Dịch giả: LÝ TRƯỜNG CHIẾN
Chương Sáu b
NGƯỜI GIỎI BỎ ĐI NGƯỜI CHẬM Ở LẠI

Kể từ khi thành lập Công ty Kyocera, tôi tuyển rất nhiều nhân viên mới vào làm. Thời kỳ đầu, nhiều người giỏi tôi muốn nhận về thì chẳng thấy ai nộp đơn. Thi thoảng lắm mới có một vài thanh niên có vẻ thông minh, lanh lợi tìm đến. Qua thực tế làm việc với những nhân viên này, tôi rất kỳ vọng ở họ. Nhiều lần tôi nghĩ: “Cậu này tháo vát nhanh nhẹn đúng như mình mong muốn. Sau này có khả năng giao phó công ty cho cậu ta được. Hoặc cứ với đà này thì cậu ta chẳng mấy chốc sẽ trở thành chuyên gia kỹ thuật tầm cỡ đây”.
Ngược lại, nhiều nhân viên mới rất châm chạp, đầu óc thì chẳng có vẻ gì sáng dạ cả. Hướng dẫn hay chỉ thị mãi cho họ thì cũng giống như nước đỗ đầu vịt vậy. Nhiều khi tôi nghĩ thầm: Những nhân viên này khó mà tiến bộ được.
Khổ nỗi, những nhân viên thông minh, nhạy bén mà tôi đặt nhiều hy vọng, sau một vài năm làm việc là bỏ đi mất. Muốn giữ chân họ lại nhưng chỉ nhận được câu trả lời của họ là: Không nhìn thấy triển vọng ở Công ty Kyocera.
Còn những nhân viên đầu óc chậm chạp, kém nhạy bén thì chẳng một người nào bỏ Công ty đi cả. Họ ở lại và làm việc rất chăm chỉ. Mỗi khi nhìn họ lẳng lặng làm việc, tôi lại nghĩ: “Chắc không chỗ nào nhận vào làm cả nên mới ở lại với mình…”
Từ thực tế đó, tôi nhiều khi nghĩ là Công ty Kyocera khó phát triển được vì người tài không thèm tới, họ mà có tới thì sau dăm bữa nửa thánh lại bỏ đi…
ĐẶC TÍNH KHIẾN NGƯỜI BÌNH THƯỜNG TRỞ THÀNH PHI THƯỜNG
Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 40 năm, những nhân viên hồi đó có vẻ chậm chạp thì trên thực tế họ đã trở thành các cán bộ lãnh đạo tuyệt vời. Nhờ đức tính cần cù và kiên trì công việc trong suốt chặng đường dài, giờ đây họ đã trưởng thành và trở thành những con người ưu tú.
Tôi cảm thấy xấu hổ vì một thời đã nghĩ sai về họ. Tôi thành tâm xin lỗi.
Hiện nay, trong Công ty Kyocera có rất nhiều người giỏi từng tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu đang làm việc. Nhưng đồng thời, trong số các cán bộ giữ cương vị trọng trách cũng có không ít người chỉ mới tốt nghiệp phổ thông. Những người này, đều rất con người. Họ đứng trên tuyến đầu, xả thân trong công việc, dẫn dắt Công ty đi lên. Có thể nói: Kiên trì biến người bình thường thành phi thuờng.
Trong tất cả các lĩnh vực, những người được coi là danh nhân, để đạt được điều đó tôi chắc rằng người nào trong số họ cũng đều âm thầm nỗ lực, bền bỉ nỗ lực. Trên thế gian, những người tài năng, thông minh, nhậy bén, làm gì cũng thành công thì rất hiếm. Chỉ có những người không bao giờ chán nản, dành cả đời bền bỉ kiên trì theo đuổi một mục tiêu thì người đó mới được xã hội tôn vinh là danh nhân.
CÓ CHỊU ĐỰNG ĐƯỢC SỰ KHIỂN TRÁCH KHÔNG?
Nếu không dấn thân và rèn luyện trong một hoạt động cụ thể nào đó thì người ta không thể trưởng thành lên được. Dấn thân và rèn luyện có nghĩa là nếm trải gian nan vất vả, không chùn bước, kiên trì nỗ lực. Trong con người nào cũng vậy, khi bắt tay vào một việc gì đó thì cũng có lúc gặp tâm trạng chán nản, muốn bỏ cuộc. Nếu vượt qua được tâm trạng đó, rèn luyện khả năng chịu đựng thì mới tu dưỡng được thành người. Có thế thì mới không bị ám ảnh bởi thứ hào quang nhất thời như trong thể thao, mới được cuộc đời chấp nhận.
Không chỉ riêng cầu thủ bóng đá thuộc J-Ieague, mà hầu như các cầu thủ thể thao chuyên nghiệp - kể cả những người có thu nhập hàng năm từ 30 đến 40 triệu yên - đều buộc phải từ giã sự nghiệp thi đấu ở tuổi ngoài 30. Những cầu thủ đó đi làm ở các công ty, nếu làm được việc thì có lẽ lương cao lắm cũng chỉ khoảng 200 ngàn yên một tháng, và còn hay bị sếp khiển trách nữa. Trong hoàn cảnh đó, nếu là người vốn quen với việc được tâng bốc, ca ngợi, lòng tự ái lại cao gấp đôi người bình thường và chưa từng nếm mùi vất vả lúc trẻ - thì thường bỏ việc. Họ đến công ty khác cũng lại gặp hoàn cảnh tương tự. Họ chẳng làm được trong công ty nào cả.
Nếu là người tu dưỡng được nhân cách khi còn là cầu thủ thì dù phải làm việc trong hoàn cảnh như vậy họ vẫn có thể chịu đựng được. Bất cứ việc gì họ cũng sẽ không nề hà miễn là có thể làm được. Với nhân cách như vậy họ sẽ được lòng tin với mọi người xung quanh kể cả với cấp trên. Và nếu họ dấn thân, tận tuỵ trong công việc thì công ty cũng đánh giá cao và sẽ được cất nhắc vào những chức vụ quan trọng.
Trường hợp những người tự đứng ra gây dựng sự nghiệp – vì chẳng tội gì lại chui vào làm ở công ty bé tẹo với đồng lương còi cọc - thì sự thể sẽ ra sao? Ví dụ như định mở nhà hàng chẳng hạn. Sẽ không thể thành công nếu con người chưa hoàn thiện. Để kinh doanh nhà hàng thì trước hết phải biết cúi đầu tỏ lòng trọng thị khách hàng. Dù bận rộn đến mấy, cũng phải luôn tươi cười, phải luôn đáp ứng trước bất kỳ đòi hỏi nào của thực khách. Ngoài ra, còn phải vào bếp tự rửa bát, rửa đĩa để tiết kiệm chi phí nữa.
Đối với những người từng một thời sống trong hào quang thì thật khó có thể cúi đầu trước khách hàng hay rửa đống bát đũa bẩn thỉu. Tuy vậy, nếu là người đã từng nếm đủ mùi gian khổ, đã từng gặp nghịch cảnh và hoàn thiện nhân cách ngay từ trẻ thì chắc chắn người đó sẽ dứt bỏ được ám ảnh của quá khứ hào quang và tiếp tục nỗ lực hết mình trong hoàn cảnh mới.
Do đó, tôi thường xuyên nhắc nhở các cầu thủ Purple Sunga rằng: sau khi giã từ cụôc đời cầu thủ, bước vào những năm tháng dài của cuộc sống đời thường thì phải làm sao để người nào cũng có thể tự tin và dõng dạc tuyên bố: “Tôi đã trưởng thành về nhân cách trong thời kỳ là cầu thủ”. Tôi muốn Purple Sunga phải trở thành đội bóng được xã hội thừa nhận. Ngay cả sau này – khi đã chấm dứt sự nghiệp cầu thủ, có trở thành nhân viên công ty hay chủ kinh doanh nhà hàng thì cũng phải là những người đi đâu cũng được xã hội chấp nhận và quý mến. Đó cũng là trách nhiệm của tôi – trách nhiệm của những người nuôi dưỡng lớp trẻ.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC QUAN TÂM ĐẾN NGUỜI KHÁC.
Tôi đã nói nhiều về việc: Có thể thay đổi được số phận tuỳ theo tư tưởng và nỗ lực của bản thân, có thể thay đổi số phận – dù rằng bị những nỗi bất hạnh đeo đuổi – theo chiều hướng tốt nhờ nghĩ điều thiện và làm điều thiện.
Vậy, thế nào là điều thiện?
Trong ngôn ngữ có hai từ “ích kỷ” và “vị tha”. người ích kỷ là người chỉ cần có lợi, chỉ cần tốt cho riêng mình là được, còn người khác ra sao cũng mặc.
Từ “vị tha” trái nghĩa với từ “ích kỷ”. Người có tấm lòng vị tha là người khi làm bất cứ điều gì cũng nỗ lực vì người khác chứ không phải chỉ để thỏa mãn dục vọng của mình. Ví dụ, có người cầu Trời khấn Phật để mong sao thực hiện được những ước vọng cá nhân. Đây là hành vi tự lợi tức là chỉ cầu mong thực hiện mục đích riêng. Tôi thấy đó cũng là điều bình thường. Nhưng, cũng là mong ước nếu tiến bộ hơn một chút thì nó sẽ là “Mong sao mẹ tôi chóng khỏi bệnh.” Đây là cầu mong cho người thân, gần với nghĩa vị tha hơn. Ngoài ra, còn những mong ước mang tính vị tha sâu sắc hơn như: mong ước những điều tốt lành cho bạn bè, cho tập thể, cho xã hội, cho đất nước và cho nhân loại.
Nếu đối tượng mong ước mở rộng ra như vậy thì là những mong ước vì người khác chứ không phải chỉ mong uớc cho bản thân. Khi đó, mong ước đã tiến gần tới vị tha. Giả dụ: Thay vì mong ước cho mình “trở nên giàu có” hoặc “dồi dào sức khỏe” thì hãy mong ước cho “hoà bình trên toàn thế giới”.
Tôi hy vọng các bạn trẻ hiểu rõ tầm quan trọng của lòng vị tha.
NGƯỜI CÕI ĐỊA NGỤC NGƯỜI CÕI CỰC LẠC
Trong cuộc sống hàng ngày, mọi hành động của chúng ta thường nhắm tới hơn thiệt, thắng thua. Bị tính ích kỷ chi phối nên chúng ta chỉ tính toán những điều có lợi cho mình.
Nếu thế gian toàn là những người như vậy – như xã hội Nhật Bản những năm gần đây – thì dù có giàu có sung túc đến mấy rồi cũng sẽ điêu tàn. Để thế gian ngày một tốt hơn, tôi thường nói với mọi người: “Chẳng phải đã tới lúc chúng ta phải coi trọng lòng vị tha, phải sống vì mọi người dù bản thân có thiệt thòi…”
Tấm lòng quan tâm tới người khác, tấm lòng vị tha quan trọng đến mức nào? Đức Phật đã thuyết giảng điều đó một cách dễ hiểu thông qua câu chuyện sau đây.
Ở chùa nọ, có một nhà tu hành trẻ tuổi là Vân Thủy. Một hôm, Vân Thuỷ hỏi vị sư già trụ trì chùa:
“Thưa thầy, con nghe nói có cõi cực lạc và cõi địa ngục. Điều đó có thật không ạ? Và những cõi đó là nơi như thế nào?”
Vị sư già đáp: “Có thật đấy con ạ. Chỉ có điều hai nơi đó không khác nhau lắm như con tưởng đâu. Thoáng nhìn thì cõi cực lạc và cõi địa ngục là hai thế giới hoàn toàn giống nhau. Điểm khác nhau duy nhất là tấm lòng của những người sống ở đó. Những người sống ở cõi địa ngục là những người ích kỷ chỉ nghĩ về bản thân. Còn ở cõi cực lạc là những người có tấm lòng vị tha, luôn quan tâm tới người khác.”
Vân Thuỷ thắc mắc: “Chỉ khác nhau ở tấm lòng mà cũng phải chia thành hai cõi, thế là thế nào ạ?”
Để giải đáp, sư lão kể cho Vân Thủy câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có một nồi mỳ mạch – udon (1) - để giữa nhà. Bát nước chấm để bên cạnh. Mỳ Mạch là món ăn thịnh soạn với những người khổ tu như Vân Thủy. Bên cạnh nồi mỳ để sẵn những đôi đũa dài tới 1 mét. Quy định của nhà bếp là chỉ được ăn bằng loại đũa đó và phải dùng đầu đũa để gắp mỳ, chấm vào bát nước chấm. Đến đoạn này thì cả cõi địa ngục và cõi cực lạc đều y hệt nhau. Kích cỡ nồi, số người ăn vẫn vậy. Chỉ có tấm lòng của những người ở đó là khác nhau.
“Nào con thử tưởng tuợng xem điều gì sẽ xảy ra ở đó?”
Mọi người đang đói. Có mỳ trước mặt. Chuyện gì sẽ xảy ra khi họ được phép bắt đầu bữa ăn.
Những người ở cõi địa ngục lập tức tranh nhau gắp mỳ, tranh nhau chấm vào bát nước chấm. Khổ nỗi, đũa dài quá nên không sao đưa udon vào miệng mình được. Cảnh thê thảm hiện ra. Kết cục là không ai ăn được miếng nào trong khi mỳ rơi vương vãi quanh mâm. Những người ấy trở thành quỷ đói chỉ còn da bọc xương.
Trong khi đó, những người đầy lòng vị tha sống ở cõi cực lạc. Tiếng mời mọc vang lên: “Nào, chúng ta ăn chung nhé.”, “Xin mời, xin mời”. Mọi người nhường nhau, lần lượt gắp mỳ, chấm nước chấm và đưa vào miệng người đối diện. Người đối diện ăn xong: “Cám ơn. Tôi đủ rồi. Đến lượt tôi giúp bác ăn”. Cứ thế mọi người hợp sức, nhường nhịn lẫn nhau, ai cũng được ăn và không sợi mỳ nào vương vãi rơi ra ngoài.
“Khung cảnh cõi cực lạc là như thế đấy. Nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài thôi thì khó phân biệt được đâu là cõi địa ngục và đâu là cõi cực lạc.” Vị sư già giảng bài cho Vân Thuỷ.
Tuy cùng một sự việc nhưng mang lại kết quả khác nhau tuỳ theo “tâm” được thể hiện qua câu chuyện. Chúng ta, có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp nếu tất cả chỉ có lòng vị tha, quan tâm lẫn nhau.
Chú Thích
1. Udon: một loại mỳ làm bằng lúa mạch.