Chương 10

Hoài trở về Sài Gòn như một kẻ bị lưu đày không biết ngày trở lại nơi chốn thân yêu của mình. Ăn, ngủ, học hành. Ba chuyện đó được anh làm như một kẻ không có hồn. Anh đã cho Tiên Sa cái hồn của mình. Đêm ba mươi Tết Hoài ngồi một mình trong bóng tối cạnh ao nước trước nhà,. nhìn vào không gian mịt mùng để tìm kiếm hình bóng của Tiên Sa, để nhớ tiếng cười. để nhìn ánh mắt vời vợi xa buồn.
Thứ hai buồn, thứ ba chán, thứ tư rỗng, thứ năm nhớ, thứ sáu đợi, thứ bảy chờ, chủ nhật ngóng. Thời gian đứt đoạn. Trái tim của Hoài rã mục vì phản ứng hoá học của tình yêu. Tâm hồn của Hoài bị cháy bỏng vì chất acid-tình yêu. Anh viết thư cho Tiên Sa nhiều lắm. Nhưng thư đi nhiều hơn thư lại. Thư đi thật dài mà thư hồi âm ngắn. Anh biết Tiên Sa đang bù đầu vào bài học. Nàng đang cố nhét vạn vật. lý hóa. đại số. hình học, sin, tang, cos. phương trình, hàm số vào cái óc nhỏ bé của nàng. Tại sao người ta bắt nàng phải học những thứ đó. Tiên Sa đâu cần biết hình tam giác đều để bồi vườn. Nàng đâu cần biết đường kính của một vòng tròn bằng hai lần đường bán kính để đếm một thiên trái dừa. Nhưng thôi. Người ta bảo nàng làm như vậy thời nàng phải làm như vậy. Ráng chịu cực đi Tiên Sa. Rồi sau này trở thành cô giáo Tiên Sa sẽ đì lại học trò của mình. Đó là luật nhân quả của trường học.
Hoài ngồi trước đống bao thư cao nghệu. Anh cười khi thấy Khang diện kỹ vì sắp đi với bồ. Nó không còn phụ trách việc trả lời thư nữa vì hai lý do. Thứ nhất nó đang có bồ. Thứ nhì từ khi Hoài bật mí chút chút cho nó nghe về cuộc tình với Tiên Sa thời nó nói với anh.
- Mày cần tiền thời tao để mày làm hết. Còn tao tao xin tiền ba má hay bà nội xài sướng hơn...
Hoài cám ơn bạn về sự giúp đỡ này.
- Mày có hình con bồ của mày không đưa cho tao chiêm ngưỡng dung nhan?
Hoai lắc đầu nói Tiên Sa không có tiền chụp hình. Khang trợn mắt vì ngạc nhiên. Sinh trưởng trong một gia đình giàu có Khang không thể tin là có chuyện đó xảy ra.
- Hè này tao cho mày mượn cái máy chụp hình của tao mang về quê chụp hình cô bồ...
Hoài cười gật đầu song lại băn khoăn.
- Phim chụp hình có mắc không?
- Mày đừng lo... Tao sẽ mua tặng mày ba cuộn phim. Chụp xong đưa tao rửa cho... Tao muốn xem mặt của Tiên Sa. để xem cô học trò nhà quê này có nét gì đặc biệt mà làm cho mày chết mê chết mệt...
Hoài chúi đầu vào những lá thư của độc giả. Thoạt đầu anh làm chỉ vì công việc nhưng càng đọc anh càng hứng khởi vì khám phá ra những thú vị và mới lạ trong những lá thư của độc giả gởi về nhờ anh gỡ rối tơ lòng cho họ. Trẻ có. Già có. Trai có. Gái có. Đàn ông có. Đàn bà có. Tuy nhiên phái yếu nhiều nhất. Dường như mấy cậu trai trẻ hay đàn ông mạnh khoẻ không cần người khác gỡ dùm cái rối tơ lòng của mình. Khi bị rối họ lấy kéo cắt đứt cái rối là xong. Riêng phụ nữ thời lại khác. Có lẽ vì bản chất yếu đuối. vì nặng tình cảm cho nên không không thể mạnh dạn cắt đứt cái rối rắm của tơ lòng. Họ cần có ý kiến của người khác để tháo, để gỡ một cách dịu dàng êm ái, không làm thương tổn tới hai người trong cuộc. Tình yêu muôn mặt. Hoài hiểu rõ điều này sau khi đọc hàng trăm lá thư. Có một cô gái quê ở Bình Dương viết thư về hỏi là cô yêu một người và người đó cũng yêu cô. Nhưng kẹt một nỗi là gia đình của anh kia giàu mà cô lại nghèo. không được môn đăng hộ đối. Hoài trả lời cho cô gái đó như thế này: " Nếu gia đình người yêu của cô giàu trong lúc cô lại nghèo. không được môn đăng hộ đối. thời hãy bảo anh chia tiền cho gia đình cô để hai bên không còn giàu nghèo nữa. Nếu anh làm được điều này thời anh mới thực sự yêu thương yêu cô..." Hoài đưa câu trả lời cho má của Khang đọc. Bà chỉ cười bảo: " Cháu coi chừng họ viết thư mắng vốn dì đấy...". Câu trả lời được đang lên báo và đúng như lời của má Khang nói. Cô gái gởi thư mắng vốn như thế này: " Cám ơn về những lời khuyên của dì. Cháu đã nói với người yêu của cháu như lời dì chỉ dạy. Không biết ảnh nói với ba má của ảnh làm sao mà hai người tới nhà xin cưới cháu về làm vợ cho đứa con trai duy nhất của họ. Đám cưới sẽ cử hành vào đầu tháng năm này. Cháu rất sung sướng và thành thực cám ơn dì. Xin trời phật phù hộ cho dì được mạnh khoẻ để giúp đỡ những người như cháu ". Cô gái ở Bình Dương chắc sẽ ngạc nhiên lắm nếu biết được người gỡ rối tơ lòng cho cô là một cậu học trò mới biết yêu và có những ý tưởng tốc kê.
Còn một tuần lễ nữa mới bãi trường mà học sinh hầu như không học nữa. Cô giáo. Thầy giáo cũng dễ thương hơn. dịu dàng hơn. vì học trò của mình đều được lên lớp đệ nhị. Khang giữ lời hứa. Nó đưa cho Hoài cái máy chụp hình còn mới với ba cuộn phim. Nó dạy Hoài cách thay phim mới, cách thức chụp hình, chụp làm sao cho đẹp, cho có nét, cách giữ phim sau khi chụp. Cẩn thận hơn nó còn viết ra giấy rồi nhét vào bao da cho Hoài.
Càng gần tới ngày Hoài càng bận rộn hơn. Anh nói với Khang về ý định mua quà cho Tiên Sa. Khang hăng hái nói:
- Để tao đi với mày. Gì chứ mua quà cho con gái tao rành lắm... Dì ba tao có tiệm bán đồng hồ ở đường Lê Lợi. Để tao nói tao mua không chừng bả cho chứ không lấy tiền. Vả lại mua ở tiệm bả không sợ mua nhằm đồ giả... Mày không biết mua nhằm đồ giả về nó chạy ba bữa là ngủm... Còn chuyện quần áo thời dễ ợt. Con Hằng em tao nó có một đống quần áo chê không thèm mặc nên tao sẽ xin nó cho mày. Áo dài có. Sơ mi có. Quần tây nó có cả chục cái. Nó chê cũ, chê xưa, chê không hợp thời trang bỏ trong tủ cho chuột gặm...
Đúng như lời Khang nói. Bà dì của nó  có tiệm bán đồng hồ và nữ trang đồ sộ nằm ngay mặt tiền. Nó ỉ ôi thế nào mà bà cho nó cái đồng hồ mới tinh còn sợi dây chuyền có hình trái tim làm bằng vàng 18 bà chỉ lấy giá vốn. Hoài mừng rỡ bao Khang đi ăn kem. Nó nhận lời nhưng lại cười bảo:
- Để tao trả tiền... Mày cần tiền để đi chơi với Tiên Sa. Mày tính chở Tiên Sa bằng xe đạp hả. Tới nhà tao lấy cái xe đạp mới của tao. Cái xe đạp cũ của mày đi dọc đường rủi bể bánh quê với em lắm...
Hoài thầm cám ơn người bạn giàu và tử tế của mình. Dù học không xuất sắc lắm nhưng Khang lại được bạn cùng trường rất mến vì tính tình hiền lành và hào phóng. Nó là đứa con trai giàu từ trong trứng giàu ra. Ba của nó là thầu khoán, có tiệm xuất nhập cảng Biệt thự, villa năm mười cái. Ông nội, ông ngoại của nó là điền chủ ở Cần Thơ có ruộng cò bay thẳng cánh chó chạy cong đuôi. Nó giàu nhưng không bần tiện, keo kiệt. Nó thường rủ cả lớp đạp xe ra chợ Bến Thành ăn khô bò và uống nước mía. Hoài hỏi nó là mày giàu tại sao không học ở Chu Văn An hay Pétrus Ký mà lại xin vào trường Hồ Ngọc Cẩn ở tận Gia Định. Nó mới tiết lộ bí mật là tại nó có con bồ học trường nữ trung học Lê Văn Duyệt. Khang có tính đam mê và nhiều khi cũng tốc kê một cách dễ thương.
Hai đứa ngồi ngoài vỉa hè ăn kem. Hoài cười hỏi:
- Bồ của mày ở trường Lê văn Duyệt có được lên lớp không?
Khang nhăn mặt. Nó không thích cái tên trường Lê văn Duyệt. Múc muổng kem nó càu nhàu:
- Mấy ông trên bộ giáo dục điên hết trơn cho nên mới chọn cái tên của một ông hoạn quan mà đặt tên cho ngôi trường có học trò thông minh và đẹp nhất nước... Nữ anh hùng của nước ta có thiếu gì sao không lấy tên. Như Ngọc Hân Công Chúa. Huyền Trân Công Chúa, Bùi Thị Xuân, Đoàn Thị Điểm, Triệu Thị Trinh. Ngay cả trường Gia Long cũng vậy. Cái trường có con gái đông nhất nước, đẹp nhất nước mà lại đặt tên là Gia Long. Trời ơi... Mấy ông ở bộ giáo dục không còn biết yêu đương, tình tứ nên mới chọn tên của một người đàn ông. Ở Huế cũng vậy. Nữ sinh Huế đẹp. tình tứ. lãng mạn nhất xứ mà lại đi học ở trường Đồng Khánh, một ông vua bù nhìn, nâng bi Pháp, bợ đít Tây. Đặt tên Duy Tân. Thành Thái nghe còn lọt lỗ tai hơn. Tao mà làm bộ trưởng bộ giáo dục tao đổi tên các trường nữ trung học lại...
Hoài cười cười:
- Mày đổi tên gì?
- Trước nhất tao đổi tên trường Lê văn Duyệt thành trường Giáng Tiên...
- Giáng Tiên...
Khang gật đầu tỉnh bơ.
- Bồ của tao đẹp như tiên cho nên đặt Giáng Tiên là phải rồi. Trường Trưng Vương thì cũng được. Riêng trường Gia Long phải đổi thành Đoàn Thị Điểm. Chu văn An cũng được. Pétrus có vẻ tây nên phải đổi thành Nguyễn Du hoặc Nguyễn Trải, hai văn, thi hào nổi tiếng nhất nước. Còn Đồng Khánh phải đổi thành Hương Giang nghe thơ mộng hơn...
Hoài nghĩ Khang có lý. Nhưng tiếc thay nó lại là đứa học trò chứ không phải là ông bộ trưởng giáo dục đang ưu tư với thời cuộc và chức vụ của mình.