Phần 8

6. Ban Mê Thuột
Sau ba tuần ở Đà Nẵng, tôi đã đáp chuyến bay Air Viet Nam tơí BMT, giá vé từ Danang đi BMT là 450 ngàn đồng VN (việt kiều phải trả gần gấp đôi gía vé ). BMT là quê nội của tôi. Phần lớn gia đình tôi đã di cư từ năm 1954 và lập nghiệp ở đây. Ba má tôi đã mãn phần, nhưng hiện tôi còn ông anh cả và rất nhiều họ hàng đang sinh sống nơi đây. Lần này tôi trở lại thăm quê hương nhằm dịp ông anh tôi tổ chức ngày lễ Kim khánh hôn nhân của anh chị tôi. Trước khi bước xuống phi cơ, tôi đã dặn nhà tôi cứ để mặc xem ông anh tôi có nhận ra tôi không. Bởi đã 26 năm xa cách không gặp nhau, rất có thể nhìn lạ lắm, nhận không ra nhau. Nhưng vừa thấy tôi bước vào phòng đợi, anh ấy đã mừng rỡ vội chạy lại ôm chầm lấy tôi, hai anh em nhìn nhau ngấn lệ rưng rưng, mừng tủi. Trong khi đó bên ngoài phòng kiến, anh em họ hàng và con cháu đứng xếp hàng lố nhố vẫy tay chào mừng chúng tôi. Ai cũng nở một nụ cười vui mừng hân hoan chào đón tôi hồi hương, sau hai mươi năm xa cách.
Từ phi trường vô nhà ông anh tôi, xe phải băng thành phố. Ban Mê Thuột thay đổi nhiều quá. Những công trình xây cất đã choáng hết khu phi trường 19 thưở nào ở đầu phố. Con đường YĐzut cũng đã thay tên là đại lộ Thống Nhất. Vườn cao su tại cây số 3, (còn gọi là đồn cao của Tây), đã được san phẳng để xây khu dân cự Phố xá buôn bán sầm uất, xe cộ qua lại tấp nập. Nghe ông anh cho biết, người dân BMT nhờ vào café cao giá, mấy năm trước đây, nên có tiền xây nhà cửa và có dư chút đỉnh làm vốn buôn bán. Nhưng mấy năm nay café lại hạ giá (đang từ 40 tụt xuống còn có 10 thôi). Tuy nhiên, so với những vùng nông thôn khác của cả nước, người nông dân ở BMT vẫn khá giả hơn cả. Có rất nhiều người dân từ các nơi khác, kể cả miền bắc và miền trung, đều đổ về đây kiếm việc làm mướn. Xong mùa café (từ 3 cho đến 6 tháng) họ lại trở về xứ. Sang những ngày kế tiếp của chúng tôi ở BMT là tiệc tùng doàn tụ linh đình mỗi ngày. Vì họ hàng con cháu quá đông, ai cũng muốn mời chúng tôi ăn cơm khách, nhiều đến nỗi ông anh tôi phải làm thời biểu cho các bữa tiệc khoản đãi chúng tôi để khỏi trùng nhau. Bữa tiệc chính, linh đình nhất phải kể là bữa tiệc mừng Kim Khánh hôn nhân của anh chi tôi. Anh chị tôi đã để ra nhiều ngày tháng để lo tổ chức buổi lễ này. Theo nhiều người nói thì sống thọ được 70 tuổi thì đã là hiếm hoi rồi; Nhưng lại sống đơì sống hôn nhân bền chặt sắt son đến 50 năm thì lại càng hiếm hoi hơn nữa. Thế mới khiến tôi cảm phục và viết tặng anh chị tôi ca khúc " Sắt Son Đá Vàng ". Bài này đã được hát lên bởi 20 người con, vừa trai vừa gái, vừa dâu vừa rể, đã làm cho buổi lễ Kim Khánh Hôn Nhân của anh chị tôi tăng thêm ý nghĩa và long trọng. Lời bài hát đó như sau:
Sắt Son Đá Vàng
Ai bảo.. ai bảo.. mẹ đẹp mẹ hiền
Cho cha,..cho cha.. là cha yêu vội
Nàng tiên..nàng tiên giáng trần
Ai bảo.. ai bảo.. mẹ đẹp như tiên
Để cha.. để cha yêu mẹ
Đảo điên.. đảo điên bao ngày
.........
Năm mươi năm..tình cha..tình cha chung thủy
Năm mươi năm..tình mẹ.. tình mẹ sắt son
........
Tóc bạc..tình vẫn còn son
Cháu con..là con đàn đống
Vẫn còn..là còn yêu nhau..
NhatVu
Jun 22, 00
Trong suốt thời gian ở BMT, ngoài việc chia sẻ cùng anh em, họ hàng niềm vui đoàn tụ, cũng còn là dịp để bà xã tôi chạy đây chạy đó thăm hỏi bạn bè cũng như việc đền ơn những người đã có công giúp đỡ gia đình tôi trong những lúc hoạn nạn, nghèo khó. Sau hai tuần hàn huyên, tiệc tùng linh đình, vui vẻ triền miên vơí thân nhân tại BMT, chúng tôi vẫn cảm thấy chưa muốn xa nhau. Nhưng tiệc vui nào rồi cũng phải đến lúc tàn, mây hợp rồi lại tan, cuối cùng chúng tôi cũng phải bịn rịn tạm biệt mọi người mà lòng còn quyến luyến. Chúng tôi mua vé máy bay Hàng Không Việt Nam từ BMT đi Sài Gòn với giá 65 ngàn đồng VN một vé, trong khi đó người trong nước chỉ phải trả có 30 ngàn VN. Tính ra Việt Kiều phải trả gấp hai rưỡi, so với người trong nước.