Dịch giả: PHẠM TÚ CHÂU,THÀNH TRINH BẢO, NGUYỄN THỊ BĂNG THANH
CHƯƠNG XVII
KHÁT VỌNG HIỂU BIẾT XÃ HỘI

Mỗi một khối lớp Mười thường có một hoạt động lớn, đó là thực tập làm quen với xã hội trong thời gian một tuần. Buổi họp vào thứ bảy, khối lớp Mười tề tựu tại một tòa lầu lớn.
Cuộc họp do cô Đào khối trưởng chủ trì. Cô trịnh trọng nhìn bao quát một lượt học sinh rồi nói ngắn gọn yêu cầu và mục đích của cuộc họp.
Tiếp đó thầy Cổ lên nói. Tiếng thầy vang giống như một nam ca sĩ giọng cao. Đầu tiền thầy trình bày nội dung và cách thức của đợt thực tập, tiếp đó thầy phân tích tính chất yêu của việc tiến hành thực tập ngoài xã hội của học sinh trung học, và cuối cùng thầy nhấn mạnh những việc cần chú ý trong đợt thực tập này.
Sau đó là những cuộc họp nhóm của học sinh bàn những chuyện liên qua và không liên quan xung quanh đợt thực tập này. Các bạn đã được nghe nhiều những điều thú vị và cảm xúc từ học sinh các khóa trước.
Học sinh trung học bây giờ không thỏa mãn với cuộc sống một đường thẳng đi qua ba điểm: nhà trường, thư viện, gia đình, không thỏa mãn với khuôn viên bé nhỏ gồm cha mẹ, thầy cô giáo và bạn đồng học. Trái tim của họ giống như: “Một chút chim bé xíu xiu bay bay”, khát vọng được hiểu biết về cuộc sống, được xã hội biết đến mình.
Nhà trường cũng biết tình hình của cải cách xoay chuyển nhanh chóng cùng những biến đổi theo sau đều ảnh hưởng và tác động mạnh tới tư tưởng học sinh, đặc biệt khi đưa ra khẩu hiệu “Tái sáng tạo hiệu suất Thâm Quyến”. Trong một thời gian ngắn Thâm Quyến phải vượt qua bốn con Rồng Châu Á. Cuộc cải cách của Thâm Quyến lại một lần nữa xốc lên cao trào mới. Ban lãnh đạo nhà trường càng hiểu rõ ràng, trường học và xã hội không thể tách rời nhau. Trang mạc tiêu thành tài của học sinh trường trung học Số Chín, có điều đề xuất mà các trường trung học nội địa không có là: Trong điều kiện đặc thù một nước hai chế độ, phải có khả năng bắt tay được với chủ nghĩa tư bản, phải có ý chí kiên cường vượt khó tiến lên và có tinh thần khai thác dám sáng tạo đổi mới… mà những điều này thì không thể đóng cửa giáo dục trong trường học, vì thế mà có chuyên cần học tập và đi thực tập ngoài xã hội.
_ Sau đây tôi phát bảng kế hoạch. Phần trên là lịch cụ thể của đợt thực tập, các em mang về đưa cho cha mẹ ký vào.
Sau khi bản kế hoạch được phát cho học sinh, hội trường trở nên sôi nổi hẳn, tiếng nói ồn ã, học sinh mặt mày hớn hở trao đổi bàn tán râm ran.
_ Trong các em đã có nhiều bạn đi làm thêm kỳ nghỉ hè. Những bạn nào đã đi làm thì giơ tay xem nào.
Mấy chục cánh tay giơ cao, trông thật tự tin tự hào hơn biết bao khi giơ tay trả lời thầy cô ở lớp. Thế là cũng hàng trăm ánh mắt hâm mộ, tán thành hướng về những cánh tay ấy.
_ Tốt, tốt, các em dám ra ngoài trường học, trải sương trải gió bước vào xã hội đối mặt với đời, thế là rất tốt.
Vương Tiếu Thiên, Tiêu Dao, Tạ Hân Nhiên nhìn nhau cười. Tạ Hân Nhiên chợt cảm thấy bao nỗi vất vả khổ cực khi đi làm công giờ dồn hết lên cánh tay này, thật đã quá.
Thầy Cổ vui vẻ gật đầu. Thầy kết thúc:
_ Thực tập xong, mỗi em sẽ làm một bản báo cáo.
Quen như mọi khi, học sinh kêu lên “chà chà”. Nhưng yêu cầu ấy không hề làm giảm bớt chút nào lòng nhiệt tình của đám học sinh với đợt thực tập này. Tất cả đều mong ngóng chóng đến ngày thứ hai tới.
Thứ hai, gần như tất cả học sinh đều đi xe đạp, hàng đoàn nối nhau, dài mãi không dứt. Người đi đường tự nhiên đứng dừng cả lại để ngắm nhìn. Đến các ông tài xế cũng dừng xe để nhường đường. Thật tuyệt, gió ào tới, các mái tóc tung bay, quần áo cũng phất phới. Các bạn ngẩng cao đầu, ngồi trên xe ra dáng vẻ lắm, có cậu còn nhổm lên khỏi yên chỉ dùng chân giữ xe, cố ý làm ra vẻ phớt đời, nghênh ngáo phóng lên phía trước. Những chiếc xe màu sắc rực rỡ cùng với đám học sinh ăn bận đủ màu thật là một cảnh đẹp mắt!
Trời lam, mây trắng, cây xanh, tất cả ăm ắp nhiệt tình của tuổi trẻ.
Hân Nhiên đội một chiếc mũ mới, ba của cậu mua từ Mỹ đem về, đẹp vô cùng.
Lưu Hạ liếc một cái đã nhận thấy. Lưu Hạ không có xe đạp, bạn ngồi sau Vương Tiếu Thiên.
_ Hân Nhiên, mũ của cậu đẹp quá, mua đâu đấy?
_ Ở Mỹ.
_ Tớ bảo mà, đồ ngoại cực đẹp, đâu có gì giống hàng nước mình. Chất lượng kém, hình thức cũng chẳng ra gì.
Lâm Hiểu Húc cười:
_ Lưu Hạ, cậu sùng bái hàng ngoại quốc quá!
_ Cậu mà không sùng bái hàng ngoại quốc à? Thử xem đồ điện nhà cậu có thứ gì không phải hàng ngoại? Nhất là đồ Nhật Bản, đủ mác. Cậu có dám nói không có không?
_ Cái nước Nhật Bản này bé nhỏ mà ghê thật đấy, họ biết tổ chức xâm lược bằng kinh tế.
Hân Nhiên chợt nhớ đến ông Xuyên Điền “làm người ta đến chứ không đến với người” ở nhà máy Bích Kỳ. Tiêu Dao nói:
_ Giờ có rất nhiều hàng trong nước lại lấy tên ngoại quốc nào là YANTRI, LINADA, ARISTON… Nếu chỉ nghe tên thôi đố ai đoán được đó là thứ hàng gì.Nếu không thì lại dùng tiếng nước ngoài. Chế tạo tại Thượng Hải thì viết thành MADE IN SHANGHAI, làm cho những người không biết tiếng Anh lại cứ tưởng đó là hàng ngoại quốc…
Tiêu Dao chưa nói hết thì Dư Phát đã ngắt lời:
_ Có lần tớ đến Bách Giai mua hàng, thấy ở đó có mấy loại bao bì đề chữ gì đó rất kỳ quái, không phải tiếng Trung cũng không phải tiếng Nhật, chẳng phải chữ Triều Tiên. Các cậu thử đoán xem đó là thứ gì?
_ Chữ gì?
_ Sau đó trong lúc vô tình giở từ điển ra xem mới biết đó là phiên âm của thời xưa.
Mọi người được một trận cười vui. Xe của bọn học sinh phần lớn là các loại xe đua, xe leo núi trông rất oách so với xe của thầy giáo đi phía trước thì xe các thầy “đáng thương” thật!
Vương Tiếu Thiên vừa mua một chiếc xe leo núi. Hôm nay đi lần đầu nên muốn trổ tài lái. Cậu ta cố tình phóng thật nhanh khiến cho Lưu Hạ ngồi phía sau sợ chết khiếp phải kêu lên: “Chậm thôi! Chậm thôi!” Lưu Hạ càng gào, Vương Tiếu Thiên càng khoái chí phóng nhanh hơn. Gió thốc vào chiếc áo bò của cậu khiến nó phồng lên như quả bóng, chốc chốc lại ve vuốt mặt Lưu Hạ.
Đột nhiên, xe của cậu ta xì hơi, bánh sau xẹp lép. Vương Tiếu Thiên cố hết sức để đạp nhưng xe chỉ lạng quạng, ngược hẳn lại với lúc ban đầu “Tiến lên phía trước”.
Vương TiếuThiên chửi thầm trong bụng, “Đồ hủi, mày hỏng không đúng lúc chút nào cả”.
_ Sao thế? – Lưu Hạ hỏi.
_ Không, không sao! – Vương Tiếu Thiên cố “cành cạch” đạp tiếp.
_ Ha ha, các cậu đừng làm hỏng thêm cái xe nữa, săm thủng rồi mà cố đèo người! – Dư Phát tinh mắt.
_ Thật không? – Lưu Hạ nhảy xuống.
_ Nào lên đây tớ đèo cậu.
Lưu Hạ chẳng do dự nhảy ngay lên xe của Dư Phát. Vương Tiếu Thiên tức quá trừng mắt nhìn Dư Phát. Dư Phát cười láu lỉnh:
_ Lưu Hạ, cậu yên tâm đi. Chiếc xe đua này của tớ là đồ nhập khẩu đấy, không bị thủng săm giữa đường đâu. Dư Phát quay lại nhấm nháy Vương Tiếu Thiên, huýt sáo ra vẻ đắc ý lắm.
Vương Tiếu Thiên buồn bã đẩy xe.
Tiêu Dao thấy Dư Phát đèo Lưu Hạ bèn trêu chọc:
_ Dư Phát à, cậu phải chi cho Vương Tiếu Thiên bao nhiêu thì cậu ta mới để cho cậu đèo Lưu Hạ vậy?
Tiêu Dao quay mặt lại đã thấy bọn lớp khối Mười đuổi kịp. Cậu ta thoáng thấy một cô mặc áo đen bèn mỉm cười, cô bé ấy cũng cười đáp lại.
Hân Nhiên đang nghe ống nghe say sưa, Lâm Hiểu Húc tiến đến bên:
_ Học sinh tiểu học, học sinh trung học, học sinh đại học đi đường không giống nhau. Tiểu học đi thành từng đoàn, trung học đi từng nhóm.
_ Thế đại học thì sao?
_ Đương nhiên từng đôi chứ còn gì nữa!
_ Ha ha ha!
Và thế là suốt một dọc đường cười, suốt một dọc đường vui, tất cả đã đến mục tiêu đầu tiên – Nhà máy giày da Thâm Quyến.
KHÔNG NGĂN ĐƯỢC XU THẾ PHÁT TRIỂN
Tất cả đến nhà máy vào đúng lúc bắt đầu giờ làm việc, chừng hai ngàn nữ công nhân mặc đồng phục gọn gàng đang vào nhà máy. Phần nhiều họ đi làm bằng xe đạp. Nhà để xe đạp rộng bằng cái sàn đấu bóng rổ. Những người đi xe đạp rất tự giác xếp xe thành hàng lối. Cái nọ sát cái kia từ trong ra ngoài.
Khoảng cách giữa xe với xe, hàng với hàng theo một quy định chặt chẽ. Đứng xem họ xếp xe cứ như là xem họ biểu diễn ấy. Sau chừng nửa tiếng, hàng ngàn chiếc xe đạp đã được sắp gọn gàng đâu vào đấy.
Có được kỷ luật tổ chức như vậy, chắc chắn việc quản lý của họ phải là số một.
Đón tiếp đoàn thực tập là phó Giám đốc nhà máy, trông anh rất trẻ, rất phong độ. Anh bắt tay các thầy giáo, chào hỏi đôi ba câu rồi đưa học sinh vào tham quan trong xưởng. Anh giới thiệu:
_ Nhà máy này được thành lập năm 1980, khi ấy mới chỉ có một dãy nhà bằng sắt cũ kỹ. Do nhà máy sử dụng phương thức mượn vốn cho tư nhân Hồng Kông thuê, 5 năm sau mới thu hồi nên thương khách Hồng Kông đã biến nhà máy thành một cái cây hái ra tiền để thiết lập cơ sở phát triển sau này, họ không để cho Thâm Quyến học được quy trình sản xuất. Họ không muốn cho nhà máy tự độc lập đứng lên, họ không muốn tạo lập một đối thủ cạnh tranh với mình.
Thế là thương nhân Hồng Kông không chuyển đặt toàn bộ công đoạn sản xuất ở Thâm Quyến. Khi Hồng Kông nhận được đơn đặt hàng, bên ấy chỉ giao cho Thâm Quyến để sản xuất phần thân giày, còn phần đế lại giao cho một nhà máy khác làm. Khâu lắp ráp tiến hành bên Hồng Kông, dán nhãn hiệu Made in HongKong. Và hàng mang sang bán tại Âu Mỹ.
Sau 5 năm, thương nhân Hồng Kông ra đi, chỉ để lại kỹ thuật làm thân giầy và một đống máy cũ nát. Chúng tôi phải không ngừng học hỏi, mô phỏng, cách tân, cuối cùng mới tạo ra được sản phẩm hàng đầu của chính mình.
Bí quyết thành công của Hồng Kông là: sự cần cù của người Trung Quốc, cung cách quản lý chặt chẽ của người Anh và thêm vào là chính sách nhất quán của Trung Quốc đối với Hồng Kông. Bí quyết thành công của Thâm Quyến là: mượn được vốn và học hỏi kỹ thuật bên ngoài, cộng thêm sự hiếu học của người Thâm Quyến và chính sách của đặc khu.
Có lần, ông chủ Hương Cảng trước kia quay lại thăm Thâm Quyến, nhìn thấy nhà máy này phải xuýt xoa: “Khi người ta đã có số phát tài thì chẳng có gì ngăn cản được, khi Thâm Quyến đã phát triển cũng chẳng có gì ngăn cản nổi”.
Vị đó không thể ngờ được bây giờ nhà máy lại được như thế này. Hàng hóa trước mắt ông ta đều in chữ “Made in Chine”. Nhà máy của người Hồng Kông đã biến thành của người Thâm Quyến.
Phó giám đốc nói tới đây, tất cả mọi người đều đồng loạt vỗ tay vang. Ai ai cũng thấy phấn chấn. Thật là một bài giảng sinh động về kinh tế và tư tưởng.
Biết bao nhiêu nhà máy “cấp O” ở Thâm Quyến từ hoan nghênh bóc lột này đã thành “tự chủ vận hành” đang dần dần phát triển từng bước. Rất nhiều người nhận ra rằng, đặc khu giống như một tòa núi quí, vàng bạc châu báu rải khắp núi đồi, chỉ cúi xuống là nhặt được. Rất nhiều người cho rằng, Đặc khu là một thành phố không đêm, lúc nào cũng đèn sáng rượu nồng, trời thì hoa, đất thì rượu. Đó là cách nhìn nhận sai về Đặc khu là núi quý không sai, là thành phố không đêm cũng chẳng sai nốt, nhưng bao nỗi đắng cay, uẩn khúc trong đó, chẳng thế một câu đơn giản mà khái quát hết được.
Thông qua sự phát triển của nhà máy giày da, học sinh mới hiểu được rõ ràng sự trưởng thành của Thâm Quyến.
Buổi trưa, học sinh ăn cơm hộp tại nhà máy. Tranh thủ lúc rỗi rãi, nhiều bạn đem vở ra ghi chép. Một phần là để nộp bài, một phần cũng vì cảm hứng mà viết.
Vừa ăn xong, Vương Tiếu Thiên chợt nhớ tới chiếc xe tội nghiệp của mình. Chiều còn phải chở Lưu Hạ về nhà nữa chứ. Vương Tiếu Thiên vội lôi Tiêu Dao cùng đi tìm nơi sửa xe để vá săm. Vá xong họ trở về đi qua rạp chiếu bóng. Trước cửa rạp có một tấm quảng cáo lớn “Yêu không cần thỏa thuận”. Ngay phía dưới có mấy chữ thật bắt mắt “Cấm trẻ em”.
_ Mấy chữ này chính là quảng cáo dụ người xem tốt nhất.
Vương Tiếu Thiên và Tiêu Dao cùng cười. Khi ấy, Lưu Hạ, Hân Nhiên, Hiểu Húc cùng đi tới:
_ Buổi chiều được nghỉ, đi xem phim đi!
_ Cấm trẻ em mà – Vương Tiếu Thiên cười.
_ Phim gì đấy?
_ Yêu…
Tiêu Dao vừa buột miệng đã kịp phản ứng - Hỏi Vương Tiếu Thiên ấy.
Vương Tiếu thiên gãi gãi gáy, cười:
_ Tớ… Thì cái phim này cũng giống tên phim trên truyền hình. Tên kêu lắm, chính cái bộ phim ấy đấy!
_ Bộ nào nào, cuối cùng thì là bộ nào? – Lâm Hiểu Húc hỏi.
_ Có phải bộ phim Ngô Anh đóng vai chính không? – Lưu Hạ đột nhiên nhớ ra – “Yêu không cần thỏa thuận”.
_ Chuyện này thì chúng ta lại phải thương lượng đấy – Vương Tiếu Thiên cười. Cả bọn cũng cười phá ra. Mọi người vừa đi vừa nói chuyện. Một chiếc xe con đột nhiên ào sát qua, từ cửa xe ló ra một cái đầu.
_ Cháu Vương à? Đúng là Tiếu Thiên rồi - Người ấy lập tức nhảy ra khỏi xe.
Vương Tiếu Thiên cũng nhận ra đó là giám đốc Trương, cha bạn đã từng giúp đỡ chú ấy.
_ Lên xe mau đi cháu, Vương! Về đâu đây? Để chú đưa cháu đi.
_ Cháu về nhà, nhưng không cần đâu. Chúng cháu tự đi được.
_ Thôi thôi đừng khách sáo nữa, lên đi! - người đàn ông nói, tay kéo Vương Tiếu Thiên lên xe – Chú đưa cháu về.
_ Cháu… cháu còn các bạn nữa!
_ Được rồi, được rồi, lên cả đi!
Vương Tiếu Thiên gọi:
_ Tiêu Dao, Lưu Hạ, Tạ Hân Nhiên, các bạn lên đi, ngồi chật một tí là đủ đấy!
Tiêu Dao và Hân Nhiên không nói gì chỉ xua tay rồi đi luôn. Lưu Hạ tính tình nóng nảy bĩu môi lườm.
_ Lưu Hạ, bạn có đi không? – Vương Tiếu Thiên hỏi.
_ Dân đen chúng tôi thế này có biết mở cửa xe con ra làm sao đâu mà dám đi! – Lưu Hạ lạnh lùng nói rồi đuổi theo bọn Tiêu Dao.
Vương Tiếu Thiên ngẩn ngơ đứng tại chỗ.
Ông giám đốc vẫn cố nói: “Lên xe, lên xe” rồi kéo Tiếu Thiên lên. Bỗng như chợt nhớ ra điều gì, Tiếu Thiên mở cửa xe, miệng bảo:
_ Cháu cảm ơn chú Trương, cháu không đi xe nữa đâu ạ - Nói xong cậu ta nhảy lên xe le núi đuổi theo Lưu Hạ.
_ Lưu Hạ, mình đi vá xe để chở bạn đây mà!
NGHÈO NHẤT VÀ GIÀU NHẤT
Trong những ngày thực tập tiếp theo, việc đầu tiên là đến thăm một vùng núi nghèo. Vùng này cách Quảng Châu hơn sáu chục dặm, nơi vẫn chưa giải quyết được cơm no áo ấm. Bà con vùng này nhìn đám thiếu niên ở đặc khu kéo đến bằng ánh mắt vừa kinh ngạc, vừa vui, vừa hâm mộ, khi họ ngắm nghía quần áo loại sang, lắng nghe tiếng nói cười thì trong lòng Tiêu Dao cảm thấy ngượng ngùng vì vẻ sang trọng của mình bày ra trước mắt bà con. Người phụ trách giới thiệu rằng Quảng Đông phát triển không đều. Ở Châu Giang, tam giác Châu Giang thì giàu nứt vách, còn nơi núi non điều kiện khí hậu khắc nghiệt thì nhân dân thậm chí còn chưa đủ cơm ăn áo mặc. Ở Quảng Châu có 60% miền núi và có 40% số dân còn rất nghèo.
Người cán bộ xã dẫn đoàn học sinh đi thăm một số gia đình. Nông dân ở đây sống trong những ngôi nhà vách đất, trong nhà tối om. Ở bên ngoài đi vào phải mất một lúc mắt mới nhìn được. Nhìn những vật dụng đơn giản, những đồ gia dụng thô lậu, Tiêu Dao chợt nhớ tới bộ bàn ghế tinh xảo bằng gỗ đỏ, lò vi sóng tiện lợi nhanh chóng của nhà mình, trong lòng thấy có gì đó áy náy. Những người nông dân chịu mưa chịu nắng vất vả cần mẫn quanh năm thì phải sống trong điều kiện tồi tàn, còn mình chẳng là nông dân cũng chẳng phải công nhân lại được hưởng thụ một cuộc sống quá hiện đại.
Sau khi thăm quan nhà ở nông dân là đi thăm trường học. Những cảnh ở trường tiểu học này, họ không thể tưởng tượng ra được. Trường thì thấp bé, lớp học thì sơ sài, chưa ai thấy thế bao giờ. Mọi người chú ý đến những hộp bút đặt trên bàn, hầu hết là vỏ đựng thuốc tiêm mà thôi, học sinh dùng các loại bút chì và bút bi thông thường nhất. Còn học sinh ở Thâm Quyến thì có máy vi tính gia đình, bút máy Paker hết cái này mua cái khác. Những chiết bút giá vài nghìn như Walkman không thành vấn đề. Hôm nay, lần đầu tiên họ mới thấy mình dùng toàn đồ xa xỉ. Ngay tại chỗ họ tự động quyên góp để ủng hộ “Công trình hy vọng”. Các bạn bảo chỉ cần bớt mua đi một cái áo, bớt một lần đi chơi, bớt tiêu tiền vặt thì chúng ta đã có thể giúp các bạn ở đây đi học được rồi. Hãy để các anh chị đặc khu chúng mình giúp các em trai em gái ở nơi núi rừng này một chút quà nhỏ. Mấy năm nay người ta tiến hành nhiều cuộc điều tra xã hội, thế nhưng tổ chức cho học sinh đi thực tế như thế này thì mới là lần đầu. Lúc đầu, ban lãnh đạo trường còn lo học sinh sẽ coi thường nông dân, ghét sợ miền sơn cước, sau thấy các em tranh nhau quyên góp cho “Công trình hy vọng”, các thầy khi ấy mới thở phào nhẹ nhõm.
Trưa đến, học sinh đem thức ăn đã chuẩn bị sẵn ra bởi thầy giáo có dặn trước là không nên phiền đến bà con. Khi ăn các thức ăn như bánh Hăm- buốc, đồ uống cao cấp, các bạn mới nhận thấy nông dân ở đây toàn ăn cháo. Hỏi sao bữa trưa lại ăn cháo, họ trả lời rằng cả ba bữa đều ăn như vậy. Cán bộ địa phương nói họ không đủ lương thực nên mới phải ăn cháo. Vì quá ít cháo nên ăn xong khỏi phải rửa bát, tráng qua tí nước là sạch bóng.
Học sinh sững cả người. Thực sự họ không thể nghĩ tới chuyện người nông dân ở ngay quanh đặc khu lại nghèo khổ nghèo sở đến mức ấy, Báo Thâm Quyến đã từng đăng, lợn ở đặc khu ngày nào cũng được ăn tết; các khách sạn nhà hàng mỗi ngày đổ đi không biết bao nhiêu là thịt, cá, vịt, gà, cơm trắng phau… Những người nuôi lợn dựa vào các thùng nước gạo này đều cảm thấy sung sướng hả hê! Khi tận mắt thấy cuộc sống của người dân vùng núi này, ai ai cũng cảm thấy nặng trĩu trong lòng. Sống trong Đặc khu, mọi người luôn cảm thấy cuộc sống giàu có sung túc quanh mình, đâu biết rằng còn có những nơi nghèo khổ như vậy. Họ cảm thấy xa lạ với sự nghèo khổ ấy, họ biết rất ít về những người nông dân thật thà nơi vùng núi lạc hậu ấy. Lần đầu tiên họ cảm nhận một cách thiết thực rằng lãng phí lương thực là có tội. Chẳng có ai không thuộc câu “Đổ mồ hôi, sôi nước mắt, hạt gạo hạt vàng”. Thế nhưng để hiểu cho sâu sắc cặn kẽ sự vất vả cùng khổ của người nông dân thì có mấy ai? Nếu không tận mắt nhìn thấy bữa ăn của người nông dân thì làm gì họ có được cảm nhận sâu sắc ấy!
Các bạn học sinh đem chia bớt thức ăn của mình cho các em nhỏ trường làng. Các em sung sướng cầm thức ăn mang về khoe cha mẹ, cảnh tượng ấy khiến người ta thấy cay cay nơi sống mũi.
Sự thể hiện ấy của học sinh chính là điều mong đợi nơi thầy cô giáo.
Ăn xong cơm đám học sinh lại tiếp tục lên xe đến một địa điểm khác. Xe lao nhanh trên đường quốc lộ Quảng Châu – Thâm Thâm. Dọc đường đi người ta cảm thấy được khung cảnh đổi thay đi lên của cơn gió cách mạng. Cuộc cải cách đem lại cho vùng này một cơ hội phát triển mới.
Điểm tiếp theo là thôn Thương Tân nơi biên giới, nơi được mệnh danh là “Thôn giàu có nhất”. Thôn Thương Tân chính là “Đặc khu trong đặc khu”. Người trong đặc khu mà vào khu này còn bị cảnh sát có vũ trang xét hỏi giấy tờ bởi thôn chỉ cách Hồng Kông có một con sông, đã có nhiều người từ đấy trốn sang bên ấy.
Đón tiếp đoàn là trưởng thôn, một triệu phú. Về điểm này ông không hề giấu giếm, trông người đúng là nông dân thứ thiệt. Ông đi chiếc xe Lawrence.
Đám học sinh hỏi ông:
_ Lawrence là loại xe sang trọng nhất thế giới, ngay cả Hồng Kông cũng đâu có nhiều, vậy mà ông có cả một chiếc để dùng, sang thế?
Ông khua tay:
_ Làm được thì phải chịu chơi, cái việc của tôi là phải dùng xe này. Khi bàn chuyện làm ăn với người nước ngoài, chiếc xe này chính là thể hiện thực lực kinh tế của chúng tôi. Tôi không thể cưỡi xe đạp đi bàn chuyện làm ăn với người ta được, nếu làm vậy thì sợ họ chạy hết.
Ông rất tự hào. Sau đó ông nhiệt tình giới thiệu lịch sử của thôn Thương Tân:
_ Trước giải phóng ở đây có nhiều người chết đói. Giải phóng xong, có một loạt các cuộc vận động, người Thương Tân đều chạy sang Hồng Kông. Những năm 60, 70 chúng tôi suốt ngày hô khẩu hiệu, đi vận động thì người ta bắt đầu phát triển kinh tế. Thôn có một địa thế đặc biệt, nhưng sau giải phóng lại không có chính sách đặc biệt tương ứng cho khu này. Bên Hồng Kông thấy hô hào rồi làm hết cuộc vận động này đến vận động khác họ chỉ buông có một câu: “ngốc nghếch”, muốn thay đổi được chỉ có mỗi cách là hãy bắt đầu từ sự thay đổi chính sách. Và chúng tôi bán đất đi, đó chính là cách làm đầu tiên, giờ thì chúng tôi không bán nữa, còn tìm cách mua lại số đất ấy. Chủ yếu bây giờ chúng tôi mở xưởng sản xuất, mở xí nghiệp, vì thế giàu lên. Những người trước kia bỏ di nay đang muốn trở lại.
Vừa đi, học sinh vừa hỏi tiếp:
_ Thu nhập mỗi năm của các bác là bao nhiêu ạ?
_ Không nói rõ được.
_ Tại sao vậy?
_ Có thu nhập lao động, có thu nhập lợi nhuận cổ phần, có thu nhập nghề phụ v.v…
_ Ồ, làng bác đã tiến bộ quá rồi, vậy còn vấn đề gì nữa không?
_ Không những còn, mà lại khá nhiều nữa, đó là vấn đề trở về của những người trước kia đã ra đi. Hiện giờ ở nội địa đang tiến hành việc “chuyển khỏi nông thôn”, còn ở đây chúng tôi lại yêu cầu chuyển về nông thôn. Những người trước kia tìm mọi cách để vào nội địa hay sang Hồng Kông thì giờ đang hy vọng được trở về nhà cũ, mà vấn đề này thật khó giải quyết.
Ở thôn Thương Tân toàn bộ đều là biệt thự lầu tây. Không nói Hồng Kông mà ngay cả ở Nhật Bản, Mỹ cũng chẳng có một cái thôn làng nào mà người ta ở toàn là biệt thự như thế. Nhìn cảnh ấy lại nhớ khu sơn cước nghèo khó sáng nay mới thấy cách xa một trời một vực. Ở thôn còn có chính sách riêng, phàm là đàn ông đủ 18 tuổi là được phân đất làm nhà. Ông cười khà khà bảo:
_ Giờ thì đừng có bảo là tôi đi Hồng Kông, có cho tôi sang Mỹ ở tôi cũng chẳng thiết.
_ Nông thôn Trung Quốc mà giàu thế này sao? – Cô giáo người ngoại quốc Elizabeth vô cùng ngạc nhiên – Trong con mắt cô thì nông thôn Trung Quốc toàn là nhà lá và bò già.
_ Cảnh buổi sáng nay mình nhìn thấy là không bình thường, cần phải thay đổi. Cuộc sống ở đây mới là đúng. Nông thôn cần phải như thế này. – Tiêu Dao nói.
Đến tối ông trưởng thôn hiếu khách nhất định mời bằng được các thầy trò ăn bữa tối, thịnh tình ấy thật khó từ chối, “cung kính chẳng bằng phụng mệnh” mà! Ông trưởng thôn đặt hai chục bàn tiệc t rong khách sạn của thôn, toàn là hải sản. Dư Phát cảm thấy rằng sự giàu có của làng Cổ Thủy của mình so với thôn này thì đúng là “Thầy bói gặp đại sư phụ”. Hai cái làng tuy ở hai nơi khác nhau, giàu nghèo cũng khác nhau, có so sánh mới thấy. Mọi người đều ý thức được rằng, thiên thời địa lợi nhân hòa, đó chính là những điều kiện đảm bảo nhất cho việc làm ăn xây dựng, Quảng Đông cần phải đuổi kịp bốn con rồng, nhiệm vụ ấy thật vinh quang mà cũng thật gian khó biết bao.
Trước kia trong những phim truyền hình, khi nhắc đến những người ăn nên làm ra đi đó đi đây, người ta hay nhắc đến cụm từ “Đi Thâm Quyến một chuyến”, “Làm ăn đến tận Thâm Quyến” v.v… để chứng tỏ thực lực của mình. Một hai năm nay không thấy nhắc đến những câu này nữa. Thâm Quyến giờ không còn là sự lựa chọn duy nhất trong con mắt mọi người nữa. Các thành phố xung quanh như Đông Hoan, Huệ Châu, tốc độ phát triển ở đó khiến người ta chóng mặt. Thâm Quyến lọt vào giữa các đối thủ cạnh tranh đầy sức lực. Nếu không nhận thức rõ ràng được điều đó mà quá tự tin vào sự huy hoàng vốn có thì quả thực là cách nhìn nông cạn. Làm cho học sinh hiểu được sự cần thiết phát triển của Thâm Quyến, sự cần thiết phải có lớp người kế tiếp luôn phấn đấu và nỗ lực vì sự nghiệp đó, điều đó chẳng phải là mục đích đầu tiên của đợt thực tập này sao!
Sau một tuần thực tập, học sinh đều cảm thấy mình lớn lên khá nhiều. Vương Tiếu Thiên nói:
_ Không thể nghĩ rằng chỉ có một tuần mà đã thấy mình thành người lớn rồi, chỉ ngứa ngáy muốn trổ tài ở Thâm Quyến.
Trong đợt thực tập này, Trần Minh lần đầu tiên cảm thấy nguy cơ của mình, đó là nguy cơ hiểu biết về xã hội. Đối với Thâm Quyến, đối với xã hội cậu ta hiểu biết rất nông cạn. Bản báo cáo thực tập của cậu ta là do Hân Nhiên giúp mà thành, trong đợt thực tập này sự từng trải của Tiêu Dao trực tiếp hóa thành vốn liếng. Cứ mỗi khi đọc sách hay đi thực tế ngoài xã hội, bạn ấy lại nỗ lực tranh thủ lấy một phần đầu tư của xã hội, bổ sung và phủ định bản thân nên tư tưởng bạn ấy cũng ngày càng chín chắn hơn.
Kết thúc một ngày tham quan, trên đường trở về nhà vừa hay đi qua xưởng Bích Kỳ, Hân Nhiên chợt cảm thấy thật xúc động. Bạn đã học được ở đây rất nhiều điều.
_ Hân Nhiên à, có phải em đã làm việc ở đây hồi nghỉ đông phải không? – Khi ấy thầy Giang hỏi.
_ Vâng ạ! – Hân Nhiên đáp to.
_ Vậy em dẫn mọi người vào tham quan đi!
Hân Nhiên biết nguyên tắc của nhà máy Nhật Bản này rất nghiêm khắc, cô ngần ngừ một chút rồi nói: “Để em đi hỏi đã”. Hân Nhiên đi hỏi người đốc công. Ông ta nể mặt phá lệ, đồng ý cho học sinh vào thăm xưởng. Hân Nhiên thật tiếc bởi ông Xuyên Điền không có ở đó nên các bạn không được biết thủ đoạn thương mại của ông ta – đó là cung kính đứng cúi chào công nhân trước cổng nhà máy.
Khi Hân Nhiên cùng các bạn vào trong nhà xưởng, các bạn công nhân trước kia do Hân Nhiên làm tổ trưởng đều reo lên chào: “Chào cô tổ trưởng”.
Các bạn Hân Nhiên rất ngạc nhiên hỏi:
_ Cậu là tổ trưởng à?
_ Ừ - Hân Nhiên tự hào đáp. Các bạn ai cũng khâm phục nhìn Hân Nhiên. Đến Trần Minh cũng thay đổi hẳn thái độ kiêu ngạo mọi khi:
_ Tạ Hân Nhiên, tớ thật không thể tưởng tượng được đấy!
Khi ấy Hân Nhiên mới ngày càng cảm nhận được giá trị của lao động. Điều mà Bích Kỳ mang đến cho bạn không chỉ đơn giản như lúc bạn nghĩ, cũng chẳng phải ánh mắt khâm phục của các bạn khái quát được, mà những gì trải qua đã thầm lặng chuyển hóa vào tư duy của bạn. Hân Nhiên không thấy A Xuân, Yến Muội trên dây chuyền ở đó, trong lòng cảm thấy lo lo, liền hỏi một bạn công nhân:
_ A Xuân, Yến Muội đâu?
_ Yến Muội về nhà còn A Xuân đã chết rồi!
_ Chết ư?
_ Chết rồi, nhảy lầu chết. Cô ấy xấu hổ quá nên nhảy từ lầu bảy xuống.
_ Thế còn Hách Quân nữa?
_ Thằng cha ấy cũng không ở nổi Bích Kỳ nữa nên phải cuốn gói cho nhanh rồi.
_ Trời ơi, thế còn Lý Nghệ?
Cô ấy đi làm quản đốc ở nhà máy khác rồi.
Từ nhà máy Bích Kỳ trở về, Hân Nhiên cảm thấy nặng trĩu trong lòng. Mấy người bạn quen trong hai mươi mấy ngày, người thì mất, người thì ra đi, người thì trốn. Nhất là A Xuân, như thế mà chết, chết mất rồi!
Kết cục lại thế này sao? Hân Nhiên không biết, hay có thể nói là Hân Nhiên không muốn nghĩ tiếp nữa, không muốn đưa thêm một đoạn kết rõ ràng vào câu chuyện không được rõ ràng ấy.
HẬN KHÔNG THỂ NGAY LẬP TỨC TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Khi Vương Tiếu Thiên về tới nhà thì trời đã rất tối. Cha bạn đang nằm nhắm mắt nghỉ ngơi trên xô pha bảo ngay:
_ Tiếu Thiên, mau rửa tay đi ăn cơm.
Vương Tiếu Thiên cũng đói ngấu rồi, cậu ta chén như hổ đói, cha ngồi đối diện vừa gắp thức ăn cho bạn vừa nói: “Tiếu Thiên ăn đi, ăn nữa đi”. Cha bây giờ “đàn bà” như vậy đấy, khiến cho Vương Tiếu Thiên thấy bồi hồi trong lòng: Ba khác quá nhiều! Từ một con trâu khai hoang dùng không hết sức, ông đã biến thành con trâu già tình cảm liếm cho nghé con.
Con người là một dạng động vật kỳ lạ. Trước kia Tiếu Thiên thường trách cha không quan tâm đến gia đình, không có tình thân. Nhưng giờ khi đứng trước sự săn sóc nhiệt tình của cha, bạn lại cảm thấy trong lòng bối rối. Xem ra bạn quen với việc cha mình thường xuyên như vua Vũ khi xưa, ba lần qua cửa nhà mà không vào, cha thường nghiêm nét mặt lên giọng chỉnh người khác.
_ Ba à, ba cũng nên lấy lại tinh thần đi – ý Tiếu Thiên chỉ muốn ngăn cha khỏi gắp thức ăn cho mình nữa, chẳng ngờ lại buột ra câu nói đó. Cha sững lại, thức ăn đang gắp tuột xuống mặt bàn, cha tròn mắt nhìn cậu con trai, không nói được gì.
_ Ba à, có nhiều chuyện con định nói với ba từ lâu rồi - Tiếu Thiên như nhẩm sẵn trong bụng.
_ Nói đi, ba cũng đang muốn nghe đây! – Cha ưỡn thẳng người, dựa lưng vào thành ghế.
_ Trước kia ba hay nói: vì sao Trung Quốc lại phát triển nhanh như vậy trong khoảng mươi năm nay, làm nên trang thần thoại phương Đông? Thứ nhất là vì có cải cách đổi mới, thứ hai là Đảng đã bồi dưỡng nên lớp người có khả năng như thế hệ ba…
Đúng thế, cục trưởng Vương cũng đã từng nói về vấn đề này ở rất nhiều nơi. Ông nói cho con trai nghe là nhằm giáo dục lớp trẻ: Hơn mười năm nay, với tốc độ phát triển kinh tế là mười mấy phần trăm, Trung Quốc thực sự tạo nên kỳ tích trên thế giới. Ai làm ra điều đó? Chủ yếu là do thế hệ cha bây giờ. Sáng nghiệp khó mà giữ nghiệp càng khó. Thật lo lắng bởi lứa các con được nuôi dưỡng trong sự đầy đủ thế này, sao giữ nổi nghiệp nhà?...
Thấy cha trầm ngâm không nói, Vương Tiếu Thiên mạnh bạo nói tiếp:
_ Ba còn nói rằng: Trung Quốc quá lớn, quá nghèo, quá đông người, nếu với tốc độ phát triển hiện nay thì phải xây dựng 50 năm nữa mới đuổi kịp các nước phát triển. Trong quãng thời gian đó không thể bỏ lỡ phút nào, vì thế nên ba ghét nhất có người làm quậy phá, sợ họ phá hoại công cuộc xây dựng của chúng ta…
Cục trưởng Vương gật gật đầu, bụng nghĩ: Cái thằng bé này sao bỗng dưng lại chín chắn hẳn lên thế nhỉ. Trước kia không ít lần nó từng cãi ngang, mình cứ tưởng nó nghe tai này lại ra tai kia, có ai ngờ nó nhớ cả, hôm nay đem ra “kính” ta đây!
_ Ba ạ, nói thật là không phải dễ dàng gì mà ba làm được một người đồng chí tốt, một cán bộ tốt đâu.
_ Đồng chí tốt, cán bộ tốt?
_ Vâng, con không tâng bốc đâu. Ba không tham, không đánh chịu bạc, cũng không có bồ, mà là…
_ Là làm sao?
_ Là hơi có một chút nhụt chí cách mạng. Khi mới đến Thâm Quyến, ba còn rất hăng hái năng nổ, khí thế hừng hực tưởng như sẻ núi lấp bể. Thế mà bây giờ thì lại trầm xuống. Nghèo thì nghĩ tới thay đổi, điều ấy ai cũng hiểu. Nhưng giàu thì rồi sao đây, có phải có địa vị, có nhà, có tiền, có xe thì không còn nghĩ đến tiến thủ nữa sao?
_ Tiếu Thiên, chẳng phải là ba bệnh sao, ba bị bệnh ứ máu não, con hiểu không? - Người cha biện minh cho mình.
Vương Tiếu Thiên cũng không hiểu sao mình lại lên lớp tràng giang đại hải như thế với ba. Mồm thì nói đấy nhưng trong bụng cứ áy náy. Nghe ba giãi bày, bạn chợt nhớ tới cảnh tượng đáng sợ khi ba trúng gió ngất xỉu. Bất giác trái tim bất an của bạn chợt run rẩy. Bạn đến trước mặt ba:
_ Ba, có phải con… quá tả không?
_ Không đâu con, - ba vòng tay ôm chặt con vào lòng, đôi mắt loáng nước - Tiếu Thiên, con đã lớn khôn rồi. Con nói xem, đợt thực tập này kết quả ra sao?
_ Đi thực tập một tuần hơn đọc sách ba năm!
_ Đừng có nói quá!
_ Thật mà ba, sau khi đồng chí Tiểu Bình đi thăm miền Nam mùa xuân năm nay, các tỉnh trong cả nước sôi động hẳn lên. Nơi mà chúng con đến trong đợt thực tập này, không nơi nào không ngùn ngụt khí thế. Nhưng nơi sôi động nhất, mãnh liệt nhất vẫn là Thâm Quyến!
_ Đúng vậy, không có đồng chí Tiểu Bình thì không có Đặc khu, không có Thâm Quyến.
_ Ba ạ, nhìn thấy khí thế bừng bừng của Thâm Quyến, con hận là không lập tức tốt nghiệp đại học.
_ Con còn hai năm nữa mới hết trung học cơ, thôi mau đi làm bài đi.
Bị ba kéo trở lại với thực tại, Vương Tiếu Thiên đi vào phòng để viết bài thu hoạch.
Ông bố bị con phê cho một trận lại cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng, đấy đúng là một buổi tối vui vẻ hiếm có.
CẢM THẤY BẢN THÂN ĐANG TĂNG TỐC TRƯỞNG THÀNH
Nhật ký của Hiểu Húc
Ngày… tháng…
Một tuần thực tập đã kết thúc. Nhớ lại từng chi tiết của đợt thực tập với biết bao là cảm xúc. Điều quan trọng nhất là mình đã nhận thức được thế giới bên ngoài, cảm thấy bản thân mình đang tăng tốc trưởng thành.
Thấy nhiều cô thôn nữ vùng quê. Da dẻ họ đỏ đắn, giọng nói rất vang. Quần áo họ giản dị đến mức không cần dùng đến chữ “kiểu”. Nói chung trông họ già hơn tuổi thực rất nhiều. Bọn mình đến nhà một bạn cùng tuổi thoạt trông thấy mẹ bạn ấy mình cứ tưởng là bà ngoại của bạn. Cũng phải thôi, họ làm việc đồng áng như nam giới. Có nhà chồng đi nơi khác làm thuê, công việc đồng áng do họ gánh vác cả. Họ rất vất vả, làm xong công việc ngoài đồng lại bắt tay ngay vào việc nhà, luôn tay như người máy vậy. Điều đáng thương hơn nữa là vị trí của họ rất thấp. Ăn cơm không được ngồi cùng bàn, chỉ dám bê bát nhỏ ngồi xổm cạnh đó mà ăn, bọn trẻ con còn được ngồi ăn ở bàn, họ còn không được bằng bọn nhỏ. Kỳ thật đấy, ở một thời đại đang đi lên như thế, ở một Quảng Đông tiên tiến như thế mà còn tồn tại một sự bất công đến thế.
Đối với họ, mình không chỉ thông cảm mà còn rất kính trọng. Giờ đây cái gọi là người phụ nữ mạnh, người phụ nữ thời đại, cuối cùng đã có mấy người thực sự có được tinh thần dâng hiến ấy? Hãy xem họ đây, so với những người phụ nữ lao động cần cù ấy lẽ nào chúng ta không tự đỏ mặt vì mình?
Trong đợt thực tập này, các bạn học sinh đều tìm được những điều quan trọng cho bản thân mình. Nhiều bạn viết rất hay. Thầy Giang đã khen ngợi Tiêu Dao, Tạ Hân Nhiên, Vương Tiếu Thiên… duy chỉ mình là không được. Tất cả các bài viết xuất sắc ấy, thầy Giang đem đăng báo.
Từ xưa tới giờ mình rất tự hào về môn văn này, Lưu Hạ đã nói rằng bạn ấy hâm mộ tài văn của mình, lối văn mang chấn buồn nhàn nhạt. Mình đã từng sướng cả nửa ngày, giờ mới biết sự hay dở của ngòi bút, giọng văn không chỉ ở kết cấu, ở câu từ mà ở độ sâu của tư tưởng, cái mình thiếu chính là sự nhận thức lý tính đối với xã hội.