Phần 7: Cách mạng Việt Nam với sự phản bội của Lê Duẩn (1957-1979)
P7 - Chương 1 & 2

Tháng 4-1957, Trung ương quyết định cử anh Nguyễn Khang thay tôi làm Đại sứ ở Trung Quốc, anh Trần Độ thay tôi làm Đại sứ ở Triều Tiên, còn tôi thì về nước nhận nhiệm vụ khác.
Thời gian này công tác ở Đảng triển khai trên nhiều mặt. Tôi được phân phối phụ trách công tác Quốc hội giúp Bác Tôn là Trưởng Ban thường trực Quốc hội nhưng tuổi cao sức yếu, mà tôi là Ủy viên Ban thường trực Quốc hội được Quốc hội bầu từ tháng 10-1946.
Năm 1961 tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội, tôi được bầu làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Sau một thời gian không lâu, Trung ương quyết định tôi thôi chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, chuyển sang giữ chức Trưởng Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng.
Thế là từ năm 1957 về sau, sinh hoạt chính trị của tôi gắn liền với sinh hoạt Bộ Chính trị Trung ương Đảng, trừ trường hợp tôi phải dẫn đầu (hoặc tham gia) Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ, hoặc dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội đi hoạt động ở nước ngoài, và trường hợp tôi phải nghỉ ngơi dưỡng bệnh.
Theo quy định, Bộ Chính trị mỗi tuần họp một lần, khi Hồ Chủ tịch vắng mặt thì Lê Duẩn chủ trì; hội nghị Trung ương thì toàn thể Bộ Chính trị là Đoàn Chủ tịch, mỗi ủy viên Bộ Chính trị luân lưu chủ tọa hội nghị một ngày hoặc một buổi theo sự sắp xếp trong thời gian hội nghị.
Do sự quan hệ về công tác, tôi thường xuyên tiếp xúc với Lê Duẩn suốt từ năm 1957 đến năm 1979, và do sự tiếp xúc đó, mà tôi được biết rõ Lê Duẩn là con người như thế nào.
Lê Duẩn là một người thông minh, hiểu biết chính trị nhiều cả về mặt lý luận cũng như mặt thực tiễn. Nhưng là một người không thật thà, có dã tâm lớn về danh vọng và địa vị, ưa nịnh hót, ghét người trung trực, không có phong độ của một người đàn anh trong hàng ngũ cách mạng. Điều đó không có gì khó hiểu, vì hầu hết người cách mạng đều xuất thân từ xã hội cũ, từ xã hội phong kiến và thuộc địa, khi vào hàng ngũ cách mạng vẫn mang theo ít nhiều ảnh hưởng tư tưởng của xã hội đó. Tuy vậy người cách mạng thật lòng muốn đi cải tạo xã hội thì đồng thời phải tự cải tạo mình. Trong quá trình thực tiễn cách mạng sẽ dần dần tự cải tạo mình trở thành người có phẩm chất, có đạo đức cách mạng, trở thành người thật lòng thật dạ phục vụ quyền lợi cách mạng, quyền lợi Tổ quốc và nhân dân.
Nhưng qua hơn hai mươi năm gần gũi, quan sát, tôi thấy Lê Duẩn là một người không tự cải tạo. Đã không tự cải tạo để phục vụ lợi ích cách mạng, thì dần dần sa ngã thành một người phản bội cách mạng là lẽ tất nhiên.
Cách mạng Việt Nam bị Lê Duẩn phản bội trong bối cảnh quốc tế là phe xã hội chủ nghĩa và phong trào Cộng sản quốc tế bị rạn nứt do Khơ-rút-sốp, người choán quyền Đảng Cộng sản Liên Xô từ tháng 9 năm 1953 gây nên; và bối cảnh là Hồ chủ tịch bị đau yếu luôn trong mấy năm và mất trước ngày miền Nam giải phóng.
Cách mạng Việt Nam bị Lê Duẩn phản bội chẳng những là một việc đau xót cho nhân dân Việt Nam mà cũng là một việc đau xót cho cả những người đã từng hết lòng hết sức giúp nhân dân Việt Nam chống đế quốc giành độc lập dân tộc, đau xót cho cả những người lương thiện muốn thế giới có một nền hòa bình, muốn nhân dân Việt Nam ấm no hạnh phúc.
Lê Duẩn được điều động ra miền Bắc công tác vào khoảng cuối năm 1956 đầu năm 1957. Mấy năm mới đến vì chưa xây dựng được vây cánh, chưa có một địa vị vững chắc trong cơ cấu lãnh đạo của Đảng, nên y còn khiêm tốn tỏ vẻ chan hòa với mọi người. Cuối năm 1960, trong Đại hội lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam, y được chính thức bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng thì nhích dần từng bước, từng bước xa rời khỏi đường lối của Đảng và của Hồ Chủ tịch, đến sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng thì trắng trợn trở thành một tên phản bội cách mạng. Những hành động phản bội cụ thể của y là việc lợi dụng Đại hội lần thứ tư của Đảng cuối năm 1976 gạt một phần ba (23/71) ủy viên Trung ương ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương mới; việc ép Trung ương ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương mới; việc ép Trung ương Đảng ra nghị quyết chống Trung Quốc (7-1978); việc ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt – Xô mà thực chất là hiệp ước liên minh quân sự nhằm chống Trung Quốc (11-1978); việc đưa hai mươi vạn quân sang xâm chiếm Cam-pu-chia.
Để nói rõ quá trình phản bội của Lê Duẩn, phần hồi ký này sẽ thuật lại những biến cố hữu quan trong nhiều năm, qua các mục sau đây:
  • Những sự việc xảy ra ở Liên Xô sau khi Sta-lin mất và thái độ của Đảng Lao động Việt Nam.
  • Những sự việc xảy ra sau khi Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam chống Mỹ.
  • Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với vai trò của Lê Duẩn.
  • Cách mạng Việt Nam với sự phản bội của Lê Duẩn.
  • Quyết tâm rời Tổ quốc để tiếp tục làm cách mạng.
  • Những văn kiện kèm theo.
I. Những sự việc xảy ra ở Liên Xô sau khi Sta-lin mất và thái độ của Đảng Lao động Việt Nam
Trước Đại hội lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam, một sự việc bất ngờ đã xảy ra ở Liên Xô là sau khi Sta-lin mất (tháng 3-1953) không lâu, thì Khơ-rút-sốp lật đổ Ma-len-cốp và nắm chức Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, rồi làm một số việc nguy hại đến sự đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa và trong phong trào Cộng sản quốc tế:
  • Tháng 2-1956, tại Đại hội lần thứ hai mươi của Đảng Cộng sản Liên Xô, trong bản báo cáo tổng kết trình Đại hội, Khơ-rút-sốp đã đưa ra chủ trương “thi đua hòa bình với đế quốc” làm đường lối chung cho các nước xã hội chủ nghĩa, chủ trương “tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng con đường nghị viện” làm đường lối chung cho các Đảng cộng sản và công nhân ở các nước tư bản. Và cũng trong Đại hội này qua một buổi họp kín không có đại biểu các đảng anh em tham gia, Khơ-rút-sốp đã đưa ra một bản báo cáo “mật” bôi nhọ Sta-lin, mà thực chất là bôi nhọ Liên Xô. Vì trong lúc này, các nước tư bản đứng đầu là đế quốc Mỹ đang tìm đủ mọi cách bôi nhọ Liên Xô, thì bản báo cáo “mật” của Khơ-rút-sốp là một sự tiếp tay có hiệu quả cho các đế quốc. Bản báo cáo mật đó, Mỹ đã lấy được và đã lập tức cho công bố ngay trong thời gian đó.
  • Tháng 6-1957, Khơ-rút-sốp lên án Ma-len-cốp, Mô-lô-tốp, Ca-ga-nô-vích là tập đoàn phản Đảng, mà thực ra thì đó chỉ là một sự vu khống nhằm tiến tới choán toàn bộ quyền hành trong Đảng.
  • Tháng 11 năm 1957 nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa họp ở Mạc Tư Khoa có Hồ Chủ tịch tham gia, đã ra một bản Tuyên bố chung có đoạn viết:
    Trong quan hệ với nhau, các nước xã hội chủ nghĩa dựa trên những nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đó là những nguyên tắc quan trọng[6].
  • Năm 1959, Trung Quốc và Ấn Độ có sự tranh chấp về vấn đề Biên giới, Khơ-ru-sốp ép Trung Quốc phải nhượng bộ Ấn Độ, nhưng Trung Quốc không chịu vì đoạn Biên giới tranh chấp đó là do Mác-ma-hông, nguyên Tổng đốc Anh ở Ấn Độ tự vạch ra mà Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận.
  • Tháng 6-1960, tại cuộc họp đảng các nước xã hội chủ nghĩa ở Bu-ca-rét, Thủ đô Ru-ma-ni, Khơ-rút-sốp công khai chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, buộc đại biểu Đảng Cộng sản Tung Quốc là Bành Chân phải phê phán lại Khơ-rút-sốp ngay trong cuộc họp.
  • Tháng 7-1960, Khơ-rút-sốp đã đơn phương tuyên bố rút toàn bộ chuyên gia Liên Xô đang công tác ở Trung Quốc, xóa bỏ hơn 600 bản hiệp định và hợp đồng ký với Trung Quốc, và khuấy động thành một phong trào rộng rãi chống Trung Quốc.

°

Những việc làm của Khơ-rút-sốp đã công khai bộc lộ trước thế giới sự rạn nứt trong phong trào Cộng sản quốc tế, đặc biệt là sự bất hòa giữa hai nước lớn xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc. Đối với tình hình đó, Đảng Lao động Việt Nam hết sức lo lắng. Một Đoàn đại biểu do Hồ Chủ tịch dẫn đầu, Hoàng Văn Hoan, Xuân Thủy là đoàn viên, ngày 10-8-1960 đã gấp rút lên đường đi Liên Xô để thuyết phục Khơ-rút-sốp duy trì mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, nhưng không có kết quả vì Khơ-rút-sốp văn khăng khăng chống Trung Quốc. Tuy vậy trong thời gian này Hồ Chủ tịch vẫn chủ trương phải bảo vệ uy tín của Liên Xô, vẫn xem Liên Xô là “người anh cả” trong phong trào Cộng sản quốc tế, vẫn chủ trương phải đoàn kết Liên Xô, đoàn kết Trung Quốc và đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa. Các chủ trương đó đã thể hiện rõ trong các văn kiện của Đại hội lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam họp từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 9 năm 1960.
Sau ba mươi năm đấu tranh gian khổ, lần đầu tiên Đảng họp Đại hội ở Thủ đô Hà Nội, có sự tham gia của đại biểu Đảng các nước xã hội chủ nghĩa, đại biểu của một số Đảng cộng sản lớn như Đảng Pháp, Đảng Ấn Độ, Đảng In-đô-nê-xi-a, Đảng Ca-na-da và đại biểu một số đảng cần giữ bí mật không nêu tên. Đó là Đại hội “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà”, là Đại hội “góp phần tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự thống nhất phong trào Cộng sản quốc tế”.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương gồm 71 ủy viên trong đó có 43 ủy viên chính thức, 28 ủy viên dự khuyết. Tiếp đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mới đã bầu Hồ Chủ tịch làm Chủ tịch Trung ương Đảng, Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng. Hội nghị Trung ương cũng bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức là Hồ Chủ tịch, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan và hai ủy viên dự khuyết là Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng.
Đại hội kết thúc trong bầu không khí tưng bừng phấn khởi. Mọi người đều mong chờ ở Lê Duẩn những kết quả công tác tốt đẹp trong nhiệm vụ đoàn kết Liên Xô, đoàn kết Trung Quốc, đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa, đoàn kết phong trào Cộng sản quốc tế. Nhưng sau Đại hội không bao lâu, thì Lê Duẩn đã dần dần ngả theo Khơ-rút-sốp, càng ngày càng có những hành động trái ngược với nhiệm vụ cao cả đó!

°

Sau Đại hội lần thứ ba của Đảng, Hồ Chủ tịch dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ đi Mạc Tư Khoa để dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Nhân dịp này, Khơ-rút-sốp đột kích triệu tập một cuộc hội nghị các đảng cộng sản và công nhân để bàn về phong trào Cộng sản quốc tế. Trong hội nghị, một số đại biểu đã thẳng thắn phát biểu ý kiến, nhẹ nhàng phê bình cách làm của Khơ-rút-sốp, nhưng rồi thỏa thuận thông qua một bản thông cáo chung có tính chất xây đựng. Bản thông cáo chung đó có đoạn viết: “Tất cả các đảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin đều độc lập, bình đẳng, đều xuất phát từ những điều kiện cụ thể của nước mình và dựa vào những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lê-nin mà đề ra chính sách, đồng thời ủng hộ lẫn nhau[7]. Điều đó nói lên sự ước mong của các đảng anh em trong phong trào Cộng sản quốc tế là độc lập tự chủ quyết định đường lối của đảng mình, không bị bắt buộc phải làm theo càng chỉ huy của một đảng nào khác.
Thế nhưng sau đó, Khơ-rút-sốp vẫn ép một số đảng anh em chống Trung Quốc, phong trào Cộng sản quốc tế càng rạn nứt. Biểu hiện cụ thể là tại Đại hội của các đảng, như Đảng Cộng sản Bun-ga-ri, Đảng Công nhân xã hội Hung-ga-ri, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc vào cuối năm 1962, Đảng Xã hội thống nhất Đức vào đầu năm 1963, trong bản báo cáo chính trị của Trung ương các đảng đó đều có chỗ công khai phê phán Trung Quốc, làm cho đại biểu Đảng Trung Quốc phải công khai tỏ thái độ bác lại những lời phê phán đó ngay ở trước đại hội. Với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đến dự những cuộc đại hội đó, tôi được chứng kiến một tình trạng đau xót là tình trạng bất hòa trong phe xã hội chủ nghĩa mà khi về đến Hà Nội tôi đã báo cáo rõ với Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị Trung ương Đảng.
Đến như các đảng anh em chưa nắm chính quyền thì từ đông sang tây đảng nào cũng có sự phân hóa: Nhóm được gọi là “chính thống” thì theo chủ trương của Khơ-rút-sốp chống Trung Quốc; nhóm “mác-xít” thì chống chủ trương của Khơ-rút-sốp và ủng hộ Trung Quốc. Các nhóm chống chủ trương của Khơ-rút-sốp đều giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa xét lại vì cho rằng trong khi toàn thế giới đang chống chủ nghĩa đế quốc, mà Khơ-rút-sốp lại chủ trương thi đua hòa bình với đế quốc, chủ trương tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng con đường nghị viện, như vậy là chẳng khác gì giội nước lạnh vào cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới, như vậy là không phù hợp với chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Về tình hình này, Đảng Lao động Việt Nam thảo luận nội bộ rất nhiều, đến cuối năm 1963, thì trong Đảng mới cơ bản nhất trí là phải kiên trì nguyên tắc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, không thể chấp nhận kiểu “chung sống” của Khơ-rút-sốp trong khi nhân dân miền Nam đang vùng dậy chống Mỹ-ngụy phá hoại Hiệp đinh Giơ-ne-vơ và ráo riết khủng bố bất kể những ai đòi thực hiện thống nhất Tổ quốc. Bấy giờ, Hồ Chủ tịch mới chủ trương họp hội nghị lần thứ chín của Trung ương Đảng để thảo luận vấn đề chống chủ nghĩa xét lại.
Lê Duẩn trong mấy năm trước đó, đi lại Mạc Tư Khoa nhiều lần, bị Khơ-rút-sốp tìm mọi cách lôi kéo, đã ngấm ngầm đứng về phía Khơ-rút-sốp chống Trung Quốc, nên khi Bộ Chính trị quyết định họp Trung ương để nghiên cứu vấn đề chống chủ nghĩa xét lại, thì Lê Duẩn tránh né không tự mình chuẩn bị bản báo cáo, mà đẩy trách nhiệm đó cho Trường Chinh.

°

Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thảo luận về vấn đề chống chủ nghĩa xét lại họp cuối năm 1963.
Trong hội nghị, sau khi nghe Trường Chinh đọc báo cáo, các đồng chí thảo luận rất sôi nổi. Tố Hữu thì phê phán Liên Xô rất mạnh bằng cách nêu ra mười tội trạng với giọng nói lên bổng xuồng trầm của một nhà thơ. Riêng Lê Duẩn thì không phát biểu gì cả. Sau nhiều ngày thảo luận, hội nghị thông qua nghị quyết. Trong bản dự thảo nghị quyết có đoạn nêu rõ tên Khơ-rút-sốp. Lê Duẩn đề nghị không nên nêu tên Khơ-rút- sốp. Cuối cùng Trung ương quyết định không nêu tên Khơ- rút-sốp. Trung ương quyết định rằng nghị quyết này là một văn kiện học tập trong nội bộ chứ không công bố, nhưng tinh thần chủ yếu thì như bản thông cáo đăng ở báo Nhân dân ngày 21-l-1964. Thông cáo có đoạn viết:
Đảng Lao động Việt Nam ra sức đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh là nguy cơ chủ yếu của phong trào Cộng sản quốc tế, đồng thời chống chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa biệt phái”; “Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, Đảng ta đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, kiên quyết bảo vệ những nguyên tắc của hai bản tuyên bố Mạc Tư Khoa năm 1957 và năm 1960”; “Kiên quyết chống chủ nghĩa xét lại hiện đại không những là nghĩa vụ quốc tế của Đảng ta, mà còn là một yêu cầu cấp bách để bảo vệ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, bảo vệ đường lối đúng đắn của Đại hội toàn quốc lần thứ ba của Đảng và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước.
Việc Trung ương ra được bản nghị quyết chống chủ nghĩa xét lại như thế là kết quả của một cuộc đấu tranh nội bộ kể từ năm 1960 khi Khơ-rút-sốp đã ra mặt chống Trung Quốc. Bản nghị quyết ra được mấy hôm thì Liên Xô mời một Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam qua Liên Xô. Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam liền cử Đoàn đại biểu do Lê Duẩn làm trưởng đoàn, Lê Đức Thọ, Hoàng Văn Hoan, Tố Hữu và Nguyễn Văn Kỉnh là đoàn viên. Ngày 27-1- 1964, Đoàn lên đường đi Liên Xô. Khi qua Bắc Kinh, Mao Chủ tịch đã thết tiệc thân mật. Trong bữa tiệc Lê Duẩn đã nói rõ với Mao Chủ tịch rằng, chuyến này chúng tôi qua Liên Xô là để trình bày lập trường và quan điểm của Đảng chúng tôi, đồng thời cũng sẵn sàng nghe lập truờng và quan điểm của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhưng Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch đã dặn chúng tôi là không ra thông cáo chung. Mao Chủ tịch tỏ lòng khâm phục đối với Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã quan tâm đến phong trào Cộng sản quốc tế, quan tâm đến sự đoàn kết giữa Trung Quốc với Liên Xô. Mao Chủ tịch chúc Đoàn sẽ đạt được thành công trong sứ mệnh của mình.

°

Ngày 31-1-1964, Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đến Mạc Tư Khoa.
Sau nhiều ngày hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô dẫn đầu là Xu-xlốp, Liên Xô đưa ra một bản thông cáo chung, Đoàn đại biểu Việt Nam từ chối không ký, vì trước khi lên đường, Hồ Chủ tịch đã dặn rõ ràng rằng không ký thông cáo chung. Một lý do cụ thể mà Đoàn đại biểu Việt Nam không ký là vì nội dung của bản thông cáo có chỗ không phù hợp với tinh thần chống chủ nghĩa xét lại của Hội nghị Trung ương lần thứ chín.
Việc Đoàn đại biểu Việt Nam không chịu ký thông cáo chung đã làm cho Liên Xô không vui lòng, nên khi Đoàn đại biểu Việt Nam về nước, Liên Xô chỉ mua cho bốn cái vé máy bay hàng không dân dụng [8], mà thông thường thì một Đoàn đại biểu như vậy là Liên Xô phải phái một máy bay chuyên cơ. Trong khi Đoàn đại biểu Việt Nam đang ngồi chờ máy bay dân dụng ở sân bay Mạc Tư Khoa thì Liên Xô kéo Lê Duẩn đi bàn riêng. Thế là Lê Duẩn tự ý ký bản thông cáo chung với Liên Xô rồi về chỗ ngồi cũ gặp mấy người chúng tôi và giải thích rằng, không ký thông cáo chung với Liên Xô là không xã giao. Tôi liền hỏi, lúc ra đi Hồ Chủ tịch đã dặn là không ra thông cáo chung sao bây giờ lại ra thông cáo chung? Lê Duẩn trả lời rằng, về việc này, tôi sẽ chịu trách nhiệm với Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch.
Được một hồi, cán bộ lễ tân Liên Xô thông tri cho biết là Liên Xô đã chuẩn bị cho Đoàn một chiếc chuyên cơ để đi Bắc Kinh. Rõ ràng đây không phải là một chiếc chuyên cơ thông thường, mà là kết quả của một việc mua bán.
Sau khi Đoàn đại biểu từ Mạc Tư Khoa về đến Hà Nội, Lê Duẩn đọc kỹ lại báo Nhân dân thì thấy ngày 21-1-1964 có bài xã luận nhan đề là “Tăng cường đoàn kết nhất trí, nâng cao ý chí chiến đấu đưa sự nghiệp của chúng ta tiến tới những thắng lợi mới”, có đoạn viết:
“Hội nghị lần thứ chín của Trung ương Đảng là một sinh hoạt tư tưởng quan trọng của Đảng ta. Nghị quyết của Trung ương là cơ sở lý luận để thống nhất tư tưởng và hành động của toàn Đảng và toàn dân ta”.
Lại có đoạn viết: “Về thực chất sai lầm của chủ nghĩa xét lại là xuyên tạc và vứt bỏ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lê-nin và những nguyên tắc cách mạng của hai bản tuyên bố Mạc Tư Khoa năm 1957 và năm 1960, thi hành chính sách thỏa hiệp giai cấp, chính sách hợp tác vô nguyên tắc với chủ nghĩa đế quốc, xóa bỏ ranh giới giữa ta, bạn, địch, chia rẽ phe xã hội chủ nghĩa và phong trào Cộng sản quốc tế”. Báo Nhân dân ngày 29-1-1964 lại đăng bài tuyên bố của Đảng Cộng sản In-đô-nê-xi-a có đoạn viết: “Những người mác-xít- lê-nin-nít toàn thế giới hãy đoàn kết lại, tiếp tục đập tan chủ nghĩa xét lại”.
Lê Duẩn đọc xong các bài báo đó, liền gọi Hoàng Tùng đến cảnh cáo rằng, nếu còn đăng những bài như thế này nữa thì sẽ cách chức Tổng Biên tập báo Nhân dân. Thế là Hoàng Tùng xin nhận lỗi và hứa sau này sẽ không đăng những bài như thế nữa.
Việc ký thông cáo chung với Liên Xô và việc không cho đăng bài ở báo Nhân dân như đã nói trên, thực chất là một việc chống nghị quyết Trung ương về vấn đề chống chủ nghĩa xét lại, thực chất là một sự vào hùa với bọn xét lại trong việc “thi hành chính sách thỏa hiệp giai cấp, chính sách hợp tác vô nguyên tắc với chủ nghĩa đế quốc… chia rẽ phe xã hội chủ nghĩa và phong trào Cộng sản quốc tế”.

°

Nhưng chính sách hợp tác vô nguyên tắc với đế quốc không mảy may làm cho đế quốc giảm bớt tính tàn bạo của nó.
Ngày 5-8-1964, Mỹ bịa chuyện Vịnh Bắc Bộ, cho máy bay bắn phá thành phố Vinh (Nghệ An), cửa sông Gianh (Quảng Bình), thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh). Đối với sự kiện này, thái độ của Trung Quốc và của Liên Xô là khác hẳn nhau.
Ngày 6-8-1964, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nước láng giềng khăng khít như răng với môi của Trung Quốc, nhân dân Việt Nam là những người thân như ruột thịt của nhân dân Trung Quốc. Mỹ xâm lược nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa tức là xâm lược Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc quyết không khoanh tay ngồi nhìn mà không cứu. Nhất định Mỹ phải trả món nợ máu đối với nhân dân Việt Nam”.
Tiếp đó, ngày 9-8-1964, mười vạn nhân dân Bắc Kinh họp mít tinh có các đồng chí Chu Ân Lai, Lục Định Nhất, La Thụy Khanh, Hoàng Viên Bồi, Lâm Phong, Quách Mạt Nhược, Liêu Thừa Chí tham gia. Tôi và Tố Hữu thăm Cu-ba về qua Bắc Kinh cũng được mời tham gia. Cuộc mít tinh đó đã gửi đến Hồ Chủ tịch bức thư biểu thị lòng quyết tâm ủng hộ Việt Nam của nhân dân Trung Quốc. Thư có đoạn viết:
Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng thân thiết như môi với răng. Nhân dân hai nước chúng ta là những người anh em cùng chia bùi sẻ ngọt. Đế quốc Mỹ xâm lược chống nhân dân Việt Nam tức là chống nhân dân Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc sẽ không ngồi yên mà không giúp đỡ… Dù việc gì xảy ra đi nữa, 650 triệu nhân dân Trung Quốc chúng tôi vẫn mãi mãi đứng bên cạnh những người anh em Việt Nam…
Tiếp đó, ngày 10-8-1964, một triệu tám mươi vạn nhân dân Thượng Hải, mười vạn nhân dân ở Phúc Châu, và đông đảo nhân dân ở Hút Hao [9], ở La Xa [10] , ở đảo Hải Nam và nhiều thành phố khác đã ra phố biểu tình tỏ quyết tâm ủng hộ Việt Nam.
Về tình hình hoạt động của Trung Quốc như đã nói trên, báo Nhân dân đều có thuật lại đầy đủ trong các số báo từ ngày 7 đến ngày 15-8-1964.
Khác với Trung Quốc, Chính phủ Liên Xô không tỏ thái độ gì mà chỉ cho Thông tấn xã Liên Xô tuyên bố”
Các giới có thẩm quyền ở Liên Xô kiên quyết lên án những hành động xâm lược ở Vịnh Bắc Bộ của Mỹ hiện đang làm cho tình trạng Đông Nam Á vốn đã căng thẳng lại nghiêm trọng thêm một cách nguy hiểm. Những hành động đó cùng với những hành động dại dột mới hoặc những sự khiêu khích ở vùng này có thể dẫn tới những sự việc có khả năng biến những vụ rắc rối vừa xảy ra thành một cuộc xung đột quân sự mở rộng với tất cả những hậu quả nguy hiểm của nó[11].
Cảm nghĩ về thái độ khác nhau giữa Liên Xô và Trung Quốc như trên, nhà thơ Tố Hữu [12] đã viết mấy vần thơ Nhật ký đường về đăng ở báo Nhân dân ngày 2-9-1964 có những đoạn như sau:
Pra-ha
Bỗng tin đâu tới, bàng hoàng,
Quê ta giặc đến mấy tràng bom rơi.
Mỹ toan cướp biển, cướp trời,
Quê ta anh dũng tuyệt vời đánh tan.
Mạc Tư Khoa
Mạc Tư Khoa của ta ơi,
Dấu chân Cách mạng Tháng Mười còn đây,
Ngôi sao đỏ giữa sương dầy,
Vẫn trông mỗi bước, mỗi ngày ta đi.
Lê-nin đang nghĩ suy gì,
Krem-lin in bóng thành trì, lặng im.
Bắc Kinh
Sáng rồi rộn rã trong tim,
Đường về phơi phới, cánh chim tung hoành.
Cờ bay Vạn Lý Trường Thành,
Bắc Kinh tay chị tay anh triệu vòng.
Bạn mừng ta những chiến công,
Vui như tiền tuyến giữa lòng hậu phương.
Vì thấy thái độ của Liên Xô đối với Việt Nam lạnh nhạt như vậy là không tốt, nên trong dịp đi dự lễ kỷ niệm lần thứ 47 Cách mạng Tháng Mười, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ đã đề nghị Liên Xô cử một Đoàn đại biểu qua thăm Việt Nam tỏ thái độ sẵn sàng viện trợ cho Việt Nam chống Mỹ cả về mặt quân sự để giảm bớt uy tín của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam. Đề nghị đó được Liên Xô tán thành.
Ngày 6-2-1965, Liên Xô cử một Đoàn đại biểu của Chính phủ Liên Xô [13] do Cô-xư-ghin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Qua mấy buổi hội đàm thẳng thắn, ngày 10-2-1965, Phạm Văn Đồng và Cô-xư-ghin cùng ký bản tuyên bố chung của hai Chính phủ trong đó có đoạn viết: “Hai Chính phủ đã đi tới một thỏa thuận thích đáng về những biện pháp sẽ được tiến hành nhằm củng cố khả năng quốc phòng của nước Việt Nam[14]. Qua lời tuyên bố đó người ta có thể hiểu Liên Xô sẽ viện trợ quân sự cho Việt Nam chống Mỹ, nhưng chỉ nói một cách lờ mờ không rõ ràng.
Tiếp đó, ngày 17-4-1965, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp lại đi Mạc Tư Khoa để bàn bạc thêm về vấn đề viện trợ quân sự cho Việt Nam. Qua sự bàn bạc lần này, Liên Xô mới thỏa thuận ghi rõ trong bản tuyên bố chung: “Liên Xô xác nhận rằng từ nay về sau vẫn sẵn sàng có sự giúp đỡ cần thiết cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh bại sự xâm lược của Mỹ[15].

[1]Ghi chép của tác giả trùng với quan điểm của Trung Quốc và ngược với quan điểm của Việt Nam về việc ai chủ trương đánh Đông Khê. BT
[2]Ba mươi lăm năm đấu tranh của Đảng tập II trang 95-96
[3]báo Nhân dân ngày 11-3-1951
[4]báo Nhân Dân ngày 11-3-1951
[5]gần một tháng
[6]báo Nhân dân ngày 24-11-1957
[7]báo Nhân dân ngày 6-12-1960
[8]Nguyễn Văn Kỉnh là Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, nên hội đàm xong thì ở lại Liên Xô chứ không về nước
[9]thủ phủ Khu tự trị Nội Mông (Hohhot-BT)
[10]thủ phủ Tây Tạng (Lhasa-BT)
[11]báo Nhân dân ngày 7-8-1964
[12]cùng đi với tôi từ Cu Ba về
[13]chỉ dùng danh nghĩa Đoàn đại biểu Chính phủ chứ không dùng danh nghĩa Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ như thường lệ
[14]báo Nhân dân ngày 11-2-1965
[15]báo Nhân dân ngày 19-4-1965