Phần 4: Những năm tháng trước và sau cách mạng tháng Tám
P4 - Chương 1

Sau mười bốn năm họat động cách mạng ở nước ngoài [1], tôi lại có dịp về họat động cách mạng trực tiếp ở trong nước, góp phần xây dựng Khu giải phóng Việt Bắc.
Tôi về Việt Bắc với một điều kiện thuận lợi, là đã biết tiếng Thái-lan, cơ bản giống như tiếng các dân tộc Nùng, Tày ở các tỉnh Việt Bắc giáp với Trung Quốc. Hơn nữa, trong những năm 1940, 1941 họat động ở Tịnh Tây, Long Châu, với nhiệm vụ là Bí thư Đảng ở hải ngoại, tôi thường phải về nước báo cáo công tác, và mỗi lần về như vậy đều ở bên cạnh Bác như ở hang Pác Pó, ở Lũng Nạm, ở Khuổi Nậm, có lúc đến một hai tuần, cho nên đã hiểu được đường lối xây dựng khu giải phóng, cách thức giáo dục cán bộ và huấn luyện quần chúng của Bác, mặc dù lần này về Việt Bắc trong lúc vắng mặt Bác hơn một năm.
Phần này gồm sáu mục:
  • Củng cố và phát triển Việt Minh ở Cao Bằng.
  • Tiến xuống Lạng Sơn.
  • Hồ Chủ Tịch bị bắt ở Trung Quốc và những họat động của người.
  • Hồ Chủ Tịch gặp Tư lệnh không quân Mỹ ở Côn Minh.
  • Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội ở Tân Trào.
  • Những ngày tháng sau Cách mạng Tháng Tám.
I. Củng cố và phát triển Việt Minh ở Cao Bằng
Theo lời Bác dặn ở Pò Vằn, tôi về Pác Pó ở nhà anh Đại Hoa gần chỗ trước kia Bác thường làm việc, để chờ việc liên lạc với Tỉnh ủy Cao Bằng ở Nhượng Bạn, phủ Hòa An.
Ở nhà anh Đại Hoa được một hôm, trong lúc đang nằm nghỉ mát buổi trưa, thì anh thôn trưởng Cột Mà đến.
Anh hỏi: Chiều hôm qua có phải anh đến nhà tôi không? Tôi hỏi vặn, sao anh biết tôi đến nhà mà anh lại tránh đi không gặp? Hôm qua lúc tôi đi qua dưới sàn nhà của anh thì tôi đã nghe tiếng anh nói rõ ràng, mà lúc lên nhà em anh lại bảo là anh đi vắng?
Anh thôn trưởng giải thích. Nguyên do thế này: Trước kia mỗi lúc anh gặp tôi, anh đều nói tiếng phổ thông, nhưng lần này gặp em tôi anh lại nói tiếng Quảng Đông, tôi nghĩ là bọn Quốc dân đảng đến bắt, nên tôi tránh ở trong buồng, nắm sẵn khẩu súng đã lên đạn, nếu thật là bọn Quốc dân đảng đến bắt tôi, thì tôi bắn chết, rồi đốt nhà và đưa cả gia đình vào Việt Nam. Tôi đã bảo thằng em tôi giơ đèn lên soi mặt anh để ở trong buồng tôi xem, nhưng anh cứ ngoảnh mặt đi, tôi không thấy rõ. Sau khi anh nói xuống nhà thôn phó, tôi đoán chắc là anh, nên bảo em tôi xuống nhà phó thôn trưởng xem, thì không thấy, tôi lại ngờ là kẻ gian nên bảo em tôi cùng hai người nữa mang theo ba khẩu súng đi ngay ra phía đầu thôn xem, nếu là Lý Quang Hoa thì đưa về nhà, kẻo để nằm bụi, nằm bờ ở ngoài trời tội nghiệp. Nếu không phải Lý Quang Hoa thì bất kỳ ai cũng phải bắt về để xét hỏi rõ ràng.
Tôi nói: Té ra là chuyện như thế. Hôm qua khi em anh nói là anh không có nhà, thì trời đã chập chọang tối, tôi nói xuống nhà phó thôn trưởng là để đánh lạc hướng chú ý của em anh, nhưng thực ra thì tôi ra đầu thôn, đi về phía Việt Nam, chạy nhanh xuống cái dốc dài, đến chỗ bãi ngô thì tối mịt. Đường núi đá gồ ghề không trèo leo được, tôi đành phải kiếm một chỗ náu thân bên cạnh một hốc đá ở gần bãi ngô, đến mờ sáng mới ra trèo núi đến Pò Vằn vượt qua biên giới rồi về đây.
Anh thôn trưởng hỏi: Vì sao anh lại phải làm khổ mình như thế? Tôi nói: Ở Tịnh Tây Trần Bảo Thương muốn ép tôi làm việc cho Quốc dân đảng, tôi nhất định không làm nên phải chạy về nước. Ngủ ở nhà anh, nếu đang đêm xảy ra chuyện gì mà anh không ở nhà thì không biết làm cách gì để đối phó. Vì vậy tôi phải rời nhà anh đi ngay.
Anh thôn trưởng xin lỗi: Tôi thật hồ đồ quá nên đã làm khổ anh. Nhưng bây giờ đã đến đây bình yên vô sự thì tôi rất mừng.
Chuyện trò xong, anh thôn trưởng xin về. Tôi bảo anh hãy nấn ná chờ, để tôi viết bức thư gửi cho Trần Bảo Thương, đồng thời cũng nhờ chuyển đến Trương Phát Khuê, Tư lệnh Quân khu bốn ở Liễu Châu. Thư đại ý nói, tôi rời Tịnh Tây về Việt Nam là để làm việc, vì công việc ở trong nước cần đến tôi hơn, nên tôi phải về nước chứ không phải là tôi bỏ trốn. Kèm theo bức thư, còn có một bài thơ chữ Hán như sau:
Xà thỉ tung hoành nhật,
Ngư long tịch mịch thì.
Kinh cung nghi khúc mộc,
Việt điểu sào nam chi.
Vong dương lao khả bố,
Thất mã phúc an tri.
Long tuyền khởi mai một,
Thiềm quang chung hữu kỳ.
Tạm dịch:
Rắn lợn đương khi được gặp thời,
Cá rồng đành phải vắng tăm hơi.
Cây cong, cung bắn, trông mà sợ,
Chim Việt cành nam vốn chẳng rời.
Dê mất đã đành cần sửa trại,
Ngựa chuồn mà hóa được ơn trời.
Long tuyền há dễ chôn vùi mãi,
Múa tít rồi đây sẽ sáng ngời.
Viết thư xong, gói ghém đề phong bì cẩn thận, rồi nhờ anh thôn trưởng đưa về Cột Mà dán tem gửi đi cho Trần Bảo Thương ở Tịnh Tây.

°

Trong những ngày chờ đợi ý kiến của Tỉnh ủy Cao Bằng, tôi vẫn ở nhà Đại Hoa giúp các đồng chí địa phương củng cố vùng Lục Khu thuộc Sóc Giang, mà anh Đại Lâm [2] là người phụ trách, đồng thời cũng là người phiên dịch khi tôi nói chuyện hoặc giảng giải các vấn đề cách mạng với người địa phương.
Thời gian ở Pác Pó, anh Đại Lâm thường đưa tôi đi nói chuyện với quần chúng, tham gia mấy đám cưới của cán bộ trong vùng. Có lần còn cùng đám thanh niên tham gia buổi hát của họ với đám thanh niên nữ ở trong làng. Cách hát này, tiếng Nùng gọi là “lượn tại”, cũng như ở Nghệ Tĩnh gọi là “hát ghẹo”, ở nhiều nơi miền Bắc gọi là “hát đúm”. Bắt đầu bên nam hát ở ngoài cổng làng hay một nơi cách gần chỗ ở các cô gái. Nếu hát hay và đối đáp được các cô gái vừa lòng thì được mời vào nhà chuyện trò, trao đổi tình tự. Nếu không được các cô gái mời vào thì coi là cuộc hát thất bại, phải chuẩn bị cuộc hát khác, hoặc thôi sau không hát nữa.
Qua một thời gian tiếp xúc với cán bộ và nhân dân địa phương, tôi đã nghe hiểu được khá nhiều tiếng Tày, và đã soạn một số thường thức chính trị thành những bài ca giản dị bằng tiếng Tày để phổ biến trong quần chúng. Thí dụ bài Tình hình thế giới nguyên bằng tiếng Tày, tạm dịch như sau:
Thế giới chúng ta ở,
Chia ra làm năm châu.
Và cứ mỗi một châu,
Lại chia ra nhiều nước.
Anh, Pháp, Ý và Đức,
Là thuộc về châu Âu.
Nước ta và Nhật, Tàu,
Là thuộc về châu Á,
………………………
Một hôm các đồng chí đi công tác về báo cáo, trong khu đã tổ chức được hầu khắp, chỉ riêng có một làng có mấy tên hào lý phản động cứ rêu rao là Việt Minh vào làng thì bắt nộp cho Tây, Nhật để lấy thưởng, vì vậy cán bộ không ai dám lọt vào. Làng này lại ở giữa đường đi rất quan trọng, nếu không tổ chức được làng này thì cả vùng đều bị ảnh hưởng. Chúng tôi bàn với nhau, nên dùng một số thanh niên nam hát giỏi, đến làng đó hát với các cô gái, nếu được các cô gái mời vào tình tự, thì lấy đó làm cơ sở phát triển dần ra đám thanh niên, rồi dần dần đến các người già, và sau đó người già sẽ nói cho bọn phản động biết Việt Minh là một tổ chức đánh Tây, đánh Nhật để cứu nước cứu dân, có tổ chức khắp các châu, các phủ huyện và có vũ trang rất mạnh, nếu chống đối với Việt Minh thì không tốt đâu. Chúng tôi gọi anh Nhâm đến bàn chuyện này, vì anh là một thanh niên hát giỏi, đi hát ở đâu các cô gái cũng rất thích, thường có cô làm giày gửi biếu. Anh Nhâm cho rằng đó là một phương pháp hay, có thể làm được, mà không bị nguy hiểm. Quả vậy, anh Nhâm dẫn một nhóm thanh niên đến làng đó hát mấy lần, thì các cô gái mời vào làng để trao đổi tình tự. Anh Nhâm làm công tác một thời gian thì cả làng đó bằng lòng theo Việt Minh. Cố nhiên mỗi lúc cán bộ Việt Minh đến thì vẫn phải phân công cho những người thật giác ngộ chú ý đề phòng mấy tên phản động.

°

Sau một thời gian công tác ở Lục Khu, tôi đi Hòa An gặp đồng chí Bác Vọng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, và đồng chí Vũ Anh, trước đã cùng với tôi công tác ở Xiêm nay mới được cử vào Ủy viên Trung ương trong Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Hai anh cho biết rằng, theo ý Bác Hồ thì công việc Nam tiến là rất cần thiết. Anh Giáp phụ trách đánh thông đường qua Bắc Cạn đến Thái Nguyên đã họat động từ hơn một năm nay; còn đường qua Lạng Sơn xuống Thái Nguyên thì chưa có ai phụ trách. Tỉnh ủy muốn tôi phụ trách đánh thông đường xuống Lạng Sơn. Tôi nhận lời ngay và đề nghị Tỉnh ủy xếp cho một số cán bộ chính trị vững, thông thạo đường sá và biết ứng phó khi có việc xảy ra. Tỉnh ủy đồng ý, nhưng xếp cán bộ như thế không phải một lúc đã làm ngay được, trước mắt hãy giúp Tỉnh ủy cũng cố và phát triển Việt Minh ở Cao Bằng.
Tôi ở chỗ Tỉnh ủy được mấy hôm thì được phái đến vùng Đào Ngạn mở một số lớp huấn luyện cho cán bộ địa phương, do anh Hải Khoát phụ trách đồng thời cũng là người phiên dịch như anh Đại Lâm ở vùng Lục Khu. Đào Ngạn là một vùng đã được tổ chức khá rộng, hầu hết các làng đều theo Việt Minh, chỉ mở những lớp huấn luyện để phổ biến một số thường thức cách mạng và bày cách làm việc cụ thể. Mỗi lớp huấn luyện chỉ độ hơn mười ngày, số người học có trên dưới mười người, có lúc đông đến độ hai chục người, đại bộ phận là thanh niên nam nữ, đôi khi cũng có một số người bốn năm mươi tuổi, hoặc một vài chú bé độ mười ba, mười bốn tuổi, nhưng đều không biết chữ.
Cách huấn luyện rất giản đơn, mỗi bài học đặt thành mấy câu hỏi cho người học tự trả lời trước, thường thì người học đều trả lời không được. Thế là mình mới nêu ra câu trả lời ngắn gọn và rất dễ hiểu, để các người học nói lại mỗi người độ một vài lần. Khi mọi người đều nói lại được, thế là xong. Vì quần chúng không biết chữ nên không có sách vở ghi chép gì cả, họa hoằn có người ghi chép được cũng không ghi chép để khỏi lộ bí mật. Một vài thí dụ cụ thể về cách huấn luyện:
  • Huấn luyện về vấn đề tuyên truyền, thì trước hết đặt câu hỏi: Tuyên truyền là gì? Trả lời: Tuyên truyền là làm cho người ta ghét Tây, ghét Nhật và theo cách mạng.
  • Huấn luyện về vấn đề tổ chức, thì trước hết phải đặt câu hỏi: Tổ chức là gì? Trả lời: Tổ chức là rủ người vào Hội Việt Minh, hoặc vào Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ.
  • Huấn luyện về thường thức chính trị, thì đặt câu hỏi: Bọn ông tuần [3], ông phủ, ông huyện, ông châu [4] có tài giỏi không? Thường thì người học đều cho là tài giỏi; vậy phải giải thích, bọn đó là rất ngu, vì Tây, Nhật cướp nước ta mà bọn đó lại coi Tây, Nhật như là bố, là mẹ. Chúng ta mới là tài giỏi hơn họ, vì chúng ta biết đoàn kết đánh Tây, đánh Nhật để cứu nước.
  • Du kích sao lại đánh được Tây, Nhật? Trả lời: Tây, Nhật tuy mạnh, nhưng du kích có cách đánh giỏi: Địch đánh thì ta rút; địch rút thì ta đuổi; địch nghỉ thì ta quấy; địch mệt thì ta đánh.
  • Bí mật là gì? Trả lời: Bí mật là ai hỏi gì thì cứ nói không biết, không nghe, không thấy. Như vậy là “địch có mắt như mù, địch có tai như điếc”, ta làm gì địch cũng không biết.
Ngoài ra còn nói một số thường thức trong cuộc sống như cách hòa thuận trong gia đình, thân mật với láng giềng, thành thật với đồng chí, và cảnh giác đề phòng kẻ địch.
Huấn luyện tuy giản đơn, mộc mạc như vậy, nhưng kết quả rất tốt. Những người được huấn luyện về đều trở thành những cán bộ thực tế. Không những họ lôi kéo được cả bố mẹ và anh chị em trong gia đình, mà còn lôi kéo được cả những người trong làng trong xóm.
Cách huấn luyện giản đơn mộc mạc như thế chính là cách tôi học được ở Bác Hồ từ trước kia trong lúc ở Thái-lan, và gần đây thường được gần gũi Bác trong thời gian đi lại từ Tịnh Tây về Cao Bằng, ở Pác Pó, ở Lủng Lạm, ở Khuổi Nậm.

°

Sau khi ở Đào Ngạn một thời gian, tôi lại về Nhượng Bạn để chuẩn bị lấy cán bộ Nam tiến đánh thông đường xuống Lạng Sơn, nhưng Tỉnh ủy Cao Bằng vẫn chưa xếp được người cùng đi, tôi ở lại Nhượng Bản giúp phát triển và củng cố Việt Minh ở vùng này.
Sao làm cách mạng là phận sự của mình mà lại nói rằng giúp? Nói rằng giúp, vì Bác có chủ trương những cán bộ miền xuôi công tác ở vùng dân tộc thiểu số không trực tiếp tham gia vào ban lãnh đạo địa phương, vì trực tiếp tham gia sẽ làm cho các đồng chí địa phương sinh lòng ỷ lại, không tự chủ được công việc của mình, vì vậy chỉ nên làm việc với danh nghĩa cố vấn để đảm bảo tôn trọng quyền tự quyết của các đồng chí địa phương. Các anh về Cao Bằng từ những năm 1940, 1941, như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh, Lê Thiết Hùng đều làm việc với danh nghĩa cố vấn. Đây là một chủ trương rất sáng suốt của Bác, nhằm để phòng sự bao biện của các đồng chí miền xuôi, thường là những người có trình độ chính trị và văn hóa cao hơn; đồng thời để nâng cao lòng tự trọng và tự quyết của các đồng chí địa phương là dân tộc thiểu số.
Ở Nhượng Bản nhân dân địa phương đã biết tiếng Việt nhiều, nhưng khi đi công tác tôi thường đi với đồng chí Bác Vọng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, là người thông thuộc địa phương và cũng là người phiên dịch khi cần thiết.
Thời gian này tôi được xếp ở nhà ông Lén tại Lũng Voài gần di tích Thành nhà Mạc, nơi mà cơ quan báo chí tỉnh Cao Bằng đóng và phát hành ở đó. Tuy nói ở nhà ông Lén nhưng thường thì phải ở các hang núi đá trên cao, có khi được tin Tây đến lục soát thì phải ở hẳn trên núi, do cán bộ địa phương cung cấp gạo muối đưa lên rồi mình phải tự nấu lấy ăn. Bài thơ Cõi tiên đã thể hiện tình cảnh ở trên núi như sau:
Núi cao cao ngất tầng mây,
Đá lô xô mọc cỏ cây rậm rì.
Quanh năm chẳng người đi kẻ lại,
Suốt ngày rành chim gáy thú kêu.
Bút nào tả cảnh đìu hiu,
Người nào bước tới chẳng xiêu xiêu lòng.
Vin chỏm đá lên vòng quanh mãi,
Lên càng cao thì lại càng xa.
Đỉnh non chót vót một tòa,
Hoa che lá phủ đây là cõi tiên.
………………………………

°

Đợi một thời gian mấy tháng mới xin được anh Hoàng và anh Nam [5] cùng đi đến tổng Xuân Sơn, Cao Bằng để đánh thông xuống phủ Tràng Định thuộc tỉnh Lạng Sơn. Đường đi đến Xuân Sơn phải qua làng Đề Thám, một làng đã theo Việt Minh, nhưng Tây bắt phải rào làng và đêm đến thì phải đóng cổng làng không được mở. Mỗi lần đi đều phải đi đêm và đi qua làng đó, các đồng chí trong làng đã để một chỗ có cột rào có thể nhổ lên được để cán bộ chui vào chui ra khi đi qua làng muốn vào hỏi tin tức hoặc lấy giao thông.
Hôm lên đường đi Xuân Sơn, đồng chí Bác Vọng dặn phải giữ gìn sức khỏe, ở đó người lạ đến thường thì ba bốn ngày là bị sốt rét đấy. Lúc nghe nói tôi không tin, nhưng lúc đến Xuân Sơn được ba ngày thì sốt rét thật, một thứ sốt rét rừng, lúc nổi cơn rét thì phải đắp ba bốn cái chăn cũng cứ run lẩy bẩy, nhưng hết cơn rét thì lại đi lại ăn uống như thường.
Tại Xuân Sơn, tôi ở nhà một cụ già ở làng Rỏng Bó. Cụ có bốn người con: Con trai cả là Kim Hạ, không hoạt động công khai; con thứ hai là Phong Cúc, một chị phụ nữ góa chồng; con thứ ba là Kim Khánh đã có gia đình, và con út là Kim Bôi, một thanh niên mới lớn lên; cả bốn người đều là cán bộ tích cực tham gia cách mạng trong vùng này. Được sự cộng tác tích cực của các đồng chí nên tổ chức Việt Minh được củng cố và phát triển khá nhanh. Ở Xuân Sơn một thời gian độ vài ba tuần lại phải về gặp Tỉnh ủy ở Nhượng Bạn mấy hôm để nắm tình hình, trao đổi ý kiến và cũng để xin thuốc sốt rét, mà các đồng chí phải mua từ Cao Bằng, với phương pháp nhờ nhiều người quần chúng mua rồi góp lại, chứ không dám mua nhiều một lúc sợ bị Tây phát hiện. Thuốc sốt rét lúc đó chủ yếu là ki-nin, mỗi lúc xin được nhiều là vài chục viên, ít là được mươi viên, cho nên khi sốt rét chỉ dùng mấy viên, hết sốt rét rồi là thôi, phải để dành không dám dùng nữa.
Đầu năm 1944, Tỉnh ủy phái thêm một số cán bộ và đồng chí Đàm Minh Viễn lấy tên là Kỹ Sư là một người có năng lực và rất xông xáo, nên công việc Nam tiến phát triển khá nhanh. Chỉ một thời gian thì các tổ chức Việt Minh ở Xuân Sơn được củng cố và phát triển nhanh đến các vùng thuộc châu Thạch An, như Bốc Thượng, Nà Ngòa, Nà Đoỏng, Nà Kể, Nà Mu, Nà Cọn, Nặm Tàn, giáp với Cao Môn, Bắc Khê thuộc tỉnh Lạng Sơn. Ở các nơi này đã mở được độ mười lớp huấn luyện, cũng như ở Đào Ngạn và Nhượng Bạn, mỗi lớp độ mười hai đến hai mươi người, thời gian trên dưới mười ngày, và cách thức cũng huấn luyện giống như trước.
Thời gian ở châu Thạch An thấy quần chúng có một kiểu hát đặc biệt là “lượn sương”, những bài hát đều là kiểu thơ Đường bốn câu ba vần. Có lẽ trước kia do một ông đồ nho nào đấy đã dùng kiểu thơ Đường đặt ra các bài hát bằng tiếng Tày, và phổ biến khá rộng rãi. Để đáp ứng sự đòi hỏi của cách mạng, tôi tuy không phải là một người hát giỏi, nhưng cũng cố gắng dạy cho đám thanh niên nam nữ những bài vè, bài hát tiếng Tày trước kia và đặt một số bài “lượn sương” để phổ biến trong quần chúng. Bài Phuổi chuyện nước Nam [6] đăng ở tập thơ Một đôi vần là bài “lượn sương” làm trong thời gian này.
Vào khoảng cuối năm 1943 đầu năm 1944, đế quốc Pháp khủng bố ráo riết. Ở Xuân Sơn có khi đã phải làm lán ở trong một khu rừng, gần đám rẫy của đồng chí Kim Khánh, các đồng chí thường đưa gạo muối đến và báo cáo tình hình địa phương, chỉ thỉnh thoảng mới đi vào làng tiếp xúc với quần chúng. Lúc về Nhượng Bạn cũng ở hẳn trong hang núi. Lúc này phần đông cán bộ Cao Bằng đều phải thoát ly gia đình làm lán trại ở rừng núi, chứ không ở trong nhà trong làng. Cán bộ thoát ly nhiều như vậy, Tây cũng hoảng, bèn bảo lão tuần Bách, tuần phủ Cao Bằng triệu tập bọn tổng lý lại bày cách dụ dỗ cán bộ ra đầu thú. Một cán bộ thiếu cảnh giác, đã chủ trương cho cán bộ ra đầu thú để “tiện cho công tác”. Đấu tranh với khuynh hướng này, tôi đã làm bài thơ Mẹo quan và bài thơ Chống khủng bố đăng lên báo Việt lập để sửa chữa lại tình trạng hữu khuynh đó.
Bài Mẹo quan có câu:
Người cách mạng đã ra cứu nước,
Phải khăng khăng sau trước một lòng,
Mẹo quan lừa dắt vào tròng,
Người cách mạng quyết là không mắc lừa.
Bài chống khủng bố có câu:
Chó chạy đã cùng đường,
Quay cổ lại cắn sủa.
Tây, Nhật đã cùng đường,
Phải già tay khủng bố.
…………………………
Chúng ta cứ vững lòng,
Cùng nhau chống khủng bố.
Rồi đây đánh Nhật, Tây,
Nhật, Tây nhất định đổ.

[1]ở Thái-lan từ 1928 – 1935, ở Trung Quốc 1935 - 1942
[2]anh ruột của Đại Hoa
[3]tuần phủ
[4]tri châu
[5]cả hai đều đã từ trần từ mấy năm trước đây
[6]Nói chuyện nước Nam