Hồi Thứ Mười

Tình Sử Mạnh Lệ Quân
Hồi Thứ Chín
Nghe lời con, Quốc trượng thi độc kế
Giữ lòng trung, Nguyên soái quyết ra binh.

Lưu Khuê Bích ngồi bấm trán suy nghĩ một hồi lâu rồi cho phép Giang Tấn Hỉ vào nhà an nghỉ.
Tấn Hỉ vào trong đem hết mọi việc thuật lại cho mẹ nghe. Giang Tấn Hỉ liền đến Tiểu Vân các nói cho Lưu Yến Ngọc biết, cả hai mừng rỡ vô cùng.
Trong lúc ấy, bên nhà họ Mạnh có tên gia nhơn tên Mạnh Minh hay tin Hoàng Phủ Thiếu Hoa bị nạn hỏa tai bên Tiểu Xuân đình, nhưng hắn kông biết rõ sống chết thế nào, liền phi báo cho Mạnh Sĩ Nguyên hay, Mạnh Sĩ Nguyên vừa nghe qua đã biết ngay việc ấy do Lưu Khuê Bích âm mưu hãm hại rồi. Cả nhà: Hàn Phu nhơn, Mạnh Gia Linh, Tô Đại Nương, Mạnh Lệ Quân, Tô Yến Tuyết thảy đều thất kinh.
Tô Yến Tuyết nói:
- Việc này chắc chắn Lưu Khuê Bích hận việc tranh hôn nên âm mưu ám hại đây.
Hàn Phu nhơn cũng nói:
- Nếu quả hiền tế ta bị hại rồi thì cuộc nhơn duyên đại sự của con ta bị dang dở còn chi.
Mạnh Lệ Quân ngồi lặng thinh không thốt nên nửa lời song trong lòng tái tê đau đớn khôn xiết.
Tô Yến Tuyết lại tiếp:
- Tôi xem tướng mạo của Hoàng Phủ Công tử không phải là hạng yểu tướng, chắc không can chi đâu.
Hàn Phu nhơn thở dài nói:
- Lưu Khuê Bích thì cố tâm ám hại, còn hiền tế ta thì bất ngờ, làm sao tránh khỏi tai nạn?
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Thôi, các ngươi đừng luận bàn nhiều chuyện, để ta sang nhà Hoàng Phủ hỏi thăm thì rõ ngay.
Nói dứt lời, lão mặc áo lên ngựa ra đi. Đến nơi, Mạnh Sĩ Nguyên cho người vào thông báo, Hoàng Phủ Kính lật đật chạy ra nghinh tiếp vào nhà.
Mạnh Sĩ Nguyên hỏi:
- Chẳng hay lịnh lang vì cớ chi mà phải ở đêm bên nhà họ Lưu đến nỗi phải lâm hỏa hoạn? Việc phát hỏa ấy đầu đuôi ra thể nào, còn lịnh lang hiện giờ ở đâu?
Hoàng Phủ Kính bèn tỏ hết đầu đuôi cho Mạnh Sĩ Nguyên nghe, nhưng Hoàng Phủ Kính chỉ nói dối y theo lời Giang Tấn Hỉ đã xin, còn việc Thiếu Hoa đính ước với Yến Ngọc cũng giấu nhẹm.
Mạnh Sĩ Nguyên ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói:
- Tôi tin chắc sự việc này do Lưu Khuê Bích hận thù về việc tranh hôn mà gây ra. Thế thì từ nay chúng ta cần phải đề phòng hắn mới được.
Hoàng Phủ Kính gật đầu đáp:
- Đại nhơn luận như vậy rất chí lý, chính tôi cũng nghĩ vậy.
Hai người trà nước vãn hồi lâu, Mạnh Sĩ Nguyên đứng dậy cáo từ ra về. Ông ta đi nhanh về thuật lại đầu đuôi cho cả nhà nghe. Ai nấy đều mừng rỡ vô cùng. Trong nét mặt hớn hở của mọi người, chỉ có Tô Yến Tuyết là vui mừng hơn hết. Nàng vội vã chạy vào phòng nói cho Mạnh Lệ Quân hay và bảo:
- Tiểu Thơ thấy lời tôi đoán có trúng không? Tôi chỉ nhìn qua tướng mạo của Hoàng Phủ Công tử là đủ biết, dù người có gặp tai nạn bằng trời cũng không chết đâu mà!
Mạnh Lệ Quân buồn bã đáp:
- Thù oán đã gây nên rồi, tôi chắc Lưu Khuê Bích sẽ còn gây ra nhiều chuyện nữa chứ không phải vậy thôi đâu!
Tô Yến Tuyết nói:
- Hôm nay âm mưu Khuê Bích đã bại lộ tất nhiên Hoàng Phủ Công tử thấy rõ bộ mặt phản bạn của hắn rồi, chắc người sẽ tuyệt giao và hết sức đề phòng thì Khuê Bích làm gì được?
Mạnh Lệ Quân nói:
- Hiện nay nhà họ Lưu đang có thế lực, không khi nào chịu buông tha, nhưng chị cũng hy vọng người lành sẽ có Trời Phật phù hộ thôi.
Hôm ấy nội nhà Hoàng Phủ ai nấy đều hậm hực tên Lưu Khuê Bích lòng người dạ thú. Hoàng Phủ Kính định sáng hôm sau viết biểu đem về triều dâng lên Thiên tử để người trừng trị hành vi ác độc ấy. Nhưng Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại can:
- Xin thân phụ chớ nên phiền lòng, con nguyện từ nay tuyệt giao với Lưu Khuê Bích thì chắc hắn không làm gì con được đâu. Nếu thân phụ tâu lên Thiên tử, tất làm hại bọn Giang Tấn Hỉ và kết thêm oán cừu với Lưu Tiệp không nên.
Hoàng Phủ Kính nghe con nói hữu lý nên đành nuốt hận bỏ qua.
Bây giờ tại Lưu phủ, Lưu Khuê Bích nằm gác tay lên trán nghĩ thầm:
“Ai ngờ đâu Hoàng Phủ Thiếu Hoa không chết mà ta lại bị cháy mất một tòa nhà xinh đẹp. Còn bảo rằng hắn có thần nhân cứu mạng thì phi lý. Hay là Giang Tấn Hỉ tiết lộ ra nên hắn mới thoát đặng chăng?”
Rồi Khuê Bích lại nghĩ:
“Nay Hoàng Phủ Kính đã biết rõ ta âm mưu hai con lão rồi, nếu lão tâu lên Thiên tử trong lúc cha ta chưa biết rõ đầu đuôi thì biết lấy ai bênh vực cho ta? Chi bằng ta viết hơ tỏ cho thân phụ ta biết trước, xin người tìm cách hại Hoàng Phủ Kính để cướp mối lương duyên Mạnh thị về ta thì hay hơn cả. Hơn nữa phụ thân ta yêu mến ta lắm, lẽ nào người lại bác bỏ lời cầu xin của ta?”
Nghĩ đoạn, Lưu Khuê Bích lấy bút mực viết một phong thơ rồi gọi tên gia tướng Du Nhị vào bảo:
- Ta cho ngươi ba chục lạng bạc đây, ngươi hãy cấp tốc đem bức thơ này đến tại kinh trao cho Quốc trượng nhé!
Du Nhị được số bạc khổng lồ, hắn mừng quá vâng dạ rốt rít, Khuê Bích lại cho Du Nhị biết rõ những lời lẽ trong thơ và dạy những câu trả lời phòng khi Quốc trượng có hỏi thì ứng đáp cho phù hợp với lời lẽ láo khoét của chàng.
Du Nhị lãnh thơ lui ra tung mình lên ngựa đi ngay. Chẳng bao lâu hắn đến kinh thành, tìm đến dinh Lưu Tiệp.
Lúc bấy giờ Lưu Tiệp có một người hầu thiếp mến yêu tên Ngô Thục Nương. Người hầu thiếp này nguyên là của một vị môn sanh xuất tiền mua về rồi đem tặng cho Lưu Tiệp. Nàng có sắc đẹp vô cùng quyến rũ, lại có óc thông minh về toán học. Ở với Lưu Tiệp nàng sanh được một đứa con trai chưa đầy một tuổi, đặt tên là Lưu Quí.
Hôm ấy Lưu Tiệp đang bồng Lưu Quí nựng nịu, bỗng thấy con nữ tỳ chạy vào bẩm:
- Có một người ở Vân Nam mang thơ đến xin vào ra mắt.
Lưu Tiệp liền trao con cho Ngô Thục Nương rồi cho đòi vào.
Du Nhị vào đến nơi cúi lạy, Lưu Tiệp nhanh miệng hỏi:
- Cả nhà ta có được mạnh giỏi không?
- Bẩm lão gia, cả nhà đều được bình yên cả, nay công tử sai mang thơi đến dâng cho lão gia.
Vừa nói, Du Nhị vừa giơ hai tay dâng thơ lên. Lưu Tiệp tiếp lấy thơ bóc ra xem ngay.
Xem xong, Lưu Tiệp đứng phắt dậy cười gằn nói:
- Được rồi, nếu ta không trừ được bọn Hoàng Phủ Kính và Mạnh Sĩ Nguyên thì không phải là tay Quốc trượng.
Ngô Thục Nương thấy Lưu Tiệp có vẻ hằn học, vội hỏi:
- Trong thơ nói gì trong ấy mà lão gia lại giận dữ đến thế?
Lưu Tiệp liền trao bức thơ cho Ngô Thục Nương và nói:
- Nàng hãy đọc hết bức thơ này thì hiểu rõ nguyên nhân.
Lúc ấy mấy người hầu thiếp của Lưu Tiệp đều xúm lại xem thơ. Ngô Thục Nương xem xong ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu, đoạn nở một nụ cười nói với Lưu Tiệp:
- Những lời lẽ trong thơ này tôi e không thật, lão gia chớ nên bận tâm là gì vô ích, vì nếu cứ kể thao tước phẩm của Hoàng Phủ Kính thì đối với lão gia có thấm vào đâu. Hơn nữa hiện nay quyền thế của lão gia đệ nhất trong triều há Mạnh Sĩ Nguyên lại không biết sao? Vả lại, công tử nhà ta tài mạo kiêm toàn, nếu công tử cùng Thiếu Hoa cả hai đều bắn trúng cả ba phát thì lẽ nào họ Mạnh lại không gả con cho Lưu Công tử mà lại gả con cho Hoàng Phủ Công tử? (Nguyên vì trong thơ Khuê Bích nói dối rằng mình cũng bắn trúng ba phát như Thiếu Hoa mà Mạnh Sĩ Nguyên lại không gả cho mình).
Nói đến đây, Ngô Thục Nương mỉm cười rồi tiếp:
- Theo tôi đoán thì thế nào Thiếu Hoa cũng bắn trúng ba phát tên còn công tử nhà ta thì bắn không trúng. Nay công tử vì quá say mê nhan sắc của Mạnh thị nên gởi bức thơ này đặng khiến lão gia tức giận làm hại nhà Hoàng Phủ. Còn việc phát nhơn ta đem về tra khảo lại càng nói dối hơn nữa, vì nhà ta là một nhà hầu tước, mà dù nhà thường dân đi nữa Hoàng Phủ Kính cũng phải giữ theo pháp luật chứ có đâu con mình vô sự mà lại vu cáo cho người ta âm mưu hãm hại bao giờ? Thế thì lời lẽ trong bức thư này từ đầu chí cuối đều vô lý, xin lão gia chớ tin.
Lưu Tiệp gật đầu đáp:
- Nàng nói cũng có lý lắm đấy, nhưng con ta yêu Mạnh Lệ Quân sao Hoàng Phủ Kính lại không nhường nhịn, còn cho con mình đến tranh hôn, có phải hắn khinh ta không? Nhất định ta phải làm cho hắn nát cửa tan nhà, nếu không, chính con ta nó khinh ta là hèn nhát chứ đừng nói ai hết.
Nói rồi, Lưu Tiệp vội viết thư trả lời cho Khuê Bích biết và hứa sẽ trả thù cho con.
Tuy Lưu Tiệp là kẻ gian thần nhưng bản tánh của Lưu Tiệp không giống những gian thần khác, gia sản lão dinh dư nên không cần ăn hối lộ của ai. Ngoài cái bản chất độc ác, lão còn có tánh háo thắng nên hễ thấy ai a dua nịnh bợ thì lão bên vực triệt để, cho nên trong triều kẻ xe phụ, khiến thế lực lão càng to lớn hơn, một tiếng hô của lão rất nhiều kẻ hưởng ứng. Hôm nay lão quyết hại Hoàng Phủ Kính thì Hoàng Phủ Kính khó mà tránh khỏi.
Cách vài hôm, khi Thiên tử lâm triều, các quan triều kiến tung hô xong rồi, bỗng có quan Huỳnh môn bước ra quì tâu:
- Vừa rồi có quan Tuần phủ Sơn Đông là Bánh Như Trạch và quan Tổng binh ải Đăng Châu là Ân Diện Tiên dâng biểu văn về cáo cấp rằng có tướng Phiên tên là Ô Tất Khải kéo ba muôn binh đến cướp phá biên cương, quân ta đối định bị thua luôn mấy trận vì Ô Tất Khải sức mạnh phi thường, lại có tên quân sư tên Thần Võ Đạo nhơn có nhiều phép lạ.
Vua Thành Tôn nghe tâu, thất kinh nói:
- Trẫm cũng thấy trước bọn giặc này vô cùng lợi hại nên năm trước trẫm đã truyền chỉ cho quan Tuần phủ Sơn Đông chế tạo thêm chiến thuyền và binh khí đủ loại để phòng bị, thế mà nay vẫn bị thảm bại là ý gì?
Rồi vua truyền đòi Thượng biểu quan vào hỏi:
- Chẳng hay quân giặc tài lực ra thế nào, khanh hãy tường thuật tỉ mỉ lại xem.
Thượng biểu quan vội quì tâu:
- Tên tướng soái của giặc là Ô Tất Khải trạc độ tam tuần, mình cao chín thước, sức mạnh địch nổi muôn người, hắn dùng cặp ngân chùy ước đặng ngàn cân, lại có tên quân sư là Thần Võ Đạo nhơn cũng dềnh dàng lớn vóc, ra trận trường dùng gươm, đặc biệt là hắn biết hô phong hoán võ, phép thuật dị kỳ, quân ta không tài nào chống nổi nên mới dâng biểu về cáo cấp xin binh cứu viện.
Vua Thành Tôn thở dài than:
- Như vậy biết liệu làm sao bây giờ?
Thế là Lưu Tiệp vớ được cơ hội may, lão thầm nghĩ:
“Bọn giặc đã có phát thuật như vậy thì ai mà đánh chúng cho lại? Thôi, để ta tiến cử Hoàng Phủ Kính đi chinh phạt. Thế nào hắn cũng bị thảm hại. Chừng ấy ta sẽ tìm cách hại hết gia quyến hắn là xong”.
Nghĩ rồi Lưu Tiệp bước ra quì tâu:
- Nay bệ hạ mới lên ngôi, lòng người vẫn chưa định, cần phải sai danh tướng đi dẹp cho yên, nếu chậm trễ các chỗ khác sẽ bắt trước dấy loạn thì nguy.
Vua Thành Tôn gật đầu nói:
- Chính trẫm cũng ngại như vậy, song bọn giặc này lợi hại lắm, biết ai đâu mà đương đầu nổi?
Lưu Tiệp tâu:
- Hạ thần biết có một vị đại thần đủ sức đánh lui giặc này, nếu bệ hạ bằng lòng giáng chỉ cho người ấy đem binh đi đánh dẹp, nhất định sẽ thành công.
Vua Thành Tôn nóng lòng hỏi vội:
- Chẳng hay Quốc trượng tiến cử người nào?
Lưu Tiệp tâu:
- Hạ thần xin tiến cử Hoàng Phủ Kính hiện làm Vân Nam Tổng đốc Đại Nguyên soái. Người ấy quả là một tay lão luyện về việc chiến chinh. Bệ hạ chỉ cần phát cho vài muôn binh là quân giặc sẽ bị phá tan ngay.
Vua Thành Tôn nghe tâu, mừng rỡ phán:
- Ý khanh rất hợp ý trẫm, Hoàng Phủ Nguyên soái quả thật là một danh tướng, nếu sai người đi thì chắc sẽ thành công.
Dứt lời, vua Thành Tôn vội viết chiếu phong cho Hoàng Phủ Kính làm Chinh Đông Đại Nguyên soái, lại được quyền tiền trảm hậu tấu, lãnh hai muôn binh qua Sơn Đông dẹp giặc.
Viết xong, vua sai một viên quan lãnh chiếu và ấn Nguyên soái cùng ấn tiên phong đem ra Vân Nam cho Hoàng Phủ Kính. Đoạn vua bãi chầu về cung, còn Lưu Tiệp về phủ viết một bức mật thơ sai người đem ra Sơn Đông cho Bành Như Trạch biết rằng Hoàng Phủ Kính là kẻ thù với mình, chờ cho Hoàng Phủ Kính ra binh thất bại sẽ viết biểu về trào vu cáo rằng Hoàng Phủ Kính tạo phản để hại cho hết dòng họ hoàng Phủ Kính mới thỏa lòng căm hận.
Khi Khâm sai lãnh chiếu đi đến Vân Nam, Hoàng Phủ Kính vội vã ra nghinh tiếp. Đọc xong chiếu, Hoàng Phủ Kính hỏi Khâm sai:
- Hiện nay trong triều rất nhiều võ tướng ở không, sao Thiên tử không sai đi dẹp giặc còn ta đang trấn ải quan sao lại chiếu triệu sai đi?
Khâm sai đáp:
- Vì có Lưu Quốc trượng tiến cử nên triều đình mới sai Nguyên soái đi.
Hoàng Phủ Kính nghe qua cười khẩy nói:
- Thế thì Quốc trượng tử tế với tôi đấy chứ. Nhưng ta là võ quan còn sợ chi việc chinh chiến?
Sau đó, Hoàng Phủ Kính truyền dọ tiệc thết đãi Khâm sai. Rượu được vài tuần, Nguyên soái hỏi:
- Bọn Phiên tặc sang quấy nhiễu biên cương với lực lượng ra thế nào mà quân ta phải thua luôn mấy trận liền?
Khâm sai bèn kể lại việc lợi hại của địch quân, nào là Ô Tất Khải sức mạnh phi thưòng, nào là Thần Võ Đạo nhơn thuật phá kỳ dị vân vân.
Tiệc mãn, Khâm sai cáo từ lui ra qua quán dịch, còn Hoàng Phủ Kính thì trở vào hậu đường. Doãn Phu nhơn nói:
- Việc này rõ ràng là Lưu Tiệp nó lập kế báo thù cho con, ta biết liệu sao đây?
Hoàng Phủ Kính thở dài than:
- Nếu ngày trước ta tâu cùng Thiên tử thì làm sao có xảy ra việc như ngày nay!
Doãn Phu nhơn đề nghị:
- Bây giờ cứ việc dâng biểu lên Thiên tử tỏ bày mọi việc cho Thiên tử biết rõ rằng hắn binh con, muốn lập kế hãm hại lão thần cho rõ mặt gian thần hắn ta.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Bây giờ đã có chiếu chỉ mà ta còn tâu lên việc ấy, không khéo triều đình sẽ cho ta là kẻ tham sanh húy tử nên tìm cớ thối thác. Vả lại, năm xưa giặc Thổ Phiên dữ tợn như thế mà ta còn phá tan được thay, huống chi nay bọn giặc nầy, há ta lại sợ sao?
Doãn Phu nhơn nói:
- Phu quân chỉ giỏi về võ nghệ binh pháp chứ làm sao trừ được yêu thuật?
Hoàng Phủ Kính đáp:
- Phu nhơn hãy an tâm, với oai linh của Thiên tử thì tưởng có yêu thuật gì cũng không thắng nổi đâu.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa thấy thế vội bước ra thưa:
- Xin phụ thân hãy cho con theo với, vì con tưởng lúc ra trận, con cũng có thể giúp phụ thân một tay đắc lực.
Hoàng Phủ Kính lắc đầu đáp:
- Việc chinh chiến không phải là việc chơi đâu! Ta đây thọ ơn vua lộc nước nên phải xông pha vào chốn hiểm nguy, còn các con cần phải thu xếp gia sản trở về quê hương phụng sự mẫu thân, giữ tròn câu hiếu đạo, chớ nên tham lam hai chữ công danh mà sa vào tay gian thần Lưu Tiệp.
Doãn Phu nhơn nói:
- Hành động của đấng tu mi, bổn phận thiếp không có quyền cản trở, nhưng còn việc nhơn duyên của hai trẻ chưa thành, biết liệu sao?
Hoàng Phủ Kính nói:
- Phu nhơn nên biết rằng, cứ theo tướng mạo của con gái ta thì làm gì sau này cũng được đại quí, chúng ta chớ nên vội vàng mà uổng cho đời nó, còn con trai của ta cũng còn đang độ thiếu niên, chờ tôi đi chinh chiến về hãy xây dựng cũng chẳng muộn. Tôi đi đây có muộn lắm cũng hai năm, bằng mau lắm cũng một năm thì về, lúc ấy sẽ làm lễ cưới cho nó cùng tiểu thơ họ Mạnh.
Doãn Phu nhơn cúi đầu vâng mạng.
Hôm sau, Hoàng Phủ Kính lo sửa soạn quân mã rồi định đến ngày mồng tám đưa gia quyến theo đường thủy trở về quê hương, qua ngày mười hai sẽ kéo binh sang Sơn Đông dẹp giặc.
Hoàng Phủ Kính trù liệu vừa xong, bỗng nghe gia đinh vào báo:
- Có Mạnh Sĩ Nguyên đến viếng.
Hoàng Phủ Kính vội vã ra nghinh tiếp vào. Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Tôi không dè Lưu Tiệp nó đem lòng độc hiểm âm mưu trả thù cho con hắn nên mới tiến cử Nguyên soái đi dẹp giặc lần này, chẳng hay Nguyên soái nghĩ sao?
Hoàng Phủ Kính mỉm cười đáp:
- Việc này chính tôi cũng thừa hiểu Lưu Tiệp cố tình hại tôi, song tôi đã thọ hưởng ơn vua lộc nước bấy lâu, tất nhiên phải đem thân ra gánh vác. Tôi đã định ngày mười hai tháng tám này khởi binh, còn gia quyến thì đến ngày mùng tám này tôi đưa về quê hương. Tôi định sang đại nhơn, chẳng dè đại nhơn lại sang đây, xin đại nhơn cho phép tôi thưa một việc.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Chúng ta đây coi như người nhà cả rồi, Nguyên soái có việc gì cứ nói tự nhiên.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Tôi thấy lịnh ái và tiện nhi cũng còn niên thiếu, vậy xin đợi vài năm, chờ tôi dẹp giặc về sẽ tính làm lễ cưới, chẳng hay đại nhơn nghĩ sao?
Mạnh Sĩ Nguyên đáp:
- Hôm nay Nguyên soái bận lo việc nước thì việc nhỏ mọn ấy đợi đến bao giờ lại không được; nhưng tôi nghe nói quân giặc này có phép thuật vô cùng lợi hại nên tôi lấy làm lo lắm.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Tôi chỉ dốc một lòng trung và cậy nhờ đến oai linh của Thánh thuợng thì tưởng yêu thuật cũng không làm gì nổi. Nhưng nói cho cùng, tôi có bề nào đi nữa thì cũng là tròn bổn phẩn của một kẻ tôi trung đối với quốc gia vậy.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Nguyên soái đã có lòng trung như vậy, chắc trời kia cũng phò cho chóng thành công. Vậy nay tôi xin tiến cử cho Nguyên soái một người đại tướng để trợ lực cùng Nguyên soái ngoài trận mạc, chẳng biết Nguyên soái có bằng lòng dung nạp không?
Nguyên soái hỏi:
- Chẳng hay người ấy là ai vậy?
- Thưa người ấy vốn là biểu đệ của tôi, quê ở Giang Nam trên Vệ Hoán tự là Trấn Tôn, năm nay va tuổi độ bốn mươi, võ nghệ cao cường, hiện làm quan Tổng binh tại tình này.
Hoàng Phủ Kính mừng rỡ nói:
- À, tôi nghe danh người ấy đã lâu, nếu được đại nhơn tiến cử, tôi xin trọng dụng.
Sau đó Mạnh Sĩ Nguyên cáo từ ra về. Hoàng Phủ Kính tiễn chân ra tận ngoài thành mới trở lại.
Lời Bình:
- Xin độc giả hãy cùng tôi đi sâu vào tâm trạng của hai chàng công tử họ Lưu và họ Hoàng. Sự thật hai người này tài mạo tương đương. Đứng về phương diện tướng số mà bình phẩm như Tô Yến Tuyết thì có thể nói Hoàng Phủ Thiếu Hoa quí tướng hơn, chứ kỳ thật Khuê Bích vẫn đẹp trai không thua kém Thiếu Hoa, còn võ nghệ và tài thao lược Thiếu Hoa chưa chắc đã hơn Khuê Bích. Hai người có khác biệt nhau là ở chỗ tâm trạng mà thôi. Khuê Bích thì mang một tấm lòng tà vạy, còn Thiếu Hoa lại ngay thẳng hiền lương.
Cũng vì bản tánh của Khuê Bích như vậy nên khi đến nhà họ Mạnh tỉ thí tranh hôn, chàng ta qua say đắm nên bị run rẩy bắn hỏng mất một mũi tên, còn Thiếu Hoa vẫn bình thản, được hay không cũng không cần, trong lòng luôn luôn an nhiên tự tại, nên bình tĩnh bắn trúng đích cả ba phát.
Đến khi Lưu Khuê Bích bị thất bại lại mang một nỗi lòng ghen ghét, ngồi đứng không an, ăn không ngon, nằm không ngủ, lo lập mưu kế sát hại cho kỳ được Thiếu Hoa. Trong lúc ấy Thiếu Hoa vẫn thật lòng thân thiện với Khuê Bích không biết lo sợ là gì. Khuê Bích bày ra cảnh trăng than gió mát có kỹ nữ hát ca để cho Thiếu Hoa say đắm, nhưng chàng lại không thích khiến Khuê Bích phải thất vọng. Cuối cùng Khuê Bích cố sát hại tại Tiểu Xuân đình thì bỗng dưng có người cứu thoát.
Giết không được Thiếu Hoa, Khuê Bích lại càng đau khổ hơn nữa. Thế thì tâm trạng của kẻ vạy bao giờ cũng đau khổ tức tối; còn người ngay, trong lòng lúc nào cũng được thư thái, không biết buồn giận là gì.

Truyện Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi thứ Muời Lăm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi thứ Ba Mươi Hai Hồi thứ Ba Mươi Ba Hồi thứ Ba Mươi Bốn Hồi thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn