Phần I: Về An Thái
Chương 39

Mấy ngày nay thời tiết càng lúc càng xấu. Bầu trời mầu chì hạ thấp xuống, mưa liên miên, gió từng cơn xô ngã những bụi tre ven bờ sông. Cây cối trong vườn xơ xác, cành lá tơi tả gãy đổ vì bão dữ. Tin chiến thắng Gia Định về tới Qui Nhơn từ cả tuần trước khiến cả phủ xôn xao mừng rỡ. Người ta chờ đợi đoàn thuyền chiến thắng trở về từng ngày, từng giờ, và cơn bão đến thật không đúng lúc. Đã có những lời đồn đãi bất lợi rằng gió lớn đã thổi dạt hơn hai trăm chiếc ghe bầu chở đầy lương thực vào Bình Khang, và đã xảy ra một trận huyết chiến giữa đoàn quân chiến thắng và quân Tống Phúc Hợp. Có tin lại bảo đoàn thuyền hiện tạm ghé vào Vĩnh Long, trại chủ phải gửi ngay một đạo quân vào Phú Yên để bảo vệ số lương thực thu được. Những lời đồn đại ấy tăng thêm không khí chờ đợi náo nức, và có hậu quả cấp thời là giá gạo ngoài thị trường hạ thấp chưa từng có. An có mang đến tháng thứ bảy nên trong người uể oải khó chịu, lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ. Bước đi của chị đến bấy giờ mới thực sự lạch bạch y như con vịt. Đôi vai chị vẫn nhỏ và ốm, khuôn mặt hơi xanh, khiến cái bụng to càng nổi bật thành một gánh nặng quá sức của người tập sự làm mẹ lần đầu. Chị cũng vui mừng và lo lắng theo nỗi vui nỗi lo chung. Hôm nào Lãng ghé thăm An cũng hỏi tin tức đoàn ghe bầu. Thấy chị sốt ruột quá, Lãng ngạc nhiên hỏi:
- Chị lo lắng cho anh Lợi còn hơn cả cho chị nữa. Hóa ra chị thương anh ấy đến độ đó sao?
An giật mình nhìn em, hơi ngỡ ngàng:
- Em hỏi gì lạ vậy? Không lo cho chồng thì lo cho ai nữa?
Lãng biết mình nói hớ, vội chuyển câu chuyện sang hướng khác. Anh bắt đầu thấy thế giới tình cảm có những điều phức tạp hơn anh tưởng. Lãng hơi thất vọng, vì hình dáng ủ ê lẫn tâm trạng lo âu của chị. Anh bực bội cố tìm những tin không vui để báo cho chị, nhưng ngạc nhiên làm sao, An hớn hở đón nhận những tin ấy. Khi Lãng nói:
- Nghe đâu trại chủ không bằng lòng mấy về chuyến tấn công Gia Định này. Ý định của trại chủ là tiêu diệt đám quan quân nhà Nguyễn rồi tổ chức lại thành trì làm kế lâu dài. Nhưng ông Thiếu phó chỉ lo thu hết thóc lúa chất đầy thuyền rồi giong buồm về đây.
An cười, góp ý:
- Làm như vậy là phải. Mới đi lần đầu, đã biết lực lượng địch thế nào mà dám ở lại. Thu hết thóc kho của chúng tức là tiêu diệt chúng dần dần rồi!
Lãng tức tối nói:
- Nghĩ như chị thì còn gì nữa! Vội vội vàng vàng vào đó chở thóc đem về, chẳng khác nào...
An cắt lời em:
- Thì lo cái gì cũng không bằng lo cái bụng. Dĩ thực vi tiên. Anh Lợi đi chuyến này giúp được khối việc cho ông Lữ. Chuyển vận mấy trăm ghe thóc, đâu phải là chuyện đùa.
Lãng không thèm nói gì với chị nữa. Anh lẩm bẩm: "Chị ấy thương chồng đến thế kia à? Chị ấy bất chấp lý lẽ, nói sao cũng xuôi miễn anh Lợi trở về an toàn với chị!"
Cuối tháng Tám, tức là khoảng 10 ngày sau cái hôm hai chị em An gặp nhau, Lợi trở về an toàn như mong ước của vợ. Đoàn ghe bầu có gặp bão, có dạt vào Vĩnh Long mấy hôm, nhưng lực lượng của Tống Phúc Hợp đã kéo vào Gia Định cứu viện nên không có cuộc chạm trán nào xảy ra như tin đồn đãi. An mừng quá, cầm lấy hai tay chồng lắc lắc, không biết nói sao cho hết nỗi lo lắng, mừng tủi. Chị nhìn ngón chân cái của Lợi hỏi:
- Lành hẳn rồi chứ?
Lợi nhớ chuyện cũ, cười đáp:
- Vâng. Lành hẳn rồi. Anh chỉ việc ngâm chân xuống biển vài bận là tự nhiên khỏi. Còn em hình như vừa đau dậy phải không?
- Đâu có! Em vẫn thường. Chỉ lâu lâu, cái chú trong này hung hăng đạp dữ, em bị đau tí chút thôi.
Lợi chợt nhớ đến tình trạng thai nghén của vợ. Nhìn xuống bụng An. Cái bụng quá lớn so với thân thể ốm yếu. Lợi lo ngại hỏi:
- Em mang nặng lắm nhỉ? Có cần anh giúp không?
An lườm chồng rồi bảo:
- Có.
- Giúp gì nào?
- Làm ơn đừng bắt em mang nặng lần nào nữa. Một lần đủ rồi!
Lợi cười thích thú:
- Không được. Trời cho bao nhiêu mừng bấy nhiêu. Nhà có phúc dày lắm mới được con đàn cháu đống. Chúng ta mới có một đứa, ăn thua gì. À lúc nãy em bảo "cái chú này". Có chắc ta sắp có con trai không?
- Em chỉ đoán thế, vì thấy nó đạp dữ quá.
Nét mặt Lợi hân hoan hẳn lên. Đôi mắt mơ màng. Lợi nói:
- Anh phải cho nó học võ để lớn làm tướng. Ở thời loạn này không có gươm trong tay, hét cũng không ai sợ chứ đừng nói chuyện từ tốn ôn hòa. Một là phải có thần thế. Hai là phải có lưỡi gươm bén. Chuyến vừa rồi không có ông Thiếu phó chắc anh không tài nào đem mấy trăm ghe bầu thóc về đây được.
An sửa lại cái cúc áo cho chồng, tò mò hỏi:
- Trong Gia Định lúa thóc giàu có đến thế à?
- Vâng. Dân cư còn thưa thớt nhưng đồng ruộng phì nhiêu lắm. Gieo một giạ giống rồi giao cho trời,đến mùa thu được ba trăm giạ.
- Vậy thì người nào cũng thành điền chủ cả sao?
- Không. Chuyện đời đâu có đơn giản vậy. Họ còn phải nộp thóc sưu thuế cho quan phủ để chở về kinh đô, còn lại một ít vừa trả nợ cho dân Hoa Kiều trên chợ, vừa ăn nhín nhịn thèm cho đủ đến mùa sau. Dân ruộng vẫn khổ, chỉ có các xóm Hoa Kiều và kho thóc của Chúa là đầy ắp của cải, sản vật. Phố sá san sát, nhà cửa quanh bến ghe hoặc chợ đều xây gạch lợp ngói. Hàng hóa ở phố Sài Gòn và Cù lao phố bày la liệt, thứ gì cũng có.
Rn anh Phụ chính đều đi Gia Định chuyến này An ơi! Chuyến về mặc sức nhọc! Không khéo anh Thiếu phó lại đòi cho được anh theo cũng nên. Anh lo quá!
An quá hiểu chồng, bực dọc đáp:
- Không ai thèm nhờ đến anh đâu. Dù có nhờ đến anh, em cũng bồng thằng Phát lên kêu nài cho anh ở lại. Tình cảnh con cái thế này, làm sao em lo một mình cho xuể.
Lợi cụt hứng không đề cập tới chuyện đi nam với vợ nữa. Anh thấy An có lý để giữ anh lại.
Thằng Phát, đứa con trai đầu của hai vợ chồng, thể chất òi ọp làm khổ mẹ không ít. Qua đến tháng thứ ba, tự nhiên mình mẩy nó nổi sài ghẻ, ngứa ngáy khóc cả đêm. Thằng bé khóc đến khan cả tiếng, mỗi lần ngứa cứ lấy tay cào mạnh lên các mụn ghẻ mọng nước, đến nỗi da thịt rướm máu, vết lở loang dần khắp mình mẩy. Một thứ nước vàng nhờn nhờn ứa ra ở các chỗ lở, dính chặt vào quần áo. Không mặc quần áo cho con được, An phải hơ lá chuối non trải lên giường cho nó nằm. Nó nhiễm lạnh lại mang thêm cái bệnh ho. Chị vú ngại khổ lánh việc, tìm hết có này đến cớ khác để thoái thác việc tắm rửa, canh giấc cho thằng bé. An thương con không nỡ giao cho ai, ngày đêm ôm con mà khóc. Sức khỏe chị suy giảm, vì thiếu ngủ và lo phiền. Nhiều đêm chị ngủ gục trên nôi con, giật mình thức dậy thấy thằng bé há miệng kêu khóc không ra hơi, hối hận quá, không dám chợp mắt nữa. Lúc nào thằng bé mệt phờ thiếp đi An mới dám gửi con cho chị vú hoặc con bé giúp việc, ngả lưng nhắm mắt một chút. Mắt An thâm quầng, tóc tai dã dượi, quần áo nhàu nát hôi hám. Đã thế, chị lại đang mang thai đến tháng thứ hai, căn cứ vào kỳ tắt kinh cuối cùng. An vừa thương con vừa thương mình, vừa giận mình vừa giận chồng. Nhiều hôm chợt nhìn mình trong cái gương bám bụi, An xót xa hối hận đã đi lấy chồng, để đến nỗi thân mình, mặt mũi tiều tụy đến thế!
Vì vậy khi nghe An nhắc hoàn cảnh hiện tại, Lợi không còn gì để nói thêm nữa. Anh bỏ ý định lên gặp Lữ để xin tham dự chuyến tấn công Gia Định này, nhưng trong lòng vẫn tự tin rằng thế nào Lữ cũng phải nhờ đến tài tháo vát của anh. Lợi nghĩ tới quân số đông hơn, chắc chắn chiến lợi phẩm thu được sẽ nhiều hơn, ghe thuyền cần trưng dụng để chở thóc về Qui Nhơn sẽ tăng lên. Không có Lợi, ai làm nổi công việc ấy. Thiếu phó có gọi lên thì Lợi phải tìm cách từ chối! Mà thế nào Thiếu phó cũng gọi.
Lợi chờ với tất cả tin tưởng và kiêu hãnh của một tay chuyên nghiệp. Lợi chờ. Lợi chờ. Chờ mãi không thấy ai đến mời anh. Nhiều lần gặp Thiếu phó, Lợi nói xa nói gần mà Lữ vẫn chưa đề cập đến chuyện anh chờ đợi.
Đến hôm Lãng về nhà báo cho cha và chị biết: trong vòng hai ngày nữa Lãng sẽ theo Huệ vào nam, Lợi mới bật ngửa. Anh bỡ ngỡ, rồi khổ sở đến tuyệt vọng. An lo lắng cho em nên không chú ý đến nét mặt tái xanh của chồng. An hỏi Lãng:
- Cha đã biết việc này chưa?
Lãng nhìn quanh như muốn tìm cha, rồi đáp:
- Chưa. Cha đâu rồi chị?
- Không có ngoài vườn à?
- Không. Em vừa từ ngoài vườn vào đây. Cháu đã đỡ chưa?
An nhìn về phía nôi con, thở dài đáp:
- Phía sau lưng đã khô, nhưng cánh tay lại lầy trở lại. Chị chẳng còn phải biết làm sao nữa. Biết sinh nó ra đời khổ thế này, thà... Lãng vội nói:
- Rồi nó sẽ khỏi thôi. Chị đừng chán nản. Ủa, sao hai bàn tay cháu phải buộc vải vậy? Lại lở ở mấy kẻ tay à?
An cười gượng gạo, nói:
- Không phải đau. Chị buộc chặt, không nó gãi sước cả mình mẩy.
- Hôm nay nó ngủ có vẻ say đấy chứ!
- Nhờ cái lưng đã bắt đầu lành đấy. Mấy hôm trước nó trăn trở, trông thấy tội nghiệp đến phát khóc.
Rồi nhìn về phía chồng, An nói:
- Thế mà anh Lợi định bỏ chị để vào nam với em đấy.
Lãng thành thực bảo:
- Chị khỏi lo. Chuyến này anh Lợi khỏi phải đi. Anh biết rồi chứ anh Lợi?
Vì tự ái, Lợi đáp rối:
- Vâng, biết rồi!
Lãng nói tiếp:
- Em nghe anh Huệ nói với anh Lữ nên giữ một người giỏi tổ chức quân lương lại Qui Nhơn để chuẩn bị tiếp lương khi cần. Mục tiêu trận này có vẻ lớn, nên thời gian sẽ kéo dài, có thể là nửa năm, một năm. Xong việc mới được về!
An lo lắng hỏi:
- Chắc là phải gặp nhiều nguy hiểm lắm nhỉ?
Lợi nói:
- Nghĩ như em thì chỉ nên đốt hết gươm giáo cho quân nằm nghĩ trong xó nhà.
An hăng hái nói:
- Vâng. Nếu có quyền, em sẽ làm như vậy. Em chẳng hiểu có gì thú vị trong chuyện chém giết mà đàn ông các anh say mê đến thế. Mới đẻ ra là đã say đấu đá nhau rồi. Làm đàn bà thời loạn thật khổ. Ai cùng thành chinh phụ ôm con chờ chồng đến hóa đá.
Lợi càu nhàu:
- Nói thế mà nghe được!
Lãng muốn hòa giải cho anh chị, cười bảo:
- Nhưng anh Lợi đã ở lại đây, chị trách móc cả bọn đàn ông làm gì nữa.
Giọng An gay gắt và hốt hoảng:
- Anh Lợi ở lại, nhưng Lãng đi, anh...
An kịp dừng lại, liếc về phía chồng lo ngại. Lợi vẫn cúi mặt ngắm ngía mấy ngón tay ốm của mình, nét mặt buồn hiu. Lãng nói:
- Không hiểu sao em cứ nghĩ là chuyến này, thế nào em cũng được gặp anh Chinh. Tính anh ấy, em biết. Chắc bên trong có điều éo le gì đó, chứ anh Chinh không phải là con người phản trắc. Thế nào anh ấy cũng được ta giải thoát, trở về với gia đình. Chị có tin như thế không?
An không trả lời, vì nghĩ Lãng quá mơ mộng, không chịu nhìn thẳng vào thực tế đau lòng.
°

*

Mấy hôm ông giáo bị bệnh, Kiên có đến thăm cha. Căn nhà nấp sau vườn cây rậm vốn đã lặng lẽ, bây giờ lặng lẽ thêm. Ở căn trước cửa ngõ đóng kín nên bên trong tối om, ông giáo nằm rên hừ hừ. Mùi thuốc bắc xông lên từ lò siêu tỏa khắp phòng. Căn dưới thì An ôm con canh giấc cho thằng bé, lâu lâu tủi thân thút thít khóc. Chị vú bỏ về sau một trận cãi vã với chủ, nên dưới bếp hai đứa ở gái xì xầm nói chuyện với nhau, sợ làm động đến sự yên tĩnh thê lương đè nặng lên khắp nhà.
Kiên hỏi thăm sức khỏe cha, rồi ngồi im bên cái phản gõ không biết nói gì thêm, anh muốn ra về nhưng sợ làm như vậy tình cha con có vẻ nhạt nhẽo quá.
Ông giáo cũng muốn hỏi thăm con vài điều. Nhưng hỏi Kiên gì đây? Chẳng lẽ hỏi thăm về mấy đứa trẻ không phải cháu nội của mình, hoặc hỏi về tình hình làm ăn ở cái quán rượu? Kiên nói qua công việc của mình ở kho quân lương, và cuộc chuẩn bị tiến công Gia Định sắp tới. Lại thêm một đề tài ông giáo không muốn nghe ai nhắc đến!
Ông giáo vừa mệt vừa khó chịu muốn nằm yên một mình nên bảo Kiên:
- Con xuống thăm mẹ con con An một chút. Thằng bé bệnh hoạn quá, đêm nào cũng khóc i ỉ.
Kiên chúc cha mau bình phục, rồi xuống căn nhà dưới. An thấy anh tới, tự nhiên bật khóc. Kiên hỏi:
- Cháu đã đỡ chưa?
An vừa thút thít vừa đáp:
- Nó khô chỗ này lại lầy ở chỗ khác. Em chẳng biết phải làm sao nữa.
- Sao không bảo thằng Lợi nó mời thầy về xem thử.
An chua chát đáp:
- Ấy, hai ba ông rồi đấy. Ông thì bảo tại nhiệt. Ông thì bảo tại sữa em xấu. Ông thì bảo anh Lợi có gốc phong.
Kiên nhìn quanh rồi hỏi:
- Lợi chưa về à?
- Chưa anh ạ. Thường thường khoảng xế anh ấy mới về nhà.
Kiên cười ra vẻ nhạo báng:
- Nó có ngồi yên một chỗ được đâu. Chạy hết chỗ này đến chỗ khác.
An chợt nhớ Kiên làm một chỗ với chồng vội hỏi:
- Ủa, anh đã về sao Lợi chưa về?
Kiên cũng kinh ngạc và bồn chồn. Anh nói:
- Anh cũng hẹn chú ấy ở đây mà. Chú ấy bảo anh cứ về trước, chú ấy đi có chút việc rồi về liền.
An lo lắng hỏi:
- Có việc gì gấp không anh?
Lúc đó thằng bé giật mình thức dậy, i ỉ khóc. An rung rung hai tay để ru con, giọng hát buồn rười rượi. À ơi. Một mai ai chớ bỏ ai. À ơi. Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim. Ngủ đi con. Có mẹ đây. À ơi... Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy. À ơi... Ngọn núi bạc đầu vì bởi sương sa. À ơi... Anh cần gặp anh Lợi gấp không? Có chuyện gì thế? À ơi... Có mẹ đây...
Kiên không chờ cho An ru con xong, vội vã bảo:
- Chắc anh không đợi được. Ở nhà đông khách, không có người lớn bọn chúng nó uống quịt hết. Lợi về em hỏi xem vụ bánh tráng đã đến đâu rồi. Người ta muốn biết gấp để còn liệu.
An tò mò hỏi:
- Vụ bánh tráng nào thế, anh?
Kiên do dự, nhưng thấy em khẩn khoản muốn biết nên chậm rãi giải thích:
- Có gì đâu. Để quân lính tiện ăn đường khỏi mất công nấu nướng, mình dùng gạo rang hoặc bánh tráng. Trong hai thứ, quân lính thích ăn bánh tráng hơn, cho nên bên quân lương giao gạo cho các lò làm bánh tráng thật nhiều. Lò họ kiếm được nhiều lời trong vụ này lắm. Có một chỗ quen biết cũ với má con Út nhờ anh nói giùm với chú Lợi một tiếng. Chả là chú Lợi lo việc này mà. Họ bảo người ta sao thì họ cũng chịu vậy, không quên ơn chú ấy đâu. Có chó sủa? Hay chú Lợi về?
An cũng thắc mắc nói:
- Chắc không phải anh Lợi. Anh ấy về chó chỉ hực chứ không sủa. À ơi. Có mẹ đây, con ngoan. Có mẹ đây. À ơi. Hòn đá đóng rong... Anh ra mở cổng giùm em xem có phải khách lạ không? Kiên ra cổng thấy lố nhố nhiều lính mang gươm giáo. Anh sợ quá, đến lúc nhận ra Lãng và Huệ ở trước cửa cổng Kiên mới yên tâm hơn một chút. L ãng thấy anh, lên tiếng trước:
- Anh mở giùm cổng. Có anh Huệ đến thăm cha.
Tuy quá quen biết Huệ nhưng trước một người trẻ tuổi giữ chức vụ lớn trực tiếp điều khiển mình, Kiên vẫn đâm lúng túng. Anh lật bật mãi mới mở được then cửa.
Kiên hơi nghiêng người ra trước, lễ phép nói:
- Mời... mời ông Phụ chính vào ạ!
Huệ đã quen với thái độ khúm núm của kẻ khác đối với mình nhưng vẫn ngỡ ngàng trước thái độ của Kiên. Huệ cười nhỏ, thân mật hỏi:
- Thầy có mệt nặng lắm không anh?
Lãng đi sau lưng Huệ nói:
- Nghe em báo cha mệt không ngồi dậy được, anh Huệ vội đến thăm cha. Để em vào mở cửa lớn đã.
Huệ vội đưa tay ngăn lại:
- Thôi. Đừng mở cửa, sợ gió.
Rồi quay về phía toán lính hầu, Huệ ra lệnh:
- Các anh ở ngoài cổng được rồi:
Lãng và Kiên dẫn Huệ vào phòng cha theo lối cửa hông. Ông giáo nghe có nhiều tiếng chân bước và tiếng xì xầm, lên tiếng hỏi:
- Ai thế con?
Huệ run run giọng đáp:
- Thưa thầy, con đây.
Sợ ông giáo chưa hiểu, Huệ nói thêm:
- Thưa thầy con là Huệ. Thầy mệt lắm không ạ?
Căn phòng quá tối nên Huệ chỉ thấy chỗ thầy nằm nhờ tiếng ông giáo hỏi, chứ không phân biệt được sắc diện người bệnh. Ông giáo vội choàng ngồi dậy, thảng thốt hỏi:
- Anh Huệ à? Trời ơi! Sao anh biết tôi bệnh mà đến thăm. Kiên đâu rồi? Thắp đèn lên cho sáng đi!
Lãng mang cây đèn dầu lạc lên kịp lúc. Huệ đến ngồi trên cái ghế ngay bên cạnh phản thầy giáo. Anh cầm lấy cổ tay ốm của thầy, xúc động nói:
- Xin thầy cứ nằm xuống cho khỏe.
Ông giáo hân hoan bảo:
- Không sao! Tôi ngồi được mà. Làm sao anh nghe tin tôi ốm?
Huệ thấy đôi mắt thầy vẫn long lanh linh hoạt như xưa, nhưng khuôn mặt hóp lại, hoàn toàn trở thành một cụ già ốm yếu. Huệ trìu mến nhìn thầy, đáp nhỏ:
- Con nghe Lãng nói. Lâu quá con không đến thăm thầy, thật có lỗi. Dễ chừng đã gần hai năm rồi!
Ông giáo ngậm ngùi đáp:
- Phải. Gần hai năm. Từ ngày đám cưới con An...
Ông chỉ nói được đến đó, rồi ái ngại nhìn Huệ. Hai thầy trò cũng nhìn nhau và cùng hiểu những gì cả hai đang nghĩ, nên lòng họ lâng lâng buồn. Sau một lúc im lặng, ông giáo cố giằng xúc động nói:
- Nhưng nhờ em Lãng, tôi vẫn biết được tin tức anh. Tôi theo dõi được từng bước anh đi, anh Huệ ạ!
Huệ quay lại tìm Lãng, muốn cảm ơn người thư ký thân cận của mình, nhưng có lẽ hai anh em Kiên, Lãng tế nhị hiểu tình quyến luyến đặc biệt giữa hai thầy trò, nên đã ra khỏi phòng. Huệ yên tâm hơn, thưa với ông giáo:
- Thầy có phiền trách con điều gì không?
Ông giáo ngần ngừ một lúc, rồi đáp:
- Tôi lo âu và hãnh diện vì anh.
Huệ buồn rầu nói:
- Như vậy là con đã làm cho thầy buồn.
Ông giáo vội bảo:
- Không hẳn thế đâu! Tôi như một ông cha lẩm cẩm, con đã khôn lớn mà cứ tưởng nó còn chập chững, sợ sệt lo âu nó vấp ngã trên đường đời. Nằm trong cái xó bệnh này tôi đâu có biết anh đã vững chãi, mạnh bạo biết bao! Anh đã trở thành trụ cột cho Tây Sơn rồi!
Huệ bối rối nói:
- Thầy thương con nên dạy quá lời! Không có anh cả con xếp đặt mọi sự, thì...
Ông giáo ngắt lời học trò:
- Không. Tôi không nói quá lời đâu. Từ thời An Thái tôi đã tự nhủ nếu mai sau trong đám học trò lẫn con cái tôi, có ai làm nên nghiệp lớn, thì người đó chắc chắn là anh. Còn những mưu chước nhất thời hoặc những trò lừa đảo cướp bóc, thì không kể làm gì! Vì vậy có lần tôi nhắc anh hãy nghĩ đến lũ trẻ thơ và những người già cả bệnh hoạn như tôi hiện nay, khi muốn phá cái nhà dột nát để xây ngôi nhà mới.
Huệ suy nghĩ một lúc, rồi nói:
- Con sợ đến một lúc bão lớn quá...
Nói đến đó, Huệ ngập ngừng, rồi không tiếp lời nữa, ông giáo nín thở chờ đợi câu trả lời của Huệ, chờ mãi không nghe học trò nói tiếp, nên ông nổi con ho. Huệ lo âu hỏi:
- Thầy có mệt không? Hay con đỡ cho thầy nằm xuống.
Ông giáo lắc đầu nhưng cơn ho cứ dai dẳng. Huệ vội đứng dậy đến cuối phản lấy gối và chăn kê cao rồi đỡ vai ông giáo để thầy nằm dựa lên chồng gối chăn cao đó. Anh rót nước ra cái chén con bưng đến mời thầy. Nước nóng giúp ông giáo đỡ ngứa ở cổ họng. Cơn ho thưa thớt dần. Huệ ân cần hỏi:
- Lãng có mời thầy thuốc về xem bệnh cho thầy chưa ạ?
Ông giáo gật đầu:
- Hay để con mời ông thầy vẫn chữa bệnh cho anh con đến đây xem mạch cho thầy. Mai con bảo ông ấy đến, thầy nhé?
Ông giáo lắc đầu, môi mím lại cố dằn cơn ho sót. Huệ bưng mời ông giáo chén nước khác. Trong lúc lóng cóng vì mệt nhọc, ông giáo để nước đổ cả lên phản gỗ. Huệ xin lỗi:
- Con vô ý quá. Đáng lẽ phải bưng cho thầy.
Ông giáo đã khỏe hơn, nhìn Huệ trìu mến, rồi hỏi:
- Nghe nói anh sắp vào Gia Định?
Huệ ngước lên nhìn thầy, rồi đáp khẽ:
- Dạ. Con sắp đi nam.
Ông giáo cố lấy hết tự tin để nói điều muốn nói, nhưng ông e ngại. Ông nói trớ sang chuyện khác:
- Mong anh được bình yên như kỳ anh Lữ.
Huệ đáp:
- Cảm ơn thầy. Chuyến này có Lãng cùng đi với con đấy.
- Tôi đã biết rồi. Nó đã khá hơn trước nên tôi bớt lo cho nó. Vả lại còn có anh nữa. Anh Huệ này!
Huệ biết thầy có điều khó khăn muốn nói với mình nhưng còn e ngại, nên nói:
- Thưa, thầy cần con điều gì ạ? Con sẽ hết sức cố gắng. Ông giáo ngần ngại, rồi nói:
- Nếu trời còn thương tôi xin cho anh gặp được thằng Chinh, thì xin anh...
Huệ hiểu ngay ý thầy, vội nói:
- Dạ. Chắc bên trong còn nhiều điều phức tạp. Con sẽ gắng bảo bọc mạng sống của anh ấy. Chỉ sợ...
Ông giáo không muốn dừng lại ở nửa chừng, nên cướp lời Huệ, nói luôn một mạch:
- Tôi còn mong một điều khó hơn nữa, anh đừng vội chê tôi lẩm cẩm mà tội nghiệp. Tôi biết chuyến này, vào tận chỗ ẩn náu của dòng họ Nguyễn Gia Miêu, thế nào máu cũng đổ đầy sông đầy rạch của đất Gia Định. Đối với thân thuộc của chúa, đối với chính nhà chúa, anh nên...
Huệ vội nói với ông giáo:
- Con hiểu ý thầy. Con hiểu lòng thành của thầy. Nhưng có những cơn bão lớn còn mạnh hơn cả lòng thầy, lòng con nữa. Như lần con thưa với thầy về chuyện những kẻ không nhà...
Huệ cố lắm chỉ nói được có thế. Ông giáo hoang mang, cúi đầu im lặng không nói gì.
Lãng vào phòng bắt gặp hai thầy trò ngồi lặng như thế trong vùng ánh đèn lù mù, ngơ ngẩn không hiểu gì. Anh đằng hắng báo hiệu rồi mới rụt rè thưa với ông giáo:
- Thưa cha, anh Kiên xin phép về.
Huệ tìm được cơ hội tốt để thoát khỏi tình thế khó xử, vội đứng dậy nói:
- Thưa thầy, con cũng xin phép về thôi. Chúc thầy chóng bình phục.
Ông giáo đáp, giọng còn buồn buồn:
- Cảm ơn anh. Anh đi bình yên nhé!
Huệ ra khỏi căn phòng bệnh, tự nhiên cảm giác nặng nề giảm bớt. Lãng hỏi:
- Anh ở lại chơi tí đã?
Huệ còn đang ngần ngừ, thì tiếng trẻ con khóc từ phía nhà dưới tới. Thấy Huệ chăm chú lắng nghe, Lãng giải thích xa xôi:
- Thằng bé con chị An nó bị lở khắp mình, khóc không ra hơi nữa. Tội nghiệp, cả đêm ôm con không dám chợp mắt.
Huệ lúng túng chưa biết nên về hay nên ở. Thằng bé vẫn tiếp tục khóc. Huệ mím môi suy nghĩ, rồi bảo Lãng:
- Lãng dẫn cho tôi thăm cháu một chút!
°

*

An vừa vội vã đặt con xuống giường, thay cho chính mình bộ quần áo sạch màu hồng, trở lại ẵm con dỗ cho nó nín, thì đã nghe tiếng chân bước gần đến cửa phòng. Lãng đứng ở ngoài nói to cho An kịp chuẩn bị:
- Có anh Huệ đến thăm cháu đấy chị!
An vừa hồi hộp vừa xấu hổ, ôm chặt lấy con đứng dậy, quay mặt ra cửa chờ khách vào.
Chị thấy Huệ khác trước nhiều.
An nhận thấy nét mặt Huệ đậm lại, sắc sảo hơn. Mái tóc quăn vẫn phủ chéo trên cái trán cao. Nước da ngăm ngăm rắn rỏi như trước. Vẫn cái nhìn vừa thao thức tra hỏi vừa khinh ngạc diễu cợt. Nhưng rõ ràng khuôn mặt ấy đã mất hẳn nét đầy đặn phơi phới của tuổi niên thiếu. Dưới hàng lông mày rậm, hai hốc mắt sâu xuống. Gò má xương xương. Đôi môi mỉm cười cố tỏ sự thông cảm chào đón nhưng ở hình ảnh môi dưới trề ra mím bớt môi trên, có phảng phất cái gì chua chát thất vọng.
An vội nghĩ sự biến đổi già dặn ấy do cả ở mình, nên càng bối rối hơn. Chị ôm chặt thằng bé vào lòng, như cố tìm một chỗ núp, một chỗ bám víu. Huệ đến gần bên An, cúi xuống nhìn thằng bé xanh rướt bệnh hoạn trong tay người bạn gái, lòng thực sự thương xót và ái ngại. Anh hỏi:
- Nghe Lãng bảo cháu nó không ngủ được. Tội nghiệp, trông nó tiều tụy quá.
An có cảm tưởng Huệ nói đến mình hơn là nói đến con. Mặt chị nóng bừng, mắt bắt đầu đỏ, ướt. Môi trên của chị tê dại, run run. Chị muốn nói gì đó nhưng cổ nghẹn lại. Huệ tiếp:
- Lâu nay An có được khỏe không?
An nuốt nước bọt trước khi đáp:
- Cảm... cảm ơn anh. Cháu nó đau yếu luôn, nên tôi... nên tôi...
Huệ vội vàng nói:
- Phải. An mất ngủ nhiều nên có ốm đi.
An nói trước những gì chị sợ Huệ sẽ nói:
- Chắc bây giờ tôi chẳng khác nào là một bà già. May có Lãng, nếu không, anh không nhận ra tôi đâu!
Huệ ái ngại nhìn An, bảo:
- An nói quá. An vẫn không khác xưa bao nhiêu đâu! Có gia đình, lo lắng nhiều nên mắt hơi buồn, thế thôi!
Tuy biết Huệ nói dối nhưng An vẫn đỏ mặt vì hân hoan. Nhờ thế chị lấy lại được bình tĩnh. An nhìn thẳng vào mặt Huệ (đến lúc đó An mới dám nhìn thẳng vào mặt Huệ) và hỏi:
- Chừng nào anh đi?
Huệ nhớ lại những lần trước An từng hỏi mình câu ấy, bao nhiêu kỷ niệm cũ dồn dập hiện về. Bằng một giọng đùa nghịch lâu nay Huệ ít dùng, anh hỏi lại:
- Chắc An mong tôi đi xa lắm nhỉ?
An vội cãi lại:
- Không phải. Tại sao anh nói thế! Tôi nghe Lãng bảo chuyến này sẽ khá lâu, có thể hàng năm.
Huệ gật gù, mỉm cười đáp:
- Có lẽ không đến nỗi lâu thế đâu.
Rồi tự thấy đứng nói chuyện như thế này thật bất tiện, Huệ giả vờ nhìn quanh tìm kiếm, và hỏi:
- Anh Lợi chưa về à?
An đáp:
- Thường anh ấy về muộn.
Huệ mỉm cười định nói gì, nhưng lại thôi. Cuối cùng Huệ bảo:
- Tôi cũng bị cái tật về muộn mất! Thôi, ghé thăm thầy và An xong, tôi phải về đây. Cháu thức dậy kia rồi!
An ru nho nhỏ cho con ngủ lại, nên lúc Huệ cúi chào từ biệt, chị không trả lời được. Ra khỏi phòng, anh còn nghe giọng An run run ru con: À ơi. Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy. Ngọn núi bạc đầu vì bởi sương sa...À ơi. Em gặp anh đây chẳng dám nói ra... À ơi... Sợ mẹ bằng đất à ơi sợ cha bằng trời... À ơi!