CHƯƠNG I
“Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận chứa một điều cao cả"

Đêm trở gió. Ngôi nhà tranh đã thấp càng như chùng xuống dưới những đợt gió quét liên hồi. Mái rạ đã oải mục rung lên bần bật. Tiếng cột kèo đòn tay xoắn vặn vào nhau, rít lên, oằn mình chống đỡ. Tiếng trẻ con giật mình khóc thét làm bà Thuận bừng tỉnh. Vừa sờ soạng luồn tay xuống lưng con bé xem lại mảnh lót, bà vừa cất tiếng vỗ về, giọng còn ngái ngủ:
- Ui chao! U thương, u thương...
Vừa ru, bàn tay bà vỗ nhè nhẹ. Một lúc, tiếng trẻ ọ ẹ rồi nín bặt. Vươn tay quấn lại mớ tóc dài vừa xoà xuống lưng, bà nhẹ nhàng quờ chân xuống đất, bưng ngọn đèn mỡ phập phù, lần lần soi sang chỗ hai đứa con lớn đang ôm nhau ngủ. Lạnh như cật nứa cắt da! Nhìn hai đứa con xo người vì lạnh, quắp chặt vào nhau, bà xuýt xoa. Kéo tấm chăn cũ đắp lại cho con, bà nén tiếng thở dài.
Trời thật chẳng thương người nghèo. Hết nắng hạn nứt đồng lại mưa thối đất thối cát. Vừa nắng ong ong như vãi trấu hôm trước, ngoắt cái trở mặt, làm cua cá chết sạch gió bấc tràn về như bào da cắt thịt. Đến lá rau ngọn cỏ cũng không sao ngoi lên được, cua cá hiếm hẳn. May mà mấy đứa con bà đều ngoan. Cuộc sống thiếu đủ thứ, lăn lóc cùng khoai sắn nhưng được cái khỏe mạnh, chẳng mấy khi đau ốm gì.
Chồng bà - ông Kiến - đi làm công nhân dưới Hải Phòng không mấy khi có mặt ở nhà. Nghiệp thợ làm thuê cho chủ Pháp, bát cơm đổi hai bát mồ hôi cũng chẳng dư dật. Lâu lâu ông đem về được vài đồng Đông Dương cho bà thêm thắt rau mắm nuôi con. Sau lần bị tai nạn lao động gẫy một bên chân, chẳng còn khoẻ khoắn, ông về quê hẳn. Vốn chữ Quốc ngữ, Pháp ngữ và cái bằng Sertifica hạng ưu ông có được lúc này thành cái cần câu cơm giúp bà nuôi đàn con dại.
Làn gió len qua dại liếp, lách vào khe cửa. Ngọn đèn mỡ chao đi chao lại, leo lét như ma trơi. Tiếng thở dài cố nén bật ra. Cuộc sống ngày một khó. Rồi ngày mai, ngày kia, ngày kìa nữa… Bà Thuận chưa biết sự thể sẽ xoay sở thế nào?
°
Cái làng Bung của bà vốn có tên chữ là Đức Phong trên đất xã Hội Xuyên. Mảnh đất nằm kẹp giữa đường 17A về Ninh Giang và192 đi Hưng Yên. Ngôi làng thuần hậu ấy quần tụ rất nhiều dòng họ lớn trong đó có họ Nguyễn của chồng bà. Nghe đâu cách đây bốn - năm trăm năm, cái thời Lê - Mạc phân tranh đánh nhau mù trời ở Thanh Hóa, tổ tiên ông đã phải bỏ quê, tha hương đến nơi này, tới ông cũng đã được mười một, mười hai đời. Con cháu họ Nguyễn Trọng nhà bà chỉ biết, mảnh đất này đã có thời được mệnh danh là Cối Xuyên nhất xã lục thôn thuộc huyện Gia Phúc, phủ Lộ Hồng - cái mảnh đất đã được Cao Biền chép trong sách “Cao Vương địa lý cảo” là nghèo hèn rồi mới hiển vinh. Hiển vinh đâu bà chưa thấy nhưng nghèo hèn, khốn khó thì đã ngấm vào đường gân thớ thịt vợ chồng bà bởi bao tháng ngày vật lộn kiếm miếng cơm manh áo cho con. Lại còn nay sưu cao thuế nặng, mai phu đài tạp dịch. Phú quý hiển vinh có lẽ phải đến đời con đời cháu bà mới mở mày mở mặt được chăng?...

*

°
Lúc ấy, Lân còn nhỏ lắm. Người làng Đại Liêu quá quen với cảnh sáng ra ông giáo Kiến đi dạy học, bà Thuận đòn gánh kĩu kịt trên vai, ba người con (hai trai, một gái) của ông bà vô tư nô đùa cùng các anh chị em đằng mẹ. Lên bảy, lên tám, trẻ con nông thôn lăn lóc như sỏi, cuội. Chúng chẳng cần biết đến chính trị, đến đảng này, phe khác. Trò chơi quen thuộc vẫn là đánh khăng, đánh đáo, chơi chắt, chuyền... Lê la cùng đất cát... mê mải cùng bao trò trẻ con để chờ mẹ về chợ là mơ ước lớn nhất của đám trẻ con lúc ấy. Ngoài chạy nhảy, đùa nghịch, nỗi sợ lớn nhất và cũng thích thú nhất của Lân là những lúc được cha kèm dạy chữ Quốc ngữ. Lên chín tuổi, cậu theo cha mẹ về sống tại làng Bung trong ngôi nhà nhỏ giữa khuôn viên khoảng một sào Bắc bộ nhìn ra đình làng Đức Phong cổ kính.
°
Lân còn giữ mãi trong lòng hình ảnh người cha ngày ngày áo lương, khăn xếp, giầy láng đen đi dạy chữ Quốc ngữ ở hai thôn Đức Phong, Đại Liêu. Thời ấy, người như cha ông dạy chữ Quốc ngữ được coi là sớm của vùng. Gia cảnh ông giáo làng không lấy gì làm dư dật, may nhờ mẹ ông làm nông thêm buôn bán nhỏ lại dựa được vào gia đình bên ngoại nên cuộc sống dẫu có lúc còn giật gấu vá vai nhưng cũng tạm đủ ăn.
°
Năm 1938, bà Thuận sinh thêm cô con gái nhỏ. Nhà thành sáu miệng ăn. Mấy năm liền, trời hết hạn lại xoay ra lũ lụt. Vừa năm trước vỡ đê sông Hồng, năm sau lại vỡ đê sông Thái Bình. Cái khó, cái nghèo như có chân chạy cứ kéo nhau ập vào nhà ông bà giáo.
Tối ấy, chiêu ngụm chè tươi, ông giáo thở dài nhìn ra khu vườn bên ngoài. Bóng đêm kéo về, giăng màn trên những tán lá, làm cả khu vườn tối sẫm như nghiên mực tàu mới mài. Đặt cô con gái nhỏ xuống võng, bà giáo tất tả với đôi quang thừng, chuẩn bị sắp hàng cho buổi chợ sáng mai:
- Chợ búa dạo này có khá không u nó?
Trước giờ, quen lệ, việc gia đình, nội trợ trông cả vào tay bà, ông chỉ biết ngày ngày đi dạy học, được đồng nào về đưa cho bà nên câu ông hỏi hôm nay khiến bà thấp thỏm. Nhìn vào gương mặt có phần hốc hác của chồng, bà giáo giấu tiếng thở dài:
-Hàng họ hôm đắt, hôm ế... Cả làng đều khó riêng gì nhà mình. Mấy vụ vừa rồi, lũ lụt liên miên. Cày cấy thì chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa, lại thêm nay sưu, mai thuế... chắc thầy nó cũng chẳng lạ gì....
Là người kiệm lời, chẳng mấy lúc thể hiện tình cảm qua lời nói, chỉ nhìn dáng người mảnh mai với nước da xanh mái của người vợ tảo tần cùng bầy con thơ, ông giáo thấy lòng mình se lại. Chẳng thể ngồi nhìn vợ con nheo nhóc mãi, ông nung nấu kiếm cách mưu sinh. Ông ngửa cổ nhìn lên như đếm từng cái vỉ ruồi trên nóc ngôi nhà nhỏ, mặt đăm chiêu. Bóng ông hắt lên, gù xuống trên vách nhà.
- Thầy nó định mở lò ấp vịt thật à? - Xếp nốt món hàng vào đôi quang thừng, bà giáo nhìn chồng. Xưa nay, ông định làm gì, nào bà có bàn bạc, thêm nhời. Lề lối nhà bà mà cũng là lề lối chung của làng vẫn thế. Mãi chiều nay, nghe cô cháu dâu thì thầm, bà mới ngã người. Ngập ngừng, vòng vo mãi vẫn không thấy chồng nói gì, bà đành gặng ông.
- Bu nó nghe vợ Lữu to nhỏ hử? Không có nhẽ ngồi chờ chết. Tôi hỏi kỹ rồi. Đận này sẽ cùng bố Lữu mở lò ấp vịt con xem sao. Đồng đất quê mình rộng, lúa cấy cũng nhiều, lại có những khoảnh đồng quanh năm ngập úng... Thức ăn nhiều, nuôi vịt ít phải thả mồi, lãi xem ra cũng khá nên con giống cũng cần...
- Ầy, thì tôi cũng hỏi cho biết thế thôi. Thầy nó tính thế nào thì tính. Tôi phận đàn bà...
- Ờ, ờ... Ông giáo gật gù...
Nói là làm, dồn tất tần tật vốn liếng, ông cùng cậu cháu con anh trai mở lò ngay tại góc vườn. Lòng ông khấp khởi. Nếu xuôi chèo mát mái, thuận như ý, mẻ vịt này sẽ kiếm được. Biết đâu, chỉ cần một vài lứa là sẽ hết nợ nần.
Nhưng trời chẳng mấy khi chiều lòng người. Năm đầu tiên mở lò, đang yên đang lành, nắng dìu dịu, gió nhè nhẹ, trời bỗng trở chứng nóng như vắt mỡ trong người, có hôm lên tới bốn mươi, bốn mốt độ. Lò ấp vịt của hai chú cháu ông giáo tưởng lãi cầm chắc trong tay bỗng sạch bách. Trứng nở thành vịt chẳng thấy đâu, chỉ thấy vỏ trứng thâm đen lại, bốc mùi ung thối.
Mặc, lòng người vẫn kiên gan. Hỏng đợt này, ông giáo làm tiếp đợt khác. Mấy năm sau, có kinh nghiệm cộng với thời tiết thuận mùa, trứng ít bị hỏng hơn. Nhưng vận này chưa qua, hạn khác đã tới. Không nóng hỏng trứng thì dịch bệnh lại kéo về. Vịt chết như ngả rạ ngoài đồng. Nay mua giống về nuôi, mai chết, chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề chăn vịt thả đồng. Người nuôi không có, vịt con ấp nở ra biết bán cho ai? Ba năm sau, vốn liếng của hai chú cháu hết sạch. Cái hy vọng có thêm nghề phụ giúp vợ nuôi con không thành, ông giáo còn gánh thêm gánh nợ ngập đầu, ngập cổ. Thương người cháu, ông đứng ra nhận hết phần nợ của cả hai chú cháu về mình. "Gánh cực mà chạy lên non. Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo”, sản nghiệp ông bán sạch để trả nợ mà vẫn không hết. Các chủ nợ thúc ép thường xuyên. Nhìn đàn con như trứng gà trứng vịt sàn đầu đang tuổi ăn tuổi lớn nheo nhóc, ruột gan ông bà giáo thắt lại. Bữa ăn thường ngày của cả gia đình thường xuyên là cháo độn rau má, củ chuối. Có được thứ cháo loãng ấy cầm hơi cũng còn nhờ cả vào gánh hàng tảo tần trên đôi vai gầy của bà giáo nghèo quanh năm dầu dãi.
Mười hai tuổi, Lân bỏ học. Trong trí óc non ớt của mình, cậu muốn làm việc gì đó đỡ đần cha mẹ. Biết con trai lớn bỏ học, ông bà giáo bực lắm, nhưng cảnh nhà đang quẫn bách, lấy gì cho con theo đòi nghiên bút cho bằng. Mười hai tuổi, cậu bé Lân tự ép mình thành người lớn.

*

°
Bất chợt, ông Lân buông tiếng thở dài. Những năm tháng khốn khó tuổi ấu thơ cứ như chiếc bóng toạ đăng chao đi chao lại. Ông cũng không lí giải nổi, tại sao ngày ấy con người lại có thể gồng gánh được nhiều nỗi buồn đau, cơ cực đến thế. Và ông cũng không hiểu nổi tại sao ngày ấy lại có nhiều thứ hủ tục lạ đời ngớ ngẩn đến vậy. Không thể hiểu, không thể lí giải bởi những hủ tục ấy cứ len lỏi, cứ bám riết như thân tầm gửi trên cành bưởi, cành mít nhà ông, như mớ tơ hồng vấn vít trên rặng cúc tần ngoài ngõ, buộc vào mọi người, trong đó có ông. Lạ lùng hơn khi khổ đấy mà chẳng một ai than thở. Dường như khi tất cả đều khổ nên chẳng mấy ai còn nhận ra mình đang khổ đến thế nào. Bị hủ tục buộc vào, vậy mà không mấy ai phản kháng. Mọi người đều chấp nhận, đều coi những chuyện ấy là đương nhiên phải xảy ra. Chính điều đó khiến nhiều chuyện trong làng Bung khi ấy bỗng thành chuyện lạ nếu kể lại cho lớp trẻ bây giờ.
°
Một năm sau ngày bỏ học, khi ấy Lân mười ba tuổi, người đậm đạp như cây nấm nhỏ. Chưa đến cả tuổi "thập lục" để làm những việc nhớn như ông bà đã dạy. Một sáng, Lân đang loay hoay với con quay gỗ của mình ở chái nhà ngang, thầy cậu gọi. Buông con quay, cậu chạy nhoáng vào, tay quệt ngang má, ống quần lá toạ luật quật theo nhịp bước chân. Ông giáo đang ngồi trên chiếc chõng tre, bát nước nụ vối vàng lựng như mật ong, sóng sánh trước mặt. Gương mặt ông tư lự như đang tính đếm điều gì nung lắm.
Bỗng ông giáo ngẩng đầu, khoát tay vào buồng, bảo con trai:
- Vào lấy quần áo tử tế, mặc rồi đi với thầy!
- Thưa thầy, đi đâu ạ?
- Không hỏi nhiều, cứ đi rồi thầy bảo.
Ông giáo vận áo lương khăn xếp, đi giầy láng đen. Lân cũng xúng xính trong bộ áo the, khăn xếp của mình. Chưa biết cha sẽ đưa mình đi đâu nhưng lòng cậu vui lắm. Chí ít cũng được diện quần áo đẹp đi chơi.
Hai cha con vòng vo qua cánh đồng rộng nối giữa làng Bung và làng Nội. Mùi đất ngai ngái, hương cây cỏ ngòn ngọt, nồng nồng. Lân vừa dõi mắt theo đám châu chấu, cào cào, vừa lũn cũn bước thấp bước cao chạy theo cha. Những búi cỏ ba cạnh cao quá đầu người đôi chỗ xoà ngang con đường đồng như níu chân cậu lại. Thi thoảng một con gà đồng lạc bầy cất giọng gọi bạn, tiếng túc túc khắc khoải lan khắp khoảng đồng rộng mênh mông. Lân nghiêng đầu ngó vào. Mấy lá cỏ ba cạnh sắc lẹm, cứa một vết đỏ mờ ngang gò má bắt đầu rám nắng.
Ông giáo dắt con trai lòng vòng qua mấy con ngõ lát gạch nghiêng tới một ngôi nhà nhỏ, người vào ra tấp nập. Mùi hương trầm ngào ngạt, tiếng kèn đám ma vọng ra não nề. Chờ ở cổng vài khắc, trong nhà, một người đàn ông tất tả chạy ra, đặt dải khăn trắng vào tay ông giáo. Nhìn dải khăn tang trắng trên tay cha, Lân không hiểu gì. Chẳng phải bà con họ hàng vì chưa bao giờ cha đưa cậu tới chơi ở nhà này bất kể là dịp nào. Người làng lại càng không phải bởi người làng người nước khi chết đâu phải để tang nhau? Còn đang mải dõi mắt vào nhà ngóng chuyện, Lân thấy ông giáo vỗ vào vai mình:
- Con đội lên đầu đi.
Cậu ngơ ngác. Dợm môi định hỏi, lại gặp ánh nhìn nghiêm nghị của cha, cậu đành cúi mặt, im lặng thắt vành khăn trắng lên đầu. Ông giáo nắm tay con trai, dắt vào sân. Vào nhà, Lân mới biết, bà chủ nhà này vừa mất. Cô con gái lớn của bà đã được ông bà giáo dạm hỏi cho cậu. Tục lệ thôn quê, nếu nhà có tang, con cái muốn dựng vợ gả chồng phải chờ ba năm mãn tang mới được cưới xin. Vả lại lề thói khi ấy, trai gái về làm bạn với nhau từ thuở mười ba, mười bốn nên ông bà nhất tâm cho Lân sang chịu tang bà mẹ cô gái trước. Ba tháng sau, ông bà giáo cưới vợ cho con trai. Lân thành chồng của cô gái mười sáu tuổi.
Phải "làm chồng" khi mới mười ba tuổi, Lân chẳng thích thú gì. Thậm chí sự xuất hiện của cô gái lạ mà mọi người trong nhà gọi là "vợ" cậu kia chỉ mang đến cho Lân bao điều khó chịu. Làm gì cũng phải làm cùng "vợ"... Lân đâm bực mình nhưng sợ bố và cả thương mẹ nên cậu chẳng dám phản ứng chỉ ngấm ngầm chống đối. Ăn cơm cùng mâm, cậu không bao giờ chịu ngồi gần "vợ". Hết cơm trong bát, cậu lẳng lặng ra đơm lấy. Khổ nhất là lúc gà lên chuồng... Mọi người đi ngủ, Lân cứ quanh quẩn mãi, hết nghiêng thứ này lại ngó thứ nọ, cốt kiếm cớ đi nằm sau để lẻn vào ngủ với thằng em ruột. Được một thời gian, "vợ" cậu thấy không được chồng nhỏ quan tâm, lại đau ốm liên miên nên đã bỏ về nhà đẻ. Cuộc hôn nhân ép buộc của Lân khép lại. Lân lại trở về với cuộc sống của một cậu bé mười ba tuổi, với bao buồn vui, vất vả và cả ngây ngô, ngộ nghĩnh.

*

°
Chẳng mảy may quan tâm tới chiến tranh thế giới thứ hai vừa nổ ra, chẳng cần biết thế giới phân chia thành mấy đại cục, mấy phe phái, không cần hỏi ngày hôm nay chiến tranh đang xảy ra, chẳng quan tâm xem Trân Châu cảng nằm ở phương trời nào, mối quan tâm duy nhất của cậu lúc này là làm sao mỗi ngày kiếm càng nhiều cua cá càng tốt, nhặt được càng nhiều rau má càng hay. Những điều ấy sẽ giúp cho gánh hàng đặt trên vai mẹ cậu mỗi sáng bớt đằm đi, tiếng thở của mẹ khi đòn gánh trên vai bớt gấp gáp, giúp cho ba người em kế cậu bát cháo bớt đi phần rau độn. Cả nhà gồng mình chống cái đói cái nghèo, cuối cùng cũng không thoát được cảnh chia ly. Cuối năm 1940 cái khó dồn đến chật nhà, ông bà giáo đành giao người con trai thứ hai, em trai của Lân là Ly cho người bà con trong làng làm thợ in trên Hà Nội. Nhìn người em trai mới chín tuổi, toòng teng chiếc tay nải bên đôi vai gầy gò theo người làng lên học làm thợ sắp chữ ở nhà máy in Đuốc Tuệ, nước mắt Lân trào ra. Cậu không hiểu nổi tại sao một đứa trẻ lên chín có thể rời nhà đi xa đến thế. Và cậu cũng chỉ lờ mờ nhận ra, mảnh đất Hà Nội xa xôi kia với cái làng Bung nhỏ nhoi của cậu chắc chẳng gần như từ nhà cậu sang phố Giỗ. Không biết anh em cậu đến bao giờ mới có ngày gặp lại. Chỉ đến năm 1944, phát xít Nhật ném bom dữ dội ở Gia Lâm - nơi nhà máy in Đuốc Tuệ đang làm nên ông giáo đã cho đón Ly trở về.
Rau má đào mãi cũng hết. Tôm cá trên đồng không thể có phép hoá thân nên ngày một ít đi. Cái khó, cái nghèo ngày càng thắt sợi thòng lọng chặt thêm vào cổ người nghèo. Làng Đại Phong thấm màu xám xịt, lạnh lẽo. Những sợi khói lam chiều ít thấy vẩn vơ trên nóc bếp mỗi nhà. Những người giầu có của ăn của để ngày một ít. Người ta kiếm sống bằng đủ nghề. Người chạy chợ, người làm hàng xay hàng sáo, người buôn chuyến, buôn bè mãi tận mạn ngược. Người nghèo càng nhiều, nhưng túi của những ông chủ giàu có lại ngày một căng với mánh cho vay nặng lãi. Cái khó ló cái khôn, nhiều người nhanh nhạy đã mở những cửa hàng phục vụ cho các ông chủ lắm tiền ham chơi.
Người Đức Phong ngỡ ngàng với cái nhà hát nhỏ ông Đình Tuynh vừa mở. Tiếng sênh, nhịp phách từ nhà hát vẳng ra thấp thoáng bởi bóng dáng thướt tha của những cô đào lý dẫu chẳng làm ấm lại không khí tiêu điều của một vùng quê cái nghèo đang đeo đẳng, nhưng với Lân, tiếng sênh, tiếng phách từ nhà hát kia đã giúp cậu có việc làm mới. Ông Tuynh vốn là chỗ họ hàng gần, về vai vế là anh cậu nên ông bà giáo đã cho Lân sang đó học việc. Bao công việc từ quét dọn, cơm nước, pha trà phục vụ khách đến nghe hát cậu đều làm cả. Những lúc nhà hát không có khách nghe, ông Tuynh lôi cậu em của mình ra dạy vài đường. Chiếc đàn đáy cần dài như cái cần câu rô ngọ ngoạy trong tay Lân. Nhưng có lẽ trong cái khổ, người ta thường tự rèn mình. Mấy ai nghĩ món đàn đáy với những ngón vê, chuốt, vuốt, tạo nên dòng thanh âm khi trầm lúc bổng hoà điệu cùng nhịp sênh, phách của những đào hát lại có thể thuần thục trong tay Lân. Thời gian sau, cậu thành kép chính của nhà hàng. Nhiều người đến nghe hát đã mến tiếng đàn mượt mà của anh kép trẻ tên Lân.
Sau những buổi lo giúp việc cho nhà hát, trở về nhà, những câu chuyện cha kể có sức hút Lân kỳ lạ. Mà cậu thấy cha dạo này rất lạ. Ông giáo vắng nhà nhiều hơn. Ánh mắt ông khi trở về nhà bớt vẻ u uất. Không còn ngồi bó gối trên phản buồn bã nhìn ra sân với ánh nhìn mông lung, vô vọng khiến anh em Lân khi ấy chỉ dám len lén vào nhà, ông giáo hồ hởi kể cho các con bao chuyện sau những chuyến vắng nhà. Những câu chuyện cha kể cho anh em Lân nghe dường như có thêm hương vị rất mới, rất lạ ùa theo. Đó là chuyện về cuộc đấu tranh của những người công nhân trong các nhà máy, hầm mỏ, của thợ thuyền trên các bến cảng, nhà ga, của những người buôn bán nhỏ tại các khu chợ suốt từ nông thôn tới thành thị...Song với trí óc non nớt của các cô, cậu bé mới lớn, rất nhiều điều anh em Lân không thể hiểu. Nghe chuyện ông giáo kể, quả thực Lân chưa thể cảm nhận hết những điều to tát, lớn lao được gửi gắm trong câu chuyện của cha. Thứ cậu cũng như các em cần nhất là thức ăn để cả nhà có thể sống. Lân chỉ ao ước, giá nhà mình có thật nhiều gạo để bố mẹ và anh em cậu được ăn một bữa cơm dặt thật no.
Cuộc sống ngày một khốn cùng. Kham khổ, lao lực cộng với sự sầu muộn bất đắc chí khiến Lân mất cha năm 1944, khi cậu vừa mười sáu tuổi. Ba tháng sau khi ông giáo qua đời, người em gái kế Lân cũng mất. Ba tháng, mất mát, tang thương liên tiếp dội xuống gia đình. Sự ra đi của cha, cái chết vì nghèo đói, bệnh tật của người em gái khiến cậu suy nghĩ rất nhiều. Bà giáo như đổ sụp. Ánh mắt bà thất thần cứ nhìn mãi vào khoảng không vô định như tìm lại hình bóng người chồng, người con đã rời bà ra đi.
Mười sáu tuổi, Lân thành trụ cột gia đình. Chính Lân đã phải tự tay cắt cánh cửa nhà mình đóng áo quan rồi ban đêm cùng người cậu ruột, gạt nước mắt, đốt đuốc mang em đi mai táng ở đống Mả Chằm.
Rồi cũng chẳng thể ngồi ngấm nỗi đau khổ mãi. Bà giáo lại dồn sức vượt lên. Đôi vai gầy của bà lại chất chồng. Bao vất vả toan lo cho gia đình và đàn con nheo nhóc tụ cả vào đôi vai ấy. Cho đến mãi sau này, Lân cũng không hiểu nổi, khi ấy, mẹ cậu lấy đâu ra sức lực để chèo chống con thuyền gia đình cậu vượt qua những thác ghềnh của cuộc sống. Không biết sức mạnh nào thổi vào thân hình mảnh dẻ của mẹ khối nghị lực phi thường. Thương mẹ, là con trai lớn trong nhà, Lân lao vào làm việc để phụ thêm cho mẹ. Cậu làm tất cả những việc cậu có thể làm, dẫu mồ hôi đổ ra đôi lúc nhiều hơn tiền công cậu nhận được.
Ngoài đồng, vụ mùa bắt đầu xuống giống. Những cây mạ mảnh dẻ theo tay người ấm gốc dần, bén rễ, vọt nõn tỏi. Người làng Bung nhìn cánh đồng, trong bụng thầm vui.
Trời nhiều khi không ác bằng con người, thậm chí những kẻ cùng máu đỏ, da vàng. Vụ mùa đã trôi được nửa đường. Lúa con gái đang thì xanh mơn mởn. Lúc này, trên chính trường Đông Dương, Phát xít Nhật bắt đầu lấn sân Pháp, bắt Pháp mở cửa biên giới rước Nhật vào Việt nam. Quân Nhật kéo vào Gia Lộc. Chúng đi thành hàng hai nghênh ngang trên con đường lớn. Nước da tái xám trên mặt chúng khiến người ta nghĩ nhiều đến đội quân thất trận, đói ăn, khát uống. Và dẫu chúng có cố làm ra vẻ oai phong, cũng không giấu đi được sự mệt mỏi của đội quân đang ngập trong thất bại. Quân Nhật tràn vào chợ Cuối, mua hàng nhưng không chịu trả tiền. Bọn giặc lùn ngang nhiên bày trò cướp giật vơ vét hàng hoá, vàng bạc, nhũng nhiễu bắt nhân dân nộp gạo thịt. Nhiều tên còn trắng trợn chiếm nhà của dân để ở. Để phục vụ cuộc chiến tranh phi nghĩa, chúng bắt dân ta nộp thóc tạ. Hạt thóc quý như hạt vàng dân vẫn phải dồn lại cho chúng nấu rượu cồn, chạy đầu máy xe lửa. Trong làng, chẳng mấy nhà còn đủ thóc ăn đến đầu vụ sau. Tất cả đều trông chờ vào vạt lúa mơn mởn đang thì con gái ngoài đồng.
Bọn Nhật ngông nghênh, khua gươm tít mù, chỉ ra cánh đồng trước mặt: “Nhổ lúa trồng đay”. Một câu ngắn nhưng như quả bom tấn nổ ngang tai người làng Bung. Dân ngỡ ngàng. Các làng đều tìm cách lần lữa, trì hoãn cái lệnh tai ách ấy. Kẻ cáo bệnh, người lảng đi làm việc khác. Cả cánh đồng đang mơn mởn ngoài kia, ai có gan nhổ? Nhổ lúa khác nào hất đi bát cơm của cả nhà?
Đám giặc lùn thúc! Dân cứ ngoảnh mặt làm ngơ. Quân Nhật điên cuồng. Hai thằng lính Nhật, quần áo ka ki vàng, mũ trùm tai, gươm đeo quét đất nghênh ngang đi lại trong làng. Đôi mắt ti hí của chúng nhòm ngó khắp hang cùng ngõ hẻm. Vóc dáng lùn tịt cùng thứ ngôn ngữ xì xồ của chúng như tiếng chim cú báo tai ương cho người dân vô tội. Người làng Bung tái mặt. Bọn Nhật ốp lý trưởng của làng dồn dân ra đồng. Dân làng dồn lại. Không ai chịu bước xuống ruộng. Mồ hôi của cả làng đã ngấm xuống đất đai, làm nên sắc xanh của lúa trên những thửa ruộng bạt ngàn kia. Lúa vẫn xanh nhức mắt, vẫn dồn nhựa sống lên những phiến lá tơ mềm như trêu, như ghẹo. Bước chân người làng Bung chần chừ, rón rén trước ruộng lúa đang thì. Ruột gan người làng Bung thắt lại trước sắc xanh ngỡ ngàng của lúa thời con gái. Không một bàn chân nào nhúc nhích. Không một bàn tay nào vươn ra. Câm lặng. Chỉ có lúa là vẫn xanh đến cồn cào.
Hai thằng lính Nhật nghiến răng lại. Lưỡi kiếm sáng quắc của chúng tung khỏi vỏ, vung lên. Mặt chúng đỏ bầm màu máu. Chúng tuôn ra một tràng như đạn súng máy vọt khỏi nòng. Ông lý trưởng làng Bung run như chim dẻ cùi gặp bão, lập cập nhắc lại lời chúng với bà con. Lân không hiểu hai thằng Nhật lùn kia nói gì, chỉ thấy lý trưởng thông ngôn lại, đại khái: Nếu dân làng không chịu nhổ lúa trồng đay, chúng sẽ dùng kiếm mổ bụng moi gan, hoặc chúng sẽ mổ bụng ngựa, bụng trâu, bò, nhét người vào đó rồi khâu lại cho chết ngạt. Lời thông ngôn của lý trưởng, người làng Bung không lạ. Chuyện giặc Nhật ác ôn, man rợ, dân làng đã nghe rất nhiều. Và người dân làng Bung cũng không ngốc nghếch đến nỗi không tin quân Nhật dám làm việc đó.
Một người, hai người … Rồi ba người bước xuống. Lúa vẫn xanh cồn cào trước mặt. Những cánh tay đưa ra, miễn cưỡng, ngập ngừng như sợ thít phải chính cổ mình. Gốc lúa bật lên. Nước mắt người dân làng Bung rơi xuống. Nỗi đau đớn, cơ cực tủi hờn của người dân mất nước ngấm đến tận xương tuỷ. Mồ hôi, nước mắt, miếng cơm manh áo của mình mà chúng cướp trắng trước mắt. Niềm hận thù xăm vào gan ruột. Nó như quả bom tích điện chỉ chờ ngày phát nổ.
Cả cánh đồng làng vừa mỡ màng xanh thoáng chốc chỉ còn trơ lại một màu xám trắng. Xám lạnh lẽo của nước bùn, của chết chóc, đói rét. Những thân đay èo uột cắm vội cắm vàng thế vào bao thửa ruộng mơn mởn trước đó như mầm dịch của thần chết gieo rắc cho người làng.
Thóc vụ trước đã bị thu hết. Lúa ngoài đồng bị nhổ sạch để trồng đay. Không còn chút gì để có thể cầm hơi, nuôi sống con người. Người ta nháo nhác nhìn nhau. Ngơ ngác! Hãi hùng! Điều khủng khiếp nhất đã đến!
Tháng ba! Kỳ giáp hạt! Cái đói lan ra khắp làng. Người ta ăn rau, ăn củ chuối, rồi ăn cả cỏ. Bất cứ thứ gì có thể nhai, có thể nuốt được đều biến thành thức ăn. Cái gì lấy mãi rồi cũng hết.
Sáng nửa ngày. Đang loay hoay quảy gánh hàng cho mẹ ra chợ, Lân giật nảy người bởi tiếng thét chu tréo vang lên từ hai ngôi nhà rạ tồi tàn cuối xóm. Dừng chân, ghé mắt qua hàng rào, hai người đàn bà quần áo te tua đang lăn xả vào nhau. Tóc tai họ rũ rượi. Họ vừa túm tóc, vừa xa xả:
- Con mẹ mày. Có trả ngay bà cái củ chuối ấy không thì bảo?
- Mả mẹ mày. Cây chuối ấy mọc trên đất vườn nhà tao, làm sao mày nhất quyết bảo đó là của mày? Còn trả mày cái củ chuối ấy á? Còn lâu nhá! Con bà ăn đã ỉa ra rồi, mày biết chửa? Có đòi thì ra nhà gio mà đòi.
- Con mặt nạc đóm dày kia. Mày bảo cây chuối nào là của nhà mày? Không có bà trồng thì lấy cái đầu lâu xương sọ thằng cha mày để cây chuối ấy nó mọc lên à? Thế mà hở ra một cái mày đã khoét ngay củ chuối của bà… Bà thì xé xác mày ra…
- Chuối mọc trên đất nhà tao, tao đào… Mày giỏi thì móc họng tao đây.
- Mày không phải thách… người kia túm chặt tóc người này. Họ cùng lăn ra đất. Rồi dường như không gượng được nữa, cái đói làm cho họ kiệt sức. Họ buông nhau, nước mắt cùng lã chã rơi.
Lân quay người. Cái đói quay quắt khiến con người mất hết lí trí, mất hết cả nhữg mối quan hệ tưởng như thâm cung của những người hàng xóm, láng giềng. Cái dáng lam lũ của mẹ Lân thấp thô phía trước. Mẹ không chứng kiến cảnh hai người đàn bà chửi nhau vì một cái củ chuối. Nếu chứng kiến, chắc mẹ sầu não lắm.
Từng đoàn người ăn xin từ Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hoá... lũ lượt kéo nhau ra. “Đói ăn thì lên Bắc, chạy giặc thì vô Nam”, người người truyền tụng nhau câu ấy. Đường 17 người nối người vật vờ, dật dờ như những bóng ma. Chợ Cuối thành nơi người đói tụ lại. Làng Bung cũng chẳng khá hơn. Thức ăn nuôi mình còn không có, lấy đâu để cho mọi người. Bà giáo vẫn tần tảo ra chợ Cuối bán hàng, lần hồi kiếm cái ăn cho cả nhà. Hy vọng sống được qua trận đói thành ước ao lớn nhất của cả làng Bung. Đâu cũng thấy người ta nhắc đến miếng ăn, đến sống, chết. “Đói rã họng”. “Đói vàng mắt” là câu cửa miệng của mọi người.
Chợ Cuối mất hẳn cái dáng vẻ sầm uất mọi khi. Khắp nơi người đói vạ vật. Những người bán hàng ăn mỗi bên phải có một người cầm đòn gánh đứng canh. Từng đám người rách rưới, đói khát dồn cục bu lại trước cửa quán. Chỉ cần sơ hở, họ có thể ùa vào bất kỳ lúc nào để cướp được miếng ăn. Người ngồi trong hàng thấy miếng ăn tắc lại nơi cổ họng. Người ngồi ngoài hàng nước mắt ứa ra. Chính Lân cũng ngấm vô cùng cái đói của ngày giáp hạt. Không một hạt thóc nào còn sót lại. Hai chỉ vàng chẳng đổi nổi một bữa ăn mà vàng nhà cậu cũng không có. Nhà bốn miệng ăn, gánh hàng rong của mẹ chẳng thể gánh nổi mãi.
Một buổi tối, bà giáo gọi Lân vào:
- Cứ đà này, không biết mọi sự sẽ thế nào. Nhà mình bây giờ túng quá rồi, mình u chẳng lo nổi nữa. Thôi, đành phải cho em Ly con sang nhà cậu con bên Đại Liêu để cố qua nạn này rồi tính sau vậy.
Nhìn gương mặt đã se sắt của mẹ, lòng Lân như bị ai đó cầm con dao cùn nhay đi nhay lại. Ngoài trời vẫn tối như mâm bánh tro có thể sắn ra thành từng miếng. Biết làm gì giúp mẹ lúc này? Lân đành im lặng. Cậu lần ra chái nhà, lần tìm nắm lạt. Trong bóng tối nhờ nhờ, bàn tay mò mẫm buộc lại mấy nút cạp rổ vừa bung mà cổ Lân như có bàn tay ai chẹn lại. Dòng người đuổi theo một người đói quá cướp cám sáng nay ở chợ Cuối lại chen vào hiện hình trong đầu Lân. Tiếng hô: “Cướp, cướp…” khiến những người đang ngồi trong những túp lều chợ lụp sụp ngoảnh cổ quay hết cả ra ngoài. Một bóng người, nói đùng hơn là một túm giẻ rách đang cố sức cắm cổ chạy phiá trước. Đằng sau là một thân hình cũng không khá gì hơn kéo theo những cái bóng dật dờ khác. Vừa chạy, túm giẻ đằng trước vừa cố nhét nắm tay lên miệng. Những hạt cám vụn vương đầy khoé miệng. Dường như không nuốt nổi, túm giẻ dừng lại, vươn cổ ngắc ngắc mấy cái. Rồi đôi mắt chỉ còn toàn lòng trắng trợn lên, túm giẻ ấy đổ sụp xuống vừa lúc bóng người dật dờ phía sau đuổi kịp, hổn hển thở nhưng vẫn chồm lên:
- Đồ ăn cướp! Nhoáng một cái nó đã xô vào mẹt cám rồi… Mày, mày!
Vừa nói, vừa thở, cái thân hình còm nhom kia vừa đổ ập xuống túm giẻ nhàu nát, mà giẫm mà đạp. Dường như sức lực cũng chẳng còn mấy nả, rồi cũng từ từ xịu xuống. Đám đông chạy phía sau ùa theo. Người giơ chân, kẻ giơ tay… Rồi tiếng ai đó sầu não:
- Thôi, tha cho người ta. Đói ăn vụng, túng làm liều. Mấy hạt cám cũng tắc nghẹn lại rồi, có nuốt được đâu. Chả biết cầm cự được đến bao giờ…
Đám đông tản ra. Người vừa nói lôi túm giẻ, dựng dậy. Nhưng gương mặt xác xơ đã tím lại. Không biết túm giẻ ấy chết vì sợ quá hay chết vì sặc cám khô? Cũng lại một kiếp người
Mặc cái lạnh se se, tờ mờ sáng, Lân đã lọ mọ ngoài đồng. Con tôm, con tép, thậm chí cả con chuột đồng kiếm được lúc này đều quý. Nó là nguồn thức ăn cậu có thể góp vào cùng mẹ chèo chống cho cả nhà thoát khỏi những cơn đói quặn người.
Cái đói không chừa nhà ai. Những nhà hào lý trong làng cũng đã ngấm đói.
Chiều ấy, Lân loạng choạng từ ngoài đồng về. Bát cháo cám loãng húp từ sáng đã bay vèo đâu mất. Mắt bắt đầu hoa lên. Vừa thất thểu vào ngõ, Lân sững người. Bên thềm nhà cậu, một hình người tả tơi trong nhúm giẻ rách. Một bộ khung xương giơ ra, chẳng còn nhận được ra mặt người, chỉ thấy giọng nói thều thào, tiếng được, tiếng mất:
- Chết chiều nay rồi bà giáo ạ. Người chết nhiều lắm. Sáng nay, ngoài ngã tư Giỗ, có hai mẹ con nhà nọ, không biết người Thái Bình hay Nam Định... Giọng người kể ràn rụa nước mắt - Khốn khổ quá bà giáo ơi! Mẹ chết rồi mà đứa con có biết gì đâu, nó vẫn bò nhoai trên ngực mẹ mà nhay hai núm vú đã đen sì lại rồi ngằn ngặt khóc. Ai thấy cũng nhỏ nước mắt nhưng rồi cũng đành ngoảnh mặt đi. Mấy ai biết mình sẽ sống sót được đến bao giờ mà dám nhặt đứa bé mang về hả bà? Nhà cháu đây này, chẳng biết ngày nay, ngày mai, hay ngày kia sẽ chết...
- Nhà chị đừng dại miệng - Bà giáo an ủi người đàn bà nọ - Gắng xoay xoả cho qua cái nạn này. Lúa non cũng sắp có rồi. Nhà tôi cũng thế thôi, củ chuối ngoài vườn đào sạch như chùi. Ăn mãi của chuối nó cũng phù người lên mà cũng có còn để đào đâu. Sáng nay, đi tuốt mãi mới được vài bông lúa mới đông sữa về đây. Tôi phải rang khô, giã nhỏ rồi đấy, chị cầm lưng bát về nấu cháo loãng cầm hơi, mai ra đồng mà suốt lúa...Chẳng sàng sẩy được gì đâu, đành nấu cả vỏ trấu vậy.. Gắng mà qua đận này...
Người đàn bà nọ khóc. Tiếng khóc tức tưởi, ngậm ngùi. Dường như bao hờn tủi dồn góp lại đọng thành đắng cay, bật ra trong tiếng khóc của con người khốn khổ. Có lẽ nước mắt cũng chẳng còn để rỉ ra được nữa. Chỉ thấy tiếng ức ức nghẹn ứ trong cổ bà ta. Giọng nói nghèn nghẹn lẫn trong lời kể sụt sùi:
- Người chết nhiều lắm rồi bà ạ. Ngoài cổng chợ Cuối, rồi suốt con đường qua làng, chỗ nào cũng thấy có người chết đói. Quan huyện đã cho đào cái hố to tướng ở ngã tư chợ kia kìa. Họ thuê những người còn ngắc ngoải nhặt xác người chết cho xuống hố. Nhiều vô thiên lủng bà giáo ạ. Nhưng những người nhặt xác ấy cũng lại chết rồi. Họ được thuê nắm cơm để lôi người chết đói đi chôn, vội vàng cắn, nhai, trợn mắt nuốt, lại nghẹn mà chết. Rõ là không có ăn cũg chết, có mà nuốt cũng lại chết. Chẳng còn ai nhặt xác, mấy tay lính dõng đành phải làm việc ấy bà giáo ạ....
- Tôi đi chợ cũng có thấy. Chợ Cuối đông đầy những người chỉ còn da bọc xương. Giặc Nhật ác quá. Hết thu thóc tạ lại bắt nhổ lúa trồng đay, làm gì người chẳng chết. Cứ ngắc ngoải, dần mòn mà chết. Lúc đầu tập trung ở khu nhà Hội đồng hàng xã, sau dồn về khu chợ hàng Trâu, hàng Lợn. Khiếp quá, dọc đường từ làng Bung lên phố Giỗ, người chết đói la liệt hai bên đường đấy nhà chị ạ!
Có lẽ lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên, và không được phép quên cái nạn đói thảm khốc năm bốn nhăm ấy. Cái nạn đói khủng khiếp đã cướp đi hơn hai triệu sinh mạng con người. Cái nạn đói như một chứng tích chép lại tội ác của giặc Nhật và bè lũ phát xít. Nó găm sâu trong tâm can người Việt bởi sau trận chết đói ấy, người dân còn phải chết bởi nhiều hệ luỵ từ trận đói tháng ba kinh hoàng. Sau chết đói, lại là chết dịch. Dịch từ đâu ư? Từ chính những người đã chết đói, chết rét kia. Khi xác chết nhiều quá, không đủ áo quan, người ta bó chiếu. Rồi chiếu cũng chẳng còn để bó xác, người ta cứ thế bỏ xác lên xe bò, nhiều quá không xe xuể đành lấy dây thừng thòng lọng vào cổ kéo vứt xuống hố rồi lấp đất. Sơ sài, qua loa. Xác mới chồng lên xác cũ. Lớp đất lấp mỏng tang bên trên gặp mưa tháng ba, toạt ra. Xác chết trồi lên, trương phình, bốc mùi, gặp mưa rã rời. Dòi bọ từ các hố chôn lúc nhúc bò lan ra cả khu đất quanh hố chôn. Ruồi nhặng đậu đen kịt, bay à à như vãi trấu. Mùi hôi thối theo gió lan khắp các làng lân cận. Bệnh tả, thương hàn, phù thũng... lan nhanh như qua tay phù thuỷ. Bệnh thành dịch khi ngấm qua nguồn nước, qua nguồn thức ăn, qua cả những con rận còng ngo ngoe đám chân dài, cắm cái vòi của nó vào hút máu người bệnh rồi lẩn sang người lành gây nên dịch sốt hồi quy có thể vật đổ cả những con trâu mộng. Bao thân hình còm cõi vừa ngơ ngác ra khỏi nạn đói còn chưa hoàn hồn lại bị vùi dập bởi dịch bệnh. Người ta lại chết. Chết thảm khốc hơn. Có nhà chết không còn một ai. Có họ chết mất cả một chi. Không khí tang tóc trùm khắp làng. Người chết lúc đầu còn được tổ chức đưa đám theo phong tục. Sau chết nhiều quá, chẳng ai còn lo được cho ai, nhà nào đành tự lo liệu chôn cất người nhà ấy. Khói đống giấm ngoằn ngoèo bay lên từ khắp các ngõ xóm. Làn khói trắng xám nghi ngút ấy cũng không át được mùi tử khí lan trong làng.
Nạn đói tháng ba năm bốn nhăm đã khắc nỗi kinh hoàng vào tâm khảm của Lân. Cái chết của cha, em gái, nỗi khổ đau, vất vả của người mẹ nghèo cùng những gì cậu đã chứng kiến ngay trong cái làng Bung vốn hiền hoà, êm đềm nơi cậu sinh ra, vật lộn để tồn tại khiến Lân suy nghĩ rất nhiều. Và có lẽ đó cũng chính là lối nhỏ đầu tiên đưa cậu bước vào một trang đời mới - Trang đời của một thanh niên mười bảy tuổi.