Phần 3

Thật ra tôi đã nói với bạn đồng hành rằng không lời nào, cũng như không có bút mực nào có thể tả hoạc vẽ lại được những nét đẹp của Hà Nội. Chúng tôi thực may mắn có dịp thưởng ngoạn trong dịp này. Ngày thứ hai tại Hà-Nội, chúng tôi tham quan Chùa Một Cột, Hồ Bảy Mẫu và Gò đống Đa nơi có tượng đài Vua Quang Trung Nguyễn Huệâ trong vùng Thái Hà Ấp. Tại Gò Đống Đa, chúng tôi bắt gặp mấy em bé tuổi khoảng 11, 12 chỉ tôi và nói với chúng bạn rằng " Ông Tây"; tức thì cậu em tôi cải chính ngay là: "ÔngTa" làm tôi phát phì cười, tôi nhìn lại thử xem mình giống "Ông Tây" ở chỗ nào. Lúc ấy tôi mới ngẩn ra là mình quả có cái dáng béo phệ khác thường. Cũng vì cái dáng này, tôi còn bị nhận lầm là ông Tây mấy lần nữa. Như tại Hồ Gươm khi tôi đang quay phim lấy cảnh Hồ Gươm thì một em bé chừng 14 hoạc 15 chi đó, xổ với tôi một tràng tiếng Pháp. Em hỏi tôi " Parlez Vous Francaise? " Tôi hiểu em muốn nói gì, nhưng tiếc rằng tiếng Pháp của tôi lâu ngày không xử dụng đến nó biến mất tiêu, nên đập trán hoài mà nó vẫn không chịu tới, tôi đành trả lời em bé bằng tiếng Việt và hỏi em bé: "Em thấy tôi giống ông Tây lắm à?". Em bé cười lảng và gạ bán hình ảnh và sách báo du lịch cho tôi. Khi về lại khách sạn, tôi nảy ra ý viết vội mấy vần tả " Ông Tây " để làm kỷ niệm, bài thơ như sau:
Ông Tây
Ông Ta bỗng chốc trở thành Tây
Bụng phệ nghênh ngang lấp thân gầy
Vai đeo máy ảnh ông dạo phố
Dạo phố Hà-Nội cứ phây phây
Quảng Ninh, Hạ Long ông xông tới
Nước trời nắng hạ đỏ hây hây
Hồ Tây, Hoàn Kiếm, cầu Thế Húc,
Ngọc Sơn, Tháp Rùa ngắm cho say
Ông Tây dạo phố vơí ông Ta
Ai biết hai ông cũng một nhà
Hà Nội trưa hè tắm nắng Hạ
Ngắm cảnh Hồ Gươm nắng đỏ da
Chuyến này ông Tây chơi thả ga
Lâu lắm mới có dịp thăm nhà
Đi từ Hà-Nội vô Đồng Tháp
Đà Thành, Non Nước đón chân ta
Mỹ Khê sóng vỗ núi Sơn Chà
Hòn Chỗ ẩn hiện tít xa xa
Sông Hàn nghễu nghện cây cầu mới
Bạch Đằng vẫn rập bóng cây xưa
NhatVu
May 31,00
Thường thì chúng tôi dạo phố Hà-Nội bằng taxi, mỗi ngày khoảng 4 giờ và tốn khoảng hai trăm ngàn đồng VN-(tương đương 12 dollars). Cũng có lúc, chúng tôi đi đến địa điểm tham quan bằng taxi rồi sau đó thả bộ về khách sạn. Chúng tôi về Việt Nam nhằm mùa Hè. Điều làm chúng tôi e ngại nhất, trước khi về Việt Nam, là thời tiết. Nhưng thật may, khi về tới Việt Nam thì trời lại chỉ chiều mưa sáng nắng, hoạc ngược lại. Nhờ vậy khí trời cũng dịu bớt. Cũng bởi thời tiết mưa nắng thất thường nên chúng tôi đã xắp sếp việc đi tham quan Hà-Nội với một thời biểu rất uyển chuyển. Có nghĩa là có khi đi tham quan vào buổi sáng, có khi lại đi vào buổi chiều. Ngày nào cũng vậy, thường thì chúng tôi yêu cầu khách sạn cho chúng tôi ăn một bữa cơm chiều ; còn lại chúng tôi ra phố kiếm chỗ thưởng thức các món ăn đặc sản của Hà-Nội như bánh cuốn Đồng Khởi ở phố Tống Duy Tân, cơm trưa ở quán Ông Táo, gần nơi khách sạn chúng tôi ở. Chúng tôi cũng từng ngồi lê bên lề đường để thưởng thức những ly kem hoạc những ly chè đậu xanh, hoạc xâm bổ lượng dọc trên phố Huế. Người Hà Nội rất hiếu khách. Phần lớn những người chúng tôi gặp, từ anh tài xế, tới bác xích lô, hay các nhân viên trong các khách sạn và tiệm ăn, đều có nụ cười cởi mở thân hữu. Khi được hỏi về gia thế và công ăn việc làm, họ đều vui vẻ trả lời chúng tôi một cách thực thà là họ đã kiếm ăn như thế nào, gia đình họ ra sao v.v. Qua những câu chuyện họ kể, chúng tôi được biết công việc làm ăn của họ cũng còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng tương đối khá hơn so với những năm trước đây, kể kể từ 95 tới giờ. Câu chuyện của bà bán hàng nước chẳng hạn, bà cho biết cả ngày bà bán trung bình được ba chục ngàn VN, kể cả vốn lẫn lơì ( tương đương 2 dollars). Còn riêng bác xích lô, quê quán tận Bùi Chu, phiêu bạt lên Hà Nội kiếm sống, mỗi ngày trung bình bác kiếm được ba chục ngàn VN, sau chi các khoản tiền nhà tiền ăn rồi, số còn lại bác mang về quê cho gia đình, mỗi tháng một lần. Bác cũng nói là để tiết kiệm, bác phải cùng với hàng chục bạn bè thuê chung một căn phòng, trải chiếu nằm ngủ qua đêm, có như thế mới dành dụm được chút tiền mang về cho vợ con. Tôi hỏi bác tại sao bác phải đi làm xa vậy, vì từ Bùi Chu lên Hà-Nội xa có tới trên trăm cây số? Bác nói rằng ở dưới quê bác chỉ có một sào ruộng, thóc gạo chỉ tạm đủ cho gia đình bác ăn một năm, thế nên sau vụ cấy lúa, bác cũng như mọi người dân quê khác thường phải ra tỉnh kiếm việc làm thêm để kiếm đồng ra đồng vào phụ với gia đình. Cũng có người phải vô tận trong Nam để làm thuê, xa nhà đến 6 tháng hoạc có khi cả năm mới về.