Giao thừa bình yên

... Nước mắt này chưa ai nhớ đặt tên

(Thơ tác giả)

Trưa 30 tết, đoàn cán bộ quân khu Trị Thiên chỉ dừng lại ở trạm giao liên số 17 chúng tôi một chốc, nhận tiêu chuẩn ăn tết rồi xin đi thẳng ra trạm 16 luôn. Trung tá trưởng đoàn nói, tranh thủ thời gian hưu chiến mà vượt qua tọa độ lửa đồi 472, với lại nếu theo kế hoạch, ở lại ăn tết ở trạm 17, thì biết ăn nói thế nào với cô chiến sĩ gái có tên Mơ ấy, thôi thông cảm nhé!
Không thông cảm không được, họ ra đi, đại úy trạm trưởng Dần và tôi không buồn tiễn, đứng lặng nhìn theo. Họ đã mang đến cho chúng tôi một tin khủng khiếp, một tin đau đớn vào giữa ngày tết này. Hóa ra câu chuyện đồn đại hai ba hôm nay về cái chết bất ngờ của một anh bộ đội tận phía trong trạm 21 là có thật. Cả đoàn đang hành quân giữa rừng đèo Cốc Lú, không có tiếng máy bay, vậy mà có quả bom nổ chậm từ hồi nào dưới đường chiến lược xa hàng cây số bỗng dưng nổ, mảnh bom bay hú họa đập vào thái dương một trung đội trưởng trên đường ra Quảng Bình học bổ túc quân chính. Buồn thay, người hy sinh đột ngột ấy lại là thịnh, chồng cô Mơ chiến sĩ trạm giao liên chúng tôi.
Khi đoàn cán bộ khuất dần sau cây lá, trạm trưởng Dần và tôi lặng lẽ ngồi đối diện với nhau trước chiếc bàn ghép bằng lồ ô, lòng nặng chĩu. Điều oái ăm là cô Mơ nhận được thư chồng hàng nửa tháng nay, hẹn gặp nha giữa tết. Cả trạm chia vui với cô, giúp cô mọi thứ đón chồng. Trong cuộc chiến ác liệt, vợ chồng được gặp nhau giữa Trường Sơn quả là hạnh phú hiếm hoi. Thế mà... nỗi đau buồn này không chỉ riêng cô mơ, người chiến sĩ gái nết na duyên dáng nhất trạm mà còn của cả chúng tôi, mặc dù cả trạm chưa ai một lần gặp Thịnh. Bần thần một lúc, trạm trưởng Dần đột ngột đứng dậy đi đi lại lại trong nhà, rồi cũng đột ngột dừng lại trước tôi:
- Ông Hàn ạ! Chuyện này phức tạp và cũng phải tế nhị. Cỉ ông và tôi biết thôi. Đừng làm mất vui ngày tết.
- Tôi hiểu.
Trạm trưởng Dần nói tiếp:
- Ông là trạm phó, bí thư chi bộ, phải đảm đương việc này thôi. Cứ coi như mình không hay biết gì. Trước mắt phải làm sao cho cô Mơ đỡ sốt ruột. Thế nào chiều nay nó cũng sục tìm chồng ngoài bãi khách! Tội thế!
Tôi vừa đứng dậy thì bàn tay vạm vỡ của đại úy Dần đã ấn vai tôi xuống. Và anh cũng ngồi đối diện như ban nãy, ánh mắt thân thiết, giọng trở nên trầm:
- Ông Hàn ạ, mình biết việc này đối với ông... biết nói thế nào nhỉ? Không phải là kẹt, nhưng thực sự quá tế nhị, phải không ông? Thế nhé! Mình phải ra bãi khách. Trưa ba mươi rồi, còn bao nhiêu là việc!
Đại úy đột nhiên nắm lấy tay tôi, nắm chặt. Cử chỉ bất thường ấy làm tôi ngượng nghịu, nhưng cảm thấy ấm lòng. Anh ấy thực sự hiểu tôi và tin cậy tôi.
Anh chụp chiếc mũ cối lên mái tóc đã hoa râm và lúc cúc ra đi, dáng vội vã, tất bật. Đúng là người anh cả của trạm 17 chúng tôi, bận rộn và chăm lo từ việc nhỏ đến việc lớn.
Trạm chúng tôi có mặt lâu đời trên đường mòn là một trạm có ba bãi khách còn an toàn. Thực ra, tháng sáu vừa rồi bãi khách phía tây bị một trận bọm, nhưng thằng Mỹ bé cái nhầm, chỉ làm tan hoang khu rừng, còn khách hôm ấy bố trí ở bãi phía đông cả. Bãi bị bom chúng tôi vẫn dùng, vẫn là nơi trú quân an toàn. Lũ OV10 dường như không thèm nhòm ngo gì tới khu rừng cây đổ ngổn ngang ấy nữa. Anh Dần vừa ra bãi ấy, nơi trú chân của một tiểu đoàn quân ta di chuyển ra đường 9. Đi vào cũng gồm một tiểu đoàn quân tinh nhuệ, trang bị mới cứng đóng bên bãi phía đông. Rồi nhiều đoàn khách lẻ, khách bộ đội và dân chính.
Trạm 17 chúng tôi biên chế chỉ 21 người, vậy mà binh trạm giao phải lo ăn tết cho 800 người, cứ gọi là mệt phờ râu. Gói và luộc 800 chiếc bánh chưng, mổ hai trâu, bốn heo rồi cấp phát, chia chác. Rậm rịch suốt ngày mà công việc dẫn khách, chuyển thương vẫn không giảm, may mà vài hôm nay trời hửng nắng ráo chứ mưa liên miên như tuần trước thì quân của trạm chúng tôi lấm từ chân lên đến đầu, vắt chân lên cổ mà chạy vẫn không kịp. Vào giờ này, công việc đã hoàn thành, chỉ tập trung vào phân phối thực phẩm ngày tết. May có tay Quýnh làm quản ý, một thiếu úy trẻ cực kỳ tháo vát nên công việc đâu vào đấy, nhịp nhàng. Không thì ban chỉ huy trạm chúng tôi còn bấn phải biết.
Tôi đi thẳng xuống nhà quản lý, nơi bánh chưng chuyển từ kho ra để đống trên vải bạt. Thịt lợn thịt trâu cân sẵn từng xâu trọng lượng khác nhau từ 10 ký, 5 ký đến 1 ký. Cứ theo giấy tờ phân phối của qủn lý Quýnh các chiến sĩ giao liên cấp phát cho từng đoàn khách. Nhộn nhịp như làng có đám. Lính ta xếp bánh chưng vào ba lô, vào bòng xếp thịt vào tấm ni lông gói lại, rồi í ới gọi nhau cõng về bãi khách.
Công việc này đối với lính giao liên chúng tôi đã quen tay, không có điều gì làm tôi phải bận tâm. Tôi đưa mắt nhìn khắp lượt cảnh chia bôi nhộn nhịp, không thấy cô Mơ, thủ kho của trạm. Tôi hỏi thì cô Sâm "lém" cười ré lên:
- Trạm phó ơi! Chúng em ưu tiên cho nó nghỉ việc để tắm gội bằng nước lá sả hẳn hoi đấy nhé!
- Để làm gì vậy Sâm! - Một cậu lên tiếng trêu chọc.
Sâm "lém" hếch mắt lên:
- Để làm gì ư? Giao liên cũng phải thơm tho chứ! Để tối nay vắt kiệt sức anh chồng đang háo!
- ái chà, chưa biết ai vắt kiệt sức ai!
- Sâm "lém" ơi, em chưa có gì mà cũng kinh nghiệm ra phết nhỉ!
- Ai biết được ma ăn cỗ! Biết đâu về khoản ấy nó thuộc loại "một đêm chấp cả mấy làng trai tơ! - Hoan hô! Ha... hha...
Sâm "lém" vừa ăn miếng vừa giả miếng, vừa giơ tay dính đầy mỡ cấu véo đám con trai trong tiếng cười tóa lên.
Tôi lẳng lặng bỏ đi. Chẳng thể nào trách cứ được các chiến sĩ của tôi, khi họ không biết được sự thật. Tôi đi tìm Mơ mà lạ thhay tôi lại sợ gặp em. "Không phải là kẹt nhưng chuyện quá tế nhị", ban nãy anh Dần chỉ nói vậy và tôi hiểu. Anh hết sức tin tôi, nên coi sự thể này cũng là một thử thách đối với tôi, thử thách về đối nhân xử thế. Thú thực, tôi yêu Mơ, một tình yêu đơn phương. Xin hãy thông cảm giùm, ở đời vẫn có trường hợp xảy ra như thế. Trạm chúng tôi có 5 chiến sĩ gái, đều là thanh niên xung phong Nghệ Tĩnh chuyển sang, hầu hết đều chưa chồng, vậy mà không ai làm tôi rung động ngoài Mơ. Tiếc thhay, cô ấy đã có chồng, dù cưới nhau chỉ được dăm ngày, là anh chồng vào mặt trận.
Ngay từ khi đám chị em mới bổ sung về. Mơ đã nổi bật lên ở vị trí được giao làm tổ trưởng. Lại là cô gái xinh đẹp và duyên dáng nhất hội. Mơ có khổ người cân đối, dong dỏng cao, nước da trắng hồng, và đôi mắt đen như nhung, đôi mắt đằm thắm nhân hậu. Đôi mắt càng trở nên dễ thương ở cái ve cuối đuôi mắt trái. Nó giống như vết sẹo nhỏ, một thứ trang trí cách điệu, tôn thêm vẻ độc đáo của đôi mắt màu đen sâu thẳm, màu đáy giếng. Chính đôi mắt ấy đã ám ảnh tôi, dẫu chưa một lần tôi dám giãi bày tâm sự giấu kín nỗi khát khao của mình, nhưng dường như càng cố giấu kín nó càng hé ra, nó là bản năng, là sự vận động tự thân, nên không phải không có người biết. Trước tiên là chính Mơ. Dĩ nhiên, hoa khôi của trạm như Mơ thì biết bao nhiêu kẻ dập dìu. Khách lính đi qua lưu luyến đã đành, đám trai trẻ trong trạm 17 chúng tôi cũng như các trạm lân cận đều để mắt tới. được làm quen, được thân thiết với em là hạnh phúc. Vậy mà em vẫn giữ đúng mực, ban phát niềm vui với mọi người, không lên gân cao ngạo, lại không xuề xòa buông thả mình. Nhưng sự tinh tế của con gái là thế, em cảm nhận được điều khác thường trong ánh mắt tôi, trong sự bối rối tự kiềm chế của tôi. Và chính em, em cũng phải tự răn đe mình, không cho phép mình được phát ra một tín hiệu gì làm tôi bâng khuâng không chịu dừng lại trước vạch vôi của số phận coi như an bài. Thực ra, tôi đã một lần cưới vợ, vẫn kiểu đám cưới vội vàng trước lúc tôi đi B cách đây bảy năm. Vẫn với tâm lý thông thường của con trai nông thôn, cưới vợ để yên tâm vui vẻ, đỡ quạnh hiu khi tôi xa nhà đi chiến trận. Thế mà mẹ tôi chỉ yên tâm vui vẻ được thời gian ngắn ngủi hơn một năm, vợ tôi đã quên lời thề chung thủy, tằng tịu với anh chàng gác trạm bơm của xã. Nói là tằng tịu vì người ta đã bắt quả tang, đôi tinh nhân quấn quýt với nhau trong túp lều gác trạm bơm giữa đồng. Bấy giờ tôi đang làm tổ trưởng giao liên, phía trong sông Xê Kông. Bức thư của mẹ tôi gửi vào đầy nước mắt, rằng mẹ không thể nào chịu đựng nổi những lời ong ve chào xáo của xóm làng, và nhất là thói cong cớn của cô con dâu bất tín bất nghĩa vẫn không một lời xin lỗi. Nỗi buồn trong lòng tôi phải hai năm sau, nhân tôi được ra hậu phương học sĩ quan, có dịp ghé về quê mới giải tỏa được, giải tỏa nghĩa là về pháp lý cô ấy và tôi đã ly hôn, chúng tôi hoàn toàn tự do không còn ràng buộc với nhau nữa, nhưng thực sự nỗi buồn trong lòng tôi đâu có nguôi ngoai. Không phải vì chúng tôi quá yêu nhau, cuộc tình duyên của chúng tôi cũng giản đơn, hai đứa cùng làng, tôi học trên cô ấy hai lớp. Chính mẹ tôi từng nhắm nhe cô ấy cho tôi hồi cô tốt nghiệp cấp hai về làm kế toán cho đội sản xuất. Trâu ta ăn cỏ đồng ta, sự vun vào của mẹ để chúng tôi nên duyên phận làm cho mẹ tôi đau đớn bội phần khi cuộc hôn nhân của chúng tôi tan vỡ, nỗi buồn cứ quanh quẩn trong tôi khi cảm thấy mình bât lực, không có cách gì cứu vãn nổi cho thân phận chính mình. Dẫu chưa có con với nhau, vẫn mang tiếng một đời vợ. Có ông thầy tử vi xem số cho tôi bảo rằng, cung phu thê của tôi có sao Thất sát đóng ở nhàn cung, ắt dễ hai lần đò, thế mà ứng nghiệm. Nỗi buồn cứ rấm rứt trong tôi, cứ bám vào những dằn vặt vu vơ của thằng đàn ông đa cảm. Dù sao, mình cũng trót ăn ở với người ta, dẫu chỉ mười ngày chưa kịp quen hơi bén tiếng, vẫn là vợ chồng! Sự việc đã xong mà nỗi buồn lơ mơ cứ lưu cữu trong lòng, khiến tôi không còn thiết tha gì đến tiếp tục chuyện tình duyên nữa. Vâng, con gái giữa Trường Sơn này tuy hiếm hoi nhưng vẫn có. Vậy mà tôi dửng dưng, có trời chứng giám, như chim bị tên, tôi thường lãng ra. Chỉ từ lúc Mơ có mặt ở trạm, tôi như kẻ hồi sinh, như một người khác lạ. Khó mà giải thích được điều gì kỳ diệu ở một người con gái có chồng đã thức dậy trong tôi những ao ước bị lãng quên. Khuôn mặt xinh đẹp và đôi mắt đen như nhung điểm thêm cái ve làm duyên ư? Lời ăn tiếng nói dịu dàng chưa làm mất lòng ai và cả giọng hát hay nữa ư? Tính nết chăm chỉ, chu đáo và mẫu mực đúng đắn khiến chị em cùng lứa tuổi tôn lên bậc chị ư? Sự dũng cảm đến ngạc nhiên của em trong mấy lần dẫn khách bị trực thăng địch phát hiện bắn rốc két ư? Không riêng vì một điều nào cả mà là tất cả. Không, tất cả những điều đó vẫn chưa đủ, dường như trời phú cho em một ma lực đặc biệt khiến ai gặp em cũng xuýt xoa, rằng mình là kẻ chậm chân. Mãi sau này, tôi vẫn nghĩ về em, như một mẫu người đàn bà trong chiến tranh tuyệt hảo. ở trạm tôi, ai cũng có tình cảm với em nhưng xoắn xuýt hơn cả là tay Điều y sĩ, dân Hà Nội chính hiệu, tuy đã vợ con đàng hoàng vẫn liếc mắt đưa tình và tán tỉnh khá lộ liễu. Kế đến là tay Vừ A Tếnh, chiến sĩ giao liên người dân tộc H'Mông, một tay đẹp trai, thổi khèn bè vào loại siêu. Vừ A Tếnh không tán tỉnh, nhưng gần như sẵn sàng xả thân để làm vui lòng em: đào sâm nam, kiếm thạch xương bồ, tìm phong lan và thửa cho em chiếc gậy Trường Sơn bằng cây lụi có tiện đầu rồng hết chê. Tôi chẳng có gì tặng em, để làm em vui lòng, nhờ trời, tôi có giọng hát nam trung khá tốt. Chúng tôi cùng trong dàn đồng ca của trạm. Và là đôi song ca bài hát "Trước ngày hội bắn", tiết mục "tủ" của trạm đã được giải thưởng trong hội diễn văn nghệ quần chúng toàn binh trạm. Thực ra tôi có thể sử dụng cái thế mạnh của mình là thượng úy, trạm phó để nương nhẹ công việc cho em, hoặc thiếu gì cớ để gần gũi em. Nhưng không, tôi không đến nỗi hèn như thế. Cán bộ trạm mà tỏ ra vị kỷ, lợi dụng chức quyền, dù chức quyền - theo cách nói đùa của cánh giao liên, chỉ ngang với cán bộ xóm, cũng đủ làm cho chiến sĩ coi bằng nửa con mắt. Chính sự sòng phẳng của tôi đã làm em kính trọng, tin cậy. Em thừa biết là tôi có thiện cảm đặc biệt với em, nếu không nói là chiêm ngưỡng, là yêu trộm nhớ thầm, và em, dẫu cố tự mắng mỏ mình, tự cấm đoán mình vẫn thường lúng túng đỏ mặt mỗi lần gặp tôi. Em mầy mò tìm hiểu cuộc tình duyên tan vỡ của tôi và cả cuộc sống gia đình tôi khá chi tiết. Lần phải huy động cả trạm đi gùi cõng đạn DKB cấp tốc cho chiến dịch, lúc nghỉ ở suối em đã hỏi:
- Anh Hàn ơi! Lẽ nào anh không thể tha thứ cho chị ấy được hả anh? Đàn bà chúng em đôi lúc cũng nhẹ dạ...
Tôi nhìn thẳng vào em, nhưng mắt đã cúi xuống lảng tránh:
- Mơ ạ! Cám ơn em đã quan tâm tới anh. Thực tình, anh muốn tha thứ, muốn lắm mà không được.
- Sao vậy anh?
- Giá mà cô ấy có đôi mắt đen thẳm nhân hậu như em, đôi mắt sẵn sàng phục thiện thì đâu đến nỗi. Đằng này...
Tôi đã buột miệng thổ lộ lòng mình bằng một câu có vẻ tán tỉnh làm tôi tự ngượng mãi. Tuy nhiên, em không lấy thế làm mếch lòng khó chịu, em vẫn chú ý lắng nghe tôi giãi bày. Khi em biết cô vợ cũ của tôi không chịu xin lỗi, còn oán trách tôi, coi việc tôi đi chiến trường chẳng qua vì bả công danh hão nào đó, để bỏ mặc cô ấy với sự cô đơn khôn cùng, thì em khẽ thở dài:
- Lại còn thế nữa ư? Đã thế thì quên đi, quên hẳn đi, anh ạ!
Đấy là lần đầu tiên và duy nhất, tôi được thổ lộ với em. Nhưng cũng chỉ chừng nấy thôi. Chưa bao giờ tôi dám vượt qua cái rào chắn nhân cách và đạo đức của một thời. Đối với em, tôi không biết. Còn riêng tôi, vẫn chỉ là tình yêu đơn phương. Tôi không nhìn được khuôn mặt mình, hẳn khuôn mặt tôi có sự khác lạ, giả dụ như nhiều lúc bần thần vô cớ hoặc ánh mắt trở nên có lửa, hoặc cười tủm vu vơ...
Có thể sự khác lạ đó, trạm trưởng Dần đã nhìn thấy. Anh là người chỉ huy cao nhất ở trạm, hãy thông cảm với anh nếu anh lo ngại tôi đâm liều lĩnh. Chắc để phòng xa, anh đã gợi ý với tôi về cô ấm chiến sĩ giao liên, bạn thân với Mơ. Cả hai lại là đồng hương đều con gái ven sông Ngàn Phố: "Cái ấm được đấy! Nó cũng xinh, khỏe mạnh và với cậu là đẹp! Tớ ủng hộ". Không hiểu sao, đến lượt Mơ cũng ghép đôi tôi và cô ấm. Một buổi tối rét mướt, tôi bấm đèn pin đi xuống nhà ngủ của chị em lúc họ đang tán chuyện tào lao. Thấy tôi vào, Mơ reo lên:
- A, anh Hàn! Anh ngồi xuống đây này! Ngồi giữa em và cái ấm, đừng ngại.
Trong lúc tôi đang lúng túng, Mơ ngồi dịch ra và bảo:
- Tên anh là Hàn, Hàn là lạnh. Bởi thế, anh cần có cái ấm!
Giữa tiếng reo hò dậy lên, ấm lao vào cấu véo Mơ: "Muốn cho chắc lại nhắc cho người".
Tôi cũng dám chịu chơi. Đã thế, tôi lững thững ngồi vào. Và ấm bỏ chạy đến với Sâm "lém". Càng hay, tôi được gần em. Còn ấm, tuy chẳng đến nỗi nào, nhưng chưa bao giờ in bóng trong cõi lưu luyến của tôi.
Sợ gặp em, nhưng tôi vẫn phải đi tìm. Biết là sẽ phải nói dối em và vẫn phải nghĩ cách nói dối sao cho em tin. Đã xế trưa sang chiều. Nắng mùa đông ấm áp khu rừng đầy tiếng ve ran. Tôi đã về dãy nhà ngủ của chị em. Vẫn trống trơn và vắng lặng. Chợt nhớ khu nhà kho vũ khí ở ven suối, nơi anh em trong trạm đã ngăn ra một phòng cuối dãy nhà, phòng hạnh phúc của Mơ. Tôi đi như kẻ mộng du. Trong tiếng suối rì rào chảy qua mô đá, chợt vang lên tiếng hát. Đúng là tiếng hát của em đã níu chân tôi lại. Tôi ngập ngừng chỉ sợ gặp mỗi mình em. May sao, có tiếng người. Tôi đã gặp em, cả ấm và Lý, hỗn danh là Lý toét bởi em người bé hạt tiêu mà hay cười, lại cười rất to. (ở trạm chúng tôi các cô đều bị đám con trai đặt hỗn danh cả. Nào là Mơ ve, Lý toét, Sâm lém, ấm sành, đến như chị Tùng lớn tuổi nhất xấp xỉ ba mươi còn bị chúng gọi là Tung bi ri...).
Thấy tôi đến, cá em đều reo lên vui vẻ. Tôi sững người trước vẻ đẹp trang trí trớ trêu. Gian nhà chỉ bằng tre nứa giản dị, nhưng gọn ghẽ đẹp mắt.
Một chiếc giường đôi cũng bằng tre nứa, cỏ gianh đánh lại làm đệm, trên tải chiếu hoa mới cứng. Một đôi gối bông thêu thùa cầu kỳ. Một chiếc chăn bông, vỏ vải hoa sặc sỡ, một chiếc màn tuyn hẳn hoi. Phía ngoài có treo ri dô pháo dù màu trắng. Sát vách là chiếc bàn ghép lồ ô có hai dãy ghế để tiếp khách nom cứ như đồ mỹ nghệ bày bán tận ngoài triển lãm Hà Nội. Trên bàn bày một bộ ấm chén sứ Hải Dương, một lọ hoa bằng vỏ các tút đạn 37 ly đánh bóng nhoáng cắm một cành mai vàng còn đầy nụ tươi rói. Quỷ tha ma bắt tôi đi! Tôi xuýt buột miệng kêu lên, khi nhận ra bức ảnh chụp ngày cưới của vợ chồng Mơ dựng vào chân lọ hoa. Trong bức ảnh cỡ 9 x 12, Mơ vẫn Mơ hôm nay nom nhí nhảnh hơn đang nghiêng mái tóc vào chồng. Còn anh chàng Thịnh, chồng của em, hôm nay tôi mới thấy ảnh. Chàng cũng khá điển trai, chắc nước da ngăm ngăm đang cười hớn hở. Chao ôi, vậy mà nụ cười kia đã tắt vĩnh viễn rồi sao? Chợt nghĩ tới cái viền khung đen ngoài tấm ảnh và mùi khói hương, tôi cảm thấy ớn lạnh trong lòng và nét mặt khó mà tươi tỉnh được. May sao, các em đang vui vẻ í ới nhau pha nước và mở cả gói bíh quy ra mời tôi. Hôm nay Mơ ăn bận sáng sủa, áo len dài tay màu mận chín, bên trong là áo sơ mi hoa tím, quần láng đen, đi dép lê. Nét mặt ửng hồng, khéo mà có xoa tý phấn cũng nên, đôi mắt đen thẳm long lanh biểu lộ niềm vui kín đáo. Lý "toét" mau miệng hỏi:
- Thủ trưởng Hàn ơi! Xem bọn em trang trí buồng hạnh phúc cho chị Mơ có được không?
- Đẹp qúa! Nhưng các thứ này các cô tầm ở đâu ra mà đủ lệ bộ thế?
Thế là Lý "toét" và ấm "sành" chen nhau khoe. nào đôi gối phải trưng dụng của chị em. Chiếc chiếu hoa và chăn bông phải "ngoại giao" với thủ kho ngoài binh trạm, nói là mượn nhưng chị em có ý mượn lâu lâu, chỉ chiếc màn tuyên là do tay Vừ A Tếnh đi mua trâu tận bên bản Lào kiếm về.
Tôi gật đầu khen, ậm ự mãi mới buông được một câu:
- Đẹp và chu đáo lắm. Chỉ tiếc là khách đến chậm.
- Sao? Sao?
Tôi cố hết sức bình tĩnh, làm như mình vô ý:
- Chết chửa! Anh quên chưa nói với Mơ. Sáng nay có đoàn khách ở quân khu Trị Thiên đi ra. Có anh trung tá bảo anh nhắn với cô Mơ là cậu Thịnh kẹt công việc gì đó ra muộn mấy hôm.
Nét mặt Mơ thoáng bần thần:
- Chỉ nhắn thôi à anh Hàn? Sao Thịnh không viết cho mấy chữ nhỉ?
Tôi vội biến báo:
- Công việc quân sự lắm lúc cũng kẹt thời gian! Nhắn được như vậy cũng là tốt rồi. Cứ vui vẻ ăn Tết đi! Mơ chịu khó đợi vài hôm. So với mấy năm xa cách, vài ba hôm có là bao nhiêu!
Lý "toét" lốp bốp:
- Đừng buồn chị Mơ! Đã ra chậm thì phải phạt! Đêm nay nhất định không để buồng hạnh phúc bỏ trống. Cả ba chị em mình ngủ ở đây.
ấm "sành" liếc xéo sang tôi, rồi kêu to:
- Không, đêm nay hưu chiến, ta liên hoan, chơi đón giao thừa đến một giờ sáng. Sau đó, chỉ để con Mơ lại đây! Thế nào chẳng có người đến an ủi dỗ dành.
Bị trêu chọc, Mơ chợt hoạt bát hẳn lên, trả đũa lại ấm "sành":
- Mày đúng là ấm "sành" chỉ được cái ăn nói lếu láo. Nói thật đi, nếu thích tao nhường gian nhà cho mày. Đồng ý không anh hàn?
Bị lôi vào cuộc, tôi chợt nảy ra ý định cố xua tan đi cái không khí hụt hẫng của Mơ, bàn "e hèm" thật to:
- Xem nào! Xem nào! Mơ nói thật đấy chứ?
- Thì có bao giờ em nói dối.
Tôi quay sang ấm:
- Nếu Mơ có lòng tốt thế, thì anh em mình đồng ý đi! Chỉ cần trạm trưởng Dần gật đầu là...
- Ôi, cái anh này! ấm "sành" lào vào du đẩy tôi một cách sung sướng và ngượng nghịu: Ăn nói chi mà dễ sợ!
Tôi vờ bỏ chạy và giông luôn để lại phía sau tiếng cười đùa của mấy cô gái. Tôi thở phào, thế là tôi đã làm cho em an tâm ít nhất là trong ba ngày Tết, như chỉ thị của trạm trưởng. Mà tôi lại chẳng an tâm, trong lòng cộm lên những lời vặn thắt, phải chăng tôi đã nhẫn tâm đánh lừa em? Nếu không gọi là đánh lừa thì gọi bằng gì? Nói dối chăng, hoặc không nói sự thật chăng? Bề nào thì cũng buộc lòng tôi phải tự vấn không dễ dàng thanh thản được.
Suốt cả buổi chiều 30, tôi đi xuống các bãi khách nhằm kiểm tra xem xét việc tổ chức ăn tết của khách ra sao. Đâu đâu cũng nổi lên không khí ngày hưu chiến, ngày ta và Mỹ đã ký với nhau ngừng hoạt động quân sự. Lính ta bàn tán hò reo phởn phơ đã đành, còn bất chấp mọi tiêu lệnh về phòng không. Tranh thủ giặt quần áo phơi giữa nắng quang. Đốt lửa khắp rừng, đốt lửa nấu thức ăn chứ không "Hoàng Cầm, hoàng kiếc gì sất", đốt lửa đun nước tắm tẩy trần mừng năm mới, đốt lửa sưởi, uống trà tán gẫu, tóm lại, đốt lửa cho sướng, cho bõ những ngày phải giấu ngọn khói như mèo giấu cứt.
Là trạm phó trạm giao liên, tôi có nhắc nhở, nhưng anh em ai cũng cười cười, vâng vâng đấy, nhưng chắc gì đã nghe. Anh tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn hành quân ra đường 9 là một cán bộ có tuổi, e ngoài bốn mươi, vẻ mặt cau có, loại bất cần đời đã vặc lại tôi: "Thằng lính đánh nhau suốt cả năm, ăn đói, sốt rét chết lăn cu lơ, được một ngày hưu chiến để cho nó xả hơi chứ! Nói thật với ông, thằng Mỹ có giở quẻ lật mặt, táng bọm xuống đây, tôi là tiểu đoàn trưởng, tội đâu tôi chịu, chứ ông vô can...".
Tôi còn biết nói sao nữa! Quả thật, được sống trong hòa bình là khát vọng lớn lao của loài người, chứ nói gì đến người lính vào sinh ra tử chúng ta. Nhắc nhở các đoàn khách là thực thi nhiệm vụ của trạm giao liên chúng tôi, chứ hoàn cảnh này, tôi cũng phiên phiến đi, chẳng thể gắt gao nghiêm chỉnh như ngày thường được. Vả lại, tôi đi xuống bãi khách cũng là một cách tránh xáp mặt em. Cái mặc cảm lừa dối em, để cho em được vui, để cho trạm được vui trong ngày tết làm tôi xót xa, y như chính tôi là kẻ tội lỗi. Để cho em vui mà chính tôi lại sợ em vui. Cứ tưởng tượng ra cảnh em vui đùa tươi tỉnh, ca hat nhảy múa trong lúc chồng em bị dính bom kẻ thù đã nằm yên trong lòng đất lạnh lẽo tận khu rừng đèo Cốc Lú là tôi tự dày vò mình. May sao, đến bữa cơm chiều tôi mới gặp em. đấy là bữa ăn chính ngày tết. Trạm chúng tôi, về mặt tổ chức ăn ở được binh trạm và cả đoàn 559 khen là chu đáo. Nhà ăn có bàn ghế hẳn hoi chứ không phải đứng hoặc ngồi xổm dưới đất như một vài trạm tuyềnh toàng. Lúc trạm trưởng Dần và tôi đến thì anh em đã tập trung đông đủ. Bếp lửa Hoàng Cầm của chị Tùng bếp trưởng mà cánh lính trẻ lếu láo gọi là "Tung bi ri" vẫn đỏ. Hơi lửa ấm áp. Mơ và đám chị em đang xăng xái bày các món ăn. Nhìn lên bàn y như bữa cỗ dưới xuôi. Có bánh chưng, dưa hành, giò chả, nem rán, thịt kho tàu, thịt nấu giả cầy, thịt trâu rim khô, lòng lợn, thịt trâu xào nấm, thịt trâu nấu măng khô v.v...
Trạm có 21 người, một anh ốm phải nằm viện, còn lại chia làm bốn mâm. Mỗi mâm một chai rượu chanh vàng chóe. Sâm sẩm tối, gió se lạnh. Sương mù trong rừng tỏa ra rất nhanh nhưng dường như dừng lại phía ngoài bếp. Trong này sáng trưng và ấm áp. Một ngọn đèn măng sông treo giữa nhà, bốn chung quanh cháy bùng bốn ngọn đuốc dầu rái...
Rượu rót ra ca nhôm sắt máy bay, ra chén Hải Dương, ra cả loại ly tự tạo bằng lọ Pênixilin cắt cổ mài phẳng. Đại úy Dần trạm trưởng phát biểu một câu ngắn và "Dô luôn! Trăm phần trăm! "Cốc, ly, ca va vào nhau côm cốp. Dĩ nhiên, anh Dần và tôi phải chạm cốc khắp lượt. Đến trước em, tôi lĩu lưỡi không biết nói gì. Còn em, vẻ mặt tươi vui, đôi mắt đen ngước lên đón nhận màu sáng xanh cua đèn trở nên lấp lánh khác thường. Em tủm tỉm cười: "Chúc anh Hàn sang năm Tân Hợi này mạnh khỏe, công tác tốt và đặc biệt là không còn "hàn" nữa, sẽ được ấm áp..." Mặc đám trẻ chung quanh cười rộ lên và còn co kéo cô ấm lại với tôi, tôi nói với Mơ: "Cảm ơn em, chúc em mọi sự như ý" và nâng chén rượu tợp một hơi cạn nhẵn. Quanh năm ăn rau tàu bay môn thục, lính ta được cỗ tết thế này là nhất trần đời. Trạm trưởng Dần của chúng tôi thạt tuyệt, anh đến với từng mâm, uống ly này sang lý khác, xóc miếng bánh chưng, nhón cái nem, miếng giò, nói chuyện trạng đến mọi người cười lăn lóc. Mà tôi, mặt cứ sượng sùng như khoai môn non lửa. Biết em đang vui cười, tôi không dám nhìn. Có một điều gì đó ẩn ức trong tôi như thể giận hờn, như thể trách cứ. Vẫn xem như em quá vô tình. Trạm trưởng là trung tâm của niềm vui. Tôi thèm cái thanh thản của anh, thèm cái bản lĩnh cứng rắn của anh. Niềm vui anh gieo đến cho mọi người hẳn là anh muốn thực thi nhiệm vụ. Anh cố vượt lên khỏi tâm trạng thật của mình chứ anh đâu phải người lạnh lùng. Còn tôi, rõ ràng là thằng đàn ông đa cảm và yếu đuối nên mới tự hành tội mình như thế. Bữa cỗ thật ngon, mà tôi chẳng ăn được bao nhiêu. Tôi nhai nhểu nhảo. Cính là Mơ ngồi bàn khác vẫn nhận ra vẻ uể oải của tôi. Em cầm cả ly rượu đến cạnh tôi, nhỏ nhẹ bên tai "Anh Hàn anh làm sao thế?".
- à, có sao đâu, anh hơi mệt một tý.
- Vậy anh uống ít thôi, có được không anh?
Dĩi nhiên là được, tôi ngước mắt nhìn em, làm như cách chợt nhớ ra:
- à, Mơ này! Tiết mục "Trước ngày hội bắn" đêm nay, anh mệt không hát được. Để tay Điều hát thay.
- Sao lại thế - Mơ giãy lên. - Kệ anh đấy!
- Tay Điền nhận lời rồi. Đừng làm nó phật lòng.
Em trân trân nhìn tôi như thể ngạc nhiên rồi lẳng lặng bỏ đi, chén rượu vẫn cẩm trên tay rung rung.
Bữa ăn kéo lai rai rồi cũng phải kết thúc, để còn tổ chức đêm liên hoan chung với đơn vị bộ đội tinh nhuệ hành quân vào Tây Nguyên. Đêm thật yên tĩnh. Có lẽ trong giờ phút này không ai còn để ý lắng nghe tiếng máy bay. Đột nhiên từ bãi khách phía tây, súng A.K nổ rộ lên. Và súng càng nổ rềnn hơn, liên tục hơn là bên bãi khách phía đông. Trong tiếng reo hò vang vào vách núi là những vệt đạn lửa đỏ lừ vạch chéo màn đêm. Cánh giao liên chúng tôi cũng mang súng ra bắn chỉ thiên đì đẹt góp vui. Đèn pin tha hồ bấm, từng luồng sáng xanh đan nhau trên ngọn cây xanh. Dường như lính ta muốnn bung xả mọi điều xưa nay cấm kỵ, mọi điều xưa nay ức chế. Niềm vui của chiến sĩ trong đêm hưu chiến gần như sự nổi loạn. Nhìn cái cảnh bất chấp đất trời như thế, trạm trưởng Dần kêu lên: "Các cha làm quá sá! Thế có bỏ mẹ không?" Than thở vậy, chứ anh chẳng có phép màu gì để buộc hàng ngàn con người đang trú chân quanh các bãi khách không được kích động. Nỗi lo của anh Dần cứ xoáy vào việc bắn súng bừa bãi, phí đạn đã đành còn dễ gây tai nạn. May sao lính ta cũng tự giác, biết thế nào là đủ độ vui. Súng chỉ rộ lên một chốc như pháo mừng xuân rồi im hẳn.
Đêm liên hoan không đốt lửa trại chỉ dùng hai đèn măng sông và bốn ngọn đuốc dầu rái của trạm. Với lại còn mấy trăm chiếc đèn pin lo gì. Đơn vị bộ đội mới ở hậu phương vào lại là lính có học, nên tiết mục văn nghệ được chuẩn bị chu đáo rôm rả. Có dàn đồng ca mở đầu hàng dăm chục người, đơn ca, độc tấu, hề chèo, lại có cả múa "Rông chiêng" trang phục lộng lẫy chẳng kém gì diễn viên chuyên nghiệp. Điệu múa không có nữ, nên anh em phải đóng giả con gái nom xinh ra phết. Con gái ở Trường Sơn vốn là của hiếm, nên các tiết mục của trạm giao liên chúng tôi trở nên hấp dẫn, được hoan nghênh cuồng nhiệt đối với đơn vị bộ đội. Tốp ca nữ với bài "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" đã làm nao lòng các chàng trai trẻ. Kế đến là Mơ đơn ca bài tủ của mình, bài "Đường tôi đi dài theo đất nước". Chỉ xì xào một chốc rồi im phắc khi tiếng hát trong trẻo vút lên:
"Đời giao liên, bước tôi đi, dài theo... theo đất nước.
Đường tôi đi - núi chênh vênh, có mây bay dưới chân giăng thành..."
Bao nhiêu ánh mắt và hàng trăm chiếc đèn pin bật sáng soi vào Mơ. Tuy vậy em không hề bối rối vẫn diễn đạt tình cảm thiết tha dịu dàng theo đúng âm hưởng của nhạc phẩm. Chỉ đến lúc em cúi đầu chào, thì cả cuộc liên hoan dậy lên một tràng vỗ tay tưởng như không ngớt và những tiếng hô "Hương Mơ, Hương Mơ..." Khổ thế, tên em chi đơn giản là Lê Thị Mơ mà người giới thiệu cách điệu thế nào lại hóa ra "Hương Mơ". Em ríu chân lại trước niềm vui bất ngờ. Chỉ huy trưởng tiểu đoàn kéo cả trạm trưởng Dần lên bắt tay em, tiếp đến là hàng chục chiến sĩ chạy lên tặng hoa. (Chả hiểu họ chuẩn bị hoa rừng từ lúc nào). Có một chiến sĩ đóng vai nữ trong điệu múa "Rông chiêng" để nguyên cả hóa trang cô gái Tây Nguyên, chạy lên ôm chầm lấy em, hôn lên má em làm tiếng cười tóa ra mà em thì ngượng chín mặt, chạy vào cánh tay của ấm và Lý. Mơ xuất hiện lần sau cũng là khi tiếng khèn bè trầm tuyệt vời cất lên cùng với động tác múa điêu luyện của Vừ A Tếnh dạo đầu cho bài song ca "Trước ngày hội bắn".
Em và Điều cầm tay nhau đủng đỉnh bước ra, không phải chào khán giả nữa mà bắt vào nhịp khèn hát luôn:
Tiếng chim rừng chào mừng bình minh
Hót trên cành rộn ràng đây đó
Giọt sương thấm ướt cành đào
Tưởng như ta đã lạc vào động tiên...
Trong trạm chúng tôi, anh chị em đều biết giọng hát của Điều không thể hay và đầm ấm bằng giọng tôi. Mọi hôm tôi hát với em, hầu như tôi bị ám mụ mị hẳn đi, không thể khách quan. Nay tôi nhận ra sự khập khễnh giữa giọng nam và giọng nữ lại vừa nhận thấy một điều lạ lùng. Em vốn thường phản ứng lối tán tỉnh sấn sổ của Điều vậy mà em song ca với Điều thật say sưa. Giọng em mượt mà quyến rũ. Và đôi mắt em nhìn Điều mới đa tình tha thiết quá chừng:
... Sao em không nhớ. Sớm mai bắn tập rồi sao?
Miệng em tươi. Mắt em như bốc lửa. Em thực sự nhập vai hay cố tình chọc tức tôi, trả thù tôi đã từ chối hát với em. Thỉnh thoảng em đánh mắt sang phía tôi ngồi với anh Dần và ban chỉ huy tiểu đoàn. Có cảm giác là em không mấy quan tâm đến tiếng xuýt xoa thán phục của khán giả mà sự cố gắng diênx cảm của em nhằm làm cho tôi phát ghen, phát cuồng. Quả thật, em cũng có chút thành công, trái tim tôi đã đập lạc nhịp, cảm thấy mình vô duyên bị cho ra rìa. Kết thúc bài hát, anh tiểu đoàn phó bộ đội kéo tay tôi cùng lên chúc mừng diễn viên. Thật là trớ trêu bàn tay tôi hẳn thiếu mặn nồng, tôi không dám nhìn mặt em. Vậy mà em lào phào: "Được không anh?" Tôi đáp vội vàng, được lắm, được lắm. Và tôi thoáng thấy em nhếch miệng cười, tuồng như diễu cợt.
nỗi bứt rứt và nụ cười diễu cợt của em ám ảnh tôi mãi trên đường về trạm và cả đến lúc đón giao thưà. Trong lúc anh chị em toàn trạm hết sức tập trung lắng nghe qua chiếc đài bán dẫn, "oriontông" lời bác Tôn chúc tết đầu năm, thì tôi vẫn chưa hết sững sờ. Khi giải tán ra về, Mơ và Lý còn co kéo cô ấm dừng lại, lên tiếng đùa:
- Trạm phó quên lời hứa rồi sao? Cái ấm nó đang chờ đây này!
Vậy là Mơ vẫn hớn hở, vẫn truy kích tôi về lời nói giỡn ban trưa. Quỷ quái thế, tôi đâm bực mình không đáp, im lặng lẫn vào bóng đêm. Khuya, rừng càng lạnh. Về đến nhà, anh Dầnn còn rót ra hai chén rượu và chặn trước:
- Uống đi ông. Từ chối là giông cả năm đấy.
Tôi đành phải uống. Anh liền hỏi:
- Sao hôm nay ông không hát? Mà nom ông cứ thất thần như mèo lạc con.
Lên giừn chui vào chăn, tôi đắp:
- Giá hôm nay chỉ mình anh tiếp đoàn cán bộ quân khu và đừng cho tôi biết gì lại hay hơn.
Anh thở dài:
- Mình tưởng ràng trong cái tin buồn này, cậu cũng có chút...
- Chẳng có chút gì cả - Tôi đáp cáu cẳn - Tôi lại không thể vui, không nỡ vui, ít ra là vào lúc này.
Anh Dần đã lên nằm rồi, chợt bật dậy:
- Càng nghĩ càng phục thằng bạn ông. Hắn định nghĩa "Hà Lê Hàn là một khối mâu thuẫn biết thở" thì tài thật!
Ý định của trạm trưởng Dần là sang ngày mồng ba Tết mới báo tin buồn cho Mơ. Sáng mồng một, từ bãi khách phía đông lại vang lên một loạt súng, chắc là đại liên, nổ rất vang. Chúng tôi đi xông đất nhà nhau. Tôi vẫn không dám xuống gian nhà dành riêng cho Mơ tận dưới suối, nơi đêm qua mấy chị em kéo nhau vào ngủ chung. Tôi không thể giấu lòng mình được, không thể đóng kịch được. Nói cười vui ở đấy, y như chọc vào nỗi đau người khác. Tôi vẫn giữ trong lòng tình yêu đơn phương, càng phải tự kiềm chế mình hơn trong lúc này. Thấy tôi không tới, em có vẻ dỗi. Càng dỗi hơn là khi tôi phân công các đoàn đi chúc tết nhân dân ở bản Pakôh cách trạm gần hai tiếng đồng hồ đi bộ. Đoàn gồm chị Tùng bếp trưởng, cậu Vừ A Tếnh, cậu Phờng chiến sĩ giao liên người dân tộc Vân Kiều và tôi. Mơ xung phong cùng đi, laij được Vừ A Tếnh vun vào rằng đồng bào Pakôh thích nghe hát, có Mơ đi càng vui. Nhưng tôi gạt đi, giọng ôn tồn như dỗ dành nhưng dứt khoát. Rằng Mơ nên đi với đoàn úy lạo tiểu đoàn đặc công, ở đấy nghe đâu rất nhiều lính Nghệ Tĩnh, dễ gặp đồng hương.
Mặt em ỉu xìu như bánh đa giúng nước. Qua giọng nói gần như muốn khóc, tôi thoáng thấy bờ môi em có nét cong lên run run.
Quả thực là em dỗi. Xưa nay em chưa lần nào bị ai từ chối lời đề nghị chính đáng của mình. Người như em chỉ đón nhận lời mời mọc vồ vập mà thôi. Em coi sự khước từ của tôi là hắt hủi. Về sau tôi mới biết, chính từ giây phút ấy em thoắt nhìn lại những điều em cho là khá thường của tôi đối với em từ hôm qua đến nay và em cảm thấy tủi thân. Khốn khổ thân tôi, nào tôi có hắt hủi em bao giờ đâu. Yêu em mà không cho phép mình được giãi bày. Tình yêu cứ chôn chặt trong lòng, đã đành là không thể chết, lại cứ mọc mầm thêm, lớn thêm. Giờ đây nó sắp cháy bùng, sắp tung hê mọi thứ che đậy để có cuộc sống riêng. Giá mà tôi nói toạc ra được với em tất cả.
Đoàn chúng tôi đi thăm bản Pakôh mãi đến gần bốn giờ chiều mới về tới trạm. Anh em chúng tôi đã sắp qua ngày đầu năm vui vẻ, yên tĩnh. Lính ta đánh tú lơ khơ vẽ râu, chơi cờ tướng cũng rẽ râu cười đùa hò reo vang rừng. Rượu còn khá, có anh đã say mèm, nhưng chưa ai bắt y sĩ Điều chạy cấp cứu. Chị Tùng đi vắng, giao bếp cho Sâm "lém" một tay hào phóng bốc giời. Lính ta có thể ăn lai rai cả ngày "quyền bếp trưởng" tháo khoán, bởi vì "quyền bếp trưởng" còn mải ham chơi, mặt mũi đầy rau quệt than bếp, toàn râu vểnh ngược. Nhìn phát phì cười.
Lạ thế, về đến nhà, tôi lại đi tìm em. Vào nhà ngủ của chị em, gặp ấm "sành" và Lý "toét" đang rửa mặt bằng nước nóng. Chả vì chơi bài với đám con trai, họ không cho rửa mặt suốt ngày, bây giờ mới chuồn về. Mơ nằm đắp chăn kín mít. Tôi lên tiếng hỏi, không có tiếng rả thưa. ấm bảo: "Nó không ngủ đâu nó giận anh đấy". Lý "toét" bẻo lẻo: "Chị Mơ ngủ miết từ trưa cơ, vừa mới rấm rứt khóc!".
- Làm sao khóc? - Tôi thảng thốt hỏi.
Lý "toét" bảo:
- Chị Mơ vừa kể là nằm ngủ chiêm bao thấy anh Thịnh mặt đầy máu, buồn quá!
Tôi sững người, lạnh cả sống lưng, chắc mặt mũi cũng tái xám. Cái linh cảm của em dễ sợ quá!
Buổi cơm chiều, vẫn là cơm tết vui vẻ. Mơ kêu mệt không đến, ấm "sành" phải mang thức ăn về nhà ngủ. Lúc tôi xuống đã thấy xôn xao đầy đủ năm cô gái của trạm cả y sĩ Điều và Vừ A Tếnh. Điều lục túi lấy thuốc viên chắ là aspirin đưa cho Mơ, còn Vư A Tếnh chạy đi kiếm lá xông. ấm "sành" và Lý "toét" được chị Tùng chỉ bảo, xuống bếp lấy xoong, lấy củi về bắc nấu tại nhà ngủ. Họ thật hồn nhiên được săn sóc Mơ cũng là một thứ hạnh phúc. Tôi hỏi thăm, em tặc lưỡi "chỉ váng vất chút thôi". Em vẫn ngồi, chăn bộ đội quấn quanh mình, chị Tùng - người lớn tuổi nhất trong chị em, cứ vật em nằm xuống để chị bóp đầu. Định hỏi em một câu rằng em giận anh đấy ư, mà đông người quá không tiện. Hờ hững như người thừa, tôi trở về lán ban chỉ huy. Cứ trong tình trạng "úp úp mở mở" thế này, không khéo tôi cũng đổ ốm. Tôi đem chuyện tâm linh của Mơ kể với anh Dần và giục anh:
- Thôi, bảo thật với Mơ đi anh Dần ạ! Đằng nào thì sự cũng đã rồi! Đợi làm gì đến sáng ồng ba. Đêm nay hay sáng mai thôi. Tôi hết chịu nổi rồi!
- Bình tĩnh đã nào!
Anh Dần vốn thế, không có việc gì làm anh cuống, kể cả lúc phản lực táng bom xuống bãi khách. Anh súc ấm, pha ấm trà Thanh Hương thiệt ngon. Đưa cho tôi một chén, còn chén của anh, anh vừa nhâm nhi vừa sưởi trong lòng tay. Lát sau anh mới chậm rãi nói:
- Ngày mai cắt, cử một số người dẫn khách. Còn nữa dọn dẹp kho bãi. Chuyện của Mơ, nói lúc nào mà chả được. Nhưng thôi, chiều mai. Tôi chịu trách nhiệm nói chuyện với Mơ, ông thấy thế nào?
còn thế nào nữa! Anh Dần tốt quá, anh đã gỡ cho tôi một tình thế khó khăn chưa biết xoay xở ra sao.
Cứ hình dung ra cảnh ngồi đối diện với Mơ, với phong cách trang nghiêm của người phụ trách công tác chính trị trong trạm, tôi phải tuyên bố với em về cái tin sét đánh kia là tôi đã thấy hoảng. Và rồi em sẽ nghĩ về tôi thế nào đây? Chỉ thoáng có ý nghĩ là tôi đang hí hửng trước nỗi đau xé lòng em, là tôi không biết sẽ giãi bày sẽ thanh minh thế nào. Quả thật, nếu có chút hy vọng sâu kín, tôi phải tự quát tháo mắng mỏ mình rằng như thế là quá sớm, là không phải đạo. Anh Dần đã cân nhắc tính toán. Ngày mồng hai tết vẫn còn là ngày nghỉ. Dẫu có vài công việc lặt vặt vẫn là ngày để cho anh chị em vui chơi. Mười hai giờ trưa mồng hai mới hết hạn hưu chiến. Bấy giờ thằng Mỹ có việc của thằng Mỹ, ta có việc của ta. Con người từ hai phía đều trở lại cuộc sống bình thường thời chiến, tha hồ choảng nhau. Đưa một tin mất mát vào thời điểm ấy sẽ không có gì lạ.
Sáng mồng hai, bầu trời phía tây Quảng Trị vẫn yên tĩnh. Chúng tôi thu dọn kho bãi một chốc, lại vui chơi. Trạm giao liên ở giữa rừng sâu, thú vui của chúng tôi chỉ có đánh bài tú lơ khơ và cờ tướng. Tú lơ khơ chơi đại trà, hầu như ai cũng vào cuộc được, cờ tướng chỉ dăm sáu người máu mê. Để cuộc ăn thua cuồng nhiệt, lính ta chỉ bày trò vẽ râu hoặc đội mũ.
Gần trưa, tôi đảo qua nhà ngủ chiến sĩ, nơi đang hò hét om sòm cổ vũ cho một cuộc chơi "tiến lên". Đã thấy Mơ đội ngất nghểu trên đầu bốn chiếc mũ cối chồng lên nhau, cổ thẳng đứng mà vẫn phải ra quân.
- Thủ trưởng Hàn ơi! Mau vào cứu em Mơ với, em sắp lên năm mũ tha hồ mà vái lạy các bậc đàn anh!
- Dịch ra, dịch ra các cậu, để chuyên gia "tiến lên" vào cứu vãn tình thế!
Lính ta hò hét đùa giỡn mà Mơ không ngẩng đầu. Hoặc tỏ thái độ lạnh nhạt với tôi vì những điều ẩn ức từ hôm qua đến nay, bề nào thì tôi cũng không còn hứng thú mà xông vào nữa. Chỉ biết rằng, cú sốc do giấc mộng tâm linh đã qua, em trở lại làm việc và vui chơi như thường nhật.
Mãi về sau này, tôi còn ân hận là chiều hôm ấy, tôi kiếm cớ ra chúc Tết trạm sửa xe hơi phía ngoài đường chiến lược. Tôi không thể chịu đựng nổi cái cảnh tận mắt nhìn thấy em đón nhận tin sét đánh. Dẫu tôi biết là anh Dần sẽ gọi em lên, thêm cả ấm và thiếu úy Quýnh, người chỉ huy trực tiếp của em. Giá tôi không biết gì như Quýnh và ấm, đằng này... Với lại, tôi là tôi, một thằng đàn ông quá đa cảm và quá ý tứ. Ra trạm sửa chữa ôtô bên kia đường chiến lược, tôi vừa tròn nhiệm vụ giao hảo vừa được tận mắt nhìn thấy kiểu chơi rất Mỹ. Đúng 13 giờ 45 phút, một đànn B.57 thả hàng loạt bom tấn xuống tọa độ lửa, đồi 472. Khói bom và bụi đất lầm lên che kín chân trời phía ấy. Đối phương tỏ ra giữ đúng lời hứa không tiến hành chiến tranh trong ngày tết cổ truyền. Nhưng loài người ơi! Nỗi đau của nhân dân chúng tôi, của người lính chúng tôi, thời gian hưu chiến có khoác khuôn mặt khả ái nào cũng chẳng là môn thuốc huyền diệu khả dĩ xoa dịu và thuyên giảm được.
Tôi trở về trạm đã xập xệu chiều. Công việc ở nhà đã xong xuôi. Anh Dần bảo, con bé cũng gan, mặt nhợt đi nhưng không khóc. Chỉ khi cái ấm dìu nó về dưới nhà, nó ôm lấy tấm ảnh ngày cưới mới lăn đùng ra, vùi đầu vò chăn nức nở và ngất xỉu. Cả nhà được phen chạy xuống. Y sĩ Điều tiêm thuốc, chị em xoa bóp, Vừ A Tếnh lao đi hái lá rừng. Bây giờ thì ổn rồi. Cậu Quýnh đang lo chuẩn bị làm lễ tưởng niệm. Thôi khỏi kể lại buổi lễ giản dị và xúc động của anh chị em trạm chúng tôi. Trừ ấm, cả trạm không ai biết Thịnh, quen Thịnh. Giờ đây, anh chị em mới nhìn thấy Thịnh qua bức ảnh họa lại, tác phẩm của Điều, y sĩ kiêm "họa sĩ vườn". Trong mùi hương thơm ngan ngát của khói trầm và hoa rừng, bức ảnh của người xa lạ bỗng trở nên thân thiết. Cúi đầu tưởng niệm người hy sinh là chí sẻ thông cảm nỗi đau mang màu sắc bất thường của Mơ. Mơ của chúng tôi, khăn tang bỏ múi đứng giữa đám chị em đều chít khăn trắng cột vòng. Ai cũng nhận ra khăn tang cắt từ vải dù pháo sáng. Vẫn như ban chiều, em cố nén không khóc, đầu cúi xuống. Chỉ đến lúc giải tán, em mới lững thững đến trước tấm ảnh Thịnh hờ lên một tiếng. "ới anh Thịnh ơi!" và khụy xuống trong cánh tay bạn bè. Đưa em về nhà nghỉ, đợi lúc vãn người, tôi mới nói riêng với em được lời chia buồn của mình. Em chỉ cảm ơn một cách thiếu mặn mà, và đột nhiên em nhìn thẳng vào tôi buông một lời trách nặng nề:
- Anh Hàn ạ! Em tưởng anh quý mến em, nhưng anh tệ lắm, anh ác lắm! Anh biết chuyện này từ mấy hôm nay mà nỡ giấu em, nỡ nói dối em.
- Không, Mơ hiểu nhầm rồi! Chẳng qua bọn anh không muốn em đau khổ giữa ngày hưu chiến.
Lời thanh minh của tôi làm em giận dỗi:
- Để cho em vui chứ ì? Để cho em cười đùa ca hát nhảy múa như con điên chứ gì? Anh đã đẩy em vào cảnh nhẫn tâm, chồng chết mà vẫn cười toe toét. Anh đã buộc em rơi xuống nỗi ân hận không bao giờ thoát ra được. ới anh Thịnh ơi, em ân hận quá, em có lỗi với anh nhiều quá! Tha thứ cho em, ới anh ơi!
Và cô oà lên khóc như chưa bao giờ được khóc. Chị em lại vội vàng ôm lấy em dỗ dành. Còn tôi đứng sững như núi đá mùa đông. Lát sau tôi mới bắt chước anh Dần:
- Bình tĩnh đã nào! Để anh nói nốt!
- Không, em không muốn nghe anh nói nữa! Anh đi đi! Anh về đi!
Về sau, tôi cố hình dung ra nỗi buồn của tôi lúc đó mà vẫn không thể nào mạch lạc được. Nó giống như tảng băng lạnh ngắt lại vừa giống một mớ bùng nhùng có gai nhọn hoắt chụp vào trái tim tôi. Chỉ nhớ là ra khỏi lán, mò mẫm đi, vấp một cái vào hòn đá, tôi mới chợt bấm đèn pin. Tôi là kẻ làm hại em? Nỗi day dứt ấy làm tôi trằn trọc, suốt đêm không tài nào chợp mắt được.
Sáng mồng ba, em kiên quyết xin đi vào trạm 21 đắp mộ cho chồng.
Cùng đi với em có ấm, bạn đồng hhương, Vừ A Tếnh và anh Dần trạm trưởng. Sắp xếp đoàn đi là do ý muốn của em. Tôi đã trở thành người ngoài rồi, dẫu muốn đi cùng em, vừa đúng chức trách, vừa đang có điều bức bối muốn giãi bày cũng không được nữa. Anh Dần bàn giao công việc ở nhà cho tôi xong, an ủi "Ông không đi có khi lại hay, mình sẽ trổ tài làm công tác chính trị một phen. Nếu Mơ còn ân hận, mình sẽ nhận lỗi hết về phần mình là xong chứ gì?"
Vậy mà lòng tốt của anh Dần muốn trổ tài làm công tác tư tưởng hóa ra múa gậy vào chỗ trống. Sau năm ngày, cùng ở trạm 21 về với anh Dần chỉ có ấm "sành" và Vừ A Tếnh. Mơ đã xin ở lại với trạm 21 không nỡ bác bỏ nguỵen vọng tha thiết của em, là ở đấy săn sóc ngôi mộ chồng cho mãn tang. Chỉ huy trưởng của binh trạm cũng đã phê duyệt.
Chắc bạn đọc cũng đoán được mối tình của tôi và Mơ đến đấy là hết. Không, không thể gọi là mối tình, vì chưa một lần được thổ lộ trái tim mình với em. Mãi mãi vẫn chỉ là tình yêu đơn phương. Không phải tôi không nhẫn nại đi tìm em, chỉ vì hoàn cảnh không cho phép. Chưa đầy một tháng sau, tôi được lệnh ra hậu phương học bổ túc quân chhính, và khi quay lại chiến trường, tôi đã là tiểu đoàn phó bộ đội Quảng Trị. Tôi có ửi thư cho em mà không hồi âm. Sau chiến dịch Quảng Trị, có lần tôi tình cờ gặp Quýnh ngay trên đường hành quân. Nói chuyện với nhau chỉ được vài phút, Quýnh cho biết Mơ đã về công tác ở đoàn bộ 559 cùng với Vừ A Tếnh bấy giờ cũng đã là chuẩn úy trung đội trưởng. Nghe đâu họ đã yêu nhau... Tôi chỉ phảng phất buồn, chứ không ngạc nhiên. Vừ A Tếnh quả là một thanh niên H'Mông thật dễ thương và cũng là tay đẹp trai và tài hoa nữa. Tình yêu đối với anh là sự say mê cuồng nhiệt là sẵn sàng xả thân vì người mình tôn thờ. HHồi đi đắp mộ chồng, chính em đã muốn có Vừ A Tếnh cùng đi. Vừa để bung xả được sự giận hờn với tôi, vừa có người dám chết vì em. Cả trạm tôi đã xôn xao chuyện Vừ A Tếnh đã lăn lưng ra khuân đá đắp kín mộ Thình y như ngôi mộ người H'Mông, lại hì hục suốt đêm đục tấm bia mộ chí mà ở chiến trường chưa có liệt sĩ nào được dựng tấm bia đàng hoàng như thế. Sự xả thân của Vừ A Tếnh đã được em đền bù. Cũng là lẽ công bằng, ít nhất là theo quan niệm ủa Mơ hồi ấy. Chút phảng phất buồn của tôi sau khi biết tin Mơ hóa ra chẳng thể gọi là phảng phất. Nó âm ỉ và khá dai dẳng khiến tôi không còn để ý mơ tưởng đến người con gái nào nữa. Chợt sực nhớ tới thằng bạn đồng hương quen thân nhau từ thuở còn mặc quần xà lỏn, thằng bạn hiểu cuộc đời tôi khá kỹ, trong một đêm ngủ với nhau ở ngã ba Lùm Bùm đã bật cười một mình khi hắn tìm ra được định nghĩa về tôi: "Hà Lê Hàn là một khối mâu thuẫn biết thở". Gọi tôi là "khối mâu thuẫn", là muốn diễu cợt cái tính cách chập chờn, giằng xé trong tình cảm của tôi. Biết làm sao được? Vậy mà tôi đã mang theo cả khối mâu thuẫn trong tình cảm ấy đi hết cuộc chiến tranh chống Mỹ đấy. Mà chưa bao giờ là thằng lính hèn. Chiến thắng, tôi còn mang được tấm thân lành lặn về thăm quê. Mẹ tôi đã quá già. Bà chỉ khóc: "Lấy vợ đi cho mẹ chết được yên tâm" Thương mẹ quá, tôi vâng lời, nhưng ậm ừ mãi đến năm 1978 mới cưới một cô giáo trong làng, tuổi kém tôi đúng một giáp. Vậy là ai mang phận nấy, mỗi lần nhớ tới Mơ, nhớ tới cái đêm hưu chiến năm xưa, tôi tưởng như mình bơi trong cõi sương mù, cây cối núi non nhòe nhợt chập chờn hư ảo. Chẳng còn biết em đi về đâu, mối tình của em và chàng trai người H'Mông có thành không hay chỉ là mến mộ nhất thời. Và làm sao có thể hiểu được điều trắc ẩn nhất trong lòng tồi, là liệu em có lúc nào chợt nhớ tới tôi không?
Thời gian trôi đi ngoài ý muốn con người. Tôi vẫn còn trong quân ngũ. Dẫu có thuyên chuyển từ đơn vị này đến đơn vị nọ cùng với việc quân hàm theo niên hạn, khi đã ngoài 50 tuổi, tôi được thăng quân hàm đại tá và về công tác ở Bộ Tổng Tham mưu. Mẹ đã mất, lăng mộ xây xong, tôi đưa vợ con về Hà Nội, tính chuyện làm việc ít năm nữa là vào Hội Cựu chiến binh. Đã bắt đầu sống kiểu người già, chuộng sự yên thân cuối đời.
Đúng một cái, tôi gặp em, gặp hết sức tình cờ lại ở nơi sơn cùng thủy tận. Có công việc của Bộ Tổng Tham mưu phái lên biên giới, một hôm tôi đang cùng huyện đội trưởng Mèo Vạc đảo qua chợ Lũng Phìn, dừng lại bên chảo "thắng cố" đangn sôi ùng ục và chung quanh kháh ăn rất đông. "Chưa ăn món "thắng cố" coi như chưa lên Mèo Vạc", huyện đội trưởng kích tôi. Vâng, thử xem sao. Tôi cũng tợp rượu và nhón nhén nếm cái món xúp tạp pì lù của người H'Mông. Nếm vẫn còn ngại cái món sền sệt ấy, khách ngồi chung quanh phần lớn là người dân tộc, ăn uống xì xụp thật ngon lành, rượu vào lời ra, mặt mũi đỏ gay. Ngồi chếch một góc xa là một người đàn bà, đội nguyên cả nón, cúi đầu ăn uống lặng lẽ. Nhận ra chị là người Kinh ở chiếc nón và cả ở cách ăn mặc, áo xanh trứng sáo đã cũ cắt theo kiểu nhà quê miền xuôi, vương nhiều vết nhựa cây lem luốc. Lúc chị đứng dậy trả tiền cho chủ quán, tôi bỗng giật mình. Lẽ nào lại là cô ấy. Dẫu hom hem và tiều tụy, nhưng đôi mắt có ve ở đuôi thì khó mà nhầm lẫn. Tôi bỏ bát "thắng cố" đi về phía chị:
- Xin lỗi, có phai cô Mơ không?
Bị gọi đúng tên, người đàn bà hốt hoảng ngẩng đầu, mặt tái mét, kêu lên lí nhí:
- Ôi, Anh Hàn! Anh Hà Lê Hàn!
- Trời ơi! Lâu quá rồi! Cứ hỏi thăm tin cô mãi.
Bối rối và xúc động trước cuộc gặp gỡ quá đột ngột, người đàn bà chớp mắt liên hồi, nét mặt căng thẳng đau đớn. Tôi thực sự mừng vui muốn làm một cử chỉ nào đó biểu lộ thân thiết, nhưng cứ ngập ngừng. Cuối cùng mới tiến lại gần đưa ta ra bắt. Nhưng kìa, Mơ đã không nắm tay tôi, mà vội ngồi thụp xuống che nón khóc nức nở, đôi vai run lên bật bật. Tiếng khóc mỗi lúc một to khiến tôi luống cuống đứng sững như trời trồng. Huyện đội trưởng thấy sự lạ, sáp lại cạnh tôi. Bao nhiêu cặp mắt người đi chợ đổ dồn về phía chúng tôi. Đám thanh niên H'Mông mặt mũi đỏ gay đang vừa thổi khèn bè vừa múa chợt dừng. Họ xì xào với nhau bằng tiếng dân tộc, cười vang rồi lại tiếp tục múa khèn. Chắc họ nghĩ rằng có một ông đại tá quân phục mùa đông mũ mão chỉnh tề lại đứng sững trước một người đàn bà miền xuôi đang ngồi khóc như ha chết, là chuyện đáng buồn cười. Không đâu các em, chẳng có gì đáng buồn cười. Nước mắt người đàn bà là có thật, thật như sương đêm ở Lũng Phìn. Và dáng đứng sững của ông đại tá tức là tôi cũng có thật như dáng những vỉa đá màu xám khắp vùng Mèo Vạc này thôi. Chẳng có gì đáng buồn cười mà trái lại, còn có thể gọi là đáng thương nữa. Họ đang thương xót cho một thời trẻ trung đã qua của mình chăng? Họ đang tự dày vò mình vì sao lại để mất nhau chăng? Chính tôi lúc bấy giờ cũng không biết nữa.
Tôi chỉ lờ mờ đoán rằng Vừ A Tếnh đã đưa em về sống ở đây, và cuộc đời của em chắc bất hạnh lắm lắm. Điều tôi phỏng đoán đã không hoàn toàn chính xác. Đúng là Vừ A Tếnh và em đã đưa nhau về đây, sinh con đẻ cái, sống trong một bản H'Mông, hòa vào phong tục H'Mông. Vừ A Tếnh đã về hưu với quân hàm thiếu tá bộ đội biên phòng cách đây dăm sáu năm. Còn cuộc sống của em có hạnh phúc hay không thì chỉ trời mới biết được, mặc dù ngay chiều hôm ấy, tôi đã tìm đến thăm vợ chồng em. Cuộc gặp gỡ bộ ba sau 25 năm xa cách dẫu có nhiều điều lý thú và tế nhị vẫn là chuyện khác. Chuyện đáng quan tâm lúc này là hãy chú ý lắng nghe tiếng khóc thất thường dai dẳng giữa bàn dân thiên hạ của người đàn bà ngày xưa có tên là Mơ này.
Hồi ở với tôi, em nổi tiếng luôn luôn tự biết kiềm chế. Có khóc chỉ khóc một mình, chưa bao giờ khóc rống lên trước đông người. Kể cả lúc Thịnh hy sinh. Sự khác thường trong tiếng khóc hôm nay hàm chứa quá nhiều nỗi niềm chồng chất. Khóc cho thân phận mình, khóc vì cảm động trước cuộc gặp bất ngờ này... Dẫu tiếng khóc có mang tín hiệu bao nhiêu nỗi niềm đi nữa, thì tôi vẫn nhận ra một tín hiệu quan trọng, ấy là ngày xưa em cũng đã yêu tôi. Bây giờ tín hiệu kia chẳng còn ý nghĩa gì. Chúng tôi đều già, cuộc đời đã chia ngả khác nhau. Khi biết được tình yêu của mình hồi đó không còn là tình yêu đơn phương nữa, tôi càng xót xa, tự đặt cho mình những giả thuyết vu vơ. Giá mà hồi ấy...
Trại sáng tác Đại Lải ngày 14-12-1996