Dịch giả: Anh Tô
Chương bốn

     i đó đã phun những vòng xoắn ốc màu xanh lên chân tháp nước ở công viên tưởng niệm Jacob J.Garrett, và nó thực sự kỳ quặc, như đang choàng vật trang trí bằng len móc vậy. Bản thân công viên - nơi Natalie Keene được nhìn thấy lần cuối cùng - vắng tanh. Bụi từ sân banh bốc lên chừng vài feet. Tôi có thể cảm nhận được nó trong cuống học hệt như vị trà bị ủ quá lâu. Đám cỏ mọc cao ngoài bìa rừng. Tôi ngạc nhiên là không ai ra lệnh xén bớt hay tiêu diệt chúng như mấy hòn đá mà Ann Nash bị vướng vào.
Khi tôi học trung học, công viên Garrett là nơi mọi người tụ tập mỗi cuối tuần để uống bia, hút thuốc hay ướp thịt bò khô cách bìa rừng khoảng ba feet. Đó là nơi tôi đã có nụ hôn đầu, ở tuổi mười ba, với một chàng cầu thủ bóng đá mồm đầy kẹo cao su. Cảm giác của mùi thuốc lá tác động mạnh đến tôi hơn chính nụ hôn, đằng sau xe của hắn tôi đã nôn ra rượu ướp lạnh với những lát trái cây bé xíu.
“James Capisi đã ở đây”.
Tôi quay lại và bắt gặp một cậu bé tròn quay khoảng mười tuổi, mặt bị muỗi đốt, đang cầm một trái banh tennis xù xì.
“James Capisi?” tôi hỏi
“Bạn em, nó đã ở đây khi bà ấy bắt Natalie”, thằng nhóc nói. “James thấy bà. Bà ta mặc một chiếc váy ngủ. Tụi nó đang chơi Frisbee [1] ở bìa rừng và bà ta bắt Natalie. Tuy không giống James cho lắm, nhưng nó đã quyết định đứng tại chỗ. Nên Natalie là đứa đứng ngay cạnh cái cây. James đứng ngoài đây vì mặt trời. Đáng lẽ nó không được đứng dưới mặt trời, vì mẹ nó bị ung thư da, nhưng nó vẫn làm. Hay là nó đã làm”. Thằng nhóc tung trái banh, và làm một đám bụi mù tung lên quanh mình.
“Nó không thích mặt trời hả?”
“Nó không thích gì nữa hết”.
“Vì Natalie?”
Thằng nhóc nhún vai.
“Vì James là đồ ẻo lả”.
Thằng nhóc nhìn tôi từ trên xuống dưới, rồi bất ngờ ném trái banh vào tôi, rất mạnh. Nó văng vào hông tôi và bật trở lại.
Nó thốt lên tiếng cười nho nhỏ, “Xin lỗi”. Nó đuổi theo trái banh, lần lữa một cách giả tạo, sau đó nhảy lên và ném mạnh xuống đất. Trái banh nảy lên khoảng mười feet, sau đó lăn cho đến khi dừng lại.
“Chị không hiểu những gì em nói. Ai mặc áo ngủ?” Tôi vẫn dán mắt vào trái banh đang tung lên.
“Người phụ nữ đã bắt Natalie”.
“Chờ đã, ý em là sao?” Câu chuyện tôi nghe được là Natalie chơi ở đây với mấy đứa bạn, rồi bọn nhóc lần lượt đi về nhà, và người ta cho rằng con bé bị bắt cóc đâu đó trên đường về.
“James thấy bà già đó bắt cóc Natalie. Chỉ có hai đứa nó ở đó, và tụi nó chơi Frisbee, rồi Natalie bắt trượt và lao vào đám cỏ cạnh khu rừng, và bà ta chỉ với tay ra và tóm lấy nó. Rồi họ biến mất. Và James chạy về nhà. Nó không ra ngoài kể từ đó”.
“Vậy làm sao em biết chuyện đã xảy ra?”
“Em đến thăm nó một lần. Nó kể cho em. Em là bồ tèo của nó mà”.
“James sống gần đây không?”
“Mẹ kiếp. Em nên đến nhà bà ở Arkansas nghỉ hè. Tốt hơn ở đây”.
Thằng nhóc ném trái bóng vào hàng rào và nó vướng vào đó, dãy hàng rào rung lên.
“Chị là người vùng này à?” Thằng nhóc bắt đầu đá đám bụi trong không khí.
“Ừ. Đã từng. Nhưng không còn nữa. Chỉ về thăm thôi”. Tôi thử lần nữa, “James sống có gần đây không?”
“Chị học trung học à?” gương mặt nó rám nắng. Nhìn thằng bé như một chú lính thủy đánh bộ tí hon.
“Không”.
“Đại học à?” Cằm nó đầy nước dãi.
“Lớn hơn”.
“Em phải đi rồi”. Nó đi lùi về sau, giật trái banh ra khỏi hàng rào như nhổ chiếc răng sâu, quay lại và nhìn tôi lần nữa, lúc lắc cặp mông với thái độ lo lắng. “Em phải đi rồi”. Thằng nhóc ném trái bóng về phía đường, đập vào xe của tôi với tiếng uỵch rất to. Thằng nhóc đuổi theo nó và biến mất.
Tôi tra Capisi, Janel trong tạp chí danh bạ mỏng ở FaStop của Wind Gap. Sau đó rót đầy ly Big Mouth với bột dâu và lái đến 3617 Holmes.
Nhà Capisi ở ngoài rìa khu dân cư nghèo phía Tây, khá xa thị trấn, một trong những căn nhà lộn xộn có hai phòng ngủ, phần lớn dân cư đều làm việc ở trang trại nuôi heo gần đó, một công ty tư nhân cung cấp khoảng 2% lượng thịt cho cả nước. Tìm một người nghèo ở Wind Gap và gần như họ luôn nói với bạn rằng họ làm ở trang trại, như cha ông mình. Về khía cạnh chăn nuôi nghĩa là có lũ lợn con để họ cạo lông và đóng thùng, có lũ lợn nái để họ phối giống và quây chúng lại, có đám phân heo để dọn dẹp. Về mặt giết mổ thì tệ hơn. Vài người lùa chúngvào lối đi mà các công nhân làm choáng đang chờ sẵn. Những người khác túm lấy chân sau, buộc chặt rồi thả lỏng để nâng con vật lên, trong khi chúng kêu ré lên và quẫy đạp, từ trên xuống dưới. Họ cắt cổ chúng bằng những con dao mổ thịt, máu vung vãi thành những dải màu lên nền đá. Sau đó nhồi vào những thùng nấu thịt. Tiếng thét bất tận - điên cuồng và dữ dội - các công nhân đều phải đeo đồ bịt tai, và trải qua mỗi ngày của họ trong cơn thịnh nộ yên lặng tuyệt đối. Tối đến, họ uống rượu và chơi nhạc, thật lớn. Quán rượu địa phương, Heelah’s, không có gì liên quan đến thịt heo, chỉ có thịt gà mềm, có thể đoán là được gia công tương tự bởi những công nhân trong một thị trấn buồn tẻ nào đó.
Vì ích lợi của việc tiết lộ đầy đủ, tôi cần nói thêm là mẹ tôi sở hữu toàn bộ hoạt động kinh doanh đó và nhận khoảng 1,2 triệu đô-la lợi nhuận thường niên. Bà để người khác điều hành nó.
Một con mèo đực đang kêu ngao ngao trước cổng vòm nhà Capisi, và khi bước đến gần, tôi có thể nghe thấy âm thanh ồn ào phát ra từ Chương trình giải trí buổi sáng trên ti vi. Tôi đập mạnh vào cửa chắn và chờ. Con mèo lờn vờn dưới chân tôi; tôi có thể cảm nhận xương sườn của nó qua lớp quần. Tôi đập cửa lần nữa, và tiếng ti vi tắt. Con mèo nằm do thám dưới xích đu ngoài hiên và kêu ngao ngao. Tôi lần ngón tay theo chữ gào rú ở mu bàn tay phải và lại gõ cửa.
“Mẹ à?” Một giọng con nít vọng qua cửa sổ mở.
Tôi bước lại gần, và qua lớp bụi trên cửa thì có thể thấy một cậu nhóc khá ốm với tóc xoăn đen và đôi mắt híp.
“Chào em, xin lỗi vì đã làm phiền. Em là James phải không?”
“Chị muốn gì?”
“Chào James, xin lỗi đã làm phiền em. Đang xem Chương trình gì hay lắm à?”
“Chị là cảnh sát à?”
“Chị đang cố giúp tìm xem ai làm hại bạn em. Chị nói chuyện với em được chứ?”
Cậu bé không rời đi, chỉ lần ngón tay dọc theo bệ cửa sổ. Tôi ngồi xuống chiếc xích đu cách xa chỗ cậu bé.
“Chị là Camille. Một người bạn của em đã kể cho chị nghe những gì em thấy. Một cậu bé tóc vàng rất ngắn”.
“Dee”.
“Đó là tên cậu ấy à? Chị thấy cậu ấy trong công viên, chỗ em chơi với Natalie ấy”.
“Bà ta bắt bạn ấy. Không ai tin em. Nhưng em không sợ. Em chỉ muốn ở trong nhà thôi. Mẹ em bị ung thư. Bà bị ốm”.
“Dee cũng nói với chị như vậy. Chị không trách em đâu. Hy vọng chị không làm em sợ khi đến như thế này”. Cậu bé bắt đầu cào móng tay dài lên cửa. Tiếng cào làm tai tôi ngứa ngáy.
“Chị không giống bà ta. Nếu chị giống bà ấy, em sẽ gọi cảnh sát. Hoặc sẽ bắn chị”.
“Bà ta trông thế nào?”
Cậu nhún vai. “Em đã nói rồi. Hàng trăm lần”.
“Một lần nữa thôi”.
“Bà ấy già”.
“Cỡ chị à?”
“Cỡ mẹ”.
“Còn gì nữa?”
“Mặc một chiếc váy ngủ màu trắng và tóc trắng. Cả người trắng toát nhưng không phải ma. Đó là những gì em luôn nói”.
“Trắng thế nào nhỉ?”
“Giống như bà ta không bao giờ ra ngoài”.
“Và người phụ nữ đó tóm lấy Natalie khi con bé đi vào rừng à?” Tôi hỏi với giọng dỗ dành ngon ngọt mà mẹ thường nói với nhân viên phục vụ.
“Em không nói dối”.
“Đương nhiên rồi. Người phụ nữ tóm lấy Natalie khi các em đang chơi với nhau à?”
“Nhanh lắm”, cậu gật đầu. “Natalie đang tìm Frisbee trên cỏ. Và em thấy bà từ trong rừng đi ra, nhìn theo bạn ấy. Em thấy bà ta trước Natalie. Nhưng em đã không sợ”.
“Dĩ nhiên là không rồi”.
“Ngay cả khi bà tóm lấy Natalie, thoạt tiên em cũng không sợ”.
“Nhưng sau đó thì có hả?”
“Không”. Giọng cậu lạc đi. “Em không sợ”.
“James, em có thể nói cho chị biết điều gì đã xảy ra khi bà ta tóm lấy Natalie không?”
“Bà kéo Natalie về phía mình, như đang ôm bạn ấy vậy. Và sau đó nhìn em. Bà ta nhìn em chằm chằm”.
“Bà ta nhìn em à?”
“Vâng. Bà ta cười với em. Trong một chốc em tưởng mọi chuyện vẫn ổn. Nhưng bà không nói gì cả. Và cũng không cười nữa. Bà đặt tay lên môi ra dấu im lặng. Và sau đó đi về phía khu rừng. Với Natalie”. Cậu nhún vai lần nữa. “Trước đây em đã nói tất cả những điều này”.
“Với cảnh sát à?”
“Đầu tiên là với mẹ, sau đó là cảnh sát. Mẹ bắt em nói. Nhưng cảnh sát không quan tâm”.
“Sao vậy?”
“Họ nghĩ em nói dối. Nhưng em không bày ra chuyện đó. Thật ngu ngốc”.
“Natalie có làm gì khi chuyện đó xảy ra không?”
“Không. Bạn ấy chỉ đứng đấy. Em không nghĩ bạn ấy biết mình phải làm gì”.
“Người phụ nữ đó có giống bất cứ ai mà em từng thấy trước đây không?”
“Không, em đã nói với chị rồi”. Cậu bước lùi khỏi cửa, và quay đầu nhìn phòng khách.
“Xin lỗi đã làm phiền em. Em nên rủ bạn bè đến chơi. Giữ liên lạc với bạn bè nhé”. Cậu lại nhún vai, cắn móng tay. “Em sẽ thấy khá hơn nếu ra ngoài”.
“Em không muốn. Hơn nữa, nhà em có súng”. Cậu chỉ khẩu súng lục nằm thăng bằng trên tay ghế tựa, cạnh chiếc bánh mì kẹp đang ăn dở. Lạy Chúa.
“Em chắc là em muốn dùng nó hả James? Em không muốn dùng đến nó đâu. Súng rất nguy hiểm”.
“Không nguy hiểm lắm đâu. Mẹ em không quan tâm”. Lần đầu tiên cậu nhìn thẳng vào tôi. “Chị đẹp thật. Tóc chị đẹp thật”.
“Cám ơn em”.
“Em phải đi đây”.
“Ok. Hãy cẩn thận nhé James”.
“Đó là điều em đang làm mà”. Cậu thở dài và bước xa cửa sổ. Vài giây sau tôi lại nghe tiếng ti vi cãi nhau ầm ĩ.
Có mười một quán rượu ở Wind Gap. Tôi đến một quán mình không biết, Sensors, ắt hẳn rất thịnh hành trong suốt thập niên 80 điên rồ, căn cứ vào những dải đèn neon zig-zag trên tường và một sàn nhảy nhỏ ở trung tâm. Tôi đang uống một ly bourbons và viết vội vàng các ghi chú trong ngày thì tay thám tử Kansas City ngồi phịch xuống chiếc ghế bành đối diện. Anh ta khua ly bia lách cách trên bàn giữa chúng tôi.
“Tôi nghĩ phóng viên không được tiếp cận trẻ em vị thành niên khi chưa được phép chứ”. Anh ta cười, nhấp một ngụm. Hẳn mẹ của James đã gọi.
“Phóng viên phải táo bạo khi cảnh sát hoàn toàn đá họ ra ngoài cuộc điều tra”, tôi nói mà không hề ngước nhìn.
Trò này cũ rồi. Tôi quay lại với các ghi chú của mình, chiếc áo len lấm tấm mồ hôi.
“Thử cách tiếp cận khác xem nào. Tôi là Richard Willis”. Anh ta nhấp một ngụm nữa, vỗ nhẹ vào môi. “Cô có thể bắt đầu trò chơi của mình. Nó hiệu quả ở vài mức độ”.
“Hấp dẫn đấy”.
“Gớm như thằng khốn. Kinh như cảnh sát”.
“Ừ, tôi hiểu rồi”.
“Và cô là Camille Preaker, cô gái Wind Gap đã thành công ở thành phố lớn”.
“Ồ, đúng là tôi rồi”.
Anh ta cười theo kiểu Chiclet rất đáng báo động và lùa tay vào tóc. Không có nhẫn cưới.Tôi tự hỏi từ khi nào mình bắt đầu chú ý những việc như thế.
“Được rồi, Camille, cô nghĩ sao nếu chúng ta tạm đình chiến? Ít nhất là lúc này. Để xem mọi việc thế nào. Tôi đoán mình không cần phải lên lớp cô về việc thằng nhóc Capisi nữa nhỉ”.
“Tôi nghĩ anh phải nhận ra là chẳng có gì để dạy đời tôi cả. Tại sao cảnh sát lại bỏ lỡ một nhân chứng tận mắt chứng kiến vụ bắt cóc Natalie Keene?” Tôi cầm cây bút lên để anh ta biết chúng tôi đang được ghi âm.
“Ai nói chúng tôi bỏ qua nó?”
“James Capisi”.
“Ah uh, đó là một nguồn tin tốt đó”. Anh ta cười. “Tôi sẽ để cô biết vài chuyện, Cô Preaker”. Rồi làm một động tác bắt chước y hệt Vickery, xoắn chiếc nhẫn tưởng tượng màu hồng nhạt: “Chúng tôi không để một cậu-nhóc-chín-tuổi trở thành phần riêng tư đặc biệt của cuộc điều tra đang tiến hành bằng cách này hay cách khác. Cho dù chúng tôi có tin vào câu chuyện của nó hay không”.
“Anh có tin không?”
“Tôi không thể bình luận gì”.
“Nếu như anh có sự mô tả khá rõ nét của một vụ án nghi ngờ mưu sát, anh sẽ muốn mọi người xung quanh đây biết để họ có thể dè chừng. Nhưng anh đã không làm điều đó, nên tôi cho là anh đã phủ nhận câu chuyện”.
“Một lần nữa, tôi không thể bình luận gì”.
“Tôi biết Ann Nash không bị quấy rối tình dục”, tôi tiếp tục. “Trường hợp của Natalie cũng vậy phải không?”
“Thưa cô Preaker, tôi không thể bình luận gì lúc này”.
“Vậy tại sao anh lại ngồi đây nói chuyện với tôi?”
“À, trước hết, tôi biết cô tốn rất nhiều thời gian, tất nhiên là thời gian dành cho công việc, với những sĩ quan của chúng tôi ngày hôm đó, cung cấp cho ông ta phiên bản câu chuyện của cô khi tìm ra thi thể Natalie. Tôi muốn cám ơn cô”.
Phiên bản của tôi?”
“Ai cũng có phiên bản ký ức của riêng mình”, anh ta nói. “Đứng từ đằng xa, cô nói rằng Natalie mở mắt. Vợ chồng Broussads thì nói mắt con bé nhắm lại”.
“Tôi không thể bình luận gì”. Tôi cảm thấy khá cay cú.
“Tôi nghiêng về việc tín nhiệm một người phụ nữ lựa chọn công việc trở thành một phóng viên hơn là hai người lớn tuổi kinh doanh nhà hàng”. Willis nói, “Nhưng tôi thích nghe là cô cam đoan như thế nào”.
“Natalie có bị lạm dụng tình dục không? Không ghi âm”. Tôi đặt cây bút xuống.
Anh ta ngồi im lặng vài giây, nắm chặt chai bia.
“Không”.
“Tôi cam đoan mắt con bé mở. Nhưng anh cũng ở đấy mà”.
“Tôi có ở đấy”, anh ta nói.
“Nên anh chẳng cần tôi khẳng định điều đó. Lý do thứ hai là gì?”
“Sao cơ?”
“Anh nói, ‘đầu tiên...’”
“A, đúng rồi. Lý do thứ hai tôi muốn nói chuyện với cô, thật ra mà nói thì - điều này xứng đáng với giá trị của cô - do tôi liều mạng muốn nói chuyện với một cô gái ‘không xuất xứ’ như cô”. Răng của anh ta sáng lóe vào tôi. “Ý tôi là, tôi biết cô xuất thân ở đây. Và không biết cô làm điều đó như thế nào. Tôi đã đi về nơi này từ tháng Tám và sắp phát điên. Không phải Kansas City là một trung tâm náo nhiệt gì, nhưng nó cũng có cuộc sống về đêm. Một dạng văn hóa... vài nền văn hóa. Còn có người”.
“Tôi chắc chắn anh đang làm rất tốt”.
“Giờ thì đỡ hơn rồi. Tôi đã ở đây được một thời gian”.
“Vâng”. Tôi hướng quyển sổ của mình về phía anh ta. “Vậy giả thuyết của anh là gì, anh Willis?”
“Thật ra nên là Thanh tra Willis”. Anh ta mỉm cười. Tôi uống xong ly của mình chỉ một hớp, và bắt đầu nhai ống hút trong ly cocktail. “Vậy thì, Camille, tôi có thể mời cô ly nữa chứ?”
Tôi xóc nhẹ ly của mình và gật đầu, “Rượu bourbons lắc với đá”.
“Tuyệt”.
Khi anh ta đến quầy rượu, tôi lấy cây viết của mình và viết chữ đê tiện vào cổ tay theo lối viết tháu. Anh ta quay lại với hai ly Wild Tirkeys.
“Vậy thì”. Anh ta nhướng lông mày nhìn tôi. “Đề nghị của tôi là chúng ta sẽ nói chuyện thêm một chút nữa. Như các thường dân. Tôi thực sự mong điều này. Bill Vickery không thật sự cố hiểu tôi”.
“Cả hai người đều thế cả”.
“Đúng. Vậy nên, cô sinh ra ở Wind Gap, và giờ cô làm việc cho một tờ báo ở Chicago. Tribune?”
Daily Post”.
“Tôi không biết rồi”.
“Anh không biết đâu”.
“Ở đó tốt chứ?”
“Bình thường. Chỉ bình thường thôi”. Tôi không có tâm trạng quyến rũ, không chắc là tôi nhớ sự rèn luyện này. Adora là một tài năng trong gia đình - ngay cả người diệt mối cũng gửi thiệp Giáng Sinh mỗi năm một lần.
“Cô không cho tôi cơ hội nói chuyện với cô, Camille. Nếu cô muốn tôi rời khỏi đây, tôi sẽ đi”.
Tôi không muốn, sự thật là vậy. Anh ta ưa nhìn, và giọng nói cũng khiến tôi đỡ thấy mệt mỏi hơn. Tôi cũng không thấy tổn thương vì anh ta không thuộc về nơi này.
“Tôi xin lỗi vì đã nói năng cụt ngủn. Phải trở thành một kẻ cứng rắn. Viết về những điều này cũng chẳng giúp được gì”.
“Bao lâu rồi cô mới quay lại đây?”
“Vài năm. Chính xác là tám năm”.
“Nhưng cô vẫn còn gia đình ở đây mà”.
“Ồ vâng. Những công dân Wind Gap chân chính. Tôi nghĩ đó là phần tham khảo, cho câu hỏi sáng nay của anh”.
“Ồ, cám ơn. Tôi ghét chế nhạo những người tốt quanh đây. Hơn những gì tôi có. Vậy họ hàng của cô thích ở đây chứ?”
“Ừm. Không bao giờ tơ tưởng đến việc rời khỏi nơi này. Quá nhiều bạn. Căn nhà quá hoàn hảo. Vân vân và vân vân”.
“Cả cha mẹ cô đều sinh ra ở đây à?”
Vài gã trạc tuổi tôi, trông rất quen, vừa ngồi sụp xuống bàn bên cạnh, mỗi gã nốc một vại bia. Tôi hy vọng họ không thấy tôi.
“Mẹ tôi sinh ra ở đây. Cha dượng thì ở Tennessee. Ông chuyển đến đây khi họ kết hôn”.
“Khi nào?”
“Gần ba mươi năm trước, tôi đoán vậy”. Tôi cố gắng uống chậm lại để không vượt qua anh ta.
“Còn cha cô thì?”
Tôi cười một cách mỉa mai: “Anh lớn lên ở Kansas City à?”
“Ờ. Không bao giờ tơ tưởng đến việc rời đi. Quá nhiều bạn. Căn nhà quá hoàn hảo. Vân vân và vân vân”.
“Và làm cảnh sát ở đó có... tốt không?”
“Cô biết đó, có vài vụ. Đủ để tôi không trở thành Vickery. Năm ngoái tôi đã điều tra vài vụ rất khó. Hầu như là mưu sát. Chúng tôi bắt được gã tấn công hàng loạt phụ nữ xung quanh thị trấn”.
“Cưỡng hiếp?”
“Không. Gã cưỡi lên họ và sục vào miệng họ, cào nát cổ họng thành từng mảnh nhỏ”.
“Chúa ơi”.
“Bọn tôi bắt được hắn. Một gã bán rượu trung niên sống với mẹ, và mảnh da cổ họng của nạn nhân cuối cùng vẫn còn dính trên móng tay của hắn. Mười ngày sau vụ tấn công”.
Tôi không rõ anh ta rên rỉ vì sự ngu ngốc của gã giết người hay sự dơ bẩn của gã nữa.
“Tốt đấy”.
“Giờ thì tôi ở đây. Thị trấn nhỏ hơn, nhưng phạm vi lớn hơn. Lần đầu Vickery gọi cho chúng tôi, vụ án vẫn chưa nghiêm trọng. Nên họ gửi ai đó tầm tầm để giải quyết. Tôi”. Anh ta cười, gần như tự chế giễu chính mình. “Và sau đó nó chuyển thành vụ án liên hoàn. Họ để tôi tiếp tục theo nó đến bây giờ - tin rằng tốt nhất tôi không nên làm hỏng nó”.
Trường hợp của anh ta nghe rất quen.
“Thật kỳ lạ khi có bước đột phá lớn nhất của mình dựa vào những điều xấu xa”, anh ta nói tiếp. “Nhưng cô phải biết về nó - cô phụ trách kiểu tin tức gì ở Chicago?”
“Tôi theo những vụ dính đến cảnh sát, tất nhiên cũng gần giống các các vụ chết tiệt anh biết đấy: đe dọa, cưỡng hiếp, giết người”. Tôi muốn anh ta biết mình cũng có những chuyện kinh khủng. Ngu ngốc, nhưng tôi bị cuốn theo. “Tháng trước là một ông già tám mươi hai tuổi. Con trai ông ta giết ông, sau đó bỏ ông vào bồn tắm của Drano cho đến khi phân hủy. Gã thú nhận, nhưng không hé nguyên nhân làm vậy, đương nhiên”.
Tôi hối hận vì đã dùng từ chết tiệt khi miêu tả những vụ lạm dụng, cưỡng hiếp, giết người. Nghe có vẻ thiếu tôn trọng.
“Như thể cả hai chúng ta đều thấy những điều xấu xa”, Richard nói.
“Vâng”. Tôi xoay chặt cái ly, không nói gì.
“Tôi rất tiếc”.
“Tôi cũng vậy”.
Anh ta quan sát tôi. Người pha chế chuyển ánh đèn trong quán sang chế độ yếu hơn, tín hiệu chính thức cho thấy đã đến giờ phục vụ buổi tối.
“Lúc nào đó chúng ta nên đi xem phim”. Anh ta nói với giọng ôn hòa, giống như một buổi xem phim ở rạp chiếu địa phương sẽ giúp ích cho tôi ít nhiều.
“Có thể”. Tôi nốc hết phần còn lại trong ly của mình. “Có thể”.
Anh ta bóc nhãn chai bia rỗng bên cạnh và vuốt nó lên bàn. Dấu hiệu chắc chắn là anh ta chưa bao giờ vào quán rượu.
“À, Richard, cám ơn đã mời tôi. Tôi phải về đây”.
“Rất vui được nói chuyện với cô, Camille. Tôi đưa cô ra xe nhé”.
“À không cần, tôi ổn mà”.
“Cô lái xe được không? Tôi hứa không đóng vai cảnh sát đâu”.
“Tôi ổn mà”.
“Ừ. Mơ đẹp nhé”.
“Anh cũng vậy. Lần sau tôi muốn có gì đó có thể ghi âm lại”.
Alan, Adora và Amma đều ngồi trong phòng khách khi tôi về. Khung cảnh đó làm tôi sửng sốt, thật sự nó quá giống những ngày xưa khi còn Marian. Amma và mẹ tôi ngồi trên ghế bành, mẹ tôi bế Amma - trong chiếc áo ngủ bằng len mặc kệ cái nóng như thiêu đốt - con bé đang ngậm một viên đá trong miệng. Đứa em kế nhìn tôi chằm chằm với vẻ thỏa mãn sáo rỗng, sau đó quay lại chơi với chiếc bàn bằng gỗ gụ sáng màu, giống y chang chiếc bàn ở phòng bên cạnh, ngoại trừ nó chỉ cao có bốn inch.
“Không có gì phải lo lắng cả”. Alan nói, ngẩng lên từ tờ báo đang đọc dở. “Amma chỉ bị một cơn cảm cúm mùa hè thôi”.
Tôi cảm thấy một hồi chuông cảnh báo, sau đó là nỗi phiền muộn: tôi thấy mình đang chìm vào những hành động của ngày xưa là quay vào bếp hâm nóng một ít trà, như tôi vẫn làm khi Marian bệnh. Tôi định ngồi nán lại gần mẹ, chờ bà đặt một cánh tay vòng quanh tôi. Mẹ tôi và Amma không nói gì. Thậm chí bà không hề ngước lên nhìn tôi, chỉ ôm ghì Amma vào lòng và thì thầm vào tai nó.
“Người nhà Crellin chúng ta hơi mỏng manh một chút”. Alan nói với vẻ hơi tội lỗi.
Các bác sĩ ở Woodberry, thực tế, có lẽ gặp nhà Crellin một tuần một lần - cả mẹ tôi và Alan đều phản ứng thái quá với những gì liên quan đến sức khỏe của họ. Khi tôi còn bé, tôi nhớ mẹ từng cố chữa bệnh cho tôi bằng thuốc mỡ và dầu, những phương thuốc tại gia và phương pháp vi lượng đồng cân vô lý. Đôi khi tôi chấp nhận những giải pháp hôi thối này, nhưng phần lớn là phản đối. Và Marian bệnh, bệnh rất nặng, và Adora có nhiều chuyện quan trọng để làm hơn là dỗ dành tôi nuốt mầm lúa mì. Bây giờ tôi lại thấy dằn vặt: những loại si rô và thuốc bà ép tôi uống, và tôi đã từ chối. Đó là lần cuối cùng tôi nhận được toàn bộ sự quan tâm của bà như một người mẹ. Đột nhiên tôi ước gì mình đã dễ dãi hơn.
Nhà Crellin. Mọi người đều là người nhà Crellin, trừ tôi, tôi nghĩ một cách ấu trĩ.
“Chị rất tiếc là em bị bệnh, Amma”, tôi nói.
“Hoa văn ở chân bàn bị sai”, Amma bất ngờ rên rỉ. Con bé giơ chiếc bàn lên cho mẹ tôi thấy, đầy phẫn nộ.
“Con tinh mắt quá, Amma”. Adora nói, liếc mắt về phía vật thu nhỏ. “Nhưng gần như không thể nhận ra, cưng à. Chỉ có con biết thôi”. Bà vuốt mái tóc hơi ẩm của Amma.
“Con không muốn nó bị sai”. Amma nói, trừng mắt vào nó. “Chúng ta phải trả lại. Tại sao phải có hàng-đặt-đặc-biệt khi nó không đúng?”
“Cưng à, mẹ hứa với con, không thể nhận ra mà”. Mẹ tôi vỗ má Amma, nhưng con bé đã đứng lên.
“Mẹ nói nó sẽ hoàn hảo. Mẹ đã hứa!” Giọng con bé ngập ngừng và nước mắt bắt đầu rơi xuống mặt. “Bây giờ thì hỏng hết. Mọi chuyện đều hỏng bét. Đó là phòng ăn - nó không thể có một cái bàn không hợp được. Con ghét nó!”
“Amma...” Alan gấp tờ báo lại và bước đến vòng tay ôm con bé, nhưng nó giãy mạnh ra.
“Đó là tất cả những gì con muốn, tất cả những gì con yêu cầu, và ba mẹ thậm chí chả thèm quan tâm nó đúng hay không!” Giờ thì con bé gào lên trong cơn giận cực điểm, nước mắt tuôn rơi và gương mặt nó xoắn lại vì giận dữ.
“Amma, bình tĩnh nào”. Alan nói nhẹ nhàng, thử ôm con bé lần nữa.
“Đó là tất cả những gì con muốn!” Amma kêu lên ăng ẳng và đập chiếc bàn xuống đất, nó vỡ thành năm mảnh. Con bé đập cho đến khi nó chỉ còn là những mảnh vụn, sau đó vùi mặt vào ghế bành và khóc thét lên.
“Ôi chao”, mẹ tôi nói. “Có vẻ chúng ta phải cần một cái mới nhỉ”.
Tôi rút về phòng mình, tránh xa đứa con gái nhỏ khủng khiếp, không hề giống Marian. Cả người tôi hướng về ngọn lửa. Tôi dịu đi một chút, cố nhớ cách hít thở sao cho đúng, làm sao để da mình bình tĩnh. Đôi khi những vết sẹo của tôi có ý thức của riêng chúng.
Tôi là một đứa chuyên rạch lên da thịt mình, bạn thấy đấy. Còn có những kẻ cắt bằng kềm, rọc, khoan, đâm nữa. Tôi là một trường hợp rất đặc biệt. Tôi có mục đích. Da của tôi, nó kêu gào. Nó được bao phủ bởi rất nhiều từ ngữ - nấu ăn, bánh cupcake, mèo con, lọn tóc - như thể một người chuyên dùng dao học cách viết lên da thịt tôi ở lớp vỡ lòng vậy. Tôi thỉnh thoảng, chỉ thỉnh thoảng thôi, phá ra cười. Ra khỏi phòng tắm và thấy, qua khóe mắt, phía dưới chân: búp bê. Kéo áo len lên, và liếc qua cổ tay: bị thương. Vì sao là những từ ngữ đó? Tốn hàng ngàn giờ điều trị để sinh ra chút ý tưởng từ những vị bác sĩ đáng kính. Thường là phụ nữ, như trong truyện Dick và Jane, màu hồng đối chọi với chó con. Hoặc là nó hết sức tiêu cực. Có khoảng mười một từ đồng nghĩa với lo lắng được khắc trên da tôi. Ở thời điểm đó, tôi biết chắc một điều, ở thời điểm đó, tôi buộc phải thấy những từ đó trên cơ thể, và không chỉ là nhìn thấy, mà là cảm nhận chúng. Cháy bỏng bên hông trái: váy lót.
Và gần đó, từ đầu tiên của tôi, được rạch lên trong một ngày mùa hạ đầy hoang mang ở tuổi mười ba: độc ác. Sáng hôm đó tôi thức dậy, nóng nực và buồn chán, lo lắng về khoảng thời gian sắp tới. Bạn làm thế nào để cảm thấy an toàn khi có cả ngày dài rộng lớn và trống rỗng như trời xanh? Điều gì đó có thể xảy ra không. Tôi nhớ mình đã cảm nhận được từ này, nặng nề và nhẹ nhàng quanh khung xương của mình. Con dao làm thịt của mẹ tôi. Tôi cắt như một đứa trẻ viền quanh một lằn ranh đỏ tưởng tượng. Tự lau sạch mình. Cắt sâu hơn. Rồi tự lau sạch. Đổ thuốc tẩy lên con dao và lẻn qua nhà bếp trả lại nó. Độc ác. Thanh thản. Thời gian còn lại trong ngày, tôi chăm sóc vết rạch. Khoét sâu theo đường viền của chữ A với tăm bông tẩm đầy rượu. Vuốt ve gò má cho đến khi cảm giác nhức nhối biến mất. Kem dưỡng da. Băng gạc. Rồi lặp lại.
Vấn đề thực sự đã bắt đầu từ trước đó rất lâu, tất nhiên. Các vấn đề thường nảy sinh từ lâu trước khi bạn thật sự phát hiện ra chúng. Tôi chín tuổi và với cây viết chì đậm thân lốm đốm, viết lại từng chữ của toàn bộ câu chuyện Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên trong quyển sổ tay có bìa màu xanh.
Khi lên mười, tôi viết lên chiếc quần jeans mọi từ ngữ mà giáo viên nói bằng cây bút bi của mình. Tôi giặt chúng, một cách tội lỗi, bí mật, trong bồn tắm bằng sữa tắm trẻ em. Đám từ ngữ tan ra và nhòe đi, để lại dấu như chữ tượng hình trên ống quần, như chân của một chú chim nào đó bị dính mực đã nhảy tung tăng lên đó và để lại dấu.
Mười một tuổi, tôi ép mình viết lại tất cả những gì mọi người nói với tôi vào quyển sổ nhỏ màu xanh như một phóng viên tí hon. Mọi mệnh đề đều phải được ghi lại trên giấy hoặc nó sẽ không còn thật nữa, chúng sẽ trôi đi. Tôi thấy câu chữ lơ lửng giữa không trung - Camille, chuyền vại sữa lại đây - và nỗi lo lắng dâng lên khi chúng bắt đầu nhòe đi, khi lớp khí tan đi. Ngược lại, viết xuống giúp tôi giữ được chúng. Không còn lo lắng sẽ biến mất. Tôi từng là nhà bảo tồn ngôn ngữ. Tôi là một học sinh lập dị, một học sinh lớp tám vô cùng căng thẳng luôn ghi lại tất cả lời nói xung quanh (“Thầy Feeney là gay”, “Jamie Dobson rất xấu xí”, “Chúng không bao giờ có sữa sô cô la”) với đường viền sắc bén gần như cuồng tín.
Marian mất ngay trong sinh nhật lần thứ mười ba của tôi. Tôi thức dậy, chạy xuống hành lang để chào con bé - luôn luôn là việc làm đầu tiên mỗi ngày - và thấy con bé, mắt mở, mền trùm qua cằm. Tôi còn nhớ mình đã không quá bất ngờ. Con bé gần như đã hấp hối trong suốt khoảng thời gian mà tôi còn chút ký ức.
Mùa hè năm ấy, những chuyện khác cũng xảy ra. Đột nhiên tôi trở nên im lặng, xinh đẹp không thể tin được. Có điều gì đó rất kỳ lạ. Marian luôn được cho là đứa xinh hơn: mắt to xanh biếc, mũi nhỏ, chiếc cằm hoàn hảo. Nét mặt của tôi thay đổi từng ngày, như thể một đám mây bay qua đã trau chuốt vẻ mặt của tôi hoặc lấy đi vẻ xanh xao vốn có. Nhưng một khi nó trở thành hiện thực - cũng là mùa hè tôi nhận ra vết máu lấm tấm trên đùi mình - tôi bị cuốn vào. Tôi tự huyễn hoặc chính mình, tự vuốt ve một cách bất thường khi đứng trước bất kỳ tấm gương nào có thể tìm thấy. Không hề xấu hổ như một chú ngựa non. Và mọi người yêu quý tôi. Và tôi không còn là trường hợp đáng thương nữa (kỳ lạ thay, so với đứa em gái đã chết). Tôi đã là một đứa con gái xinh đẹp hơn (buồn thay, so với đứa em gái đã chết). Và vì thế tôi trở nên nổi tiếng.
Cũng chính mùa hè năm đó, tôi bắt đầu rạch tay mình, và nó trở thành một nghi thức dâng hiến cho vẻ ngoài xinh xắn mới có của tôi. Tôi cuồng si việc chăm sóc bản thân, lau sạch vết máu để nhận ra những khám phá kỳ diệu, ngay trên rốn là buồn nôn. Với một miếng bông gòn chấm cồn, những đường khắc mỏng manh dính với những vết máu ghi chữ: tự đắc. Tôi đã rạch những đường nét dơ bẩn ở năm đầu trung học, nhưng sau đó thì thay đổi được. Những vết rạch nhanh và bộ phận sinh dục nữ chuyển thành không thể, dương vật chuyển sang đằng sau, clit chuyển sang một từ rất không giống với con mèo, chữ li được chỉnh thành một chữ A hoa không cân xứng [2].
Chữ cuối cùng tôi khắc lên cơ thể mình, mười sáu năm sau khi tôi bắt đầu: bốc hơi.
Đôi khi tôi nghe từ ngữ cãi nhau dọc cơ thể mình. Trên vai, quần lót gọi xuống sơ ri ở mặt trong khuỷu tay phải. Ngay dưới ngón chân cái, cưa ra sức đe dọa em bé nằm dưới ngực trái của tôi. Tôi có thể bắt chúng im lặng khi nghĩ đến bốc hơi, lúc nào cũng vững chãi và kiên định, thống trị những từ khác từ vết hõm an toàn trên cổ tôi.
Ngay cả giữa lưng, vốn rất khó với tới, là một vòng tròn hoàn hảo có kích thước cỡ nắm tay.
Nhiều năm trôi qua và tôi tự dựng nên một câu chuyện đùa. Bạn có thể đọc được tôi không? Bạn có muốn tôi đánh vần chúng không? Tôi đã cho bản thân mình một bản án chung thân. Thật thú vị, đúng không? Tôi không thể chịu được khi nhìn vào mình mà không được từ ngữ bao bọc hoàn toàn. Một ngày nào đó, tôi sẽ đến bác sĩ phẫu thuật, xem họ có thể làm gì để tôi mượt mà trở lại, nhưng giờ thì tôi chưa thể chịu nổi phản ứng của người khác. Thay vào đó, tôi uống rượu để không phải nghĩ nhiều đến những gì đã làm với cơ thể mình, và để tôi không làm điều đó nữa. Phần lớn thời gian khi tỉnh dậy, tôi lại muốn rạch da mình. Tuy nhiên không còn là những từ đơn lẻ nữa. Lập lờ, Ú ớ, Lạ lẫm. Ở bệnh viện của tôi tại Illinois họ sẽ không cho phép chuyện này.
Những ai cần một cái tên thì có sẵn một rổ quà đầy tên thuốc. Tất cả những gì tôi biết là việc rạch da khiến tôi cảm thấy an toàn. Nó là bằng chứng. Ý nghĩ và từ ngữ được bắt lại khi tôi có thể thấy chúng và lần theo chúng. Sự thật, nhức nhối trên da tôi, theo lối tốc ký cẩu thả. Kể với tôi là bạn đi bác sĩ, và tôi muốn khắc phiền toái lên cánh tay. Nói là bạn đang yêu và tôi bắt đầu cảm thấy những đường nét của bi kịch râm ran trên ngực. Tôi không cần thiết phải được chữa trị. Nhưng tôi đã hết chỗ để viết, rạch lên giữa những ngón chân - xấu xa, khóc lóc - cũng giống như tên nghiện tìm những mạch máu cuối cùng vậy. Bốc hơi làm điều đó giùm tôi. Tôi để dành vị trí cổ như một chốn sơ khai, cho một nhát cắt tuyệt diệu cuối cùng. Và tôi thay đổi. Tôi sống ở bệnh viện hai mươi bốn tuần. Đó là một nơi đặc biệt dành cho những ai cắt rạch chính mình, gần như toàn phụ nữ và thường dưới hai mươi lăm. Tôi vào đó khi đã ba mươi tuổi. Sáu tháng là xuất viện. Một thời điểm nhạy cảm.
Curry đến thăm tôi một lần và mang theo hoa hồng vàng. Họ vặt hết những cái gai trước khi ông được phép vào phòng tiếp tân, những mảnh vỡ được cho vào thùng nhựa - Curry nói trông như những chai thuốc - được khóa kỹ cho đến khi người dọn rác đến gom chúng đi. Chúng tôi ngồi ở phòng sinh hoạt, những chiếc ghế bằng vải lông với các góc được bọc lại và nói về tòa soạn, vợ ông và những tin tức mới nhất về Chicago, tôi quan sát xem ông có bất kỳ vật sắc nhọn nào không. Một cái khóa dây nịt, một cái kim băng, một chiếc kim đồng hồ.
“Tôi rất tiếc, cô gái ạ”, ông nói vào cuối buổi gặp và tôi có thể nói là ông thật sự nghĩ thế, vì giọng nói não nề của ông lúc đó.
Khi ông rời đi, tôi cảm thấy phát bệnh với chính mình đến nỗi đã nôn trong phòng tắm, và trong khi nôn, tôi để ý một chiếc đinh bọc nhựa ở phía sau bồn cầu. Tôi giật phần nắp và chà xát nó vào mu bàn tay mình - Tôi - cho đến khi những người quan sát kéo tôi ra, máu bắn tung tóe từ vết thương như sắt nung.
Bạn cùng phòng của tôi đã tự tử hồi tuần trước. Tất nhiên không phải là rạch tay, thật mỉa mai làm sao. Cô nuốt một chai Windex của người gác cổng bỏ quên. Cô bé mới mười sáu tuổi, cựu đội trưởng đội cổ vũ, từng rạch ở phần đùi trên để không ai nhận ra. Cha mẹ cô nhìn tôi chằm chằm khi họ đến thu dọn đồ của cô bé.
Họ luôn luôn lấy những nỗi buồn là dấu hiệu trầm cảm, nhưng tôi dường như rất vui vẻ khi thức giấc với vẻ ngoài phấn chấn. Vẻ trầm cảm, theo tôi, là màu vàng của nước tiểu. Giặt sạch, rút hết thứ nước tiểu của bệnh tật.
Y tá cấp thuốc cho chúng tôi để làm dịu những cơn đau nhức trên da. Và thêm nhiều thuốc nữa để dỗ dành đầu óc đang bùng cháy. Chúng tôi được rà soát cơ thể hai lần một tuần để xem có vật gì sắc nhọn không, và ngồi thành nhóm, trên lý thuyết, là để tự thanh lọc bản thân khỏi sự giận dữ và lòng thù hận cá nhân. Chúng tôi học cách không quy chụp chính mình. Chúng tôi học đổ lỗi. Sau một tháng với hành vi tốt, chúng tôi nhận được sữa tắm mịn màng và được mát xa. Chúng tôi được dạy những điều tốt đẹp của sự đụng chạm.
Một người khác nữa đến thăm tôi là mẹ, người mà tôi đã không gặp gần cả thập kỷ. Bà thơm mùi hoa tím và đeo một chiếc vòng cổ rất quyến rũ mà tôi từng thèm muốn khi còn bé. Khi chúng tôi ở một mình với nhau, bà nói về những hoa lá trang trí và vài điều luật mới của thị trấn yêu cầu đèn Giáng Sinh phải được tháo xuống trước ngày 15 tháng Giêng. Khi bác sĩ vào, bà khóc lóc, tỏ ra nóng giận và nhăn nhó với tôi. Bà vuốt tóc tôi và tự hỏi sao tôi lại làm thế với bản thân mình.
Sau đó, chắc chắn là, lại bắt đầu câu chuyện về Marian. Bà đã mất một đứa con, như bạn thấy đấy. Điều đó gần như giết chết bà. Tại sao đứa lớn hơn (tuy thế, chắc chắn là ít được yêu thương hơn) lại chọn cách làm tổn thương chính mình? Tôi quá khác đứa con đã mất của bà, người mà - nghĩ về nó - đã gần ba mươi tuổi nếu còn sống. Marian yêu quý cuộc sống, đó là những gì con bé tiếp nhận. Thần thánh ơi, con bé tiếp nhận cả thế giới - nhớ không, Camille, cái cách mà con bé cười đùa ngay cả trong bệnh viện.
Tôi ghét phải nói cho bà biết rằng đó chỉ là biểu hiện tự nhiên của một đứa trẻ mười tuổi đang hoang mang và hấp hối. Sao lại phiền? Không thể đấu tranh với cái chết. Tôi ước gì mình đã ngừng cố gắng.
Chú thích:
[1] Trò chơi ném dĩa, hay còn gọi là “Flying disc”.
[2] Cunt thành can’t; cock thành back, clit thành cat.