Dịch giả: LÝ TRƯỜNG CHIẾN
Chương Một d
Ý VỊ CỦA TÔ MỲ HAI VẮT

Mấy ngày sau, anh ta lại mò đến chỗ tôi và rủ đi đánh bạc tiếp. Tôi không muốn đi nhưng nể nghe theo. Tôi lại thua và đến chỗ anh ta xin phép về trước. Nếu tôi nhớ không lầm thì hình như trong lần thứ ba đi chơi cùng, khi nghe tôi xin phép về trước, anh liền ngăn: “Chờ anh một chút. Anh xong ngay thôi mà.” Hôm đó, ngoài tôi ra còn có một tay chơi nữa - biệt danh là Goro thép – đi cùng. Cậu ấy cao lớn hơn tôi, nhưng cũng thua sạch như tôi cả. Cả hai đứng ngây người ra. Ở lại sòng bạc, đứng cạnh tay Goro thép, tôi khó chịu ra mặt.ừ
Ra khỏi sòng bạc Pachinco, anh bạn đường hoàng dẫn hai đứa chúng tôi vào một quán ăn lớn ngay bên cạnh. Gọi là quán lớn, nhưng đó là so với những quán ăn khác vào những năm 1945 thôi. Nếu so với bây giờ thì chẳng thấm vào đâu. Quán đó nổi tiếng với món “mỳ hai vắt” - một món cao cấp, sang trọng lúc bấy giờ. Anh ta không chút chần chừ kêu ngay hai tô mỳ hai vắt cho Goro và tôi. Hành động của anh ta có thể ví như một cây roi quất thẳng vào mặt tôi. Hoá ra, số tiền được bạc anh ta không dành cho riêng mình mà chia cho chúng tôi cùng hưởng. Mới trước đó không lâu, tôi còn có ý khinh thường anh ta vì chỉ ham chơi nên học rớt. Nhưng giờ đây, tôi nhìn anh ta bằng một con mắt khác. “Rủ một kẻ suốt ngày chỉ biết đến sách vở đi chơi. Lại khao nữa…”. Nghĩ đến những gì anh ta đã làm, tôi cảm thấy hối hận. Tôi thầm trách: “Mình đúng là một kẻ hẹp hòi, ích kỷ. Không đáng mặt đàn ông”.
Sau đó, vào năm học cuối tôi có dịp đi thực tập gần một tháng với anh ở một công ty chuyên sản xuất bột giấy thuộc tỉnh Miyazaki. Bình thường, tôi hay giảng giải cho anh những vấn đề khó nhằn hay những gì anh chưa hiểu trong khi thực tập. Nhưng về cách giao tiếp, cách quan hệ giữa người với người ngoài xã hội thì tôi lại được anh tận tình chỉ bảo rất cặn kẽ. Anh rất đàn ông. Anh có thể giao tiếp một cách đường hoàng và bình đẳng với mọi người trong công ty. Còn tôi chỉ biết đứng nép sau lưng anh với vẻ lóng ngóng và thiếu tự tin. Tôi học được nhiều điều qua thực tế giao tiếp từ anh. Thì ra “ với người này thì phải chào hỏi thế này, với người kia thì phải chào hỏi thế kia…”
Những năm gần đây; trong các dịp gặp mặt hội lớp hàng năm tôi thường nói với anh: “ Thời gian qua, tôi được nhiều nơi mời nói chuyện về đề tài Những gì cần phải có ở con người. Những lúc đó tôi luôn nhớ tới những điều anh đã chỉ bảo cho tôi khi còn là sinh viên đại học. Đó là phải luôn hoà đồng cùng với mọi người…”. Nghe tôi nói thế, anh chỉ cười và bảo: “Cậu cứ nói quá thế nào ấy chứ. Tớ có chỉ bảo được gì cho cậy đâu”.
Trong thời gian học Đại học Kagoshima, vì gia cảnh túng bấn nên tôi xin được trợ cấp học bổng để trang trải một phần tiền học phí. Số còn lại, tôi đi làm thêm để có tiền đóng nốt. Suốt thời gian là sinh viên, tôi chỉ có độc một cái áo khoác mặc trên người và một đôi guốc mộc đi hàng ngày. Tôi chăm chỉ học tập. Sách tham khảo đắt, không có tiền mua nên tôi thường xuyên lên thư viện mượn đọc. Ngoài ra, tôi còn tham gia vào câu lạc bộ karate đề rèn luyện thân thể. Vả lại, tập karate thì không phải tốn tiền mua dụng cụ tập luyện vì môn này chỉ cần sức mạnh cơ bắp và một bộ áo tập là được. Cuộc sống thời sinh viên của tôi là như thế. Rồi thấm thoắt cũng đến ngày ra trường.
YAKUZA – PHẢI CHĂNG CŨNG LÀ MỘT CÁCH SỐNG?
Tuy nghèo khó nhưng gia đình vẫn dồn sức cho tôi học lên đại học. Vì vậy, tôi luôn tâm niệm rằng sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sẽ tìm việc làm trong một công ty có tiếng tăm để có được thu nhập cao. Các giáo sư cũng giới thiệu tôi cho rất nhiều nơi.
Nhưng thời cơ tôi tốt nghiệp đại học – năm 1955 - lại cũng là thời buổi khó kiếm công ăn việc làm. Nếu không phải là họ hàng ruột thịt hoặc không có quan hệ thân thiết với các thành viên trong ban lãnh đạo công ty thì không thể xin việc được.
Tôi từng mơ được làm việc trong ngành Hoá dầu - một ngành khi đó được cho là có tiềm năng phát triển vượt bậc, và cũng là ngành mà tôi có thể áp dụng được những điều đã học trong trường vào thực tế. Tôi đăng ký thi tuyển vào rất nhiều công ty dầu lửa lớn nhất Nhật Bản- công ty Dầu lửa Đế quốc. Nhưng chẳng công ty nào nhận tôi cả. Có vẻ như nếu không có thế lực hoặc không quen biết thì dù có học giỏi, có tốt nghiệp đại học cũng chẳng có đất dụng võ.
Khi đó trong tôi âm thầm dấy lên tâm trạng “xã hội sao mà bất công đến vậy”. Suốt từ thuở nhỏ, tôi chưa từng một lần được toại nguyện. Thi vào cấp hai: rớt. Năm sau thi lại cũng rớt. Phải học cấp hai dành cho học sinh không vào được trường chính quy. Vất vả lắm mới được học tiếp lên cấp ba. Đến khi thi đại học thì nguyện vọng một không thành. Rồi xin đi làm cũng không được.
Tất cả những gì tôi định làm đều bị trục trặc, đến nỗi trong tôi hình thành một đinh ninh quái đản: người ta mà bốc thăm thì thế nào cũng có lần trúng. Còn tôi dù có được bốc thăm cả trăm lần thì cả trăm lần trượt. Có làm gì cũng hỏng, như thể cuộc đời tôi là đồ bỏ đi vậy.
Khi đó trong tôi nảy sinh ý nghĩ: “Không biết chừng mình phải sống trong nỗi hận đời”. Chiến tranh kết thúc mới chưa đầy mười năm, xã hội Nhật Bản vẫn trong tình trạng nghèo khổ hỗn loạn, tốt xấu lẫn lộn. Tôi đã từng suy nghĩ một cách rất nghiêm túc: “Dù mình có cố đến mấy cũng bị xã hội gạt ra rìa. Hãy thử dấn thân vào con đường yakuza xem sao – làm một gã maphia có học có khi lại hay. Thay vì chịu tủi nhục trong một xã hội đầy rẫy bất công như thế thì thà sống trong thế giới yakuza mà giàu lòng nghĩa hiệp còn hơn. Mình đã từng học karate nếu có phải đánh đấm tí chút cũng đâu có ngán.”
Tôi chợt nhận ra mình đã đi đi lại lại nhiều lần trước cửa văn phòng của yakuza nằm trong trung tâm buôn bán sầm uất của thành phố Kagoshima.
Các bạn trẻ! Mỗi khi gặp thất bại, có lẽ trong lòng các bạn cũng dấy lên tâm trạng căm ghét và hận đời như tôi ngày trước: Nào là “ Vì sao lại ra nông nỗi này?”; hay “ Tôi có làm gì nên tội mà bị hành hạ khổ sở thế này?”.. khi đó tôi luôn mang trong lòng ý nghĩ “Dù cố mấy thì cũng bị gạt ra rìa, mình sẽ phải ngậm hờn cho tới chết
CUỘC ĐỜI KHÔNG PHẢI TOÀN ĐIỀU XẤU
Tuy vậy, sau những suy tư trăn trở, tôi nghĩ lại: “Có hận đời đến mấy thì cuộc đời mình cũng chẳng khá lên được. Đúng là từ trước tới nay, mình luôn gặp “vận xui”, định làm gì cũng hỏng. Nhưng, dứt khoát là ông Trời có mắt. Cũng có thể bất hạnh đã luôn đeo đuổi mình cho tới bận bây giờ. Nhưng từ nay về sau có lẽ ông Trời sẽ cho mình được hưởng hạnh phúc. Vậy thì, cứ phải sống cho lạc quan lên, và luôn hướng về phía trước.”
Cảnh ngộ dù có khó khăn đến mấy thì mình vẫn cứ phải sống và không để mất hy vọng. Nghĩ được như thế nên tôi đã kịp dừng bước ngay trước khi dẫm chân vào con đường đen tối.
Cùng thời gian đó, giáo sư Takeshita ở trường đại học giới thiệu cho tôi vào làm việc tại một công ty chuyên sản xuất sứ cách điện cao áp ở Kyoto. Đó là Công ty Công nghiệp Shofu. Tôi nhớ lại, khi thầy gọi đến báo cho biết: “ Thầy có người quen ở công ty đó. Họ có thể giúp em. Em thấy thế nào?”. Tôi đồng ý ngay tức thì: “Trăm sự nhờ thầy ạ”. Lúc đó tôi cảm thấy phấn chấn vô cùng. Thế là tôi có được việc làm.
Nhưng, như tôi đã nói ở phần trước, ngành gốm sứ thuộc về lĩnh vực hoá vô cơ. Nó khác hẳn hoá hữu cơ là chuyên ngành mà tôi theo học. Hơn nữa, khi được biết công ty đó cần tuyển sinh viên học về nam châm, tôi liền tìm tới giáo sư dạy ngành hoá vô cơ thụ giáo. Tôi bắt đầu nghiên cứu về đất sét, đặc biệt là loại đất sét tốt của vùng Iriki tỉnh Kagoshima. Sau nửa năm miệt mài nghiên cứu, tôi tập hợp các dữ liệu và kết quả phân tích làm thành bản luận văn tốt nghiệp.
Công ty Công nghiệp Shofu – nơi tôi sẽ đến làm việc - vốn là công ty đầu tiên sản xuất thành công sứ cách điện cao áp tại Nhật Bản. Khi đó nó là một công ty rất nổi tiếng. Cha mẹ thấy tôi được vào làm việc ở một công ty tiếng tăm, lại là công ty thuộc ngành chế tạo nên ông bà rất vui và yên tâm. Còn anh trai mua tặng ngay cho tôi một bộ đồ vét.
Lận trong túi một số tiền ít ỏi, tôi rời Kagoshima lên Kyoto và vào làm việc ở Công ty Công nghiệp Shofu. Nhưng, làm được một thời gian tôi mới hiểu ra rằng công ty đang trong tình trạng tài chính nguy ngập. Số tiền tôi mang theo chỉ có thể cầm cự được đến cuối tháng - tức là đến kỳ lãnh lương đầu tiên. Nhưng đến ngày phát lương thì công ty thông báo chưa có tiền và khất lương sau một tuần nữa sẽ trả. Rồi đến tuần sau công ty lại đề nghị khất thêm một tuần nữa…
Tôi cảm thấy bực bội trong lòng. Đúng chỉ có những công ty “đồ bỏ” thế này mới chịu nhận những sinh viên quê mùa tốt nghiệp đại học hàng tỉnh như tôi vào làm việc. Nhưng bực lên thì nghĩ lung tung thế thôi, chứ tôi còn có lựa chọn nào nữa đâu. Chẳng còn cách nào khác, tôi đi mua bếp, mua nồi niêu xoong chảo đem về nhà tập thể tồi tàn của công ty tự nấu nướng. Tối đến thì thu dọn nồi niêu bếp núc vào một góc rồi rải chiếu ra ngủ.
Một anh chàng nhà quê hăm hở lên Kyoto, sau lưng có bao nhiêu người khích lệ. Vậy mà đâu ngờ bước khởi đầu cuộc đời “làm người lớn” của tôi lại đâm ra như vậy. Sau mỗi ngày làm việc, tôi chạy vội ra khu chợ cóc gần công ty mua đồ về nấu. Cứ thấy cái mặt tôi là mấy ông bà bán hàng lại cảnh cáo: “Này, nói trước cho cậu biết nhé. Làm việc ở cái công ty ấy thì chẳng ma nào nó chịu lấy cậu đâu.” Tôi như rơi xuống vực thẳm.
Có thể nói những năm tháng nửa đầu cuộc đời của tôi là một chuỗi những thất bại và nản chí, động vào cái gì cũng hỏng.
Nhưng, giờ đây ngồi ngẫm lại, tôi cảm thấy những ngày tháng không đâu vào đâu ấy chính là chuỗi thứ thách mà ông Trời “ban cho” để rèn luyện nâng cao cho con người tôi lên. Hơn nữa, cũng nhờ thế mà năng lực của tôi cũng phát triển như thể không có giới hạn.