Chương 18

Chiều thứ bảy. Đang nằm đọc sách Hoài nghe tiếng xe gắn máy ngừng trước nhà. Anh biết đó là Khang. Vừa gặp mặt nó chìa một phong thư cũ và nhầu nát.
- Của Tiên Sa... Tao phải đi... Gặp mày ở trường...
Hoài gật đầu im lặng nhìn theo bóng người bạn thân khuất nơi cua quẹo. Từ ngày quen Hương nó xuống Bến Tre thường xuyên trong khi Hoài vì bận học, làm việc nên không tháp tùng nó xuống thăm Tiên Sa. Nàng không phàn nàn về chuyện đó. Nàng biết gia đình Hoài cũng nghèo như mình cho nên Hoài phải đi làm để kiếm tiền giúp gia đình.
Ra ngồi nơi khoảnh đất nhìn ra sông Thị Nghè Hoài chậm chạp đọc thư.
- Châu Bình ngày 11 tháng10 năm 19...
Hoài ơi...
Tiên Sa khóc nhiều lắm khi viết lá thư này. Má của Tiên Sa đã chết một cách bất thình lình khiến cho Tiên Sa phải bỏ học để về quán xuyến gia đình. Tiên Sa không muốn bỏ học nhưng Tiên Sa không thể nào làm khác hơn. Tất cả gánh nặng của gia đình bây giờ dồn lên vai của Tiên Sa. Tiên Sa không thể ngồi học hành khi vườn dừa không có người coi sóc. Tiên Sa còn một người cha bịnh hoạn, một đứa em nhỏ dại và một bà ngoại già nua lẩn lộn. Không có má Tiên Sa phải tự mình đương đầu với cuộc sống. phải bè dừa, bồi mương một mình...
Hoài ngưng đọc vì nước mắt chảy ra khiến cho anh không còn thấy gì hết. Tội nghiệp cho Tiên Sa của Hoài. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai gầy của cô học sinh trường Phan Thanh Giản. Nắng nóng Châu Bình sẽ làm nám đi làn da mặt mịn màng của Tiên-Sa-của-Hoài. Nước phù sa sông Ba Lai sẽ phủ dần lên trang sách vạn vật. lý hóa, xóa nhòa đi ước mơ bình thường và giản dị của một cô gái hiền lành. Những cọng cỏ tranh sẽ cắt đứt bàn tay mềm ấm, làm chai cứng những ngón tay thon mềm. Hết rồi ước vọng được làm cô giáo.
- Hoài ơi... Lật bật mà Tiên Sa về Châu Bình cũng gần hai tháng. Tình hình ở đây cũng đổi khác không còn giống như ngày xưa, của mùa hè năm trước nữa. Người ta đào hầm trú ẩn, hố cá nhân để tránh bom đạn, để núp bắn máy bay. Họ cắm chông tre, gài lựu đạn, đặt mìn khắp nơi. Khu rừng mù u yêu dấu của Hoài đã được người ta dùng làm nơi trú ẩn của bộ đội. Mỗi khi ra vườn đi ngang đó Tiên Sa ứa nước mắt. Nhặt hoa mù u mà lòng ngậm ngùi. Hương mù u tuyệt vời của Hoài giờ thoang thoảng mùi thuốc súng Hoài ơi. Xác hoa mù trắng mà Hoài hay nhặt để cài lên tóc Tiên Sa bây giờ lẩn lộn với vỏ đạn đồng Hoài ơi. Hôm qua họ mời Tiên Sa ra chợ Châu Bình để ủng hộ và hoan hô bộ đội đã giải phóng nhân dân ra khỏi ách độc tài Mỹ Ngụy. Họ gọi những người như Hoài là Ngụy. Họ hô hào những khẩu hiệu sắt máu, đòi tiêu diệt hết những người như Hoài. Tiên Sa không biết gì về chính trị, cách mạng, giải phóng, nhưng Tiên Sa biết rõ một điều là Tiên Sa không thể nào cầm lấy khẩu súng để giết người. Lạy trời phật xin đừng để cho Tiên Sa làm chuyện đó. Làm sao Tiên Sa có thể cầm súng giết Hoài, người mà Tiên Sa yêu thương. Làm sao Tiên Sa có thể bắn vào những kẻ hiền lành như Hương, Hạnh,. tử tế như anh Khang, anh Thường, vui vẻ như Thùy Dương.
Sau khi Tiên Sa bỏ học về Châu Bình thời Hương và Hạnh có xuống thăm. Hai đứa ở chơi một đêm. Nhờ vậy Tiên Sa mới viết thư này đưa cho Hương rồi nhờ nó đưa cho anh Khang và ảnh trao lại cho Hoài. Tiên Sa cũng mừng khi biết anh Khang và Hương sắp làm đám hỏi. Mừng cho bạn mà buồn cho mình. Nhưng thôi mỗi người có số phận của mình phải không Hoài. Tiên Sa cam chịu số phận hẩm hiu của mình. Chỉ tội nghiệp cho Hoài, yêu thương Tiên Sa. Hai đứa mình dệt mộng với nhau rồi mộng không thành. Tiên Sa chỉ mong Hoài thông cảm mà tha thứ cho Tiên Sa. Hoài hãy quên đi cuộc tình đứt đoạn, quên cô học trò trường Phan Thanh Giản để tiếp tục quãng đời còn lại. Tiên Sa cũng không muốn Hoài bỏ Sài Gòn về Châu Bình sống với Tiên Sa. Tiên Sa biết Hoài có thể làm điều này. Tiên Sa biết Hoài có thể bỏ hết tương lai, sự nghiệp để được sống cạnh người mình yêu. Tiên Sa còn nhớ câu nói của Hoài: " Công danh sự nghiệp không bằng đôi mắt của Tiên Sa ". nhưng Tiên Sa không muốn Hoài về sống ở Châu Bình. Tiên Sa không muốn thấy Hoài trở thành một anh du kích hung hăng, tên bộ đội ngu đần. Tiên Sa không muốn Hoài làm " cách mạng ". Tiên Sa không thể để cho Hoài cầm súng giải phóng người bằng cách giết người.
Tối hôm qua buồn quá Tiên Sa đem cây đàn và ống sáo Hoài Tiên Sa ra lau chùi. Nhớ đến Hoài mà rơi nước mắt. Hoài ơi... Còn đâu tiếng đàn. Còn đâu cái môi tham lam dễ ghét của Hoài. Còn đâu nụ cười, giọng nói. Còn đâu nụ hôn nồng nàn, ngọt như đường mía lau. Còn đâu bàn tay mềm ấm. hay táy máy của Hoài. Tiên Sa thèm những thứ đó. Tiên Sa cần được Hoài dỗ giấc ngủ. thèm được đọc thư tình của Hoài. Hoài ơi...
Tiên Sa quên dặn là Hoài đừng có về Châu Bình. Hoài không biết đường đi đâu. Hoài có thể bị lọt hầm chông, đạp phải lựu đạn hay mìn của người ta gài. Hoài sẽ bị người ta bắt, bị người ta xử tử vì cái tội làm gián điệp. Hoài phải nhớ lời Tiên Sa dặn nghe chưa. không nghe lời là Tiên Sa hổng thèm nhớ, hổng thèm yêu Hoài nữa. Mấy ngày trước đây Tiên Sa có ra chỗ cây dừa bên bờ sông Ba Lai. Nhìn bốn chữ Tiên Sa nhớ Hoài mà buồn vô cùng. Cây dừa vẫn còn đó. Dòng sông Ba Lai vẫn còn đó. Bốn chữ " Tiên Sa nhớ Hoài " vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt mà người bây giờ ở đâu. Hoài ơi... Hoài đang làm gì hả Hoài... Hoài có nhớ tới Tiên Sa không. Ta nhớ người xa cách núi sông. người xa xa có nhớ ta không. Sao chưa vui xum họp đã sầu chia ly. Sao đang vui vẻ ra buồn bã. Vừa mới quen nhau đã lạ lùng... Hoài ơi... Thời gian nữa thôi Hoài sẽ không nhận ra Tiên Sa đâu nếu hai đứa mình có may mắn gặp nhau. Tóc Tiên Sa hôi mùi dầu dừa. Má Tiên Sa rám nắng. Da Tiên Sa cháy đen. Bàn tay Tiên Sa chai cứng vì suốt ngày cầm dao chặt cỏ tranh. Người của Tiên Sa hôi mùi bùn của sông Ba Lai. Tiên Sa không còn là Tiên Sa của Hoài ngày xưa. Tất cả sẽ đổi thay. con người rồi cũng đổi thay. ngoại trừ một điều là tình yêu của Tiên Sa dành cho Hoài...
Lá thư còn hơn một trang nữa nhưng Hoài không thể đọc tiếp vì cảm thấy tâm hồn mình rã mục theo từng lời trong thư. Tội nghiệp Tiên Sa của Hoài. Tội nghiệp cho cô gái yếu đuối của Hoài. Nhưng anh làm được gì để giúp Tiên Sa. Làm sao anh có thể cưu mang gia đình bốn người của Tiên Sa trong khi anh chỉ là một cậu học trò còn ăn bám gia đình. Ngay cả khi học xong trung học cũng khó tìm ra việc làm trong thời buổi khó khăn việc ít người nhiều này. Người anh lớn của Hoài sẽ vào trường Võ Bị Đà Lạt tháng tới một phần do ở không tìm được việc làm mặc dù anh có ba bốn chứng chỉ của trường đại học văn khoa. Muốn đoàn tụ với người yêu Hoài phải đem Tiên Sa và gia đình ra khỏi vùng giải phóng. Như Tiên Sa, Hoài cũng không muốn nàng trở thành một người nữ du kích núp bắn máy bay. Tiên Sa không thể là con người của mặt trận. Hoài không thể để cho cô học trò hiếu học trở thành công cụ của cách mạng được. Tuy nhiên muốn đem Tiên Sa ra khỏi vùng giải phóng Hoài phải có tiền, có công ăn việc làm để tạm thời chu cấp cho gia đình của nàng. Má anh cũng không có tiền để chu cấp cơm ăn. nhà ở cho Tiên Sa và gia đình. Vả lại một cô gái có tính tự lập như nàng cũng không muốn nhận sự giúp đỡ của người khác. Hoài suy nghĩ. cân nhắc, đắn đo rồi cuối cùng đi tới một quyết định. Hôm sau gặp Khang ở trường Hoài nói rõ về hoàn cảnh của Tiên Sa cho Khang nghe.
- Tội nghiệp cho Tiên Sa. Một người hiền lành như Tiên Sa không thể ở trong vùng đó được. Mày muốn tao giúp gì cho mày?
- Tao muốn vào Võ Bị Thủ Đức... Tao nhờ mày năn nỉ với ba của mày giúp tao vào lính càng sớm càng tốt...
Khang cười.
- Gì chứ chuyện đó dễ ợt... Người ta còn lạy mày đi lính...
Ba ngày sau Khang tới nhà tìm Hoài.
- Đi... Ông già tao bảo tao chở mày tới Bộ Quốc Phòng làm đơn. Ổng có quen với ông tướng nào ở đó... Chỉ cần hai ba tuần thôi mày sẽ được giấy gọi trình diện. Hình như có khóa học sắp mở... Khóa 19. 20. 21... gì đó tao không để ý...
Tháng sau Hoài chính thức nhập ngũ. Gian khổ của quân trường không làm cho Hoài ngưng nhớ thương Tiên Sa. Tuy nhiên anh tạm dằn lòng chờ một ngày đoàn tụ với người yêu. Lễ gắn alpha gia đình đều đủ mặt. Má rơi nước mắt khi thấy Hoài đen thui. Khang và Hương cũng có mặt. Chỉ có một người mà Hoài mong muốn được gặp là không có mặt. Tiên Sa... Hoài gọi thầm tên người tình trong tiếng cười nói ồn ào và vui vẻ. Khang tròn mắt khi gặp lại bạn thân trong bộ quân phục.
- Mãn khóa mày tính đi binh chủng nào?
- Tao tính xin về sư đoàn 7...
- Mày điên à... Ba tao nói nếu mày muốn ổng có thể lo cho mày được ở Sài Gòn. Mày cũng biết ổng thương mày như con...
- Tao biết nhưng tao muốn ở gần Tiên Sa...
Nhìn Hương đang nói chuyên với má của Hoài, Khang cười.
- Mỹ Tho hay Bến Tre thời cũng gần Sài Gòn... Nếu cần gì mày cứ nói cho tao biết. Tao với mày là bạn nên đừng ngại...
Hoài ngồi im trên băng đá của công viên Lạc Hồng. Trước mặt anh là dòng sông Mỹ Tho cuồn cuộn nước chảy. Cồn Rồng. Cồn Phụng. Phía bên kia xa xa là quận Bình Đại. Qua con sông Ba Lai là Châu Bình. Tiên Sa ở đó. Tiên Sa như một mời gọi. một vỗ về. Hoài hình dung ra một ngôi nhà lá. khu vườn dừa ngập tràn ánh nắng. khu rừng mù u ngạt ngào hương hoa. Bóng dáng Tiên Sa thầm lặng ra vào,ngóng trông, chờ đợi người yêu trở lại. Hoài ơi... Hoài ơi... Hai chữ đó đồng vọng trong tâm tưởng anh, theo sát anh trong suốt mười tháng dài của quân trường Thủ Đức. Những đêm di hành. Giờ thực tập tác xạ. Trong lớp học ngồi im nghe huấn luyện viên nói về thuật lãnh đạo và chỉ huy. Những giờ học chiến thuật, đọc binh thư. Anh nhớ tới ngày lễ mãn khóa và nỗi vui mừng khi được biết mình sẽ được về sư đoàn 7. Chưa hết bảy ngày phép anh đã trình diện bộ tư lệnh ở Mỹ Tho. Ba ngày qua anh ra vào bộ tư lệnh nôn nao chờ đáo nhậm đơn vị. Vị thiếu tá trưởng phòng nhân viên là một sĩ quan vui tính và tử tế. Xuất thân từ Thủ Đức nên khi biết Hoài là khóa đàn em của mình ông ta rất có thiện cảm. Ông ta cũng cho Hoài biết là anh có nhiều hy vọng được về đơn vị tại Bến Tre. Hai tiếng này làm cho lòng người lính chiến trẻ tuổi xôn xao. Bến Tre có Châu Bình. Châu Bình có Tiên Sa. Tiên Sa đến với Hoài bằng thời gian của một sát na nhưng là muôn kiếp hiện hữu. Nhớ môi Tiên Sa mềm. thoảng hương mù u diểm ảo, mắt Tiên Sa đen ngời tình tự,. bàn tay đam mê,tia nhìn đắm say. Tiên Sa đó. Hoài ở đây, ngăn cách nhau bằng hai con sông nhưng cũng nhiều cách trở. Một ngày nào đó không xa Hoài sẽ trở lại Châu Bình, đem Tiên Sa của Hoài về vùng bình an không có tiếng súng nổ, tiếng hú của đại bác và sự có mặt của những người lính du kích. Tiên Sa sẽ đi học lại để trở thành một cô giáo đúng với ước mơ của mình.
Mồng 5. Hoài có mặt ở bộ chỉ huy trung đoàn. Lại một màn chờ đợi. Hai ngày sau một chiếc xe GMC đưa Hoài tới nơi đóng quân của tiểu đoàn 3. Hoài hơi ngạc nhiên khi trình diện vị tiểu đoàn trưởng, một đại úy trẻ tuổi, dáng dấp thư sinh và có nụ cười hiền hậu. Ngước nhìn vị tân chuẩn uý đang đứng trước mặt mình ông ta cười.
- Thủ Đức hả... Em khoá mấy vậy?
- Thưa đại úy khóa 19...
Người tiểu đoàn trưởng gật gù.
- Vậy à... Anh khóa 16... Anh gởi em tới đại đội 2 với thiếu úy Hoàng để tập sự thời gian rồi sau đó sẽ giao cho em coi đại đội...
Hoài vừa quay lưng đi ông ta nói vói theo.
- Anh tên là Hùng... Em cứ gọi là anh ba Hùng...
Hoài chào vị tiểu đoàn trưởng vui tính rồi theo người lính xuống gặp thiếu úy Hoàng, đại đội trưởng đại đội 2 đóng ở Kinh Giẹt Sậy. Anh càng thêm ngạc nhiên khi gặp cấp chỉ huy trực tiếp của mình. Dân Long Xuyên,. Hoàng có cái tính hồn nhiên và thực thà của người dân lục tỉnh. Mặc chiếc quần cụt, áo thun lính, mang giày bốt đờ sô, tóc ngắn ba phân, môi phì phèo điếu Bastos, Hoàng giống như một lính mới chứ không phải là một thiếu úy có ba năm quân vụ.
- Thủ Đức hả... Vào đây... Vào đây...
Hoàng kéo vị chuẩn úy sữa vào chiếc lều căng bằng miếng poncho. Ra dấu cho Hoài ngồi lên cái ghế là một thùng đại liên Hoàng cười:
- Chú mày trình diện anh bằng cái này được rồi...
Người lính đưa cho Hoàng một cái bi đông. Vị đại đội trưởng tu một hơi rồi đưa cho Hoài.
- Uống đi em... Làm lính đánh giặc mà không biết nhậu là lạnh cẳng, đánh giặc không hăng...
Nốc một hơi Hoài chảy nước mắt. Hơi rượu đế cay nồng cả mũi. Cười ha hả Hoàng nói với người lính mang máy truyền tin.
- Mày thấy không Tư... Ông chuẩn úy sữa này chịu chơi lắm. Dân Bến Tre mà...
Thời gian làm đại đội phó của Hoài là thời gian sung sướng và nhàn hạ. Hoài học cách thức liên lạc với tiểu đoàn. với pháo binh. với các vị trung đội trưởng dưới quyền. Ban ngày theo lính ra mấy quán hủ tiếu uống xây chừng. xây nại. Trưa nhậu rượu nếp than. Tối dẫn lính đi kích. Hoài quen dần với tìếng xè xè của đạn 82 ly sắp nổ, cách thức dò lựu đạn gài, mìn được chôn trên con đường mòn. Anh chăm chỉ học hỏi và thu thập kinh nghiệm để chỉ huy một đại đội. Ba tháng sau Hoàng bàn giao đại đội lại cho Hoài để trở về tiểu đoàn làm sĩ quan ban 3. Nắm đại đội không lâu Hoài đã chứng tỏ cho binh sĩ dưới quyền cũng như cấp chỉ huy về khả năng chỉ huy và tính lì của mình. Trong một cuộc hành quân cấp tiểu đoàn. đại đội của Hoài đụng với một đại đội chủ lực miền của Việt Cộng. Vị chuẩn úy sữa và binh sĩ dưới quyền đã xóa tên đại đội H3 trên địa bàn hoạt động của vùng Phong Nẫm và Phong Mỹ. Chưa hết. Một tuần lễ sau Hoài cùng với tiểu đội viễn thám trong một cuộc đột kích đã bắt sống được tên huyện ủy huyện Giồng Trôm khi hắn mon men về thăm vợ con. Đại úy Hoàng gọi máy khen ngợi không tiếc lời thằng em của mình. Bằng con mắt của một sĩ quan nhà nghề ông thấy ở Hoài. một sĩ quan ưu tú rất cần cho quân đội. Từ đó Hoài đánh giặc như mơ. Lính dưới quyền vừa phục vừa thương vị chuẩn úy sữa của mình, một người lính lì nhất, chịu chơi nhất và thương lính nhất. Họ không thấy ông thầy của mình đi phép. Họ không thấy ông thầy có bồ, mặc dù ông thầy ăn nói có duyên. hiền lành. vui vẻ và văn nghệ một cây. Ông thầy hát mùi tận mạng. Nhiều cô gái ở quanh đây mê ông thầy như điếu đổ. Nhưng ông thầy lại làm ngơ, sống khắc khổ như một thầy tu. Lính tò mò hỏi ông thầy bảo có người yêu rồi. Hỏi sao không thấy người yêu tới thăm ông thầy. Được trả lời người yêu ở xa lắm. Những khi rỗi rảnh họ thấy ông thầy đứng hàng giờ bên dòng Kinh Giẹt Sậy nhìn về phương trời xa xăm như mơ tưởng tới hình bóng của người yêu đã vắng bóng trong cuộc đời lính chiến của mình. Họ không biết ông chuẩn úy sữa gan lì của họ đã khóc thầm trong đêm tối vì tương tư. Họ không biết người sĩ quan chịu chơi lại là một kẻ si tình và chung thủy, yêu một người là yêu suốt đời. Họ không biết bên ngoài vui cười mà bên trong ông thầy như đứt từng đoạn ruột mỗi khi nhớ tới người yêu.