Người mẹ tội lỗi - P I

I
Đành rằng câu chuyện sắp kể ra đây là câu chuyện buồn thì cũng không nên gọi là truyện "người mẹ tội lỗi". Vậy mà người kể không sao cưỡng lại được mình, để cho cái ám ảnh nào đấy thúc đẩy, và khi đã trót buột miệng ra, người kể bỗng có cảm giác câu chuyện này là do từ một tiếng thì thào mơ hồ lẫn trong gió lạnh mùa đông đang lật từng chiếc lá vàng khô gợi nên. Cây bàng già trồng từ đời nào đứng ở ngã ba đường đi ra Cồn Mồ vào mùa này đang trút lá, những chiếc lá đỏ bầm như máu khô rơi đầy những lốt chân trâu. Theo từng đợt gió, chúng lặng lẽ trở mình chập chờn như những cánh bướm hấp hối, và kỳ lạ thay, có chiếc lá khô giòn bỗng dựng nghiêng dậy rồi sè sè bay đi. Thoạt đầu, dường như nó nhảy tâng tâng trên đường đất gồ ghề và đột nhiên nó cất mình
bay là đà qua những nương củ đậu và cuối cùng rơi vào một bụi dứa dại um tùm. Trẻ con chăn trâu làng Mai thường tỏ ra sợ hãi khi nhìn thấy những chiếc lá bàng khô bay lên như thế. Chúng cho rằng đấy là hồn ma oan trái ở Cồn mồ đang cất lời than vãn với người đang sống ở dương gian. Phải chăng cái ý nghĩ tầm phào của lũ trẻ vẫn có thể ám ảnh người kể chuyện. Bởi vì người mẹ trong chuyện đã chết từ lâu. Chị chết hãy còn trẻ lắm, mới ba nhăm tuổi. Tên chị là Kiều. Cha chị, ông đồ nho ấy, có lẽ quá thương phận nàng Kiều trong truyện người xưa mà muốn con gái mình mang tên nhân vật chăng? Hay vì nhà ông đồ ở ngay cạnh chiếc cầu gỗ qua sông nên ông thích chơi chữ mà đặt tên con như thế? Cũng không ai biết. Bởi ông đồ cũng đã là người quá cố. Vả lại, biết để làm gì, khi chị Kiều cũng chết từ năm 1967. Ngôi mộ củ chị đặt ở Cồn Mồ ngay bên cạnh mộ chồng tên là anh Viễn. Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng ít lâu, ủy ban nhân dân xã Mai Thủy đã xây dựng nghĩa trang liệt sĩ ngay dưới chân đồi thông. Người ta thu vén tất cả những hài cốt liệt sĩ trong xã về đặt nơi trang nghiêm này. Cố nhiên, anh Viễn vốn là huyện đội phó trong kháng chiến chống Pháp, sau này ở lại nằm vùng bị bọn Diệm giết chết năm 1957 là người được xã lưu ý đầu tiên. Hôm bốc mộ anh, người ta thấy lẫn trong đám xương đã mủn, một sợi dây điện màu xanh Bấy giờ, chỉ ông già Cận, bố anh Viễn là hiểu rõ sự tình của sợi dây điện bình thường ấy. Đấy là sợi dây bọn Diệm trói anh Viễn lúc chúng đem anh đi thủ tiêu ở trên Tứ Tây. Tay công an tên là Lê Phán "ba cùng" ở ngay trong nhà lão Cận rỉ tai cho chị Kiều biết tin đó. Lập tức chị Kiều cùng bố chồng và một người chú họ nữa đánh một chiếc xe trâu đi hái củi để lấy cớ. Và trên đường về, lúc nhập nhoạng tối, họ đã bới đúng xác anh Viễn lên cho vào bao tải. Anh bị chôn ngồi, tay trói quặt về phía sau. Khi đem về khâm liệm, ông già Cận cởi trói cho con trai, nhưng vẫn bỏ sợi dây tội ác kia vào áo quan. Để làm dấu hài cốt của con và để sau này - lúc cách mạng thắng lợi thì sợi dây đó sẽ nói nhiều điều với người đang sống. Quả thật thế, bây giờ sợi dây điện màu xanh ấy được đặt trang trọng trong tủ kính, cạnh đó là một mảnh bìa ghi rõ sự tích tội ác của giặc - một hiện vật quý của nhà truyền thống xã Mai Thủy. Trong nhĩa trang liẹt sĩ, tấm bia mộ có khắc tên Bùi Duy Viễn được đặt ở hàng đầu. Người ta đã đưa anh về nơi an nghỉ vĩnh viễn, vị trí xứng đáng với sự cống hiến của anh lúc sinh thời, để lớp lớp dân làng xã tưởng niệm. Ngôi mộ cũ của anh ở Cồn Mồ lúc này chỉ là một cái hố nước võng vãnh, nơi những con cóc bù bụng tròn căng, những chú nòng nọc đen ín bơi lượn loăng quăng giữa những sợi cỏ chỉ ăn lan ra mặt nước. Bên cạnh cái hố ấy, vẫn còn lại ngôi mộ chị Kiều. Chị không được công nhận là liệt sĩ. Đấy cũng là một chuyện rắc rối phức tạp, nhưng không ai thắc mắc. Có thắc mắc chăng là vợ chồng lão Cận và cô Thảo, con gái của chị Kiều. Nhưng thắc mắ để ăn cái giải gì, để được hưởng danh hiệu gia đình liệt sĩ thì một mình anh Viễn cũng đủ rồi. Với lại, cán bộ xã cũng có lý của họ. Nếu công nhận chị Kiều là liệt sĩ thì phải tính đến hàng chục trường hợp khác. Họ cũng bị đại bác của Mỹ bắn chết trong lúc đang sản xuất ngoài đồng. Rồi còn bao nhiêu vụ bị bom đạn Mỹ giết hại. ở xã Mai Thủy này, nếu tính những người chết oan trái như thế trong hai cuộc chiến tranh thì phải đến vài trăm. Thực ra, trường hợp chị Kiều có khác. Chị là đảng viên, là du kích trong kháng chiến chống Pháo. Khi đât snướ chia làm hai miền, chị không đi tập kết cũng còn vì anh Viễn được huyện ủy bố trí ở lại. Sau ngày chị được thả từ nhà tù của bọn Diệm ra, chị mất liên lạc với tổ chức Đảng. Thoạt đầu, thì mất liên lạc thật, vì hầu hết các đảng viên nằm lại đều bị bắt, bị thủ tiêu hoặc trốn tránh đi một vùng đất khác. Về sau, chị biết là mình bị bỏ rơi. Đấy là một nỗi đau của chị không biết nói cùng ai cho đến lúc chết một cách đột ngột. Thời kỳ năm 1967, xã Mai Thủy gần như hoàn toàn giải phóng. Mặc dù ở cạnh nách căn cứ ấp Năm của Mỹ, cán bộ và du kích phần lớn đã hoạt động công khai. Chị Kiều đã đứng tuổi không tham gia du kích nữa mà chỉ hoạt động phụ nữ ở thôn. Buổi sáng hôm ấy, chị Kiều vận động mấy chị em khá trong tổ đổi công cùng ra gặt lúa ở cánh đồng Trầm. Đấy là cánh đồng mà tụi lính dù Mỹ thường nổi da gà lên khi phải phóng xe qua. Bọn Mỹ không muốn ho dân lai vãn quanh con đường không vui đó, nên đã dọa sẽ bắn bỏ bất cứ ai, nếu thấy xuất hiện. Dĩ nhiên trong dân chúng cũng có người sợ. Nhưng lúa vẫn cứ chín vàng rực cả cánh đồng. Chị Kiều xót xa về hạt lúa chín đã đành, lại nghĩ rằng mình là cán bộ nếu không đi thì làm sao vận động được dân làng. Thêm nữa, hị cho rằng thằn Mỹ dọa là dọa thế, chứ chúng cũng có mắt, nhìn thấy toàn đàn bà con gái cả, lẽ nào chúng lại dám làm liều. Vậy mà chị Kiều không kịp hiểu thằng Mỹ. Một quả cối 81 ly đã rơi đúng đám ruộng, nơi mấy chị em đang gặt. Chị Kiều và hai chị khác chết ngay, một chị còn lại bị thương nặng, về sau trở thành tàn phế. Không chỉ riêng các nhà thơ mà nhân dân làng Mai đều hiểu thế nào là hạt lúa đẫm máu, khi nhìn vào thửa ruộng tả tơi, nơi người ta khiêng những thi thể rách nát lên võng. Nhân dân xã Mai Thủy có một sức mạnh âm thầm và kỳ diệu. Không hiểu do gợi ý bằng cách nào đó của chi bộ Đảng, mà thoạt đầu bà con làng xóm đổ xô ra đường vây quanh mấy chiếc võng khiêng người bị giết hại. Trong tiếng khóc la đến xé lòng của những người thân cùng tiếng nguyền rủa tội ác của giặc Mỹ, một ông già nhân danh đại diện các khuôn hội phật giáo trong xã đã kêu gọi mọi người hãy kéo nhau lên quận, bắt những tên khốn nạn tự xưng là chính quyền quốc gia phải trả lời về vụ giết hại dã man này. Người ta hè nhau đi, người sống khiêng người chết. Người ta đốt hương lên, thắp nến lên. Và không đợi đến lúc làm lễ phát tang như phong tục cổ truyền, người ta kêu gọi người thân hãy đội khăn tang lên. Một súc vải trắng được mang đến. Người ta vừa đi vừa xé vải làm khăn chít lên đầu. Cái màu trắng trang nghiêm và lạnh lẽo ấy có sức gợi cảm mạnh mẽ làm sao! Thoạt đầu là những người than chịu tang, rồi đến bạn bè, hàng xóm và dần dần người ta mau chón nhận ra rằng, đấy là cái tang chung, cái tang của nhân dân xã Mai Thủy. Súc vải trắng được xé đến mảnh cuối cùng. Người ta mang đến súc vải khác. Và đoàn người vừa đi vừa vấn khăn tang, chỉ một lúc sau, khi ra đến đường quốc lộ thì đoàn người đã dài dằng dặc - trên đầu là một màu trắng nhìn đến lạnh gáy. Xe cộ ùn lại dẹp sang một bên, lính cảnh sát lính quân cảnh chạy bắng nhắng một lúc rồi cung phải dẹp sang một bên. Đoàn người như một dòng thác trắng ùn ùn đổ vào trụ sở của quận. Viên thiếu tá trưởng không dám trốn tránh. Viên đại diện của ăn cứ Mỹ cũng phải phơi mặt ra để trả lời cho dân chúng. Cố nhiên là bọn Mỹ đã phải chịu bồi thường tính mạng và tài sản cho nhân dân, còn phải hứa không được bắn phá vào bất cứ nơi nào dân thường sinh sống làm ăn. Khỏi phải kể lại cái không khí bi tráng và oai nghiêm lúc đó, lúc bọn Mỹ và bọn quận mắt tròn mắt dẹt không dám nhìn thẳng vào hàng nghìn cặp mắt bốc lửa. Bởi vì đấy là chuyện khác. Chuyện muốn kể ở đây là cái chết của chị Kiều vẫn có sự cống hiến - một cái chết được mọi người ghi nhớ. Dù sao chị cũng là một trong những người dám chấp nhận thử thách với thằng Mỹ. Trên thực tế, chị đã thắng. Cả cánh đồng Trầm chỉ vài ngày sau đó đã được gặt hái ung dung. Dù sao, gia đình lão Cận cùng họ hàng thân thích chị Kiều cũng đã cắn răng lại, nén chịu xót xa để dân làng khiêng thi thể rách nát của chị đi giữa nắng hè thiêu đốt để đòi quyền được sống, cho những người đang sống. Dù sao, chị cũng là đảng viên, là du kích cũ... Nhưng thôi, hẳn là không một người nào đi làm cách mạng lại ước ao mình sẽ trở thành liệt sĩ. Danh nghĩa liệt sĩ chỉ nhằm an ủi động viên những người đang sống. Vợ chồng lão Cận và cả cô Thảo, con gái của chị cũng đều cảm thấy không nên đòi hỏi làm gì. Chính sách là chính sách. Chính sách có những điều khoản quy định chặt chẽ, có thứ tự tiêu chuẩn của nó. Bởi thế, không làm sao tránh khỏi vài trường hợp máy móc. Người ta cứ mở những điều khoản, những tiêu chuẩn ra mà đối hiếu, cuộc đời và cái chết của chị Kiều chỉ thiếu hoặc chệch đi vài điểm là thôi. Lão Cận công nhận chính sách là đúng đắn, lão không thắc mắc. Nhưng trong cõi sâu xa, lão có buồn. Lão buồn khi nhìn ngôi mộ của con dâu nằm lại một mình. Y như thể có một sự chia cắt dưới cõi âm. Mai táng con dâu cạnh ngôi mộ con trai là lão Cận có s tứ. Không phải chị Kiều trăng trối lại, chị không kịp nhận ra mình chết thì bảo trăng trối làm sao được? Vậy mà lão Cận vẫn coi như có lời thỉnh cầu của nàng dâu hiếu thảo. Đấy là lão nhớ cái buổi sáng ảm đạm ấy, chị Kiều đã khóc ngất đi bên cạnh mộ chồng. Khi chị tỉnh lại, lão Cận dỗ dành chị đi về nhà, chị cứ nằm úp mặt xuống đám cỏ ẩm ướt mà van xin lão: "Ba ơi! Ba cho con chết luôn thể! Để con được chôn bên cạnh nhà con..." Lời van xin trong khi cõi lòng tan nát của chị Kiều lúc ấy, mà lão Cận không quên. Mai táng chị, lão cho đào huyệt đúng vào nơi xưa kia chị đã vầy nát đám cỏ mà khóc lóc thỉnh cầu. Hơn nữa, với hai ngôi mộ song song cạnh nhau, lão muốn nói với bàn dân thiên hạ rằng, chúng nó sống có nhau, chết cũng ở kề bên nhau; chúng nó là đôi vợ chồng trọn đời chung thủy. Lời nói ngầm của lão là nhằm vào những miệng lưỡi lắt léo thị phi tung lời đồn đại về tiết hạnh của con dâu lão. Vậy mà nay ngôi mộ cô con dâu đành nằm lại một mình giữa quang quẻ mặt trời. Lão chỉ buồn mà không nói ra. Nếu người chết có linh hồn, thì chắc linh hồn chị Kiều sẽ phiền não vì người ta thực hiện chính sách đúng đắn quá. Lão Cận nghĩ như vậy vào hôm dân xã tổ chức bốc mộ liệt sĩ, rước hài cốt con trai lão về đặt ở nghĩa trang. Lão bấng cả gốc cây gieo trồng gần hai chục năm nay trước mộ con trai đem sang trồng song song voứi cây giao trước mộ con dâu. Lão Cận muốn chút kỷ niệm của con trai lão lưu lại nơi Cồn Mồ để vong linh con dâu lão được an ủi. Tưởng là cây giao già sẽ không chịu bén rễ, ấy mà nó chỉ ủ rũ dăm bảy hôm đầu, dần dần tươi tốt lại.