Ngày tôi còn nhỏ (trong kháng chiến chống Pháp) mọi người coi trọng việc chào cờ và hát quốc ca lắm. Có thể nói nhiều người chữ i, chữ tờ còn chưa phân biệt được, đi chợ còn phải lội bùn vì mù chữ nhưng lời lẽ và âm điệu của bài Quốc ca lại không ai không thuộc. Điều tôi muốn nói là cái không khí trang nghiêm của toàn xã hội lúc đó mỗi khi bài Quốc ca cất lên. Ai đang làm gì hoặc đang đi trên đường làng, ngõ xóm, hễ cứ nghe thấy "Đoàn quân Việt Nam đi..." là đều dừng lại. Tôi nhớ có lần trên đường đi học, gặp một anh bộ đội bưng trên tay bát cháo nóng, khói bốc nghi ngút, đang hăm hở bước đi (chắc là đem cho người ốm) bỗng đứng phắt lại, thẳng ngay như pho tượng đá. Hoá ra, từ ngôi nhà bên đường vừa vang lên tiếng hát chào cờ...Hiện nay trong các trường học, số học sinh thuộc và hát trọn bài Quốc ca ở mỗi lớp có thể nói hầu như rất ít. Thật là buồn. Vừa qua, tôi có được đọc một bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường đăng trên tờ Thanh Niên trong đó có một chi tiết không nỡ bỏ qua. Đó là chuyện ông Jean Vidal, chủ tịch Hội Hồi ức về Đông Dương (Mémoire d'Indochine) đi dự một cuộc thi âm nhạc tại Paris (Pháp). ở đó các thí sinh phải thực hiện đề bài là trình diễn quốc ca của nước mình. Tất cả thí sinh thuộc nhiều nước đã lần lượt lên thực hiện đề thi. Chỉ duy nhất một thí sinh Việt Nam là không biết gì cả, đành bỏ cuộc...Mong sao ngay từ đầu năm học, các nhà trường quan tâm đến vấn đề này, đừng để nơi nào xảy ra tình trạng như em học sinh nói trên (°).