Phần thứ bảy: Kết từ
Chương 98

Nơi ban đầu An tưởng là đất chết, thật ra là đất sống!
Vùng đất cằn cỗi hiu quạnh chỉ toàn cát và những bụi gai trơ trụi dưới nắng lửa, nơi không thể nuôi sống con người, nơi Trời dành riêng làm chỗ chém giết sát phạt nhau đó hình như chỉ được biết đến vì những tai ương và máu vô tội. Máu của dân hiền lương và bọn khách buôn bị cướp ở suốt truông Cát. Máu của binh triều và quân Tây Sơn đổ ra trong trận đánh ác liệt năm Giáp Tị (1773) (Mẫm bị tử trận trong trận này, xác bị quân triều vùi xuống dưới một bụi gai sau khi hớt tai, xẻo mũi, băm vằm thân thể đến nát bấy). Máu của binh sĩ Qui Nhơn và Phú Xuân trong các cuộc lưu huyết lẻ tẻ ở ranh giới vì những cái cớ nhỏ nhặt từ năm Đinh Vị (1787) đến nay (năm kết thúc cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt giữa hai anh em Nhạc, Huệ, bằng thỏa ước lấy Bến Ván làm ranh giới phân chia hai vùng cai trị).
Nhưng sau khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh và bắt đầu cho áp dụng những biện pháp ổn định kinh tế và trị an, nhất là sau khi tờ Chiếu khuyến nông được ban bố và thi hành triệt để (1), Bến Ván trở thành chỗ trú cho nhiều thành phần sống ngoài vòng pháp luật và bọn vô lại.
Vua Thái Đức thấy rõ hơn ai hết uy lực của người em tài ba, của người anh hùng vừa ghi thêm cái công đánh đuổi quân xâm lăng để cứu quốc, của chú em út cứng đầu nhiều tham vọng sau khi đại thắng quân Thanh đang muốn tiến quân về phía nam để thống nhất đất nước, nên hạ lệnh rút bớt số quân phòng thủ ở Bến Ván để tránh các vụ va chạm bất lợi. Nhà vua không muốn các vụ xung đột lâu nay vẫn thường xảy ra ở Bến Ván giữa hai phe trở thành cái cớ cho "chú Tám Thơm" xua quân uy hiếp Qui Nhơn.
Ngược lại, vua Quang Trung cũng ra lệnh rút toán quân đóng bên này cầu về chợ Cầu Ông Bộ, cách Bến Ván gần nửa ngày đường để tỏ ý nhường nhịn. Nguyễn Huệ cũng hiểu rõ hơn ai hết tính đa nghi của vua anh, nên muốn có hành động cụ thể để trấn an Qui Nhơn.
Bến Ván trở thành vùng đất vô luật pháp, cái đệm êm ái cho bọn buôn lậu, bọn trộm cướp, những người sắp thành nạn nhân của ông vua già đa nghi, những dân quen sống lưu tán đã làm giàu nhờ chiến tranh không muốn hồi cư cầm cuốc cầm cày theo biện pháp cương quyết của Chiếu khuyến nông.
Từ vài hàng quà bán nước trà tươi, vài trái ổi rừng, đôi ba quả chuối héo dành bán cho những người lính nghèo, chẳng bao lâu biến thành một khu chợ đông đúc. Hàng hóa thượng vàng hạ cám thứ gì cũng có, kể cả những hàng Tàu đem từ cửa Hội vào để cung phụng cho gia đình các quan lớn trong Qui Nhơn. Có nhiều thứ hàng đắt tiền như sa, đoạn, nhung, quạt giấy, đèn lồng, đồ sứ, đồ đồng... giá còn rẻ hơn ở cửa Hội, vì các thuyền buôn Quảng Đông đổ hàng lậu lên cửa Hợp hòa để tránh thuế của Tàu vụ. Hàng quán mọc lên như nấm trên nền cát cháy nắng. Ban đầu chỉ là những cái chòi lá xiêu vẹo tạm bợ. Về sau mái tranh liếp nứa đàng hoàng. Từ chợ lập nên phố, dù là phố tranh. Dần dà có hẳn một thứ tổ chức công quyền riêng, do thỏa hiệp giữa bọn con buôn và các nhóm vô lại.
An vừa ngỡ ngàng vừa mừng rỡ chứng kiến cuộc đổi lốt kỳ lạ của Bến Ván, lòng thầm cảm ơn Trời xanh đã mở cho mình một sinh lộ. Chị mở một quán cơm ở ngay chợ. Với số vốn mang theo, An mau chóng khuếch trương cơ sở làm ăn, bỏ nghề bán cơm quá sức nhọc nhằn để trở thành người buôn bán tạp hóa. Rồi trở thành một người chuyên trữ hàng Tàu. Nửa năm sau ngày dắt díu con cái đến Bến Ván, An trở thành một người khá giả của vùng đất lộn xộn phức tạp này.
°

*

Làm sao một góa phụ ba mươi bảy tuổi yếu ớt cùng hai đứa con nhỏ dại có thể sống yên ổn giữa đám vô lại ấy suốt nửa năm trời?
An cũng đã tự hỏi như vậy. Trôi giạt về Bến Ván, không qua được bên kia sông để về chỗ mơ ước, chị phải dừng lại. Phải sống. Che một cái chòi lá để mở quán cơm, việc đó gần tầm tay của An nhất. Bọn lưu manh liều lĩnh và hiếu sắc chung quanh An không thiếu. Chút nhan sắc chưa kịp tàn tạ, cộng với vẻ đoan chính sầu muộn có một sức cuốn hút mạnh mẽ đối với bọn đàn ông ở Bến Ván, kể cả những tay vô học thô bạo chuyên nghề trộm cướp và khuân vác hàng lậu. Quán cơm của An đông khách hơn nơi khác. An vừa mừng vừa hồi hộp lo ngại, nhất là những đêm không làm cách nào đuổi được bọn đàn ông lân la tìm cớ ngồi dai, không chịu ra về. An không bán rượu. Họ mua rượu ở nơi khác đến uống sau bữa cơm. Đã có nhiều tay giả say lè nhè những lời sàm sỡ. Bé Thái sợ quá, thì thào bảo mẹ nên tìm cách dời đi chỗ khác. An còn dùng dằng chưa biết tính thế nào thì không biết từ đâu, có lẽ từ những con buôn cửa Hội, cả Bến Ván xì xầm với nhau về gốc tích ba mẹ con An. Vài khách buôn đường dài chạy hàng Tàu vô ra cửa Hội, Bến Ván trước kia có biết Lợi. Rồi những câu chuyện tô vẽ thêm về mối tình giữa cô con gái ông giáo Hiến với người học trò xuất sắc nhất của ông - những câu chuyện Lợi loan truyền khắp nơi để làm thế dựa mặc cả - mau chóng trở thành đề tài hấp dẫn lúc rảnh rỗi. Mọi người nhìn mẹ con An với đôi mắt khác hẳn. Thái độ của họ, kể cả bọn vô lại, trở nên phức tạp. Một đằng họ thấy ba mẹ con An gần gũi với họ vì cùng thuộc vào hạng sa cơ lỡ vận, hạng không tìm được chỗ nào dung thân nên tụ về miền đất vô pháp luật này sống qua thời. Nhưng địa vị của ông giáo Hiến, thanh thế của Lợi, nhất là mối liên hệ tình cảm giữa vị hoàng đế lẫy lừng và góa phụ ốm yếu này, kể cả cách đi đứng ăn nói của An, tất cả những yếu tố đó khiến họ tự cảm thấy hãnh diện khi được An dọn cho bữa ăn, Thái rót nước trà đem đến mời sau bữa, Phát nhắc ghế cho ngồi. Từ đó không còn cảnh say rượu, ăn quịt, không còn những cái nhìn sỗ sàng, những lời sàm sỡ. Bọn con buôn giàu có dĩ nhiên ít mặc cảm hơn đám vô lại. Nhưng là những con buôn, họ hiểu rõ rằng việc làm ăn phát đạt hiện tại ở Bến Ván chỉ là cơ hội bấp bênh, không thể lâu dài. Khi Phú Xuân hay Qui Nhơn hết nhường nhịn, hoặc hết né tránh nhau, tất nhiên Bến Ván mau chóng trở thành vùng đất không người. Họ chụp giựt mối lợi trước mắt, và khôn ngoan tránh bị lụy vì Phú Xuân hay Qui Nhơn. Chạm vào gia đình mẹ con An là đã chạm đến có thể là lòng tự ái, có thể là danh dự của vị hoàng đế lẫy lừng từ nam ra bắc. Bọn con buôn nghĩ vậy.
Nhờ thế, An buôn bán trong sự an toàn. Gần như chị được cả khách mua lẫn khách bán chiều chuộng. Tuy vậy, lòng An không lúc nào yên. Thằng Phát dễ hư quá. Cái tính hiếu thắng, ương ngạnh, nóng nảy, ưa những điều hời hợt bề ngoài, cộng thêm cái thói mê xóc dĩa mới nhiễm, khiến thằng bé mau chóng trở thành một tên vô lại nhỏ. Nó bắt chước hết tật xấu của bọn lưu manh, từ cách ăn nói, đi đứng. Phát ăn cắp tiền của mẹ, trả công cho bọn trộm cướp chuyên nghiệp dạy võ, lén lấy hàng của mẹ bán lấy tiền đãi chúng rượu thịt. An bơ vơ giữa một đám người xa lạ, đau xót thấy con hư đốn. Cuộc sống chụp giựt bấp bênh làm An chóng mặt, lúc nào cũng hồi hộp lo sợ. Phải tìm một chỗ dựa vững chắc hơn! Dựa vào đâu? Cái ý về An thái cứ lởn vởn trong đầu An. Về được không? Sao không về?
Tháng bảy năm đó, An gửi hai con và nhà cửa cho một người bạn buôn đáng tin cậy, một mình tìm cách vượt sông Bến Ván về Qui Nhơn.
°

*

Khỏi cần phải kể lại những phí tổn lớn lao và nỗi nhọc nhằn của An trên đường vô nam. Đến Qui Nhơn, An tìm ngay đến cái quán cũ của anh gần bến tắm ngựa. Như An lo lắng từ trước, căn nhà đã đổi chủ. Cái chái tranh trước đây Kiên cất thêm để làm quán rượu đã bị dỡ đi, khung cảnh căn nhà đổi khác hẳn. An do dự, băn khoăn, không hiểu có đúng đây là nhà của Kiên không? Thằng bé trạc mười tuổi thấy có người lạ lảng vảng phía trước rào, e dè đứng chặn ngay cửa nói lớn:
- Không có ai ở nhà cả. Không có gì để cho đâu. Đi đi!
An nhìn lại quần áo mình. Chị giật mình nhận thấy mình ăn mặc nhếch nhác tiều tụy quá. Bụi đường bám lên bộ quần áo đen và mặt mũi, không trách thằng bé lầm An là một người ăn mày. An ngoắc thằng bé ra hỏi:
- Cho chị hỏi thăm. Có phải đây là nhà ông Kiên không?
Thằng bé vẫn đứng ở ngạch cửa, hỏi trổng:
- Ông nào?
- Ông Kiên. Ông Kiên trước đây làm...
An ngập ngừng, không biết nói cho đúng trước đây Kiên làm gì. Thằng bé càng thêm nghi ngờ, nói xẳng:
- Đừng bày đặt chuyện để lấy cắp đồ người ta. Đi đi, tôi gọi lính bắt bây giờ!
Một cụ già hiện ra ở chái tây, nơi có lối ra vườn. An mừng rỡ hỏi lớn:
- Thưa cụ, cho cháu hỏi thăm một chút. Anh Kiên anh cháu có còn ở đây không?
Ông lão chống gậy ra gần cổng, nheo mắt nhìn khắp người An một chặp, mới hỏi:
- Cô là gì của... của Đức Thầy?
An kinh ngạc hỏi lại:
- Đức Thầy nào ạ?
- Cô vừa hỏi nhà ông Kiên phải không?
An hấp tấp đáp, mừng đến líu lưỡi:
- Quả thế. Cụ cũng biết anh Kiên cháu, phải không ạ!
Ông lão chậm rãi nói:
- Vâng. Nhưng Đức Thầy đã về An Thái từ lâu rồi.
- Cụ vừa nói Đức Thầy. Nhưng cháu muốn hỏi nơi anh Kiên cháu...
Ông lão cắt lời An:
- Ở đây không ai dám gọi tên tục Đức Thầy như cô đâu. Mà cô có đúng là người nhà của Đức Thầy không?
- Vâng, đúng ạ. Cháu là...
- Người nhà sao không biết Đức Thầy ở An Thái mà còn đến đây hỏi thăm.
An mừng cho anh, mừng cho mình, giọng nói vui hẳn lên:
- Mấy năm nay, anh em cháu ở xa nhau. Cháu vừa từ Bến Ván vào.
Ông lão giật mình, ngước lên chăm chăm nhìn An dò xét:
- Cô vừa nói gì thế?
- Cháu vừa nói từ Bến Ván vào. Lâu nay cháu ở tận Phú Xuân...
Ông lão đổi ngay thái độ. Với nét mặt nghiêm khắc, giọng nói xẳng, ông bảo An:
- Thôi, cô đi đi. Lão phải làm vườn, không có thì giờ tiếp chuyện với cô nữa.
An chưa hết ngỡ ngàng thì ông lão đã quay ngoắt vào phía trong. An thất thểu quay ra đường, không hiểu vì sao đột nhiên ông lão thay đổi thái độ như vậy. Nhưng lòng An nhen nhúm một niềm vui nhỏ: An đã biết Kiên được mọi người trọng vọng và hiện đang ở An Thái.
°

*

Lội qua khỏi bến tắm ngựa, An chùn bước ở chỗ ngã ba. Chị xấu hổ tự hứa thế nào vòng trở về cũng phải mua đủ nhang đèn để lạy trước mộ cha, rồi mới đủ an tâm rẽ về phía tay trái, đường dẫn lên Thiết Tràng và An Thái.
An cũng ngập ngừng chân bước y như vậy trước một ngả ba khác: trước mặt chị, tay phải là lối dẫn về khu vườn nhà Hai Nhiều, tay trái là đường ra gò Miễu. Trên đường đi, chị gặp nhiều người sang có, hèn có cùng lên An Thái để xin gặp Đức Thầy. An biết thêm Kiên đã mở am tại gò Miễu, và khách thập phương lũ lượt đổ về đây để xin Đức Thầy hoặc một lá bùa hộ mệnh, hoặc một lời tiên tri.
Bấy giờ đã bắt đầu mùa mưa. Con đường đất dẫn lên gò Miễu được mở rộng hơn trước. Thời mấy cha con ông giáo Hiến còn đi đi về về để làm mấy đám ruộng miễu, con đường này chỉ là một bờ ruộng hẹp không quá một thước mộc. Ngày nay, người ta đã mở rộng thêm nhiều. Mưa đầu mùa làm nhão mặt đất sét; mặt đất lầy lội in nhiều dấu chân ngựa và dấu bánh xe gỗ. Ngay từ ngã ba đã có vài chòi tranh cất tạm, ở đó người ta bán vàng hương, cỏ ngựa và mỗi lần có một chiếc xe hoặc một người khách cưỡi ngựa từ Qui Nhơn lên, từng đàn trẻ con mặt mũi nhem nhuốc, bùn dính đến tận đầu gối, mặc áo tơi lá chạy đến tranh nhau xin được giữ xe, cho ngựa uống nước để lấy công.
Đã xem 403398 lần.


Được bạn: ms đưa lên
vào ngày: 27 tháng 11 năm 2004


© 2006 - 2024 eTruyen.com