Chương 5

Tiên Sa ngạc nhiên khi thấy Hoài có mặt ở nhà nàng rất sớm.
- Hoài ăn cơm chưa?
- Ăn rồi... Hoài biết bè dừa mau đói bụng nên ăn một bụng no cành hông...
Tiên Sa cười vì cách dùng chữ nhà quê của bạn. Nàng biết Hoài muốn hòa đồng với những người chung quanh. Nàng cười chúm chiếm khi thấy bạn mặc quần kaki ngắn, áo thun đen và đi chân đất gần giống như một cậu con trai nhà quê.
Vừa ra khỏi nhà Hoài nghe được tiếng đùng đùng vang không dứt. Đó là tiếng dừa rơi trên nước.
- Mình đi đường này...
Tiên Sa dẫn Hoài đi lối khác. Hai đứa phải ở đằng sau người thợ giựt dừa thời mới bè dừa được. Dân Châu Bình và các làng lân cận được chia làm hai hạng. Đó là chủ vườn dừa và người làm công. Cả hai liên hệ với nhau rất mật thiết. Có thể nói không có người này thời không có người kia. Giựt dừa là một nghề đặc biệt không phải ai cũng làm được. Người thợ giựt dừa dùng một cây sào thật dài mà nơi cuối sào có gắn một lưỡi hái để cắt đứt cuống trái dừa cho nó rớt xuống đất. Thường thường họ có ba cây sào làm bằng tre dài, ngắn và trung bình để giựt ba loại cây dừa khác nhau. Nói thời dễ nhưng làm mới khó và nhất là nguy hiểm. Không khéo tay hoặc đôi khi lỡ tay họ sẽ bị dừa rớt trên đầu hoặc trên chân. Trái dừa tươi nặng hai ba kí-lô mà rớt trên đầu thời nếu may mắn còn sống cũng khó nuôi. Nhiều trái dừa lửa hay dừa Tam Quan lớn và nặng năm bảy kí-lô cho nên rất nguy hiểm. Ngoài ra để tiết kiệm công cho chủ nhà người thợ giựt dừa phải làm sao cho dừa rớt xuống nước hơn là rớt trên đất. Nó có hai điều lợi là chủ vườn không phải tốn công quăng trái dừa rớt trên bờ xuống nước và nhất là tránh cho trái dừa bị bể hay bị nứt.
Dừa trôi đầy trên nước. Hoài lãnh phần đi lượm mấy trái dừa rơi trên bờ rồi quăng xuống nước xong phụ với Tiên Sa đẩy những trái dừa từ các mương nhỏ ra mương lớn và cuối cùng ra con rạch chính để chờ nước ròng dừa sẽ theo nước chảy về nhà. Tại đây má và các người làm khác sẽ chuyển lên bờ để chờ tới sáng mai trời đẹp dừa sẽ được bóc vỏ, đập bể ra và phơi khô rồi cạy ra lấy cơm dừa bán cho người ta ép thành dầu dừa dùng làm xà phòng.
- Tiên Sa không ngờ Hoài bè dừa giỏi ghê...
- Thưởng đi...
Hoài hất mặt.
Tiên Sa trề môi.
- Hoài nói làm không công mà...
- Bởi vậy Hoài đâu có đòi tiền công... Hoài chỉ muốn được thưởng thôi...
- Mới làm có chút mà đòi thưởng... người gì đâu mà kỳ cục quá...
Tiên Sa phụng phịu khiến cho Hoài phì cười. Nhờ hai đứa làm việc không nghỉ nên tới trưa dừa đã được bè ra hết ngoài con rạch chính và chỉ còn chờ nước ròng. Hai đứa ngồi dưới gốc dừa ăn cơm trưa.
- Tiên Sa...
- Dạ...
- Môi của Tiên Sa dính bùn...
Thấy bạn định đưa tay áo lên chùi miệng Hoài nói nhỏ.
- Tiên Sa để Hoài chùi cho...
Tiên Sa đưa mặt tới gần như để Hoài chùi miệng cho mình. Liếc một vòng không thấy ai Hoài nói nhỏ.
- Hoài muốn dùng môi của mình để chùi miệng cho Tiên Sa...
Cô học trò tỉnh lỵ đỏ mặt.
- Thôi... không được đâu...kỳ lắm...
- Hôm qua Tiên Sa hỏi Hoài là nếu môi Tiên Sa dính bùn Hoài có dám hôn không. Bây giờ Hoài muốn chứng tỏ cho Tiên Sa thấy...
Cô học trò tỉnh lỵ làm thinh. Liếc quanh quất không thấy ai Tiên Sa thì thầm.
- Ừ... Hoài hôn đi... mà hôn ngay chỗ có dính bùn nghe...
Hoài hôn nhẹ lên môi Tiên Sa ngay chỗ có dính chút bùn non. Dù Hoài chỉ hôn phớt lên môi của mình nhưng Tiên Sa cảm thấy run rẩy và xuyến xao vì cái hôn đầu tiên của người bạn tình.
- Hoài ơi...
Tiên Sa thì thầm. Nàng trông thấy ánh mắt long lanh, hơi thở rộn ràng và mùi con trai ngai ngái của Hoài. Hai đôi mắt lặng câm nhìn nhau. Khu vườn dừa chan hòa ánh nắng như biến mất đi chỉ còn có đôi trai gái đang nhìn nhau, đang hôn nhau bằng mắt. đang nói với nhau lời tình tự không cần ngôn từ.
- Hoài ơi...
- Tiên Sa... Mình ăn cơm đi...
Bốc nắm cơm bỏ vào miệng Tiên Sa cười với Hoài.
- Hoài học cái đó ở đâu vậy?
- Cái đó là cái gì?
Tiên Sa biết Hoài làm khó mình.
- Cái đó là... là hôn lên chỗ này nè...
Tiên Sa đưa ngón tay lên môi.
- Hoài xem chiếu bóng. Khi yêu nhau người tây phương họ hôn nhau bằng môi... Đó là biểu hiệu đầu tiên của tình yêu...
- Như vậy là hai đứa mình thương nhau hả Hoài?
- Yêu nhau... Ở Sài Gòn khi trai gái thương nhau họ không nói là thương mà gọi là yêu. Chữ này hẹp nghĩa và đặc biệt hơn chữ thương. Như Tiên Sa nói thương ba má chứ không nói yêu ba má. Như Tiên Sa nói yêu Hoài chứ không nói thương Hoài...
- Chi mà rắc rối vậy... Thương hay yêu thời cũng vậy thôi bởi vậy người ta mới nói thương yêu...
Thấy nước bắt đầu rút Hoài hối Tiên Sa ăn lẹ lên rồi lội xuống nước để bè dừa.
- Mình được bao nhiêu dừa Tiên Sa biết không?
- Khoảng gần hai thiên...
- Tiên Sa lạnh không?
Hoài hỏi khi thấy Tiên Sa rùng mình và mặt với môi tái lại vì ngâm nước quá lâu.
- Tiên Sa lên trên bờ phơi nắng cho ấm đi. Hoài làm một mình cũng được...
- Thôi Tiên Sa không nở để Hoài làm một mình. Mệt chết...
- Tiên Sa...
Bắt gặp cái nhìn nghiêm nghị của Hoài Tiên Sa hiểu nên chiều ý bạn. Leo lên bờ đứng ngoài nắng nàng nhìn Hoài bè dừa một mình. Nước ròng rút càng lúc càng mạnh cho nên Hoài phải lanh tay, lội chỗ này chỗ nọ, quay vào mương nhỏ hơn để lùa mấy trái dừa đi lạc xong hối hả trở lại chỗ cũ để lùa mấy trái dừa bướng bỉnh không chịu trôi theo con nước.
- Hoài ơi... Tiên Sa xuống nước được chưa... Hết lạnh rồi...
- Hông... Ngồi trên đó phơi nắng đi... Chừng nào Hoài cho phép xuống mới được xuống...
Nghe giọng nửa đùa nửa nghiêm của bạn Tiên Sa bụm miệng cười.
- Cha làm phách dữ a... Mới bây giờ mà đã ăn hiếp người ta rồi mai mốt còn dữ cỡ nào...
Hoài cười lớn lặn xuống nước. Đang ngóng trời ngóng đất chợt thấy Hoài mất tăm Tiên Sa sợ hãi.
- Hoài... Hoài ơi...
Hình bóng của người bạn tình vẫn mất biệt khiến Tiên Sa la làng.
- Hoài... Hoài... Hoài đâu rồi?
Vừa kêu nàng vừa lần ra mé nước. Ù... Hoài từ dưới nước vọt lên khiến cho Tiên Sa giật mình thiếu điều rơi xuống nước.
- Hoài kỳ quá... Làm Tiên Sa sợ gần muốn xỉu...
- Tiên Sa sợ gì...
- Sợ Hoài chết chìm chứ sợ gì...
Hoài phì cười. Tiên Sa không biết Hoài là một học sinh đứng hạng ba của tỉnh Gia Định về môn bơi lội. Ngoài cử tạ Hoài còn đua xe đạp, chạy bộ và chơi đá banh. Cái rạch cạn nước ngang ngực thời làm sao chết chìm được.
Nhìn thấy hàng dừa đầu tiên đã trôi tới nhà Tiên Sa nói lớn:
- Hoài... Tiên Sa phải xuống nước bè dừa chứ đứng trên này má chửi chết...
- Tiên Sa là cô giáo mà... Đứng chỉ tay năm ngón có sao đâu...
Biết Hoài nói đùa Tiên Sa lội xuống nước phụ với Hoài đẩy mấy trái dừa tươi trôi nhanh hơn. Con rạch lớn đầy đặc những trái dừa đứng im tại chỗ. Đây là lúc mà hai đứa phải đi xuống phía dưới kia để quăng những trái dừa lên bờ lấy chỗ cho các trái còn lại trôi xuống. Công việc này khá nặng nhọc nên Hoài nhất định không để cho Tiên Sa làm. Nàng chỉ làm việc nhẹ là đẩy dừa tới gần cho Hoài quăng lên bờ. Bông, đứa em gái của Tiên Sa cũng lội xuống nước giúp cho nên gần một tiếng đồng hồ dừa đã được chất thành đống cao nghệu trên sân chờ sáng mai mới bắt đầu lột vỏ.
Tiên Sa phải năn nỉ Hoài mới chịu ở lại ăn cơm với gia đình của nàng. Hoài biết nhà của nàng nghèo nên không muốn làm phiền. Ăn cơm xong Hoài nói với Tiên Sa là sáng mai sẽ trở lại để làm xong công việc.
Tờ mờ sáng ngoại không ngạc nhiên khi thấy Hoài thức dậy sớm hơn thường lệ.
- Con phụ bè dừa ở nhà Tiên Sa...
Hoài giải thích lý do thức dậy sớm của mình. Ngoại bỏ vào nhà trong. Lát sau bà trở ra đưa cho Hoài bọc giấy dầu.
- Con mang xuống cho nhà của con Hai. Nói là của ngoại gửi...
- Cám ơn ngoại...
Xoa đầu thằng cháu ngoại cưng bà cười.
- Con hai hiền lành và tử tế lắm... Ngoại thương con Hai...
Hoài cười nhìn ngoại. Bà là một người hiền lành, đức độ và giàu lòng nhân ái. Từ nhỏ tới lớn sống kề cận bên ngoại Hoài chưa bao giờ nghe bà nói lời cộc cằn, thô lỗ hay mắng nhiếc bất cứ ai từ con cháu hoặc chòm xóm láng giềng. Chồng mất sớm lúc còn trẻ bà ở vậy nuôi con nuôi cháu mà không hề than trách hay thở than cho số phần hẩm hiu của mình. Bà là một người có đạo Thiên Chúa nhưng ít khi lui tới nhà thờ. Hoài cũng không nghe bà nói tới đạo mà chỉ thực hành trong đời sống hàng ngày của mình bằng cách cư xử với mọi người.
- Thưa dì Năm... Ngoại của con gửi cho dì dượng mấy trái mãng cầu và sa pô chê ăn lấy thảo...
Tiên Sa bụm miệng để cho tiếng cười của mình không phát ra khi nghe giọng nói nhà quê của Hoài.
- Cám ơn con... Con giúp dì dượng là quý rồi... Bà Hai còn cho trái cây nữa...
Tiên Sa dẫn Hoài ra khoảnh sân rộng bên hông nhà. Người thợ lột vỏ dừa đã bắt đầu từ sáng sớm. Im lặng nhìn ông ta hành nghề Hoài thật sự khâm phục cái điêu luyện của ông ta. Muốn lột vỏ dừa ông ta dùng một dụng cụ đặc biệt mà người trong nghề gọi là cái mác với cán làm bằng cây và mũi mác bằng kim loại nhọn lễu và sắc bén. Cây mác dài khoảng sải tay, một đầu được cắm sâu xuống đất để giữ cho cây mác đứng xiên xiên theo góc độ mà người thợ muốn. Chỉ với ba nhát xóc ông ta tách trái dừa thành hai phần riêng biệt một cách dễ dàng và nhanh chóng. Lột cả thiên dừa trong vòng ba bốn tiếng đồng hồ thời đó là chuyện không ai cũng làm được. Không khéo tay lưỡi mác sẽ cắt cụt ngón tay hoặc đứt tận xương.
Tiên Sa và má của nàng rất ngạc nhiên khi nhìn Hoài bổ dừa. Với mỗi nhát dao Hoài bổ trái dừa đã được lột vỏ thành hai miếng ngay ngắn và đều đặn. Bổ dừa phải bổ bằng sóng dao và phải bổ đều tay để miểng dừa không bị bể làm nhiều mảnh nhỏ gây trở ngại lúc cạy dừa cũng như gáo dừa bị bể sẽ không bán được.
- Dì Năm không thắng nước màu hả dì Năm?
- Không con... Từ hồi con Hai nó đi học trên tỉnh dì thôi không thắng nước màu vì không có ai phụ... Nấu cực quá mà người ta cũng ít mua con ơi...
Tiên Sa ra dấu cho Hoài hả miệng để nàng đút cái mọng dừa nhỏ bằng ngón tay.
- Ùm đi Hoài... Giỏi đi chị Hai thưởng...
- Con Hai mày ăn nói như vậy không sợ cậu Hoài buồn sao...
- Ảnh đâu có buồn má... Ảnh kêu con bằng chị hai hoài...
Quay sang Hoài má Tiên Sa phân bua.
- Con nhỏ này liếng khỉ lắm con đừng để ý...
- Dạ hổng có chi dì Năm. Tụi con giởn với nhau hoài...
- Con năm nay mấy tuổi rồi?
- Dạ con mười sáu tuổi...
- Con bằng tuổi với con hai nhà này mà học giỏi quá...
- Má cho phép con mỗi ngày lên nhà bà Hai để Hoài dạy con học toán. Năm tới con thi trung học rồi má...
- Ừ... Cậu Hoài dạy con học cũng được nhưng mà hai đứa ráng giữ gìn đừng để mang tiếng nghe con. Hai đứa ráng học thành tài rồi sau này muốn nên vợ nên chồng má cũng không cấm cản đâu...
Tiên Sa mỉm cười. Hoài đọc được nét vui mừng và sung sướng trong mắt nàng. Thấy dừa được bổ ra đã nhiều má Tiên Sa với Bông nhặt lấy đem bày nơi sân trước. Chỉ cần hai ba ngày nắng gắt dừa sẽ khô để cho cả nhà tách cơm dừa ra khỏi gáo dừa.
- Đi ăn cơm Hoài... Tiên Sa đói bụng muốn xỉu rồi...
Ba mẹ con với Hoài ăn bữa cơm đạm bạc. Đây là xứ dừa cho nên món ăn cũng dính dáng tới dừa rất nhiều. Cá kho dừa. Canh bí rợ nấu với dừa. Tép rang dừa. Cái gì cũng có dừa ngay cả bánh mứt. Lua vội vàng chén cơm xong Hoài trở ra sân. Anh muốn xong công việc trong ngày hôm nay. Khoảng xế chiều phần bổ dừa đã xong. Bây giờ tới chuyện don dẹp. Võ dừa được chất thành đống kế bên con rạch để chờ ghe tới chở. Hoài cùng Tiên Sa nhìn nhau thầm mãn nguyện khi thấy từng miếng dừa xếp đầy chiếc sân rộng. Đó là kết quả của những ngày làm lụng vất vả và cực nhọc.
- Tối nay trăng sáng lắm Hoài... Mình un muỗi rồi trải chiếu ngoài sân sau ngồi đàn hát Hoài chịu không?
Hoài cười.
- Má Tiên Sa bằng lòng không?
- Tiên Sa xin phép mà rồi... Chỉ cần mình giữ gìn đừng để má buồn thôi...
Hiểu cái ý xa xôi trong câu nói của Tiên Sa Hoài nói với giọng trang nghiêm và thành khẩn:
- Hoài thương Tiên Sa nên sẽ không làm cho Tiên Sa và má của Tiên Sa buồn đâu...
- Cám ơn Hoài... Tiên Sa biết Hoài thương Tiên Sa thực tình...