Hồi Thứ Mười


Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt
Trước kim giai, Tường Vân trổ tài thi phú
Nơi Vương phủ, Thiếu Hoa bày kế tâu vua.

 Đêm ấy, Hạng Long cầm quan huyện ở lại nhà mình đãi đàng yến tiệc, còn những gia tướng theo hầu đều được Hạng Long ban thưởng tiền bạc rất nhiều.
Sáng hôm sau, An Tri huyện lui về nhà, lập tức làm tờ bẩm với quan trên, xin đưa Mạnh Tiểu thơ đến kinh. Quan Tuần phủ xem xong chuẩn y ngay, đồng thời lựa một vị quan khác đến thế ngôi cho cho An Tri huyện.
Mọi việc xuôi như rót, An Tri huyện liền thông tin cho Hạng Long hay, đặng lo sửa sang đồ đạc đăng trình cho sớm.
Sau khi chuẩn bị chu tất, Hạng Long tuyển lựa hai mươi tên kiệu tốt vạm vỡ đi theo hộ tống, rồi cùng An Tri huyện, vợ chồng Hầu Ngũ và con Thu Tố thẳng dến kinh.
Chuyện này xin dừng lại đây và sẽ tiếp sau, bây giờ xin nhắc lại quan huyện Liêm Kỳ Vân đưa nàng Lộ Tường Vân đến kinh. Đến nơi, tìm quán trọ nghỉ ngơi qua đêm ấy, sáng hôm sau chờ cho Tường Vân điểm trang xong, Liêm Tri huyện cùng Bàng Phước đưa nàng đến cửa Ngọ môn, nhờ môn quan vào tâu cùng Thiên tử.
Ngọ môn quan vào tâu trước bệ rồng:
- Muôn tâu bệ hạ, nay có Tri huyện Giang Hạ, phủ Võ Xương, tỉnh hồ Quảng, tên Liêm Kỳ Vân đã tìm được Mạnh Lệ Quân đưa đến kinh sư, hiện đang chờ ngoài Ngọ môn hầu chỉ.
Vua Thành Tôn phán:
- Ừ, có như vậy trẫm đây mới thỏa lòng chớ!
Vua truyền chỉ triệu Liêm Tri huyện vào bệ kiến. Liêm Kỳ Vân vào trước bệ liền quỳ mọp xuống tâu bày hết sự tình, Vua nghe xong, truyền cho Mạnh Lệ Quân vào.
Lộ Tường Vân vâng lịnh vào phủ phục trước kim giai tung hô vạn tuế. Vua Thành Tôn cho phép đứng dậy, rồi nhìn thẳng vào mặt Tường Vân, thì thấy tuy có nhan sắc song không được thanh nhã phong lưu, vua đoán biết ngay người này là con nhà hàn vi liều chết đến mạo nhận. Tuy vậy, vua Thành Tôn cũng thấy được sự thông minh trong gương mặt sáng sủa của nàng, nên nghĩ thầm:
“Nếu bây giờ ta đuổi nàng về, nghĩ cũng thiệt thòi cho kiếp hồng nhan, chi bằng ta khuyên Hoàng Phủ Thiếu Hoa thâu nhận, tưởng cũng một điều hay”.
Nghĩ đoạn, vua Thành Tôn gọi cha con Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Sĩ Nguyên đến phán:
- Chỉ vì trước kia trẫm nghe lời quân gian nịnh có hành động bất minh, nên Mạnh Lệ Quân phải ra đi phiêu bạt bốn phương trời chịu muôn vàn đắng cay, cho nên lòng trẫm bứt rứt không yên. Hôm nay may sao nàng về được, vậy các khanh hãy chọn ngày làm lễ thành thân cho trẫm được vui lòng.
Lúc Liêm Tri huyện vừa mới đưa nàng Tường Vân đến, Mạnh Sĩ Nguyên đã bĩu môi cười thầm:
“ Có ngờ đâu trong đám nữ lưu lại có kẻ tham cầu phú quý, không kể cái chết là gì. Than ôi! Cái chức Vương phi mà có thể khiến người mạo hiểm dến thế ư? Thế thì trách chi con gái ta không luyến tiếc ngôi Thừa tướng mà không chịu cải trang”.
Mạnh Sĩ Nguyên càng nghĩ càng chua xót cho nhân tình thế sự; lão chỉ đứng mím miệng làm thinh để xem hành vi của con người dối trá. Đến khi nghe vua phán gọi đến tên mình thì vội bước ra quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, con gái của hạ thần nhan sắc tuyệt vời, còn người này diện mạo tầm thường, rõ ràng là một hành động giả dối, hạ thần không thể nào mạo nhận được.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng bước ra quỳ tâu:
- Tuy hạ thần không biết mặt Mạnh Lệ Quân, song lúc ra đi nàng có họa bức chân dung để lại, hiện bức chân dung ấy có tại nhà hạ thần, nên hạ thần mới thấy rõ người con gái này mười phần không giống một, quả là một hành động giả dối khi quân, xin bệ hạ nghiêm trị.
Vua Thành Tôn nhìn thẳng vào mặt Thiếu Hoa rồi bằng giọng trách cứ phán:
- Việc trăm năm duyên nợ là việc vô cùng quan trọng, sao khanh không suy nghĩ cho chín chắn, tâu bày một cách bừa bãi như vậy? Đại phàm bức họa bao giờ cũng sai lệch đi phần nào, hơn nữa tự mình họa chơn dung cho mình, tất nhiên tô điểm thêm nhiều lắm, có khi nào lại giống được.
Mạnh Sĩ Nguyên nghe vua phán, lòng nóng như lửa đốt, vội tâu:
- Tâu bệ hạ, hạ thần dầu bất tài đến đâu cũng không thể không nhận được con gái của mình đã nuôi nấng mười mấy năm trường sao?
Tâu dứt lời, Mạnh Sĩ Nguyên lại quay qua hỏi Lộ Tường Vân:
- Kẻ nào đã bày ra âm mưu bảo mi đến đây chuốc lấy cái tội khi quân này? Hãy nói mau, kẻo bị chết chém ngay bây giờ.
Lúc ấy, Lộ Tường Vân trong lòng bối rối lắm, nhưng cũng gắng gượng rơi vài giọt lệ trên đôi má đào, thỏ thẻ với Mạnh Sĩ Nguyên:
- Cũng bởi nhà ông Lộ Tri Giao và Bàng Phước quá nghèo nàn, nên con phải chịu hiu hút khổ sở, vì vậy thân thể con mơí võ vàng như ngày nay, thân phụ nỡ lòng nào bỏ con không nhìn nhận cho đành.
Mạnh Sĩ Nguyên nghe qua lửa giận phừng gan, nghĩ thầm:
“ Ta đã không chịu nhận mà còn dám cả gan nài nỉ cãi cọ nữa chớ”.
Mạnh Sĩ Nguyên nghiêm sắc mặt, lườm lườm nhìn Tường Vân, gằn giọng hỏi:
- Mi bảo mi là con của ta, vậy còn đứa nữ tỳ của mi đâu không thấy đến?
Lộ Tường Vân đáp:
- Bẩm phụ thân, con Vinh Lang lúc đến nhà Lộ Tri Giao, nó không chịu nổi sự đói lạnh khổ cực nên dã bỏ nhà trốn đi lâu rồi!
Mạnh Sĩ Nguyên nghe nói càng sôi gan, không ngờ một đứa con gái hèn mạt thế này mà dám đứng giữa triều đình tranh biện với mình, nên vội vã quỳ xuống tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, xưa con gái hạ thần biết làm thi phú hay lắm, vậy xin bệ hạ hãy bắt hắn làm một bài xem thử, để định giả chơn.
Vua Thành Tôn nghe mấy lời Mạnh Sĩ Nguyên tâu, nghĩ thầm:
“ Trông diện mạo nàng này cũng có vẻ thông minh đấy, song chắc không làm thi phú được đâu”.
Nghĩ rồi, vua phán hỏi Tường Vân:
- Mạnh Lệ Quân ôi! Thân phụ nàng bảo phải vịnh một bài thơ, nhưng chẳng hay nàng bị lưu lạc khổ sở bấy lâu nay, văn chương có còn nhớ để đủ vịnh một bài thơ không?
Lộ Tường Vân quỳ mọp xuống tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, tuy thần thiếp lưu lạc khổ sở như vậy song thi văn cũng còn có thể làm được.
Vua Thành Tôn mừng rỡ nghĩ thầm:
“ Nếu vậy thì nàng này cũng là một trang nữ sĩ đây”.
Lập tức vua truyền nội giám đem giấy mực ra đặng cho Lộ Tường Vân quỳ dưới thềm làm thi.
Lộ Tường Vân cầm bút chắp tay tâu:
- Xin bệ hạ cho thần thiếp đầu đề.
Vua Thành Tôn sợ ra đầu đề e khó làm, nên lắc đầu phán:
- Chẳng cần phải ra đầu làm gì, nàng cứ làm một bài thi nói lên vấn đề gì cũng được.
Lộ Tường Vân lại tâu:
- Nếu chẳng ra đầu đề thì văn chương không có chủ đích, khó làm lắm.
Vua Thành Tôn nghe nàng nói, biết ngay nàng là người học rộng, liền gật đầu phán:
- Thế thì nàng hãy lấy việc nàng bỏ nhà trốn đi đến ngày nay được gặp gỡ làm đầu đề vậy.
Lộ Tường Vân phụng mạng, cầm bút thảo lia lịa, chỉ trong phút chốc đã làm xongmột bài bát cú, rồi quỳ xuống cầm hai tay dâng lên, nội giám tiếp lấy đem trải trên long án. Vua Thành Tôn xem qua rất đắc ý, lẩm bẩm đọc:
“ Cửu trùng đơn chiếc hốt thôi hôn
Cựu sự thê lương bất nhẫn luân
Vạn lý vân sơn vi lữ khách
Tam niên kinh bố bỉ hoàn quận
Khô mộc phùng xuân hỉ thọ ân
Kim nhựt khả lân di tốt tận
Tánh thiên thuệ ái tất tu ôn”.
Đọc xong, vua gật đầu khen hay rồi quay qua nói với Mạnh Sĩ Nguyên:
- Nàng này văn hay chữ tốt ít ai bì, quả nhiên là Mạnh Lệ Quân rồi! Trẫm chắc khanh năm nay tuổi dã già nên con mắt lờ lệch, nhìn không đặng chăng?
Mạnh Gia Linh lật đật bước ra quỳ tâu:
- Nàng con gái này quả thật không phải là em gái của hạ thần, sao dám cả gan đến đây mạo nhận, xin bệ hạ hãy nghiêm trị cái tội khi quân để làm gương cho kẻ khác.
Vua Thành Tôn thấy ai ai cũng không chịu nhận nên mỉm cười phán:
- Nàng này chỉ vì quá nghèo khổ mà tham câu phú quý, nhưng đã có tài học như vậy nghĩ cũng đáng dung thứ cho.
Nói rồi vua nhìn Tường Vân phán:
- Nay trẫm muốn để cho Trung hiếu vương dùng nàng làm hầu thiếp, nàng có bằng lòng không?
Lộ Tường Vân nghe vua phán mừng quá, liền quỳ mọp xuống tâu:
- Bệ hạ rộng lòng ban ơn cho thần thiếp được như thế, thật thần thiếp cảm đội chẳng cùng.
Vua Thành Tôn thấy Tường Vân bằng lòng lạy tạ chứ không đòi hỏi gì hơn và cũng không dám tranh biện gì về sự giả chơn nữa thì trong bnụg thầm khen nàng là người lanh trí khôn, nên quay qua bảo Hoàng Phủ Thiếu Hoa:
- Dầu sao người con gái này cũng vì khanh nên không từ lao khổ liều thác đến đây, nếu nay trẫm đuổi nàng về thì lỡ làng một đời xuân xanh của nàng, kể cũng tội nghiệp. Thôi, khanh hãy vui lòng đem nàng về làm hầu thiếp đi.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ! Hạ thần vốn không phải là kẻ tham dâm háo sắc nên không thể nào phụ lòng Mạnh thị mà lấy người con gái này. Vả chăng nàng là người phạm tội dối vua, xin bệ hạ nghiêm trị.
Vua Thành Tôn suy nghĩ hồi lâu rồi phán:
- Trẫm lấy làm thương hại cho nàng, nếu nay trẫm đuổi nàng về, tránh sao cho khỏi miệng đời chê cười nàng.
Nói rồi, vua truyền nội giám đem Lộ Tường Vân vào cung để hầu hạ Hoàng Thái hậu.
Nàng Lộ Tường Vân về sau được Hoàng Thái hậu cảm thương vì tánh cần mẫn của nàng, nên cho được vào hàng cung phi. Thế đời nàng cũng được yên vui khoái lạc.
Khi vua truyền nội giám đưa nàng Lộ Tường Vân vào cung Thái Hậu rồi, vua ngồi nghĩ giận, vội truyền đòi Bàng Phước vào.
Lúc ấy Bàng Phước đang ở ngoài Ngọ môn chờ nghe tin tức Lộ Tường Vân, nhưng chờ mãi vẫn không thấy kết quả, trong lòng hồi hộp vô cùng, xảy có quân sĩ ra đòi, Bàng Phước sợ quá run lẩy bẩy, mồ hôi toát ra ướt cả áo. Hắn cúm núm theo chân tên nội giám vào sụp lạy trước sân rồng.
Vua Thành Tôn trợn mắt nhìn Bàng Phước mắng:
- Kìa Bàng Phước! Mi là đứa tiểu dân, sao dám cả gan đem người giả Mạnh Lệ Quân đến khi đễ triều đình vậy?
Bàng Phước lạy lia lịa tâu:
- Muôn tâu thánh thượng, nguyên việc này là do nơi nàng họ Mạnh bảo tiểu dân đem nàng đến đây, chứ tiểu dân thật tình không biết gì cả, xin thánh thượng rộng lòng dung thứ cho tiểu dân nhờ.
Tâu xong, Bàng Phước cứ lạy hoài không ngớt, vua thấy vậy cũng thương hại, liền phán:
- Chỉ vì ta thấy nàng Tường Vân cũng có chút ít tài mạo nên ta rộng lòng khoan dung cho mi đó.
Vua truyền nội giám đem hai chục lượng bạc thưởng cho Bàng phước rồi đuổi về. Bàng Phước mừng quýnh, lạy tạ lãnh bạc và lui ra.
Sau đó, vua đòi Liêm Tri huyện vào quở mắng:
- Nhà ngươi thất soát mạo tấu lẽ ra phải mang tội, nhưng ta cũng rộng lòng dung tha, cho được trở về sung chức cũ.
Liêm Tri huyện mừng rỡ vội vã lạy tạ.
Hôm ấy sau khi bãi chầu, các quan trở về nhà ai cũng thuật lại chuyện Mạnh Lệ Quân giả cho vợ con nghe và xúm nhau cười ngắt nghẻo.
Lúc ấy, Tô Đại nương ở nơi nhà họ Mạnh, thấy Hàn Phu nhơn, Phương thị đã lành mạnh, nên xin phép phu nhơn trở về Vương phủ. Hàn Phu nhơn liền sai gia nhơn dọn kiệu đưa Đại nương đi.
Khi về đến Vương phủ, Doãn Phu nhơn mỉm cười hỏi:
- Cái việc mạnh Lệ Quân giả đó, chắc Đại nương ở bên ấy cũng biết rõ rồi chớ?
Tô Đại nương nói:
- Hôm qua Mạnh lão gia đi chầu về có thuật lại về việc ấy cho cả nhà nghe rồi. Tôi thật không ngờ trên đời này lại có hạng gái tham cầu phú quý đến nỗi không coi cái chết ra gì, dám cả gan đến đùa cợt giữa triều đình, thật dáng buồn cười!
Hoàng Phủ Kính nói:
- Tôi nghiệm lời luận của Thiên tử cũng có lý, e cho bức chân dung của Mạnh Lệ Quân kia, nàng có tô điểm thêm nhiều, chớ người thật không phải vậy chăng?
Tô Đại nương nói:
- Bức chân dung ấy Mạnh Tiểu thơ vẽ thật tình chớ không tô điểm thêm tý nào cả. Ta thấy bức chân dung ấy xinh đẹp như vậy, song đó chỉ là đường nét phác họa sơ qua mà thôi, chớ còn dáng điệu tư cách của nàng còn làm tăng vẻ đẹp lạ thường lắm cơ. Tôi tưởng dù ai có tài hội họa đến đâu cũng không thể vẽ hết vẻ đẹp phi thường của tiểu thơ được.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Thế mà lâu nay tôi cứ tưởng dung nhan của nàng không bằng trong tranh, ngờ đâu lại xinh đẹp hơn nhiều! Thế thì tôi vô phước quá, không được kết duyên cùng nàng, đáng tiếc thay!
Lúc ấy con Thúy Liễu đứng phía sau Tô Đại nương, nghe Thiếu Hoa nói vậy, nó bụm miệng cười, rồi lấy tay chỉ Tô Đại nương và liếc mắt ngó Thiếu Hoa.
Thiếu Hoa thấy vậy sanh nghi, vội hỏi con Thúy Liễu:
- Mi cười gì đó? Hay là bên Mạnh phủ đã tìm ra tung tích Mạnh Tiểu thơ rồi phải không?
Con Thúy Liễu cười, đáp:
- Dạ, tôi nghe nói Mạnh Tiểu thơ đã tương nhận rồi.
Tô Đại nương nghe nói thất kinh, lật đật quay lại trừng mắt nhìn con Thúy Liễu. Thúy Liễu cười the thé nói:
- Xin Đại nương chớ giận, không khi nào tôi dám nói việc ấy ra đâu.
Vợ chồng Hoàng Phủ Kính và Hoàng Phủ Thiếu Hoa thấy việc đã lộ ra rồi, mừng lắm, liền trách Tô Đại nương:
- Sao Đại nương lại nhẫn tâm đối với chúng tôi như thế? Mạnh Tiểu thơ đã tương nhận rồi, sao Đại nương lại nỡ giấu, không cho chúng tôi biết?
Bất đắc dĩ Tô Đại nương phải xin lỗi rồi đem hết đầu đuôi mọi việc thuật lại cho vợ chồng Hoàng Phủ Kính và Thiếu hoa nghe.
Thiếu Hoa lấy làm sung sướng, vội hỏi Tô Đại nương:
- Hèn chi bấy lâu nay Lệ Thừa tướng đối xử với tôi tử tế lắm, nhưng không hiểu tại sao người lại không chịu cải trang để cùng tôi làm lễ hoàn hôn vậy hở Đại nương?
Tô Đại nương đáp:
- Trước đây Mạnh Tiểu thơ cũng có ý muốn tương nhận, nhưng người e ngại phe đảng của Lưu Tiệp thừa cơ hội báo cừu. Lại vừa rồi đây, người thấy Trung hiếu vương dùng kiệu bát bửu cưới Lưu Yến Ngọc nên có ý giận, người cho Trung hiếu vương là kẻ bạc tình, lại phản sư, cho nên mới tự ý tâu xin tha tội cho Lưu Tiệp mà không hỏi ý kiến người. Cũng vì lẽ ấy, người không chịu ra mặt vội.
Thiếu Hoa nghe nói, lấy làm lo lắng:
- Tuy tôi đi cưới Lưu Yến Ngọc, nhưng bấy lâu nay tôi chỉ phụng thờ có một bức tranh của Mạnh Tiểu thơ, sớm khuya bầu bạn trong phòng, thế sao nhạc mẫu không giải tỏ cho nàng biết để nàng bớt sự giận hờn.
Tô Đại nương nói:
- Hàn Phu nhơn cũng có nói giúp cho ngài điều ấy, nhưng Mạnh Tiểu thơ muốn nán lại làm Thừa tướng phục vụ cho triều đình ít năm nữa để đáp đền công ơn của Thánh thượng. Tiểu thơ còn nói: nếu người cải trang ngay bây giờ, làm gì cũng phạm vào bốn điều đại tội, khó mà bảo toàn tánh mạng.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại hỏi:
- Nàng bảo bốn điều đại tội ấy là điều chi vậy?
Tô Đại nương đáp:
- Tôi nghe nàng bảo bốn điều đại tội ấy, một là khi quân, vọng thượng, hai là hí vũ đại thần, ba là biếm loạn âm dương và bốn là ngộ nhơn hôn sự. Trong bốn tội ấy, tội nào cũng đều là tội tử cả.
Vợ chồng Hoàng Phủ Kính nói:
- Quả thật bốn điều đại tội ấy đáng lo ngại lắm, nhưng nếu để kéo dài thời gian trong ba năm nữa, lại tránh khỏi đặng sao? Chi bằng bây giờ ta tâu xin thú thật cùng Thánh thượng, nhờ người ân xá thì hay hơn.
Lúc ấy con Thúy Liễu còn thuật lại việc Địch Xuân Yến qua bên Lương phủ nhận thấy Lương Phu nhơn lại là Tô Yến Tuyết, hắn nói hết đầu đuôi cho mọi người nghe.
Tô Đại nương nói:
- Đó chỉ là sự nhận xét của Địch Xuân Yến thôi, chứ đã chắc gì là tiện nữ đâu.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Chính tôi cũng không dám tin việc ấy. Nhưng hiện nay Mạnh Tiểu thơ còn đang bận ở trường thi, vậy để tôi sang nói với nhạc phụ tôi, sáng mai hãy cùng với cha con tôi vào triều dể tâu xin Thánh thượng ân xá cho chúng tôi được hoàn hôn thì hay hơn hết.
Tô Đại nương nói:
- Không nên đâu! Xin ngài chớ vội nóng, hãy đợi đến khi Mạnh Tiểu thơ chấm trường về, ta sẽ thương lượng cùng tiểu thơ xem ý kiến của người định đoạt như thế nào rồi mới tiến hành mới phải.
Thiếu Hoa nói:
- Tôi chỉ sợ không thể nào thương lượng với nàng được, vì nàng đã có lòng hận tôi trong việc cưới Lưu Yến Ngọc, thì chắc nàng không bằng lòng hội ý với tôi đâu. Nay thừa lúc tiểu thơ vắng mặt, ta tâu xin có lẽ hay hơn.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Con bàn hữu lý lắm, vậy con hãy mau mau tỏ cho Mạnh Thượng thơ biết để sáng nay người ra sức cùng chúng ta dâng biểu tâu xin cho nàng được cải trang.
Thiếu Hoa vâng lời, lên ngựa thẳng qua Mạnh phủ. Đến nơi, Mạnh Gia Linh ra tiếp rước chàng vào.
Thiếu Hoa nói:
- Tiện tế vâng mạng Thánh thượng và song thân kết duyên cùng họ Lưu, chẳng dè lịnh viên lại sanh lòng óan hận, mà bấy lâu nay nhạc phụ và nhạc mẫu không cho tiện tế hay, để mãi đến nay tiện tế mới rõ.
Vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên nghe qua, biết là Tô Đại nương đã lậu chuyện rồi, mới nói:
- Thiệt chẳng phải chúng ta muốn giấu giếm hiền tế đâu, chỉ vì tiện nữ căn dặn quá lời nên không dám hở môi.
Thiếu Hoa nói:
- Tiện tế định sáng mai dâng biểu lên tâu cùng Thánh thượng để xin người rộng lòng cho phép lịnh viên được cải trang làm lễ hoàn hôn cùng tiện tế. Vì vậy tiện tế qua đây thưa cùng nhạc phụ và nhạc mẫu, chẳng biết có nên chăng?
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Điều ấy hiền tế chớ nên vội vàng, không nên đâu. Ta thấy bây giờ mà dâng biểu lên, vua sẽ ghép vào tội khi quân, khó mà thoát khỏi.
Thiếu Hoa nói:
- Vẫn biết vậy, nhưng chỉ vì lịnh viên muốn cứu cả nhà tiện tế, nên bất đắc dĩ phải hành động như vậy, chứ không phải cố ý diễu lộng tài học. Hơn nữa, từ khi lịnh viên ra làm quan đến giờ lập rất nhiều công trạng chớ không hề phạm một lỗi nhỏ. Thế thì nay nhạc phụ hãy cùng thân phụ và tiện tế cố sức tâu xin, chắc cũng không đến nỗi nào.
Mạnh Sĩ Nguyên suy nghĩ hồi lâu, rồi lên tiếng khen:
- Hiền tế luận lẽ rất phải, vậy thôi để mai đây chúng ta cùng nhau bảo tấu, rồi đợi đến lúc tiện nữ chấm trường về sẽ bảo nó cải trang. Chừng ấy dù muốn dù không, nó cũng không từ chối được nữa.
Hàn Phu nhơn lại ngăn cản:
- Theo ý tôi thì không nên đâu. Hãy để tiện nữ chấm trường về đã, rồi ta sẽ thương nghị cho thỏa mãn, để khỏi có việc xích mích về sau.
Thiếu Hoa nói:
- Lịnh viên đã giận tiện tế về việc dùng kiệu bát bửu đi rước Lưu Yến Ngọc thì làm thế nào thương nghị với lịnh viện được? Chi bằng thừa lúc lịnh viên vắng mặt, chúng ta tâu bày thì hay hơn.
Mạnh Sĩ Nguyên cũng nóng lòng muốn con gái mình cải trang để cùng nhau đoàn viên một nhà, nên bằng lòng ngay.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa mừng rỡ, cáo từ lên ngựa về phủ
Lời bình:
- Vua Thành Tôn quả có con mắt tinh đời. Mới nhìn qua sắc diện Lộ Tường Vân, vua đã biết nàng này nhất định không phải Mạnh Lệ Quân, nhưng vua cũng thừa nhận trong gương mặt sáng sủa kia có chứa đựng một sự thông minh lạ thường, nên vua có cảm tình ngay,
cố tình bênh vực cho nàng, muốn cho Trung hiếu vương có người hầu thiếp càng nhiều càng hay.
Đến khi Lộ Tường Vân làm xong bài thơ dâng lên, tỏ ra văn chương nàng lỗi lạc, đức vua cũng phải phục thầm, nhưng Trung hiếu vương lại từ chối, bảo rằng mình không phải là phường ham dâm háo sắc nên không dung nạp. Bấy giờ vua có ý muốn cho mình, nhưng chẳng lẽ bề tôi đã không thèm mà mình là bậc bề trên lại đi nhặt của mót vậy sao? Cho nên vua đưa nàng vào Vạn thọ cung để hầu hạ Thái hậu rồi sau này mới cho vào cung là để tránh tiếng vậy. Cho hay túi tham của ông vua ngày xưa không biết bao nhiêu cho vừa, thì trách nào bọn cung phi mỹ nữ không oán thấu trời xanh!

Truyện Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi thứ Muời Lăm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi thứ Ba Mươi Hai Hồi thứ Ba Mươi Ba Hồi thứ Ba Mươi Bốn Hồi thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn