Dịch giả: PHẠM TÚ CHÂU,THÀNH TRINH BẢO, NGUYỄN THỊ BĂNG THANH
Chương XII
“CÁ” VÀ “TAY GẤU”

Chuông tan học vừa vang lên, Hân Nhiên đã trông thấy Đường Diễm Diễm đứng ở cửa lớp chờ mình.
_ Tìm mình có việc gì thế? Sắp thi hết học kỳ rồi, hẳn căng thẳng lắm nhỉ? – Trong tưởng tượng của Hân Nhiên, lớp Mười hai bài vở nhiều như biển.
_ Hân Nhiên này, mình đến báo cho cậu một việc.
_ Việc gì?
_ Mình không định thi đại học đâu!
_ Tại sao? – Hân Nhiên hết sức ngạc nhiên.
_ Mình đang đợi chỉ tiêu. Năm nay công ty của ba mình lại được chỉ tiêu, có thể sẽ đến lượt gia đình mình. Nếu thi đại học, mình phải về Thượng Hải thi, thi được vào đại học thì hộ khẩu vĩnh viễn ở nội địa, sau có muốn chuyển về đây càng khó khăn hơn. Nếu mình bỏ không thi đại học thì khi ba mình có hộ khẩu, hộ khẩu của mình cũng có theo…
_ Thế nếu lần này không đến lượt ba bạn thì sao? – Nghe xong lời “phân tích” của Đường Diễm Diễm, Hân Nhiên tỏ ra lo lắng.
Diễm Diễm liếc Hân Nhiên một cái rồi rất bình tĩnh đáp.
_ Nếu như vậy thì tuân theo số trời!
_ Bạn không thấy quyết định như thế là mạo hiểm à?
_ Đúng, đúng là mạo hiểm, là đánh bạc. Nếu mình bỏ không thi đại học mà hộ khẩu cũng chẳng đến lượt thì đúng là mình “mất cả chì lẫn chài”.
_ Diễm Diễm… - Giọng nói Hân Nhiên run run.
Diễm Diễm cố cười làm ra vẻ nhẹ nhõm, an ủi Hân Nhiên:
_ Có điều, hộ khẩu lần này có nhiều phần chắc…
_ Ba mẹ bạn có đồng ý không?
_ Lúc đầu thì không đồng ý. Ba mẹ mình đều học xong đại học cả, ông bà cảm thấy học đại học mới đúng đắn, sau dần dần cũng thông. Bây giờ ba bảo việc này do mình tự quyết định, sau này đừng có hối hận rồi oán trách ông bà. Sau này dù tốt dù xấu thế nào mình đều tự cam chịu - Diễm Diễm thở dài.
_ Cũng đừng trách ba mẹ bạn không đồng ý. Thượng Hải có  phải như nơi khác đâu, bao nhiêu người muốn về Thượng Hải còn không được kia.
_ Cho nên mình cứ do dự mãi. Hôm cậu tặng thiếp mừng cho mình, mình chưa nói cho cậu biết bởi lúc ấy mình chưa nghĩ xong.
_ Bây giờ thì nghĩ xong rồi à? – Hân Nhiên nhớ lại vẻ mặt của Diễm Diễm hôm tặng thiếp chúc mừng Nôen cho bạn.
_ Sinh viên nội địa còn chịu rửa bát ở Thâm Quyến kia. Hơn nữa bây giờ việc phân phối công tác cho nữ sinh viên là cả một vấn đề - Diễm Diễm không trả lời vào câu hỏi.
_ Hà tất đã như vậy.
_ Thế bài giảng địa lý của lớp cậu không nói gì hay sao? Thượng Hải đang lún, có khả năng bị nước biển nhấn chìm đấy! Ha ha!
Diễm Diễm thuộc loại người lạc quan, chuyện buồn đến mấy, cô cũng có thể “lấy cười đuổi khóc”, song Hân Nhiên nghe chuyện này lại cảm thấy nặng trĩu cả người.
_ Diễm Diễm, bạn mà như thế thì đáng tiếc lắm. Thành tích học tập của bạn cao thế kia mà!
_ Đáng tiếc – suy nghĩ giây lát, Diễm Diễm nhắc lại – Đáng tiếc, đúng là đáng tiếc thật.
_ Có thể nào…
_ Chẳng có cách nào hay hơn đâu. Hai ngàn năm trước, cụ Mạnh Tử đã bảo chúng ta: không thể cùng một lúc có cả cá lẫn tay gấu được.
_ Thế theo bạn, hộ khẩu ở Thâm Quyến là tay gấu à?
_ Đúng, theo mình, thẻ xanh ở Thâm Quyến có sức hấp dẫn hơn huy hiệu của trường đại học.
_ Nếu là mình, mình sẽ không như thế.
_ Bởi vì cậu còn chưa đến nước đó thôi.
_ Không đâu, cứ kể bây giờ mình học lớp mười hai đi, mình cũng sẽ không quyết định như bạn – Hân Nhiên cất cao giọng nói.
Đường Diễm Diễm không tranh luận nữa, chỉ nói:
_ Bầu trời của nữ giới không cao lắm đâu.
Không hiểu sao vô duyên cớ, Diễm Diễm nhắc lại lời của nữ sĩ Biêu Hồng (Nữ văn sĩ nổi tiếng Trung Quốc, 1911-1942) trên đây. Thế là có ý gì? Dù sao đã là học sinh lớp mười hai rồi, nói năng nên có suy nghĩ sâu sắc một chút chứ!
Sau khi chia tay Diễm Diễm, Hân Nhiên cảm thấy lòng nặng trĩu. Bạn thầm nhớ lại lời Diễm Diễm trong óc, cảm thấy sự nặng nề như phải gánh vác một việc gì to tát mà ở tuổi thiếu nữ, không nên bắt thế hệ các em gánh vác, song các em lại phải gánh vác. Hân Nhiên hơi lo sợ, bạn biết vấn đề đó tồn tại thực sự và nó đang ở trên lưng bạn. Bạn có thể hất nó đi không? Và khi nào thì hất được.
Lầm lũi trở về nhà, đúng lúc thang máy ở lầu nhà Hân Nhiên bị hỏng. Gia đình Hân Nhiên ở tầng mười tám, bạn phải từng bước leo cầu thang. Trên bực thang trống không vang lên bước chân nặng nề của bạn khiến lòng bạn tê tái. Tới tầng mười tám, bạn suýt bật khóc.
Mẹ đang nói chuyện với người bà con trong phòng khách. Người bà con này vừa từ Hồ Nam đến. Gọi là bà con nhưng xa lắc xa lơ đến mức Hân Nhiên không biết xưng hô như thế nào. Nghe mẹ nói thì hình như là em trai chồng em gái người em dâu của mẹ. Từ khi gia đình Hân Nhiên tới Thâm Quyến, quan hệ gia tộc trở nên năng qua lại mà cũng phức tạp hơn. Bất kể là đi công tác, đi chơi về không bao giờ về tay không. Thứ tốt được đem đi mà thứ chẳng tốt lắm cũng được đem đi nốt. Mẹ bảo nếu gia đình đi Mỹ thì có lẽ họ hàng đến thăm nên nhân lúc trẻ đi thử vận may, kiếm lấy ít tiền, thế là lo chạy một đơn khám bệnh ghi mắc bệnh viêm gan, cho nghỉ một năm ăn lương chữa bệnh để chạy tới Thâm Quyến, người này ở nội địa cũng có địa vị, đến Thâm Quyến thì có thể không cần sĩ diện nữa, chịu làm những việc “hèn hạ”, mục đích là kiếm nhiều tiền để trở về hưởng thụ.
Mẹ đang hướng dẫn cách mua bán: nhất định chỉ trả nửa giá. Quần áo nói giá hơn hai trăm thì hơn một trăm là chịu bán; tới góc Sa Đầu thì tránh cảnh sát như thế nào để mua  được hàng của người Anh; nơi nào ở Thâm Quyến hàng rẻ nhất… Mẹ ra vẻ là một chuyên gia trong việc mua hàng. Người họ hàng há hốc mồm, nghe đến lịm người, chẳng khác gì được giáo chủ chân truyền.
_ Thưa mẹ, con đã về! – Hân Nhiên nói song không chào người bà con nọ. Mẹ bảo Hân Nhiên chào bằng chú, theo thứ bậc là như vậy. Nhưng người này chỉ khoảng hai bảy, hai tám tuổi, Hân Nhiên thấy ngượng mồm khi phải gọi bằng chú. Bạn chỉ gật gật đầu coi như một lời chào.
_ Hân Nhiên, sao thế con? - Mẹ nhìn qua để thấy ngay thần sắc Hân Nhiên có gì đó bất ổn.
Hân Nhiên run run mấp máy môi rồi nói nói:
_ Đường Diễm Diễm không về Thượng Hải để thi đại học đâu.
_ Nó làm sao?
_ Bạn ấy bảo sắp có hộ khẩu rồi. Thẻ xanh của Thâm Quyến có sức hấp dẫn hơn huy hiệu trường đại học.
_ Nói thế cũng đúng thôi - người họ hàng bắt chuyện – có một bài thơ viết rất hay: “Sống ở trên đời học đại số. Hà tất khổ sở học đại số. Học xong đại số có số dùng? Không học đại số mà “đại số”! Đấy, đạo lý đời nay như thế đó, giáo sư đại học kiếm tiền chẳng bằng được bà lão bán khoai lang!... Ở Thâm Quyến thì hay rồi, kiếm tiền dễ ợt, hà tất phải thi vào đại học, như thế gọi là “đường đời khó đi tiền là ngựa” mà!
Mẹ nghe mấy câu đó thấy phản cảm nhưng vì là họ hàng nên không tiện gạt phắt đi chỉ đặng hắng hai tiếng, người kia cũng biết điều, không nói gì nữa. Mẹ hỏi Hân Nhiên:
_ Con nghĩ sao?
Hân Nhiên lắc đầu.
_ Hân Nhiên, con chớ có nản chí như vậy đấy, con không được học theo Đường Diễm Diễm đấy! Nhất định con phải vào đại học. Hôm qua mẹ còn bảo với ba đến lớp Mười một thì đưa con về Thượng Hải học. Đương nhiên nếu thi đỗ đại học được ở  đây thì tốt nhất… Chỉ trách ba con, nhường luôn chỉ tiêu cho người khác…
Hân Nhiên ra hàng hiên. Đứng trên hiên của tầng mười tám nhìn ra, Hân Nhiên có cảm giác “lên núi Thái Sơn thấy thiên hạ bé nhỏ”. “Thương trường quốc doanh”, “Nhà hát lớn”, “Hoàn vũ”… cùng nhiều tòa nhà khác đều  nằm trong tầm mắt. Thâm Quyến là một thành phố đẹp nhưng thành phố này là của Hân Nhiên chăng? Hân Nhiên chợt nghĩ đến câu: “Mỗi người đều mang theo dấu ấn mà cuộc sống để lại cho mình để đi tìm kiếm cái mà mình cho là hạnh phúc”. Quyết định của Đường Diễm Diễm có lẽ là do dấu ấn cuộc đời xui khiến nên như vậy. Hân Nhiên không có quyền can thiệp vào đường đi của người khác. Còn phần mình, hạnh phúc mà mình tìm kiếm thì sao? Sự lựa chọn của Diễm Diễm có lẽ chỉ là một cú sốc đối với Hân Nhiên, cũng có thể là điều gợi ý của xã hội. Ấn tượng ban đầu là trực tiếp nhất đối với hai người có lẽ chẳng là gì cả…
Cảnh tượng trước mắt bắt đầu nhòa dần.

TRƯỞNG THÀNH THẬT KHÔNG DỄ

Nhật ký của Hiểu Húc

Ngày… tháng…

Sắp thi cuối học kỳ rồi, lòng lo ghê gớm. Lại phải thi, lại phải chia cao thấp, lại có rất nhiều bạn vây lấy bảng điểm mà bàn tán không thôi.
Về đến nhà cậu em trai bảo đến năm 1999, quả đất sẽ va chạm và nổ, loài người bị tiêu diệt trong phút chốc.
Mình đùa:
_ Tin riêng của em đấy à?
Thấy mình không tin, nó cáu lên:
_ Thật đấy. Lớp em hôm nay chỉ nói mỗi chuyện này. Người Nhật Bản còn ra một quyển sách chuyên dự báo. Ngày tận cùng của thế giới: 1999. Không tin,mai em mượn về cho mà xem.
Trời ơi, chỉ còn sống được có vài năm nữa thôi! Năm 1999 lại đúng vào tuổi xuân của mình. Nếu gặp tai họa ấy thì không may biết bao nhiêu.
Sắp chia thành hai khoa văn và lý rồi, có thể thoát khỏi môn vật lý đáng ghét, cả môn hóa nữa. Bây giờ thì hay rồi, ngày tận thế sắp tới. Thế thì còn học mà làm gì? Còn xây dựng kinh tế làm gì? Còn xây nhà lầu làm gì? Nói làm gì nữa? Mọi người chết hết, thế là xong!
Lại nghĩ, có phải một mình chết đâu! Tất cả đều chết! Lưu Hạ, Hân Nhiên, Tiêu Dao, cả lớp chết hết. Thầy Giang cũng sẽ chết… sợ thật!
Mẹ về, hai chị em kể chuyện đó cho mẹ nghe. Mẹ nhìn hai đứa:
_ Tin của các con nhanh nhạy nhỉ? Tòa báo của mẹ vừa bác bỏ tin đồn, đều là chuyện giả dối bịa đặt cả. Chẳng qua là một màn kịch vui cho mọi người hú hồn một mẻ. Chẳng ai biết khi nào là ngày tận thế cả.
Đúng rồi, chỉ có thần mới biết. Mình rất mừng là chẳng ai biết khi nào là ngày tận thế!
_ Các con không nhanh chóng ngồi vào bàn mà học bài đi. Thi cuối học kỳ đến nơi rồi!
_ Thôi chết rồi!
Mình sực nhớ ra ngày mai còn một bài trắc nghiệm của môn Vật lý.
Nỗi lo lắng sau khi vui mừng quả là một tai nạn thật sự.
Ngày… tháng…
Điểm Vật lý được công bố. Bật đèn đỏ rồi. Thầy dạy Lý nói nếu bài trắc nghiệm lần này mà không qua được thì thi cuối năm khó mà qua được. Trời ơi! Trên tấm bảng đen nhỏ treo cuối lớp viết: “Còn mười lăm ngày nữa đến kỳ thi cuối năm!” lại có người ngày nào cũng réo số ngày, học theo lối đếm ngược trở lên của người ta, thật đáng sợ!
Điều đáng sợ hơn là càng ngày mình càng mất lòng tin, càng ngày càng không nắm vững được gì. Nhớ có lần thầy Giang nói: “Người thiếu lòng tin là người chẳng làm nên một việc gì”. Mình đúng là thiếu lòng tin, chỉ luôn gửi hy vọng vào ý trời. Mình thường búng tiền, lấy mặt sắp ngửa của đồng tiền để dự kiến điểm thi tốt hay xấu, dùng cách đếm lá cây lẻ hay chẵn để tính trước xem điểm nhiều hay ít.
Nản lòng vô cùng, Lưu Hạ hỏi thăm xem học ôn thế nào.
_ Không ôn tập gì hết, liều một phen đấy! – Mình thuận miệng nói.
Nói vậy thôi. Nói xong lại tự hỏi đó có phải là tiếng mình không? Cảm thấy mình đâu có được phóng khoáng như vậy! Lưu Hạ nhìn mình hồi lâu rồi nhếch mép như cười:
_ Nếu quả vậy thì trừ phi mặt trời mọc đằng tây!
Câu Lưu Hạ nói chứng minh rằng vừa nãy không phải chính mình nói vậy.
Chỉ cần còn thi đại học thì mặt trời sẽ mọc đằng tây. Mình lại phải học ôn. Một nửa vì mẹ mình, mình muốn cho ước mơ của bà thành sự thật. Mẹ mong chờ ở mình quá cao, mình thật không nỡ để cho mẹ phải thất vọng. Mẹ thường nói:
_ Hiểu Húc với Hiểu Đậu này, các con nhất định phải làm cho mẹ được hởi dạ, để ba con ở dưới suối vàng cũng được hởi dạ.
Lẽ ra mẹ nên là một nữ danh sĩ như bà Lý Thanh Chiếu hoặc bà Chu Thục Chân. Hồi trẻ, mơ ước của mẹ là được trở thành một bà Quyri (Marie Curie, 1867-1934, nhà nữ vật lý học nổi tiếng người Ba Lan) trên văn đàn. Nhưng đáng tiếc mẹ lại lấy ba - một sinh viên xuất sắc của trường đại học Thanh Hoa, tài giỏi hơn mẹ, từ đấy mẹ “đi tới tiêu điều”. Cầm, kỳ, thư, họa (Cầm, kỳ, thư, họa: Các thú chơi  nghệ thuật là đàn, cờ, vẽ chữ và vẽ tranh) trở thành gạo, củi, dầu, muối. Mộng trở thành nhà văn cũng theo đó trở thành bong bóng xà phòng. Có người nói phụ nữ coi gia đình là thế giới của mình, còn nam giới coi thế giới là nhà mình. Quả là như vậy, mình biết mẹ gửi gắm rất nhiều hi vọng  ở hai chị em mình; nhất là sau khi ba qua đời, mẹ càng để tất cả tâm huyết vào hai chị em. Hễ nghĩ đến bài làm vật lý bị bật đèn đỏ, mình lại xấu hổ vô cùng.
Hôm nay Hân Nhiên an ủi mình:
_ Cậu phải học cách tự đánh thông tư tưởng, chẳng hạn dùng tự kỷ ám thị để điều tiết tình cảm. Cứ nghĩ “mình không làm được thì vị tất người khác đã làm được” là lại có thể làm được đấy…
Cách ấy có hiệu quả không? Mình chỉ mong lần thi làm bài tốt hơn để giải thích lần không đủ điểm trung bình chỉ là lầm lỡ. Nhưng mình lại thiếu lòng tin, sợ rằng lần sau bài làm vẫn kém điểm.
Bên hàng xóm vang lên lời mẹ Bối bối đang trách mắng con bé, hẳn là vì điểm thi của nó không tốt chăng? Bối Bối khóc thảm thiết, con bé mới học lớp Hai, còn có hàng trăm ngàn lần kỳ thi đang đợi nó. Nghĩ đến đó mình thấy sợ. Thường ngày mình không muốn lớn, chỉ ước sao mãi mãi là con bé con. Nhưng hễ nghĩ tới Bối Bối mình cảm thấy lớn lên cũng có cái hay. Xấu tốt gì cũng sắp hết một học kỳ. Trưởng thành thật không dễ!
KHÔNG BIẾT ĐÃ CHẾT MẤT BAO NHIÊU TẾ BÀO NÃO
Những ngày tiếp theo đương nhiên là học ôn rất căng thẳng.
Người Nhật Bản khắc khổ học tập. Sự cạnh tranh quyết liệt trong học sinh Nhật đã nổi tiếng thế giới. Nhưng nếu so họ với học sinh Trung Quốc thì vẫn là chưa thấm vào đâu. Thời gian học sinh Nhật học tập ở nhà là một giờ rưỡi, còn thời gian học ở nhà của học sinh Trung Quốc là ba giờ rưỡi, lên tới phổ thông trung học, nhất là tới lớp Mười hai thì khỏi phải nói.
Có lẽ cái cách bắt buộc người ta học thành công nhất, hữu hiệu nhất trong lịch sử giáo dục có lẽ là thi.
Học sinh nào trong thời gian ôn thi cũng phải châm chỉ hơn thường ngày. Ai nghĩ ra được cách gì khiến cho hiện tượng trên đảo ngược lại thì hẳn sẽ đoạt giải “thúc đẩy tiến bộ của văn minh nhân loại”. Trong ngăn bàn nào là băng nhạc, Walkman, nào là máy tính, máy trò chơi đều thu hết về nhà, sách xem chơi cũng trả về cho chủ cũ. Không ai còn bàn tán về Lâm Chí Dĩnh cùng việc xây dựng một sân bay mới ở Hồng Kông nữa. Chỗ nào cũng thấy học sinh vùi đầu vào học. Không biết bạn nào đã chữa câu “Chỉ còn mười ngày nữa là thi” trên bảng đen treo cuối lớp thành “chỉ còn mười ngày nữa là được nghỉ đông”, khiến câu ấy có tính kích thích nhiều hơn. Thời gian này các thầy cũng ra nhiều bài tập hơn, bài trắc nghiệm cũng nhiều hơn. Lời nói của các thầy mâu thuẫn lẫn nhau.
_ Học giả chân chính chưa bao giờ bỏ qua một chi tiết nhỏ - Thầy dạy Hóa nói.
_ Không nên nhằm dính vào chi tiết. Phải có tầm nhìn xa trông rộng nắm vững được chỉnh thể - thầy dạy Sử nói.
Nghe ai đây?
Thầy dạy Địa bảo:
_ Theo bài đăng trên báo, chim thủy tổ không phải là loài chim có sớm nhất, song sách Địa lý chưa sửa, vậy các em cứ theo lời tôi mà viết là chim thủy tổ.
Như thế là thế nào?
Thi là trò ú tim giữa “quan” chấm thi và người đi thi. Các anh chị đã thuộc đỉnh cao thứ nhất, vậy thì tôi “khảo” các anh chị về đỉnh cao thứ hai.
Thế không phải là làm khó dễ cho nhau ư?
Sáng hôm ấy, Lâm Hiểu Húc vừa vào đến lớp là hỏi:
_ Lưu Hạ ơi, mấy đề này tối hôm qua cậu làm có lâu không?
Lâm Hiểu Húc chỉ tay vào vở Toán của Lưu Hạ đặt trên bàn. Bạn mất cả một buổi tối mới làm xong mấy đề toán đó, có nghĩa là đã hy sinh không biết bao nhiêu là tế bào não, đến mức bạn đâm hoài nghi cả IQ của mình.
_ Thật không còn muốn nhớ lại nữa. Mất đúng ba giờ mười tám phút – Lưu Hạ dài thượt mặt ra than thở.
Lâm Hiểu Húc mỉm cười có phần sung sướng. Hóa ra ai cũng thế cả.
So ra, hồi học phổ thông trung học vui vẻ hơn nhiều, làm xong bài là có thể giở tạp chí ra đọc, nghe âm nhạc hoặc xem ti vi. Sau khi may mắn thi đỗ vào trường Số Chín, Lâm Hiểu Húc chịu một áp lực rất lớn. Buổi tối, chưa bao giờ được lên giường trước mười hai giờ. Đề bài làm ra mãi không dứt và bài làm phải nộp đè nặng đến mức bạn không kịp thở, thỉnh thoảng có muốn đọc báo chí và xem ti vi, nhưng vừa ngồi xuống xem thì lại có tiếng nhắc nhở trong tai: “Người khác đang miệt mài học bài đấy!”. Một mặt bị phim truyện lôi kéo, một mặt lại cảm thấy xem phim là phạm tội, phấp phỏng không yên, nhưng về phòng học tập lại không tập trung học được, cứ nghĩ tới bộ phim đang xem dở ấy. Gặp phải đề nào bí, Hiểu Húc lại bực mình: “Đề này bọn Trần Minh, Hân Nhiên làm nhoáng cái là xong, mình ngu thật!”. Có lúc vượt qua bao nhiêu khó khăn giải được một đề thì Hiểu Húc rất sung sướng: “Có lẽ nhiều cậu khác chưa giải được, mình khá đấy nhỉ!”. Hiểu Húc rất cố gắng song không muốn cho ai biết. Một lần nhà trường phát phiếu điều tra về tình hình học sinh, có mục là “thời gian em học ở nhà”. Mỗi ngày ít nhất bạn cũng học đến năm giờ nhưng bạn chỉ viết vào phiếu có ba giờ; mục “thời gian ngủ” cũng viết khoảng mười giờ. Bạn sợ người khác biết mình khắc khổ học tập như thế mà điểm vẫn không khá, sợ bạn cho là mình đần độn. Kết quả điều tra và tình hình thực tế cách nhau rất xa, bởi nhiều học sinh cũng có tâm lý như Hiểu Húc. Còn loại như Dư Phát, ở nhà rất ít khi cầm đến quyển sách thì ghi đến bốn giờ ở mục thời gian học tại nhà. Thầy giáo thấy khó hiểu:
_ Học sinh bây giờ làm sao thế nhỉ? Người khắc khổ học tập thì không dám nhận là khắc khổ, còn người lười nhác thì lại nhận bừa là chăm chỉ.
Tối hôm qua, Hiểu Húc mất cả buổi tối mới làm xong bài, song không dám chắc là làm đúng nên bài học khác cũng không ôn tập được. Lòng phiền muộn, Hiểu Húc bèn đi ngủ. Nằm trên giường lại nghĩ đến mấy đề toán nên mặc dù mắt đã díp chặt lại mà Hiểu Húc vẫn không ngủ được, dường như ngủ là lười nhác vậy. Không được ngủ! Nghĩ thế rồi Hiểu Húc trở dậy tiếp tục học không vào. Sau bèn ngồi tại bàn, mắt đăm đăm nhìn sách song trong óc không nhớ gì hết. Làm như thế chỉ để tâm lý bớt nặng nề: Mình không ngủ, mình học rất khuya. Có điều, Hiểu Húc quên không tính đến hiệu quả.
_ Hiểu Húc này, đáp án của hai đứa không giống nhau! – Lưu Hạ  cầm vở của mình và của Hiểu Húc đối chiếu một lượt.
_ Thế à?
_ Ừ. Hỏi Trần Minh xem sao? – Lưu Hạ ngoảnh lại gọi - Trần Minh – bài toán hôm qua bạn giải thế nào?
Trần Minh tiện tay đưa vở của mình cho Lưu Hạ rồi ôn bài tiếp. Trần Minh rất coi trọng những kì thi, nhất là những lần thi cuối học kỳ. Bạn thừa nhận mình có tâm lý thích nổi, chỉ mong sao kỳ thi nào mình cũng đứng thứ nhất. Chỗ đứng và uy tín của Trần Minh ở trong lớp đều vì thành tích học tập mà có. Do cố gắng bền bỉ, luôn luôn học tốt nên Trần Minh học ôn rất thoải mái. Bạn luôn giữ nếp sống đâu ra đấy. Trong thời gian thi, Trần Minh không bao giờ thức đêm để học bởi biết làm thế chỉ phản tác dụng. Trần Minh cũng không muốn giảng giải bài tập cho các bạn, không phải vì tự tư mà vì có lúc giảng một lần rồi mà người hỏi vẫn không hiểu. Các bạn sẽ hỏi liên tiếp vì sao, căn cứ vào đâu, thế là phải giảng đến ba bốn bận, lại còn phải giở sách ra đối chiếu, so với bài làm mẫu v.v… Thi đến nơi rồi, một khắc thời gian là một khắc vàng!
Lưu Hạ so đáp án xong bảo Hiểu Húc:
_ Cậu giải sai rồi. Đáp án của mình và Trần Minh như nhau.
Trong không khí khẩn trương như thế mà vẫn có người bình chân như vại.
_ Tiêu Dao, cho mượn vở đại số để tớ chép nào! – Dư Phát mở miệng nói, không hề biết ngượng, chẳng khác gì hỏi mượn cái bút.
Vì sắp đến kỳ thi nên tin tức kéo nhau đổ về. “Chính thức” có, dân gian có, tuy biết chưa chắc chắn song cũng đủ làm cho học sinh xoay như chong chóng. Bài ôn tập chẳng khác nào toán quân đột kích trước ngày thi. Ai cũng thầm nắm chắc sẽ thi những gì. Có một số bài bình thường mươi bữa nửa tháng không ôn cũng chẳng có quan hệ gì lớn song nếu mấy tiết ôn cuối cùng mà không thấy thầy nhắc đến thì lại ngờ vực. Trong lúc ôn thi, mọi học sinh đều “mắt để sáu phương, tai nghe tám hướng”, chỉ sợ bỏ sót một câu nói của thầy, một đoạn nào trong sách được chỉ dẫn. Tin chính thức có tính quyết định song tin dân gian cũng lợi hại không kém. “Tư liệu” trên một mảnh giấy nhỏ được học sinh truyền tay nhau cũng khiến họ vui mừng khôn xiết.
Cô giáo dạy chính trị bước vào lớp. Sau lần Trần Minh dám chống lại cô, cô đối với lớp 4 không còn nhiệt tình như trước. Ai nấy đều trách Trần Minh, Còn Trần Minh, từ sau khi bắt gặp cô giáo dạy chính trị mặc cả hơn kém trong chợ rau, bạn thấy mình có lỗi với cô. Hôm đó Trần Minh có xúc động nhưng bạn không khi nào chịu xin lỗi cô. Tính khí Trần Minh là như vậy.
Hôm nay cả lớp chuẩn bị đón tiết ôn tập khá đầy đủ. Sách đặt bên trái, vở đặt bên phải, rồi ai cũng có đủ loại bút, nào bút phản quang, bút huỳnh quang, nào bút đỏ, bút xanh…, tóm lại đủ màu sắc tươi tắn, khác hẳn với bút khoanh trọng điểm phải học thường ngày. Có bạn đem luôn máy ghi âm nhỏ đến. Ai nấy đều có vẻ quyết tâm “làm lớn”.
Cô giáo rất hài lòng với cảnh chuẩn bị đó.
_ Tiếp theo đây, chúng ta bắt đầu ôn tập – “Lệnh” vừa ban ra, mọi người cầm bút lên chuẩn bị ứng chiến.
_ Loại hình đề mục lần này vẫn là: giải thích, lựa chọn danh từ, điền chỗ trống, trả lời ngắn gọn, bình luận v.v… Điều khác chút ít là lần này tăng phần bình luận lên, mỗi đề 10 điểm. Sau đây tôi nói về mục giải thích danh từ, danh từ gồm “vật ngang giá”, “tiền tệ”, “kinh tế hàng hóa” v.v… Ghi rõ chưa? Nếu ghi chưa rõ thì sau khi tan học, các em mượn vở của bạn mà soát lại. Tiếp theo là đề vấn đáp: “Tác dụng của quy luật giá trị trong kinh tế hàng hóa”. Đáp án của đề này từ trang tám, dòng bốn đếm từ dưới lên đến trang chín, dòng mười. Tôi bổ sung thêm một đoạn, bây giờ tôi viết lên bảng… Quan trọng nhất là đề bình luận dưới đây…
Cả lớp “ngựa chẳng ngơi chân”, mắt chăm chú dùng bút đánh dấu, còn luôn miệng nói: “Cô nói chậm thôi, đề nghị cô giảng lại lần nữa” hoặc “Cô nói nhanh một chút, sang đề sau ạ!” Yêu cầu luôn được nêu ra với tiết tấu khác nhau.
Chỉ nghiêm chỉnh ôn tập trên lớp là chưa đủ mà còn phải có kỹ xảo biết phân tích nghiên cứu đầy đủ ngữ điệu trong lời nói của thầy cô. Nếu nói thong thả đều đều thì nhìn chung không phải là đề trọng điểm; nếu ngữ điệu khi cao khi thấp, tiếng nói to hơn thì phải chú ý coi chừng, đấy thường là đề trọng điểm. Song những chỗ nào thật sự có giá trị, những chỗ mà học sinh muốn moi được “tư liệu” và thầy cô giáo dường như muốn lại dường như không muốn “bật mí” thì trái lại thầy cô chỉ dùng lời nhỏ nhẹ “tranh tối, tranh sáng” hàm hồ nhắc qua. Kỹ xảo này không phải chỉ ngày một ngày hai mà nắm được. Không có “thâm niên” mười năm thi đừng hòng luyện được bản lĩnh cao cường nghe hiểu tiếng “chiêng trống” đó.
Muốn giờ ôn tập trên lớp có tác dụng rèn luyện năng lực phán đoán, nhất định phải dùng quan điểm triết học “phân tích cụ thể một vấn đề cụ thể” những lời của thầy cô như “xem qua một lượt”, “nắm vững về cơ bản”, đặc biệt “phải xem kỹ” hay “nhớ kỹ trọng điểm”. Nếu làm như Lâm Hiểu Húc, đồng loạt đánh một dấu đỏ như nhau, không phân chính phụ thì chả trách cô cố nhồi vào óc đến đâu cũng không được điểm cao. Hân Nhiên thông minh hơn nhiều, mỗi mức trọng điểm của từng đề đều đánh dấu khác nhau, nhìn vào là thấy rõ, khi học thuộc lòng cũng biết chỗ nào cần chú ý hơn.
Chuyện của Đường Diễm Diễm là một cú sốc khá nặng đối với Hân Nhiên. Vì hộ khẩu ở Thâm Quyến mà bỏ cả thi đại học, Hân Nhiên thật đau lòng thay cho bạn. Hân Nhiên chỉ nghĩ đến việc phải học đại học, việc ba mẹ coi trọng đại học khiến Hân Nhiên nhận ra một lý lẽ: chỉ có học đại học thì mới có tiền đồ. Mỗi khi con của bạn bè họ hàng nhận được giấy gọi vào đại học, ba mẹ đều tấm tắc ngợi khen. Hân Nhiên chỉ mong mình cũng có ngày được như thế, cũng có ngày được đeo huy hiệu của một trường đại học nổi tiếng để ba mẹ được vui lòng. Ý nghĩ đó chưa bao giờ dao động ở Hân Nhiên và cũng chưa hề có dấu hiệu dao động. Điều Hân Nhiên không hiểu là ba mẹ Diễm Diễm đều là trí thức học qua bậc đại học, không hiểu với tâm trạng như thế nào mà ông bà lại chấp nhận quyết định của Diễm Diễm? Ôi những học sinh trung học không có hộ khẩu ở Thâm Quyến!
Bây giờ Hân Nhiên không dám khẳng định bất cứ việc gì, không dám bảo đảm một điều gì, chỉ riêng đợt thi cuối học kỳ này thì nhất định phải thi cho tốt mà thôi. Đó là điều bạn phải cố gắng.
_ Hân Nhiên! Mình chưa tìm được đoạn “giá trị sử dụng của hàng hóa”. - Liễu thanh chưa kịp đánh dấu đề này thì cô giáo đã giảng sang đều sau, khiến bạn cuống lên nhổm người nhìn sang sách của Hân Nhiên.
Hân Nhiên bảo cho Liễu Thanh đánh dấu.
_ Còn “hai chức năng cơ bản của tiền tệ” nữa? - Liễu Thanh lại hỏi.
Vì cô giáo đã lại giảng sang “trọng điểm cần nhớ kỹ” nên lần này Hân Nhiên đành nói:
_ Hết giờ rồi mình sẽ bảo cho.
Học sinh viết lia lịa, đánh dấu lia lịa. Mục lớn thì I, II, III, mục nhỏ thì (1), (2), (3), nhỏ nữa thì 1, 2, 3,, nhỏ nhỏ nữa thì 1, 2, 3,. Nào là trọng điểm đặc biệt, nào trọng điểm cần nhớ kỹ, nào hiểu chung là được. Sau tiết ôn tập, ai nấy bã người ra như vừa qua một trận đánh. Nhưng nào đã hết! Còn “công việc khóa đuôi” nữa! Phải nói rằng công việc đoạn sau  này mới càng “gian khổ”.
_ Các em nghe đấy, những đề mục ấy đã đánh dấu xong rồi chứ? Về nhà học thuộc trọng điểm là có thể đạt 90 điểm rồi (Điểm ở Trung Quốc cho đến 100 điểm, bằng điểm 10 ở Việt Nam).
_ Còn mười điểm kia thì ở đâu ạ? – Có bạn truy hỏi đến cùng.
_ Mười điểm ấy là đề linh hoạt!
_ Linh hoạt thế nào ạ? Xin cô cho thí dụ. Chẳng hạn… - “Chẳng hạn” là một từ nhiều nghĩa, thực ra là xin cô giáo “gà” cho.
_ Thưa cô, đoạn này có phải là trọng điểm không ạ?
_ Đề này em trả lời như thế có được không?
_ Đề này có nhiều khả năng làm đề thi không ạ?
Những câu hỏi ngụ ý như thế vang lên khắp lớp, nếu cô giáo không chịu “bật mí” tí ti thì chớ hòng thoát ra khỏi lớp. Phải thi mãi, học sinh cũng ranh ma lên.
Cô giáo chính trị đã có vẻ cười dở khóc dở:
_ Thế là các em chẳng khác gì bắt tôi nói đề thi rồi đấy!
_ Tôi không quan tâm! – Cô giáo phát bực.
_ Không thể nói thêm gì nữa đâu, nói nữa thì lộ đề - cô giáo vừa xua tay vừa bước đi.
_ Cô ơi cô, đề thi lần này có hỏi sâu không ạ?
_ Không sâu cũng chẳng nông. Trước kia đề thi in thủ công, ấn nặng tay thì sâu, đậm nét; ấn nhẹ tay thì nông, nhạt nét. Còn bây giờ in bằng máy tính nên không sâu cũng chẳng nông – cô giáo có cách trả lời hay tuyệt.
Dư Phát thấy “buông bắt” đề thi không ăn thua liền hỏi thẳng:
_ Thưa cô, ai làm giám thị ạ?
Cả lớp nghe hỏi thế đều cười, biết Dư Phát có ý đồ “thả mèo”. Cô giáo bực mìh đáp:
_ Các em hãy cứ biết “khảo” cái việc thi của mình, thầy cô nào làm giám thị mà chẳng được?
_ Để chúng em chuẩn bị về mặt tâm lý ạ.
_ Nếu các em thích thầy cô nào làm giám thị thì chỉ chứng tỏ thầy cô đó thiếu tinh thần trách nhiệm mà thôi.
_ Sao có thể thế được? Chúng em rất thích được cô coi thi đấy ạ! – Vương Tiếu Thiên cố ý mặt dầy mày dạn nói trêu khiến cô giáo tức muốn xỉu.
_ Thôi các em chăm chỉ học thi đi. Toán, lý, hóa ôn tập mệt rồi thì lúc nào nghỉ ngơi đem sách chính trị ra mà học.
_ Vâng ạ, vừa nãy thầy dạy Lý còn nói học Chính trị, Ngữ văn, Anh văn mệt rồi thì làm bài tập lý coi như nghỉ ngơi ạ - Lâm Hiểu Húc nói.
_ Hẳn là các bạn bấy lâu nay không chịu học nên mới Rest! – Lưu Hạ nói – cô giáo quan tâm đến chúng ta đến thế là cùng.
Ngay sau đó, cả lớp đều được “nghỉ ngơi”.
Dư Phát bắt đầu hành động:
_ Tiêu Dao, cho mình mượn cái vở ghi để đi phô tô.
Dư Phát biết những phần tử tích cực trong lớp đều soạn ra một đề cương ôn tập trước khi thi, mượn bạn nào dễ tính bản đề cương đó là khá ổn.
Không biết máy phô tô do ai chế ra nhỉ? Dư Phát muốn cảm ơn người đó lắm. Có được cái của này, đỡ được biết bao thì giờ chép lại vở ghi, chỉ tiếc là bài làm không thể đem nộp bản photo. Mỗi lần thi, bất kể nhỏ hay lớn, Dư Phát đều phải mất hàng mấy tiếng đồng hồ với cái máy photo, trước hết photo nguyên bản, sau đó thu nhỏ lại bằng bàn tay để đến lúc thi còn làm “động tác”.
Lúc nào nguy cấp, các bạn đều đi photo tư liệu và vở ghi. Không phải hoàn toàn để quay cóp mà là để tiết kiệm thời gian. Thời đại khoa học kỹ thuật, học sinh đâu phải là người đứng rìa. Đó phải chăng là điều có lợi do khoa học kỹ thuật tiến bộ nhanh mang lại cho học sinh?
Chỉ ít lâu sau, không khí học tập tăng lên rất nhiều. Chỗ nào cũng thấy học sinh cầm sách trong tay, chỗ nào cũng vang lên tiếng học bài của họ.
_ Ôn đến đâu rồi?
_ Bão hòa rồi, thêm một danh từ nữa cũng không có chỗ mà nhồi nhét.
_ Như nhau cả thôi. Biết vậy là tớ yên tâm.
Học sinh đùa bỡn trêu chọc nhau để điều tiết không khí căng thẳng, trầm lắng.
Vương Tiếu Thiên nghĩ nếu sau này được làm thầy thì phải cải cách chế độ thi cử, hoặc phải bắt học sinh học thật nhiều để phát tiết nỗi hận hôm nay.
Tất nhiên bây giờ thì phải cẩn thận đối phó cái đã! “Khảo, khảo, khảo, pháp bảo của thầy cô! Điểm, điểm, điểm, bản mệnh học trò cần chiếm!” Bất kể kỳ thi nhỏ hay lớn thì học sinh đều phải ganh tài một phen. Ai chẳng muốn Pass? Ai chẳng muốn áp đảo số đông, cao hơn mọi người?