Dịch giả: LÝ TRƯỜNG CHIẾN
Chương Năm b
TÌM CHO MÌNH LẼ SỐNG

Có một nhà triết học tên là Nakamura Tenpu (1). Thời niên thiếu của ông là giai đoạn chuyển tiếp từ cuối thời Minh Trị sang thời Đại Chính. Ông đã từng luyện yoga ở Ấn Độ. Ông sinh ra trong một gia đình trung lưu. Cha ông làm việc trong Bộ Ngân Khố và là người đảm trách việc in tiền giấy cho chính phủ.
Thuở nhỏ, Tenpu là một đứa trẻ ngổ ngược khó bảo, thường hay cãi lộn một cách vô lối. Tenpu đã từng bị đuổi học khỏi trường trung học vì cãi cọ, ẩu đả với bạn bè và dẫn đến cái chết của bạn.
Khi cuộc chiến tranh Nhật – Nga nổ ra, Tenpu đầu quân cho cơ quan tình báo và sang Mãn Châu làm gián điệp. Khi đó, Tenpu mới 16 tuổi. Và ông đã tung hoành ngang dọc khắp Mãn Châu. Nghe nói ông là một người dũng cảm đến táo tợn. Nào là một mình một gậy gắn dao đánh nhau với băng Mã tặc. Nào là gặp địch thủ to lớn gấp mấy cũng không chùn bước. Năm 20 tuổi về lại Nhật Bản, ông bị bệnh lao thập tử nhất sinh. Con người vùng vẫy ngang dọc một thời ấy, nay đổ quỵ vì căn bệnh hiểm nghèo, nhiều lần thổ huyết, người xanh như tàu lá.
Đúng lúc cầm chắc cái chết, ông quyết định sang Mỹ và châu Âu để hiểu rõ hơn “Cuộc đời rốt cục là gì?”. Trước khi chết, ông muốn hiểu rõ cuộc đời của chính mình để rồi có chết cũng yên lòng. Và ông lên đường. Kết thúc chuyến chu du, trên đường trở về Nhật Bản, tại một cảng của xứ sở Ai Cập, ông gặp được một thánh nhân Ấn Độ.
“Ta biết chắc anh là người Nhật Bản. Ta cũng biết: Anh có một lỗ thủng to trong lồng ngực và anh trong tình trạng sống dở chết dở. Nhưng anh đang cố gắng về tới Nhật Bản mới chết. Nhưng số anh chưa chết được đâu. Hãy đi theo ta…”
Nghe vị thánh nói vậy, Tenpu bèn đi theo. Tenpu được đưa tới vùng núi Himalaya thuộc Ấn Độ - nơi trú ngụ của vị thánh. Và từ đó, Tenpu bắt đầu tu hành. Việc tu hành hàng ngày là tọa thiền.
Tọa thiền mở ra sự giác ngộ, sực thức tỉnh. Ông Tenpu đã giác ngộ một cách tuyệt vời. Bệnh lao cũng khỏi hẳn từ lúc nào không hay. Ông trở về Nhật Bản và gặt hái thành công trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong chức vụ Thống đốc Ngân hàng. Những năm cuối đời, ông từ bỏ mọi công việc, từ bỏ mọi địa vị và bắt đầu công việc mới: đứng diễn thuyết ở đầu phố. Với lòng mong muốn nói cho nhiều người biết: Con người dù gặp phải nghịch cảnh, gặp bất hạnh đến đâu trong quá khứ cũng vẫn có được cuộc đời tuyệt vời nếu có cái tâm, nên cứ vào mỗi giờ cố định trong ngày, ông lại ra đứng diễn thuyết ở nơi đông người qua lại.
“Vũ trụ này bảo đảm cho tất cả mọi người đều được bình đẳng, bảo đảm cho tất cả mọi người một tương lại tốt đẹp phong phú. Tương lai tươi sáng rực rỡ vẫn đang chờ đón, dù các bạn đang gặp nghịch cảnh, đang gặp bất hạnh. Các bạn có nhận được điều đó hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm của mình..”
“Hãy tin rằng niềm hạnh phúc tuyệt vời tươi sáng đang chờ đón các bạn trong tương lai. Các bạn hãy từ bỏ những ý nghĩ tối tăm như lòng căm tức, thù ghét người khác, tâm trạng oán hận cuộc đời. Hãy tìm cho mình lẽ sống. Hãy thắp lên hy vọng. Tương lai tươi đẹp đang chờ đón chúng ta và các bạn hãy đừng bao giờ mảy may nghi ngờ về điều đó. Hãy tin và hãy bước vào cuộc đời.”
“Cuộc đời tốt hay xấu tuỳ thuộc hoàn toàn vào cách tiếp nhận của chính mình. Chỉ vẻn vẹn có bấy nhiêu đó thôi vậy mà con người cũng không biết. Vì không biết nên con người bối rối, lầm lạc. Do đó tất cả đang sống vô nghĩa. Chỉ cần tin và sống theo tâm thì chắc chắn cuộc đời tốt đẹp sẽ mở ra cho các bạn…”.
Ông Tenpu đã dành hết cả phần đời còn lại của mình đi khắp mọi nơi rao giảng những điều như vậy.
Phải ngoài 30 tuổi tôi mới biết đến cuộc đời ông. Tôi khâm phục cách suy nghĩ, cách sống của ông. Tôi cũng rất chịu khó đọc và nghiền ngẫm các trang sách của ông. Ở trong tôi có một niềm tin mãnh liệt như ông Tenpu từng nói: Cuộc đời của người nào phụ thuộc vào cái tâm của chính người đó. Nói cách khác, cuộc đời thay đổi tuỳ theo cách nghĩ, cách sống ở mỗi con người.
ĐÁP SỐ CUỘC ĐỜI
Có một điều tôi muốn truyền đạt tới các bạn - những người đang khai phá con đường đi cho mình. Đó là: cuộc đời là sự báo đáp cho những ai có tư duy đúng đắn và nỗ lực – đúng như lời ông Tenpu. Tôi xin được giải thích rõ hơn điều này bằng phương trình sau đây:
ĐÁP SỐ CUỘC ĐỜI = NĂNG LỰC x LONG NHIỆT TÌNH x CÁCH TƯ DUY
Thông qua phương trình trên và cuộc đời của bản thân, tôi muốn giải đáp thắc mắc của các bạn: Không có cách nào dành cho những người chỉ có năng lực trung bình lại muốn có cuộc sống tốt.
“Năng lực“ ở đây có nghĩa là những gì bẩm sinh, có sẵn trong con người bao gồm năng lực mang tính thể trạng như thần kinh vận động có phát triển hay không, có khỏe mạnh hay không, có sức khoẻ hay không, chứ không phải theo nghĩa đầu óc có thông minh hay không.
Cũng có bạn có suy nghĩ theo kiểu: Mình là người không có năng lực lắm vì ít được học hành, muốn làm cũng không được.
Nhưng các bạn thử nhìn vào tôi mà xem. Thi lên cấp hai - trượt. Thi vào đại học quốc gia – cũng trượt. Khi đi làm thì không vào được công ty tốt. Vậy thì phải chăng tôi là người có năng lực cao?
Tuy nhiên, thông số thứ hai là “Lòng nhiệt tình” thì do mình tự quyết định được. Bởi vì nó là ý chí bản thân. Vì vậy, tôi quyết tâm không chịu thua người khác. Tôi luôn suy nghĩ: Bản thân mình năng lực đã không bằng người thì bù lại lòng nhiệt tình phải hơn người. Cứ có lòng nhiệt tình và ham muốn làm việc để không thua kém ai thì dù đầu óc có bình thường thì chắc chắn cũng sẽ hơn khối người đầu óc thông minh nhưng lười biếng.
Chú thích
1. Nakamura Tenpu tên thật là Nakamura Sanrou, sinh năm 1876 tại Tokyo. Ông được coi là nhà khai sáng triết lý yoga ở Nhật Bản. Ông dành cả cuộc đời theo đuổi Chân - Thiện - Mỹ.
LUÔN SUY NGHĨ LẠC QUAN
Và thông số thứ ba là cách tư duy. Như ông Tenpu từng nói: Chúng ta suy nghĩ thế nào thì cuộc đời sẽ được quyết định thế ấy. Tuyệt đối không được nghĩ rằng tương lại của mình sẽ chẳng ra gì. Việc tin tưởng rằng “Cuộc đời màu hồng đang ở phía trước đợi cánh tay đón nhận của chúng ta” là điều quan trọng. Phải thắp lên hy vọng, sống với niềm lạc quan yêu đời. Ông Tenpu cũng nói: “Chỉ cần trong bản thân mỗi người có được sự suy nghĩ như thể tương lai tươi sáng đang chờ đón thì cũng đủ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp”. Ông nói rõ: “Điều quan trọng nhất trong cuộc đời chính là làm sao suy nghĩ được như vậy”. Ông còn nhấn mạnh thêm: “Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi cũng đã đáng sống lắm rồi”. Và ông than thở: “Vậy mà, hầu như không ai biết tới điều ấy. Cho nên nhiều kẻ mới lầm lạc và sống một cuộc đời chẳng ra làm sao”.
Tôi cũng nghĩ đúng như ông nói. Vì thế, tôi đưa thông số Cách tư duy – thông số quan trọng nhất, vào trong phương trình.
Tôi giải thích kỹ hơn về phương trình nói trên. Cuộc đời là phép tính nhân của ba yếu tố Năng lực, Lòng nhiệt tình và Cách tư duy. Nếu chấm điểm trên cơ sở đánh giá Năng lực theo thang điểm từ 0 điểm tới 100 điểm, trường hợp người có trí thông minh thấp hơn cả mức trung bình và chỉ được 30 điểm chẳng hạn. Bù lại, điểm về Lòng nhiệt tình là 90 điểm vì người ấy ham muốn làm việc gấp mấy chục lần so với người khác thì điểm cuộc đời sẽ là 30 x 90 = 2.700 điểm.
Mặt khác, trường hợp người thông minh, điểm Năng lực được 90. Vì thông minh nên đỗ vào trường đại học nổi tiếng bậc nhất. Nhưng, nếu người đó mang trong đầu lối suy nghĩ: Chẳng tội gì phải làm việc cật lực như lũ ngu đần. Đã ngu đần lại không đi học thì phải làm việc quần quật như trâu là phải, thì về Lòng nhiệt tình lắm cũng chỉ có thể cho 10 điểm. Vậy thì điểm cuộc đời của người ấy 90 x 10 = 900.
Tôi luôn nghiệm thấy, người biết rõ những hạn chế về năng lực của mình nếu luôn chịu khó, nỗ lực thì bao giờ cũng có Đáp số Cuộc đời hơn hẳn những người thông minh nhưng lười biếng.
Riêng Cách tư duy có thang điểm từ - 100 điểm đến + 100 điểm. Nếu sống với lòng thù hận cuộc đời, nhìn đời bằng lăng kính méo mó thì điểm về Cách tư duy sẽ là âm. Khi nhân với số âm thì đương nhiên đáp số cuộc đời là âm.
Giả dụ, một người có năng lực tuyệt vời, có lòng nhiệt tình mạnh mẽ nhưng lại thù oán, căm giận cuộc đời thì đáp số cuộc đời của người đó là số âm càng lớn tương ứng với điểm về năng lực và lòng nhiệt tình cao.
Người có tư duy lạc quan, có tấm lòng trong sáng luôn hướng về phía trước thì sẽ có được đáp số cuộc sống tuyệt vời.
LỜI DẠY CỦA VỊ SƯ GIÀ
Nói về những thử thách trong cuộc đời thì tôi từng có kinh nghiệm như thế này.
Năm 1972, với mục đích đa dạng hoá sản phẩm, Công ty Kyocera chúng tôi tiến vào lĩnh vực Y tế. Chúng tôi nghiên cứu và sử dụng vật liệu gốm công nghệ cao vào việc chế tạo chân răng nhân tạo, xương nhân tạo. Trước đó, tôi được các giáo sư trường đại học Osaka khuyên: “Vật liệu kim loại bị cơ thể con người đào thải không tiếp nhận. Chúng tôi đề nghị các anh thử dùng vật liệu gốm công nghệ cao xem sao”.
Không có gì tuyệt vời hơn việc ứng dụng gốm công nghệ cao - sản phẩm mà tôi nghiên cứu từ thời còn trẻ - giúp ích cho sức khỏe con người và cống hiến cho sự tiến bộ về y học. Hơn nữa lại nhận được sự hỗ trợ của trường đại học. Chúng tôi chế tạo thành công chân răng nhân tạo. Năm 1978, chúng tôi được Bộ Y tế cấp giấy phép. Song song với việc chế tạo chân răng nhân tạo, chúng tôi cũng thành công trong việc nghiên cứu và chế tạo xương nhân tạo và khớp xương nhân tạo. Và các sản phẩm này cũng nhận được giấy phép từ Bộ Y tế. Hoạt động sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đi vào quỹ đạo ổn định.
Tuy nhiên, vào năm 1985 xảy ra một việc mà chúng tôi không ngờ tới. Số là, chúng tôi nhận được lời đề nghị của một bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình: “Sản phẩm khớp xương háng nhân tạo bằng gốm công nghệ cao của Kyocera rất tốt. Các ông nên tiếp tục nghiên cứu chế tạo cả khớp xương đầu gối nữa…” Giám đốc phụ trách tiếp thị của công ty chúng tôi chần chừ: “Mong ông cho chúng tôi thêm thời gian. Vì còn phải xin phép Bộ Y tế…” Tức thì ông bác sĩ liền nói: “Đâu cần phải xin phép nữa. Sản phẩm khớp xương háng đã được cấp phép rồi thì khớp xương đầu gối không có vấn đề trở ngại gì. Vì cùng một loại vật liệu và hơn nữa, khớp nào chẳng là khớp. Vả lại, bệnh nhân lại đang rất cần. Họ cũng sẵn sàng tự hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra”. Nghe ra cũng có lý, hơn nữa vì bệnh nhân nên công ty chúng tôi đã đáp ứng yêu cầu của bác sĩ.
Tuy vậy, trong văn bản quy định về thuốc và các dụng cụ y tế của Bộ Y tế có ghi rõ: “Đối với xương nhân tạo và khớp nhân tạo, dù được sản xuất bằng vật liệu cùng loại nhưng hình dáng và kích thước sản phẩm khác nhau thì vẫn phải có giấy phép riêng cho từng sản phẩm mới được phép đưa vào sử dụng”
Kết quả là công ty chúng tôi bị quy vào tội “Vi phạm quy định về giấy phép sản phẩm”. Sự kiện này trở thành đề tài phê phán công ty chúng tôi một cách nặng nề và ồn ào trên các trang báo. Suốt 25 năm kể từ ngày thành lập, lần đầu tiên Công ty Kyocera bị xã hội phê phán và lên án tơi bời.
Tôi cứ nghĩ việc làm của công ty chúng tôi cũng chỉ vì bệnh nhân mà thôi. Vậy mà… Bộ phận sản xuất kinh doanh sản phẩm y tế của công ty bị rút giấy phép và đình chỉ hoạt động suốt một tháng.
Khi sự việc xảy ra, lời dạy bảo quý giá của ông Nishikata Tansetsu đã cứu giúp tinh thần tôi. Ông là một vị cao tăng đứng đầu phái Lâm Tế Tôn Tâm Tự và là vị sư tư vấn cho những câu hỏi nặng tính trần tục của tôi. Hồi đó, ông là vị sư trụ trì chùa Enfuku (Viên Phúc tự) toạ lạc ở phía nam thành phố Kyoto.
Mỗi lần tôi đến viếng chùa là lại được ông mời uống trà. Trong khi ông pha trà thì tôi kể với ông những câu chuyện trong công ty và bao giờ cũng được ông dành thời giờ nghe. Rồi tôi kể cho ông nghe về việc bị báo chí dựng chuyện đánh tơi bời ra sao.
Nghe tới đó, vì sự già cất tiếng: “Thôi có kêu ca cũng vậy. Này tôi nói để anh biết. Việc gặp gian nan chính là bằng chứng chứng tỏ mình đang sống đấy.” Giãi bày nỗi lòng để mong được ông an ủi, vậy mà ông lại nói ra những lời không ngờ tới.
“Khi anh gặp nạn cũng là lúc cái nghiệp (món nợ tiền kiếp) ngày trước biến mất. Nghiệp biến mất thì đáng lẽ vui mới phải. Ta không biết đó là cái nghiệp gì, nhưng cái nạn anh gặp phải chỉ có chừng đó mà đã làm biến đi cái nghiệp tiền kiếp thì lẽ ra phải ăn mừng mới đúng chứ.” Lời dạy của sư già không những giúp tôi gượng dậy mà còn vô cùng quý giá đối với tôi. Lời dạy đó đã giúp tôi tiếp nhận bình thản mọi chỉ trích, phê phán. Vì tôi hiểu rằng đó chính là thử thách mà ông Trời mang đến.