day day thái dương, đứng lên đi ra đóng cửa, mồm lại đọc: “Professor”.
Lũ chim bồ câu bay về chuồng đã nằm yên. Thi thoảng gù gù đôi tiếng. Đàn bồ câu này là của anh trai cho Hân Nhiên khi anh ấy đến Thâm Quyến. Khi đến đây chúng mới là lũ chim non bé xíu chứ nếu không chúng dễ bay về nhà cũ mất. Anh bảo, bồ câu rất hiểu tính người. Lũ chim hiểu tính người kia, bọn bay có biết Hân Nhiên buồn thế nào không?
“Vì sao chim biết bay?” Hân Nhiên lại nghĩ, gần đây bạn cứ bồn chồn bất an, đôi khi vô cớ cáu kỉnh với ba mẹ.
Hân Nhiên khóa chặt cửa phòng ngủ, sau đó rút trong ngăn kéo cũng khóa ra một quyển sổ rất đẹp.
Em đã từng yêu anh, tình yêu, có lẽ
Trong trái tim em không thể phôi pha
Nhưng nó sẽ không làm phiền anh nữa
Em cũng chẳng muốn anh buồn bã bi thương.
Em đã từng lặng lẽ yêu anh không mong ước
Chịu đựng nỗi tủi hờn, nén sâu sự dày vò đố kị
Đã từng chân thành, dịu dàng yêu anh thế
Và cầu trời ban cho anh, một người khác cũng yêu anh như em.
Hân Nhiên chép hết cả bài thơ nổi tiếng “Em đã từng yêu anh” của Puskin. Rất nhiều người nói rằng ở thời đại này thơ ông không còn nhiều độc giả nữa, nhưng Hân Nhiên vẫn thích bài thơ này, bạn đã rơi bao nhiêu nước mắt vì bài thơ tình mà đến nay vẫn chưa tra cứu được là Puskin viết cho ai. Bạn cảm động vì mối tình đầy thương cảm, không hy vọng gì chiếm hữu được song lại vẫn mong mỏi, bạn cũng cảm thấy niềm an ủi lớn lao cho đối tượng của bài thơ. Khi một người để lại ấn tượng tốt đẹp trong ký ức của người khác thì đó là một việc rất đáng được an ủi rồi.
Chẳng biết tự bao giờ Hân Nhiên nhận thấy mình luôn để ý đến bạn ấy. Mà sự để ý này đã kéo dài ra cả một thời gian dài. Bạn luôn nghĩ đến bạn ấy. Mỗi sáng khi bóng của bạn ấy xuất hiện trước cửa phòng học, bạn lại thấy xúc động. Bạn muốn được nghe tiếng nói của bạn ấy. Khi bạn ấy nói chuyện với mọi người, bạn chỉ chú ý đến câu chuyện của bạn ấy, bạn ước ao…
Khi thấy người mà mình thích lại không thích mình thì quả là đau khổ nhất đối với một cô gái. Nhớ đến nhận định khái quát về bài ca thịnh hành mà mình đã nói trong ngày hội Trùng Dương, khi ấy bạn có cảm giác người viết lời ca thật hoang đường. Nhưng, bạn đâu nghĩ rằng chúng lại gần gũi với cuộc sống đến thế, chả trách biết bao nhiêu cô gái chàng trai hận tình đã ca mùi mẫn đến thế.
Hân Nhiên là một cô gái đoan trang, phóng khoáng. Nhất là đôi mắt, sáng long lanh như mặt nước hồ xanh trong vắt, là một cô gái rất cởi mở nhưng về tình cảm bạn lại không hề bộc lộ ra bên ngoài. Bạn giấu kín bí mật ấy trong lòng mình.
“Cạch cạch cạch”, có người gõ cửa. Hân Nhiên vội vàng trở lại bình thường và sắp xếp đồ đạc như đang ngồi học.
Cửa mở, là ba.
_ Ba nên cám ơn con.
_ Chuyện gì ạ?
Từ trước tới giờ, trong nghiên cứu khoa học, ba rất cẩn thận lại nhạy bén. Ba thường dùng giấy PH để thử nghiệm quan sát. Nhưng trong cuộc sống ba lại thiếu đi loại giấy PH mẫn cảm. Ba rất tồ và chậm. Sau cái lần đi biếu xén ấy, cô con gái thường hay cãi lại ba và hay vô cớ cáu kỉnh. Ngay một lúc ông cũng không giải quyết được vấn đề này. Lần này ông nhận được thư của con trai gửi ra. Thư viết: Nhận được hai trăm đồng của mẹ kế gởi, ông bà ngoại đều khóc, nói rằng mẹ kế thật rộng lượng. Anh con hối hận vì đã từng xử sự thô bạo với mẹ kế v.v… Thư viết rất chân thành.
Nhận được thư, đầu tiên ba rất hồ nghi, sau mới nhớ ra Hân Nhiên có nói tiền công của đợt làm thêm ấy có tác dụng lớn lắm, ba mới hiểu ra việc đó do Hân Nhiên làm. Ông vừa kinh ngạc vừa cảm động, việc mình khó giải quyết thì con gái lại xử lý rất thông minh.
Con cái dù có lớn đến mấy thì trong mắt cha mẹ vẫn luôn là đứa trẻ. Nhờ có việc này ba mới nhận ra rằng Hân Nhiên không còn ấu trĩ và cố chấp như ba nghĩ. Về mặt làm người và xử thế, Hân Nhiên dần dần hình thành cách riêng của mình. Người làm cha mẹ cũng nên có trách nhiệm và bình đẳng trong quan hệ với con cái.
_ Hân Nhiên, con đã lấy danh nghĩa mẹ để gởi tiền về cho ông bà ở quê, ba rất cảm ơn con. Rõ ràng con đã làm ba xúc động ghê gớm. Ba nhận ra rằng đôi lúc ba cũng không bằng con gái. Ba ở trong trạng thái rất mâu thuẫn không biết mình nên ngả hướng nào, còn con gái thì giải quyết đâu ra đấy.
Ba đưa cho Hân Nhiên bức thư của anh.
_ Đây là thư của anh con. Nó nói rằng đã tìm được việc ở huyện nên không muốn ra đây nữa. Anh con còn hỏi thăm lũ bồ câu đã lớn, đã biết bay chưa?
Hân Nhiên cầm thư, ánh mắt hướng về cửa sổ, phấn khởi nói:
_ Con sẽ viết thư cho anh báo lũ chim không còn “tí teo” như trước nữa. Chúng đã lớn cả rồi.
Ánh mắt của ba tràn đầy sự tin yêu và khuyến khích, ánh mắt của con gái thì tràn đầy niềm hy vọng và thông cảm. Sự căng thẳng và bóng đen giữa hai người đã tiêu tan. Ba nói về cuộc sống trước kia của mình, hồi ở nông thôn và hồi còn học trung học…
Hân Nhiên chợt phát hiện ra trước kia mình cứ trách ba không hiểu con cái, thực ra chính bản thân mình cũng không hiểu ba. Sau khi nói chuyện với ba Hân Nhiên thấy quan hệ của hai cha con đã xích lại gần gũi hơn. Có nhiều việc xem ra rất phức tạp, nhưng đôi khi do con người làm phức tạp hóa ra, rất nhiều việc nên tự đặt mình vào hoàn cảnh ấy, tự suy lòng mình ra mà cư xử, Hân Nhiên quyết tâm nói cho ba biết điều bí mật trong lòng mình.
BA À, BA TUYỆT LẮM
Hân Nhiên cùng ba đạp xe ra biển hóng gió, tối đầu hè có chút trăng mông mênh, chim lãng đãng thật hợp cho giãi bày tâm sự.
_ Hân Nhiên à, ở tuổi các con bây giờ không nên quá coi trọng về mặt tình cảm. Nhất là con gái đừng nên dễ dàng sa vào chuyện đó, nên học hỏi sự cởi mở của các bạn trai…
_ Con thấy khó lắm – Hân Nhiên nói thẳng thắn.
_ Con ạ, một trong những tiêu chí về người trưởng thành là phải xem người đó có kiểm soát được tình cảm của bản thân không. Thời gian này có thể con rất buồn, nhưng hãy nghĩ rộng ra một chút, qua được giai đoạn này rồi mọi việc sẽ tốt cả thôi. Hãy cố gắng sống chín chắn hơn và giữ được một tâm hồn yêu đời và trong sáng. Con hãy còn trẻ thế này rất khó biết được tương lai sẽ ra sao, sớm đi vào chuyện tình cảm thì sẽ chỉ toàn điều hại mà không chút ích lợi đâu. Ba nói như với một người bạn – Tình yêu đích thực cần phải có điều kiện chín muồi, nó cũng giống như sự trưởng thành của một cái cây, cần phải chăm bón tưới cây, bón phân, xén lá tỉa cành bắt sâu. Tất cả những cái đó đều cần thời gian và công sức. Cả hai trái tim trẻ tuổi nhiệt tình nhưng không bình tĩnh thì sẽ không thể chịu đựng nhiều như thế ngay một lúc được. Do đó mà ảnh hưởng đến học tập, cuối cùng thì chấm hết vì thất bại về học hành, cái giá phải trả ấy có quá đắt không?
Hân Nhiên không hoàn toàn hiểu ý ba, nhưng cô thích kiểu nói chuyện thế này với ba, Hân Nhiên gật đầu, ra ý mời ba nói tiếp.
Ba kể tiếp một câu chuyện và kể về những suy nghĩ của mình.
_ Một cậu bé trai sáu tuổi ngắt được một bông hoa Khiên ngưu đầu tiên của mùa hè. Cậu mài nó ra làm mầu, lấy chiếc bút vẽ mới ra vẽ một bức tranh, trong đó là hình ảnh cô bé gái hàng xóm. Bên cạnh bức tranh có viết: “Tặng em Huệ Tử mà anh rất yêu quý”. Cậu ký tên rồi gửi vào hòm thư nhà Huệ Tử. Cô bé Huệ Tử mới năm tuổi đem cất kỹ, viết lên đó dòng chữ: “Vật quý giá nhất”.
Hai mươi năm trôi qua, cậu bé trai chọn một người không phải là Huệ Tử làm bạn đời, còn Huệ Tử cũng sắp lấy một người đàn ông khác.
Khi sắp làm đám cưới, Huệ Tử dọn dẹp đồ đạc mới tìm thấy tờ giấy ấy, cô cứ bần thần mãi bởi trên phong bì có ghi dòng chữ “Vật quý giá nhất” nhưng bên trong chỉ là một tờ giấy trắng.
Giấy trắng vốn là bức tranh vẽ chân dung Huệ Tử lúc năm tuổi nhưng thời gian quá lâu khiến cho màu vẽ bằng nước hoa Khiên ngưu và tình yêu của cậu trai thuở thiếu thời đã tiêu tan mất.
Té ra ba là một người rất giàu ý thơ, rất có duyên nói, Hân Nhiên say mê lắng nghe.
Phía trước là một con đường nhỏ khúc khuỷu, đèn đường có chỗ bị hỏng nên rất mù mờ. Hân Nhiên ưa mạo hiểm nên lao xe về phía trước. Ba đi phía sau nhắc luôn mồm:
_ Cẩn thận đấy phía trước có vũng nước… Đi thẳng… dừng lại… có hố đấy… tốt rồi… chậm thôi… có mô đất đấy!
Thấy vũng nước, Hân Nhiên tránh, thấy mô đất, Hân Nhiên lao qua. Hai cha con đã vượt qua con đường nhỏ ngoằn ngoèo tối om om, phía trước kia là khoảng viên xanh của vườn hoa rồi.
_ Ba ơi, hồi còn học sinh ba có viết thư cho bạn gái hay nhận được thư của bạn gái viết cho không? Hân Nhiên hỏi rất nhanh, liền một hơi không có phảy chấm gì hết.
Câu hỏi rất thẳng thắn, rất bạn bè, sự thẳng thắn, chân thành và cởi mở của lớp trẻ khiến cho lớp bề trên không biết phải xử trí ra sao. Ba sững lại một lát. Ông nghĩ ngợi rồi trả lời nghiêm trang:
_ Người thời nay kết bạn đều phải xem vóc dáng có cao không, có biết chơi không, có kiếm được tiền không, chứ lớp người những năm 60, 70 chỉ chú trọng đến phẩm chất đạo đức, thành phần gia đình, khác xa với tiêu chuẩn bây giờ.
_ Ba à, thế ba và mẹ có tình yêu không? – Hân Nhiên dừng bước, nhìn ba thẳng thắn hỏi.
Ba giật mình, cũng dừng bước, hỏi lại:
_ Con nói gì?
_ Hình như không có, ba và mẹ không yêu nhau như những tình yêu trên phim ảnh, đúng không nào?
_ Ôi, cái con quỷ con này! – Ba cười - người tuổi tác và có kinh nghiệm như ba mẹ sao có thể suốt ngày cứ “Anh yêu em”, “Em yêu anh” được. Ba mẹ không cần và cũng không tin vào sự thể hiện đầu lưỡi nữa, chỉ tin vào đôi mắt và trái tim mình mà không cần “nói ra”.
_ Tình yêu là cái gì hở ba, - Hân Nhiên lại hỏi.
Bản chất chân thực của tình yêu không phải ở chỗ lý giải được mà là ở sự khoang dung tuyệt đối và sự nhẫn nại kiên trì – Ba không chỉ trích con gái mà còn nói chuyện một cách thẳng thắn về hai đề tài vĩnh hằng là tình yêu và cuộc sống.
Lúc ấy, Hân Nhiên vừa nhìn thấy một đôi vợ chồng già. Cả hai một trước một sau đang đi dạo bên bờ biển, ông già mặc chiếc áo lót cổ tròn, còn bà vợ mặc bộ đồ hoa nhỏ màu xanh thẫm, tay cầm chiếc quạt, không biết họ vừa nói gì mà ông già cười thoải mái còn bà vợ lắc đầu cố ý giận dữ và cũng cười. Họ vừa nói chuyện gì vậy? Nhớ lại cảnh yêu thương hồi trẻ ư? Ông kể cho bà nghe những chuyện tiếu lâm mà bà chưa từng nghe bao giờ chăng? Dù chẳng biết, nhưng Hân Nhiên vẫn đoán rằng đó phải là một chuyện rất đẹp.
Không biết có điều gì hấp dẫn mà khi họ vượt qua bên người Hân Nhiên, bất giác Hân Nhiên quay lại gật đầu chào họ vẻ thân mật cứ như là người quen vậy. Họ cũng gật đầu cười chào lại Hân Nhiên. Đi qua rồi Hân Nhiên không kìm được quay đầu lại để nhìn, vừa đúng lúc hai vợ chồng họ cũng ngoái lại, nhìn Hân Nhiên cười cười. Ông già trông thật hiền hòa, thân thiết. Những nếp nhăn trên mặt ông như nói rằng đó không phải là một ông già đau khổ mà nó thể hiện những kinh nghiệm sự trưởng thành của ông. Bà vợ thì đầu bạc phơ, ánh mắt trông hiền từ. Nụ cười của họ thật tươi tắn. Kiểu cười ấy chỉ có ở những người đã vượt qua được những khó khăn vất vả của năm tháng, chỉ ở những người biết khoan dung, độ lượng với tất thảy mới có được. Họ thuộc những người càng già càng tốt bụng, càng già càng giản dị.
Hân Nhiên cứ chăm chú ngoái nhìn mãi theo họ. Ông già đi trước, bà vợ theo sau. Bà cứ liên tục quạt vào khoảng không giữa hai người. Cái quạt ấy mà quạt như vậy thì chẳng có ai mát cả, nhưng cái động tác ấy khiến cho lòng người cảm thấy mát mẻ dễ chịu.
Sóng lặng, ánh chiều tà le lói, chân trời mang một màu son đỏ thắm. Hai người già đứng bên biển như hòa với biển trời làm một, trông họ thật là đẹp thật ấm áp, thật là một bức tranh nghệ thuật tuyệt diệu, như một câu chuyện tình đẹp đẽ.
_ Đẹp tuyệt! – Hân Nhiên kêu lên. Bạn cũng không hiểu mình khen bức tranh phong cảnh kỳ diệu hay khen tình yêu ấy nữa.
Trên bờ biển đâu đâu cũng thấy từng đôi nam nữ ôm nhau. Hân Nhiên cũng chẳng chú ý, có nhìn cũng chỉ nhìn một mắt. Thế mà đôi vợ chồng già ấy chẳng cần làm động tác gì cả, đến đi cũng cách nhau một khoảng nhất định, người trước người sau, ấy thế mà Hân Nhiên cứ nhìn mãi.
Tiểu thuyết của Quỳnh Dao thoạt xem rất hấp dẫn, nào thề non thề biển, một lòng không thay đổi, nhưng cứ thử đọc kỹ thì thấy chỗ không làm cảm động được người đọc bởi về căn bản cuộc sống chẳng phải như trong truyện. Sự quan tâm tuyệt đối của hai vợ chồng già này khiến người ta phải ca ngợi. Có người bảo tình yêu chỉ có ở những người trẻ tuổi, còn ở những người già chỉ là sự nương tựa vào nhau mà thôi. Nhưng Hân Nhiên tin rằng hai vợ chồng ông bà này có một tình yêu tuyệt đẹp. Không nhớ có một danh nhân nào đó dạo chơi với một bạn thân khi trông thấy một đôi thanh niên đang trong thời yêu nhau nồng nàn, người bạn nói: “Đây là mối tình đẹp nhất thế gian”. Vị danh nhân thì chỉ vào một cặp vợ chồng già bảo: “Đây là mối tình vĩ đại nhất, hạnh phúc nhất”.
Đúng vậy, sau cả nửa thế kỷ với những tháng năm gian truân, với cuộc sống đầy bão táp, tình yêu và con người mới thực sự trải qua những thử thách khó khăn nhất. Tình yêu và cuộc sống mới theo con người trở thành mối xúc động cảm hóa. Đôi vợ chồng này chắc đã về hưu từ lâu, cuộc sống có lẽ cũng rất bình thường. Nhưng có giản dị bình thường, ấy mới thật. Một bài hát ý nghĩa Chân thực của tình yêu có lời rằng: “Yêu là sự chịu đựng vĩnh hằng, có cả ơn và nhân ái. Yêu là không đố kị, không khoe khoang, không điên cuồng, không làm nên chuyện xấu hổ, không cầu lợi ích cho riêng mình, không dễ cáu giận, không chấp cái xấu xa của người khác, không thích điều bất nghĩa, chỉ yêu chân lý. Xảy việc thì bao dung, tin tưởng, nhẫn nại, chờ mong. Yêu là mãi mãi không ngưng nghỉ”.
Chân lý của tình yêu là thế đó!
_ Ba à, ba có tin vào tình yêu không?
_ Tin – Ba nghĩ một lát rồi khẳng định chắc chắn.
_ Con cũng tin!
Trên đường trở về Hân Nhiên nói với ba:
_ Ba à, ba tuyệt thật đấy, con rất muốn cùng đi dạo với ba, nói chuyện với ba như hôm nay… Hôm nay con rất vui.
Lại một lần nữa Hân Nhiên thấy hình ảnh của ba trong lòng mình. Có điều lần này không phải sự sùng bái mà là sự mẫu mực. Nghe con gái nói “Hôm nay con rất vui” người cha cũng cảm thấy sung sướng trong lòng.