Người mẹ tội lỗi P III

III
Không! Chúng nó không có tội. Con dâu lão không có tội, cháu lão lại càng không có tội tình gì hết trơn! Đấy là lời phản kháng mãnh liệt trong lòng lão Cận, lúc lão trên đường đi tới trụ sở ủy ban nhân dân xã. Lão phải làm cho ra lẽ, phải chỉ mặt đứa nào làm bậy bới móc chuyện này lên. Lão phải hỏi xã, bởi đấy là cái gốc của mọi chuyện liên quan tới cuộc sống của dân xã. Chủ tịch là một thanh niên hai mươi chín tuổi, hồi trước Thiệu bắt quân dịch đã đào binh về hoạt động du kích, đánh giặc rất khá, được tặng thưởng huân chương. lúc lão Cận tới, chủ tịch đang bận giải quyết vụ hai dân quân lợi dụng đi tuần tra ban đêm đã đánh cắp ống cống bán cho một tay nhà giàu dùng xây giếng. Lão chờ hàng tiếng đồng hồ. Lão không muốn gặp các vị ủy viên, lão chỉ gặp chủ tịch. Khi lão được mời vào anh chủ tịch trẻ niềm nở bắt tay xin lỗi lão vì để lão phải chờ quá lâu.
- Bác thông cảm cho cháu. Làm việc ở xã như người nội trợ, toàn việc không tên cả, mà lúc nào cũng rối bận.
Đón chén nước từ tay chủ tịch, nhưng lão chưa uống. Lão vào đề ngay và đặt xuống trước mặt chủ tịch tờ giấy của phòng tổ chức trường thương nghiệp tỉnh trả cô Thảo về xã. Chủ tịch lướt đọc tờ giấy rất nhanh, chưa kịp nói gì, lão Cận lại ấn thêm vào tay tờ giấy khai sanh của cháu lão:
- Anh thử nói tui nghe: Hà cớ răng mà người ta dám nói con Thảo không phải con thằng Viễn, không có tiêu chuẩn con liệt sĩ?
Mặt lão đanh lại, như thể chực gây gổ. Chủ tịch ớ người ra, kêu lên:
- Răng lại có chuyện ni hè!
Trông nét mặt chủ tịch, lão Cận cũng nguôi nguôi. Quả là anh ta ngạc nhiên thật. Anh nói với lão rằng anh cũng buồn phiền về chuyện này. Lão cứ yên tâm, để anh sẽ hỏi bí thư đảng ủy xem cấp trên có trao đổi gì với đảng ủy không. Để anh... thì để đến bao giờ? Lão Cận sốt ruột. Và lão xuống xóm Hạ tìm đến nhà bí thư đảng ủy. Bí thư cùng lớp hoạt động với con trai lão, tập kết ra Bắc làm cán bộ Bộ Nông nghiệp. Khi đất nước thống nhất, ông xin về hưu ở quê và người ta mời ông ra làm việc xã. Hôm đó nhà bí thư có kỵ. Một ngôi nhà ngói năm gian mới xây cất khang trang nhộn nhạo những khuôn mặt đỏ gay. Họ hàng bà con đang ăn uống. Thấy thế, lão Cận không vào, chỉ đứng ngoài cổng, nhắn bí thư ra cho lão xin gặp. Bí thư đã ngoài năm mươi, tóc hoa râm, nhưng hãy còn nhanh nhẹn:
- A, chú! Việc chi mược! Chú vô đây làm một ly đã!
Bí thư nắm tay lão Cận kéo, nhưng lão Cận nhất định xin kiếu, và chẳng phải rào trước đón sau gì, lão hỏi luôn việc lão cần hỏi. Bí thư đứng luôn ngoài ngõ, đeo mục kỉnh vào đọc mọi thứ giấy lão đưa rồi cũng ngẩn người ra, cặp mắt cứ nháy nháy liên hồi.
- Răng lại có chuyện ni hè!
Bí thư lại khuyên lão cứ yên tâm, ông sẽ hỏi đồng chí ủy viên thường vụ phụ trách công an xã, xem thử đồng chí ấy có làm việc ngành dọc với công an cấp trên không? Lại vẫn một lời khuyên và một lời hứa. Dù lời khuyên, lời hứa đều chân tình, thì lão Cận cũng không thể chờ đợi, lão quyết đi thẳng lên xóm Thượng tìm gặp anh công an xã. Trời đã ngả chiều, lại phải leo qua hai cái dốc, nhưng lão không nản. Anh công an xã đang đánh trần ra cuốc đất trên đồi. Anh chống cuốc, đứng bắt chéo chân tiếp chuyện lão Cận ngay trên mảnh đất vừa xới. Im lặng nghe lão trình bày sự tình, anh không tỏ vẻ ngạc nhiên, bình thản đáp:
- Chuyện ni thì cháu chịu. Để cháu hỏi thêm phó công an. Bác ạ! Có nhiều việc ông tỉnh ông huyện cần điều tra xác minh, họ có hỏi ý kiến tụi cháu đâu.
Họ có lưới cộng tác viên riêng. Mà cộng tác viên của ai thì kẻ ấy biết thôi.
Lão Cận hỏi thắt:
- Rứa là chuyện ni anh hoàn toàn không biết?
Thay cho câu trả lời là một cái lắc đầu.
Lão Cận thở dài ngán ngẩm và hậm hực ra về. Tới nhà, trời đã nhá nhem. Con chó vàng chạy ra vẫy đuôi mừng rỡ hít hít vào chân lão, lão tống cho một đá làm nó kêu oẳng, cúp đuôi chạy biến. Lão đang bực mình. Đêm, lão làm hai ly rượu, đặt lưng xuống mà vẫn khó ngủ. Tội nghiệp, cái Thảo vẫn ti tỉ khóc, còn bà lão vừa dỗ dành cháu vừa chửi đổng. Không có một cái tên cụ thể để trút lời nguyền rủa, bà lão chỉ gọi cái kẻ ác tâm kia là hắn. Lão Cận nói vọng vào buồn:
- Thôi, bà cháu ngủ đi! Chửi thì ăn chung chi! Phải vạch mặt chỉ trán cái thằng cái con mô thất nhơn thất đức mới đặng!
Sáng sớm hôm sau, lão Cận lên huyện. Lão đã tính rồi, trước tiên lão đến huyện đội gặp anh trung úy Thắng là chỗ thân tình với gia đình lão, rồi lão sẽ cậy Thắng dẫn lão tới gặp chủ tịch huyện. Trung úy Thắng, hai mươi sáu tuổi, dáng nhỏ nhắn, bảnh trai, trong chống Mỹ là đội trưởng biệt động nổi tiếng xuất quỷ nhập thần suốt cả dải đất từ Phú Bài lên An Cựu. Cha thắng là huyện ủy viên hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Mẹ đi tái giá. Anh được người cô ruột nuôi cho ăn học, đỗ tú tài rồi mới đi kháng chiến. Thắng quen thân với cháu gái lão cũng nhờ bàn tay sắp xếp của bà cô. Hôm ấy, Thắng đón tiếp lão Cận ở nhà khách huyện đội rất niềm nở. Anh còn giới thiệu lão với huyện đội trưởng. Sau tuần nước trà, lão Cận mới kể lể sự tình đầu đuôi câu chuyện không hay đến với Thảo. Nghe chuyện, nét mặt Thắng tái dần đi. Anh không bình phán gì về sự việc xảy ra, nhưng sự thắc thỏm trong lòng anh lộ ra trên nét mặt. Dường như tâm trạng anh có một sự đột biến, anh tự hỏi mình xem có nên dính líu vào mối tình này nữa không? Nếu sự thật vỡ ra như lời nói ngầm đằng sau tờ giấy trả Thảo về xã, thì đời sống chính trị của anh sẽ ra sao, nếu anh vẫn yêu Thảo, cưới Thảo. Anh nói:
- Cháu bận việc lắm1 Ông thông cảm.
Nói vậy, chứ anh cũng dẫn lão tới ủy ban huyện. Vào liên hệ với phòng thường trực, biết chủ tịch huyện đang bận tiếp đoàn nhà báo Trung ương và tỉnh về tham quan một hợp tác xã nông nghiệp tiền tiến của huyện, Thắng bảo lão Cận cứ ngồi chờ ở phòng thường trực, anh phải về dự cuộc họp quan trọng:
- Cháu bận việc lắm! Ông thông cảm...
- Cái Thảo nó nhắn anh tối ni xuống nhà, nó muốn gặp anh...
Thắng ngần ngừ:
- Tối nay thì cháu không về được. Có lẽ vài ba bốn hôm tới lúc nào rỗi rỗi...
Đến như tuổi lão Cận, lão còn linh cảm thấy điều gì thiếu mặn mà vừa xảy ra trong quan hệ tình nghĩa hai đứa. Tuy nhiên vốn là người cổ dù linh cảm thế nhưng lão cũng chỉ trách Thắng trẻ người non dạ, chưa biết được cái tai bay vạ gió đến đã làm khổ cái Thảo như thế nào. Lẽ ra, anh ấy phải xuống an ủi vỗ về nó, phải xuống ngay mới ra thằng con trai đang say gái.
Chủ tịch huyện tiếp lão Cận vào lúc gần tan giờ làm việc buổi sáng. Nhà khách của huyện khá sang. Nhìn những bộ sa lông có bày bình hoa cùng những cốc tách ấm chén đắt tiền lão Cận cảm thấy có phần rụt rè hơn. Chủ tịch huyện là người lịch sự và vui tính. Lời thỉnh cầu của một lão nông dân không quen biết mà ông vẫn chăm chú lắng nghe. Ông đọc kỹ các giấy tờ lão đưa, đoạn cất tiếng cười.
- Bố ơi! Sao chuyện này bố phải đi hỏi loanh quanh hết xã lại lên huyện cho mất công mệt xác. Bố cứ phải nhè cái anh phòng tổ chức nhà trường cháu Thảo theo học, mà truy cho ra lẽ... Trời ơi, bố chờ con từ sáng đến giờ à? Chà, mấy cha văn phòng ở đây nó ngớ ngẩn, chẳng biết hướng dẫn cho bố...
Chủ tịch mời lão uông nước, đưa tận tay lão điếu thuốc lá đầu lọc đắt tiền, tiễn lão ra cổng...
Thế là công cốc, bụng đói chân mỏi, chẳng được việc gì, lão Cận về nhà nằm dài ra. Lại dậy nhâm nhi ly rượu và nghiền ngẫm, trong lúc cháu lão nom người gầy xọm đi, mắt lúc nào cũng đỏ hoe.
- Thảo, sáng mai cháu lấy xe đạp chở ông lên cái trường của cháu để ông hỏi chuyện, coi thử...
Từ xưa nay chưa bao giờ Thảo trái ý ông, nhưng lần này Thảo lắc đầu. Nhất định Thảo khôn thèm đặt chân đến cái nơi đã gây ra nỗi đau khổ cho Thảo. Thôi thì lão đi một mình vậy. Lão ra đường số 1 vẫy xe lam về Huế. Hỏi đường quanh co một chập rồi cũng tới được trường. Hôm nay, lão gặp may. Cái chú tên là Sơn mà lão cần gặp có mặt ở nhà. Lão chỉ đợi mất mười phút là được tiếp.
Sơn trạc bốn mươi tuổi, có mã người phải nói là đẹp. Vóc tầm thước, mái tóc uốn lượn tự nhiên, da dẻ trắng trẻo, đôi mắt tươi vui lấp lánh sau cặp kính cận, áo quần là ủi hằn rõ đường ly. Anh có bàn tay đặc biệt mềm mại, lạnh tanh. Lúc đưa tay ra cho lão Cận bắt, lão hơi giật mình, cảm giá như bàn tay người chết. Sau khi lão tự giới thiệu, anh kêu lên mừng rỡ:
- Ôi, bác là ông nội cháu Thảo? Sao, cháu nó về nhà ó buồn không bác? Con bé trông thật xinh xẻo, dễ thương! Từ dưới xã lên đây bá đi bằng cái gì? Bác ngoài bảy mươi tuổi rồi, có việc gì bảo cháu Thảo nó lên, sao lại bắt tội bác phải cất công khó nhọc!
Lão Cận ngồi đối diện với Sơn, nét mặt lầm lầm. Lần này thì lão không cần phải mềm mỏng lịch sự làm gì, lên đây là lão vặn hỏi cho ra lẽ. Lão đặt lên bàn vẫn hai tờ giấy mà lão đã đặt vào nhiều bàn tay. Sơn chỉ đọc giấy khai sinh của Thảo, còn tờ kia chỉ liếc nhìn anh cũng biết rồi. Lão thộp được câu nói của Sơn để bắt đầu cuộc tấn công:
- Anh vừa hỏi, tui là ông nội của cháu Thảo. Đúng! Tui đẻ ra thằng Bùi Duy Viễn, thằng Viễn đẻ ra con Bùi Thị Thảo. Giấy khai sanh rành rành ra đó. Vậy hà cớ răng, anh lại nói con Thảo không phải là con Bùi Duy Viễn, không đủ tiêu chuẩn con gia đình liệt sĩ để lấy cớ thải nó về. Anh nói tui nghe!
Mặc cho lão Cận nói gay gắt, chòm râu và bàn tay lão đã run run, Sơn vẫn thong thả chế trà ra tách. Anh bưng tách trà bằng hai tay và đặt trước mặt lão:
- Bác xơi nước! Chuyện đâu có đó bác ạ! Bác cứ bình tĩnh xơi nước đã!
Sắc mặt không hề thay đổi, Sơn liếc mắt vào giấy khai sanh lần nữa, rồi buông một câu dường như có vẻ bâng quơ:
- Giấy khai sanh thời ngụy!
Hiểu ý câu nói, lão Cận đang ngồi, chồm ngay dậy:
- Anh nói vậy! Tui hỏi anh: Anh cũng cùng cỡ tuổi con trai tui. Vậy khi anh ra đời, ông bà già khai sanh cho anh là thời ngụy hay thời cách mạng? Thời mô cũng có chánh quyền. Chánh quyền sai trật là ở chỗ cai trị dân, chứ không sai trật về sanh tử, giá thú...
- Là cháu nói vậy thôi. Bác đừng nóng. Để cháu nói bác nghe. Quả thật không ai dám kết luận cháu Thảo không phải là con liệt sĩ. Nhưng công bằng mà nói, trường hợp xét tiêu chuẩn của cháu Thảo là có sự nghi vấn. Bởi có nghi vấn, nên tổ chức chưa xét được thì hãy tạm dẹp lại đã. Có thế thôi. Cháu đã nói chuyện rõ ràng với Thảo trước lú ký giấy giới thiệu cháu về xã.
- Ai bảo anh là nó có nghi vấn? - Lão Cận nóng nảy hỏi thắt.
- Đây là một vấn đề tế nhị của tổ chức bác ạ! Mà tổ chức là một bộ máy hoàn chỉnh của Đảng và Nhà nước, một tập thể chặt chẽ, chứ không thuộc quyền một cá nhân nào. Đáng lẽ cháu không có quyền nói, nhưng bác có vẻ sốt ruột muốn biết vì sao khi rà xét lại tiêu chuẩn cháu Thảo còn có chỗ nghi vấn, thì cháu xin thưa rằng chúng cháu làm việc có cứ liệu, mà cứ liệu lại do bên công an tỉnh cung cấp. Nếu bác muốn hiểu kỹ, xin mời bác sang Ty công an, còn chúng cháu chỉ biết có thế thôi. Qua những lời nói đầy chữ nghĩa của Sơn, lão Cận chỉ hiểu là Sơn muốn đẩy lão sang Ty công an tỉnh mà hỏi. Không, nơi đây đuổi cháu lão về vì lý do thiếu tiêu chuẩn thì lão cứ xoay nơi đây. Lão to tiếng chất vấn Sơn rằng, anh đã ký giấy thì phải chịu trách nhiệm giải thích, không đổ vấy như thế được. Lão còn buộc Sơn đã nói Thảo khai gian là con liệt sĩ, kỳ thực là con một tên ác ôn, vậy tên ác ôn đó là thằng nào? Về lời buộc tội này thì Sơn chối bai bải rằng anh không hề nói, vì anh cũng không biết tí gì về lai lịch cháu Thảo. Tất cả là do bên công an.
Mặt đỏ gay vì tức giận, lão Cận cất giọng oang oang khiến nhiều người ở phòng kế cạnh tò mò đứng xem ở cửa. Sơn giơ tay ra hiệu cho mọi người giải tán và anh vẫn ôn tồn lễ phép với lão Cận. Trước sau, Sơn đều bảo anh chỉ được phép nói thế và khuyên lão tới Ty công an, đây lại đấy đi bộ cũng chỉ mười lăm phút thôi. Sự bình tĩnh khôn khéo của Sơn làm lão Cận rơi vào tình thế chàng võ sĩ đấm vào khoảng không. Lão buông vài câu đe dọa rồi đành ra về.
Nhưng lão chưa về nhà. Ra quán làm một ly rượu vừa đủ ấm mặt, làm một tô bún bò cho chắc bụng, rồi lão tìm đến Ty công an. Chà, lão tức thật. Cán bộ làm việc nước, mà nơi này đùn cho nơi kia, không ai dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình thì thằng dân có điều ấm ức biết hỏi vào đâu. Lão chỉ mong có người nào đó nói thẳng toẹt ra với lão về sự nhận xét lai lịch của cái Thảo. Để lão còn có đường mà cãi, mà chứng minh. Hoặc là lão đành phải chịu trước cái lý lẽ cứng rắn của họ. Không, nói vậy thôi, chứ lão không đời nào chịu lép trước cái nhận xét hồ đồ, vô đạo đức ấy được. Lão không chịu để mất đứa cháu. Sự tức giận làm lão kém bình tĩnh và không qua nổi cổng gác Ty công an. Anh lính công an cầm súng đứng gác yêu cầu lão trình giấy giới thiệu. Thế là lão quắ mắt lên. Lão làm đếch gì mà có giấy giới thiệu. Lão là thằng dân già có điều thắc mắc là lão đến hỏi, mà phải hỏi ông to nhất ở Ty chứ lão đâu biết ông phòng ông ban này nọ thêm rách việc. Thấy lão sừng sộ lại bừng hơi men, anh lính công an làm đúng chức trách của mình nhất thiết không cho lão vào. Thế là lão làm toáng lên. Nghe tiếng ồn ào, một công an sắc phục chỉnh tề, đeo băng đỏ trên cánh tay, chạy ra. Anh này khuyên lão, giọng ngọt ngào:
- Bác ạ! Bác cứ về xã xin giấy giới thiệu rội Ty sẽ tiếp. Đấy là nguyên tắc chứ bác! ồ, hay là thế này: bác vừa nói trường thương nghiệp bảo bác sang đây sao bác không xin họ mấy chữ? Thôi, bác quay lại trường xin giấy đi rồi tới đây. Bác muốn gặp ai cũng được, kể cả ông to nhất là ông giám đốc.
Lời nói ngọt ngào của anh công an đeo băng đỏ làm lão Cận thôi sừng sộ. Lão tỉnh người ra, ở sao mình khờ thế, biết vậy xin cái anh Sơn kia vài chữ. Nào lão có hiểu nguyên "tắc" với nguyên "rì" gì đâu.
Lão đành lủi thủi quay lại trường thương nghiệp. Nghĩ cực thân, nhưng lão cũng bấm bụng lại mà chịu đựng. Khốn khổ thay cho lão, vừa bước chân đến cổng trường, kẻng tan giờ làm việc buổi sáng vang lên. Lão ra vườn hoa cạnh sông Hương ngồi hờ. Mọi hôm bằng giờ này, lão đã ngả lưng xuống cái giường giát tre nhà lão. Thế mà hôm nay lão chỉ ngồi ghế đá dưới bóng một cây mù u, vấn hết điều thuốc này sang điếu thuốc khác. Đầu giờ làm việc buổi chiều, lão đã có mặt ở phòng thường trực. Mười phút sau, nhân viên thường trực bảo cho lão biết chú Sơn bận họp không tiếp lão được. Chao ôi! Họp với hành! Họ tránh mặt lão đấy thôi! Lão buồn phiền nghĩ vậy và uể oải đi về bến xe lam, nước mắt ứa ra chảy dài xuống bộ râu cằm lốm đốm bạc. Hành khách trên xe tưởng lão có người thân vừa mất ở bệnh viện Huế, đều lên tiếng hỏi thăm, nhưng lão Cận chỉ lắc đầu không nói gì.