Dịch giả: Anh Tô
Chương một

    
ái áo len của tôi còn mới, đỏ sậm và xấu xí. Bây giờ đã 12 tháng Năm nhưng nhiệt độ đã cán mức 40 [1], và sau bốn ngày run cầm cập với áo sơ mi, tôi thà vớ lấy thứ gì đó trong cửa hàng giảm giá còn hơn xới đống đồ mùa đông đã được đóng hộp kỹ lưỡng. Mùa xuân ở Chicago.
Trong khu vực làm việc nhỏ được bao bọc bằng vải đay, tôi nhìn chằm chằm vào màn hình vi tính. Bài báo của tôi hôm nay là loại tội ác khá buồn tẻ. Bốn đứa trẻ, từ hai đến sáu tuổi, được tìm thấy trong một căn phòng bị khóa kín tại South Side chỉ với vài lát bánh mì kẹp cá ngừ và một lít [2] sữa. Chúng đã bị bỏ ba ngày, bối rối như lũ gà con trên tấm thảm vương vãi thức ăn và phân rác. Mẹ chúng đã thơ thẩn bỏ đi rít một điếu thuốc và rồi quên bẵng đi. Đôi khi những chuyện như vậy vẫn xảy ra. Không có điếu thuốc nào cả, chẳng có gì hết. Chỉ là một sự mất tỉnh táo không gì cứu vãn nổi. Tôi đã nhìn thấy người mẹ sau khi bị bắt: Tammy Davis hai mươi hai tuổi, tóc vàng hoe và mập mạp, có đám phấn hồng tròn vành vạnh như đáy ly trên gò má. Tôi có thể tưởng tượng cảnh cô ngồi lún trong ghế bành, đôi môi dính vào tẩu thuốc, phà ra một đám khói đặc. Và tất cả trôi nhanh, lũ trẻ lùi ra xa khi cô quay về với thời trung học của mình, lúc mà lũ con trai còn chú ý và cô còn là cô bé mười ba tuổi xinh đẹp quyến rũ nhất có bờ môi mọng thường ngậm kẹo quế trước khi hôn.
Một cái bụng. Một mùi hương. Những điếu thuốc lá và cà phê cũ. Biên tập viên của tôi, Frank Curry, đáng kính và kiệt sức, đi lắc lư trên đôi Hush Puppies nứt nẻ.
“Bài báo của cô đến đâu rồi nhóc?” Có một cái ghim bấm bằng bạc trên bàn tôi đang chĩa lên. Ông nhẹ nhàng ấn nó xuống bằng móng tay vàng khè.
“Sắp xong rồi”. Tôi đã hoàn thành được ba inch, tôi cần mười cả thảy.
“Tốt. Dẹp nó đi, lưu lại, và đến văn phòng tôi”.
“Tôi có thể đến liền mà”.
“Dẹp nó đi, lưu lại và đến văn phòng tôi”.
“Được rồi. Mười phút”. Tôi muốn lấy cái đinh bấm lại.
Ông ra khỏi khu làm việc của tôi. Cà vạt đung đưa gần đũng quần.
“Preaker?”
“Gì thế, Curry?”
“Dẹp nó đi”.
Frank Curry nghĩ tôi là người dễ bị thuyết phục. Có lẽ vì tôi là phụ nữ. Mà cũng có khi bởi vì tôi là người dễ bị thuyết phục thật.
Văn phòng của Curry ở tầng ba. Tôi tin chắc là ông có cảm giác khó chịu bất chợt mỗi khi nhìn ra cửa sổ và thấy toàn thân cây. Những biên tập viên giỏi không nhìn thân cây mà họ nhìn những cái lá - nếu như họ còn có thể phân biệt được những cái cây khi nhìn từ tầng hai mươi, ba mươi của tòa nhà. Nhưng ở Daily Post, tờ báo lớn thứ tư ở Chicago, bị xếp xó ở vùng ngoại ô, thì vẫn có chỗ cho đám cây lá lộn xộn ấy. Có những ba tầng, chìa hẳn ra ngoài, cứ như tràn ra vậy, nằm hờ hững giữa những tiệm bán thảm và đèn. Một nhà thầu đã xây dựng khu phố nhỏ này trong ba năm được sắp xếp chu đáo - từ 1961 đến 1964 - rồi đặt theo tên con gái ông, người đã gặp tai nạn nghiêm trọng do cưỡi ngựa trước khi việc xây cất hoàn thành một tháng. Aurora Springs, ông đặt tên, rồi dừng lại để chụp một bức ảnh cạnh bảng tên mới toanh của thành phố. Sau đó ông mang cả gia đình rời đi. Người con gái, bây giờ đã năm mươi tuổi, vẫn khỏe, trừ việc thỉnh thoảng còn đau ở cánh tay, đang sống ở Florida và vài năm lại trở về một lần để chụp ảnh bên cạnh cái bảng mang tên của bà, như ông bố từng làm.
Tôi đã viết về chuyến viếng thăm mới nhất của bà. Curry ghét nó, ghét hầu hết các chi tiết của câu chuyện. Ông đã làm đổ ly Chambord lâu năm khi đọc, làm cho phòng của ông có mùi mâm xôi. Curry vẫn thường hay say trong im lặng. Mặc dù vậy, đó chẳng phải là lý do để ông ưu ái cái sàn nhà đến thế. Đấy chỉ là vận rủi đến không đúng lúc mà thôi.
Tôi bước vào văn phòng của ông và sập cửa, nó không giống những gì tôi từng hình dung về văn phòng biên tập viên của mình. Tôi muốn thấy một tấm bảng bằng gỗ sồi, một ô có thể nhìn xuyên qua trên cánh cửa - được khắc là “Phòng Sếp” - để cho những phóng viên mới vào nghề có thể trông thấy chúng tôi nổi khùng lên về những quyền trong Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ [3]. Văn phòng của Curry nhạt nhẽo và có vẻ hành chính quan liêu, như phần còn lại của tòa nhà. Bạn có thể tranh luận chuyện báo chí hay tầm soát ung thư cổ tử cung ở đấy đều được. Chả ai có ý kiến gì.
“Kể cho tôi nghe về Wind Gap”. Curry chọc đầu nhọn của cây bút bi xuống cái cằm lún phún râu. Tôi có thể thấy những chấm màu xanh lốm đốm dưới lớp râu đó.
“Nó nằm ở phần cuối của Missouri, phần dưới cùng. Cách Tennessee và Arkansas khá xa” tôi nói, cố ép mình nhớ lại. Curry thích moi móc phóng viên bất cứ chủ đề nào mà ông cho là thích hợp: số vụ giết người ở Chicago hồi năm ngoái, nhân khẩu học tại Cook County, hay, vì vài lý do nào đó, là câu chuyện thành phố quê nhà của tôi, chủ đề tôi luôn tránh né. “Nó được xây dựng khoảng trước Nội chiến [4]” tôi tiếp tục. “Nó gần Mississippi, nên ở một khía cạnh nào đó thì có thể được xem là một thành phố cảng. Hiện tại ngành kinh doanh lớn nhất là mổ lợn. Có khoảng hai nghìn người sống ở đây. Những người giàu tầng lớp cũ và rác rưởi”.
“Cô thuộc loại nào?”
“Rác rưởi. Từ người giàu của tầng lớp cũ”. Tôi cười. Ông ấy thì chau mày.
“Mà cái quái gì đang xảy ra vậy?”
Tôi chìm vào im lặng, liệt kê những thảm họa có thể rơi xuống Wind Gap. Đó là một trong những thị trấn tiêu điều, khốn khổ: một vụ va chạm xe buýt hay một cơn lốc xoáy. Một vụ nổ ở tháp ủ thức ăn gia súc hay một đứa bé rơi xuống giếng. Tôi cũng hơi giận dỗi một chút. Tôi đã từng hy vọng - như vẫn luôn luôn làm mỗi khi Curry gọi tôi vào văn phòng ông - ông sẽ khen ngợi bài báo gần đây của tôi, đề bạt tôi vào một vị trí tốt hơn, khốn khiếp, hoặc tuồn cho tôi một tờ giấy viết nguệch ngoạc tăng một phần trăm lương chẳng hạn - nhưng tôi không sẵn sàng để tán gẫu về những sự kiện đang diễn ra ở Wind Gap.
“Mẹ của cô vẫn ở đấy, đúng không Preaker?”
“Mẹ. Cha dượng”. Một người em gái cùng mẹ khác cha khi tôi học cao đẳng, sự hiện diện của con bé mơ hồ đến nỗi tôi thường quên mất tên nó. Amma. Và rồi Marian, lúc nào cũng là Marian-đã-chết.
“Chết thật, cô có bao giờ trò chuyện với họ không?” Không hề, kể từ Giáng Sinh: một cuộc trò chuyện lạnh nhạt, lịch sự sau khi nốc ba phần rượu bourbons. Tôi đã lo mẹ có thể ngửi được mùi đó qua đường dây điện thoại.
“Gần đây thì không”.
“Chúa ơi, Preaker, thỉnh thoảng cô nên đọc điện tín. Tôi đoán có một vụ mưu sát hồi tháng Tám vừa rồi? Một bé gái bị treo cổ?”
Tôi gật đầu như thể mình biết chuyện vậy. Tôi nói dối. Mẹ là người duy nhất ở Wind Gap mà tôi còn duy trì sự liên lạc rất ít ỏi, và bà thì chẳng nói gì. Thật tò mò.
“Bây giờ một đứa khác lại mất tích. Dường như nó có thể trở thành một vụ giết người hàng loạt. Lái xe xuống đấy và viết bài cho tôi. Nhanh lên. Sáng mai phải có mặt ở đó”.
Còn lâu. “Chúng ta có những câu chuyện kinh khủng ở đây, Curry”.
“Phải rồi, và chúng ta có ba tờ báo cạnh tranh với số nhân viên và tiền vốn gấp đôi”. Ông lùa tay vào tóc, nhưng chúng lại rũ xuống đầy mệt mỏi. “Tôi phát chán việc đi sau tin tức rồi. Đây là cơ hội để chúng ta phá vỡ điều này. Điều gì đó thật to lớn”.
Curry tin rằng chỉ với câu chuyện phù hợp, chúng tôi sẽ trở thành tờ báo bất khả chiến bại ở Chicago chỉ sau một đêm, giành được sự tín nhiệm của cả nước. Năm ngoái, một tờ báo khác, không phải chúng tôi, đã gửi một tay phóng viên về quê nhà của anh ta, đâu đó ở Texas, sau khi một nhóm thiếu niên bị chết đuối trong cơn lũ hồi mùa xuân. Anh ta đã viết một bài báo bi thảm nhưng tường thuật rất chi tiết về sức mạnh tự nhiên của nước và nỗi thương tiếc, thu thập tất cả chứng cứ từ bọn trẻ trong đội bóng rổ đã mất ba tuyển thủ giỏi nhất, cho đến nhà tang lễ địa phương, lúng túng đến mức tuyệt vọng trong việc tắm rửa cho các xác chết. Câu chuyện đó đã thắng giải Pulitzer.
Tôi vẫn không muốn đi. Một cách rõ ràng là tôi cuộn tay mình quanh ghế, như thể Curry phải cố gắng lắm mới lôi tôi ra khỏi chỗ đó được. Nhưng ông chỉ ngồi đó và nhìn chằm chằm vào tôi hồi lâu với đôi mắt màu hạt dẻ đẫm lệ. Ông đằng hắng, nhìn vào bức hình vợ mình và cười theo kiểu bác sĩ sắp tuyên bố một tin buồn. Curry thích quát tháo - chuyện đó hợp với hình ảnh của một biên tập viên trường học thuở xưa - nhưng ông cũng là một trong những người lịch thiệp nhất mà tôi từng biết.
“Nào nào cô nhóc, nếu cô không thể làm điều này, cô không thể làm. Nhưng tôi nghĩ có thể nó tốt cho cô. Dội sạch những thứ rác rưởi đi. Giờ thì cô phải tự đứng trên chân mình. Đó là một câu chuyện hay ho chết tiệt - chúng ta cần nó. Cô cần nó”.
Lúc nào Curry cũng ủng hộ tôi. Ông nghĩ tôi là phóng viên giỏi nhất của ông, nói rằng tôi có một trí tuệ đáng kinh ngạc. Trong hai năm làm việc tôi có đôi lần vượt khỏi ngưỡng kỳ vọng. Đôi khi rất ấn tượng. Lúc này, bên kia chiếc bàn, tôi có thể cảm thấy ông buộc tôi phải cho ông chút niềm tin. Tôi gật đầu với dáng vẻ mà tôi hy vọng là sự tự tin thời thượng.
“Tôi đi đóng đồ đây”. Tay tôi để lại dấu mồ hôi trên thành ghế.
Tôi chẳng có thú cưng để lo lắng, không có cây cối để gửi nhờ hàng xóm. Trong túi vải thô, tôi nhét đống quần áo đủ cho năm ngày, tự cam đoan sẽ rời khỏi Wind Gap trước cuối tuần. Khi tôi thoáng nhìn lại chỗ ở của mình, nó tiết lộ bản thân trong một thoáng. Căn hộ như của một đứa nhóc trung học: rẻ tiền, tạm bợ, và trên hết là nhàm chán. Tôi tự hứa sẽ đầu tư một bộ sô pha trang nhã sau khi trở về như phần thưởng cho câu chuyện gây choáng váng mà tôi tin mình sẽ đào xới được.
Ngay trên chiếc bàn ở cạnh cửa là bức ảnh khi tôi còn là một đứa trẻ đang ôm ghì Marian khoảng bảy tuổi. Chúng tôi đều cười phá lên. Con bé thì mở to mắt ngạc nhiên, tôi thì nhắm tịt. Tôi siết em vào lòng, đôi chân ngắn khẳng khiu của em đung đưa trước đầu gối tôi. Tôi không thể nhớ đó là kỳ nghỉ nào hay chúng tôi đã cười vì điều gì. Sau nhiều năm nó trở thành một bí mật dễ chịu. Tôi nghĩ mình không thích biết rõ hơn.
Tôi đi tắm. Không dùng vòi sen. Tôi không chịu được những tia nước, nó làm da tôi râm ran, như ai đó vừa bật công tắc lên. Nên tôi chèn chiếc khăn lông mỏng manh của khách sạn vào lưới thoát nước, gác vòi sen lên tường, và ngồi xuống vũng nước lấp xấp khoảng ba inch [5]. Tóc của ai đó phập phều trôi qua.
Tôi đi ra. Không còn chiếc khăn lông nào khác, nên tôi chạy vào giường và thấm khô người bằng chiếc mền bông thấm nước rẻ tiền. Sau đó uống một ly bourbons ấm và nguyền rủa cái máy làm đá.
Wind Gap cách phía nam Chicago khoảng mười một tiếng lái xe. Curry đã rất tử tế khi cho kinh phí trọ một đêm ở khách sạn và ăn một bữa sáng, nếu tôi ăn ở trạm xăng. Nhưng một khi đã vào thị trấn, tôi phải ở nhà mẹ. Đó là ông ấy đã quyết định giùm tôi. Tôi gần như biết trước mình sẽ nhận được kiểu phản ứng nào khi xuất hiện trước cửa nhà bà. Một chút bất ngờ thoáng qua trên khuôn mặt bà, bàn tay lùa vào tóc, một cái ôm ngập ngừng rồi thả ra, nhẹ bước sang một bên. Bà kể về tình trạng lộn xộn của căn nhà, dù nó không bao giờ như thế. Một thắc mắc tế nhị nhất có thể khi hỏi tôi sẽ ở lại bao lâu.
“Lần này thì con sẽ ở lại với chúng ta bao lâu?” bà sẽ hỏi như thế. Nhưng nó cũng có nghĩa là “Khi nào con đi?”
Đó là phép lịch sự khiến tôi phiền lòng nhất.
Tôi biết lẽ ra mình phải chuẩn bị các ghi chú, viết lại câu hỏi. Thay vào đó, tôi uống thêm rượu, nốc vài viên aspirin, tắt đèn. Được ru bởi tiếng o o ẩm ướt của máy điều hòa và tiếng lanh canh của trò chơi điện tử ở phòng bên cạnh, tôi chìm vào giấc ngủ. Tôi chỉ còn cách thị trấn quê nhà ba mươi dặm, nhưng tôi cần một đêm cuối ở xa.
Buổi sáng tôi nuốt vội bánh rán nhân thạch cũ và đi xuống phía nam, nhiệt độ tăng cao, những cánh rừng tươi tốt hiện lên ở hai bên đường. Phần này của Missouri bằng phẳng một cách đáng ngại - chỉ có duy nhất hàng dặm thân cây èo uột bị chen ngang bởi dải đường cao tốc mà tôi đang đi. Cảnh vật tương tự lặp lại mỗi hai phút.
Bạn không thể nhận ra Wind Gap từ đằng xa, tòa nhà cao nhất của nó chỉ có ba tầng. Nhưng sau hai mươi phút lái xe, tôi biết nó đang xuất hiện: Đầu tiên là trạm xăng. Một đám thanh niên thô kệch ngồi phía trước, ngực trần và buồn chán. Gần chiếc xe bán tải cũ, một đứa nhóc mặc tã ném từng nắm sỏi vào không khí khi mẹ nó đang đổ xăng. Tóc cô ta nhuộm vàng, nhưng mớ chân tóc màu nâu thì gần chạm đến tai. Cô gào điều gì đó với đứa bé nhưng tôi không nghe được khi lướt qua. Ngay sau đó, cánh rừng dần thưa thớt. Tôi chạy ngang một tấm biển viết nguệch ngoạc của khu buôn bán nhỏ với những chiếc giường bằng da thuộc, một cửa hàng bán súng, một cửa hàng vải. Sau đó là một đường cụt lẻ loi với những căn nhà cũ, nghĩa là một phần của sự phát triển chẳng bao giờ xảy ra ở đây. Và cuối cùng, thị trấn xuất hiện.
Không có lý do gì chính đáng, tôi nín thở khi chạy qua biển chào mừng tới thị trấn Wind Gap, theo kiểu bọn trẻ con hay làm khi đi qua các nghĩa trang. Đã tám năm rồi kể từ khi tôi quay về, nhưng phong cảnh vẫn y như cũ. Lái xuống con đường đó, tôi nhận ra nhà của giáo viên dạy piano thời đi học, một nữ tu điển hình với hơi thở đầy mùi trứng. Con đường dẫn đến một công viên nhỏ nơi tôi hút điếu thuốc đầu tiên trong một ngày hè oi ả. Men theo đại lộ, tôi đang trên đường đến Woodberry, và bệnh viện.
Tôi quyết định đến thẳng đồn cảnh sát. Nó chiếm một góc ở cuối Đường Chính [6], theo đúng nghĩa đen là con đường chính của Wind Gap. Ở đó, bạn có thể bắt gặp một cửa hiệu làm đẹp và cửa hàng ngũ kim, một cửa hàng đồng giá [7] tên là CỬA HÀNG ĐỒNG GIÁ, và một thư viện có khoảng mười hai kệ sách. Bạn sẽ tìm thấy cửa hàng quần áo Candy’s Casuals, nơi bạn có thể mua bộ áo liền quần, áo cổ rùa, hay áo thun với hình con vịt và ngôi trường trên đó. Hầu hết những người phụ nữ dễ mến của Wind Gap là giáo viên hoặc làm mẹ hoặc làm việc tại những nơi như Candy’s Casuals. Vài năm nữa có thể bạn sẽ bắt gặp Starbucks, sẽ mang lại cho thị trấn này điều mà nó mong mỏi: có sẵn, được kiểm định trước. Tuy nhiên, hiện giờ, chỉ có những chiếc muỗng nhầy nhụa mỡ, do một gia đình làm chủ mà tôi không thể nhớ tên.
Đường Chính trống hoác. Không xe hơi. Không người. Một con chó lê bước trên đường, không người chủ nào đi theo. Tất cả những cột đèn đều dán những dây nơ màu vàng và bức hình photo của một bé gái. Tôi dừng lại và bóc một tờ thông cáo trên tấm biển DỪNG LẠI, dán xiêu vẹo ngang tầm của một đứa trẻ. Tấm thông cáo tự làm, “MẤT TÍCH” được viết phía trên với nét chữ in đậm bằng bút dạ. Đứa bé với mắt đen sậm với nụ cười hoang dã và rất nhiều tóc. Đây là kiểu bé gái thường được thầy cô miêu tả “hiếu động”. Tôi thích con bé.
Natalie Jane Keene
Tuổi: 10
Mất tích từ ngày 05/12
Lần cuối xuất hiện tại công viên Jacob J.Ahser,
mặc quần sóc jeans xanh, áo thun sọc đỏ.
Liên hệ: 588-7377
Tôi hy vọng mình bước vào đồn cảnh sát và được thông báo đã tìm thấy Natalie Jane. Vô hại. Kiểu như cô bé bị lạc hoặc khuất sau góc rừng hay bỏ đi rồi suy nghĩ chín chắn hơn. Tôi có thể leo lên xe, quay về Chicago và chẳng cần nói với ai.
Các con đường hóa ra là bị bỏ hoang vì một nửa thị trấn đang ra ngoài lùng sục lên phía bắc khu rừng. Người tiếp tân ở đồn cảnh sát nói rằng tôi có thể đợi - Cảnh sát trưởng Bill Vickery sẽ nhanh chóng trở về vào bữa trưa. Phòng chờ có cảm giác như văn phòng nha sĩ cố gắng thân thiện ấm cúng nhưng thất bại, tôi ngồi trên chiếc ghế màu cam và cắm đầu vào cuốn Redbook [8]. Cái máy lọc không khí ở lối thoát nước bên cạnh tỏa ra mùi nhựa khiến tôi liên tưởng đến mùi của vùng quê. Tầm ba mươi phút sau khi tôi đọc xong ba tờ tạp chí và bắt đầu chán ốm vì cảnh vật xung quanh. Vickery bước vào, cô tiếp tân hất đầu về phía tôi và thì thào với giọng khinh bỉ, “Giới truyền thông”.
Vickery, khá gầy so với độ tuổi gần năm mươi của ông, ướt sũng trong bộ cảnh phục. Chiếc áo sơ mi dính sát vào ngực, quần nhăn nhúm sau mông.
“Truyền thông?” Ông nhìn tôi chằm chằm qua cặp kính hai tròng lờ mờ. “Truyền thông gì?”
“Cảnh sát trưởng Vickery, tôi là Camille Preaker, phóng viên của tờ Daily Post tại Chicago”.
“Chicago? Cô từ Chicago đến đây làm gì?”
“Tôi muốn nói chuyện với ông về các bé gái - Natalie Keene và cô bé bị giết năm ngoái”.
“Lạy Chúa. Làm sao cô nghe được chuyện này ở tận trên đó? Lạy Chúa”.
Ông nhìn cô tiếp tân, sau đó quay lại nhìn tôi, như thể chúng tôi cấu kết với nhau. Sau đó ông ra hiệu cho tôi đi theo. “Hoãn các cuộc gọi, Ruth”.
Cô tiếp tân đảo mắt.
Bill Vickery dẫn tôi đi dọc hành lang ép gỗ treo những khung ảnh rẻ tiền có hình cá hồi hay ngựa, sau đó vào văn phòng ông, không có cửa sổ, trong thực tế là một khu vực vuông vức đầy những tệp hồ sơ kim loại. Ông ngồi xuống, đốt thuốc. Không hề mời tôi.
“Tôi không muốn chuyện này lộ ra ngoài, thưa cô. Tôi không có ý định nói về chuyện này”.
“Tôi e là, thưa cảnh sát trưởng Vickery, không có nhiều lựa chọn trong trường hợp này. Trẻ em đang trở thành mục tiêu. Cộng đồng cần được cảnh báo”. Đó là những gì tôi đã đọc rành rọt khi lái xuống đây. Nó đi thẳng vào vấn đề.
“Cô quan tâm cái gì? Chúng không phải lũ trẻ của cô, chúng là lũ trẻ của Wind Gap”. Ông đứng lên, rồi ngồi xuống, sắp xếp vài giấy tờ. “Tôi cá là mình khá ổn khi nói rằng trước đây Chicago chưa bao giờ quan tâm đến lũ trẻ con ở Wind Gap”. Giọng ông vỡ òa khi kết thúc. Vickery bập điếu thuốc, xoắn chiếc nhẫn vàng tròn lẳng, và chớp mắt liên tục. Đột nhiên tôi tự hỏi có phải ông sắp khóc không.
“Ông nói đúng. Thực tế thì không. Nghe này, đây không phải kiểu câu chuyện để lợi dụng gì cả. Nó quan trọng. Có thể điều này sẽ làm ông cảm thấy khá hơn, tôi xuất thân từ Wind Gap”. Thế đó, Curry. Tôi đang cố hết sức.
Ông quay lại. Nhìn mặt tôi chằm chằm.
“Cô tên gì?”
“Camille Preaker”.
“Sao tôi không biết cô?”
“Tôi chưa bao giờ vướng vào rắc rối, thưa ngài”. Tôi cười nhẹ.
“Nhà cô là gia đình Preaker à?”
“Từ khi kết hôn thì mẹ tôi không còn dùng họ thời con gái nữa, khoảng hai mươi lăm năm trước. Adora và Alan Crellin”.
“Ồ. Tôi biết họ”. Ai cũng biết họ. Người giàu thì không mấy nổi tiếng ở Wind Gap, trừ phi là người rất giàu. “Nhưng tôi vẫn không muốn cô ở đây, cô Preaker. Cô đăng chuyện này và từ nay về sau, mọi người chỉ biết đến chúng tôi vì... nó”.
“Công khai việc này sẽ có ích”. Tôi đề nghị. “Nó đã từng có ích trong một số trường hợp khác”.
Vickery im lặng vài giây, vò nát túi giấy đựng đồ ăn trưa ở góc bàn. Mùi như bologna. Ông lầm bầm gì đó về Jon Benet và phân.
“Không, cảm ơn cô Preaker. Và miễn bình luận. Tôi không bình luận gì về bất cứ cuộc điều tra nào đang được tiến hành. Cô có thể trích nguyên văn như vậy”.
“Xem nào, tôi có quyền xuất hiện ở đây. Hãy làm mọi thứ đơn giản. Ông cho tôi một số thông tin. Một số thôi. Và tôi sẽ tránh đường ông trong một lúc. Tôi không muốn khiến công việc của ông thêm khó khăn. Nhưng tôi cũng cần phải làm việc của mình”. Đó là cuộc trao đổi tôi chợt nghĩ ra ở đâu đó gần St. Louis.
Tôi rời đồn cảnh sát với tấm bản đồ photo vùng Wind Gap, trên đó Cảnh sát trưởng Vickery đã vẽ chữ X nhỏ xíu, đánh dấu nơi phát hiện xác bé gái bị giết hại hồi năm ngoái.
Ann Nash, chín tuổi, được tìm thấy ngày 27 tháng Tám tại Falls Creek, một vùng nước xiết chảy qua North Woods. Kể từ đêm ngày 26, khi cô bé mất tích, một nhóm tìm kiếm đã đào bới cả khu rừng. Nhưng sau năm giờ sáng, chính những người thợ săn đã tình cờ tìm thấy cô bé. Nó bị xiết cổ đến chết vào khoảng nửa đêm, bằng sợi dây phơi quần áo bình thường, vòng hai lần quanh cổ. Sau đó bị ném xuống con lạch khá cạn do đợt hạn hán mùa hè kéo dài. Sợi dây bị vướng lại một tảng đá to, và cái xác trôi bập bềnh cả đêm trong dòng nước lững lờ. Được mai táng trong quan tài đóng kín. Đó là tất cả những gì Vickery cho tôi. Mất khoảng một tiếng đồng hồ đặt câu hỏi để có được ngần ấy thông tin.
Từ điện thoại công cộng ở thư viện, tôi gọi vào số điện thoại trên tấm áp phích “MẤT TÍCH”. Giọng của một phụ nữ lớn tuổi xác nhận đây là đường dây nóng trong vụ Natalie Keene, nhưng tôi có thể nghe tiếng máy rửa bát đang đảo ở đầu dây bên kia. Người phụ nữ thông báo những gì cô ta biết, cuộc tìm kiếm vẫn đang được tiếp tục tại North Woods. Những ai muốn giúp ở báo danh tại lối vào chính và mang nước theo. Người ta mong chờ các ghi chú về nhiệt độ.
Tại khu vực tìm kiếm, bốn bé gái tóc vàng ngồi cứng đơ trên tấm khăn picnic dưới ánh nắng mặt trời. Chúng chỉ cho tôi con đường mòn phía trước và nói cứ đi cho đến khi tìm được nhóm tìm kiếm.
“Chị làm gì ở đây?” Con bé xinh đẹp nhất hỏi. Gương mặt ửng hồng của nó tròn trịa kiểu đám con gái tuổi vị thành niên hay có và tóc được cột thành từng chùm bằng ruy băng, nhưng bộ ngực, thứ mà nó ưỡn ra ngoài rất hãnh diện, là của người phụ nữ trưởng thành. Một người phụ nữ trưởng thành may mắn. Con bé cười như thể biết tôi, điều này gần như không thể vì hẳn nó đang học mẫu giáo vào lần cuối cùng tôi sống ở Wind Gap. Tuy nhiên, trông nó rất quen. Có thể là con gái của một trong những người bạn học cũ của tôi. Người ta có thể trở về đúng với tuổi tác nếu bị đá ra khỏi trường cấp ba. Không gì là không thể.
“Chỉ đến giúp thôi”, tôi nói.
“Ờ”, con bé cười điệu đàng, và đuổi khéo tôi bằng cách chuyển sự chú ý của mình vào việc bóc lớp sơn móng chân.
Tôi băng qua lớp sỏi nóng lạo xạo và bước vào rừng, duy chỉ thấy ấm lên. Không khí rừng rậm ẩm ướt. Hoa cúc và bụi cây sơn dại quét vào mắt cá chân, hạt cây bông bay khắp nơi, chui tọt vào miệng tôi, dính vào tay. Bỗng nhiên nhớ lại, khi còn nhỏ chúng tôi gọi nó là váy tiên.
Cách một quãng xa, người ta gọi tên Natalie, ba âm tiết rung lên và hạ xuống như một bài hát. Sau mười phút leo núi vất vả tôi đã lờ mờ thấy họ: khoảng bốn chục người đi dọc các con đường, sục sạo những bụi cây trước mặt bằng các cây que.
“Xin chào! Có tin tức gì không?” một người đàn ông có bụng tròn lẳn đứng gần nhất hỏi. Tôi rời khỏi đường mòn, đi xuyên qua đám cây cho đến khi bắt kịp ông ta.
“Tôi giúp gì được không?” - tôi vẫn chưa sẵn sàng lôi quyển sổ của mình ra.
“Cô có thể đi cạnh tôi”, ông nói. “Chúng tôi luôn cần thêm nhiều người khác. Giảm bớt phần cần tìm”. Chúng tôi bước đi trong im lặng khoảng vài phút, người đồng hành của tôi thỉnh thoảng ngừng lại để làm sạch cổ họng bằng một tràng ho khó khăn và ẩm ướt.
“Đôi khi tôi nghĩ chúng ta nên đốt cả cánh rừng” ông ta đột ngột nói. “Dường như chẳng có gì tốt đẹp xảy ra trong này cả. Cô là bạn của gia đình Keenes à?”
“Thật ra tôi là phóng viên. Chicago Daily Post”.
“Mmmm... thế nào nhỉ. Cô viết về tất cả chuyện này à?”
Thình lình có tiếng than khóc trong lùm cây, tiếng thét của một cô gái: “Natalie!” Tay tôi sũng mồ hôi khi chạy về phía tiếng khóc. Tôi thấy bóng người đổ sụp trước mặt. Một cô gái tóc bạch kim va phải chúng tôi trên đường mòn, mặt cô đỏ bừng và dáng điệu vội vã. Cô ngã dúi dụi như kẻ say rượu điên loạn, hét tên Natalie vang trời. Một người đàn ông lớn tuổi, hình như là cha cô, bắt kịp, ôm cô trong tay và từ từ dìu cô ra khỏi khu rừng.
“Họ tìm thấy con bé rồi hả?” Người bạn của tôi hỏi.
Một nhóm người lắc đầu. “Con bé chỉ hơi hoảng sợ, tôi nghĩ vậy”, một người đàn ông khác nói. “Điều này thật quá sức cho con bé. Đám con gái không nên ở đây, không thể xem như không có chuyện gì xảy ra cả”. Người đàn ông nhìn xoáy vào tôi, cởi chiếc mũ bóng chày để quệt lông mày, sau đó tiếp tục sục sạo trong đám cỏ.
“Công việc buồn thảm”, cộng sự tôi nói. “Thời điểm sầu thảm”. Chúng tôi di chuyển rất chậm chạp. Tôi đá một ống bia rỉ sét ra khỏi con đường. Rồi một cái nữa. Một con chim đơn độc bay ngang tầm mắt, và rồi vút lên ngọn cây. Một con cào cào bất ngờ đậu lên cổ tay tôi. Một màn ảo thuật rùng rợn.
“Ông không phiền nếu tôi hỏi suy nghĩ của ông về tất cả những chuyện này chứ?” Tôi lôi quyển sổ của mình ra, vung vẩy.
“Tôi không biết mình có thể nói thêm được gì không?”
“Chỉ những gì ông nghĩ thôi. Hai cô bé trong một thị trấn nhỏ...”
“À thì, không ai biết chúng có liên quan gì đến nhau đúng không? Trừ phi cô biết điều gì đó mà tôi không biết. Tất cả những gì chúng tôi biết là Natalie sẽ trở về an toàn và bình yên. Chưa tới hai ngày mà”.
“Có giả thuyết nào về Ann không?” tôi hỏi.
“Vài thằng điên, bệnh hoạn nào đó đã làm điều này. Mấy thằng đó lái qua thành phố, quên uống thuốc, nghe tiếng ai đó xúi giục. Đại loại vậy”.
“Sao ông lại nói thế?”
Ông dừng lại, lôi gói kẹo cao su ra khỏi túi quần sau, đưa mấy ngón tay vào lợi cho đến khi nhét được điếu thuốc vào. Miệng tôi bắt đầu nhức nhối vì tội nghiệp.
“Còn lý do nào khác khiến cô nhổ hết răng của một đứa bé con?”
“Hắn nhổ răng con bé?”
“Toàn bộ trừ phần răng hàm mới nhú”.
Sau một giờ đồng hồ vẫn không có kết quả hay thông tin gì khác, tôi chia tay đồng sự của mình, Ronald Kamens (“viết chữ cái đầu tiên trong tên đệm của tôi nhé, nếu cô không phiền: J.”), và tiến về phía nam, nơi tìm thấy thi thể của Ann hồi năm ngoái. Mười lăm phút sau thì tiếng gọi tên Natalie dần mất hẳn. Thêm mười phút nữa là tôi có thể nghe thấy Falls Creek, tiếng khóc tha thiết của dòng nước.
Rất khó vác một đứa trẻ đi xuyên qua những cánh rừng này. Cành cây và lá che khuất cả con đường, đám rễ thì ngoằn ngoèo trên mặt đất. Nếu Ann thật sự là một bé gái của Wind Gap, chắc chắn con bé phải có mái tóc dài đến tận lưng, thị trấn luôn yêu cầu nữ giới xuất hiện một cách tiêu biểu nhất đại diện cho giới tính của mình. Tôi cứ nhầm lẫn đám mạng nhện với những sợi tóc còn vướng vào đám cây bên đường.
Đám cỏ nơi phát hiện thi thể bị san bằng để tìm manh mối. Vài mẩu tàn thuốc của những kẻ tò mò rảnh rỗi để lại. Vài đứa trẻ buồn chán hù dọa đứa khác trông thấy những người điên lang thang, miệng đầy máu me.
Trong vũng nước, có một bờ đá mà sợi dây phơi quần áo xiết cổ Ann bị vướng lại, khiến thi thể cô bé trôi bập bềnh cả đêm. Bây giờ, dòng nước chỉ trôi êm đềm qua lớp cát. Ông Ronald J. Kamens đã rất tự hào khi nói với tôi: người dân thị trấn đã cạy hòn đá, chất lên xe, và đập nát nó bên ngoài thị trấn. Đó là một hành động của lòng tin, như thể việc phá hủy sẽ ngăn chặn tội ác trong tương tai. Có vẻ nó không có tác dụng.
Tôi ngồi xuống cạnh mép nước, lướt tay qua những viên đá. Nhặt một hòn đá mịn, nóng và áp vào má. Tôi tự hỏi Ann có bao giờ đến đây khi con bé còn sống không. Có thể thế hệ trẻ con sau này tại Wind Gap đã tìm ra thú tiêu khiển khác, thú vị hơn để trải qua mùa hè. Khi còn là một đứa trẻ, chúng tôi bơi xuống vùng hạ lưu có đám đá tảng quây thành một cái hồ cạn. Lũ tôm đồng lạo xạo dưới chân và chúng tôi ra sức bắt chúng, hét lên khi bắt được một con. Không đứa nào mặc đồ bơi, nó tốn quá nhiều thời gian. Thay vào đó, bạn đạp xe về nhà với quần sũng nước và áo cột quanh cổ, lắc lắc cái đầu như con chó bị ướt.
Thỉnh thoảng bọn con trai lớn tuổi hơn, trang bị súng ống và ăn trộm bia, đột ngột xuất hiện trên đường để bắn đám sóc bay hay thỏ rừng. Đám thịt máu me treo lủng lẳng trên dây nịt của chúng. Lũ trẻ đó, vênh váo, cáu gắt và người đầy mồ hôi, cố ý tấn công như thể không thấy bọn tôi, lúc nào cũng bắt nạt tôi. Có rất nhiều dạng săn bắn, giờ thì tôi mới biết. Vài quý ông thợ săn với quan điểm nhân đạo như Teddy Roosevelt [9] và những cuộc chơi lớn, những người kết thúc ngày làm việc vất vả trên cánh đồng bằng việc thưởng thức lát khoai tây giòn tan và tonic, bọn họ không phải là kiểu thợ săn mà tôi cùng lớn lên. Những thằng con trai mà tôi biết, từ khi còn trẻ, đã là những tay khát máu. Bọn họ tìm được những con thú khờ khạo, chúng vội vàng chạy như bay, rồi đổ ập sang một bên vì những viên đạn.
Khi tôi đang theo học lớp ngữ pháp ở trường, chừng mười hai tuổi, tôi thơ thẩn vào lều săn của một thằng nhóc hàng xóm, một căn nhà dựng bằng ván để lột da và xẻ thịt các con thú. Từng dải thịt hồng ẩm ướt đung đưa, đang được phơi khô. Sàn nhà dơ dáy, hư hỏng bởi những vệt máu. Trên tường là hình những cô gái khỏa thân. Vài cô gái bị kéo căng người, những người khác thì bị bắt phủ phục hay lăn lộn dưới đất. Một người phụ nữ bị treo lên, mắt mở to, ngực đung đưa và đường gân nổi lên như những chùm nho, trong khi gã đàn ông túm lấy cô từ phía sau. Tôi có thể ngửi thấy tất cả trong không khí đặc quánh, tanh mùi máu.
Tối đó ở nhà, tôi trượt tay vào quần lót của mình, thủ dâm lần đầu tiên trong đời, thở hổn hển và rũ rượi.
Chú thích:
[1] Ở đây tác giả sử dụng độ F.
[2] 1 lít Anh = 1.135lít.
[3] First Amendment: Tu chính án đầu tiên của hiến pháp Hoa Kỳ, tiến hành 12/1791 đề cập, sửa đổi liên quan đến các quyền như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận.
[4] Civil War: Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865), hay còn gọi là cuộc Chiến tranh Giữa các Tiểu bang (War Between the States), là một cuộc tranh chấp quân sự diễn ra tại Hoa Kỳ, giữa Chính phủ liên bang và các tiểu bang phía nam vào giữa thế kỷ 19.
[5] 1 inch = 2,54 cm.
[6] Main Street.
[7] Five - and - dime: chuỗi cửa hàng bán các mặt hàng đồng giá, thường là năm hay mười xu.
[8] Một tờ tạp chí ở Mỹ.
[9] Theodore Roosevelt, Jr. (27/10/1858 - 06/01/1919), được công chúng gọi với tên thân mật là T.R. hoặc Teddy. Ông là vị Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, lãnh đạo của Đảng Cộng hòa và Phong trào Tiến bộ.