Hồi Thứ Mười


Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn
Gái tiết trinh, toại nguyện mối tình chung.
Người trung hậu, được hiưởng nhiều hạnh phúc.

Giang Tấn Hỉ đưa hài cốt Lưu Bích Khuê về Vạn Nam mai táng xong xuôi, lần dò trở lại Vương phủ vào khoảng thượng tuần tháng tám.
Đến nơi, hắn hay tin Hoàng Phủ Thiếu Hoa được thành hôn thì lòng mừng khấp khởi, nhảy nhót reo lên:
- Ừ! Có như vậy thì mới gọi là trời cao kia có mắt chớ.
  Đến ngày mười hai, vua thành Tôn truyền chỉ cho quan Lễ bộ Thượng thơ lo sửa soạn hôn lễ, đặng Bảo Hòa Công chúa kết duyên cùng Trung hiếu vương, đồng thời giáng chỉ gia phong cho trai tài gái sắc như sau:
“Nay trẫm đã truyền chỉ cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa cùng Bảo Hòa Công chúa được hoàn hôn, thì các lẽ về việc nhân hôn đều giao cho lục bộ cửu khanh chiếu theo lễ phụng tống.
Trẫm gia phong cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa làm Bảo Hòa Phò Mã, còn Bảo Hòa Công chúa đã được phong làm Chánh thất Vương phi rồi nên nay trẫm phong cho Tô Yến Tuyết làm Đông viện Nhứt phẩm phu nhơn, cha người là Tô Tín Nhơn hàm phong làm quan Lộc tự chánh khanh, mẹ là Đỗ thị được gia phong làm Tam phẩm Thục nhơn.
Lưu Yến Ngọc được gia phong làm Tây viện Nhứt phẩm phu nhơn. Trẫm còn ban cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa một cái đại hồng mãng long bào và một sợi đai ngọc. Sau khi hoàn hôn, trẫm cho miễn một tháng khỏi vào triều”.
Lúc bấy giờ, quan Bố chánh Tần Thừa Ân đã được vinh thăng chức Tuần phủ Vân Nam, nay nhân về kinh có việc, nên Hoàng Phủ Kính nhờ Tần Thừa Ân cùng Doãn Thượng Khanh làm mai nhơn chọn ngày tốt đem đồ sính lễ đến hai nhà Lương, Mạnh.
Thấm thoát đã đến ngày nghinh hôn, Hoàng Phủ Thiếu Hoa mặc áo cửu long đại hồng bào, cỡi con ngựa bạch câu, trông oai phong lẫm lẫm và đẹp trai như Phan An tái thế. Lại sắp đặt một bộ loan giá để cho Bình giang hầu Hùng Hiệu và các bạn đồng niên theo phù rể, còn các quan thảy đều cỡi ngựa, rầm rộ kéo sang hai nhà Lương, Mạnh rước dâu.
Ban đầu, đến nhà họ Mạnh rước Mạnh Lệ Quân về trước. Người ta thấy Mạnh Lệ Quân ngồi kiệu ngũ hạc triều thiên, hai bên có thế nữ theo hầu rất đông, dân chúng đi xem đông như hội. Ôi! Đám cưới của một bậc vương tước, tưởng không gì linh đình cho bằng.
Thiếu Hoa rước Mạnh Lệ Quân về rồi, mới đem kiệu ấy trở qua rước Tô Yến Tuyết về hiệp nhau làm lễ cáo thiên địa.
Khi đến giờ hiệp cẩn, Hoàng Phủ Thiếu Hoa bước ra đại diện hiệp cnùg Võ hiếu vương và Hữu Thừa tướng Doãn Thượng Khanh lo tiếp ađ’i các quan triều thần.
Yến tiệc vừa cử hành thì đờn nhạc cùng trỗi lên, xướng hát linh đinh, thật là một cuộc vui chưa từng thấy.
Nói qua Lưu Yến Ngọc vốn người chất phát hiền lành, nên trong lúc ấy nàng ngồi một mình nghĩ thầm:
“Hai vị phu nhơn đây chắc không khỏi căm hận vong huynh ta thuở xưa, lại hôm nay hai người quyền thế rất lớn, ta khó lòng chung sống với hai người được, chi bằng bây giờ ta đến xin lỗi trước thì hay hơn”.
Nghĩ đoạn, Lưu Yến Ngọc kêu hai đứa nữ tỳ đi với mình qua Bích Loan cung.
Lúc ấy, Tô Yến Tuyết đã cởi áo mạng phụ rồi, chỉ mặc chiếc áo lụa trắng thôi. Khi nghe tỳ nữ vào báo, Yến Tuyết lật đật đứng dậy nghinh tiếp.
Lưu Yến Ngọc vừa đến trước mặt Tô Yến Tuyết đã quỳ xuống nói:
- Tôi đến đây hầu bái tạ phu nhơn, xin phu nhơn rộng lòng tha tội cho vong huynh tôi thuở trước.
Tô Yến Tuyết thấy vậy thất kinh, vội vã quỳ xuống đáp lễ, nói:
- Tôi đây chỉ là con nhà thứ dân, còn phu nhơn còn phu nhơn là con nhà quốc thích, sao phu nhơn lại thủ lễ quá như vậy, tôi đâu dám.
Lưu Yến Ngọc thấy Tô Yến Tuyết có lòng khiêm tốn như vậy mừng rỡ vô cùng, liền tỏ lời mời Tô Yến Tuyết cùng qua Loan Phụng cung yết kiến Mạnh Lệ Quân.
Tô Yến Tuyết gật đầu khen phải, rồi hai nàng cùng dắt nhau đi. Đến nơi, Mạnh Lệ Quân vừa trông thấy liền bước ra niềm nở nghinh tiếp. Hai nàng liền quỳ xuống làm lễ, Mạnh Lệ Quân bước tới đỡ dậy mời ngồi, rồi nói với Tô Yến Tuyết:
- Bấy lâu nay tôi làm dang dở cái duyên giai kỳ của chị, thật tôi rất có lỗi.
Rồi nàng quay qua nói với Lưu Yến Ngọc:
- Bấy lâu nay hiền muội đã vì tôi mà mà phụng dưỡng cha mẹ chồng, thật ơn ấy tôi mang rất nhiều.
Nói rồi Mạnh Lệ Quân hối nữ tỳ đi mời Tô Đại nương vào để bái yết, Tô Yến Tuyết cản lại nói:
- Thân mẫu tôi có tài đức chi mà nhị vị phu nhơn phải thủ lễ lắm vậy?
Mạnh Lệ Quân chỉ mỉm cười không đáp, cứ hối nữ tỳ phải đi mời Tô Đại nương vào cho kỳ được. Một lát sau, Tô Đại nương vào, Mạnh Lệ Quân lễ phép mời bà ta ngồi trên ghế, rồi nàng lạy tạ đền ơn người đã nuôi nấng mình từ lúc trước.
  Tô Đại nương hết sức từ chối nhưng không được, đành phải ngồi cho Mạnh Lệ Quân làm lễ.
  Sau đó, Mạnh Lệ Quân nắm tay hai nàng, nói:
- Từ nay chúng ta nên gọi nhau bằng chị em mới phải.
Tô Yến Tuyết và Lưu Yến Ngọc mừng rỡ, đồng thanh nói:
- Chị có lòng tốt như vậy, chúng em xin vâng mạng!
Lúc ấy đủ mặt các quan triều thần tại nhà khách, họ ăn uống, vui say mãi đến xế chiều mới giải tán.
Khi khách về hết, Hoàng Phủ Thiếu Hoamới vào Loan Phụng cung uống rượu cùng Mạnh Lệ Quân. Vừa bắt chén, Thiếu Hoa vừa tỏ lời xin lỗi:
- Trước kia, chỉ vì tôi vâng mạng quân vương và song thân nên mới cưới Lưu Yến Ngọc, nhưng tôi vẫn biết tôi làm như vậy là có tội với phu nhơn nhiều lắm! Xin phu nhơn bỏ qua cho!
Mạnh Lệ Quân mỉm cười, đáp:
- Tôi cũng khá khen cho phu quân đã có vợ mà đành chịu chăn đơn, gối chiếc bấy nhiêu lâu! Tôi vô cùng cảm kích, vậy hôm nay là ngày vui nhất đời của đôi ta, mà nghe phu quân có tài học hơn người thì xin lấy bốn chữ «Trung thu nguyệt hoa» làm đề để phu quân vịnh một bài bát cú, kỷ niệm cái cái đêm hôm nay.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa dốc cạn chén rượu rồi nói:
- Phu nhơn đã muốn vậy thì dầu văn chương của tôi có vụng về đến đâu cũng xin vâng mạng!
Nói rồi, liền gọi nữ tỳ đem mực đến, chàng viết liền hai bài một lúc không nghỉ tay, đoạn trao cho Mạnh lệ Quân.
Mạnh Lệ Quân vừa nhấp rượu vừa lẩm bẩm đọc:
 Bài thứ nhứt:
 “Ngũ thể phân ba xáng ký hà
“Đoàn viên thập ngũ ngoạt trung hoa
“Giai kỳ cảm ứng tam thu trị
“Lạc sự quan đồng nhứt tịch xa
“Huỳnh lộ ấp dư thừa phóng đấu
“Tiêu phong xuy đáo tống hương sa
“Quảng hàn như đắc môn dung nhập
“Phụng sử hà tu bát ngoạt sa.
Bài thứ nhì
« Nhứt du minh cảnh chiếu minh sàng
« Ngọc tiểu phi khuynh uy dạ tịnh,
« Võ y hiệp khúc tấu khoan thường.
« Luận đề nghiện thố lưu tam quật.
« Ảnh xạ tè ngưu phận tất tương.
« Khối phiếm cao tài hoành kỵ mã,
« Hòa minh hoàn bội nội lâm lang.
Mạnh Lệ Quân xem xong, ngẫm nghĩ đẹp ý vô cùng, nàng cùng Thiếu Hoa uống thêm vài chén rượu nữa rồi đứng dậy mời chàng sang Bích Loan cung.
Thiếu Hoa y lời, đi thẳng qua Bích Loan cung, bảo nữ tỳ lui ra hết, rồi chào Tô Yến Tuyết:
- Khi xưa tôi đi huê viên thi bắn, được phu nhơn đoái thương đến và giữ một lòng thiết bạch đến ngày nay. Lại bấy lâu nay, tôi tới lui tướng phủ, được phu nhơn trọng đãi, tôi vô cùng cảm kích!
Tô Yến Tuyết nói:
- Thân mẫu tôi được phu quân trọng đãi, ơn ấy chẳng bao giờ tôi dám quên!
Nói rồi, hai người cùng ngồi uống rượu, nói chuyện tâm tình cho đến hết canh một, nàng mới mời Thiếu Hoa trở lại Loan Phụng cung.
Đêm ấy, Hoàng Phủ Thiếu Hoa đồng sàng chung với Mạnh Lệ Quân. Qua đêm thứ nhì mới thành thân cùng Tô Yến Tuyết, rồi đêm thứ ba mới đến Lưu Yến Ngọc. Cứ như thế luân chuyển, bà vợ đề huề sống chung với nhau, xem dường ruột thịt.
Hôm sau, Tô Yến Tuyết và Lưu Yến Ngọc mời Mạnh Lệ Quân qua Mạnh phủ bái yết vợ chồng Mạnh Thượng thơ.
Hàn Phu nhơn sai Phương thị ra nghinh tiếp vào, rồi bày tiệc khoản đãi, đến xế chiều mới tan. Qua ngày sau, ba người lại kéo sang phủ Lương Thừa tướng.Lúc ấy vợ con của Lương Trấn Lân cũng đã về ở chung tại đấy, cho nên bữa tiệc tại nhà Lương Thừa tướng có cả vợ chồng Khương Nhược Sơn cùng hai người hầu thiếp hội hiệp chung vui một bữa rất thâm tình.
Sau đó, Mạnh Lệ Quân sai người đem kiệu đến rước vợ chồng con cái Khương Nhược Sơn qua ở bên nhà Vương phủ. Lúc bấy giờ, Tô Đại nương có một đứa con nuôi tên Lục Kỳ, nên Mạnh Lệ Quân gia tâm dạy dỗ Lục Kỳ và con của Khương Nhược Sơn là Nguyên Lãng, đến sau cả hai đều thi đỗ Tấn Sĩ, một người được bổ đi Tri huyện, một người làm Tri phủ, cả hai đều đem cha mẹ theo phụng dưỡng rất tử tế.
Mạnh Lệ Quân thấy con Vinh Lang có công khổ nhọc với mình trải bấy nhiêu lâu, nên gả cho Giang Tấn Hỉ làm vợ. Bà Giang Tam Tẩu thấy con mình có vợ đẹp, lại được nhà Hoàng Phủ cho gần muôn bạc thì mừng rỡ vô cùng.
Sau đó, Hoàng Phủ Thiếu Hoa tâu cùng vua Thành Tôn kể công trạng của lão bộc Lữ Trung và công ơn cứu mạng của mẹ con Giang Tam Tẩu, đồng thời giới thiệu cho vua Thành Tôn biết rằng con của Lữ Trung là Lữ Phúc cùng Giang Tấn Hỉ đều tinh thông võ nghệ, nên vua Thành Tôn liền giáng chỉ triệu Lữ Phúc và Giang Tấn Hỉ vào triều khảo thí võ nghệ, rồi phong cho cả hai được làm chức Đô tư. Lúc bấy giờ Lữ Phúc đổi tên là Lữ Đạt Nguyên, còn Giang Tấn Hỉ đổi tên là Giang Vĩnh Quý.
Về sau, hai người được Thiếu Hoa dìu dắt đến chức Tổng binh.
Vua Thành Tôn thừa hiểu Mạnh Lệ Quân là người tài ba, nên phong Hoàng Phủ Thiếu Hoa làm Nội các Đại thần để xem về việc phê văn án, để có việc gì khó khăn thì hiệp cùng vợ thi hành.
Bà Hoàng Thái hậu trong cung thấy Lộ Tường Vân nết na đứng đắn nên bảo vua Thành Tôn dung nạp nàng làm cung phi, cuộc đời nàng cũng được tọai nguyện.
Về sau, Mạnh Lệ Quân sanh đặng hai trai một gái. Tô Yến Tuyết sanh đặng hai trai, còn Lưu Yến Ngọc sanh được một người con gái tên Phi Loan và cũng sanh đặng một trai.
Người con trai lớn của Mạnh Lệ Quân tên Triệu Câu kết duyên cùng trưởng nữ của bà Ôn phi là Gia Tường Công chúa, nên được làm Phò mã, sau thăng đến chức Thừa tướng. Người con trai nhỏ của Mạnh Lệ Quân là Triệu Phụng sức mạnh vô song nên được phong Thường thắng Tướng quân. Còn nàng con gái út là Phi Giao Quận chúa ( nguyên Mạnh Lệ Quân chiêm bao thấy con Xích giao long, tướng tinh của Ô Tất Khải, mà sanh ra).
Người con trai của Lưu Yến Ngọc được Mạnh Lệ Quân dạy khoa y được rất tinh thông, được làm đến chức Lại bộ Thị lang. Người con lớn của Tô Yến Tuyết tên Triệu Tường có khiếu về toán học, làm nghề phóng trái, thâu huê lợi rất nhiều, về sau làm Hộ bộ Thị lang, còn người con nhỏ của nàng là Triệu Thoại được kết duyên cùng con gái bà Mai Phi là Hưng Bình Công chúa nên được phong làm Phò Mã Đô úy.
Về sau, Hùng Hiệu lập được nhiều chiến công oanh liệt, nên được vinh thăng đến chức Bình Giang vương, có người con lớn là Khởi Phụng đỗ Văn Trạng Nguyên, còn thứ tử là Khởi Thần, tức là con Vệ Dõng Nga, tính tình nhu nhược, chỉ được phong làm Bình Giang hầu.
Nhưng cuộc đời có khi nào nó được lặng lẽ như mặt nước hồ thu! Kẻ quân tử thường không gây thù kết hận, mà hạng tiểu nhân lại đa mang lòng hận thù đời đời kiếp kiếp, cho nên về sau Ô Tất Khải tức là con giao long đầu thai làm con gái Mạnh Lệ Quân tên là Phi Giao Quận chúa, để trả thù nhà Hoàng Phủ và Hùng Hiệu, xảy ra nhiều tấn kịch vô cùng gây cấn....
   Lời Bình:
- Đọc xong TÁI SANH DUYÊN, ta không khỏi thán phục tác giả đã xây dựng nên một cuộc tình duyên vô cùng gây cấn, khiến cho ngưiờ đọc lắm lúc phải hồi hộp lo âu.
Một Mạnh Lệ Quân tài ba lỗi lạc, một Tô Yến Tuyết thùy mỵ đoan trang, một Lưu Yến Ngọc thật thà trung hậu, cả ba đều giữ vẹn tấm băng trinh, một lòng phụng sự đấng anh hùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa, thiết tưởng ai xem đến đây mà không thích thú?
Trong toàn bộ truyện, tác giả đã khéo lồng vào mà trách cứ cái chế độ phong kiến độc tài và nói lên những thói tham lam xấu xa của con người. Tác giả cũng không quên nêu lên lòng nhân ái, đức hy sinh của một vài nhân vật điển hình để cho hậu thế soi chung.
 Điều quan trọng nhất là tác giả đã muốn cách mạng cả một quan niệm thời bấy giờ đưa người phụ nữ lên địa vị bình đẳng với hàng nam tử. Quả là một sự dũng cảm vậy!

Xem Tiếp: ----

Truyện Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi thứ Muời Lăm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi thứ Ba Mươi Hai Hồi thứ Ba Mươi Ba Hồi thứ Ba Mươi Bốn Hồi thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn