Chương Ba c
COI TRỌNG TÍNH SÁNG TẠO

Ở đây tôi không định bàn về thực trạng giáo dục trong nhà trường Nhật Bản. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh với các bạn là phải coi trọng tính sáng tạo.
Phần lớn những điều mà các bạn học được ở trường là tiếp thu và vận dụng kiến thức. Bản thân sự học đó không phải dở. Đầu óc trẻ em tiếp thu trí thức mới như bọt biển hút nước. Chúng trưởng thành và vào đời nhờ những tri thức có được đó.
Tuy nhiên, sẽ rất phiến diện nếu đánh giá năng lực của học trò mà chỉ dựa trên kết quả những bài kiểm tra ở trường. Vì những bài thi hầu như chỉ nhằm kiểm tra xem khả năng thuộc lòng kiến thức của học sinh đến đâu.
Phải chăng, với bảng thành tích học tập loại ưu ở trường, khi ra ngoài xã hội thì cuộc đời người đó sẽ suôn sẻ? Tôi đánh giá con người trên cơ sở coi trọng khả năng, vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống - nói cách khác là khả năng tư duy, sáng tạo sau khi vào đời - chứ không dựa vào bảng thành tích tốt xấu trong học tập.
Thuộc lòng kiến thức mới chỉ là một mặt trong năng lực tuyệt vời của một con người. Nhưng thuộc lòng chưa phải là tất cả. Vấn đề là ở chỗ vận dụng vô số kiến thức đã thuộc ấy vào cuộc sống như thế nào? Tức là đòi hỏi tính sáng tạo.
Lẽ dĩ nhiên, tôi không có ý chê bai những tài năng thuộc dạng tiếp thu tri thức. Nhưng, theo thiển nghĩ của tôi thì tri thức là những gì mà người ta đã biết. Không thể mở ra thời đại mới nếu chỉ dựa vào những điều đã biết. Cái mà xã hội cần là gì? Chính là tính sáng tạo dựa trên tri thức và thông tin.
Nước Nhật Bản sau chiến tranh Thế giới thứ hai, nếu lùi xa hơn về quá khứ thì là nước Nhật Bản kể từ công cuộc Minh Trị Duy Tân, luôn luôn theo đuổi một nền giáo dục thiên về tri thức. Nền giáo dục đó tuy không sản sinh ra được thiên tài, nhưng cũng đào tạo ra được nhiều người ưu tú. Trên cơ sở tiếp thu tri thức Âu - Mỹ, nền giáo dục đó đã đóng vai trò to lớn trong việc nâng cao mặt bằng dân trí trên khắp đất nước Nhật Bản.
Nhìn lại quá trình học tập của bản thân mình trong những năm tiểu học, trung học, trung học phổ thông và đại học, tôi cũng thấy rất rõ đặc điểm của nền giáo dục Nhật Bản trong thời gian qua. Đó là buộc học sinh phải ganh đua nhồi nhét kiến thức càng nhiều càng tốt và đánh giá năng lực học sinh theo tiêu chí “học thuộc lòng”.
Nhưng thời đại sắp tới có lẽ sẽ không có chỗ cho một nền giáo dục “bắt chước người”, hoặc học theo người đi trước. Mà thời đại mới - một thời đại không thể dự báo trước điều gì – đòi hỏi phải có một nền giáo dục đặt trọng tâm vào việc dạy cho người học biết cách vận dụng tri thức trong cuộc sống như thế nào và đánh giá năng lực của học sinh theo tiêu chí ấy.
KHẢ NĂNG SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI NHẬT
Tôi đang điều hành “Quỹ Inamori”
Hàng năm, Quỹ Inamori tổ chức trao tặng giải thưởng quốc tế - Giải thưởng Kyoto – cho những nhà khoa học xuất sắc. Công ty Kyoto của chúng tôi phát triển được như ngày nay là nhờ công lao của biết bao người trong xã hội. Là người nắm giữ phần lớn cổ phần của Công ty Kyoto, tôi có được một tài sản khổng lồ không thể ngờ tới. Để tỏ lòng biết ơn với đời, để trả ơn cho đời, tôi quyết định lập ra Giải thưởng Kyoto. Tính đến năm 2004, Giải Kyoto vừa tròn 20 tuổi.
Giải Kyoto dành cho ba lĩnh vực: Kỹ thuật Công nghệ Tiên tiến, Khoa học Cơ bản, và Tư tưởng - Nghệ thuật. Ngoài ra, khi bình xét giải, thì ngoài khả năng chuyên môn, chúng tôi còn chú trọng tới nhân cách của các ứng viên. Giải Kyoto gồm một tấm Huy chương gắn hồng ngọc và ngọc bích lấp lánh do công ty chúng tôi chế tác. Đi kèm với Huy chương là một khoản tiền mặt trị giá 50 triệu yên.
Trong số các giải thưởng quốc tế trên thế giới thì Giải Kyoto do tôi đề xướng là giải thưởng được đánh giá cao không thua kém giải Nobel. Các nhà khoa học trên thế giới thuộc đủ mọi lĩnh vực đều mong ước đoạt được giải này.
Quá trình lựa chọn người đoạt giải được tổ chức ra sao? Hàng năm, ban tổ chức giải thưởng gửi hàng ngàn thư đề nghị giới thiệu cho các chuyên gia nổi tiếng của từng lĩnh vực ở Nhật Bản và khắp nơi trên toàn thế giới. Người ta giới thiệu các ứng viên cho ban tổ chức. Các ứng viên được xét chọn qua ba bước. Bước bình chọn của Ủy ban Chuyên môn. Bước bình chọn của Ủy ban Thẩm tra. Và bước bình chọn của Ủy ban Trao Giải Kyoto. Ba bước bình chọn này thường mất cả năm trời. Cuối cùng là việc quyết định người đoạt giải.
Từ trước tới nay, hầu hết các nhà khoa học được Giải Kyoto đều là những người có kết quả nghiên cứu đầy sáng tạo và đi trước thời đại. Nhưng hầu hết người được Giải lại không phải là người Nhật Bản. Người ta thường nghĩ Giải Kyoto là giải thưởng của Nhật Bản thì đương nhiên đa số người nhận giải sẽ phải là người Nhật Bản. Nhưng trên thực tế, với việc xét chọn công bằng, người được nhận giải phần lớn là người Mỹ và người các nước khác.
Chỉ cần nhìn vào kết quả tuyển chọn của Giải Kyoto, tôi nhận thấy với nền giáo dục ở Nhật Bản như hiện nay thì khó lòng nuôi dưỡng được tính sáng tạo trong học sinh. Các nước Âu- Mỹ, nhất là Mỹ, đang sản sinh ra những tài năng kiệt xuất đến mức so về tính sáng tạo thì Nhật Bản không là gì cả. Thực tế là các giáo sư hàng đầu Nhật Bản trong Ủy ban Thẩm định vẫn thường nói với tôi: “Một sự thực đáng buồn là người Nhật Bản chúng ta không thể so sánh được với người Mỹ về khả năng sáng tạo.”
HÃY SUY NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH CUỘC SỐNG
Theo tôi thấy, trẻ em ở Mỹ được hưởng một nền giáo dục hướng vào phát triển nhân tính hơn nhiều so với trẻ em Nhật Bản. Trẻ em ở Mỹ được tự do phát triển cho đến hết cấp ba. Thời gian từ cấp một cho đến hết cấp ba là khoảng thời gian mà trẻ em Mỹ có thể thong thả suy tính về mục tiêu cuộc đời mình. Nói cách khác, đó là thời gian cho chúng suy nghĩ về nguyện vọng: Lớn lên mình sẽ làm gì?
Sau khi xác định được mục tiêu “mình sẽ làm gì”, chúng bước chân vào đại học và bắt đầu thu thập một cách quyết liệt những học vấn cơ bản cần thiết cho việc đạt mục tiêu đã định. Thực tế cũng cho thấy, sinh viên Mỹ nào cũng đều có ý thức rõ ràng về mục đích cuộc đời và tập trung tiếp thu những trí thức liên quan tới mục tiêu đó.
Về điểm này, trong các trường học ở Nhật Bản, không ai nói rõ ràng cho các em biết quá trình học phổ thông là quá trình để các em xác định mục tiêu trong cuộc đời mỗi người.
Tuy vậy, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, học sinh nhất thiết phải có cơ hội, phải có thời gian để suy nghĩ về khả năng của mình trước khi bước vào đời. Chúng phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi và phải được giúp đỡ để tự trả lời: Mình sẽ làm gì, sẽ trở thành con người thế nào? Cuộc đời mình nên như thế nào thì tốt?...
Trên cơ sở ý thức rõ mục tiêu của mình, bước sang thế kỷ 21, tính sáng tạo càng trở nên cấp thiết đối với Nhật Bản. Bởi vì nếu so với Hoa Kỳ, Nhật Bản là một quần đảo, và không được thiên nhiên ưu đãi cho một chút tài nguyên nào cả.
Cho tới nay, Nhật Bản đã thành công đưa trên việc tiếp thu thật nhiều tri thức, vận dụng tri thức để phát triển các ngành kỹ thuật cao, sản xuất loạt các sản phẩm công nghiệp tuyệt vời nhất thế giới với giá thành rẻ và xuất khẩu sang các nước khác. Nhưng từ nay về sau, ngành chế tạo Nhật Bản chắc chắn phải di dời các căn cứ sản xuất sang các nước đang phát triển để hạ chi phí sản xuất. Và khi đó, ở Nhật Bản chỉ còn lại một thứ tài sản duy nhất, đó là nguồn lực. Vì thế vấn đề tối quan trọng là phải làm thế nào để sử dụng một cách năng động và sáng tạo nguồn nhân lực này!
Điều tôi lo lắng nhất là nếu nền giáo dục cứ cản trở tính sáng tạo của lớp trẻ như hiện nay, thì đến một lúc nào đó, Nhật Bản sẽ trở thành một đất nước gồm toàn những người không biết vận dụng tri thức vào việc gì cả.
Bây giờ vẫn còn kịp. Tôi mong các bạn phải lưu tâm, phải ý thức rõ ràng và phải phát huy mạnh mẽ khả năng sáng tạo của bản thân mình.
Tôi cũng mong các nhà giáo - những người dẫn đường cho lớp trẻ - hãy thực thi một nền giáo dục nâng cao tính sáng tạo của học sinh.
Khi suy nghĩ về tương lai của Nhật Bản, từ đáy lòng mình, tôi hy vọng chúng ta sẽ nuôi dưỡng được lớp trẻ trở thành những con người phát huy được tính sáng tạo một cách tuyệt vời.