Hồi Thứ Mười


Hồi Thứ Năm Mươi Mốt
Trong thơ, Yến Ngọc xin cứu cha.
Trước bệ, Thiếu Hoa cầu tha tội

Bấy giờ chiếc thuyền buôn chở bọn Lưu Yến Ngọc cũng đã cập bến Bắc Kinh. Lưu Yến Ngọc tìm nhà trú ngụ rồi than thở:
- Không biết hiện nay Khâm sai đã giải thân mẫu ta đến đây chưa? Thật khổ cho chúng ta, đến đây lạ cảnh lạ người chẳng biết hỏi thăm ai đây!
Giang Tấn Hỉ nói:
- Tiểu thơ chớ lo, để tôi đi dọ hỏi tin tức cho.
Nói rồi Giang Tấn Hỉ vội vã đi liền. Hắn hỏi thăm đến nhà Thôi Phàn Phụng. Bọn gia nhơn của Thôi Phàn Phụng vừa trông thấy mặt hắn, đón lại hỏi:
- Kìa, anh Giang Tấn Hỉ! Anh khỏi bị bắt rồi sao? Bây giờ anh định đến đây hỏi thăm ông tôi cho biết tin tức phải không?
Giang Tấn Hỉ gật đầu đáp:
- Phải đấy, tôi đến tìm lão gia đặng hỏi thăm xem Cố Phu nhơn tôi đã đến kinh chưa?
Bọn gia nhơn nói:
- Hồi trưa hôm qua Khâm sai đã giải phu nhơn đến rồi, hiện giam trong ngục thất, lại mới đây Thánh thượng đã truyền chỉ sáng mai đây đem hết gia quyến của Lưu gia và Bành gia ra hành hình. Vì vậy, chủ tôi đang đi mua dồ tầm liệm để khi xử trảm xong người lo mai táng.
Giang Tấn Hỉ nghe vậy thất kinh hồn vía, lật đật( chạy một hơi về nhà thuật chuyện lại, nhưng Giang Tam Tẩu vẫn bình tĩnh nói:
- Không sao đâu, bây giờ tiểu thơ hãy cấp tốc viết thư gởi cho Trung hiếu vương, yêu cầu người cứu lấy tánh mạng lão gia mới được.
Lưu Yến Ngọc gật đầu khen phải rồi bảo Giang tấn hỉ đi hỏi chủ nhà mượn giấy mực đặng viết thư. Trong thư, Lưu yến Ngọc nói đại khái rằng tất cả mọi việc xảy ra trước kia đều do Lưu Khuê Bích, xin hãy vì tình mà bảo tấu cầu tha cho mọi người, chỉ để một mình Lưu Khuê Bích chịu tội mà thôi. Bằng không thuận giúp cho thì hãy trả cái khăn lụa lại cho nàng, để sáng sớm nàng còn vào triều xin cùng Thiên tử, nếu Thiên tử không nhận lời, nàng sẽ vập đầu tự tử trước kim giai cho tròn hiếu đạo.
Viết thư xong, Lưu Yến Ngọc niêm phong lại tử tế rồi lấy cây quạt của Thiếu Hoa năm trước trao cho Giang Tấn Hỉ và căn dặn:
- Người hãy mau mau đem hai vật này đến cho Trung Hiếu vương và nhớ hãy giao tận tay người, chớ nên cho Võ hiếu vương hay biết, vì Võ hiếu vương bị cha ta âm mưu làm cho bị giam cầm bên Phiên quốc ngót ba năm nên người căm hận lắm, chắc người không bằng lòng dung tha dâu. Như may đã gặp Trung hiếu vương rồi, ngươi hãy ráng sức năn nỉ xem người liệu lẽ nào. nếu người quyết tâm không chịu thì ngươi hãy trả cái quạt này lại và đòi cái khăn lụa cho ta.
Giang Tấn Hỉ vâng lời, lãnh thư và quạt đi ngay. Khi đến Vương phủ trời đã chiều, Tấn Hỉ trông thấy trước cửa phủ quân canh lính gác nghiêm nhặt quá nên chẳng dám vô. Hắn thơ thẩn ở ngoài chờ xem có người quan đặng hỏi thăm.
Một lát sau Giang Tấn Hỉ trông thấy một người mặc áo rộng xùng xình từ trong bước ra, hắn nhìn kỹ thì quả là tên Tào Tín, một tên gia tướng cũ của Thiếu Hoa, nên mừng lắm, lật đật chạy theo gọi:
- Anh Tào ơi! Hãy đứng lại cho tôi hỏi thăm một chút.
Tào Tín nghe gọi dừng chân lại. Giang Tấn Hỉ chắp tay vái chào rồi hỏi:
- Anh không nhớ tôi sao?
Tào Tín nhìn Tấn Hỉ từ đầu tới chân rồi lắc đầu:
- Thiệt tình tôi không nhớ anh là ai cả.
Giang Tấn Hỉ nói:
- Tôi là Giang Tấn Hỉ, gia đồng của Lưu Khuê Bích đây, trước kia tôi gặp anh một lần tại huê viên họ Lưu, anh quên rồi sao?
Tào Tín sực nhớ lại, gật đầu lia lịa và nói:
- Trời ơi!Thế mà tôi quên phứt, thật vô tình quá, xin anh tha lỗi cho nhé. Võ hiếu vương và Trung hiếu vương thường nhắc đến anh hoài. Vậy để tôi vào bẩm với Võ hiều vương cho anh được vào yết kiến.
Giang Tấn Hỉ khoa tay nói:
- Xin anh đừng nói cho Võ hiếu vương biết làm chi, chỉ thưa cùng Trung hiếu vương biết đặng cho tôi vào bẩm một việc cần.
Tào Tín nói:
- Hôm nay Trung hiếu vương mắc đi ăn tiệc bên Diễn thân vương, nếu anh muốn gặp phải vào trong chờ đợi chút nữa người mới về.
Giang Tấn Hỉ nghe nói liền theo Tào Tín vào ngồi phía trong chờ đợi. Tào Tín lại lên nhà trên bẩm với Hoàng Phủ Kính hay. Hoàng Phủ Kính truyền đòi vào.
Bất đắc dĩ Giang tấn Hỉ phải theo chân Tào Tín bước vào. Khi đến dưới thềm, Giang Tấn Hỉ liền phục xuống lạy. Hoàng Phủ Kính trông thấy Giang Tấn Hỉ, vội mừng rỡ bảo gia tướng đỡ dậy rồi kêu đến trước mặt hỏi:
- Ngươi đến kinh lúc nào vậy?
Giang Tấn Hỉ thưa:
- Bẩm Vương gia, tôi cùng thân mẫu và di mẫu theo tiểu thơ đến đây mới lúc ban trưa, hiện các người ấy ở nơi nhà ngụ. Lưu Tiểu thơ sai tôi vào yết kiến Trung hiếu vương đặng cầu xin chút việc, chẳng dè làm động đến tai Vương gia, thật tội đáng chết, xin Vương gia dung mạng.
Hoàng Phủ Kính nghe nói sanh nghi, hỏi:
- Còn Lưu Tiểu thơ nào đó nữa vậy?
Giang Tấn Hỉ thưa:
- Bẩm Vương gia, Lưu Tiểu thơ là Lưu Yến Ngọc.
Hoàng Phủ Kính cau mày nói:
- Ta nghe Lưu Yến Ngọc đã gả cho họ Thôi rồi còn đến đây làm gì?
Giang Tấn Hỉ thưa:
- Bẩm, Lưu Tiểu thơ tôi lúc trước đã đính ước kết thân cùng Trung hiếu vương rồi, đời nào người lại chịu thất tiết? Vì vậy, lâu nay người trốn vào ở chùa, rủi bị mất hết đồ tư trang cùng tiền bạc phải khổ cực trăm bề, nay phải đi xin tiền lộ phí mới đến đây được. Người có ý khẩn cầu Trung hiếu vương vì chút tình, tâu hộ xin cho cha người được khỏi tội.
Hoàng Phủ Kính hỏi:
- Thế còn người con gái nào gả cho Thôi Phàn Phụng đó?
Giang Tấn Hỉ thưa:
- Bẩm Vương gia, khi tiểu thơ tôi trốn rồi thì Cố Phu nhơn đem nàng Mai Tuyết Trinh gả thế.
Rồi Giang Tấn Hỉ thuật hết đầu đuôi mọi việc cho Hoàng Phủ Kính nghe.
Hoàng Phủ Kính lại hỏi:
- Thế hôm nay Lưu Tiểu Thơ sai người đến yết kiến con ta đặng nói điều chi.
Giang Tấn Hỉ nghe hỏi sợ hãi, hắn ấp úng thưa:
- Thưa Vương gia, Lưu Tiểu thơ có viết một phong thơ bảo tôi đến xin yết kiến và trao cho người, việc chi người nói trong thơ chứ tôi không rõ.
Hoàng Phủ Kính bảo:
- Hãy đưa thơ đâu xem thử nào.
Giang Tấn Hỉ lấy làm bối rối, nhưng cực chẳng đã, hắn phải lấy thơ để trình cho Hoàng Phủ Kính.
Hoàng Phủ Kính khai thơ xem, thấy văn từ thông suốt, chữ viết sắc sảo ít ai bì, lão lấy làm mừng rỡ vì được một nàng dâu thông minh hiếm có. Khi xem xong thơ, Hoàng Phủ Kính thấy lời văn khẳng khái, tình ý mặn mà thì động lòng thương xót, mới hỏi Giang tấn Hỉ:
- Cây quạt đề thơ đâu, hãy đưa đây ta xem nào?
Giang Tấn Hỉ vội lấy quạt trao ra. Hoàng Phủ Kính thấy rõ là quạt của Hoàng Phủ Thiếu Hoa, mừng rỡ hỏi:
- Bức thư này có phải chính tay Lưu Tiểu thơ viết không?
Tấn Hỉ thưa:
- Bẩm Vương gia, chính tay tiểu thơ viết đó.
Hoàng Phủ Kính cười ha hả nói:
- Không ngờ dâu ta lại có tài và tiết liệt đến thế. Vậy ngươi hãy về bảo cho tiểu thơ ngươi hãy an tâm để ta bảo tấu cho.
Giang Tấn Hỉ nghe nói mừng rỡ, cúi lạy bẩm:
- Xin đội ơn Vương gia đã có lòng thương tưởng, nhưng tôi còn phải đợi thơ hồi âm của Trung Hiếu vương tôi mới dám về.
Hoàng Phủ Kính nghe nói, bèn sai gia tướng dắt Tấn Hỉ ra nhà sau ngồi uống rượu đợi chờ.
Khi gia tướng đưa GIang Tấn Hỉ đi rồi, Hoàng Phủ Kính bước vào trong nói với Doãn Phu nhơn:
- Ngày nào phu nhơn cũng có lòng trông đợi con dâu, hôm nay dâu đã đến với chúng ta rồi đó.
Doãn Phu nhơn ngạc nhiên hỏi:
- Mạnh Lệ Quân tìm dến hồi nào vậy?
Hoàng Phủ Kính nói:
- Không phải Mạnh Lệ Quân mà lại là thứ nữ của Lưu Tiệp.
Rồi Hoàng Phủ Kính thuật hết mọi việc cho phu nhơn nghe. Doãn Phu nhơn mừng rỡ nói:
- Nếu vậy thì ta đại phước lắm nên mới có con dâu trinh tiết dường ấy.
Phu nhơn lại hỏi Hoàng Phủ Kính:
- Thế bây giờ phu quân định xử trí thế nào?
Hoàng Phủ Kính nói:
- Lưu Tiểu thơ đã là người tiết khí như vậy, tất nhiên mai đây ta phải hết lòng bảo tấu cứu mạng cho họ Lưu, nếu không thì tiểu thơ còn mặt mũi nào kết duyên cùng con ta được!
Bấy giờ đã quá canh hai, Giang Tấn Hỉ đang ngồi uống rượu, xảy nghe Trung hiếu vương về, hắn mừng quýnh, lật đật chạy ra đứng trước kiệu quỳ mọp xuống bẩm:
- Tôi là Giang Tấn Hỉ xin lạy ra mắt.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa thấy Giang Tấn Hỉ, vội vàng bước xuống kiệu đỡ dậy, nói:
- Ngươi đã ra tay cứu mạng ta, tất nhiên là ân nhân của ta rồi, việc gì phải thủ lễ quá vậy?
Nói rồi, vội đắt Giang tấn Hỉ vào nhà ân cần mời ngồi và hỏi:
- Chẳng hay ngưoi đến kinh lúc nào và lại đây có việc gì quan hệ không?
Giang tấn Hỉ bèn thuật hết mọi việc, Thiếu Hoa nghe rõ mừng quá, nói:
Thế phiền ngươi ở đây chờ ta một chút, ta sẽ trả lời.
Giang Tấn Hỉ vâng mạng, đoạn Thiếu Hoa đi thẳng vào trong.
Hoàng Phủ Kính hỏi:
- Giang Tấn Hỉ đem thơ đến, con đã gặp hắn chưa?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa đáp:
- Bẩm, con đã gặp hắn rồi.
Hoàng Phủ Kính liền lấy bức thư trao cho Thiếu Hoa xem, Thiếu Hoa xem xong, Hoàng Phủ Kính hỏi:
- Theo ý con nghĩ sao?
Thiếu Hoa thưa:
- Việc này, nhờ thân phụ liệu địnhn, chớ con đâu dám tự chuyên.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Nàng đã có lòng thủ tiết với con như vậy, tất nhiên ta phải giúp nàng cho trọn mối lương duyên. Thôi, con hãy viết thư phúc đáp cho nàng rõ, kẻo nàng trông mong tội nghiệp.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vâng lời, lui ra lấy một trăm lượng bạc trao cho Giang Tấn Hỉ và dặn:
- Ta chẳng cần viết thư trả lời làm gì, ngươi cứ vào nói cho tiểu thơ biết rằng: Thế nào mai đây ta cũng thượng tấu với triều đình cầu xin tha tội cho cả gia quyến tiểu thơ. Còn một trăm lượng bạc này ngươi hãy cất đó mà tiêu dùng.
Giang Tấn Hỉ mừng quýnh, vội vã chạy ba chân bốn cẳng về nhà thuật hết đầu đuôi mọi việc cho mọi người nghe. Ai nấy đều mừng rỡ vô cùng. Đêm ấy không ai ngủ được cả, cứ ngồi bàn luận, đặt bao nhiêu hy vọng vào Hoàng Phủ Thiếu Hoa.
Sáng hôm sau vừa mới canh tư, cha con Hoàng Phủ Kính đã thức dậy, lên kiệu thẳng đến triều ca.
Hoàng Phủ Kính nói cùng Thiếu Hoa:
- Trước bệ ngọc hôm nay, con hãy ráng hết sức bảo tấu, nghe không.
Thiếu Hoa nói:
- Con sợ đối với tội phản nghịch của Lưu Tiệp, triều đình không thể tha thứ được, ta biết liệu sao?
- Hoàng Phủ Kính nói:
- Nếu triều đình nhất quyết không phê chuẩn lời con thì cha sẽ tâu giúp. Hai cha con ta cùng xin tâu một lượt, thế tất triều đình phải nể lòng chớ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vâng lời, lấy bức thư của Lưu Yến Ngọc cất vào túi, rồi hai cha con ra đi.
Khi Thiên tử lâm triều, các quan quỳ lạy tung hô xong, Hoàng Phủ Thiếu Hoa bước ra quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần là Hoàng Phủ Thiếu Hoa có một việc vô cùng khẩn yếu, nếu bệ hạ vui lòng tha tội chết cho, mới dám tâu bày.
Vua Thành Tôn mỉm cười nói:
- Trẫm hứa tha tội cho khanh đó, hãy tâu đi.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa tâu:
- Tâu bệ hạ, cách bốn năm về trước, hạ thần theo thân phụ ở tại Vân Nam cùng Lưu Khuê Bích đến thi tiễn cầu hôn tại nhà họ Mạnh, do việc ấy mà Lưu Bích Khuê đem lòng oán hận phỉnh hạ thần đến ngủ tại Tiểu Xuân đình. May thay lúc ấy, Lưu Khuê Bích bận qua hộ tang cho tổ mẫu, nên dạy tên đầy tớ Giang Tấn Hỉ ở nhà phóng hoả ám hại hạ thần. May thay lúc ấy có em gái của Lưu Khuê Bích là Lưu Yến Ngọc cùng với bà nhủ mẫu là Giang Tam Tẩu đến đính ước kết thân với hạ thần và báo cho hạ thần biết tai nạn để trốn thoát. Vì vậy, Lưu Yến Ngọc là ân nhân của hạ thần, nay nàng có đến kinh đây yêu cầu hạ thần tâu xin cứu mạng gia quyến của người. Hạ thần nhận thấy Cố Phu nhơn ép gả nàng cho Thôi Phàn Phụng mà nàng trốn vào chùa Vạn Duyên ẩn trú một lòng thủ tiết, qua thời gian bị mất trộm, chịu bao nhiêu nổi đắng cay khổ sở. Nay nàng muốn xin trị tội một mình Lưu Khuê Bích và ân xá cho toàn gia, đặng mối lương duyên khi trước được thành!
Tâu dứt lời, Hoàng Phủ Thiếu Hoa liền dâng bức thư của Lưu Yến Ngọc lên cho vua Thành Tôn. Vua xem qua thấy nét bút tinh vi, câu văn thông suốt, nghĩ thầm:
“ Nhà họ Lưu này sao con gái lại hơn con trai, xưa Lưu Hoàng hậu hiền đức, nay người này cũng không kém”.
Vua nghĩ vậy nhưng lắc đầu phán:
- Phàm công pháp bất vị thân! Tội của Lưu Tiệp lớn lắm, trẫm không thể nào tha được, khanh chớ nên tâu xin nhiều lời vô ích
Lới Bình:
- Con người sống trên cõi đời cần phải trọn nghĩa, trọn tình mới gọi là người trí thức. Hoàng Phủ Thiếu Hoa không hề có tình với Tô Yến Tuyết, nhưng khi biết ra là Tô Yến Tuyết đã yêu chàng và quyết hy sinh vì chàng để thực hiện theo tiếng gọi của con tim, thì Thiếu Hoa không một lý do nào mà không xử cho trọn nghĩa. Vì vậy việc nuôi dưỡng Tô Đại nương quả là một việc làm vì nghĩa, không phải là quá đáng vậy.
Còn đối với Lưu Yến Ngọc hiển nhiên là người tình của Thiếu Hoa,đã từng thề non hẹn biển, trao đổi kỷ vật rồi, mà Yến Ngọc thì một lòng chung thủy đến nỗi nàng trốn tránh trong chùa chịu nhiều nỗi đắng cay.Hơn nữa, Yến Ngọc lại là ân nhân cứu mạng của chàng, mối tình ấy sâu đậm biết là dường nào, thì không một lý do gì Thiếu Hoa lại không thực hiện cho tròn nhơn nghĩa được.
Thiếu Hoa cần phải cứu mạng song thân của Yến Ngọc, mặc dù những ngưới ấy là kẻ thù của chàng. Hành động này nếu đứng về phương diện tình nghĩa mà xét thì đúng lắm, nhưng đứng trên phương diện quốc pháp mà xét thì không nên, vì cái tội hãm hại hiền thần và mãi quốc cầu vinh của Lưu Tiệp không thể nào dung tha được.
Tuy nhiên, ta cũng thấy rằng hiện Lưu Tiệp đã già, dù có tha về làm dân dã, lão ta cũng không còn điều kiện để hại nước nữa, hơn nữa hiện nay họ Hoàng Phủ đã có uy thế lớn lao trong triều, dù cho họ Lưu muốn khuấy phá cũng không được nào.
Còn xét về nhân quả thì thánh nhân đã bảo: mối thù nên mở chớ không nên buộc, nếu cứ trả thù mãi thì đời đời kiếp kiếp không bao giéơ dứt. Vì vậy, cần phải lấy tấm lòng khoan hồng độ lượng đối xử với kẻ thù thì cái thù kia không còn nữa, mà lại còn giáo hóa được kẻ thù cải tà qui chánh. Người quân tử khác với kẻ tiểu nhân là ở chỗ này vậ
y!

Truyện Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi thứ Muời Lăm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi thứ Ba Mươi Hai Hồi thứ Ba Mươi Ba Hồi thứ Ba Mươi Bốn Hồi thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn