Phần 2: Những năm tháng hoạt động cách mạng ở Xiêm[1] (1928-1935)
P2 - Chương 3

III. Giai đoạn hoạt động dưới sự lãnh đạo của đảng Xiêm
Sau khi Hồ Chủ tịch rời khỏi Xiêm, đồng chí Tăng trở về U–đon gặp Tỉnh ủy, báo cáo lại tình hình của cuộc hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Xiêm ở Băng–cốc ngày 20-4-1930 và những quyết định của hội nghị có liên quan đến nhiệm vụ công tác của Đảng bộ Việt kiều trong Đảng Xiêm.
Theo sự phân công của Xiêm ủy, Tỉnh ủy U-đon phải phụ trách phát triển công tác vận động cách mạng trong toàn khu Đông Bắc nước Xiêm. Anh Tăng còn nhấn mạnh lời Bác dặn đi dặn lại nhiều lần là việc chọn lựa những đảng viên đầu tiên phải hết sức coi trọng. Do đó Tỉnh ủy quyết định đưa việc chuyển bộ phận Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm thành một bộ phận Đảng Cộng sản Xiêm ra thảo luận trong nội bộ để mọi người được nói lên ý kiến của mình.
Qua thảo luận, tuyệt đại đa số hoan nghênh, chỉ có vài người chưa đồng ý với lý do là hoạt động cho cách mạng Xiêm thì sợ quần chúng Việt kiều không đồng tình, và có thể bị Chính phủ Xiêm khủng bố. Tỉnh ủy đã giải thích với các đồng chí là đã làm cách mạng thì ở đâu cũng có thể bị khủng bố, còn quần chúng đã là người bị áp bức, bóc lột thì bất kể người Việt hay người Xiêm đều có thể tán thành chủ nghĩa cộng sản, và người cộng sản đều phải vận động, lãnh đạo họ làm cách mạng.
Tỉnh ủy lắng nghe ý kiến của mọi người và bước đầu lập ra một bản danh sách gồm mấy chục đồng chí trung kiên có phẩm chất tốt để kết nạp làm lớp đảng viên cộng sản đầu tiên.
Tháng 10-1930, tại một địa điểm gần tỉnh lỵ U-đon, Tỉnh ủy triệu tập cuộc hội nghị toàn thể các đảng viên người Việt thuộc các phủ U-đon Tha-xi, Xa-côn Na-khon và Na-khon Pha-nôm để xác định các chủ trương, phương hướng hoạt động. Các đồng chí ở Phi-chịt không có ai về tham dự hội nghị, vì ở đây vừa trải qua một cuộc khủng bố nặng nề, sau khi xảy ra vụ mất tích một tên mật thám đã theo dõi bắt hai đồng chí Võ Tòng và Đặng Thái Thuyến. Trong cuộc khủng bố này, hầu hết các đồng chí đều bị bắt, 11 người bị trục xuất sang Hương Cảng, trong đó có đồng chí Lê Mạnh Trinh.
Trong cuộc hội nghị toàn thể đảng viên người Việt này, đồng chí Úa, đại biểu cho Xiêm ủy giới thiệu việc thành lập Đảng Cộng sản Xiêm, và tuyên bố Tỉnh ủy U-đon là một Đảng bộ của Đảng Cộng sản Xiêm, có trách nhiệm lãnh đạo công tác toàn khu Đông Bắc.
Để chuẩn bị cho việc hoạt động theo đường lối mới, Tỉnh ủy U-đon đã họp một cuộc hội nghị đặc biệt, thảo luận các vấn đề liên quan đến sự hoạt động của bộ phận người Việt ở Xiêm.
Sau khi có chủ trương cụ thể, các đồng chí đều phấn khởi bắt tay vào công tác. Phần lớn các thành viên Thanh niên cách mạng đồng chí hội và nhiều thanh niên tích cực trong các Tổ Hợp tác được kết nạp vào Đảng, đều hăng hái học tiếng Xiêm, chữ Xiêm để có điểu kiện liên hệ với nhân dân Xiêm. Các thanh niên được vào học trường Xiêm như anh Bích lấy tên là Thiên, anh Hương lấy tên là Xổm v.v... đã có một trình độ chữ Xiêm kha khá.
Thanh niên Cộng sản đoàn được tổ chức, lúc đầu ở U-đon, sau phát triển dần ra các địa phương khác.
Năm 1931, anh Đình, Bí thư Tỉnh ủy U-đon mất vì bệnh, các đồng chí cử tôi làm Bí thư tỉnh ủy U-đon. Lúc này tôi đã nói và đọc tiếng Xiêm khá thạo, được Tỉnh ủy phân công phụ trách Thanh niên Cộng sản đoàn và chỉ đạo việc tuyên truyền vận động quần chúng Xiêm.
Cuối năm 1931, trong nước có khủng bố trắng. Phong trào Xô–viết Nghệ Tĩnh gặp nhiều khó khăn, mấy đồng chí trong Tỉnh ủy Hà Tĩnh do đồng chí Bùi Khương dẫn đường, chạy qua Xiêm tìm mối liên hệ với Đảng. Do đó, Đảng bộ Việt kiều ở Xiêm lại gánh vác thêm một nhiệm vụ quan trọng là viện trợ cách mạng Đông Dương.
Công tác của Tỉnh ủy lúc này triển khai trên hai mặt hoạt động:
  • Tuyên truyền vận động quần chúng Xiêm làm cách mạng.
  • Viện trợ cách mạng Đông Dương.
Về công tác tuyên truyền vận động quần chúng Xiêm làm cách mạng, là những công tác hoàn toàn do Xiêm ủy lãnh đạo, tôi thấy không cần thuật lại, ở đây chỉ nói đến công tác viện trợ cách mạng Đông Dương.

°

Công tác viện trợ cách mạng Đông Dương được Xiêm ủy giao cho Đảng bộ Việt kiều phụ trách.
Khi các đồng chỉ Bùi Khương [1], Lê Lộc, Trần Xu v.v… ở Hà Tĩnh chạy sang Xiêm, Tỉnh ủy đã mời các đồng chí vào U-đon nghỉ ngơi, dưỡng sức, đồng thời để thông báo với Tỉnh ủy về tình hình trong nước. Vừa khéo lúc đó đồng chí Tản Anh bị trục xuất từ Vân Nam (Trung Quốc) qua Miến Điện đến Xiêm. Anh Tản Anh vốn là cán bộ lãnh đạo trong Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội trước đây, có chân trong hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh em hoạt động ở Xiêm rất tin tưởng anh và biết anh là cán bộ lãnh đạo có năng lực và gần gũi với Hồ Chủ tịch nhiều, rất được Bác tin cậy. Tỉnh ủy đem vấn đề bàn bạc với anh Tản Anh. Mọi người đều nhất trí rằng nên thành lập một ban gồm mấy đồng chí ở trong nước mới chạy sang để xúc tiến việc viện trợ cách mạng Đông Dương. Nhiệm vụ của ban này là:
  • Xếp đặt chỗ ăn ở, bồi dưỡng sức khỏe, bảo đảm an toàn cho các đồng chí cách mạng trong nước chạy ra.
  • Mở lớp huấn luyện cho những đồng chí còn yếu về lý luận và kinh nghiệm công tác để khi trở về nước sẽ hoạt động tốt hơn.
  • Tạo mọi khả năng để các đồng chí về nước càng sớm càng tốt, gây dựng lại cơ sở.
Còn việc liên lạc giữa các đồng chí với Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương [2] thì Tỉnh ủy sẽ báo cáo với Xiêm ủy và đề nghị Xiêm ủy hết sức giúp đỡ.
Bàn bạc xong, chúng tôi thu xếp cho đồng chí Tản Anh đi Trung Quốc, mặt khác báo cáo lên Xiêm ủy về các chủ trương nói trên. Xiêm ủy hoàn toàn nhất trí, coi việc viện trợ cách mạng Đông Dương là một nhiệm vụ quốc tế của Đảng Cộng sản Xiêm, và giao cho Tỉnh ủy U-đon thực hiện nhiệm vụ này.
Để thực hiện những nhiệm vụ kể trên, đầu năm 1932, Tỉnh ủy U-đon đã phân công đồng chí Tiến và đồng chí Hải tổ chức Đông Dương viện trợ bộ để đẩy mạnh các mặt công tác. Sau một thời gian hoạt động, Đông Dương viện trợ bộ đã thu được một số kết quả như sau:
  • Bảo đảm đời sống cho các đồng chí trong nước chạy ra.
    Vận động kiều bào hăng hái nhận nuôi cán bộ trong nước ra, và quyên góp được hơn 5.000 đồng bạc Xiêm để chi phí cho việc cần thiết giúp đỡ cách mạng trong nước [3].
    Những người chạy ra hồi này gồm có các đồng chí trong phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh; nhóm Vừng Hồng là những người cách mạng ở Nghệ An, vì có sự bất đồng với Đảng bộ tỉnh Nghệ An hồi ấy. Ngoài ra còn một số anh em hoạt động ở Lào, bị Pháp lùng bắt, cũng chạy sang Xiêm. Những người mới chạy sang đều được kiều bào nuôi, bồi dưỡng sức khỏe, sau đó được đoàn thể bố trí tham gia sản xuất, làm ăn, chờ cơ hội trở về nước.
  • Tổ chức huấn luyện cho các đồng chí.
    Đa số anh em chạy sang Xiêm, tuy có tinh thần hăng hái, nhưng khi ở trong nước chỉ lo việc đấu tranh và chống khủng bố, nhiều người chưa được học tập về lý luận cách mạng. Chúng tôi lấy bản Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương và Điều lệ tổ chức các hội quần chúng của Đảng do các anh Lê Lộc, Trần Xu mang sang làm tài liệu huấn luyện chính, để bồi dưỡng lý luận và phương pháp công tác cho các đồng chí. Những tài liệu này đối với các đồng chí ở Xiêm cũng rất quý, vì từ khi thành lập Đảng Cộng sản Xiêm, Xiêm ủy vẫn thường vạch ra được cương lĩnh, điều lệ rõ ràng. Nhiều đảng viên Việt kiều ở Xiêm cũng tham gia học tập với các đồng chí trong nước chạy ra. Ngoài những tài liệu kể trên, Tỉnh ủy cung cấp thêm các tài liệu mà ở trong nước không có hoặc rất hiếm, như Đường cách mệnh, Nhật ký chìm tàu, Gương Nga, Lịch sử tiến hóa của loài người, v.v… mà Hồ Chủ tịch đã biên soạn để giảng dạy cho chúng tôi ở Xiêm trong năm 1928-1929.
    Cách huấn luyện là để các đồng chí đọc tài liệu và liên hệ thảo luận, huấn luyện viên chỉ góp ý và kết luận. Các đồng chí có trình độ khá như anh Lê Lộc, Trần Xu là Tỉnh ủy viên Hà Tĩnh hồi ấy vừa học tập với anh em vừa góp phần như huấn luyện viên. Để giữ nguyên tắc bí mật, chúng tôi tổ chức huấn luyện thành những lớp riêng cho các nhóm anh em khác nhau. Nhóm Vừng Hồng, nhóm anh em ở Lào, nhóm Nghệ Tĩnh v.v…
  • Bố trí một số cán bộ về nước hoạt động.
    Trước khi đưa cán bộ về nước, một cuộc họp ở Bản Mày, Na-khon được triệu tập gồm các đồng chí Hải, Tiến, Lộc, Xu, Bùi Khương, tôi cũng tham gia với tư cách Bí thư Tỉnh ủy U-đon. Trong hội nghị, anh Hải báo cáo rằng: Xiêm ủy đã đồng ý lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương để trực tiếp chỉ huy mọi việc của Đảng Đông Dương. Ban gồm năm người: Hải, Tiến, Lộc, Xu, Bùi Khương, Hải là Bí thư. Tôi nghe thấy khác với chủ trương đã được Xiêm ủy thông qua là: “Việc các đồng chí trong nước chạy qua Xiêm liên hệ với Trung ương Đảng Đông Dương sẽ do Xiêm ủy giúp đỡ”. Nhưng vì anh Hải nói là ý kiến của Xiêm ủy, nên tôi chỉ biết thế, mà không nói gì thêm.
    Khi lập xong Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Hải thường đi Na-khon gặp người từ Thà-khẹc qua. Tôi vẫn cho đó là việc của Đảng Đông Dương nên không hỏi. Nhưng sau một thời gian báo cáo với Xiêm ủy, thì Xiêm ủy nói đó là chủ trương của Hải, chứ không phải chủ trương của Xiêm ủy. Xiêm ủy bắt Hải kiểm thảo và thi hành kỷ luật, cho Hải thoát ly khỏi Đông Dương viện trợ bộ.
    Tháng 4-1932, anh Lê Lộc và mấy đồng chí khác về nước. Nhưng vừa về được vài tuần lễ, chưa kịp hoạt động gì thì bị bắt. Sau đó đồng chí Bùi Khương lại được phái về điều tra tình hình, chưa hoạt động được mấy thì bị lộ, phải chạy trở lại Xiêm.
    Đầu năm 1933, đồng chí Trần Xu được bố trí đưa về Hà Tĩnh. Anh Xu đã nhen lại được phong trào, nhưng chưa được bao lâu thì bị bắt.
    Sau khi các đồng chí Hà Tĩnh bị bắt, Tỉnh ủy U-đon tổ chức lại Đông Dương viện trợ bộ, gồm ba đồng chí Tiến, Ba Đốc và Tài, để tiếp tục mọi việc. Đồng chí Tiến là người phụ trách chính.
    Cuối năm 1933, Đông Dương viện trợ bộ phái đồng chí Hoàng Lùn về nước để nắm tình hình. Đồng chí đã tích cực hoạt động, mở được một lớp huấn luyện 15 anh em. Nhưng sau đó đồng chí bị ốm nặng, được đưa vào nhà thương Vinh rồi mất ở đấy.
    Năm 1934, đồng chí Ba Đốc và đồng chí Bùi Khương lại về Nghệ-Tĩnh. Anh Bùi Khương hoạt động ở Hà Tĩnh một thời gian thì bị bắt. Anh Ba Đốc hoạt động ở Nghệ An, đã liên hệ được với các đồng chí chưa bị bắt hoặc mới ra khỏi nhà tù, thành lập được Ban Tỉnh ủy Nghệ An, và liên hệ được với Đông Dương viện trợ bộ ở Xiêm.
    Năm 1935, khi Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Ma-cao, đồng chí Ba Đốc được cử đi dự Đại hội với tư cách là đại biểu Trung kỳ.
  • Gây dựng phong trào cách mạng ở Lào.
    Từ năm 1930, Tỉnh ủy U-đon đã giúp đỡ Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Viêng Chăn thành lập Chi bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi cách mạng ở Lào bị khủng bố, Đông Dương viện trợ bộ đã phái hai đồng chí Chấn và Chỉ sang Lào, hoạt động ở mỏ Bò-nèng và Phông-chiu, đặt liên lạc với các cơ sở Việt kiều ở Thà-khẹc, Xa-vằn-na-khệt và Pác-xê.
    Tháng 9 năm 1934, Đông Dương viện trợ bộ đã lãnh đạo các cơ sở Đảng ở Viêng Chăn, Phông-chiu, Bò-nèng, Thà-khẹc, Xa-vằn-na-khệt và Pác-xê cử đại biểu về họp Đại hội thành lập Ban Xứ ủy Ai-lao lâm thời.
    Năm 1935, khi Đại hội của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Ma-cao, Xứ ủy Ai-lao đã cử đồng chí Nguyễn Văn Xô làm đại biểu Lào đi tham dự.
    Những việc làm kể trên đã góp phần quan trọng vào việc củng cố lại hàng ngũ Đảng, qua cuộc Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma-cao tháng 3-1935 do Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập.

°

Riêng về phần Đảng Xiêm, trong Xiêm ủy cũng có một sự thay đổi. Cuối năm 1933, anh Ngô Chính Quốc bị bắt ở Băng–cốc rồi bị đương cục Xiêm dẫn độ cho Pháp, tôi được chỉ định vào Xiêm ủy và phải đi Băng-cốc để trực tiếp tham gia công tác của Xiêm ủy. Được bổ sung vào Xiêm ủy và được đi Băng-cốc, đối với tôi là một việc rất phấn khởi, nhưng đến Băng-cốc phải sắp xếp công ăn việc làm như thế nào lại là một việc rất gay go. Khi ở Đông Bắc, tôi làm việc dạy học, ăn cơm của đoàn thể, thỉnh thoảng anh em Tổ Hợp tác lại cho năm ba đồng để tiêu vặt. Khi được điều động vào Băng-cốc, thì đoàn thể cấp cho 40 đồng bạc để tự mình lo liệu lấy cuộc sống. Đây là qui định chung, trước kia anh em khác đi công tác độc lập lâu ngày ở một địa phương xa cũng đều được cấp một món tiền như thế.
Vào Băng-cốc, vấn đề ngôn ngữ đối với tôi không phải là khó lắm, vì từ năm 1930, sau khi chuyển sang thành Đảng Cộng sản Xiêm tôi đã cố học chữ Xiêm và tiếng Xiêm. Tôi tự học và nhờ anh em thanh niên thạo chữ Xiêm bày cho tôi cách đọc. Tôi thường tìm những quyển sách tập đọc như quyển giáo dục công dân, hoặc tìm các bài, các tin tức trong các tờ báo hàng ngày để đọc và nhờ anh em uốn nắn cho về âm điệu, rồi tự mình đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc to tiếng và rành mạch như kiểu đọc ở trong đài phát thanh hàng ngày. Còn nhớ hồi năm 1933 lúc Pha-da Pha-hồn Phôn-pha giu-hạ-xể-na [4] là Thủ tướng Xiêm, cần nói tên Thủ tướng cho đúng, tôi đã phải luyện tập luôn mấy tuần mới nói được thật đúng như người Xiêm.
Vấn đề khó khăn nhất là vấn đề sinh sống. Xuất thân từ một nhà nho nghèo, lớn lên thì đi học, rồi tham gia cách mạng, tôi không có một nghề nghiệp gì trong tay.
Khi mới đến Băng-cốc, Xiêm ủy tạm xếp cho ở nhà một đồng chí giáo viên người Hoa dạy trường tư. Nhưng ở một thời gian thấy đồng chí này thu nhập không đủ tiền thuê nhà và nuôi vợ con, tôi phải hết sức nghĩ cách kiếm nghề gì làm ăn để tự túc về sinh hoạt. Điều tra nghiên cứu mãi, mới phát hiện ra chỉ có việc bán báo là không đòi hỏi phải có kỹ thuật, không mất vốn nhiều mà lại có thể kiếm đủ ăn, và có điều kiện gần gũi quần chúng. Với 40 đồng bạc trong tay chỉ có thể làm nghề này.
Hồi ấy ở Băng-cốc có hai loại báo hàng ngày. Loại báo nhỏ phải mua của nhà xuất bản mỗi số nửa xu, bán được một xu; loại báo lớn mua mỗi số ba xu, bán được năm xu.
Lần đầu tiên làm nghề bán báo, tôi không thể nào cất tiếng rao giữa phố đông người. Ngày thứ nhất, tôi mua 50 tờ báo nhỏ, cắp vào nách như một cậu học trò, đi đến từng nhà, đứng trước cửa mời người trong nhà ra mua báo. Cứ như thế, chỉ chạy độ hai tiếng đồng hồ là đã bán được hết 50 tờ báo, kiếm lãi 25 xu.
Nhưng cách bán này chỉ làm được mấy hôm, về sau mời cũng chẳng mấy ai mua nữa. Tôi bắt đầu phải học cách rao như các bạn đồng nghiệp khác. Trước hết thử rao ở một quãng đường thật vắng người, vài ba hôm sau quen dần, thì mới rao ở phố đông người.
Anh em bán báo thường đến sở phát hành rất sớm, nhận vài trăm tờ, và nhanh nhảu chạy đi bán khắp nơi, mỗi ngày họ kiếm được vài ba đồng, đủ nuôi vợ con. Về phần tôi chỉ cần mỗi ngày độ năm sáu hào là đủ sống. Tôi không phải cạnh tranh với các bạn đồng nghiệp. Mỗi buổi sáng tôi đến chỗ phát hành, lấy một tờ báo xem trước, xem có tin tức gì hấp dẫn, nếu có thì mua độ ba bốn mươi tờ, không thì mua độ hai mươi, hăm lăm tờ báo lớn. Khi bán báo, tôi cứ đi thong thả, rao rõ những tin hấp dẫn đó thì dẫu đi qua chặng đường mà các bạn đồng nghiệp đã rao bán rồi, tôi vẫn bán được. Bình quân mỗi ngày kiếm được năm sáu hào, cũng có ngày kiếm được một đồng. Như vậy đời sống vật chất của tôi có thể tự túc khá phong lưu. Tiền nhà mỗi tháng hai đồng, tiền cơm ăn ở quán hàng ngoài phố mỗi tháng mất từ ba đến năm đồng, tiền thuốc lá mỗi tháng một đồng rưỡi, còn lại là tiền xe điện để hoạt động cách mạng, tiền tiêu vặt và dành dụm phòng khi bất trắc. Mỗi ngày đi bán báo hết khoảng ba giờ là xong, tôi về phòng riêng tắm giặt rồi đi nghỉ ở vườn hoa hoặc ở quảng trường hoặc đi làm việc.
Hồi này người Việt ở Băng-cốc chỉ có anh Tăng và tôi. Vì đồng chí Bí thư Xiêm ủy bị ốm, anh Tăng phải quyền chức Bí thư phụ trách việc liên lạc với Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương và việc viện trợ cách mạng Đông Dương nói chung; tôi phụ trách công việc tuyên truyền của Xiêm ủy, nhưng công việc cũng không nhiều lắm, chỉ theo dõi các tờ báo Đảng ở địa phương và dịch các bài do anh em đảng viên người Hoa viết bằng tiếng Trung Quốc ra tiếng Xiêm trong dịp các ngày lễ quốc tế như Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11) v.v.. Ngoài ra, trong lúc đi bán báo hoặc trong lúc gặp gỡ công, nông và quần chúng lao động Xiêm thì làm việc tuyên truyền miệng.
Năm 1934, phong trào cách mạng Xiêm có phần phát triển. Ở Băng-cốc có ba cuộc bãi công của công nhân các nhà máy xay, công nhân xe lửa và công nhân lái xe ô-tô. Những người bãi công phần lớn là công nhân người Hoa, cũng có một số ít người Xiêm, nói chung là tự phát, những đảng viên người Hoa chỉ tác động vào các cuộc đấu tranh này một phần nào thôi.
Ở Đông Bắc, thì đảng viên người Việt hoạt động sát với người Xiêm hơn. Các tổ chức Thanh niên cộng sản, Công hội, Nông hội tuy còn nhỏ bé, nhưng đã có nhiều nơi, đồng thời đã có những cuộc đấu tranh nhỏ của nông dân đòi giảm thuế hoặc chống chế độ phu dịch. Đáng chú ý hơn là cuộc đấu tranh của học sinh Trường Sư phạm trung cấp Khô-rạt với hàng trăm người tham gia để chống chế độ nội trú hà khắc, chống việc cấm đọc báo chí. Cuộc đấu tranh đã bắt buộc nhà trường phải nhượng bộ.
Nhìn chung, phong trào tuy có tiến bộ, nhưng phương hướng đấu tranh vẫn chưa rõ ràng, nếp hoạt động thường vẫn là đến các ngày kỷ niệm quốc tế thì phát truyền đơn, treo cờ đỏ, hoặc tập hợp một số người trong phạm vi nhỏ kêu gọi làm cách mạng.
Từ năm 1932, 1933, chính quyền Xiêm đã bắt đầu khủng bố cộng sản, nhưng ở Băng-cốc, anh em đảng viên người Hoa thường là hoạt động trong phạm vi người Hoa, tuy cũng bị khủng bố, nhưng người Hoa rất đông [5] nên không dễ tìm ra manh mối. Còn Đông Bắc thì Việt kiều tập trung ở một số địa phương như Na-khon, Xa-côn và U-đon, nên mỗi lúc có hoạt động là đều có Việt kiều bị bắt, vì đương cục Xiêm cho là chỉ có Việt kiều làm. Có khi cảnh sát mang sẵn truyền đơn nhặt được ở ngoài đường ngoài phố, rồi xộc vào nhà Việt kiều, đưa truyền đơn trong người ra để bắt. Tình hình đó đã làm cho anh em Việt kiều thắc mắc. Nếu cứ làm thế này mãi, mỗi lần phát truyền đơn lại bị bắt bớ dần mòn, rồi sẽ đi tới đâu? Tuy vậy không ai nói ra. Đến lúc ở nhà tù Băng-khoảng, năm 1936–1937, anh em mới đưa vấn đề ra tranh luận, nhưng không đi đến kết quả gì, vì có người lấy cớ rằng không có Xiêm ủy là không thể thảo luận.
Hồi 1934, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng ở Hương Cảng thường gửi về Xiêm một số báo chí, tờ Bôn-sê-vích nêu cao tinh thần đấu tranh không khoan nhượng. Có bài phê phán một đồng chí chủ trương rằng nơi nào mới khôi phục được một chi bộ thì chưa nên tổ chức quần chúng đấu tranh ngay, cho đó là chủ trương hữu khuynh.
Riêng tôi, lúc đó tuy chưa có tư tưởng chiến lược và sách lược, nhưng vẫn nghĩ rộng, cách hoạt động như thế này, nếu như trong xã hội người Hoa hoặc ở trong nước có quần chúng đông đảo hàng triệu người, thì còn có thể hoạt động được kín đáo; còn như Việt kiều ở Đông Bắc vẻn vẹn có độ vài ba vạn, mà những nơi tập trung khá đông như ở U-đon, Xa-côn, Na-khon, cũng mỗi nơi độ mấy nghìn người, nếu đương cục cứ thẳng tay khủng bồ thì chắc chắn cơ sở dễ bị tan rã. Vì vậy trong dịp tháng 5 năm 1934, anh Tăng đi Hương Cảng họp hội nghị mở rộng của Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, tôi đã trao đổi điều suy nghĩ này với anh Tăng, và đề nghị trình bày với các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Khi anh Tăng trở về đến Băng-cốc cũng chỉ nói theo như tinh thần của báo Bôn- sê-vích, còn một người, còn đấu tranh. Điều suy nghĩ này mãi đến khoảng mùa hè năm 1935, tôi có dịp gặp anh Hà Huy Tập ở Nam Kinh mới trực tiếp trình bày được đầy đủ.
Hơn một năm phụ trách công tác tuyên truyền của Xiêm ủy ở Băng-cốc, tuy có làm được một ít việc, nhưng nhiều lần tôi đã bị đau đầu kịch liệt. Bệnh này tôi mắc phải từ năm 1923, hồi còn học ở trường huyện, hễ gặp lúc có nắng là choáng váng đau đầu, phải luôn luôn đeo kính dâm. Hồi tham gia lớp huấn luyện ở Quảng Châu cũng thường bị đau, mỗi ngày đều phải uống thuốc. Ở Băng-cốc trong hai năm tôi phải vào bệnh viện ba lần vì đau đầu cấp tính. Vì vậy tôi xin phép Xiêm ủy cho đi Trung Quốc chữa bệnh với lý do là ở Trung Quốc điều kiện thuốc thang có thể tốt hơn ở Xiêm, đồng thời tôi có thể nhờ ông Hồ Học Lãm, một người yêu nước Việt Nam cùng quê với tôi giúp đỡ trong việc chữa bệnh.
Được sự đồng ý và giúp đỡ của Xiêm ủy, khoảng đầu tháng 3 năm 1935, tôi rời Băng-cốc đi qua Trung Quốc.