Xin nói ngay: Tôi sẽ cãi đến cùng nếu ai đó bảo rằng cái xe tay do người kéo ngày trước với cái xích lô ngày nay không có họ hàng bà con với nhau, rằng đạp xích lô ngày nay chả khác gì lái máy bay phản lực(!)Rất may cho thế hệ chúng tôi ngày trước (những người năm sáu mươi tuổi hiện nay) là khi lớn lên chỉ còn nhìn thấy chiếc xe tay trong viện bảo tàng, hoặc trong tranh minh hoạ trên báo Le Paria của nhà cách mạng Nguyễn ái Quốc. Mới gián tiếp thấy như vậy mà chúng tôi đã bùi ngùi thương xót cho số phận dân tộc mình. Còn xích lô, thú thật, tuy ít nhìn thấy nhưng chúng tôi cũng chẳng mấy cảm tình dù hồi đó chúng tôi luôn phải còng lưng cùng nhau gánh nặng lặc lè và đi bộ. Tôi dùng chữ "cùng nhau" vì ngày đó sướng là sướng chung và khổ cũng là khổ chung, chứ không có cảnh, người này gầy dơ xương, lưng đẫm mồ hôi, còng lưng đạp xe để hầu hạ cho kẻ khác phởn phơ.Tôi còn nhớ vào quãng năm 1960, ở ngoài Bắc, trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, có một cái truyện ngắn được giới trẻ rất thích. ấy là chuyện "Tôi đi xích lô", không biết của một nhà văn nào đó miêu tả một anh bộ đội về phép, nhỡ xe, phải kêu đến xích lô. Nhưng ngồi lên xe rồi, thấy người khác gò lưng phục vụ mình, ngượng quá, anh đã nhẩy xuống năn nỉ ông xích lô cho anh thay đổi vị trí. Anh đạp xe. Còn ông kia thì cứ việc ngồi vào chỗ của anh.Chúng tôi khoái chuyện này vì nó nêu lên được cái nét mới của thời cuộc, nó xoá đi sự phân biệt giàu nghèo, xoá đi ý nghĩ về quan hệ chủ với tớ, nô lệ với chủ nô.Vậy mà nay, buồn thay, hình ảnh ấy, mối quan hệ ấy, người ta còn muốn khôi phục cho nó sống lại, cho nó cháy thành ước mơ ở lứa tuổi thần tiên, khi trong sân chơi trường mẫu giáo nọ, người ta sắm hàng chục chiếc xích lô mi ni cho trẻ em thi nhau đạp, cho các em ngồi trong thùng xe thì mơ thành ông chủ bà chủ, ăn trên ngồi chốc, cho các em gò lưng đạp thì mơ ước lớn lên mình sẽ đạp xích lô.Sao không cho các em chơi trò cầm búa cầm kìm hoặc lái máy bay?"Xin đừng để con cháu chúng tôi mơ ước sau này lớn lên làm nghề đạp xích lô". Tôi có nghe chính một bác đạp xích lô nói như thế.